- Dương quang phi chiếu
- Tác giả: havong
- Thể loại:
- Nguồn: Tự sáng tác
- Rating: [K+] Không dành cho trẻ dưới 9 tuổi
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 2.300 · Số từ: 4123
- Bình luận: 0 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 0
Dương quang phi chiếu
(阳光非照 – Khi ánh sáng không còn chiếu rọi)
Tác giả: havong
Thể loại: cổ trang, dã sử, fanfic phim “Quân sư liên minh”
Giới thiệu: Các nhân vật không phải do tôi tạo ra. Nội dung dựa trên tình tiết phim cùng một vài sự kiện có thật trong thời Tam quốc phân tranh của lịch sử Trung Quốc và được nhìn nhận dưới quan điểm cá nhân, không nên đánh đồng với chính sử.
Viết cho A Chiếu, người cũng như tên, thiếu nữ rạng ngời, ấm áp như nắng xuân. Nàng từng nói do không thể có con nên Tử Hoàn là tất cả của nàng. Vì vậy, khi chàng đi rồi, cuộc sống của nàng tựa cỏ cây chẳng còn được mặt trời chiếu sáng, từ từ héo úa rồi tàn phai.
oOo
Trời xanh mây trắng, gió khẽ đưa đẩy cành lá. Nàng cưỡi ngựa thong dong dạo chơi trên đồng cỏ tươi tốt.
Phía trước chợt có bóng người phi ngựa tới, vạt váo đen viền đỏ tung bay trong nắng xuân ấm áp. Chàng trai tóc búi gọn gàng, dung nhan anh tuấn dẫu trải qua tháng năm vẫn trẻ trung tựa hồ lúc ban đầu gặp gỡ, giọng nói sang sảng như tiếng chuông ngân:
– A Chiếu, ta đợi nàng lâu rồi.
– Tử Hoàn (1)… Bệ hạ… – Nàng sửng sốt, không thốt được lên lời.
(1) Tên tự của Ngụy quốc Văn Hoàng đế Tào Phi, sinh ra ở huyện Tiêu, nước Bái thuộc Dự Châu (nay thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc), người mở đầu triều Ngụy, thường gọi Ngụy Văn đế. Cha Tào Phi là Tào Tháo, truy phong Vũ Hoàng đế. Con trai Tào Phi là Tào Duệ kế vị, thụy Minh Hoàng đế.
– Đi thôi! – Vẫn là chàng lên tiếng.
– Đi đâu?
– Đi ngắm sông núi, ngắm thiên hạ thống nhất dưới tay ta. Đầu tiên tới huyện Tiêu thưởng thức rượu nho, mía ngọt, rồi sang Giang Đông sơn thủy hữu tình, còn đất Thục… – Lời chưa dứt, ngựa của chàng lại tiếp tục tung vó lao lên phía trước. – Nhanh lên nào, A Chiếu!
Nàng cũng vội giục ngựa đuổi theo nhưng bóng áo đen kia cứ đi xa mãi chẳng thể nào bắt kịp.
– Nhanh lên, A Chiếu!… A Chiếu!…
Quách Chiếu giật mình mở mắt, ánh đèn dầu mờ mờ không đủ rọi sáng cho căn phòng rộng lớn, hắt bóng nàng lên bốn bức tường cao ráo. Màn lụa khẽ lay, lò hương nhè nhẹ tỏa ra từng làn khói, trong điện yên ắng không một tiếng động, người hầu quy củ đứng nép bên ngoài, dường như chỉ có mình nàng ở đây.
Bỏ lại chiếc bàn thấp với đầy cuộn trúc bày la liệt xung quanh, nàng chạy vội ra cửa cung. Mặt trời khuất sau lớp lớp đền đài, thế giới tự do bên ngoài cung tường dần dần bị bóng tối nuốt chửng, chỉ có nền trời phía Tây còn sót lại chút màu đỏ quệch. Cung đăng đã được thắp thành những dải ánh sáng chồng chéo như tấm lưới khổng lồ trói buộc.
Khẽ vuốt miếng ngọc bội bên hông, nàng thẫn thờ ngắm nhìn khung cảnh. Giấc mơ vừa rồi gợi lên bao hồi ức. Tử Hoàn từng nói khi thiên hạ thái bình sẽ dẫn nàng đi dạo ngắm nhân gian. Tiếc rằng, chàng đã ra đi trước khi hoàn thành bá nghiệp, để lại nàng giữa cung cấm thâm nghiêm, lấy biên chép, ngâm tụng thơ văn của chàng làm lẽ sống qua ngày.
Một cơn gió mạnh chợt thổi tới, nàng rùng mình ho khan vài tiếng. Người hầu nữ bên cạnh vội tiến lên khoác áo choàng viền lông cáo trắng muốt lên vai nàng khẽ nói:
– Bẩm Thái hậu, dẫu đã sang xuân nhưng tiết trời vẫn còn giá buốt khi đêm xuống, mong ngài cẩn thận giữ gìn ngọc thể, không nên ở bên ngoài hứng gió lâu.
Lần sảy thai năm đó, nàng may mắn lắm mới giữ lại được tính mạng, hậu quả khiến cơ thể bị tổn hại nghiêm trọng, không những không thể mang thai nữa, sức khỏe dần suy yếu nhanh chóng, thời gian qua dù cố gắng bồi bổ cũng không khá hơn bao nhiêu, chỉ là cố gắng kéo dài được chừng nào hay chừng ấy. Xem ra đến cuối đời, ước vọng một lần nữa đeo kiếm, phi ngựa trên đồng cỏ có lẽ sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực.
