- [Bài Dự Thi] Review tác phẩm Người con gái tôi yêu.
- Tác giả: Tee
- Thể loại:
- Nguồn: vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 2.827 · Số từ: 2896
- Bình luận: 6 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 3 Tee Xanh Hoàng Dương
.
Bản review tác phẩm của Hội Bình Văn
I/ Giới thiệu chung:
1. Tác phẩm: Người Con Gái Tôi Yêu.
2. Tác giả: Hoàng Dương.
3. Link truyện: https://vnkings.com/nguoi-con-gai-toi-yeu.html
4. Tóm tắt câu chuyện: Phong, một chàng trai nhút nhát nhưng học giỏi, nhảy cũng giỏi, đặc biệt là breakdance. Cũng chính nhờ tài năng đó, đã gặp được cô nàng quậy phá tên Yến ở lớp 12A1. Cả hai đã có một cuộc tỷ thí vô cùng gay cấn và náo nhiệt đến nỗi bị mời lên phòng hội đồng và bị hạ hạnh kiểm. Nhưng cũng từ đó, Phong phát hiện ra đằng sau vẻ quậy phá của cô tiểu thư xinh đẹp lại là một nỗi buồn sâu thẳm. Cậu tự thấy mình rất cô đơn và nhận ra Yến cũng vậy. Và giờ đây, khi những cảm xúc ngây ngô của Phong bắt đầu chớm nở hoa khi Yến bỗng thổ lộ bằng một nụ hôn bất ngờ, cuộc đời cậu một lần nữa chìm vào bóng tối với trận đòn nhừ tử của bố. Bên cạnh đó, những khó khăn sau đớn đau đã phơi bày nỗi buồn sâu thẳm của Yến với Phong, một bí mật kín đáo của cô bạn ngỗ nghịch này.
II/ Tổng quan:
– Điểm sáng, đặc trưng của tác phẩm: Tác phẩm rất hay, nhẹ nhàng, chưa thực sự ý nghĩa. Tác phẩm đã thể hiện một cái nhìn chân thực về tình yêu học trò của cặp đôi Phong và Yến. Đồng thời, cũng phô bày chất văn mượt mà của tác giả hay cụ thể ở đây là của bạn Hoàng Dương.
– Lỗi hình thức đáng chú ý:
+ Một số lỗi chính tả cần lưu ý:
VD: nhưng trận đòn roi (chương 2), ủ rủ (chương 2), cáng đáng (chương 3), thiết mục đơn ca (chương 4), lãng mạng (chương 4), sắc xảo (chương 4), bạo dạng (chương 4), trăng trở (chương 6).
+ Thêm một điểm đáng chú ý là cách trình bày lời thoại của bạn. Đối với lời thoại, bạn nên trình bày có dấu gạch ngang đằng trước mỗi lượt lời hoặc cho các câu hội thoại vào trong ngoặc kép. Đó là quy tắc câu thoại đã được nêu trong hướng dẫn của web, bạn cần đọc kĩ để tránh sai sót.
– Đọc tác phẩm, có một số chỗ mình cảm thấy cách viết của bạn có vẻ khá thô. Nguyên nhân chủ yếu là do cách dùng từ của bạn và cũng còn do nhiều nguyên nhân khác. Mình đã chỉ ra và gợi ý cho bạn ở dưới đây:
“Đang rầu rĩ ngắm những hạt mưa rơi ngoài cửa sổ, bỗng nhiên tôi bị một con nhỏ nắm lấy cổ áo và lôi ra khỏi lớp.” (Ở đây cần cho thấy Yến nắm lấy cổ áo Phong như thế nào? Lôi ra khỏi lớp ra sao?)
