- Chiếc Hộp Bí Mật Của Na
- Tác giả: Ngố Tiên
- Thể loại:
- Nguồn: tự sáng tác
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 3.541 · Số từ: 3089
- Bình luận: 6 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 7 Tiểu Long Tiến Lực Tee Phan Hồng Xanh Linh Phong T H
– Na kia…!
– Dạ…!
– Na yêu ai.
– Na yêu… chú.
– Trời ơi, ngày nào mẹ cũng ôm Na, ru Na ngủ, đi làm kiếm tiền nuôi Na mệt muốn chết mà Na không yêu mẹ hả?
– Na có, Na yêu cả mẹ nữa.
Bố Na đang ngồi đọc báo, đợi mãi mà không thấy Na “điểm danh” đến mình cũng không nhịn được, bỏ tờ báo xuống rồi hỏi Na:
– Thế bố cũng đi làm kiếm tiền nuôi Na mà Na quên bố rồi à?
Na ngẹo cổ, ra chiều nghĩ ngợi lắm, bố Na thấy thế quýnh quáng:
– Bố định mua thêm em búp bê Lili nữa… (giọng bố đầy hấp dẫn).
Na mừng húm, vội vàng reo to lên:
– Có! Na cũng yêu … bố nữa.
Mẹ và chú Na ôm bụng cười ngặt ngẽo. Ai cũng hiểu là suýt nữa Na đã buột mồm nói yêu em Lili.
Chú Na lớn hơn Na nhiều tuổi lắm, ngày trước chú ở dưới quê với bà nội của Na, mới năm trước đây thôi bà nội Na ăn được một lần bữa cơm mừng tuổi cho Na xong rồi bà cũng đi theo ông nội của Na mất rồi.
Bố Na bảo chú: “thôi, mày lên trên này ở, đi học trên này rồi trông cháu cho tao”.
Chú Na lúc này mới vào cấp ba, Na nghe chú nói thế chứ Na cũng chẳng biết cấp ba là gì, lúc này Na chỉ biết là Na sắp được đi nhà trẻ thôi bởi vì bố mẹ Na đều phải đi làm và chú của Na còn phải đi học.
Thế là chú Na đành tạm biệt lũ trẻ chăn trâu suốt ngày thả diều đánh đáo của chú ở quê để khăn gói theo gia đình Na lên thành phố.
Thế là chú của Na trở thành bạn của Na, bảo mẫu của Na. hàng ngày chú đi học, đưa Na qua nhà trẻ rồi chiều tối hoặc trưa chú lại đón Na về.
Hình như chú chẳng quen với thành phố cho lắm nên chú chẳng bao giờ đi đâu chơi, chỉ ở nhà chơi với Na.
Chú rất khéo tay, chú lấy giấy gấp các con bò, con gà, con trâu… nho nhỏ xinh xinh nhiều ơi là nhiều, đẹp ơi là đẹp. Rồi chú lấy tăm cắm trên những tấm bìa giấy làm thành những cái chuồng và những trang trại.
Hàng ngày chú là con trâu đầu đàn, cho Na cưỡi lên rồi lùa đàn gà nhỏ tí tí , đàn trâu bò bằng giấy bìa, đàn ngựa dê được tô màu nho nhỏ xinh xinh… ra ngoài cánh đồng được hóa thành bởi tấm thảm lót nhà màu xanh, chú và Na sẽ đóng các vai khác nhau như con cò, con chim… trong khi đợi cho đàn gia súc ăn no rồi lại tỉ mỉ bế từng còn một về chuồng, đặt cho chúng nằm ngay ngắn, thẳng thớm kẻo không chúng nó lại tức bụng.
Mỗi lần bón cho Na ăn là chú lại dụ “ăn như con bò ăn cỏ ấy, bò nó ăn như thế nào nhỉ?”
Thế là Na lại nghệt ra, nhớ lại lời chú bảo: “con bò ngoan lắm, suốt ngày chẳng làm gì cả, chỉ ăn thôi, mà bò ăn rất ngon chẳng bao giờ phun phèo phèo ra như Na cả”. Na chắc chắn là ngoan hơn con bò rồi, cho nên Na ăn rất ngon, và quan trọng nhất là chú lại dụ: “ăn xong chú lại cho xem con cào cào”. Con cào cào của chú không phải bằng giấy, nó được là bằng lá dừa xanh ơi là xanh, to ơi là to, phải to bằng hai cái bàn tay nhỏ xinh của Na ấy.
