- Chiếc thẻ bài
- Tác giả: Diệu Phúc
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 569 · Số từ: 3069
- Bình luận: 0 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 2 LH Uk Trường Thi
Chiếc thẻ bài
Truyện ngắn. Diệu Phúc
Tôi lại vào viện. Sốt không rõ nguyên nhân. Lần nào cũng thế, và tôi cũng đã quen dần với việc vài ba tháng lại phải nhập viện một lần. Chiếc giường bên cạnh là một cô bé người dân tộc Thái trắng, bị viêm màng não. Cô bé không giỏi tiếng Kinh, nên tôi không bắt chuyện với cô được. Cũng may, cha cô nói tiếng Kinh khá rành rọt, thi thoảng vài câu chuyện trò, khiến cho sự nhàm chán trong bốn bức tường cũng vơi dần đi.
Ông kể về cơm lam, xôi nếp, rượu ngô. Ông lại kể về tục ở rể. Khi chàng trai ưng ý một người con gái, anh ta sẽ nhờ người đến làm mối, nếu cô gái ưng thuận, thì cuộc ở rể bắt đầu, có thể là vài tháng, có khi đến vài năm. Công việc của chàng trai được quy thành bạc trắng hoặc hiện vật cưới sau này. Tôi lấy làm thích thú với những kiến thức nằm ngoài hiểu biết của mình. Sự chất phác, hồn hậu của ông khiến tôi thấy thiện cảm.
Tôi thường chia sẻ bánh, sữa cho con gái ông. Nhà tôi gần bệnh viện nên mỗi lần mẹ bới nhiều thức ăn, tôi thường sang bớt phần cho cô bé. Có thể chưa quen khẩu vị, nhưng dù sao nó vẫn dễ ăn hơn cơm mua ngoài tiệm. Hôm nào mẹ lên ngủ lại cùng tôi, thì chiếc giường xếp nhỏ và chăn màn mà ba tôi hay nằm, tôi bảo ông lấy mà nằm, chứ nằm nền đất lạnh, dễ bệnh.
Ngày ra viện, cha con ông bùi ngùi chia tay tôi. Ông cởi sợi dây chuyền gắn tấm thẻ bài đưa cho tôi, bảo rằng tôi là người tốt, muốn tặng tôi để làm kỉ niệm.
Tôi nhìn tấm thẻ bài, trên đó ghi vài dòng chữ đơn giản:
FLOYD
AUBREY
RA 12 890 608
O POS
NONE
Dựa vào cái tên Floyd Aubrey, tôi đoán đây là thẻ bài của lính Mỹ. Những dãy số còn lại, có lẽ là thông tin đơn vị và nhóm máu. Tôi không rành lắm về mấy thứ này. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy có mấy thanh niên dùng thẻ bài làm dây chuyền hoặc móc khóa. Tôi treo nó lên tủ sách của mình.
Chẳng biết có phải do dùng thuốc quá nhiều, ảnh hưởng đến thần kinh hay không mà tôi cảm thấy mình ngày càng trở nên lẩn thẩn. Cây bút tôi nhớ là để trên quyển sổ, một lúc sau chẳng thấy, tìm hoài, thấy nó nằm trong hộp bút. Tôi chẳng rõ là mình đã đặt nó vào hộp bút từ lúc nào. Có hôm đi làm về mệt, tôi nằm bẹp ra giường, giày vứt lăn lóc. Sau một giấc ngủ dài, tôi lại thấy đôi giày nằm ngay ngắn trên kệ. Liệu tôi có bị mộng du khi ngủ? Không thể nào.
Tôi lên mạng tra tác dụng phụ các loại thuốc tôi đang dùng: buồn nôn, chóng mặt, tim đập nhanh, cảm giác bồn chồn, khó ngủ. Tôi không gặp những triệu chứng đó. Có lẽ do tôi đã quá lơ đễnh.
Tôi với tay lấy cốc nước. Trên mặt bàn đọng lại vệt nước hình trái tim. Đáy cốc hình tròn cơ mà? Tôi bắt đầu có cảm giác quen dần với những sự khác thường xung quanh mình, thậm chí có lúc còn thấy thú vị.
