- Bệnh vô cảm
- Tác giả: Hàn Thanh Dao
- Thể loại:
- Nguồn: Thanh Dao Hàn
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 2.832 · Số từ: 1932
- Bình luận: 3 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 8 Tiểu Long Long Nguyễn Thanh Dao Hàn Trần Ngọc Tuyết Mai Cindy Cynthia Akabane1701 Gấm Nguyễn Trường Thi
Bệnh vô cảm
Người ta thường nói, Kí Ức của một con người được sinh ra thế nào là do mẹ Thời Gian và bố Trí Nhớ làm việc với nhau thế nào thôi. Nhưng tin không, bật mí này, bạn hoàn toàn có thể Biên Tập Kí Ức hoặc tạo ra Kí Ức bằng cách set – up hiện tại. Và bởi con người có một cơ chế kì lạ là sẽ chỉ luôn nhớ về những điều tươi đẹp, nghĩa là bạn Kí Ức của chúng ta cũng sẽ chỉ gắn với Tốt Hơn, Đẹp Hơn. Thế nhưng Kí Ức sẽ đẹp hơn thế nào được khi mà Hiện Tại – các tư liệu để Biên Tập nên Kí Ức chỉ chứa đựng toàn sự thờ ơ, lãnh đạm, vô cảm. Khi mà con người đang ngày càng tự biến mình thành “những chiếc máy vô tri” cũng là lúc căn bệnh nan y mang tên “vô cảm” được cấy ghép vào từng tế bào của xã hội này, mang đến những hệ lụy chưa bao giờ là nhỏ đối với toàn nhân loại.
“Vô cảm”, hai từ nghe vốn vô cùng bình thường, nhưng không hề đơn giản chút nào. Không đơn giản bởi nó từng ngày vẫn len lỏi trong cuộc sống của mỗi con người. Tựa như làn sương mờ mịt vây quanh, khiến cho con người ta dần trở nên thờ ơ, không hề động lòng trước nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn hộ trước những tệ nạn xã hội xảy ra hằng ngày xung quanh mình. Vi rút “vô cảm” khiến con người hầu như trở nên vô tình trước cuộc sống của những người khác, kể cả đó có là những người hàng xóm “tắt lửa tối đèn có nhau” cũng bị xem như vô hình. Chúng khiến con người chỉ biết sống cho bản thân, ích kỷ, cực đoan, sẵn sàng “ngoảnh mặt làm ngơ” với xã hội.
Vấn đề vô cảm hiện nay đang là một thách thức lớn với giáo dục, là cái gai trong lòng xã hội mà đến nay chưa ai nhổ ra được. Ta có thể dễ dàng nhận thấy những biểu hiện của căn bệnh này trong rất nhiều những hoạt động của con người.
Ngày nay, con người có nhiều cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức hơn các thế hệ trước đây. Nhu cầu về giáo dục cũng theo đó mà tăng cao hơn trước. Giới trẻ hiện nay cũng phải chạy đua không ngừng để theo kịp tiến độ vượt bậc của xã hội văn minh. Thế nhưng thật đau lòng khi mỗi ngày, theo đà đi lên của trí tuệ thì ngược lại đạo đức ngày càng xuống dốc không phanh. Hàng ngày, hàng giờ, chúng ta vẫn phải chứng kiến những cảnh tượng nữ sinh đánh nhau, cởi đồ, xé áo lẫn nhau hay học sinh đánh thầy cô giáo đến nỗi phải nhập viện. Thế nhưng, điều đáng lên án nhất là khi chứng kiến những sự việc trên, hầu hết tất cả mọi người đều dửng dưng, bàng quan như không thấy gì. Và thậm chí thay vì can ngăn, giải thích đúng sai, thì nhiều người lại cổ vũ, ủng hộ hết mình cho những hành động vô đạo đức và thiếu văn hóa trầm trọng đó. Những câu comment kiểu như “Đánh tiếp đi, xé hết đi…!!!” chẳng còn xa lạ gì với cư dân mạng, và hiển nhiên vẫn có rất rất nhiều người like những câu kiểu như thế. Đó khác nào một hành động khiến vi rút “vô cảm” lây lan ngày một nhanh hơn.
