- Bé Thu, Ông Sáu Và Truyện Ngắn Chiếc Lược Ngà
- Tác giả: Trần Hồng Đan
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 10.421 · Số từ: 1354
- Bình luận: 3 · Bình luận Facebook:
Năm 1966 là khoảng thời gian cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ngày càng cam go, ác liệt. Trước tình hình ấy, một câu vợ tiễn đưa – chồng không trở lại, con khóc gọi – bố chẳng quay về cũng thành định luật hiển nhiên, mà bất kì ai cũng phải sẵn sàng gánh chịu. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng đúng lúc ra đời, vô tình thay đã lấy đi không ít nước mắt từ phía độc giả trước tình cha con bi thương mà tha thiết giữa ông Sáu và cô Thu. Một đoạn trích được sách Ngữ văn 9 trích lại.
Trong đoạn trích, Thu hiện lên trong hình ảnh một cô bé ngây thơ, hồn nhiên, rắn rỏi, ương nhạnh nhưng yêu ghét rạch ròi. Câu chuyện cũng là thử thách mà cuộc đời dành cho cô. Từ lúc sinh ra cho tới khi tám tuổi, Thu chỉ nhìn thấy cha qua “tấm hình ba chụp với má” thôi. Tuổi đời ít ỏi ấy chưa cho phép cô bé hiểu được quá nhiều. Lần đầu tiên gặp ba, cô hốt hoảng, sợ hãi, chạy và kêu thét lên khi thấy người đàn ông với vết sẹo dài trên mặt. Nó cứ thế lảng tránh, ngờ vực mà không cho ông biết nguyên do.
Suốt ba ngày ông Sáu được nghỉ phép, mặc cho ông dỗ dành bao nhiêu, Thu vẫn giữ khoảng cách tuyệt đối. mẹ bắt gọi ba vào ăn cơm, cô gọi trống không. Nồi cơm sôi không thể bắt xuống, xoay xở mọi cách cô cũng không nhờ giúp một câu. “Người lạ” gắp cho cô miếng cá, Thu hất luôn ra ngoài. Dẫu bị đánh nó cũng không phản ứng, chỉ bỏ đi, “cố khua dây buộc thuyền cho kêu thật to, tâm tình bất mãn. Cô như muốn nói với người kia rằng: Dù ông có làm gì đi nữa cũng không thể thay thế cha tôi. Mặc dù đó là tình cảm chân thật, nhưng lại chân thật trong sai lầm, dẫn đến gây ra tổn thương không thể bù đắp được.
Nỗi giận mang đến khi đi ngủ, “đang nằm mà nó cũng giãy lên”. Nhưng khi biết ba mình vì đánh Tây nên bị thương, còn để lại vết sẹo đó, Thu mới hiểu ra, “nằm lăn lộn và thở dài”. Lúc trở về, “vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu”, nhìn người cha mới nhận thức mà nghĩ ngợi sâu xa. Chắc cô còn chưa biết ứng xử với cha như thế nào sau bao nhiêu hiểu lầm chồng chất mà mình đã gây ra chăng? Nhưng mọi suy nghĩ ấy rồi cũng không quan trọng nữa. Trong phút sinh ly, tình cha con bùng lên mạnh mẽ. Thu thét lên tiếng ba nghe xót xa mà mãnh liệt. Cô chạy “nhanh như một con sóc” mà ôm lấy cổ ba, hôn cùng khắp, hôn cả vết sẹo đáng sợ trước kia. Mọi người không ai ngờ tới. Khoảnh khắc cuối cùng đây, cô đã dùng hết cả lòng mình, hết cả sức lực để giữ lại người thân, với tính cách ngây thơ mà “câu chặt lấy ba nó” và hét lên: “Không cho ba đi nữa!” Những giọt nước mắt muộn màng chỉ kịp sưởi ấm cho tấm lòng mòn mỏi đợi chờ của người cha bấy lâu nay, nhưng ông đã phải đi, vì độc lập dân tộc. Sau này lớn lên thành cô giao liên dũng cảm, Thu vẫn thiếu tình thương. Mảnh vỡ chỉ được nối lại khi bác Ba – người kể chuyện đưa cho Thu chiếc lược ngà.
