- Công chúa sáu mươi lăm tuổi
- Tác giả: Trần Khánh
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K+] Không dành cho trẻ dưới 9 tuổi
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 2.531 · Số từ: 5614
- Bình luận: 24 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 15 Xanh Mặt Trời Nhỏ Minh Bảo Trần Ari Võ Chuột Moe Phạm Thoan Ngọc Hương Trà Nguyễn Như Lan Lưu Nhật An Vit Lua Duc Nguyet Táo Ngọt Nga Thuỳ Thu Thủy Thanh Liễu Tử
Mười hai giờ trưa, Trúc nhìn qua ô cửa kính thấy nắng chiếu hết thảy cỏ cây, cành lá xung quanh nhà thành màu vàng. Nó chợt nghĩ cứ đến ban trưa thì cả một vùng đất đai muôn trùng đều vàng hết lên như vậy cũng thật đặc sắc. Nó lấy thêm một tờ giấy báo dán lên cửa kính. Cỏ cây cành lá giờ đây trở thành những dòng chữ bị nắng hắt vào trở nên hơi ửng vàng. Bằng ánh mắt đượm buồn, nó ngó vào phòng bà nội, nơi bố nó đang bóp cái máy trợ thở thủ công để duy trì hơi thở cho bà. Lâu lâu bà lại co giật lên một cái, trông có vẻ đáng sợ nhưng điều đó cho thấy bà nội chưa chết. Trúc cứ sợ bà nội chết rồi mà bố nó không biết cứ ngồi bóp lấy bóp để thì lại khổ tâm hết sức. Bố nó bảo nó lấy giấy báo dán che hết tất cả cửa kính nó cũng không muốn làm cho lắm. Nên nó cứ dán từ từ, từ từ, càng chậm càng tốt. Vì nó nghĩ bà nội chưa chết mà công tác chuẩn bị đã đâu vào đấy hết thế này khác gì bảo bà chết đi cho sớm.
Thực tình thì bố nó không phải là không xót, nhưng tính ông chu toàn nó vậy. Lúc bác sĩ thông báo sẽ trả bà nội về, ông liền dọn dẹp nhà cửa rồi đặt dịch vụ mai táng hết cả. Mà hình như bệnh viện người ta cũng tính toán cộng trừ nhân chia chắc cú lắm mới trả bà về. Lúc rời đi họ chỉ để lại mỗi cái máy thở bóp tay cho hai bố con ngồi bóp, mấy cái ống truyền chất dinh dưỡng cũng chẳng để lại chứ đừng nói tới bác sĩ. Kiểu này mà bà nội có may mắn sống được qua một ngày nữa thì cũng chết vì đói. Lúc nhìn mấy tà áo trắng của các bác sĩ phấp phới ra đi nó thấy hận bọn họ thực sự. Nhưng bố nó có vẻ như yên chí hết rồi. Nó hậm hực thì ông bảo:
– Cái gì buộc phải chấp nhận thì đành bình tâm mà chấp nhận thôi con. Đời ai mà chẳng phải chết, bố bảo vậy không phải để chúng ta buông xuôi, nhưng mà,…
Ông nhìn lại tấm thân bất tỉnh của mẹ mình, hai mắt nhắm nghiền, chỉ có lồng ngực là lên xuống theo từng nhịp bóp của ông.
– nhưng mà, nhiều khi bà nội con cũng không muốn cố đâu.
Trúc nghe vậy nhưng lòng vẫn khắc khoải. Nó tự hỏi bà nội có muốn cố sống thêm hay không. Rồi nó toan lầm lũi đi ra. Nhưng bố nó lại sai đi lấy cho ông một cái đồng hồ đặt cạnh giường để khi nào bà chết thì còn biết giờ. Trúc tự hỏi rằng không biết bố nó đang ngồi bóp ống thở để cho mẹ ông sống hay là bóp cho chết nữa.
Đứng dán cửa kính mãi không xong mà Trúc ngẫm ra một điều khá ngang trái. Là thà nó làm cho xong công việc luôn cho rồi, chứ cứ thế này thì chính nó cũng đang chờ bà nội chết để dán xong hay sao. Nó quyết định thôi không dán nữa. Một góc tấm cửa kính chưa dán để lộ ra bầu trời của nắng vàng. Nó quay lại phòng bà nội. Bố nó thấy gương mặt con mình có gì hơi lạ lạ nhưng cũng không hỏi gì. Trên giường, bà nội lại giật thêm một cái nữa.
