Cỏ lau
Trời lại mưa rồi, quê tôi là vậy, hai mùa mưa nắng rõ ràng. Mùa nắng thì dù cho đốt núi cũng đừng mong có mưa, mùa mưa thì không cần lập đàn cầu thì cũng như trút nước. Lại nói đến làng tôi gọi là làng Lau, bởi vì cách làng không xa là một ngọn đồi nhỏ, trên đó không có cây cối gì cả mà chỉ toàn lau là lau. Nếu không phải trong sách sử nói Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư thì biết đâu lại có người nhầm làng tôi à quê hương của ông mất.
Ngoài sân mưa vẫn trút xuống xối xả làm tắm ướt con đường đất thịt, mưa như một tấm vải trắng ngăn cách tầm mắt của mọi người. Tôi nghĩ rằng trời mưa thế này dân làng cũng chẳng đi ra ngoài đâu, ai lại dại dột ra ngoài khi thời tiết thế này. À, mà không, có một người vẫn ở ngoài đó, là thằng Cỏ – bạn tôi. Nó khi trước vốn được nhặt ở trên đồi cỏ Lau nên ông nội (nuôi) của nó đặt tên là Cỏ. Nó lớn lên cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng lại hay trầm mặc, ít nói. Đến khi ông nội nó mất thì nó càng sống khép kín hơn. Mười hai năm học nó chỉ có một mình tôi là bạn… à, còn một người nữa, người con gái nó yêu tha thiết.
Mưa rơi thưa lại rồi tạnh hẳn đi, nhưng bầu trời vẫn chỉ là một màu xám xịt, cuối con đường đất đỏ trước nhà tôi bỗng có một thân ảnh thê lương mà cô độc bước đi. Là thằng Cỏ, cả người nó ướt sũng, mái tóc hơi dài ướt nhẹp phủ xuống che đi một con mắt trái âm u. Nhìn nó trong khung cảnh này thật là lãng tử. Tôi chắc rằng nếu có ông họa sĩ nào ở đây chắc chắn sẽ lấy bút ra mà vẽ nó và mời nó về làm người mẫu mất. Nhìn nó rảo bước về nhà tôi gọi nó:
– Lát tao qua nhà mày đó, tắm rửa sạch sẽ, trải thảm đó anh mày.
Nó ngẩng đầu lên nhìn tôi chợt nở ra nụ cười nhẹ đáp.
– Biết rồi, chổi nhà tao nhiều lắm, không sợ gãy hết đâu.
Nói rồi nó lại lầm lũi bước về nhà. Tôi cũng quay vào nhà lấy đôi dép rồi chạy theo nó. Nhà của Cỏ là căn nhà mà ông nội nó để lại, nhà gạch, nhưng đã cũ rồi, được xây từ thế kỷ trước. Ông nội nó khi trước vừa làm trưởng ấp cho quân Ngụy, vừa làm du kích, hai con trai của ông đều đi thoát li rồi hi sinh ở chiến trường K, vợ ông cũng mất sớm và ông sống một mình như thế cho đến khi nhặt được thằng Cỏ. Trong nhà mọi thứ đều rất đơn sơ, mọi thứ đều đã cũ, chỉ có những bằng khen, huy chương treo trên tường là lúc nào cũng sáng bóng.
– Sao mày cứ dầm mưa như thế, thế nào mày cũng chết sớm cho mà xem.
Nhìn đứa bạn ướt sũng cả người tôi hơi trách móc nó, nói vậy thôi chứ tôi biết vì sao nó dầm mưa, quả nhiên nó chỉ nhẹ nhàng nói.
– Mưa là lạnh, nhưng lòng tao ấm, mưa buồn nhưng có thể xoa dịu lòng tao, mày biết mà cứ hỏi tào lao.
Ngày ông nội nó mất là một ngày mưa, ngày cô gái nó thương yêu rời bỏ nó cũng là một ngày mưa. Có thể nói những gì đau khổ nhất của nó đều gắn liền với mưa, nhưng nó không hận mưa, ngược lại còn thích mưa, thích dầm mưa.
——————————————–
“Li…la…li…la…”.
Một ngày không mưa hiếm thấy tôi và nó liền dạo lên quả đồi lau, nó mang theo cây đàn guitar, ngồi trên đám cỏ, trên miệng còn ngậm một cọng cỏ lau non. Nó nói cỏ lau non thơm mùi sữa lắm. Thằng Cỏ là một nghệ sĩ, ít nhất trong mắt tôi nó là như vậy, nhưng nó chỉ đánh những bản nhạc hàn lâm buồn mà nghe ngai ngái sao đấy, nhiều khi nghe tôi còn muốn đấm vỡ mặt của nó. Ngứa tai nhưng không hiểu sao tôi lại thích nhìn nó đánh đàn, khi tiếng đàn cất lên có vẻ như lòng nó cũng nhẹ nhàng hơn.
Chơi xong một hai bài gì đấy thằng Cỏ nằm lăn ra, miệng ngậm cọng cỏ non, hai chân bắt chéo vào nhau, nó hít hà vài hơi nói.
– Sau này tao muốn làm giáo viên, về quê dạy học, tao thấy muốn thay đổi cuộc đời thì phải có tri thức, phải có hiểu biết mày ạ, làng mình còn thiếu tri thức nhiều quá, đa số tụi nhỏ đều nghỉ học đi làm ở cấp hai cả rồi. Sau này tao sẽ về đây, người hương thơm đất trời, gây sự nghiệp trồng người. Ha ha.
Cả hai chúng tôi đều có ước mơ làm giáo viên, nhưng tôi khác nó, Tôi muốn sau này được vào thành phố dạy học, ở đó có đầy đủ tiện nghi, có thể kiếm nhiều tiền qua dạy thêm, dạy kèm, chứ ở cái vùng đất khỉ ho cò gáy này biết bao giờ mới đổi đời được. Chắc chỉ có tâm hồn nghệ sĩ như nó mới nói đất thơm thôi.
—————————————
Tôi ngồi trên bãi cỏ lau sau mùa mưa, trên miệng ngậm một cọng cỏ non hút vào cái chất dịch đắng chát của nó, nhưng tôi lại cảm thấy nó ngọt ngào và thơm mùi sữa. Thằng Cỏ nói đúng, nó thơm và ngọt thật, đó là mùi vị của quê hương. Phía dưới chân đồi là làng của tôi, qua mấy năm đã từ từ thay đổi, có lẽ chỉ có cái ngọn đồi lau này là không có gì đổi khác thôi, vẫn những ngọn cỏ lau đọng nước, mùi đất hoa thơm lừng sau trận mưa.
– Thầy ơi!
Bỗng có tiếng gọi, thì ra là mấy đứa học trò đi dạo trên đồi lau. Hôm nay tụi nó họp lớp thì phải, đâu đó trong gió thoảng qua tiếng đàn “li…la…li…la”. Tôi cười cười rồi đứng dậy đi về phía chúng nó, sau lưng tôi là một đám đất cao, bên trên lơ thơ mọc vài ngọn cỏ lau cao đến đầu gối người, một viên đá rõ ràng viết: “Nguyễn Văn Cỏ (1980 – 2002)”.
Cỏ lau
Hàm Ngư, 25.09.2015