Còn ông Sáu. Nếu cô Thu hiện lên trong luồng cảm xúc đổi chiều thì ông Sáu lại nhất quán một tình yêu thương dành cho con từ đầu tới cuối. Đáng thương cho hình ảnh người cha một lòng vì con nhưng luôn bị vứt bỏ, nhận được tình cảm thì đến lúc phải xa lìa. Bao năm ở chiến khu ông chỉ được nhìn con qua những tấm ảnh nhỏ. Về đến nơi, chưa đợi xuồng cập bến, ông đã nhún chân nhảy lên khiến bác Ba chới với. Bước vội vàng, gọi tên con thật to, hai tay dang rộng, ông nghĩ con cũng như mình, vui và xúc động khi gặp lại người thân. Gáo nước lạnh dội mạnh, mặt ông sầm lại, hai tay buông thõng xuống như bị gãy khi đứa bé thất thần bỏ chạy. Suốt ba ngày nghỉ phép, ông luôn tìm cách gần gũi, vỗ về, chỉ mong nghe được một tiếng ba thôi nhưng lại bị khước từ. Lòng người cha khi ấy đau biết chừng nào! Nỗi đau dường như không còn che dấu được nữa khi Thu hất miếng cá mà ông gắp cho và ông đã ra tay đánh nó.
Nhưng chính phút chia tay, con bé lại dành cho ông tình yêu thương mãnh liệt. Dù vạn phần lưu luyến, nhưng ông vẫn phải cố gắng kiên cường, gạt nước mắt mà đi. Ông hứa một lời hứa mà có thể không bao giờ thực hiện được: Trở về sẽ mua cho Thu chiếc lược. Lời tiễn biệt cuối cùng ấy hóa thành chấp niệm, ngày đêm cuốn lấy, giày vò ông. Khi bắt được khúc ngà, lòng ông nở bừng như một đứa trẻ, rồi tỉ mẩn mài từng cái răng lược với bao nỗi đợi chờ. Dòng chữ: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba” khắc phía trên gửi vào trong đó bao nhiêu tình cảm của người cha chốn sa trường. Nhưng thật bất công! Trời để ông vui sướng bao nhiêu khi nhặt được khúc ngà, để ông ôm một giấc mơ được gặp lại, trao quà cho con, nhưng rồi sao, bắt ông đi khi còn chưa hoàn thành tâm nguyện. Trong những giây phút cuối cùng, sự sống tắt dần, không còn đủ sức nói lời trăng trối, ông chỉ để lại một ánh mắt, một trái tim của tình cha con vào trong chiếc lược gửi lại bác Ba. Bao tình cảm sâu nặng với gia đình, sự kiên cường, bất khuất, đều chỉ còn lại gió mây sau sự ra đi của người con đất phương nam.
Chiếc lược ngà còn lại chính là nhân chứng cho tình cha con vĩnh cửu, thay người tố cáo tội ác chiến tranh. Trong thời buổi loạn lạc, đâu chỉ có chiếc lược ngà của ông Sáu cho bé Thu, mà còn hàng ngàn, hàng vạn “chiếc lược” như thế nữa. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” tạo nên kì tích nhờ mạch truyện thống nhất chặt chẽ, nhiều tình tiết bất ngờ nhưng hợp dòng cảm xúc. Hơn nữa, nội tâm nhân vật được thể hiện chân thực, đa cảm và sâu sắc. Ngôi kể thứ nhất dưới góc độ của bác Ba – nhân vật nửa trong cuộc và nửa ngoài cuộc – xuất hiện mọi nơi, đem đến cho độc giả cái nhìn khách quan nhưng vẫn cảm xúc dạt dào. Chính ngòi bút nghệ thuật Nguyễn Quang Sáng đã đưa ý nghĩa văn học đến đỉnh cao: Văn sống vì tình người.
Đánh trúng tâm lí độc giả, bám sát bối cảnh lịch sử, đoạn trích truyện “Chiếc lược ngà” ghi lại trong chúng ta một mối tình cha con sâu nặng. Câu chuyện giúp ta hiểu thêm về những mất mát to lớn trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, đồng thời đặt vào trong trái tim mỗi người hạt giống tình yêu với gia đình, quê hương, đất nước. Chúng ta nhận ra nhiệm vụ của mình: gìn giữ hòa bình, để trang sử đau thương không tái diễn thêm lần nữa.
Trần Hồng Đan
*Tác phẩm “Chiếc lược ngà” trong SGK Ngữ Văn 9, ý tưởng phổ biến, lại lười đọc văn mẫu với những bài dễ viết, nên Đan không chịu trách nhiệm nếu giống với văn của địa phương xa xôi nào đó.
*Công sức Đan viết, nếu chia sẻ hoặc sao chép sang trang khác vui lòng ghi nguồn vnkings và tên của Đan.
"Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn." (4 năm trước.)
Level: 15
Số Xu: 20
Chị tin là nếu viết lại, em sẽ viết hay hơn thế này nữa. ^^
Trần Hồng Đan (5 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 5387
Để mình xem lại. Là 1966, mình đánh lộn bạn nhé!
Để mình xem lại. Là 1966, mình đánh lộn bạn nhé!
Xanh (5 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1128
1996 VN vẫn còn đang đánh nhau gay gắt với Mỹ á?
1996 VN vẫn còn đánh nhau đang gay gắt với Mỹ á?