Chiếc đồng hồ cạnh giường kêu lên túc tắc. Trúc tiến thẳng đến cái hòm gỗ đựng mấy thứ lặt vặt của bà nội. Nhiều lần nó thấy bà loay hoay với cái hòm này lắm rồi nhưng nó chẳng biết bên trong có gì. Nó mở hòm ra, mọt gỗ lấm tấm rơi xuống. Bên trong chỉ có vỏn vẹn một con búp bê.
Con búp bê loại nhỏ, chỉ dài hơn bàn tay người một chút. Tóc nó màu vàng, rơi rớt đâu hết vài chục cọng khiến nó bị hói nhẹ. Chân mày, mắt và miệng hình như đã được tô vẽ lại nhiều lần. Nhìn toàn thể thì nó là một con búp bê đã cũ lắm rồi. Trúc vạch váy nó lên thì thấy một chữ “Hà” đã phai màu mực. Là tên bà nội nó. “Vậy ra đây là món đồ chơi thuở nhỏ của bà nội”, Trúc nghĩ vậy rồi đột nhiên nó không ngăn được một cái nhoẻn miệng cười. Ngay lúc ấy bà nội nằm trên giường nấc lên một tiếng rõ to khiến cho con bé sợ xanh mặt.
Trúc có biết đâu, vào sáu mươi năm về trước, bà nội của nó lúc ấy là một tiểu thư trong một gia đình giàu có ở Sài Gòn. Đó là tầng lớp đi đầu trong các phong trào tiếp nhận văn hóa phương tây. Hà được bố gọi là “con yêu, công chúa của ba”, được mẹ kể cho nghe những câu chuyện về bà chúa tuyết, về công chúa ngủ trong rừng trước khi đi ngủ, và được cả hai tặng một con búp bê nhân ngày sinh nhật lần thứ năm. Cô bé Hà ôm những mơ mộng này suốt, nhưng có một thực tế rõ ràng rằng hiện thực không phải là giấc mơ. Cô nhận ra bố cô tuy ăn diện lịch lãm thế thôi, nhưng thực chất ông vẫn là một nông dân da ngăm đen, quen thói đi chân đất và hay khạc nhổ. Mẹ cô vẫn là một bà mụ hay cằn nhằn, mỗi lần xuống xe ô tô, đáng lẽ ra bà phải kéo đầm lên rồi mới bước xuống cho trịnh trọng thì bà lại hay nhẩy nhổm lên đập đầu vào thành xe và thốt ra những câu chửi tục thuần việt. “Đây không phải là thế giới của những công chúa và hoàng tử” cô bé Hà cứ cay đắng nghĩ vậy, cho đến khi cô tìm thấy một người thuộc về thế giới của mình.
Ngày ấy, chính quyền Sài Gòn đang ráo riết truy bắt cộng sản. Còn họ, những người cộng sản thì trú ẩn ở khắp nơi. Họ có thể là một người công nhân cao su, cũng có thể là một phụ nữ đang gặt lúa. Thậm chí một cô bé bán khoai, hay ngay cả một cụ già đang tóp tép nhai trầu cũng có thể là cộng sản. Giữa một bữa tiệc lớn của giới thượng lưu, có anh cộng sản trà trộm trong đó, chiếc mũ vành của anh kéo sụp kín mắt. Dúi điếu xì gà đang cháy dở vào gạt tàn, anh bước đi chầm chậm tiến đến bàn tiệc ngay trước bục biểu diễn múa hát, đó là bàn tiệc dành cho những người khách uy quyền nhất. Và hai tiếng “đoàng đoàng” vang lên, anh thẳng tay bắn hai phát súng vào giữa ngực một gã béo. Máu bắn ra cùng với ly rượu nho trên tay gã rớt xuống, khiến chiếc bàn đang màu trắng bỗng lênh láng đỏ.
Rồi anh vụt chạy đi. Bọn bảo vệ lao ra vây lấy anh. Đâu đó có tiếng hét lên “Hắn có súng”. Một chiếc gậy ba toong từ đâu ra đập vào gáy anh khiến anh ngã chúi xuống. Rất nhanh, năm sáu tên bảo vệ lao vào ghì anh lại. Nhưng anh bỗng tưởng tượng cái lưỡi máy chém chuẩn bị phập xuống cổ mình, để rồi cái bản năng sinh tồn trong anh vùng dậy và giúp anh vùng dậy giữa mớ kìm kẹo đó. Rồi anh bắn, anh bắn. Trong điên cuồng, tiếng người rú lên thảm thiết. Một chiếc mũ vành rớt xuống lăn lông lốc. Mùi rượu nho đổ vỡ bốc lên thoang thoảng khiến cho người ta hơi say say. Lúc này, sảnh đường bỗng dưng im ắng lạ, những kẻ sợ hãi thì nấp xuống gầm bàn, những kẻ bị bắn thì nằm soài dưới đất, không còn ai đứng cả, ngoài anh cộng sản và một cô bé.