Vào một ngày, chẳng biết chú kiếm đâu ra những chiếc lá dừa tươi, rồi những chiếc lá ấy và bàn tay của chú đã biến ra những đàn cào cào xanh biếc có những cái râu cứ ngúc ngoắc cọ cọ vào má Na, làm cho Na chơi với cào cào lúc nào cũng cười nắc nẻ. Rồi cũng vào một ngày, chú lại mang về cho Na một cái lồng chim, có chú chim sâu màu xanh non nho nhỏ cứ hoảng hốt nhảy tới nhảy lui mỗi khi Na chạm tay vào cái lồng. Bố Na kêu lên khi lần đầu trông thấy cái lồng chim: “trời ơi, con tôi nó là con gái, nó chỉ thích chơi búp bê với bán đồ hàng thôi, chứ ai lại đi chơi chim với cò như con trai thế này”.Sự thật là dù Na có là con trai hay con gái đi chăng nữa thì Na vẫn cứ thích, cứ khóc mãi khi chú phải bùi ngùi mở lồng cho con chim bay đi. Chú nghe lời bố Na vì sợ chim mất vệ sinh và dịch bệnh.
Chú cứ chở Na đi hoài trên cái xe đạp đi học của chú nên chiếc xe ấy lúc nào cũng có cái ghế cho trẻ con buộc sẵn đằng sau. Bạn bè chú có trêu thì cũng mặc kệ bởi vì khi đi học về chú phải đi đón cháu cưng của chú. Rồi hôm nào nghỉ học hay nghỉ một buổi, chú lại lấy cái địu của mẹ Na hay cho Na ngồi mỗi khi đi xe máy, cõng Na đi bộ ra công viên gần nhà chơi. Còn nếu không, hôm nào xấu trời chú và Na lại nuôi trang trại, bày trò bán hàng với các em búp bê: Titi, Lili, Susu…
Cứ vậy, Na và chú trừ lúc đi học, đi nhà trẻ và lúc ngủ ra là lại khiến cho mẹ và bố Na vô cùng ghen tị bởi Na lúc nào cũng xếp chú lên đầu danh sách … yêu. Không yêu sao được. Khi Na làm điều gì đó khiến cho mẹ tức giận, ví dụ như đổ hết các đồ mẹ để trong tủ lạnh ra để lấy chỗ làm nhà lầu cho em Lili chẳng hạn. Mẹ phết vào mông Na mấy cái rất đau, chú đi học về thấy vậy lại bảo với mẹ Na: “thôi, chị cho em xin….!” Na lại òa lên khóc to hơn, mách chú vì Mẹ phát vào mông mình rất là đau. Ví dụ như bố Na cũng có lần phết cho Na một cái vì Na đã giũ tung các đống giấy tờ của ông ra xem có còn tờ giấy màu nào không? Chú nghe tiếng lại chạy vào: “thôi! Anh cho em xin…!” thế là Na lại òa lên mách chú.
Chú vừa là bạn, vừa là bảo mẫu của Na trong ba năm. Đến khi Na đã nói rất sõi và đi học lớp năm tuổi thì một hôm lần đầu tiên Na thấy bố mắng chú: “cái thằng điên này, không đỗ đại học thì học cao đẳng, không muốn học cao đẳng thì sang năm thi tiếp vào đại học, làm gì mà mày đòi phải đi bộ đội….” Na không biết cái gì là Đại học, là Cao đẳng, là bộ đội…. nhưng Na thấy mặt bố đỏ gay, mắt trợn lên rất là đáng sợ, còn chú thì chỉ cúi đầu không nói.
Mẹ Na trách bố: “anh nói nho nhỏ thôi chứ, gì mà cứ ầm ầm lên thế, chú ấy chưa rõ thì cứ từ từ nói cho chú ấy hiểu…”
Na sợ bố lắm nhưng thấy mẹ nói cũng lấy hết can đảm nói: “Thôi! Bố cho Na xin…”
Nếu như biết trước thì Na cũng chẳng xin bố Na làm gì. Chú quyết tâm đi bộ đội. Na lúc này thì biết rồi, đi bộ đội có nghĩa là không chơi với Na nữa. ừ, mà không chơi không phải một ngày, hai ngày mà là hai năm. Hai năm là bao lâu? chú giải thích cho Na, hai năm có nghĩa là hai lần ăn tết, hai lần được lì xì.