Mưa. Tôi ngồi ôm mình bó gối bên cửa sổ. Tôi thích ngắm mưa và gặm nhấm nỗi cơ đơn của mình. Lắm lúc tôi mong ước, giá mà có một bờ vai vững chãi, ôm ấp tôi trong những ngày mưa, hẳn sẽ rất hạnh phúc. Cơn mưa này không lạnh lẽo như những cơn mưa ngày trước. Tôi cảm giác tựa hồ như có một làn hơi ấm phảng phất bên tai.
Hôm nay sinh nhật Vy. Tôi có uống một chút. Soi vào gương thấy hai má mình ưng ửng hồng. Đủ đẹp rồi. Nước tẩy trang, kem tẩy tế bào chết, sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm. Chẳng cần thiết. Tôi lười biếng cuộn mình trong chăn. Cơn buồn ngủ nhanh chóng ập đến. Nửa đêm, tôi tỉnh giấc bởi cảm giác như có người nằm bên cạnh. Tôi quên bật đèn ngủ. Màn đêm tối om. Tôi vuốt nhẹ tay tay lên bụng, chẳng có gì. Nhưng tôi vẫn thấy dường như có người đang nằm sau lưng, sát vào tôi. Tôi không dám quay đầu lại. Tôi sợ phải nhìn thấy thứ gì đó ma quái, liền nằm im. Một lúc sau vẫn không có động tĩnh gì. Tôi đạp chân vào tường, nhích dần ra, để cảm giác về cái thứ sau lưng tôi rõ ràng hơn, nhưng không cảm nhận được gì cả. Cả một đêm tôi mất ngủ, nhưng lại phải giả vờ như đang ngủ say. Tôi sợ mỗi lúc cựa mình sẽ thấy điều gì đó bất thường. Tôi chỉ uống có một chút thôi mà, không lẽ rượu gây ảo giác mạnh đến vậy?
Chiếc gương trong phòng tắm xuất hiện một gương mặt cười. Nét vẽ mờ nhạt. Có lẽ một phút ngẫu hứng nào đó tôi đã vẽ nó mà không nhớ ra. Bệnh đãng trí của tôi ngày càng nặng rồi. Tôi cúi xuống rửa mặt, cảm giác ấm áp như có vòng tay ôm lấy mình. Tôi ngẩng lên nhìn vào gương. Trong gương là một khuôn mặt còn ngái ngủ, đầu tóc rối bù. Tôi cô đơn đến nỗi ảo tưởng có người bên cạnh rồi sao?
Những đêm về sau, vẫn là cảm giác đó, tôi chẳng còn xác định được ranh giới giữa thực và mơ. Một bàn tay to khỏe và ấm áp ôm chặt lấy tôi. Bàn tay đầy những sợi lông tơ mảnh. Ngón áp út mang một chiếc nhẫn, mặt tượng hình chữ F. Tôi vẫn chưa đủ can đảm để quay đầu lại nhìn. Nhưng tôi dần thích cảm giác đó. Cảm giác được ôm ấp khi ngủ. Dần dần, sự hiện diện của “ai đó” rõ ràng hơn. Làn hơi ấm xuất hiện nhiều hơn. Vệt nước đọng hình trái tim, gương mặt cười, và những sự xếp đặt gọn gàng các đồ vật, tôi biết, trong căn phòng này không chỉ có tôi. Tôi không còn thấy sợ, ngược lại, thấy vui thích nữa là khác. Ít ra thì người đó không hại gì tôi, ngược lại, mang đến cho tôi những cảm giác dịu ngọt. Tôi nhận ra mình bắt đầu chờ đợi sự xuất hiện của người đó.