“Chắc là vì ở cái xứ rú rồ này […]” (rú rồ thực chất không có nghĩa, bạn xem xét lại hoặc xóa đi, hoặc thay thế bằng từ khác)
“Hai đứa bước đi, bóng tôi đè lên bóng em, nhưng […]” (đè nghe có vẻ nặng nề quá, bạn có thể sửa thành bóng tôi như hòa vào bóng em chẳng hạn)
“Chắc là cô nàng đã cảm thấy ngại ngùng với hành động vừa rồi.” (ở đây không nên dùng từ đã vì đã có trạng từ thể hiện thời gian là vừa rồi, nếu đọc lại câu văn sẽ thấy khá kì cục và có vẻ thừa)
“- Con nhỏ nào vậy Phong?
– Bạn con thôi mà ba.”
(Phong là một người khá hiếu thảo nên lời thoại này không phù hợp. Làm sao cậu lại dám giấu ba chuyện vừa xảy ra trước mắt được? Một người nhút nhát không thể mặt dày như thế. Bạn có thể để Phong im lặng trong trường hợp này.)
“- Con nhỏ nào vậy Phong?
– Bạn con thôi mà ba.
– Phải chọn bạn mà chơi chứ! Cái loại hư hỏng phá làng phá xóm ấy thì dây dưa vào để làm gì hả?”
(Bố của Phong mới gặp Yến lần đầu thì làm sao có thể nhận xét Yến là loại hư hỏng phá làng phá xóm như trong tác phẩm. Chỉ là một nụ hôn, lại là con gái, sống trong nhà giàu, đúng ra ông phải có cái nhìn của một người thực sự nghèo khó chứ không chỉ trích Yến như vậy, điều này cho thấy điều gì trong tính cách của ông?)
“Tôi diễn áp chót, chắc là để khán giả nán lại […]”
(Sao Phong biết người khác đến nhiều là mong chờ màn trình diễn của cậu, sao cậ có thể tự tin khẳng định rằng, cậu diễn áp chót để khán giả nán lại?)
– Hình ảnh trong tác phẩm của bạn giống như một bức tranh không màu vậy. Bạn tập trung vẽ ra những nhân vật, những tình tiết, những biểu cảm mà cuối cùng lại quên tô màu bằng miêu tả thì nó chưa thể là một bức tranh.
III/ Nội dung:
1. Về tác phẩm:
– Tình tiết ly kì, hấp dẫn. Vừa giống như nghiêng về kể lại những tình tiết quen thuộc trên phim truyện, sách báo, giúp câu chuyện dễ tiếp cận được người đọc, song vừa giống như kể lại câu chuyện riêng của bản thân tác giả với những suy nghĩ, tình cảm rất thực tế nhưng cũng không kém phần mơ mộng.
– Tác giả biết cách dẫn dắt người đọc từ tình huống này sang tình huống khác. Cẩn thận chen cảm xúc vào từng câu văn khiến mạch văn không bị lủng củng, gượng gạo vì bị viết chen vào mà ngược lại còn rất tự nhiên, giống như mọi việc không hề được sắp đặt trước mà cứ thể diễn ra. Bạn kể theo ngôi thứ nhất giúp bản thân có thể bộc lộ rõ những suy nghĩ cảm nhận của nhân vật Phong. Đồng thời, cũng có những chi tiết miêu tả rất ấn tượng nhờ vào các phép so sánh hợp lí.
– Hình ảnh rõ nét, đầy đủ nhưng chưa hoàn chỉnh. Sắp xếp trình tự hơi loanh quanh.
– Thể hiện được những rắc rối, khó khăn cũng như những cảm xúc sâu thẳm trong tâm hồn của Phong và Yến như một hình mẫu của lứa học sinh thời hiện đại. Cũng là tình yêu học đường, dù bề ngoài trông có vẻ đáng yêu, trong sáng, ngây thơ là thế nhưng thực chất lại mệt mỏi, chông gai và đầy rào cản.
