- Đào nương
- Tác giả: Chan Trang
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 2.090 · Số từ: 3440
- Bình luận: 0 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 2 Nguyễn Trang Chao Mow
Một kẻ xướng ca vô loài, quanh năm suốt tháng mua vui cho thiên hạ, nào dám nằm mơ trèo được lên cao.
Tôi vẫn hoài ghi nhớ những chuyện xưa cũ, những ngày chàng chưa đến Đông Kinh, chỉ là một người thiếu niên vô tư say mê chèo và những câu hát tha thiết nức lòng người nghe.
Tôi mê chèo từ nhỏ, mê những làn điệu, mê tiếng đàn khi trầm khi bổng. Vì thế, cả đời tôi gắn bó với những câu hát, tôi hát, và kể lại những câu chuyện được truyền từ thời xa xưa.
Đêm hôm ấy, hội xuân ở làng Si có buổi hát chèo. Ngày xuân, người người nô nức dạo chơi, cảnh vật đẹp đẽ đầy tình ý. Tôi ngồi trang điểm sau sân khấu, hết dặm phấn lại chải tóc, dường như hôm nay sẽ là ngày vui hiếm có.
Một ngọn gió xuân thổi qua khiến rèm che tung bay, hương thơm của hoa lá cỏ cây được thể tràn vào, tôi thấy lòng mình nhẹ như gió, dường như hồn đang trôi ở một miền rất xa.
Tôi hướng ánh nhìn ra phía ngoài, lại chạm ngay ánh mắt chàng thiếu niên đang đứng dưới gốc đa. Có lẽ chàng chẳng biết tôi, nhưng tôi biết chàng, Thế Vinh. Người ta gọi chàng là thần đồng, rằng chàng thông minh hơn người, mai này sẽ làm nên việc lớn. Tôi cũng tin thế, trên đời làm gì được mấy ai có tư chất và khí khái nhường kia.
Gió ngưng thổi, rèm che đóng lại, hình ảnh chàng thiếu niên vụt mất, chẳng hiểu sao lòng tôi hơi chùng xuống. Bên ngoài có người hơi to tiếng, tôi tò mò chẳng biết có chuyện gì, liền đứng lên chạy ra xem.
Chị Tân lúc này mặt mày nhăn nhó, suốt bao lâu tôi theo chị làm nghề hát chèo cũng nhiều lần thấy thái độ này, xem ra lại có chuyện chẳng hay.
“Cái tay đàn nhị này đúng là biết chọn ngày, ốm lúc nào không ốm, lại chọn đúng dịp quan trọng mà đổ bệnh mới chịu cơ.” Chị bực dọc nói.
Tôi hiểu ra vấn đề, có khi hôm nay không diễn được rồi, phải chờ dịp khác thôi. Nhưng đêm nay là hội xuân, người dân đang cao hứng, phía dưới đã đông kín người đến xem chèo rồi, giờ mà xin thôi thì mất lòng quá.
Đang lúc đau đầu chẳng biết làm sao, chợt trong đám đông vang lên tiếng nói:
“Để ta, để ta! Ta kéo đàn cho.”
Ngay sau đó, người thiếu niên khổ sở chen lấn giữa dòng người, Thế Vinh nhảy phốc lên sân khấu, vừa thở dốc vừa cười rất tươi.
Đây là lần đầu tôi ở gần chàng thế này, trên người Thế Vinh có mùi nhè nhẹ như những loài hoa cỏ của chốn đồng quê. Tôi mỉm cười, ngỏ ý cảm ơn chàng.
“Chị Tân, cũng chẳng còn cách nào, để anh ta giúp đi.”
Chị Tân thở phào, gật đầu vài cái rồi ra hiệu bắt đầu biểu diễn.