Lần này, tôi lấy hết can đảm, tôi muốn được một lần nhìn vào gương mặt ấy, dù gì, đó cũng là người đã một thời gian ở bên tôi. Một đôi mắt xanh mở to nhìn tôi, vừa như thảng thốt, vừa như van lơn. Tôi sững sờ nhìn anh, cảm thấy có chút thương cảm. Tôi đột nhiên nghĩ đến chiếc thẻ bài. Floyd Aubrey. Tôi khẽ gọi. Anh gật đầu. Chuyện này không thể tin được. Nhưng cảm giác của cơ thể là thật. Những rung động trong tâm hồn cũng là thật. Anh đặt một nụ hôn lên đôi mắt hoang mang của tôi, xoa dịu nó. Anh cạ những sợi râu lởm chởm lên cằm tôi, rồi cuốn lấy bờ môi tôi, hôn một cách điên cuồng và say đắm. Anh nhẹ nhàng đi vào trong tôi, đê mê, khao khát.
Hôm sau, và những hôm sau nữa, chúng tôi lại đến với nhau. Dù suốt đêm không ai nói với ai một lời nào, nhưng những cử chỉ yêu thương, ánh mắt âu yếm đủ nói lên tất cả. Tôi cố gắng về nhà sớm hơn để có nhiều thời gian bên cạnh anh. Anh cũng đã xuất hiện trong căn phòng tôi một cách thường trực. Tất nhiên, là tôi nhìn thấy anh bằng cảm giác, nhưng khi đêm về, mọi thứ quá chân thật, khiến tôi không nghĩ là mơ. Tôi không cố công tìm hiểu làm gì, và thật sự tôi không muốn tìm hiểu, bởi tôi sợ, khi mọi thứ được giải thích rõ ràng, anh cũng tan biến đi, hư ảo như bóng trăng dưới nước, khi ta cố chạm tay vào.
Chúng tôi chỉ có thể giao tiếp với nhau những câu đơn giản. Anh hay nhìn bức ảnh gia đình trên bàn làm việc của tôi. Anh nhớ những người thân của mình. Anh muốn về nhà. Nhưng bằng cách nào? Việc anh xuất hiện trong căn phòng tôi, cả anh và tôi đều không giải thích được. Anh chết do tai nạn vấp mìn. Hài cốt của anh ở đâu, bản thân anh cũng không rõ. Bằng một cách nào đó, linh hồn anh đi theo chiếc thẻ bài. Nhưng trước tôi, chưa có ai cảm nhận được anh. Tôi thầm nghĩ, nếu đưa được chiếc thẻ bài của anh về nhà, có lẽ, anh sẽ được trở về. Tôi nói ra suy nghĩ của mình. Ánh mắt anh sáng lên, anh gật đầu đồng thuận. Tôi chép lại bức thư anh viết, gửi theo địa chỉ anh đưa cho. Dù không hiểu hết nội dung của bức thư đó, nhưng tôi biết, anh đã viết nó bằng tất cả sự nhớ thương mấy mươi năm dồn nén lại.
Tôi bắt đầu chuẩn bị tâm lí cho ngày anh rời đi. Chúng tôi không cùng một thế giới. Anh cần trở về với quê hương, với người thân. Đó mới là thế giới của anh. Đến một ngày nào đó, với anh, tôi chỉ còn là một hồi ức. Với tôi, anh chỉ là một giấc mơ. Chúng tôi cố gắng sống trọn vẹn những ngày cuối cùng ở cạnh nhau.
Nhưng rồi, một tháng, hai tháng, ba tháng qua đi, chúng tôi vẫn không thấy hồi âm. Nỗi thất vọng dần hiện rõ trên mặt anh. Có lẽ gia đình anh đã chuyển đi nơi khác. Tôi nắm bàn tay anh, siết chặt, để anh hiểu, anh vẫn còn có tôi.
Chợt nhớ ra một người bà con xa đang định cư ở Kentucky, tôi tìm cách liên lạc, gửi ảnh chiếc thẻ bài của anh và một số thông tin, nhờ bác liên hệ với những người trong hội Cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam để tìm thân nhân của anh. Tôi vẫn nhen nhóm hy vọng. Bởi tôi biết, đối với những người thân, thẻ bài cũng giống như hài cốt, nếu người lính tử trận mà thân xác không được mang về. Tôi tìm vào những trang web tra cứu thông tin từ những chiếc thẻ bài và đăng ảnh. Biết đâu có một ngày, người nhà anh cũng vào đó, tìm kiếm thông tin của anh.