2. Về nhân vật:
– Tính cách:
+ Phong (nhân vật chính): rụt rè, nhút nhát nhưng chỉ cần có được sự động viên từ mọi người sẽ trở nên rất tự tin. Là một con “mọt sách”, đồng thời, là đứa con hiếu thảo, cô độc và đáng thương. Tác giả đă chứng minh được các đứa tính này của Phong qua các chi tiết khác nhau: học giỏi, điểm thi cao; việc cậu phụ giúp ba những công việc mình có thể để giúp hai chị học đại học; việc gia đình đã có cháu đích tôn nên không được quan tâm, thường bị bỏ bê; việc cậu là người luôn bị đánh và thậm chí bị ngăn cản đến với đam mê breakdance.
+ Yến (nhân vật chính) là kiểu nhân vật rất quen thuộc trong truyện teen: cô tiểu thư nhà giàu, xinh đẹp, ngỗ nghịch nhưng ẩn đằng sau dáng vẻ quậy phá đó là một nỗi buồn, một thiếu sót về tinh thần khi thiếu đi tình cảm của người mẹ – một thành viên quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người.
+ Bố của Phong (nhân vật phụ): là người sống kham khổ, yêu con nhưng hoàn cảnh bần cùng đã đẩy tính cách của ông đến bờ vực, trở thành nguyên nhân mỗi khi ông cầm roi đánh đập con của mình. Cũng chính vì nguyên nhân đó, ông đã vô tình trở nên nhẫn tâm và ích kỷ trong mắt Phong.
– Ứng xử:
+ Phong: Không suy nghĩ trước sau nhưng lại oán trách cuộc đời không ủng hộ mình. Cậu luôn cảm thấy tủi thân vì những chuyện xảy ra với mình nhưng không hề suy nghĩ lại bản thân dù chỉ một lần. Luôn luôn bị sắc đẹp của Yến thu hút và trở nên khờ khạo chứ không thực sự ngây ngô như tác giả nói. Luôn vướng vào suy nghĩ mình là một người tốt, rụt rè nên không thấy hết được tài năng của bản thân cũng như không thấy được những nhược điểm của bản thân. Ví dụ như sau trận đòn vì không được học sinh giỏi, Phong đem bộ mặt ủ rũ đi khắp nơi nhưng khi nhận được được sự quan tâm của Yến, cậu chỉ biết nghĩ đến bản thân mình mà không quan tâm đến việc Yến có làm sao không hay có bị giống mình không. Hơn nữa, lúc nào Yến cũng quậy phá mà không bị quở trách gì từ gia đình cũng không khiến Phong thắc mắc.
+ Yến: Tiểu thư nhà giàu xinh đẹp, có lẽ đã thích Phong từ lâu nhưng không nói. Cô dễ dàng mềm yếu trước Phong, dễ dàng rơi nước mắt trước Phong cho thấy cô đã thực sự thích Phong từ lâu nhưng lại không nói có lẽ do tìm kiếm được một “tâm hồn đồng điệu” đến khó tin, khiến cô sẵn sàng vứt đi vỏ bọc hư hỏng của mình.
+ Bố của Phong: ông là một người gia trưởng, sống trong nghèo khổ. Vậy không lẽ nào ông lại chấp nhận nuôi nấng, quan tâm hai đứa con gái ăn học tử tế thay vì một thằng con trai thứ hai nối dõi. Điều này chứng minh nhận định của tác giả về tính gia trưởng của ông Phong là sai lầm. Hơn nữa, một người nóng tính và lạnh lùng, lại sống trong gia cảnh nghèo khó thì ít khi có thể bình tĩnh và suy nghĩ kĩ càng khi chứng kiến hành động của Yến.
Hai nhân vật, như tác giả đã đề cập trong tác phẩm của mình, là những nhân vật có tính cách đối lập nhưng lại có chung một tâm hồn, chung một suy nghĩ. Tưởng chừng sẽ không bao giờ có thể chơi thân nhưng lại thân nhau quá dễ dàng khiến cả hai phải ngạc nhiên.