Tôi đứng giữa sân khấu, lấy hơi, bắt đầu hát lên câu chèo mình đã quen thuộc từ rất lâu. Tiếng đàn của chàng cùng lúc vang lên, hoàn toàn ăn khớp với lời hát. Gió xuân thổi qua khiến tóc mai bay bay, tôi thấy lòng mình xao xuyến, bổi hổi bồi hồi. Có ngày xuân nào tình hơn xuân này, có đêm hội nào bằng được đêm nay?
Lát sau, tôi chuyển qua điệu “Chức cẩm hồi văn”, mượn lời ca bày tỏ lòng mình:
“Thiếp xin chàng đèn sách văn chương
Dầu hao thiếp rót
Bấc non thiếp ngắt
Đèn tàn thiếp khêu…”
Lúc ấy, khuôn mặt đang chăm chú với cây đàn của chàng khẽ ngẩng lên, khoé miệng nở ra nụ cười rất nhẹ. Chỉ tôi nhìn thấy nụ cười ấy, và cũng chỉ mình tôi biết, lòng tôi đã trót trao người. Hoá ra, chỉ một khắc ngắn ngủi, người ta đã biết tâm hướng về đâu, mãi mãi chẳng đổi thay.
Buổi diễn kết thúc, Thế Vinh đứng lên, trả lại cây đàn, đoạn bảo:
“Tôi đưa lại đàn cho các vị, mong rằng ngày sau lại được nghe đào nương hát chèo.”
Ánh mắt chàng hướng về phía tôi, tôi nghe lồng ngực mình đập như trống dồn, chẳng biết đáp sao mới đúng, chỉ có thể gật đầu cho phải phép.
Nhìn bóng chàng đi xa, tôi thấy lòng mình trào dâng tiếc nuối. Tôi chạy vội ra sau sân khấu, cố lấy lại bình tĩnh, rồi lại nhanh chóng đến chỗ thay đồ.
Xong xuôi, tôi hoà vào dòng người đông đúc, cố gắng tìm kiếm hình bóng kia giữa đêm hội.
Tôi cứ đi, rồi chạy, tự hỏi chàng đang ở đâu. Hay có phải chàng đã ra về rồi không, rồi mai này liệu đôi ta có còn duyên gặp gỡ?
Tôi thất thần đi giữa dòng người, rồi chẳng biết vấp phải đá hay chân người đi hội mà ngã huỵch xuống đất. Bên hông truyền đến cảm giác nhoi nhói, mà tôi thấy lòng còn buồn hơn, sao trên đời lại có kẻ dại khờ như mình được nhỉ?
Chợt phía trước xuất hiện vạt áo màu xám nhạt, tôi nhìn lên, mừng rỡ thấy Thế Vinh đang chìa tay về phía mình.
“Nàng có sao không?” Chàng hỏi.
“Không sao… không sao” Tôi vội vàng phủi tay cho sạch hết đất cát rồi ngập ngừng nắm lấy tay chàng.
Bàn tay ấy rất to, lại có cảm giác ấm nóng, làm tôi thấy mình như bé nhỏ lại.
Người thiếu niên kia sát gần ngay trước mắt, chàng đẹp như những lời ca, như một bức tranh truyền thần do vị hoạ sư vẽ nên, ánh trăng hắt lên vai chàng, khiến đôi lúc tôi tưởng người ấy đang phát sáng, thứ ánh sáng đẹp đẽ và hoàn hảo.
Cả hai sánh bước đi cùng nhau, cũng chỉ là vài lời hỏi han về những chuyện thường nhật, nhưng tôi nghĩ, có lẽ cả đời mình chưa từng vui đến thế.
Đến cuối buổi, dòng người đã vãn, đôi bên cũng đành nói lời tạm biệt.
“Trời đã khuya, ta phải đi trước. Hẹn anh hôm khác gặp lại.”
Tôi nói rồi bước đi, nhưng mới được vài bước chân thì chàng gọi với lại:
“Này, đào nương…”
“Chuyện gì thế?”