Cô bé mặc một chiếc váy màu xanh lam, hai tay ôm ghì một con búp bê trước ngực. Mắt chăm chú nhìn anh, cô bé hỏi:
Chú có phải là bác thợ săn không?
– Phải. Ta là bác thợ săn. – Anh cộng sản bật cười rồi lững thững quay đi.
Trúc lại kéo váy con búp bê xuống, lật ngang lật dọc nhiều lần. Con búp bê này bà nội nó giữ lâu như thế, nhưng nó lại không cảm thấy một sự thân thương nào trong đó cả, chỉ có một nỗi niềm cứ cồn cào da diết mãi. Trúc không hiểu, nhưng nó cảm nhận được. Giữa tiếng gà gáy ban trưa, giữa những nếp nhăn trên mặt một cụ già đang thoi thóp thở, giữa mùi gỗ mốc meo, thì một con búp bê, một công chúa nhỏ bé hẳn phải lạc lõng như cái cách mà thế giới của bé ắt không thể có những thứ kia. Cô bé Hà ngày ấy cũng đã từng cảm thấy lạc lõng như vậy, cho đến khi anh lính cộng sản đơm cho cô một niềm hy vọng rằng thế giới này, nếu nhìn theo một góc nhìn nào đó cũng sẽ giống như thế giới mơ ước của cô. Nhưng trớ trêu là trong cái thế giới thực tại này thì niềm hy vọng cũng là một thứ lạc lõng nốt.
Tới đây Trúc chợt thấy chột dạ, nó ngoảnh lại nhìn bố:
– Bố ơi.
– Hử?
Ông nội của con là ai vậy bố?
Bố nó giật cả mình, mặt ông đỏ gay lên. Rồi ông nhìn bà nội đăng nằm bất động, rồi lại nhìn Trúc, tỏ ý đó là việc không nên hỏi lúc này.
Trúc một mực muốn biết, nó ngoe nguẩy tiến đến giường, chống hai tay xuống nệm rồi làm như thể nó hiểu ý bà nội.
– Nếu mà bà nói được thì bà cũng nói cho con biết mà bố.
– Ý bố không phải thế, nhưng mà bà còn đây thì làm sao…
Ông ngập ngừng tại đây. Trúc liền than thở:
– Nếu con được ở với bố với bà thường xuyên thì mấy chuyện này con đã được biết từ lâu rồi.
– Thì bố cũng giống như con chứ có khác gì đâu. Thậm chí bố còn tệ hơn nữa.
Bố Trúc thở dài một tiếng. Rồi ông bắt đầu kề, tay vẫn không quên bóp ống thở đều đều.
Ông nội của Trúc là ai, hay bố của ông là ai, chính ông cũng không biết rõ. Ông chỉ biết mẹ mình vào thời thiếu nữ đã lang thang khắp Sài Gòn để đi tìm một người cộng sản. Dù cộng sản chính là những kẻ đã đánh sập chính quyền khiến giới thượng lưu của gia đình bà tan nát hết. Lúc ra đi bà chẳng có xu nào dính túi. Khi đó gia đình ông nội ông, tức bố mẹ của bà Hà có nộp lên một tờ đơn tìm người thân có dòng này: “con chúng tôi khi đi mặc áo đầm màu xanh, mang nón rộng vành, có thêm một cây dù che nắng, một túi xách và chắc chắn trong túi xách có một con búp bê.”. Tất nhiên là chẳng ai tìm được bà, một phần vì bà không phải là chiến sĩ cách mạng hay gì hết, tất nhiên vào thời đó ai cũng khốn khó nhưng chính quyền ưu tiên những người có công trước, một phần nữa vì bà còn sống nhan nhản chứ chẳng hy sinh gì. Giả sử nếu cho bà tự tìm chính bà thì bà cũng chẳng biết tìm nơi đâu, vì bản thân bà cũng chẳng biết bà nên đi đâu. Bà tra cứu hết tất cả các tờ báo viết về cộng sản, báo chí thời sau giải phóng thường nêu hết công lao của những người anh hùng không sót anh nào. Nhưng chuyện người lính ấy đột phá hang ổ và bắn chết một nhân vật cấp cao trong chính quyền cũ đã xảy ra hơn mười năm rồi. Không có tiền, bà đành phải bán những thứ mang theo trên người. Ban đầu là cây dù, sau đó đến cái túi sách. Lần mà bà bán đi đôi giày là cho một chị nông dân đang đẩy xe bò. Mua đôi giày xong thì chị ta mang giày hàng hiệu chổng mông lên đẩy xe. Còn Hà thì mặc váy như công chúa nhưng lại đi chân đất, đi được ba cây số bà đã chảy nước mắt vì đau.