3. Cốt truyện:
* Điểm nhấn: Bạn có cách dùng từ rất đặc biệt, nhất là câu: “Trong khi niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ngắn chẳng đầy gang, thì những khổ đau cứ quấn lấy tôi như một người tình muôn thuở.” Thực sự, những câu văn so sánh nghe rất xuôi tai, thể hiện kĩ năng viết văn hiếm có của bạn.
– Tất cả các hình ảnh so sánh đều cụ thể và hợp lí, phải nói là hay mới đúng.
– Về truyện, tình cảm của Phong dành cho Yến được bạn thể hiện lại một cách lâm li bi đát và hầu như để nó tự phát triển. Tuy Phong cũng học giỏi, Yến lại xinh đẹp, giàu có nhưng tình yêu của hai đứa lại đến từ những điều đơn giản và tầm thường: cùng biểu diễn trong đêm văn nghệ, đi về cùng nhau, nụ hôn bất chợt hay thậm chí tâm sự đời thường.
* Biến cố: Truyện có khá nhiều biến cố, ví dụ như việc Phong tuy khi thi được điểm cao nhưng dây dưa tới Yến, khiến cuộc đời bỗng chốc sụp đổ vì bị ngăn cản đến với breakdance. Yến tuy nhà giàu nhưng lại là một tâm hồn cô độc và sáo rỗng, cô chọn cách quậy phá để quên đi nỗi tủi hờn, nỗi oán trách người làm bố làm mẹ, vậy mà cái vỏ bọc nhà giàu đã chiếm lấy tâm hồn của những người bạn, khiến họ mất dần đi sự quan tâm tới cô., Yến đã cô đơn lại càng trở nên cô độc.
– Bi kịch chủ chốt là do nụ hôn bất ngờ của Yến. Vì nụ hôn đó, Phong cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Nhưng cũng vì nụ hôn đó, Phong lên bờ xuống ruộng với bố. Dẫn đến việc cuối cùng, hai đứa đã phải biệt ly để chuyên tâm vào học hành, để không phụ lòng cha mẹ. Nhưng bi kịch này không đủ cao trào và cũng không chứng minh được tình yêu của hai bạn trẻ. Đúng ra đứng trước cảnh chia tay, hai tâm hồn non trẻ ấy, với sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ, với khao khát yêu thương của hai tâm hồn cô độc, phải đứng lên giành lại tình yêu cho chính mình chứ không lẽ nào lại ngậm ngùi chịu chia xa giống như vậy.
* Sự kiện: Có tất cả 4 sự kiện chính cần xem xét.
– Cuộc tỷ thí nhảy breakdance: Trong trận đấu này, như lời tác giả thì có rất nhiều đối thủ, đến mức không thể địch lại được, nhưng nói như vậy chưa chặt chẽ. Nếu bạn là người nhút nhát, chỉ cần hai đứa lực lưỡng một chút thì bạn đã sợ cong đuôi rồi, vậy thì đấu với hai người cũng gọi là nhiều sao? Vả lại, chỉ là đối đầu với một thằng mọt sách mà sao phải dẫn cả toán quân đi như vậy. Nếu Phong thực sự là một người thông minh, học giỏi và ngoan ngoãn thì cậu đã sớm nhận ra đó không phải là đánh nhau. Nhưng trong truyện, Phong chỉ kể tới Yến và một ánh nhìn lướt qua đám ở ngoài, cậu đâu thể biết được đó là người của Yến hay chỉ là một đám bạn nào đó mà lại có thể lập tức nghĩ là đánh nhau to. Mặt khác, chúng đến đông như vậy, khiến trận tỉ thí trở nên nổi tiếng chỉ sau đúng một lần, vậy mà lúc kéo nhau đến, không ai ngạc nhiên hay nhận ra sự khác thường hay sao? Thêm nữa, cách kể của bạn đang nhẹ nhàng từ tốn và lịch sự, thế nhưng đến trận đấu lại đột ngột thay đổi thần thái lẫn giọng văn, thực sự khiến người đọc cảm thấy mất đi sự nghiêm túc chứ không phải là chìm theo cảm xúc của tác phẩm. Điều đó thật sự cũng có một phần do trận tỉ thí diễn ra quá sớm, ngay đầu tác phẩm nên không nhận được cảm thông.