Eo ơi, thế thì lâu lắm, những hai lần ăn tết, mà Na cũng chỉ mới biết rằng mình mới được ăn một cái tết mà thôi (các năm trước Na không biết). Nghĩ thế Na lại òa lên khóc rồi lại bám cứng lấy chú, không cho chú đi. Hai cái tết thì đến tận bao giờ?
Ngày gần đi, Na vẫn cứ tò tò bám theo chú, sợ chú trốn lúc Na không để ý mà chạy vụt ra ngoài.
Chú bế Na lên rồi nựng:
- Na kia…!
- Dạ…!
- Con có yêu chú không?
- Na có.
- Thế thì Na phải để cho chú đi chứ, mà chú chỉ đi rồi lại về với Na cơ mà.
Na lại rơm rớm nước mắt, Na nhớ có một lần chú bỏ Na về quê ăn giỗ ông nội những mấy ngày, Na đã khóc hết nước mắt và bắt bố phải về quê đưa chú lên cho Na. Nghĩ thế Na lại ôm chầm lấy cổ chú rồi mếu máo:
– Na không cho chú đi đâu, Na nhớ chú lắm…
Rồi Na lại khóc nức lên.
Chú lau nước mắt cho Na rồi dỗ:
– Thôi nín đi, nín rồi chú cho Na cái này, hay lắm nhé!
Nói rồi chú bế Na lại chỗ bàn học của chú, lôi trong ngăn bàn ra một cái hộp giấy rất xinh xắn.
Cái hộp được chú làm bằng bìa, trang trí bằng các lớp giấy bọc quà khác nhau, khiến cho cái hộp cứ lung linh với mọi thứ màu sắc và các hình ảnh những nhân vật hoạt hình. Bên ngoài hộp có ba chữ NA NA NA rất to (ba chữ này sau này Na mới đọc được). Trên nắp hộp cũng có một hàng chữ được cắt bằng giấy màu: “bí mật của Na”.
Chú đưa cái hộp ra rồi lại dụ Na:
– Đây, có đẹp không?
– Dạ có.
– Na có thích không?
– Dạ có.
– Thế Na có còn nhớ cách gấp những ông sao chú đã dạy Na không?
– Dạ có.
– Thế này nhé…!
Chú vừa đặt Na và chiếc hộp xuống sàn vừa ngồi bệt xuống với Na vừa nhẩn nha nói:
– Mỗi lúc Na nhớ chú, mỗi lúc Na bị mắng hay được khen thì Na lại gấp một ông sao bỏ vào cái hộp này cho chú. Sau này Na biết chữ thì viết vào ông sao. Chú đi rồi khi chú về thăm Na, chú sẽ đếm sao xem Na nhớ chú nhiều không? Bị mắng nhiều hơn hay là được khen nhiều hơn, ngoan nhiều hơn hay không ngoan nhiều hơn? Na đồng ý với chú không?
Và lần này Na lại bị chú dụ. Na gật đầu một cái rồi ôm lấy cái hộp, Na đang ngẫm nghĩ về việc gấp các ông sao.
Chú thấy Na ra vẻ nghĩ ngợi về trò chơi mới mà dài lâu này thì mừng lắm lại dụ tiếp:
– Này nhé, khi nào nhớ chú thì Na gấp ông sao màu xanh, ngoan thì gấp màu đỏ, được khen thì gấp màu hồng, còn chưa ngoan thì gấp màu vàng, bị mắng thì gấp màu trắng….
Na lại gật đầu, rồi trong đầu Na lúc nào cũng quanh quẩn các màu, nào là nhớ thì màu xanh, ngoan thì màu đỏ, không ngoan thì màu vàng….
Ngày chú đi Na cũng nước mắt nước mũi tèm lem nhưng không ôm cứng lấy chú nữa mà lại ôm cứng lấy cái hộp. Cái hộp bí mật của Na và chú. Na không phải đợi đến hai lần ăn tết để gặp lại chú, khi chiếc hộp của Na đã lưng lửng các ông sao đủ các màu và mới ăn tết không bao lâu thì bố Na, mẹ Na và Na đi vào đơn vị thăm chú. Bố mẹ chuẩn bị rất nhiều quần áo và thức ăn để cho chú, còn Na thì mang theo cái hộp. Na muốn khoe với chú.