– Vậy người lính cộng sản đó là ông nội của con hả bố. – Trúc ngây thơ hỏi.
Bố nó lắc đầu:
– Không. Bà nội không gặp được ông ấy. Thứ duy nhất mà bà tìm được chỉ là mộ của ông ấy. Ông ấy là một liệt sĩ.
Trúc thở dài nhìn bà nội đang nằm. Bà nội nó đã ra đi mang theo một hy họng rất lớn. Chính nó hiện tại cũng đang hy vọng một điều. Nhưng nó không làm gì để nuôi cái hy vọng đó cả, thậm chí đang cố vứt cái hy vọng đó đi. Nếu nó là bà nội thì đã an phận đứng nhìn thời gian trôi, để rồi chính bản thân nó đã không tồn tại trên cõi đời này.
Nghĩ đến đây nó chợt nhớ ra:
– Ơ, vậy thì ai mới là ông nội?
– Bố không biết, nếu con muốn thì con có thể đi tìm như bà nội con tìm người lính cộng sản.
– Thế bố chưa bao giờ tìm ông ấy à?
– Chưa, như con thấy đấy. Bà nội là một người không ngại chiến đấu cho ước mơ của mình. Nên bố nghĩ cái tính cách dễ dàng quay đầu của bố là thừa hưởng của ông nội con mà ra.
– Vậy là ông nội cũng giống bố. Nhưng như thế nghĩa là sao?
– Nghĩa là chẳng ai trong bọn bố có ý định tìm kiếm nhau. Vì điều đó chẳng giải quyết được gì cả.
Trước khi tìm thấy phần mộ của người chiến sĩ cộng sản thì bà Hà đã mang thai và sinh ra một đứa con. Thành phố Sài Gòn thuở ấy mới trải qua một cuộc lật đổ và chưa ổn định về luật pháp nên đầy những kẻ manh động. Và một tiểu thư đã chưa trải sự đời lại còn hay đi lang thang là một con mồi quá lý tưởng. Lúc mọi chuyện đã rồi, Hà nằm bệt trong một góc phố. Uể oải nhìn lên trời, bà không thấy nhục nhã hay đau xót, mà chỉ thấy buồn cười vì trên con đường đi tìm cái thế giới đẹp đẽ và hạnh phúc của mình, bà lại tìm thấy được mặt tối tăm nhất, trần tục nhất của thế giới thực tại này. Trong năm người đàn ông đã cưỡng hiếp bà, bà chẳng thể xác định được bố đứa bé là ai. Có lẽ họ giống nhau, vậy tính chung là một cũng được.
Nhưng điều đó vẫn chưa buồn cười bằng việc bà đẻ ra một đứa con, thậm chí đứa trẻ còn lù lù lớn lên. Chính bà đã đưa một sinh linh vào thế giới này, một đứa trẻ biết nói, biết cười và có tâm tư của chính nó. Nhiều lúc bà thường tự hỏi làm sao mình làm được như thế. Điều đó thật là vô lý. Ngay cả một điều vô lý như vậy mà con người còn làm được, vậy thì bọn họ suốt ngày đi tìm cái lý trên cuộc đời này làm chi? Thế nên bà lại ôm con đi tiếp dù biết là mù quáng. Mười sáu năm sau đó bà mới tìm thấy phần mộ của người chiến sĩ cộng sản trên một cánh đồng hoang.
Trúc hơi thấy nghẹn nghẹn cổ. Nó không ngờ bố nó đã được sinh ra như thế. Tình cảnh còn tệ hơn nhiều tình cảnh của nó bây giờ. Nhưng theo nó thấy thì từ xưa đến nay bố nó chẳng có biểu hiện buồn bã gì về chuyện đó. Ngay cả lúc này, khi vừa kể chuyện cho nó xong bố nó vẫn thản nhiên bóp bóp cái ống thở. Thấy nó ngơ ngác bố nó còn mỉm cười. Dù là những ám ảnh nội tâm của bà nội nó, hay sự éo le trong hoàn cảnh thực tế của bố nó, thì tóm lại đều là những vấn đề mà ai cũng phải gặp, không điều này thì điều kia. Người mạnh mẽ thì miệt mài tranh đấu, người điềm tĩnh thì luôn sẵn sàng để chấp nhận. Còn bản thân nó thì sao? Nó tự hỏi mình như vậy. Cơn nắng bên ngoài chiếu qua cái lỗ mà nó để ngỏ trên cửa kính. Tính trẻ con lại nổi lên, nó khua khua tay như có thể nắm được ánh nắng, rồi tự bật cười thành tiếng. Có lẽ nó không giống bố, mà cũng chẳng giống bà nội. Nó thấy vui vì chính cái điều mà nó làm, chứ không phải vì một kết quả nào cả.