– Đêm văn nghệ: Ở phần này, thời gian là ngày thành lập đoàn. Từ ngày này, bạn cần khai thác thêm thông tin liên quan đến mốc thời gian này ví dụ như là ngày bao nhiêu, tổ chức như thế nào, là sự kiện ra làm sao? Cần mô tả rõ hơn về sân khấu, người tham dự, sự chuẩn bị sau cánh gà hoặc những chi tiết gay cấn đã diễn ra trên sân khấu. Hơn nữa, cũng phải kể thêm về tiết mục biểu diễn để tạo ra những cảm xúc chân thực của Phong trong lần đầu biểu diễn. Bên cạnh đó, việc bố của Phong không đến xem cũng cần phải có quá trình mới đưa ra được kết luận đó. Ví dụ như cậu đưa mắt tìm kiếm, hy vọng sẽ nhìn thấy ông một góc nào đó. Đây là lần đầu biểu diễn, làm soa cậu biết được ông sẽ không tới. Lúc ra về, sao Phong không thử hỏi lại xem ông có tới xem hay không mà chỉ chăm chăm vào giả thiết con trai lần đầu đi diễn nhưng ông không tới?
– Nụ hôn của Yến: Hôm đó, Yến đã hôn Phong. Và Phong cảm thấy giống như điện giật. Tác giả cũng đã nói thêm là cảm giác giống như điện giật của nụ hôn đầu đời. Một đứa mọt sách chăm học lại có thể tìm hiểu những cảm giác của nụ hôn đầu đời để nói ra vào ngay lúc đó? Thật vô lí.
– Hai đứa chia tay: Yến bộc bạch tâm tư, Phong nghe và cảm nhận. Nhưng thay vì cảm nhận những cảm xúc của Yến, cậu lại cảm nhận những gì ở trong con người mình. Điều này làm mất đi tình cảm mà người đọc dành cho Phong. Thực sự, ở nhiều trường hợp, Phong được tạo ra như một con người khá ích kỉ.
Vì vậy, có thể nhận xét là cốt truyện chưa ổn, cách xây dựng sự kiện có vấn đề, diễn biến hời hợt và tập trung vào sự tiếp xúc của hai nhân vật. Chưa làm nổi bật được sự kiện quan trọng là đêm diễn văn nghệ. Là cao trào nhưng lại chìm hơn cả cuộc tỷ thí ban đầu.
IV/ Đánh giá cá nhân:
Tác phẩm cho thấy cái nhìn khác về giới trẻ ngày nay, cũng như nêu lên một hình mẫu để nhiều người nhìn nhận lại cách cư xử ngày nay. Tuy nhiên hầu như tác phẩm “Người Con Gái Tôi Yêu.” Chỉ xoay quanh mối quan hệ giữa hai nhân vật chính, không nổi bật được hoàn cảnh, vị trí mà các nhân vật đã xuất hiện.
Đánh giá tác phẩm: 5/10.
Mong bạn sẽ tiến bộ hơn trong tương lai. Chân thành cảm ơn!
Tee – Hội Bình Văn.
Hoàng Dương (8 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1469
Cảm ơn bạn nhiều nhé, nhờ bạn mà mình rút ra đc nhiều điều.
Phúc Lộc Tài (8 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 254
+50 xu vào mức lương mới.
Mức trả ban đầu là phần đặc biệt dành cho tham gia cuộc thi.
Tee (8 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 4566
Hình như anh tặng thừa rồi ạ, em trả lại 50 xu
Phúc Lộc Tài (8 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 254
Phúc Lộc Tài (8 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 254
Delusion (8 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 1668
2k8 chữ, dài VL