“Ta vẫn chưa biết tên nàng…”
Tôi “À” một tiếng trong lòng, hoá ra ban nãy nói nhiều thế mà còn chẳng kịp xưng tên. Tôi cười khẽ, đoạn bảo:
“Nếu có duyên gặp lại, khi ấy xưng tên cũng chưa muộn!”
Mấy hôm sau, tôi có dịp cùng gánh chèo đi qua làng Cao Hương, lúc ngang qua cánh đồng thì gặp Thế Vinh.
Nhân lúc mọi người đang ngồi bên quán nước nghỉ ngơi, đôi bên có dịp nói thêm vài câu.
Mấy ngày này gió xuân vẫn ngập tràn, tôi ngồi trên thảm cỏ xanh, lòng bình an cảm nhận mùi thơm của cỏ và lúa xuân vừa cấy.
Thế Vinh đi đến, trên tay chàng cầm một cành hoa, tôi chưa kịp nghĩ ra đấy là hoa gì thì chàng đã đưa đến trước mặt, đoạn bảo:
“Cao Hương nhiều hoa đẹp lắm, tặng nàng!”
Tôi ngại ngùng cầm lấy cành hoa, mùi cỏ, mùi lúa xuân dường như đều chạy mất, chỉ còn thấy hương hoa dạt dào nơi chóp mũi.
“Thơm quá, hoa này tên gì thế?” Tôi hỏi.
Chàng cười nhẹ, tôi thấy có gì như lóe lên trong đôi mắt đối phương, chẳng biết gọi là gì…
“Hoa thơm mà chẳng có tên, người ngồi trước mặt chẳng hay tên gì?”
Lòng tôi chỉ toàn thấy ngượng ngùng, chẳng dám nhìn thẳng Thế Vinh nữa, mắt cứ dán lên cành hoa.
Thấy tôi im im, hình như Thế Vinh cũng đâm lúng túng. Lát sau, chàng như quên luôn cái việc hỏi tên hỏi tuổi, cả hai lại nói về mấy chuyện thường nhật.
Chàng hỏi về mấy bài chèo xưa, tôi hỏi vài chuyện khoa cử. Giống như tất cả mọi người của huyện Thiên Bản, tôi chắc rằng mai này chàng sẽ là quan lớn, muôn người trọng vọng.
Rồi chẳng hiểu sao trong lòng hơi nhoi nhói, tôi ngẫm một hồi, mới thấy bản thân vừa lo vừa sợ. Lỡ vì tôi mà chàng chểnh mảng chuyện thi cử, thế thì tội của tôi phải lớn lắm.
“Đào nương này, thật ra… ta… thật ra là…”
Tôi nghe giọng chàng ấp úng, tay vân vê chiếc lá khô, hết gấp vào rồi lại giở ra, lâu dần cái lá cũng chẳng còn là cái lá nữa.
Tôi hiểu chàng muốn nói gì, lòng tôi rất vui, có khi chưa bao giờ thấy ấm áp thế này, dẫu rằng đã đi qua bao mùa xuân, đây vẫn là những ngày xuân tôi nhớ nhất cuộc đời.
Chẳng để chàng nói được hết câu, tôi đã chặn lại:
“Cuộc đời người nam tử còn dài, chàng đừng nên vì mấy chuyện tình cảm bồng bột mà chểnh mảng việc đèn sách, kẻo mai này lại hối hận.”
Nghe tôi nói xong, Thế Vinh chẳng nói gì nữa, cả hai chìm vào im lặng.
Đôi lúc, tôi nghe tiếng chàng thở dài, mà lòng tôi cũng ngổn ngang trăm mối.
Lát sau, Thế Vinh lấy hơi thật sâu, rồi như đã quyết tâm rồi, chàng nói:
“Được, ta sẽ không chểnh mảng đèn sách. Ở chốn Đông Kinh, ta sẽ công thành danh toại, rồi võng lọng về làng. Nhưng mà… lúc ấy ta còn được gặp nàng chứ?”
