Tôi có ba chiếc khăn, hai chiếc đã mất, một chiếc vẫn còn.
Khởi đầu cho mỗi câu chuyện của tôi, dường như đều có hơi hướm của một người nào đó. Câu chuyện này cũng vậy. Bạn nhận xét về tôi: “anh là người thích những điều xưa cũ”. Chẳng biết bạn nhìn thấy đều đó ở đâu nhưng bạn nói cũng… gần đúng. Tôi thích nhớ những điều xưa cũ. Ba chiếc khăn của tôi là ba điều xưa cũ mà nếu nói chỉ là để nhớ không thì chưa đủ, nó còn là một phần trong những bài học của sự trưởng thành của tôi.
Chiếc khăn thứ nhất:
Đó là chiếc khăn của tôi vào năm đầu của cấp 3. Nó là chiếc khăn tay được bạn thêu cho, những nét thêu đơn giản và một dòng chữ cũng không thể nào giản đơn hơn. Nhưng thoạt nhìn thì nhận ra ngay đây là một chiếc khăn thêu tay bởi trên đời chỉ có một chiếc duy nhất. Tôi đã nằn nì bạn thêu cho mình và bạn đáp ứng. Tôi thích chiếc khăn ấy lắm, hễ có dịp là lại mang ra khoe. Với tôi, cho đến tận bây giờ nó vẫn là chiếc khăn đẹp nhất. Ấy vậy mà tôi đã đánh mất nó, mất lúc nào chẳng biết. Tôi còn nhớ rõ hôm ấy, tôi hồ hởi nói với bạn rằng tôi đã làm mất chiếc khăn ấy rồi, nhẹ như đánh mất một cái gì đó chẳng quan trọng lắm. Tôi còn nhớ rõ hôm ấy là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi thấy bạn khóc. Tôi đã từng ước rằng mình chưa bao giờ nhìn thấy bạn trộm lấy tay quệt đi dòng nước mắt không tiếng động ấy.
Bạn rất bận, bận học vì thế nên bạn học rất giỏi, bận làm việc nhà vì bạn cũng là một lao động quan trọng trong khi bố mẹ bạn vô cùng vất vả vì công việc đồng áng. Vì thế để thêu cho tôi chiếc khăn ấy bạn phải mất cả tuần liền, những đường thêu đơn giản ấy là kết quả sau những lần học khuya bạn tranh thủ mò mẫm từng nét một. Ấy vậy mà tôi không trân trọng, để mất và để bạn khóc. Tôi nói với bạn rằng “từ giờ trở đi tôi sẽ không bao giờ dùng bất kỳ một chiếc khăn tay nào nữa”. Đó không chỉ đơn thuần là một lời hứa, là sự hối lỗi mà còn là khoảng khắc đánh dấu cho tôi biết thế nào là sự cảm động. Tôi tự nghĩ sẽ không bao giờ làm bạn lại buồn nữa. Tiếc là tôi đã không làm được như điều tôi đã nghĩ.
Chiếc khăn thứ hai:
Vài năm sau, tôi và bạn (người thêu cho tôi chiếc khăn thứ nhất) lên Hà Nội học. Bạn ở trung tâm, tôi ở ngoài rìa thành phố. Hồi ấy chẳng có điện thoại di động nhiều như bây giờ, phương tiện liên lạc của chúng tôi là thư tay và những dòng tin nhắn trên yahoo. Bạn đến thăm phòng trọ của tôi vào một buổi trưa. Tôi lúc ấy là đứa trẻ vô tâm nhất quả đất, tôi chẳng thể nào tưởng tượng được nỗi khó nhọc của bạn khi đạp xe đi gần nửa thành phố để tìm cái phòng trọ heo hút của tôi. Thậm chí tôi còn chẳng mấy quan tâm đến điều đó, cho rằng nó là điều đơn giản, là đương nhiên.
Bạn đến và mua tặng tôi một chiếc khăn mặt màu xanh trên đó có thêu một chú gấu. May mắn đây là chiếc khăn thường thấy ở chợ chứ không phải là một chiếc khăn độc nhất nào nữa. Nói là may mắn vì tôi lại đánh mất nó. Số là tôi hay treo khăn ngoài chái nhà, sau một đêm mưa gió chẳng biết cái khăn ấy đã bị cuốn đi đến tận phương trời nào. Tôi chẳng tiếc khăn mà chỉ sợ lần sau bạn đến không thấy nó nữa, sợ bạn buồn. Vì thế ngay lập tức tôi ra chợ, tìm bằng được chiếc khăn y như vậy và mua thêm một chiếc khác nữa. Tôi dùng chiếc khăn khác kia để rửa mặt hàng ngày và chiếc khăn của bạn chỉ để treo bên cạnh “làm màu”, để lần sau bạn đến vẫn thấy nó ở đấy.