Nó liền lật đật chạy ra khỏi nhà, kiếm một gốc cây vừa mát, vừa kín đáo mà lại xa khỏi bố, rồi lấy điện thoại ra bấm số gọi điện cho mẹ nó.
Nhạc chờ vừa dứt thì mẹ nó đã sốt sắng nói.
– Alo, con muốn về rồi sao. Tối nay con muốn ăn gì nè để mẹ chuẩn bị.
Trúc cảm thấy hơi ngượng với lòng hảo tâm của mẹ. Nó nói một cách dè chừng:
– Mẹ ơi, con có nói là con muốn về đâu.
Mẹ nó thở dài một tiếng:
– Thế mà làm mẹ cứ tưởng. Thôi dù thế nào thì con cũng nên thu xếp về sớm đi. Thăm bố thăm bà gì mà những hai ngày rồi chưa chịu về. Chúng ta không phải là gia đình nữa. Con ở đấy vẫn chỉ là khách mà thôi. Mà con gọi điện định nói chuyện gì với mẹ vậy?
– Con muốn rủ mẹ về đây chơi.
Vừa dứt lời xong, Trúc chợt thấy hối hận. Theo trí nhớ của nó, nó chưa bao giờ thấy mẹ tiếp xúc với bố và bà nội dù chỉ một lần. Nó không biết khuất tất gì đã xảy ra, nên lời rủ rê tưởng như vô tư kia thực ra là lỗ mãng. Bên kia đầu dây, Trúc thấy mẹ nó không nói gì. Tưởng tượng ra gương mặt nghiêm nghị của mẹ, nó bỗng có cảm giác như đang đứng trên một cây cầu cao bảy mét giữa lòng sông sâu. Không ai bắt nó phải nhảy xuống và nó biết rõ nó sẽ không nhảy xuống. Nhưng con người vẫn thường hay ngớ ngẩn như vậy. Nhiều lúc họ không sợ cái điều sắp đến mà chính vị trí hiện tại của họ mới là thứ làm họ sợ hãi. Mẹ nó sẽ mắng nó sao? Không. Chắc chắn mẹ nó sẽ không làm vậy. Hay mẹ nó sẽ cúp máy ngang và không nói chuyện với nó nữa. Cũng không nốt. Vậy mà nó vẫn cứ cảm thấy sợ hãi.
Một lúc sau, nó nghe thấy một tiếng thở dài.
– Con gái, con vẫn băn khoăn mãi về chuyện đó sao?
Rồi mẹ nó chậm rãi nói tiếp:
– Mẹ biết lúc nào con cũng âm thầm tìm hiểu xem mẹ và bố có còn yêu nhau không. Rồi con còn muốn tác hợp bố mẹ trở lại nữa. Phải không?
Trúc lí nhí đáp:
– Dạ, phải.
– Mẹ vẫn còn yêu bố. Và bố cũng yêu mẹ. Giữa bố mẹ vốn chẳng hề xảy ra chuyện gì cả. Vấn đề là ở bà nội của con cơ.
– Bà nội như thế nào ạ? – Trúc hỏi. Máu tò mò lại nổi lên khiến nó nhanh nhảu hẳn.
– Chuyện bắt đầu từ ngày cưới của bố mẹ. Ngày ấy hai đứa vốn chỉ định làm một lễ cưới bình dân, vì của cải không có nhiều, vả lại họ hàng bên nội con hầu như chẳng có ai nên khách khứa xem như mất đi một nửa. Nhưng bà nội con một mực không chịu, bà nói: “Ngày cưới là ngày quan trọng nhất đời người. Nếu chúng ta không sinh ra, chúng ta sẽ chẳng có gì, nhưng cũng chẳng mất gì, nên việc có sinh ra hay không cũng thế thôi. Nếu hôm nay ta không chết, thì ngày mai ta chết, nên chết ngày nào mà chả như nhau. Nhưng chỉ có riêng ngày cưới, là ngày mà chúng ta được sống khác nhất, được thăng hoa nhất. Thử hỏi một đời người ở đâu là bước ngoặt, chỉ có ngày cưới mà thôi”. Bà nói vậy rồi kéo bố mẹ lên nhà thờ, dù cả hai bên chẳng có ai theo đạo thiên chúa cả. Bà bắt mẹ mang một bộ đầm công chúa, thậm chí còn đeo một cái vương miện lên đầu mẹ. Lúc đó, bố con còn chẳng nhận ra đó là ngày đầu mẹ mình phát điên.