Chú Na vẫn giống như in cái hồi ở nhà bế Na, chỉ có điều là chú đen hơn, tóc cắt thành đầu đinh chứ không để lòa xòa như hồi trước. Và tay chú hình như cũng cứng hơn, chú bế xốc Na lên làm Na cảm thấy hơi đau đau nhưng Na không kêu bởi vì Na còn mải cười nắc nẻ lên khi chú dụi cái đầu lởm chởm tóc của mình vào cái bụng trắng của Na.
Na cười nhiều quá, mệt quá, nên Na quên luôn cả khoe cái hộp với chú mà cứ ôm cổ chú suốt cả buổi, chú nhắc Na:
– Na kia…!
– Dạ..!
– Na nhớ chú không?
A! chú nói đến đây thì Na nhớ, Na vội tụt xuống rồi chạy ào vào chỗ bố, lục cái túi xách đầy những đồ để lấy chiếc hộp “bí mật” của mình.
Hôm đó chú Na đã lấy hết các ông sao của Na sau khi đã cùng với Na đếm đi đếm lại chúng kỹ càng. Chú bảo với Na là để chú giữ dùm Na một ít “bí mật” kẻo một thời gian nữa các “bí mật” ấy nhiều dần lên mà cái hộp thì chỉ có vậy, không biết lớn lên như Na. Na không giận cái hộp vì nó không biết lớn, Na vui vẻ tặng cho chú hết các “bí mật” của mình, để dành cái hộp cho các bí mật khác.
Na ra về với niềm hân hoan, vì chú đã hứa với Na: “chỉ cần ăn 1 cái tết nữa thôi, khi Na lớn thêm một tuổi nữa và các bí mật đầy cái hộp này thì chú sẽ về chơi với Na, về hẳn”. Chú bảo với bố Na là chú ôn tập rất chăm chỉ, chắc chắn sau khi về sẽ đỗ đại học, trường đại học cũng gần nhà Na thôi – nghe chú bảo vậy.
Và bố mẹ Na cũng ra về với niềm hân hoan.
Thế mà một hôm Na thấy bố đi làm về, nghe điện thoại xong rồi ngồi khóc. Mẹ Na ra hỏi, hỏi xong lại ngồi khóc cùng bố Na. Na chẳng biết gì nhưng thấy bố và mẹ khóc thì Na cũng òa lên khóc.
Na nghe thấy bố bảo là chú đã hy sinh khi đang đi làm nhiệm vụ cứu nạn gì gì đó. Mà cứu nạn là gì? Hy sinh là làm sao vậy nhỉ? Na cũng không biết nữa nhưng Na nghĩ là nó phải đau lắm, đau nên cả bố Na và mẹ Na cũng òa lên khóc giống như Na mỗi khi bị đòn.
Ngày đi đón chú về nghĩa trang liệt sĩ thì Na biết, Na biết rằng hy sinh là giống như ông nội, bà nội của Na, là chỉ có một tấm hình mà Na phải kiễng chân lên mới nhìn thấy ở trên bệ thờ mỗi lần về ăn giỗ. Nhưng Na không nhớ ông nội, Na cũng không nhớ bà nội, Na chỉ nhớ chú vì Na biết chú đã không giữ lời hứa với Na, giận chú vì đã đi tìm ông bà Nội mà không về chơi với Na, chẳng lẽ chú không biết là Na đã lại gấp được rất nhiều ông sao và cũng rất nhớ chú ư?
Ba mẹ Na thấy vậy cũng nhìn nhau an ủi, an ủi Na cũng như tự an ủi lấy bản thân mình: “thôi! Trẻ con nó cũng mau quên thôi”.
Có thật là trẻ con thì sẽ mau quên không? Na không biết là mình đã quên bao nhiêu thứ như chiếc hộp của chú giao cho Na đã được dán lại, sửa lại không biết bao nhiêu lần. Không biết bao nhiêu lần Na đem những ông sao Na gấp trong một năm đốt vào ngày giỗ của chú, Na tin ở đâu đó chú cũng nhận được những ông sao này.