Một ngày, tôi trở về quê mẹ ở bên một dòng sông. Con hào giao thông dẫn ra sông thời kháng chiến sao bao nhiêu năm tháng giờ đã được bồi đắp lên cao. Tôi vẫn nhớ như in ngày còn bé, sau mỗi trận lũ rút, nước chảy từ trong đường hào ra sông, mang theo bao tôm cá. Người trong thôn mang vó đứng đầy hai bên hào. Mỗi lần cất vó lên, cơ man nào là cá. Cá ngạnh, cá bống, cá diếc, cá úc nhảy tưng tưng trên lưới, trông mới đã mắt làm sao. Cánh rừng tre kế bên, đầu mùa mưa chúng tôi thường dậy sớm hái nấm mối mang về cho mẹ xào với thịt hay đổ chả trứng, giờ cũng được san bằng, trở thành cánh đồng hoa màu.
Mẹ kể, nơi này, ngày xưa, chiến tranh diễn ra ác liệt. Khi rừng tre được xới lên để trồng sắn, trồng ngô, nhiều hài cốt được tìm thấy, của bộ đội ta có, của lính Mỹ có. Chính quyền đang xác minh, truy tìm đơn vị và thân nhân của họ. Nghe đến đó, tôi như bừng tỉnh.
Trong số họ, có ai mang một chiếc nhẫn mặt tượng hình chữ F không ạ? Chuyện này, làm sao con biết được?
Một luồng điện chạy dọc cơ thể tôi. Nhân duyên của tôi và Floyd, phải chăng là sự an bài của tạo hóa?
Chiều hôm đó, tôi tìm đến bác An, Chủ tịch hội Cựu chiến binh của xã, hỏi về hài cốt của người lính mang chiếc nhẫn có mặt tượng hình chữ F. Quả là họ có tìm thấy người lính Mỹ mang chiếc nhẫn như vậy.
Sao có thế xác định được là lính Mỹ, chứ không phải bộ đội ta?
Dựa vào chiếc thẻ bài ngậm trong miệng người lính.
Bác An với lấy cuốn sổ mà bác đã cẩn thận chép lại thông tin, định đưa nó cho tôi xem. Tôi không nhìn, đã đọc thông tin chiếc thẻ bài cho bác nghe. Bác nhìn tôi trân trân như một kẻ bị ma ám. Tôi không thể giải thích mọi chuyện cho bác, chỉ có thể nói với bác do tình cờ mà tôi biết được, và mong bác báo tin cho tôi biết khi có thể liên hệ được với thân nhân của người đó.
Tôi kể lại những gì đã xảy ra cho Floyd nghe. Qua các tình tiết xâu chuỗi lại, tôi đoán người đồng đội của anh không thể đưa xác anh trở về nên đã nhét chiếc thẻ bài vào miệng anh để sau này nhận diện hài cốt, chiếc còn lại, anh ta giữ để mang về cho người thân của anh, nhưng có lẽ người đó cũng không trở về được hoặc đã làm thất lạc nó, và cha của cô bé người dân tộc Thái trắng kia vô tình nhặt được.
Thật khó để diễn tả cảm xúc trên gương mặt anh lúc này. Đôi mắt anh rực sáng, không buồn, không vui, và phảng phất một nỗi lo sợ mơ hồ nào đó. Anh sợ lại phải thất vọng lần nữa ư? Hay nỗi sợ từ dư âm của chiến tranh còn đọng lại? Trống ngực tôi vẫn đập liên hồi, như lúc bác An kể về bộ hài cốt. Tôi như người đi trong lớp sương mù dày đặc. Phía trước mắt thật mờ mịt, khó đoán, chỉ có thể đi theo cảm tính. Chúa đã an bài mọi sự. Tôi chỉ có thể giữ niềm tin như vậy. Một cảm xúc mơ hồ len lỏi trong tôi, tôi biết ngày Floyd rời đi không còn xa nữa.