Tôi cười tươi, nhìn thẳng vào mắt chàng, đôi mắt ấy chan chứa bóng hình một hình một người con gái. Dẫu chẳng hẹn ước nguyện thề, tôi thấy thế này đã đủ mãn nguyện.
Gánh chèo đã nghỉ ngơi xong, chị Tân đứng từ xa hô mọi người mau chóng lên đường.
“Đã đến lúc ta phải đi, hẹn chàng khi khác gặp lại.”
Thế Vinh gật đầu, tôi quay gót bước đi. Lúc ấy tôi không hề hay, “khi khác” mà mình nói là mãi đến vài năm sau, lúc ấy mọi chuyện đã khác hoàn toàn bây giờ.
Được vài bước, tôi lại nghe tiếng Thế Vinh gọi với theo:
“Đào nương này…”
“Chuyện gì thế?”
“Ta chưa được biết tên nàng…”
Tôi cười tươi:
“Thôi lại để khi khác vậy!”
***
Ba năm thấm thoắt qua đi, giống như một giấc chiêm bao. Tôi cũng chẳng nhớ rõ mình đã làm gì trong những năm này, luyện hát, đi đó đi đây,… và nhung nhớ một người.
Mấy hôm nay, tôi cứ nghe chị Tân nói đi nói lại chuyện Cao Hương sắp đón Trạng nguyên về làng. Mà Trạng nguyên vốn mê chèo, nên bên làng tiện thể mời gánh chèo đến biểu để góp vui luôn.
Chẳng phải có mình chị Tân đứng ngồi không yên, lòng tôi cũng rộn ràng lâu rồi. Lúc nghe tin Thế Vinh đỗ đạt, tôi vui như quên hết mọi sự trên đời. “Công thành doanh tại”, “võng lọng về làng”, tôi nhớ những điều chàng nói khi trước, thanh âm như còn bên tai, thế mà mọi sự đã thành thật rồi.
Thấy tôi tủm tỉm cười, chị Tân đang nói liên hồi đột nhiên ngưng lại, dòm gần rồi tra hỏi:
“Vui lắm à?”
“Vui… à đâu… em bình thường…” Tôi thấy mình lỡ miệng nên vội sửa ngay.
“Tôi nghi lắm đấy nhé!” Chị nói.
Chẳng hiểu sao hai má đột nhiên nóng bừng, mắt tôi đảo qua phía khác, tránh cái nhìn chằm chằm của chị.
“Nghi cái gì? Em có làm gì đâu…”
Thấy tôi ấp úng, chị Tân càng được thể trêu. Đến lúc tôi đâm cáu, định bụng bỏ đi thì chị phá ra cười, đoạn bảo:
“Ôi dào, không trêu nữa là được chứ gì. Người ta sắp về rồi, cứ liệu trang điểm thật xinh, hát thật hay vào nhé.”
Ngày Trạng nguyên về làng đã đến, người người nô nức đến xem vị thần đồng nổi danh nay đã đỗ đạt.
Chẳng mấy trời đã sẩm tối, cũng sắp đến giờ diễn. Tôi ngồi trước gương, chải lại tóc tai rồi chuẩn bị trang điểm, thế mà chưa kịp dặm phấn đã bị chị Tân kéo đi.
“Thấy bảo Trạng nguyên đang ngồi bên quán nước với mấy vị trong làng, qua chào hỏi vài câu đã.”
Tôi vốn định không đi, nhưng ngẫm nghĩ thế nào vẫn để chị Tân kéo tuột từ sau sân khấu sang đến quán nước.
Vừa đến cửa, tôi đã thấy chàng ngồi ngay giữa quán, vừa nhấp vài ba ngụm trà, vừa cười nói với mấy vị lớn tuổi trong làng. Tôi nghe lồng ngực đập mạnh như trống dồn, tay chân luống cuống lên hết cả, tự bảo bản thân phải giữ vẻ điềm đạm.
