Tôi gọi bác là bác Cả, vì bác là anh cả của bố tôi. Tôi gặp bác lần đầu khi tôi lên bốn, ngày ấy bác nhớ bố tôi nên bắt xe vào miền nam thăm em trai. Tính bác khoái trẻ con, nhưng bọn trẻ con chúng tôi thì sợ bác lắm. Vì bác không có tay phải. Bố tôi bảo không phải sợ bác, vì cánh tay ấy bác đã gửi lại Hà Giang hồi chiến tranh biên giới phía bắc để đổi cho tôi thanh bình bây giờ. Tôi chưa biết chiến tranh là gì, tôi chỉ cảm thấy sợ vết sẹo bỏng ăn một phần ba khuôn mặt và cái tay áo phất phơ. Thế rồi có một ngày bác thấy tôi cứ đứng mãi ở cửa tiệm tạp hóa nhìn cái hộp nhựa trong đựng bánh quy, vì ngày ấy tôi không bao giờ dám vòi bố mẹ mua cho cái bánh ở cửa hàng tạp hóa, đồng lương còm của giáo viên thuở ấy chỉ đủ cho gia đình tôi chạy ăn từng ngày. Vậy nên bác giấu bố mua cho tôi hai cái bánh, từ đó tôi quý bác ngay lập tức, đúng là trẻ con thật dễ dụ. Có hôm tôi đòi bác bế cả buổi không chịu xuống, mẹ thấy thế liền rầy tôi:
– Con xuống đi không lại mỏi tay bác!
Bác cười khà khà:
– Ôi dào không hề gì, thằng nhóc này làm sao mà nặng bằng súng.
Có hôm mấy đứa nhóc hàng xóm qua nhà rủ tôi đi chơi thấy bác đang bế tôi, thế là cả lũ ù té chạy. Mấy bữa sau chúng chẳng thèm cho tôi chơi chung nữa, bảo tôi có một ông bác dị dạng xấu xí. Tôi đâm quạu với bác, không cho bác bế cũng không thèm bánh bác mua nữa. Trí nhớ con trẻ của tôi về ngày ấy không còn rõ ràng, nhưng tôi nghĩ hẳn bác buồn lắm. Mấy ngày sau bác lại về ngoài quê, tôi dùng dằng nằm trong chăn không ra tiễn mặc mẹ tôi la rầy. Không hiểu sao lúc ấy trong lòng tôi cứ có cái gì đó khó chịu lắm…
Năm tôi lên mười bác lại vào nam thăm gia đình tôi. Thiếu chút nữa là tôi đã không nhận ra bác. Bác già đi nhiều lắm, mái tóc đã bạc trắng và gầy trơ xương. Chỉ có vết sẹo trên mặt, cánh tay áo phất phơ và nụ cười hiền là vẫn còn nguyên. Bác mua cho tôi một hộp bánh quy và một gói kẹo lạc, nhưng tôi đã qua cái thời mê kẹo ngọt, bánh quy, đổi lại tôi lại thích nghe bác kể chuyện về thời niên thiếu. Những câu chuyện của bác như đưa tôi lạc vào thế giới cố tích của cô Tấm ngày xưa, với cây đa, giếng nước, mái đình, với tiếng sáo diều vi vu và những buổi trưa hè tắm sông Đáy. Tất cả đều lạ lẫm với trẻ con thành thị như tôi. Bác còn dạy tôi bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của nhà thơ Tế Hanh mà đến ngày hôm nay tôi vẫn còn thuộc lòng từng chữ, dạy tôi hát bài “Hà Nam đất mẹ anh hùng” của nhạc sĩ Nguyễn Tiến để không quên quê cha đất tổ. Có hôm bác kể chuyện bác lén nhà đăng ký nhập ngũ, ông nội biết chuyện chỉ im lặng còn bà nội khóc như mưa, bà sợ bác cũng đi rồi không trở về như anh trai của bà trong thời kháng chiến chống Mỹ. Bác bảo năm ấy là năm bẩy mươi tám, bác vừa mới tròn hai mươi (cái tuổi mà Tố Hữu bảo rằng “Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa!/ Hai mươi tuổi mới qua vòng thơ bé”). Bác bảo bà nội rằng: “Đất nước gọi rồi thì con phải đi thôi. Con đi giữ đất để thằng em con còn được đi học. Khi nào con về mẹ nhớ nấu cho con bát canh cua rau rút”. Lúc ấy bác nghĩ đơn giản lắm, tưởng chỉ đi dăm bảy tháng hay một năm là về, chẳng ngờ đến mười năm sau bác mới lại được húp chén canh cua rau rút mà mẹ nấu. Bác bảo:
– Bác còn may lắm! Cả làng đi tám người, chỉ có bác và một người nữa trở thành thương binh, sáu người còn lại còn chưa tìm thấy xác.