Một buổi sáng, chúng tôi đang cùng nhau chơi cờ caro, bỗng nhiên Floyd dừng hẳn lại, đôi mắt anh mở to hoang hoải, ngước lên nhìn tôi, rồi kéo nhanh tôi về phía anh, ôm chặt. Tôi cũng cảm nhận được có điều gì đó bất thường. Nỗi sợ hãi vô hình như một luồng khí cô đặc bủa vây lấy chúng tôi. Tôi nhắm mắt, cầu nguyện. Một cảm giác hẫng hụt. Floyd đột nhiên biến mất. Tôi hoảng loạn, dáo dác tìm kiếm khắp căn phòng. Tôi không còn cảm nhận được anh nữa. Tôi gọi mãi tên anh, như một kẻ điên, gọi mãi một cái tên trong vô thức. Cả đêm hôm ấy, tôi không ngủ. Tôi chờ đợi sự xuất hiện của Floyd, nhưng anh ấy đã không trở lại. Tôi lại ngồi ôm mình bên cửa sổ, ngắm vầng trăng lạnh lẽo, khắc khoải, cô độc.
Tôi đã cố để không chạm vào bóng trăng dưới nước ấy, mà sao nó vẫn tan biến đi? Tôi nghĩ về những ngày tháng đã trải qua cùng Floyd, nó có là thật, hay chỉ là những giấc mơ trong cuộc đời lắm mộng mị của tôi? Nhưng nỗi nhớ này là thật. Nỗi đau này là thật. Tôi nhớ anh đến đau xé tâm can, nhớ đến không chịu nổi. Tôi cắn chặt môi đến bật máu. Nước mắt hòa lẫn máu, thấm đẫm bờ môi, mặn chát.
Tiếng chuông điện thoại đổ đến lần thứ ba, tôi rệu rã nhấc máy. Từng tiếng của bác An như sấm động bên tai tôi. Thân nhân của Floyd đã tìm sang để nhận hài cốt. Họ muốn gặp tôi trước khi trở về nước. Tôi như bừng tỉnh, vùng ra khỏi chăn. Tôi nhanh chóng rửa mặt, thay quần áo, với lấy chiếc thẻ bài trên tủ sách, đón chuyến xe sớm nhất về quê mẹ.
Đứng trước mặt tôi là hai người đàn ông, một già, một trẻ. Tôi nhìn thấy ở chàng trai trẻ bóng dáng quen thuộc của Floyd. Vầng trán cao. Đôi mắt xanh sâu thẳm. Bàn tay đầy những sợi lông tơ mảnh và sáng.
Người đàn ông nhìn tôi, nghẹn ngào xúc động. Ông cảm ơn tôi về những thông tin quý giá mà tôi cung cấp cho Hội cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam. Ngày ông nhìn thấy hình ảnh chiếc thẻ bài của anh trai, cũng là ngày gia đình ông nhận được thông báo đã tìm được hài cốt của Floy từ đại sứ quán Mỹ. Sau khi có kết quả giám định ADN hài cốt, cha con ông tức tốc đáp chuyến bay về miền đất cách nửa vòng trái đất, để đưa Floyd trở về.
Tôi tháo sợi dây chuyền gắn tấm thẻ bài đang đeo trên cổ, đặt vào tay ông. Giây phút đó, cả thế giới dường như vỡ vụn dưới chân. Tôi cố kìm nén nhưng không ngăn được những dòng nước mắt thi nhau chảy. Tôi không giữ được Floyd. Cả kỉ vật duy nhất về anh ấy tôi cũng không giữ được. Tôi chỉ có thể giữ lại cho mình những giấc mơ, hư ảo, chóng tàn.
Hình bóng của Floyd tôi chôn chặt trong tim, những lúc nhớ về, lại thấy một nỗi man mác, dịu ngọt. Hai năm sau, tôi gặp được người đàn ông của đời mình. Ngày anh cầu hôn tôi, nhìn thấy chiếc nhẫn với mặt tượng hình chữ F, một cái gì đấy dấy lên trong lòng, khiến tôi thổn thức. Tôi hỏi, sao anh không chọn một chiếc nhẫn đính đá như bao chiếc nhẫn cầu hôn khác. Anh nói, vì đó là kí tự đầu tiên trong phát âm tên của tôi. Tôi đưa tay để anh luồn chiếc nhẫn vào ngón áp út. Một cảm giác thân thuộc. Bằng một cách nào đó, Floyd đã trở về.