Chị Tân kéo tôi bước vào, nhưng chính khoảnh khắc ấy, tôi thấy mình như rơi xuống hố sâu. Bên cạnh Thế Vinh có người con gái đang nhẹ nở nụ cười, nàng xinh đẹp, dịu dàng, thướt tha như tấm lụa đào. Trong lòng thắt lại, có cảm giác nhoi nhói, tôi sững người một lúc, rồi nhận ra cái này gọi là ghen tị.
Suốt lúc chị Tân chào hỏi, tôi chỉ biết đứng im như một khúc gỗ. Ánh mắt Thế Vinh dời đến phía tôi, nơi đáy mắt chàng chỉ toàn là sững sờ.
Ba năm rồi, Thế Vinh ơi, vốn tưởng rằng ba năm rất ngắn, hóa ra ba năm rất dài.
Ba năm đã đưa đôi ta đi đâu, ba năm đẩy dạt đôi ta ra xa, đến ngày nhìn lại, tôi đã chẳng phải là người xứng đáng sánh bên chàng.
Lúc biểu diễn, tôi chẳng nhớ mình đã hát những gì, chỉ là khi kết thúc, nhìn xuống dưới sân khấu, dường như đôi mắt ai cũng rưng rưng. Tôi cười nhẹ, cúi đầu cảm ơn tiếng vỗ tay vang dội của dân làng.
Ai cũng tấm tắc khen hay, ai cũng bảo diễn mà như thật, chỉ có chị Tân biết, thực ra tôi đang khóc.
Gánh hát đã về nghỉ gần hết, thế mà tôi vẫn ngồi thẫn thờ trước gương, chị Tân lại gần, đặt tay lên vai tôi.
“Về quán trọ nghỉ thôi em, sắp khuya rồi.”
Tôi cố gắng nở ra một nụ cười, dù biết rằng mình cười mà như mếu:
“Chị về trước đi, em ngồi thêm chút nữa rồi nghỉ sau.”
Chị Tân vỗ lên vai tôi vài cái an ủi rồi đi mất. Xung quanh vắng lặng chẳng có tiếng người, tôi chỉ nghe được tiếng thở của chính mình, nặng nề và mệt nhọc.
Đột nhiên, tôi nhớ đến làng Si, nhớ ngọn gió xuân và gốc cây đa năm nào.
Thế là tôi hạ quyết tâm, đứng lên rồi bước đi. Ngang qua những hàng cây, những cung đường rải đầy ánh trăng bạc, chẳng mấy chốc đã đến nơi.
Tôi đứng dưới gốc cây đa, dõi mắt nhìn vầng trăng khuyết lúc ẩn lúc hiện sau đám mây trời, gió mát khẽ khàng lùa qua kẽ tóc. Vốn là một đêm trăng đẹp, thế mà tôi chỉ thấy lòng nặng như đá. Hội xuân năm ấy hiện về trong hồi ức, tôi tiếc nuối những kỉ niệm tươi đẹp. Tôi cứ nhớ hoài những chuyện xưa cũ, nhớ ngày chàng chưa đến Đông Kinh, tôi nhớ tiếng đàn khi trầm khi bổng, nhớ đôi mắt kia từng đong đầy bóng hình mình.
“Đào nương…”
Chợt tiếng nói sau lưng khiến những dòng hồi ức ngưng lại, như ngọn đèn le lói rồi bị gió thổi cho tắt ngóm.
Tay quay đầu nhìn vị Trạng nguyên, lòng càng thêm nặng nề. Khoảnh khắc này đôi bên trở nên gượng gạo, chẳng biết nên nói gì. Tôi quên luôn hỏi sao chàng lại ở đây, chỉ im lặng, tiếp tục dõi mắt về phía vầng trăng.
Hồi lâu sau, Thế Vinh lên tiếng:
“Ta mong nàng tha lỗi, ta có nỗi khổ của mình.”