Mẹ Trúc ngập ngừng một chút như để chuẩn bị tâm lý, cho Trúc và cả cho chính bà trước khi nói tiếp.
– Khi mẹ về sống với bố con. Nhiều đêm mẹ thấy bà nội mặc bộ đồ công chúa, đeo vương miện, rồi vừa đi lảng vảng trong vườn vừa tự kể những câu chuyện cổ tích cho mình nghe. Có một đêm trăng sáng, mẹ đã suýt ngất đi khi thấy bà nội con trèo lên cành cây trước nhà, thả mái tóc dài xuống như chờ một ai đó túm tóc mình leo lên. Nếu bà nội bị điên nhưng không giống ma giống quỷ như vậy thì mọi chuyện đã không đến nỗi thế.
Trúc nghe đến đây chợt thấy vô cùng hoang mang. Nó vốn tôn trọng lý tưởng của bà nội. Nhưng chuyện bà nội bị điên liệu có phải là một hậu quả, một cái giá phải trả hay không? Phải làm sao để yên ổn trong khi vẫn sống đúng với luân lý của bản thân mình? Có lẽ đó là vấn đề của rất nhiều người. Của bà nội, của nó, của những thanh niên trẻ, của những chính trị gia,… Nó bỗng cảm thấy buồn và cảm thông cho tất cả.
Mẹ Trúc thấy con gái im lặng. Và bà hiểu cảm giác bối rối là như thế nào, nhất là trong cái ngày cưới ấy. Nên bà từ tốn hỏi con:
– Con có thấy mẹ bỏ đi là quá đáng không? Chỉ vì mẹ chồng mình bị điên.
Trúc gật gù đáp:
– Vâng. Rất quá đáng.
Mẹ nó cười:
– Đúng là quá đáng thật. Nhưng mẹ của con có vì thế mà bỏ đi đâu.
– Ơ. Chứ vì sao ạ?
– Vì con đấy.
– Vì con sao?
Mẹ Trúc từ tốn kể tiếp. Lần này bà không dấu được vẻ chua cay.
– Sau khi cưới một thời gian thì mẹ mang bầu và sinh ra con. Và đó lại là một bước ngoặt lớn nữa về tâm lý của bà nội. Từ khi nhìn thấy con, bà đột nhiên nhận thức được việc mình đã già và không còn phù hợp với ước mơ được làm công chúa nữa. Nên bà chuyển cái ước mơ hão huyền ấy sang con. Mẹ không dám ngăn bà tiếp xúc với con, nhưng suốt ngày bà cứ quanh quẩn bên mẹ con mình, xe xua lỉnh kỉnh nào là váy đầm với chả vương miệng. Đáng nhẽ ra những việc đó vô hại, nhưng rồi đến một ngày bà nội quyết định làm cho cái thế giới cổ tích đó thêm phần sinh động hơn, bà đã tự đóng vai làm mụ phù thủy. Nếu mẹ không phát hiện ra kịp thì bà đã nhét hẳn một quả táo vào miệng con rồi. Hôm sau mẹ bế con ra ở riêng tức thì. Lúc đó con còn bé lắm, vẫn chưa mọc cái răng nào.
– Vậy là mẹ đưa con đi ở riêng là vì ở gần bà nội quá nguy hiểm. – Trúc thở dài. Nó bỗng thương mẹ nó hơn bao giờ hết.
– Ừ. Và sau này mẹ còn nhận ra thêm một lý do nữa để làm việc đó.
– Còn một lý do nữa? Là thế nào hả mẹ.
Lúc này, mẹ Trúc đang ngồi trong căn nhà của hai mẹ con. Đó là một căn nhà lớn, có mái trần la phông rất cao. Mẹ Trúc im lặng nhìn mọi thứ một lượt: Một con nhện đang chậm rãi giăng tơ, một ngọn gió nhẹ thổi cánh cửa sổ đập vào khung cửa. Tất cả khiến bà cảm thấy ngôi nhà của mình thật hiu quạnh. Vì chỉ có một mình bà nơi đây nên căn nhà trở nên hiu quạnh, hay là vì mười sáu năm qua chỉ có một mình bà cật lực xây dựng nên bản chất nó đã hiu quạnh rồi? Bà cũng không biết nữa. Bà bỗng mơ ước về một gia đình. Trúc lúc nào cũng được ở gần bố, gần cả bà nội nó nữa. Đó chẳng phải là một viễn cảnh đẹp sao? Nếu nó chỉ nằm yên trong tâm trí.
