- Đáp án Event “Đố Vui Có Thưởng”
- Tác giả: Vnkings.com
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.714 · Số từ: 2937
- Bình luận: 1 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 4 Lục Minh Dương Cửu Băng Tuyết Sơn Đóa Miêu Miêu
Event ngày 1:
Câu 1: Lịch trình chơi tết
Bạn Lục Minh hẹn Thủy Ngọc Linh đi du lịch. Trong giấy mời đi du xuân, bạn Lục Minh viết: “Bạn bè quen biết lâu ngày, biết nhau qua con chữ nhưng chưa một lần biết mặt. Nay Lục trúng số độc đắc, mời Ngọc Linh du lịch mừng xuân, khởi đầu nơi rồng bay, kết thúc ở nơi rồng đáp. Du lịch miễn phí, mong bạn hiền không từ chối ý tốt của mình.”
Vậy, hai địa điểm mà bạn Lục Minh nhắc là nơi nào?
Hướng dẫn và đáp án:
Trong thư có nhắc đến “rồng bay” và “rồng đáp”. Đây là một kiểu chơi chữ khá phổ biến. Không cần phải suy luận quá nhiều, chỉ cần nhìn qua cũng biết hai nơi này là Thăng Long và Hạ Long.
Câu 2: Đặc điểm của tiếng nói?
Tiếng nói của người Bà Rịa – Vũng Tàu có đặc điểm gì?
Hướng dẫn và đáp án:
Đây là dạng câu hỏi thiên về sự khác biệt giữa giọng nói vùng miền. Ví như người Hà Nội hay nói nhầm âm “l” và âm “n” thì người Bà Rịa – Vũng Tàu lại bị ngọng âm “ơi”. Họ nói “cười” thành “cừ”, “người” thành “ngừ”.
Nếu ai cũng nói người Bà Rịa Vũng Tàu nói giọng Bắc giống người miền Bắc thì khác nào phủ định sạch trơn sự khác biệt đặc trưng trong giọng vùng miền của họ.
Event ngày 2:
Câu 1: Gia tài của cụ Lục
Cụ Lục làm việc chăm chỉ một đời, tích cóp được sáu chục tỷ nhưng không nói ai biết. Một ngày trái gió trở trời, cụ Lục muốn tìm người thừa kế thích hợp nên gọi lũ con cháu đến, dặn dò:
“Cụ đi làm một đời, được có sáu chục tỷ. Cụ không có ý nói dối nhưng cụ muốn thử thách trí thông minh và lòng kiên nhẫn của mấy đứa… Gia tài, cụ để ở…”
Rồi cụ Lục ngất đi. Lũ con cháu ức lắm nhưng không làm gì được.
Hướng dẫn và đáp án:
Mới đọc qua câu này, ai cũng nói cụ Lục nói dối. Thật ra, cụ Lục đã đưa ra khá nhiều manh mối về chỗ để gia tài của cụ.
Mấu chốt ở câu này: “Cụ không có ý nói dối nhưng cụ muốn thử thách trí thông minh và lòng kiên nhẫn của mấy đứa…”
Trong tiếng Việt có hai dạng trái nghĩa: Trái nghĩa tuyệt đối (trái nghĩa thực sự) và trái nghĩa tương đối
Trái nghĩa tuyệt đối là trái nghĩa mà giữa các từ thỏa mãn các tiêu chí sau:
Bên cạnh những nét nghĩa khái quát giống nhau có xuất hiện nét nghĩa đối lập.
Chúng nằm ở vùng liên tưởng nhanh nhất, mạnh nhất, có tần số xuất hiện cao nhất. Nói dễ hiểu, nếu có sự vật/ hiện tượng A thì người ta liên tưởng ngay đến sự vật/ hiện tượng B.
Ví dụ:
Thật và Giả (Không phải thật thì là giả. Và ngược lại.)
Trường hợp còn lại là trái nghĩa tương đối.
