- Chiếc lá xanh rơi rụng
- Tác giả: M.H
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.168 · Số từ: 2532
- Bình luận: 6 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 5 Tinh Linh Tóc Đỏ Huyền Trang Thắm Thắm Cheem Ống Bơ
Gần mười hai giờ, Linh định tắt chuông điện thoại, cô tranh thủ thời gian chợp mắt rồi đến trường. Linh chưa chạm thì tiếng chuông điện thoại vang lên, màn hình hiển thị một số máy xa lạ, cô không chần chừ bắt máy. Đầu dây bên kia lên tiếng:
– Cho tôi hỏi phải cô Linh chủ nhiệm lớp 6C không cô? – Âm thanh của người phụ nữ độ chừng bốn mươi, giọng chị có chút rụt rè.
– Vâng đúng rồi chị ạ! Chị là phụ huynh của bé nào vậy chị? – Cô vừa nhận lớp sáng nay nên số điện thoại phụ huynh trong danh bạ cô vẫn còn trống. Cô vẫn nghĩ như thông thường, phụ huynh hỏi thăm cô thời gian bắt đầu năm học mới nhưng giọng điệu của người này có chút là lạ.
– Tôi là phụ huynh của Nam nay tôi báo với cô là tôi cho bé nghỉ học nghe cô.
Trường hợp học sinh nghỉ học, với người đi dạy nhiều năm như cô không gì mới mẻ. Nhưng bằng mọi giá, cô sẽ cố gắng để học sinh của mình đến trường.
– Chị có thể cho em xin địa chỉ nhà, mình gặp tiện trao đổi hơn chị nhé! – Linh từ tốn đáp lại.
– Dạ! Tôi gửi qua cho cô nhưng… có thể… cô không… cần đến đâu ạ! Tôi thật không có ý định cho bé học tiếp. Cô đến nhà lại phiền cô. – Giọng nói của chị mang theo sự ấp úng nhưng lại đầy kiên định.
Nhưng Linh sẽ không bỏ cuộc, cô nói:
– Vâng, hẹn chị chiều gặp ạ! Chào chị. – Cô không trả lời câu nói của người phụ nữ kia. Vì cô biết lúc này nói gì cũng trở nên vô dụng. Linh muốn đến quan sát thực tế, nắm rõ tình hình sẽ dễ dàng thuyết phục hơn.
Chiều đến, cô cố gắng hoàn thành sổ sách của mình, thu xếp mọi thứ ổn thoả để có thể đến nhà vị phụ huynh kia.
Lần theo địa chỉ cô nhận được, con đường quê đất, đá lẫn lộn, bùn lầy nhấp nhô phía bên đường, những cây cầu đá nhỏ rong bám đầy do những ngày mưa kéo dài, rất dễ trơn trợt, Linh thiết nghĩ: “Giá mà mình đi sớm hơn!”
Trải qua đoạn đường dài gập ghềnh, Linh cũng đến được nơi mình cần tìm. Trước mắt cô là ngôi nhà tình thương có lẽ được xây khá lâu. Lớp tường trước ngôi nhà đã nhạt màu và bong tróc, nền nhà đất nên vô cùng ẩm ướt.
Cô đi vào nhà, tiếng chó sủa sau nhà vang lên inh ỏi, một đứa trẻ tầm mười hai, mười ba tuổi chạy ra mời cô vào. Cô vừa gặp lớp mình hôm tựu trường, lớp gần bốn mươi học sinh nên thật sự cô cũng chưa có thể nhớ hết từng thành viên lớp mình nhưng chạc độ tuổi thì có lẽ chàng trai nhỏ này.
– Sao con lại nghỉ học thế? – Cô hỏi chàng trai nhỏ đi cạnh mình.
– Dạ! Mẹ con bảo nghỉ ạ!
– Thế con có muốn nghỉ không?
– Con không biết, mẹ kêu con nghỉ thì nghỉ thôi ạ! – Nam trả lời, ánh mắt lộ vẻ vô tư của một đứa trẻ vẫn chưa hiểu nhiều lắm về ý nghĩa của việc học.
Lúc này, trước của nhà, một người phụ nữ bế trên tay đứa bé khoảng vài tháng tuổi. Sau lưng là hai bé gái giống nhau y đúc. Có lẽ là sinh đôi.
– Chào chị ạ, em là chủ nhiệm của em Nam ạ! – Linh lễ phép giới thiệu bản thân mình với người phụ nữ trước mặt.
