Dù đã rất nhiều lần mình dùng danh xưng này khi nói chuyện với bạn bè hoặc người lạ, nhưng đôi khi mình vẫn cảm thấy được một sự phân biệt khá rõ giữa những người dùng danh xưng TÔI khi nói chuyện với những người xung quanh.
Có một số người tạo cho mình một cảm giác khá là hâm mộ hoặc gần như cảm thấy tôn trọng thực sự. Một số khác mình cảm thấy rất bình thường. Và một số khác nữa mình lại có cảm nhận sự kệch cỡm trong từ TÔI mà họ dùng để xưng hô nói chuyện.
Ban đầu mình không rõ vì sao bản thân lại có những cảm giác phân biệt rõ rệt đến như vậy, cùng một danh xưng, đối với tùy người lại có cảm giác khác biệt rõ ràng, vì sao lại thế?
Về sau mình mới dần hiểu ra khi trưởng thành hơn một chút – vì danh xưng TÔI nó mang ý nghĩa nhiều hơn là một danh từ dùng để xưng hô trong những cuộc hội thoại.
TÔI trở thành một danh từ khẳng định bản thân, nhưng không phải là khẳng định rằng bản thân người nói đang “tồn tại” mà là khẳng định về sự nhận biết bản thân của chính mình. Những người xưng “tôi” mang lại cho mình cảm giác tôn trọng thường là những người có tri thức khá cao, có thái độ chuẩn mực và họ thấu hiểu được bản thân mình có những ưu và khuyết điểm gì, cũng như có thể dựa trên đó mà thay đổi theo một hướng tích cực hơn cách dễ dàng nhất. Những người như thế thường có một thành công và vị trí nhất định trong xã hội, họ thấu hiểu bản thân và lan tỏa sự thấu cảm đó bằng danh xưng “tôi” một cách nhẹ nhàng và thoải mái, đồng thời thái độ của họ đầy chuẩn mực khiến người xung quanh chấp nhận danh xưng đó một cách dễ dàng và có phần tôn trọng họ hơn nữa.
Còn một loại người khác khi xưng “tôi” không khiến mình cảm thấy khó chịu, cũng không thấy sự ngưỡng mộ dâng trào nhưng vẫn có thể chấp nhận và thoải mái trò chuyện thường là những người hiểu biết bản thân mình ở một mức nhất định. Họ nhận ra bản thân mình khác biệt với những gì tồn tại xung quanh họ và họ biết cách khẳng định điều đó. Họ hiểu được bản thân mình là ai, mình cần gì, mình phải làm gì và muốn gì. Nhưng trở ngại duy nhất của họ là chưa tìm được cách thay đổi hay nói cách khác là họ vẫn còn loay hoay trong việc bước lên những nấc thang cao hơn trong việc đạt được thành công nhất định và địa vị trong xã hội. Thông thường mình thấy họ là những người còn khá trẻ, có nhận thức cao và tham thú tìm hiểu tri thức cuộc sống cũng như bắt đầu đi sâu vào việc khẳng định bản thân thông qua nhiều cuộc thảo luận – tranh luận bằng cách đưa ra những chính kiến riêng. Họ hiếm khi thay đổi hoặc thay đổi theo hướng tích cực một cách nhỏ giọt. Nhưng những người này khiến đối phương cảm thấy dễ chịu và ngang hàng, nên việc xưng hô “tôi” và “cô/anh/chú/cậu…” với họ cũng không thành vấn đề gì cả.
Nhưng có một dạng người khác, khi xưng hô với họ sẽ cảm thấy có một sự kệch cỡm và phân biệt kì lạ. Không giống như kẻ trên người dưới mà giống như kiểu bạn đang nói chuyện với một đứa con nít đang cố tập tành trở thành người lớn thông qua danh xưng “tôi” với bất kể đối tượng. Loại người này vẫn chưa thực sự nhận định đúng về bản thân mình và chỉ tồn tại khái niệm “tôi tồn tại – tôi phải tỏa sáng” cùng với sự tự ti chiếm hữu khiến họ lúc nào cũng muốn vượt trội hoặc ngang hàng với tất cả mọi đối tượng mà họ tiếp xúc. Cuộc hội thoại đối với họ giống như một trận đấu kiếm – nơi mà chỉ có một người có thể thắng và người kia hoặc là nhường nhịn, hoặc là ngó lơ và hoặc là bỏ đi không tiếp tục đối thoại. Cách họ xưng tôi để lộ ra sự tự ti và tham vọng đạp lên trên người khác. Những người này thường không phân biệt được vị trí của bản thân và cũng không nhận ra được khả năng/vị thế của đối tượng mà mình đang đối thoại. Với tâm tưởng lúc nào cũng phải hoặc là ngang bằng, hoặc là đứng cao hơn đối phương, họ khiến người đối diện nhận thấy được cảm xúc tiêu cực và làm mất đi bản chất của một cuộc hội thoại. Do vậy danh xưng Tôi được nói từ những người này hay thường khiến những người nhạy cảm hoặc có vị thế cao hơn cảm thấy khó chịu và muốn tránh xa càng nhanh càng tốt.
Đối với tư tưởng riêng của mình thì vốn dĩ tuổi tác là vô nghĩa, nhưng không phải cứ vin vào việc đôi lúc có những người tuổi cao tri thức thấp là có thể đặt vị thế bản thân lên ngang bằng hoặc cao hơn tất cả. Việc xưng hô theo tuổi tác nó không chỉ thể hiện sự tôn trọng mà còn là minh chứng cho việc khẳng định bản thân của mình.
Do vậy việc lựa chọn đúng danh xưng cho bản thân khi đối diện với những người xung quanh thực sự cần một tri thức vững chãi và trưởng thành, nhất là đối với ngôn ngữ Việt Nam phong ba bão táp cũng không bằng này.