Đây là trường hợp nghĩa của các từ nằm ở vùng liên tưởng yếu. Nhắc tới sự vật/ hiện tượng A, người ta không nghĩ ngay đến sự vật/ hiện tượng B.
Ví dụ: Xấu và Đẹp.
Cô ấy không xấu không có nghĩa là cô ấy đẹp. Có thể cô ấy dễ thương hoặc ưa nhìn một chút.
Xét đến trường hợp trong di ngôn của cụ Lục trong câu đố:
Nhìn vào phần được gạch chân, áp dụng trường hợp phủ định tuyệt đối, ta có:
Không có ý nói dối tức là nói thật.
Và ta cũng nên giữ nguyên chữ thử thách.
Bước tiếp theo là nói lái: Thật Thách là Thạch Thất (một huyện của Hà Nội). Ở Thạch Thất có mấy cái ngân hàng, chắc chắn cụ Lục đã chia nhỏ sáu chục tỷ ra thành nhiều phần và gửi tiết kiệm trong những ngân hàng đó.
Câu 2: Cây bút thần phiên bản mới
Vị vua trẻ được tiên ông ban cho cây bút thần nhưng không hướng dẫn cách sử dụng. Háo hức với món đồ thần tiên ban tặng, vị vua này cầm bút vẽ thử lên giấy một con rắn. Nhưng do khả năng hội họa của ngài quá kém, con rắn không biến thành rắn mà hóa thành trận lốc xoáy, xoáy bay hết mọi thứ trong cung và phá nát kinh thành trong nháy mắt. Hối hận trước hành động thiếu suy nghĩ của mình, vị vua trẻ cất bút thần vào rương rồi tự tay khắc lên rương bảy chữ để cảnh báo cho hậu thế:
……………….
Theo các bạn, đó là bảy chữ nào?
Hướng dẫn và đáp án:
Bản chất thật của câu đố này là tìm và viết luận điểm cho đoạn văn dựa trên hiện tượng đồng âm khác nghĩa.
Trước hết, ta nhìn vào chuỗi sự kiện được tô đỏ ở trích dẫn bên dưới:
Háo hức với món đồ thần tiên ban tặng, vị vua này cầm bút vẽ thử lên giấy một con rắn. Nhưng do khả năng hội họa của ngài quá kém, con rắn không biến thành rắn mà hóa thành trận lốc xoáy, xoáy bay hết mọi thứ trong cung và phá nát kinh thành trong nháy mắt.
Chuỗi sự kiện này nói lên một tai họa được gây ra bởi tài năng hội họa kém cỏi của vị vua trẻ. Ngài mất một chút thời gian để vẽ con rắn, và “con rắn” này đã phá tan hoang mọi thứ của ngài.
Cây bút thần vị vua này sở hữu như một cuốn bí kíp. Bí kíp này rơi vào tay kẻ ác nó sẽ gây ra tai họa diệt vong trong nháy mắt, nếu rơi vào tay người hiền, nó sẽ trở thành vật tạo phúc cho muôn dân.
Tiếp theo, ta nên tách động từ chính trong trích dẫn và tìm nghĩa từ Hán Nôm đồng nghĩa với nó.
Vẽ tức là họa
Tai họa được gây ra bởi tài năng hội họa của ông ta. (Ở chi tiết ông ta vẽ thứ này thành thứ khác).
Kinh thành rộng rớn bị chính sản phẩm do tài năng của ông ta phá trong nháy mắt.
Vậy, có thể tóm lược lại chuỗi sự kiện xảy ra bằng một câu:
Họa một khắc, họa đi nghìn dặm
Tức là mất chút thời gian để vẽ mà tai họa đã đi hết nghìn dặm giang sơn.