– Mời cô ngồi! – Người phụ nữ chỉ về cái trổng tre gần cửa sổ. Linh ngồi xuống, lặng lẽ nhìn xung quanh. Ngôi nhà được chia ra hai gian, phòng khách chỉ có chiếc giường cây cũ và một chiếc trổng tre cô đang ngồi. Cách một tấm vách cây thưa thớt là căn phòng nhỏ cũng chẳng khá khẩm hơn. Đồ vật quý giá nhất trong nhà có lẽ là chiếc ti vi trắng đen mà hiện nay chẳng còn mấy ai có.
– Nam đi lấy cho cô li nước. – Chị nói với Nam – đứa trẻ lớn nhất nhà. Nhóc con chạy ra sau. Linh nhìn theo căn bếp nhỏ đơn sơ được dựng lên tạm bợ. Linh ít nhiều hiểu được lí do chị cho con mình nghỉ học.
– Vâng! Cảm ơn chị ạ! Cháu còn nhỏ như thế sao lại cho cháu nghỉ học thế chị? – Linh hỏi.
– Tôi cũng tiếc lắm chớ cô. Nhưng cô cũng thấy nhà tôi không đủ điều kiện cho nó đi học… thêm còn phải nuôi ba đứa nhỏ này! – Người phụ nữ trả lời, gương mặt hiện lên rõ sự bất lực.
– Nhà mình thu nhập như thế nào chị? Em cũng biết đây là vấn đề tế nhị nhưng em muốn nắm rõ để tiện bề tìm nguồn hỗ trợ phụ giúp em có thể đến trường. Chị thông cảm nhé! – Linh có chút dè chừng với chuyện riêng tư nhưng buộc lòng cô phải hỏi vì quyền lợi sau này cho học sinh mình.
– Hồi đó nhà tôi cũng đỡ lắm cô. Cha mẹ để hai công ruộng, vợ chồng tôi đi làm mướn cho người ta kiếm thêm tiền. Lúc đó nuôi mình thằng Nam nên dư giả lắm. Vợ chồng tính sinh thêm đứa nữa để thằng Nam có bạn, ai dè sanh hai đứa một lượt. – Chị chỉ vào hai nhỏ đang lon ton chạy theo Nam. Rồi chị nói tiếp:
– Mà vợ chồng tui tự nhủ sẽ ráng nuôi ba đứa ăn học tới nơi tới chốn. – Nói đến đây mắt chị có chút ửng đỏ, giọng nghèn nghẹn, chị dừng lại để ổn định cảm xúc của mình:
– Người tính không bằng trời tính cô ạ! Lúc hai đứa nhỏ hơn một tuổi tôi định gửi người nhà trông giùm rồi đi làm phụ ổng. Tôi chưa đi thì ổng bị xe đụng nằm bệnh viện mấy tháng trời. Tiền bạc dành dụm thì hết lâu rồi mà ai đời bỏ ổng được nên tôi bóp bụng bán hai công đất cha mẹ để lại chạy chữa cho ổng.
– Vậy bên gây tai nạn cho anh không hỗ trợ viện phí tiếp nhà mình sao ạ! – Linh nghe chị nói, có chút nặng lòng.
– Lúc đó ổng đi nhậu với mấy ông bạn về khuya, xe đụng trúng ổng rồi chạy mất. Mấy người gần đó nghe tiếng đụng xe thì chạy thì thấy có mình ổng nằm đó. Người ta đưa đi cấp cứu giùm. Khổ lắm cô ơi! – Chị vừa nói vừa vỗ đứa con nhỏ đang cựa mình.
– Vậy bây giờ anh có bình phục hoàn toàn chưa chị!
– Cái chân ổng đi cà nhắc chứ không hết hẳn như trước, sức khoẻ cũng yếu đi nhiều.
– Chị giữ mấy đứa nhỏ không có thu nhập. Vậy kinh tế phụ thuộc hết vào anh hả chị? – Linh thấy rõ, để Nam được đi học có lẽ là khó khăn vô cùng.
– Đúng rồi cô! Hồi xưa ổng làm thợ chính, tiền lương cũng nhiều lắm. Mà giờ chân ổng vậy ít ai chịu mướn. Nhờ cái ổng hiền, anh em thương nên rủ ổng làm mấy cái việc nhẹ chứ khiên vác thì đâu ai dám kêu. Tiền ổng làm ít lắm còn phải nuôi hết thảy năm miệng ăn. Khổ cái kéo thêm khổ cô ơi. Dịch bệnh hồi năm ngoái tới giờ làm thì ít nghỉ thì nhiều… – Chị cúi đầu, có chút xấu hổ, ấp úng. Linh vỗ vai chị an ủi và nói:
– Chị cứ nói, đừng ngại chị nhé!