Bà ôn tồn hỏi Trúc:
– Con có biết vì sao mười sáu năm rồi mẹ không gặp bố và bà nội con không?
– Không ạ. – Trúc đáp.
– Mẹ thừa nhận là mẹ sợ hãi bà nội. Với những ám ảnh mà bà đã gieo vào đầu mẹ. Nhưng thật đáng thương cho mẹ là con càng lớn lên lại càng giống bà nội y như đúc, cả ngoại hình lẫn tính tình. Cũng chính vì thế mà dần dần mẹ sợ hãi cả con nốt. Còn gì tệ hại hơn cho một người mẹ như thế chứ. Nên mẹ phải đưa con đi thật xa, rồi cố quên đi tất cả về bà nội, và tất nhiên để làm thế thì phải quên đi chồng mình nữa. Quên cả những ngày tháng được yêu, quên cả ngày cưới. Đến bao giờ mẹ quên được hết thì con mới không làm mẹ sợ hãi nữa. Mười sáu năm chắc là chưa đủ đâu. Con gái nhỉ!
– Ơ… – Trúc ngập ngừng. Nó cảm thấy rất bối rối và xấu hổ vì điều mẹ nó vừa nói ra. Từ trước đến giờ mẹ nó vẫn hết mực thương yêu nó, nên nó không thể ngờ mối quan hệ giữa nó và mẹ lại phức tạp đến thế. Nếu nó vừa thương một người, mà lại sợ hãi chính người đó, thì nó sẽ chỉ dám đứng từ xa theo dõi mà thôi. Nhớ tới những lần mẹ con nó thân mật bên bàn ăn, nó tự hỏi có phải mẹ đã giả tạo với nó suốt mười sáu năm qua hay không. Nhưng nó không dám hỏi. Dù sao thì chỉ có hai mẹ con ở với nhau mà còn xa cách, thì chắc chẳng ai trong cả hai sống nổi cả.
Hai mẹ con thủ thỉ vài câu nữa trước khi Trúc cúp máy. Mẹ nó từ chối chuyện về thăm bà nội. Nhưng nó vẫn cố mời mọc thêm dù đã hiểu hết mọi sự. Từ chuyện giữa bà nội và mẹ nó, rồi đến chuyện của mẹ nó và nó, nó cảm thấy mối quan hệ giữa con người với con người là một thứ vừa gần mà lại vừa xa. Nó lủng lẳng đi vào nhà rồi kể chuyện đó với bố, thì bố nó bảo:
– vậy giờ bố hỏi con, ngay trong chính bản thân con cũng có đầy những mâu thuẫn phải không?
Nó gật đầu không đáp, bố nó lại nói tiếp:
– không chỉ riêng con đâu, mà cả bố, cả mẹ, hay bất kỳ ai cũng đều tự có những mâu thuẫn. Con nghĩ xem, trong một bản thể con người còn có mâu thuẫn thì làm sao họ có thể hòa hợp tuyệt đối với người một khác được. Nên đó là điều mà chúng ta phải chấp nhận.