Tôi hỏi bác:
– Thế lúc ấy bác đánh nhau với ai? Lúc đấy hòa bình rồi cơ mà, thống nhất đất nước rồi cơ mà!
Bác im lặng một lúc rồi cười buồn:
– Đất nước mình đã bao giờ bình an đâu cháu. Đã bao giờ mấy nước to to chưa thôi hy vọng nuốt sống nước mình đâu?
Bác còn kể tôi nghe ngày bác mới đến đóng quân còn tranh nhau với bạn mấy quả bắp ngô, mấy quả trứng mà đồng bào đem cho. Rồi lúc rảnh cả lũ còn rủ nhau đi chợ phiên, học thổi khèn, làm diều,… Thế rồi mấy tháng sau đạn pháo địch bắt đầu nã sang bên ta, cũng là lúc bác phải bắt đầu vác xẻng chôn từng người đồng chí xuống đất lạnh.
Tôi mở sách giáo khoa lịch sử để bác chỉ cho tôi trận đánh mà bác đã để lại một phần cơ thể. Không có! Bác bảo đất ấy là đất Vị Xuyên ở tỉnh Hà Giang, trận đánh ấy trong chiến tranh biên giới phía bắc. Nhưng tôi vẫn không tìm thấy gì ngoài vài dòng chữ ghi nhận rằng đã từng có một cuộc chiến tranh như thế.
Năm tôi lên mười sáu, bác mất. Lúc ấy tôi đang ôn thi học sinh giỏi cấp quốc gia môn Văn ở trên tỉnh, bố sợ tôi buồn sẽ ảnh hưởng đến việc học nên giấu không cho tôi hay. Đến tận hai tháng sau tôi mới nghe tin. Bố bảo bác bị tai biến não, lại sống một mình nên đi trong đêm mà không ai biết.
– Bác yêu trẻ con lắm, nhưng mà trẻ con thấy bác lại sợ, bác lại không con cháu nên buồn lắm. Ngày trước bác đẹp trai nhất làng, lại khỏe và khéo tay nên lắm cô theo đuổi đứ đừ. Thế rồi khi bác trở về thì không cô nào thèm nhìn tới nữa… Bố còn nhớ như in ngày bác về làng sau mười năm bom đạn, mọi người trong làng cũng chỉ qua hỏi thăm một chút rồi về. Không có tiệc chào đón, không có tiếng vỗ tay hay tung hô, không một tấm huân chương hay bằng khen hay một lời tán dương nào cả. Thanh niên vác ba lô lên đường ra mặt trận rồi mang thương tích trở về ngày đó đâu còn là điều lạ của làng mình…
Bố tôi trầm ngâm một chút rồi kể tiếp (đến giờ nghĩ lại tôi không biết là bố đang kể cho tôi hay kể cho chính mình nghe):
– Có thời gian bác lên Hà Nội đạp xích lô. Nhưng mà bác có mỗi một tay, chẳng ai thuê bác đạp, được mấy bữa thì người ta không cho bác chạy xích lô nữa vì sợ không đảm bảo an toàn. Thế rồi bác về quê làm “thợ đụng”. Là đụng gì làm đó, ai thuê gì làm đó. Được bao nhiêu trợ cấp bác lại đem cho mấy bà cụ trong làng có con là liệt sĩ nhập ngũ cùng với bác dạo trước, hoặc là đem quyên góp cho nhóm đi tìm hài cốt của hội cựu chiến binh. Sau không ai thuê bác nữa thì bác ra sông câu cá đem ra chợ bán. Có lúc bố gửi tiền ra quê thì bác lại gửi trả về vì “đi dạy có mấy đồng bạc để dành lo cho thằng cu ăn học”…
Tôi lặng người… Bài văn viết về bác của tôi đạt giải Nhì cuộc thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh mà tôi định khoe với bác nằm im trong cặp.
Dương Hà (8 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 1269
Cảm ơn bạn nhiều vì đã ủng hộ mình nhé ^^
Dương Hà (8 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 1269
Cảm ơn bạn nhiều. Mình còn phải cố nhiều hì hì
Xoài Xanh (8 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 4061
Bài văn rất hay
Xanh (8 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1135
Thật sự rất yêu bác <3