Đó là chưa kể đến những vụ giết người tàn khốc mà thủ phạm lại chính là những người được cả xã hội hi vọng sẽ làm nên chuyện trong tương lai. Liệu trong khi xuống tay giết người, những “kẻ vô cảm” kia có từng một lần nghĩ qua hành động của mình tàn bạo, dã man đến cỡ nào, gây tổn hại đến mọi người xung quanh nhiều bao nhiêu không?
Những hành động trên chính là những hồi chuông cảnh báo, là những dấu hiệu chứng tỏ việc xã hội Việt Nam đang đi ngược lại những truyền thống của dân tộc, cũng đồng nghĩa với việc vứt bỏ bản thân mình.
Câu status trên trang cá nhân của một bạn viết thế này:
“Bạn có biết nước mắt và nước mưa khác nhau chỗ nào không? Mưa đến ồn ào và bất chợt, nước mắt thì lặng lẽ rơi khi không có ai thấy. Mưa 100% là từ những giọt nước, còn nước mắt thì chỉ 1% nước mà thôi, còn 99% là nỗi đau. Và có một nghịch lý: Người ta hiện nay không thể nào nhận ra đâu là nước mắt và đâu là nước mưa”
Rõ ràng, chỉ với câu nói này chúng ta cũng đủ thấy được phần nào sự vô cảm hiện rõ trên từng phương diện nhỏ nhất của cuộc sống. Nhưng liệu chúng ta có từng đặt câu hỏi rằng, tại sao lại như thế chưa?
Xin thưa, tình trạng vô cảm và tha hóa đạo đức xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thứ nhất, đó là do chính bản thân mỗi người. Bản thân họ sống thiếu tình thương, chỉ biết sống bằng lí trí sắt đá và tình cảm khô cằn của chính mình. Thêm vào đó, họ còn chịu tác động của ngoại cảnh. Con người thường sẽ trở nên hận đời, vô cảm trước cuộc đời khi mà những điều tốt đẹp không đến với họ. Và khi đó, họ sẽ không còn lòng tin vào cái tốt, thế nên họ mới vô cảm trước những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Dần dần, căn bệnh vô cảm mới xâm nhập và ăn sâu vào tâm hồn họ, khiến họ cảm thấy cuộc sống thật nhàm chán, đơn điệu, vô nghĩa.
Thứ hai, phải kể đến nguyên nhân từ gia đình. Ngày nay, trong nhiều gia đình, bố mẹ rất ít khi dạy con cái của mình phải biết đồng cảm với những người xung quanh. Từ đó, con cái khi còn nhỏ đã không biết chia sẻ, lớn lên lại càng không biết đến hai từ gọi là quan tâm. Thật đáng nguy biết bao nếu thế hệ này nối tiếp thế hệ kia vẫn xảy ra tình trạng trên.
Thứ ba, môi trường học tập và làm việc cũng tác động không nhỏ đến tình trạng vô cảm hiện nay. Nhiều trường học ngày nay chỉ lo nhồi nhét kiến thức văn hóa cho học sinh mà quên mất rằng, học sinh tới trường còn là để học những điều hay, lẽ phải, những ứng xử đạo đức mẫu mực trong cuộc sống. Công ty, cơ sở làm việc cũng vậy. Dường như nhân viên chỉ biết làm việc, làm việc và làm việc như một cái máy được lập trình sẵn, hiếm khi có dịp được vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động bồi dưỡng nhân cách. Những điều trên khác nào đang “máy hóa” con người, biến họ thành vô cảm đâu chứ.
Thứ tư, ta phải quan tâm đến những vấn đề trong xã hội hiện nay. Việc con người tiếp xúc quá nhiều với Internet khiến họ ngày càng dựa dẫm vào cuộc sống ảo trong đó, mang họ đi xa rời hiện thực, là nguyên nhân khiến họ ngày càng vô cảm với xã hội.
Nhưng nói chung, cốt lõi nhất vẫn là ở chính bản thân chúng ta luôn nhận thức sai lệch vấn đề để rồi tự mình hại mình, tự mình tháo con chíp “tình cảm” trong người ra ngoài.