Giờ thì Na không còn được gọi là Na nữa, cô bé Na ngày nào giờ đã là cô giáo Nga mới ra trường và sẽ kết hôn trong vài tháng nữa. Chồng tương lai của Nga cũng là bạn của cô bởi vì hai người từng học chung lớp cấp ba. Anh đi bộ đội, sau khi giải ngũ anh đi học một trường trung cấp kinh tế và về mở xưởng sản xuất đồ mây tre đan xuất khẩu. Anh có một đôi tay khéo léo được truyền lại từ cha và ông của mình. Nga nghe anh khoe rằng nghề làm đồ thủ công của nhà anh đã truyền từ thời ông tổ, tức là qua bao nhiêu đời anh cũng chẳng biết.
Một hôm, khi đang dọn nhà chuẩn bị cho hôn lễ anh giúp Nga sắp xếp lại những món đồ Nga mang về trước từ nhà bố mẹ đẻ, cũng không có quá nhiều thứ, chỉ một ít quần áo, nhiều thùng sách và một chiếc vali đựng đầy những đồ lỉnh kỉnh.
Đang sắp xếp, Nga nghe anh kêu lên một cách kinh ngạc: “trời ơi, sao em lại có những bức ảnh này hả Nga”. Trên tay anh là vài bức ảnh nho nhỏ chụp một cậu bé đen nhẻm, cười hết cỡ phô hàm răng trắng như sứ. Trên tay còn lại của anh là chiếc hộp bảo bối của Nga, trên ấy vẫn còn ba chữ Na to tướng.
Nga quay lại, nhìn vào gương mặt kinh ngạc và đôi mắt long lanh của anh rồi hỏi:
– Có chuyện gì vậy anh?
Anh vẫn nhìn chằm chằm vào bức ảnh mà thốt lên:
– Sao em có được những bức ảnh của anh hồi còn nhỏ? mà sao anh chụp những bức này hồi nào mà anh không nhớ nhỉ?
Nga chợt hiểu vì sao anh lại kinh ngạc đến vậy, cô cầm lấy chiếc hộp, vuốt ve như âu yếm rồi nhẹ giọng trả lời anh, vừa nói cô vừa đặt chiếc hộp lên vị trí trên cùng của giá sách:
– Đó là ảnh của chú em đấy, bố em cũng bảo là hai người giống nhau như đúc.
Anh tự nhiên thấy lòng mình trầm xuống, là người bạn với Nga, bên cô cả chục năm nay lẽ nào anh không biết gia đình Nga có một liệt sĩ?
Trong căn phòng chứa đầy những màu hồng của tương lai và hạnh phúc, nắng chiều khẽ xiên qua những cái khe trên bức rèm mới, tô vào không khí những ánh vàng nhạt của một mùa thu chênh chếch. Anh nhìn âu yếm người vợ tương lai, chợt cảm thấy trong tim mình lấp đầy những cảm xúc yêu thương khó tả khi thấy Nga quay người vội vã lau đi những giọt nước mắt lăn dài trên má. Có một giọt đang bồng bềnh trong nắng, lấp lánh như pha lê.
Ngố Tiên (8 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 1777
Cảm ơn bạn Thế Kiệt nhé, mình viết ít cơ mà có là đăng ngay thôi.
Thế Kiệt (8 năm trước.)
Level: 11
Số Xu: 527
Bác Lực là adm mà chả giàu :v
e tặng bác 20x mong bác sẽ ra thêm nhiều truyện cho ae đọc. :-)
Ngố Tiên (8 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 1777
hia hia, giàu có quá. Cảm ơn bạn nhé :P
Tiến Lực (8 năm trước.)
Level: 19
Số Xu: 18507
Tặng a xu bài viết đầu tiên nhé, mong là sẽ được đọc nhiều bài của anh hơn.
Ngố Tiên (8 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 1777
đã sửa theo yêu cầu của admin :)
Phan Hồng (8 năm trước.)
Level: 13
Số Xu: 222
Bài chưa duyệt vì chưa đạt yêu cầu. :v
Đối với mục Truyện ngắn, bắt buộc phải có category được viết theo mẫu sau:
Không viết in hoa toàn bộ tiêu đề.
Không dùng hai chấm (..) hay bốn chấm (....)
Thành viên mau chóng chỉnh sửa lại để bài viết được duyệt. :v
P/s: Mình vẫn còn nhớ cái nồi lẩu. =))