Trúc ngẫm nghĩ một hồi và cũng thấy điều đó là đúng. Nhưng riêng điều đó thôi chứ cái cách sống chấp nhận mọi thứ của bố thì nó không tài nào chấp nhận được. Nó yêu bố, nó yêu mẹ, nhưng bố vẫn để mẹ ra đi khiến nó không có một gia đình trọn vẹn. Có thể lối sống đó giúp ta giữ được sự thư thái trong tâm hồn. Vì đa số mọi người thường chạy theo một ước mơ xa xôi để rồi chẳng nhận được gì ngoài những lo lắng, ưu phiền. Mà cho dù có đạt được thành quả đi chăng nữa thì ta tận hưởng cái thành quả ấy được mấy năm trước khi chết? Nên sẽ chẳng có gì trọn vẹn nếu mơ ước của ta không phải là trở thành bất tử để được tận hưởng mãi sự bất tử đó. Nhưng nếu sự bất tử đó bị đánh đổi bằng công sức bày mưu tính kế để tìm ra cách thức sống tiếp, thì ta sẽ luôn phải nghĩ cách để ngày mai ta được sống thêm một ngày nữa, rồi ngày mai ta lại nghĩ cách để ngày mốt ta vẫn sống. Đó đích thị là khổ ải vô biên. Bởi vậy nên có biết bao nhiêu người tự hỏi họ sống trên đời này để làm gì. Và cũng bằng chiêu bài đó mà cuộc sống đã quật ngã biết bao nhiêu người. Khắp thế gian, có bao nhiêu người nhảy đỉnh vinh hoa phú quý xuống để tìm cái chết. Những người giàu sang tự tử bị xem là ngu ngốc. Những người túng quẫn tự tử bị xem là yếu hèn. Những người trẻ tuổi tự tử bị xem là bồng bột. Còn những người đứng tuổi, họ không tự tử đâu. Bởi vì sao ư? Không phải vì họ trưởng thành hơn như họ vẫn nghĩ, mà những người đứng tuổi cũng là những người đã sống đủ lâu để tâm trí họ cắm chặt rễ vào thế giới này. Họ sẽ chẳng thể nhấc cái tâm trí đó ra để một lần tự hỏi tại sao họ lại sống, tại sao họ lại có một tâm hồn. Để rồi khi họ nằm trên giường bệnh và cận kề cái chết, cận kề cái thời khắc mà tâm hồn họ sẽ trở thành hư vô, không biết, không vui, không buồn về bất cứ thứ gì. Khi đó, họ sẽ rất đau đớn khi đám rễ tâm trí dần bị bứng ra khỏi thế giới. Đó lại là một chiêu bài khác của cuộc sống. Vậy thì con người có nên cố gắng nữa hay không? Giả sử như nếu bà nội của Trúc không quyết định ra đi để đuổi theo ước mơ thì Trúc đã không có ở đây. Hoặc giả sử là nếu Trúc vẫn được sinh ra thì nó cũng không băn khoăn về cuộc đời của bà nội mình như vậy. Để rồi những tư tưởng về ước mơ hay lẽ sống của nó sẽ không nảy sinh như bây giờ, vì thế nó sẽ không sống theo cái tư tưởng của chính nó. Nói cách khác, nếu bà nội không cố gắng thì nếu nó có tồn tại thì cũng không phải là Trúc nữa, đứa bé đó sẽ có những tư tưởng khác, những suy nghĩ khác, những ký ức khác. Để rồi tới con cháu đời sau cũng sẽ khác đi. Thế nên mới có người nói, lịch sử của cả nhân loại sẽ thay đổi khi một con người thay đổi. Còn có một quan điểm rằng, một con người không thể được định nghĩa được bằng một cái tên, hay tính cách, hay thói quen, hay địa vị, hay mối quan hệ với người khác, mà muốn định nghĩa một con người thì phải xác định cả cuộc đời của họ trên dòng lịch sử, chỉ có như thế thì một con người mới là chính họ mà thôi. Vậy nên con người hãy cứ chiến đấu đi và đừng gục ngã, cho dù kết quả có ra sao, cho dù không ai biết cũng chẳng ai hay, thì tất cả đều xứng đáng vì cuộc đời ta đã diễn ra như thế.
Bên ngoài, nắng vẫn chưa dịu lại. Chiếc đồng hồ vẫn tích tắc đếm từng giây, từng giây. Trúc lặng nhìn bà nội, rồi khẽ mỉm cười. Đột nhiên nó bảo bố:
– Hay là mình trang điểm cho bà nội giống như công chúa đi bố.
Bố nó gật đầu chấp nhận. Vài tiếng sau thì bà nội tắt thở. Tiếng kèn đám ma rên lên inh ỏi, những người đầu tiên đi viếng bắt đầu cắm nhang vào chiếc lư sứ. Họ cứ gập đầu cúi cúi, lạy lạy mà chẳng ai biết bên trong quan tài là một nàng công chúa.
Thu Thủy (4 năm trước.)
Level: 5
Số Xu: 263
tác giả viết hay lắm nhé cố lên
Duc Nguyet (5 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 5015
chúc tác giả ngày một thành công.
Duc Nguyet (5 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 5015
ủng hộ tác giả.
Fan Mặc Vũ (5 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 239
Cảm ơn sự ủng hộ của mọi người.
Ờm....
Mình chỉ biết nói thế thôi.
...
Vit Lua (5 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 20
chúc tác giả nhiều may mắn trong văn chương
Vit Lua (5 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 20
mình thích tác phẩm của bạn
Lưu Nhật An (5 năm trước.)
Level: 3
Số Xu: 52
Chúc tác giả thành công nhé
Lưu Nhật An (5 năm trước.)
Level: 3
Số Xu: 52
Ủng hộ tác giả nè
Eo Chang Hy (5 năm trước.)
Level: 2
Số Xu: 36
hay quá
Nguyễn Như Lan (5 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 2392
ủng hộ tác giả nè