Tôi sợ hãi nhìn thấy bạn buồn và sợ hãi làm cho bạn thất vọng, tôi đã từng tự hào về sự nhanh trí của mình khi đi mua chiếc khăn thay thế một cách kịp thời. Ấy vậy mà khi lớn lên chút nữa tôi mới hiểu rằng cái tính khí hời hợt, bâng quơ mà bạn lầm tưởng là “cá tính” ấy của tôi chỉ khiến cho bạn vui khi ở bên cạnh tôi thôi mà tính thời gian ra thì tôi ở bên cạnh bạn có bao lâu đâu nhỉ? Có một quãng thời gian sau khi nghe bạn hát cho tôi ở công viên, tôi đã không ở cạnh bạn nhiều hơn. Tôi đã khiến bạn buồn nhiều, thất vọng nhiều, đau nhiều… nhưng chuyện nhân duyên vốn là thứ kỳ diệu mà chẳng thể nào cưỡng cầu. Thời gian đẹp nhất của tôi và bạn nó chỉ đến vậy và đến tận bây giờ tôi vẫn giữ nguyên cảm giác bằng hữu từ thủa ấu thơ ấy. Đẹp đến mê mẩn cả ký ức.
Tôi từng kể câu chuyện về hai chiếc khăn, kể về bạn cho một người bạn khác. Bạn hỏi lại tôi: “anh có thấy nuối tiếc không?” Tôi lắc đầu, cười rất thỏa mãn. Có gì mà nuối tiếc cơ chứ? nhân duyên vốn kỳ diệu mà.
Chiếc khăn thứ ba:
Đây cũng là một chiếc khăn xanh, màu xanh nước biển và cũng là chiếc khăn còn tồn tại đến tận bây giờ.
Mùa xuân năm ấy, nội tôi đi họp mặt đầu xuân của hội người cao tuổi. Quê tôi các cụ đi họp bao giờ cũng có quà, năm đó quà là một chiếc phong bì 50 ngàn, một viên xà phòng thơm to bằng ba ngón tay và một chiếc khăn mặt. Ông cưng tôi lắm nên cho tôi chiếc khăn mặt để mang đi học xa. Hôm trước tôi nhận khăn từ tay ông, lên Hà Nội một đêm rồi hôm sau lại về quê làm tang cho ông. Từ đó, ngoài bài học chiếc khăn đầu tiên dạy tôi biết cảm động, chiếc thứ hai dạy tôi biết quan tâm thì chiếc thứ ba này lại dạy cho tôi về sự vô thường của những nhân duyên.
Nếu nói sự sống và cái chết là một mối duyên cũng được. Duyên giữa người và đời, giữa người và tất cả mọi người đã hết cho nên người thành thiên cổ, thọ cùng trời đất từ nay ở chốn vĩnh hằng. Tôi vẫn tin tưởng rằng cõi vĩnh hằng là có thật và bước chân cuối cùng của tôi cũng sẽ đi vào nơi ấy. Sự vô thường như một chuyến xe bất chợt sẽ đưa bạn, đưa tôi đưa bất kỳ ai đến bất kỳ đâu, kể cả là vào nơi vĩnh hằng.
Đến nay đã gần 10 năm trôi qua, đời người có bao nhiêu cái mười năm nhỉ? Chiếc khăn của nội tôi để vào vali một lần và vẫn ở đấy cho đến tận bây giờ. Chưa một lần nào nó được dùng đúng với chức năng của một chiếc khăn mặt vì với tôi nó đang làm một chức năng khác, quan trọng hơn rất nhiều.
…
Cả ba chiếc khăn, bằng cách này hay cách khác vẫn tồn tại cùng tôi cho đến những ngày tháng hiên tại. Vẫn cứ thay tôi kể về ba điều cần phải trân trọng là cảm động, là quan tâm, là nhân duyên. Cho nên tôi vẫn nói với bạn rằng điều tôi lo sợ nhất là một ngày tôi không còn sự cảm động, không còn điều để quan tâm và không còn trân trọng nhân duyên mà mình đang có.
Thế nên có lúc nửa đêm, tôi kể cho bạn nghe về sự khó chịu của bản thân mình khi nhớ lại một lời nói của tôi vô tình làm tổn thương bạn, làm bạn buồn. Bạn thì thào an ủi vào tai tôi: “em quên chuyện đó rồi, anh đừng nhớ đến nữa”. Tôi khó lòng mà quên đi được.
Tôi thấy mình hời hợt từ thủa xưa, những điều quan trọng thì chẳng mấy khi quan tâm trong khi những thứ vụn vặn, nhỏ nhen lại làm cho mình trằn trọc. Những điều xưa cũ, những kỷ vật nho nhỏ đều khiến cho tôi chạnh lòng khi nhớ đến người đã gửi gắm những thứ ấy cho tôi. Chắc người đã quên mà sao tôi lại cứ vẫn nhớ? Tôi làm sao mà quên đi cho được? Có người nói “khi người ta học được cách quên thì mới có thể thực sự trưởng thành”.
Ngố Tiên (8 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 1777
Chuyện đời tư của mình đó Lực, viết lại kiểu như nhật ký thôi :)
Tiến Lực (8 năm trước.)
Level: 19
Số Xu: 18488
Cảm ơn truyện ngắn sâu sắc của anh :)