– Đợt dịch lần đó vợ chồng tôi bị vỡ kế hoạch nên thêm đứa nữa. Gánh nặng đè thêm lên người ổng. Thấy ổng khổ quá nên tôi cũng không đành lòng nên cắn răng cho thằng Nam nghỉ học cho ổng nhẹ đi một phần.
– Nhưng… cháu còn nhỏ như thế nghỉ học thì làm được gì hả chị. Tội cháu lắm chị ạ! Ráng cho lấy bằng mười hai ra đường đi xin việc cũng dễ hơn chị ạ! Không có cái chữ thì khổ thân nó. Em sẽ cố gắng xin nguồn hỗ trợ cho bé chị nhé!
– Tôi biết ý tốt của cô nhưng người ta có thể giúp một, hai năm nhưng về lâu về dài thì sao hả cô? Với người nhà nông như chúng tôi thì nghỉ học lớp sáu, lớp tám hay lớp chín cũng chẳng khác là mấy cô ạ! Dù có hỗ trợ thì tiền nó đi học hàng ngày vẫn phải lo thôi.
– Nếu nhà mình có sổ hộ nghèo, em học giỏi thì còn được học bổng, với khi có mạnh thường quân hỗ trợ em sẽ cố gắng ưu tiên cho cháu. Chị cố gắng cho em nó đi học nhé! Em biết gia đình mình khó khăn nhưng để cháu nghỉ học sớm thì khổ cháu nó lắm chị ạ! – Linh vẫn kiên trì nói tiếp.
– Gia đình tôi làm gì có sổ nghèo hả cô. – Linh ngớ người. Có lẽ thấy được sự bất ngờ hiện lên trên đôi mắt Linh nên chị nói tiếp:
– Cái nhà tình thương này của cha mẹ tôi để lại. Chứ xưa nay vợ chồng tôi có cái sổ nào đâu. Xin mấy năm nay mà mấy ổng không có cấp.
Linh im lặng. Trong đầu cô rất nhiều suy nghĩ mơ hồ. Cô hỏi:
– Bây giờ cháu nghỉ học thì cháu sẽ làm gì ở độ tuổi này hả chị?
– Tôi có thằng em làm nghề sửa xe ở thị trấn, tôi cho thằng Nam ra học với cậu nó. Đỡ miếng ăn mà nó cũng được cái nghề sau này nuôi cái thân nó.
– Nhưng cháu còn quá nhỏ, học nghề em sợ cháu nó không ổn?
– Chứ đâu còn lựa chọn nào khác đâu cô. Hai đứa em nó cũng gần đi học. Tôi giữ đứa nhỏ này cũng độ vài ba năm nữa mới gửi đó đi kiếm chỗ làm được. Chồng tôi không đủ khả năng gồng gánh nữa cô à. Tôi sợ… một ngày ổng hết sức nằm đó rồi khổ thêm nữa. Ổng đi làm về tôi biết mệt lắm chứ cô. Mà giờ còn phải đi giăng lưới kiếm cá độ khuya mới về. Tôi không biết ổng chịu đựng được bao lâu nữa. – Chị rưng rưng, nghẹn ngào. Phải chăng đây là nỗi niềm của người mẹ dù cố gắng nhưng vẫn bất lực trước sự khắc nghiệt của cuộc sống?
– Em biết gia đình rất khó khăn nhưng chị có sợ rằng Nam rồi sẽ lặp lại cuộc sống của mình. Nếu cho cháu đi học thì biết đâu tương lai của cháu sẽ tốt đẹp hơn bây giờ.
– Làm cha làm mẹ ai không muốn con mình được ăn học đủ đầy như con người ta hả cô? Nhìn con người ta rồi nhìn lại con mình… nó thiệt thòi đủ điều. Tôi cũng đắn đo nhiều lắm mới dám đưa ra quyết định như vậy. Ai không muốn cho con mình thứ tốt nhất mà ngặt nổi cuộc sống không cho phép cô à! Tôi biết cô có ý tốt nhưng có những thứ dù mình có ý tốt nhưng lại chưa chắc làm được. Gia đình tôi sổ hộ nghèo không có thì để xin trợ cấp cũng đâu có gì chứng minh là gia đình khó khăn đâu cô. Hồi nó học tiểu học tôi cũng trình bày hoàn cảnh gia đình như vậy mà được hỗ trợ gì đâu.