Tôi cười nhẹ, nụ cười giống hệt như lần đầu đôi bên gặp gỡ, thế nhưng chẳng thứ gì trên đời này có thể đưa mọi thứ trở về như ban đầu.
Sau cùng, tôi bước đi, giọng nhàn nhạt nói với chàng vài câu:
“Đêm nay gió lạnh, ngài hãy mau về nghỉ ngơi, kẻo phu nhân phòng không gối chiếc, lại lạ chỗ mà mất ngủ.”
Tôi đi càng lúc càng xa, gió nổi lên điên cuồng, như tức giận, như khổ đau. Lần này, không có tiếng gọi với theo, không còn chàng thiếu niên cứ phải chờ đến lúc tạm biệt mới nhớ ra chưa biết tên nàng đào.
Mà cũng phải, biết để làm gì, có nghĩa lý gì đâu, tôi như cơn gió đi qua đời chàng, như ánh trăng nhẹ hắt lên vai rồi thôi, chìm hẳn vào lãng quên.
Tôi về quán trọ, mọi người đều đã đi nghỉ hết, chỉ có tôi một mình đi từng bước giữa bóng đêm.
Bước vào phòng, tôi chẳng buồn thắp nén, cứ thế đến bên cửa sổ, lại nhìn ngắm vầng trăng xa xôi. Lồng ngực đau nhói từng hồi, tôi thấy như bị ai bóp chặt lấy tim gan, rồi không kìm được mà ho khù khụ từng hồi.
Tôi đưa tay che miệng, cố nén cho tiếng ho thật nhỏ, không đánh động đến mọi người ở phòng bên. Lúc cơn ho bớt đi, tôi thấy lòng bàn tay dính đầy máu tươi.
Đáng ra tôi phải sợ hãi, chân tay run rẩy đứng cũng không vững mới phải. Thế mà tôi chẳng chút run rẩy, bình thản như thể chẳng có gì to tát. Dường như sinh mệnh đang can dần, như ngọn đèn trước gió, đến thở thôi tôi cũng thấy nặng nhọc.
Tôi dựa người vào tường rồi dần dần trượt xuống, nằm dài lên nền đất giá lạnh.
Khoảnh khắc này, tôi lại nhớ vài chuyện đã qua từ lâu rất lâu. Khi gió xuân thổi tung rèm che, liệu người thiếu niên có biết tôi đang nhìn chàng say đắm mà quên hết mọi thứ trên đời?
Khi chàng kéo đàn, mắt hướng lên nhìn nàng đào đang hát, chàng có biết tôi đã rung động mà trao đi cả tấm chân tình?
Khi chàng hứa chuyên tâm đèn sách, hẹn ngày sau gặp lại, chàng có biết lòng tôi đã mong mỏi những gì?
Khi chàng võng lọng về làng, bên cạnh có người vợ hiền đẹp, chàng có biết cõi lòng tôi đau đớn đến nát vụn?
Thôi thì, Thế Vinh ơi, chàng đừng nên biết, mong rằng chàng mãi mãi chẳng hay. Mai này ở chốn kinh kỳ, làm quan to chức lớn, vợ con đề huề, mong rằng chàng sẽ quên đi hết những bồi hồi ngày trẻ.
“Này, đào nương…”
“Chuyện gì thế?”
“Ta vẫn chưa biết tên nàng…”
“Nếu có duyên gặp lại, khi ấy xưng tên cũng chưa muộn!”
Hơn ai hết, em mong chàng một đời viên mãn, tiếng tăm hiển hách, vang danh đến muôn đời sau…
Gió đêm ùa vào qua khung cửa sổ, thế mà tôi không thấy lạnh, chẳng còn cảm nhận được thứ gì. Đầu óc dần mụ mị, rồi hồn tôi trôi về một nơi rất xa, tất thảy chỉ còn lại đêm đen…