Chính những nguyên nhân trên đã gây nên những tác hại vô cùng ghê gớm, làm suy giảm đạo đức cá nhân, đẩy đất nước đến bờ tụt hậu, suy thoái. Bệnh vô cảm có thể dẫn đến chết người, để lại tai họa lớn cho xã hội. Hãy tưởng tưởng xem trong một ca phẫu thuật nghiêm trọng, bác sĩ lại quá thực dụng, chỉ nghĩ đến tiền là điều kiện tiên quyết thì liệu tính mạng con người sẽ ra sao? Hậu quả quả thật là khôn lường. Còn nữa, số phận của những đứa trẻ sẽ ra sao khi mà thầy cô – những người kĩ sư tâm hồn lại dạy chúng cách ăn hối lộ, nhận quà biếu từ phụ huynh? Thật sự là tai họa của nhân loại. Nguy hiểm hơn cả, bệnh vô cảm còn có thể đưa đất nước đến suy vong. Điều đó hiển nhiên sẽ xảy đến khi mà các cán bộ Nhà nước lại vì tiền mà gây khó dễ cho nhân dân, hay dùng vũ lực, trù giập để mình có thể được “phong bì” dằn túi riêng. Thật đáng sợ biết bao. Những người như thế lãnh đạo thì hỏi sao đất nước không suy vong cho được.
“Vô cảm” không phải là tội ác, nhưng chính nó lại là con đường dẫn đến tội ác. Hơn nữa, nó còn rất dễ lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, việc phòng tránh nó không phải điều dễ dàng. Toàn dân, toàn xã hội phải chung tay góp sức mới mong đẩy lùi được nó.
Mỗi chúng ta phải biết sống đúng chuẩn mực đạo đức của con người, biết đồng cảm với mọi người, biết trau dồi, học hỏi những bài học trong cuộc sống về sự công bằng, bác ái, yêu thương những người xung quanh và phải có quyết tâm muốn thay đổi chính bản thân mình. Chúng ta cũng cần phải học hỏi những tấm gương của người sống có đạo đức, biết đồng cảm trong xã hội.
Về phía gia đình, muốn cho con cái không mắc phải virut “vô cảm”, gia đình cần phải là nơi mà ở đó mọi người yêu thương, đùm bọc, che chở lẫn nhau. Các thế hệ trong gia đình phải biết quan tâm nhau thì con trẻ mới biết học hỏi, noi gương nếp sống đạo đức. Đồng thời gia đình phải tích cực giáo dục cảm xúc một cách thực tế cho con cái từ nhỏ.
Đối với nhà trường, thầy cô cần biết quan tâm đúng mực đến việc giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho học sinh. Đồng thời, phải dạy các em biết cách ứng xử sao cho đúng, biết cách quan tâm giúp đỡ mọi người và giáo dục cho học sinh kĩ năng sống có chất lượng, thiết thực, hiệu quả, để thế hệ trẻ tương lai có thể giàu tình yêu thương nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ, không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác.
Còn đối với xã hội, cũng cần tạo cho họ những cơ hội để họ có thể sống theo chuẩn mực đạo đức và biết giúp đỡ mọi người. Cần mở ra cho họ những lớp học cuộc sống về cách ứng xử, chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống này.
Một nhà văn Nga đã từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương”. Xin đừng để cho xã hội tươi đẹp này trở nên lạnh lẽo, vô hồn, vô cảm bởi thiếu tình thương. Hãy biết lắng nghe, hãy rung cảm, hãy yêu thương, đó là liều thuốc hiệu quả nhất cho căn bệnh hiểm nghèo mang tên “vô cảm”. Trái Đất không thiếu những thiên tai, chỉ thiếu những người biết yêu thương thôi các bạn ạ!!!
Thanh Dao Hàn (5 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 2643
Cảm ơn bạn nhiều!
Dương Thanh Vàng (5 năm trước.)
Level: 1
Số Xu: 36
hay ý nghĩa lắm ạa
Gấm Nguyễn (5 năm trước.)
Level: 5
Số Xu: 467
"Người ta hiện nay không thể nhận ra đâu là nước mắt, đâu là nước mưa!" ---> quá xuất sắc.