Linh lần nữa rơi vào im lặng. Cô dùng lí thuyết để củng cố niềm tin cho chị nhưng chị dùng thực tế để chứng minh với cô. Nhưng… cái thực tế của người phụ nữ chân chất này lại đúng. Cô có thể xin học bổng nhưng cô không đảm bảo được học bổng có được duyệt hay không? Cô có thể hỗ trợ em nhưng số tiền ít ỏi của cô vẫn không thể nào đủ để em có thể trang trải học phí. Linh nhận ra có những thứ trong suy nghĩ lại vô cùng dễ dàng và tốt đẹp nhưng hiện thực cuộc sống luôn luôn rất phũ phàng. Hiện thực ấy… người ngoài chưa chắc đã hiểu.
– Vâng! Em hiểu nhưng vẫn rất mong anh chị suy nghĩ thêm vì tương lai của cháu còn rất dài. Quyết định bây giờ em nghĩ nó quá sớm với bé.
– Cảm ơn cô nhưng tôi với ông nhà cũng đã bàn bạc kĩ lắm rồi mới quyết định. Đã cố hết sức rồi cô ạ!
– Vâng! Chị cứ suy nghĩ chị nhé. Cũng không còn sớm nữa, em xin phép về chị nhé!
– Cô ở lại dùng bữa cơm với gia đình tôi rồi hả về nhe cô!
– Em còn công việc phải về. Em chào chị ạ! – Linh từ chối. Người phụ nữ gọi Nam tiễn cô về. Hai cô trò đi về hướng xe máy của cô. Nam khẽ nói:
– Con biết cô muốn tốt cho con. Mà con không muốn đi học đâu. Con sẽ học sửa xe để phụ ba mẹ nuôi các em. – Lúc này nhóc con không mang gương mặt vô tư khi đón cô vào mà bây giờ là sự chững chạc, trầm tĩnh của một người trưởng thành.
Linh cuối xuống, hai tay để nhẹ lên vai Nam, cô nhìn thẳng mắt Nam, nói với nhóc:
– Con chú ý an toàn và con nhớ mình làm nghề gì cũng không đáng xấu hổ miễn là nó chân chính. Cô hy vọng dù cuộc sống thế nào thì con vẫn phải nhớ rằng mình phải trở thành người tốt. Đừng đánh mất sự lương thiện của bản thân. Con không thể chọn nơi mình sinh ra nhưng có thể chọn mình trở thành người như thế nào. Sống tốt con nhé!
– Dạ! – Nam gật đầu. Cậu nhóc lúc này không nói gì thêm, ánh mắt Nam đã đỏ hoe. Giọt nước mắt của cậu lăn dài trên má. Đây có lẽ là giọt nước mắt của cậu nhóc ở độ tuổi vô tư bắt buộc phải trưởng thành. Cô lặng lẽ ôm cậu vào lòng. Trong đầu Linh vang lên câu nói cô từng nghe được: “Những đứa trẻ hiểu chuyện sẽ khiến người ta đau lòng!”
Linh ra về, cô nhìn về phía cuối đường, màn đêm đã bao phủ nhưng cô thấy rất rõ một chiếc lá xanh vẫn đang tràn nhựa sống rơi rụng, theo chiều gió bay đi mất! Trong bóng đêm rộng lớn, cô chẳng biết chiếc lá ấy sẽ theo chiều gió trôi dạt đến phương nào để tìm thấy ánh sáng mới hay lựa chọn nằm yên ổn dưới gốc cây chờ ngày khô héo và lụi tàn!
Mạn (3 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 2157
Thật lòng cảm ơn bạn đã đọc nhé!!!
Mạn (3 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 2157
Thật lòng cảm ơn bạn đã đọc nhé!!!
Thắm Thắm (3 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 1747
Bài viết hay lắm tác giả nhé!
Mạn (3 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 2157
Cảm ơn bạn đã đọc nhé!
Tinh Linh Tóc Đỏ (3 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 4941
Cũng rất ý nghĩa. đáng giá
Bạch Tước (3 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1577
Bác ơi! Tôi thấy bài này còn rất nhiều lỗi. Bác cố gắng ra soát lại nhé! Ví dụ: 12h => mười hai giờ (bác sử dụng mini icon và cũng nhắc bác hãy viết chữ thay vì viết số).