Event ngày 3:
Câu 1: Họ là ai? (Đáp án của câu này nằm ngay trên dữ kiện, không cần giải thích nhiều)
Đọc kĩ những dữ kiện dưới đây và trả lời theo trình tự dữ kiện đưa ra:
- Thầy là thầy nhưng cũng không làm thầy. Trước khi thầy đến, người dân Việt Nam mười năm đi bão đêm một lần. Từ ngày thầy đến, trong một năm, người dân Việt Nam mười lần đi bão.
- Đây là một trong những “đứa con” của thầy. Anh bạn này được người hâm mộ yêu mến bởi biểu cảm nóng nảy, cáu gắt với đối thủ trên sân bóng ở trận chung kết giải vô địch bóng đá U-23 Châu Á tại Thường Châu vào năm 2018.
- Người tiếp theo cũng là một “đứa con” của thầy. Anh bạn này lúc nhỏ có biệt danh là “Ỉn” bởi thân hình mũm mĩm dễ thương, và “Ỉn” khi thi đấu thường ra sân với trang phục lịch sự, gọn gàng, khác biệt rất nhiều so với những người đồng đội còn lại.
- Trước đây, sau khi ghi bàn, anh ấy thường cởi áo ăn mừng. Thế nhưng, trong lần ghi bàn gần đây nhất, anh ăn mừng theo phong cách của người quân đội nhân dân.
- Người cuối cùng từng phát âm nhầm chữ “tôm” thành “tồm” trong một lần trả lời phỏng vấn. Trên sân cỏ, anh thường giơ một ngón tay lên trời như một lời nhắn với một người nào đó rất thân thuộc với mình.
Câu 2: Gấu gì thế này?!
Gấu không có đầu gấu, nhưng gấu có mật gấu, cũng liều như đầu gấu.
Gấu xinh như gấu, cũng trắng cũng mắt to tròn nhưng gấu cũng không có gấu.Đoán xem là “Gấu” gì?
Hướng dẫn và đáp án:
Nhiều người nói đây là gấu trúc, nhưng gấu trúc có phần lông đen bao phủ quanh mắt, trong khi trong câu đố đã viết rõ:
Gấu xinh như gấu, cũng trắng cũng mắt to tròn nhưng gấu cũng không có gấu.
Gấu trúc sống theo quần thể (tức bầy đàn) và nó không hoàn toàn trắng.
Gấu trong câu đố thì không có gấu tức nó là cá thể sống đơn lẻ. Trong họ nhà gấu, chỉ có gấu trắng Bắc Cực đáp ứng đủ điều kiện bên trên.
Vậy, đáp án là gấu trắng Bắc Cực.
Event ngày 4:
Câu 1: Rút gọn câu văn
Trong bài luận văn tốt nghiệp đề tài “Những sinh vật có tuổi thọ rất ngắn”, Giao mở đầu bằng một câu giới thiệu:
“Trong sinh giới, sinh vật này sống lâu trong nước, trải qua nhiều lần lột xác và bay khỏi mặt nước khi đã trưởng thành nhưng thường không sống trọn một ngày.”
Giảng viên dạy môn Côn trùng học, khi đọc qua, không chấp nhận, bảo giới thiệu không đủ ấn tượng, buộc Giao mang bài về sửa lại cho câu trên ngắn gọn, súc tích, khác biệt hơn nữa nhưng phải giữ nguyên ý nghĩa ban đầu bằng bảy chữ.
Vậy, Giao nên viết câu gì cho chuẩn và đúng ý thầy?
Hướng dẫn và đáp án:
Bản chất thật của câu đố là tìm từ gốc của định nghĩa và ứng dụng của hiện tượng đồng âm khác nghĩa.
Mấu chốt của câu đố nằm ở dự kiện bên trong dấu ngoặc kép. Cả câu, thực chất là định nghĩa về một loài sinh vật có đời sống ngắn ngủi khi đã trưởng thành và bay khỏi mặt nước để thực hiện nhiệm vụ giao phối và sinh sản.
“Trong sinh giới, sinh vật này sống lâu trong nước, trải qua nhiều lần lột xác và bay khỏi mặt nước khi đã trưởng thành nhưng thường không sống trọn một ngày.”
Trước hết, tách câu này ra thành hai vế để tiện bề suy luận loại suy:
Trong sinh giới, sinh vật này sống lâu trong nước, trải qua nhiều lần lột xác và bay khỏi mặt nước khi đã trưởng thành: Câu này nhắc đến ấu trùng của loài sinh vật cánh màng. Dựa vào dữ kiện, ta loại bỏ bọ cánh cứng và bươm bướm vì ấu trùng của chúng sống trên cạn. Còn lại: ấu trùng của chuồn chuồn và con phù du/ con thiêu thân.
Đến với vế còn lại: nhưng thường không sống trọn một ngày.
Tiếp tục loại bỏ con chuồn chuồn, bởi khi loại trừ các yếu tố khách quan dẫn đến cái chết của loài này như bị sinh vật khác ăn thịt, thì đáp án duy nhất là con phù du/ thiêu thân.
Con phù du/ thiêu thân sở dĩ có thời gian sống ngắn khi trưởng thành vì miệng của chúng bị thoái hóa qua nhiều lần lột xác, chúng không thể ăn uống và chỉ có thể sống với năng lượng còn sót lại sau quá trình lột xác.
Trong Phật học, từ “phù du” chỉ kiếp sống đó đây, sự sinh diệt vô thường của một kiếp sống. Nói trắng ra, phù du là một kiếp sống ngắn ngủi, không lường trước được điều gì.
Hai chữ “phù du” ngoài việc làm từ gốc cho định nghĩa về một loài sinh vật có đời sống ngắn ngủi còn dùng để chỉ sự ngắn ngủi trong một kiếp sống.
Sau cùng, kết nối các dữ kiện, ta có:
Loài phù du sống kiếp phù du.
Câu 2: Đặt tên cho câu đố
Một vị thầy tu trẻ tên Tự nghe nhiều người đồn trong ngôi chùa bí ẩn có cuốn kinh rất hay nên quyết đến, mượn về đọc để mở mang tri thức. Sau nhiều ngày lặn lội, vị thầy tu đã đến nơi. Ngôi chùa này có bảng hiệu nhưng trên đó không có lấy một chữ. Sư cụ, vì đoán trước có người đến mượn kinh, nên ra tiếp đón, mời thầy tu đó vào chùa để tham quan và tặng kinh. Sau khi rời khỏi chùa, vị thầy tu mở kinh ra xem thì phát hiện kinh này không có chữ. Ấm ức không nói nên lời, thầy tu đó khắc lên bia đá trước chùa tám chữ. Tám chữ này cũng là tên của câu đố.
Hướng dẫn và đáp án:
Bản chất của câu đố này cũng giống với câu đố “Cây bút thần phiên bản mới” nhưng dữ kiện của nó nằm rải rác và nhiều hơn câu đố trước.
Trước hết, nên tìm thử từ/ cụm từ nào được nhắc đến nhiều lần trong câu đố.
Nhìn lại câu đố, ta sẽ thu được:
Tự (tên của thầy tu)
Chùa
Kinh
Không (có lấy một) chữ
Bước tiếp theo, dùng từ điển Hán Nôm hoặc bạn nào có nhiều kiến thức về mảng này thì có thể quy đổi những từ thuần Việt thành từ Hán Nôm.
Tự (vẫn giữ nguyên)
Chùa: cũng là tự
Kinh (vẫn giữ nguyên)
Không chữ: vô tự
Sắp xếp lại dữ kiện:
Tự vô tự nhận về vô tự kinh
Hoặc: Tự vô vô tự nhận vô tự kinh
Tuyết Sơn (6 năm trước.)
Level: 2
Số Xu: 2
Bài viết không có phần mở đầu và kết thúc, chứng tỏ người viết quá lười :))