Nàng quay gót trở vào trong, người cung nhân vẫn tiếp tục lên tiếng:
– Bẩm Thái hậu, vừa rồi Tư không Trần Quần xin yết kiến nhưng không dám phiền ngài nghỉ ngơi nên đã lui xuống.
Trần Quần cai quản Thượng thư đài, là trọng thần trong triều, nếu không có việc quan trọng sẽ không bất chợt tới Vĩnh An cung của nàng.
– Lần sau Trần Tư không đến cứ vào báo ngay với ta.
Nàng ngồi xuống trước bàn, vừa chậm rãi cuộn lại những thẻ trúc dùng lâu đã lên một lớp bóng loáng, vừa suy nghĩ miên man. Lúc lâm chung, Tử Hoàn lựa chọn người con trai trưởng do nàng nuôi nấng – Tào Duệ, vào vị trí Thái tử. Do trước đó Tào Duệ chỉ an tĩnh trong thư phòng không màng tới chính sự nên dù hắn đã trưởng thành, Tử Hoàn vẫn cẩn thận chọn ra bốn vị đại thần phụ chính phò trợ tân đế. Mà nay ngoài hai vị tướng quân là thân thích từ Tào thị đã qua đời, phụ thần chỉ còn lại Trần Quần và Tư Mã Ý, phu quân tỷ tỷ kết nghĩa của nàng.
Sau khi lên ngôi, Hoàng đế đối xử với nàng ngày càng lạnh nhạt hờ hững, chẳng hề để Thái hậu là nàng vào mắt. Từ lần nàng bị đưa vào đại lao Đình úy, tuy không đối chọi gay gắt nhưng sát tâm của hắn nổi lên không chỉ một lần, chẳng qua do tỷ phu nàng là Đại đô đốc có uy vọng trong triều nên Tào Duệ còn vài phần kiêng dè. Cách đây không lâu, tỷ phu đã trả lại binh quyền lui về Trường An xa xôi, Hoàng đế định tiếp tục đối phó với nàng như thế nào đây? Tử Hoàn, cuộc sống không có chàng chẳng dễ dàng chút nào.
Nàng bỗng chạm tới cuộn trúc chép bài thơ “Yên ca hành”. Dường như mới đây thôi Tử Hoàn còn dùng ngón tay trần viết chữ lên bàn tay nàng. Hơi ấm lưu lại, những con chữ vô hình khắc vào trong tim.
“Lòng nhớ đến chàng chẳng dám quên.
Bỗng chốc lệ tuôn đầm vạt áo.” (2)
(2) Trích từ bài thơ “Yên ca hành kỳ 1 – Thu phong” của Ngụy Văn đế Tào Phi, nguyên văn Hán Việt “Ưu lai tư quân bất cảm vong. Bất giác lệ hạ chiêm y thường”.
Hốc mũi chợt cay cay. Đêm nay lại là một đêm không trăng.
oOo
Lách cách. Rèm ngọc treo trước kiệu đong đưa, va vào nhau theo từng nhịp bước chân. Nàng điềm tĩnh ngồi trên kiệu ngẫm lại cuộc nói chuyện vừa xong với Trần Quần.
Mấy năm nay chiến sự tạm bình ổn song Hoàng đế lại bắt đầu chìm đắm vào tửu lạc, huy động nhân lực xây sửa cung điện hoang phí dẫn đến mất mùa đói kém, dân chúng khốn khổ vì thuế nặng, cứ tiếp diễn chỉ e dễ xảy ra nội loạn. Đại thần đã nhiều lần dâng tấu khuyên can, Tào Duệ không buồn để ý. Nay Hoàng đế dần nắm trọn quyền hành, tự ra quyết định, phụ thần chỉ còn danh hão, liệu sẽ nghe lời dưỡng mẫu bấy lâu không được coi trọng? Dẫu biết khả năng là rất nhỏ nhưng nàng vẫn phải quản chuyện này. Đó là trách nhiệm của một hoàng thái hậu.
Đoàn người hầu của nàng tiến tới trước Lăng Vân đài xa hoa cực điểm, lộng lẫy chói mắt. Chưa lên đến nơi đã nghe thấy tiếng sênh ca réo rắt, lớp lớp rèm trướng buông xuống che hết ánh sáng. Trong phòng đèn nến lung linh, hương trầm bay lượn, ca nữ thướt tha vung áo lụa múa hát. Đứng lẫn vào đó có một gã nội thị áo trắng, chính là Tích Tà, kẻ thân cận bên cạnh Hoàng đế, gương mặt điển trai, động tác của y yểu điệu chẳng thua ca cơ là bao.
Nàng đột ngột bước vào. Tiếng nhạc tắt ngấm, ca cơ cung kính đứng dẹp sang hai bên. Lúc này, nàng mới nhìn rõ Hoàng đế đang ngồi trên sàn, tự soi bản thân bằng một chiếc gương đồng nhỏ. Tào Duệ mặc nữ trang đỏ tươi, tóc búi một nửa buông xõa bên vai, dung nhan tuấn tú thoát tục, trong không gian mờ ảo lại càng giống mẹ đẻ của hắn, đại mỹ nhân Tam quốc Chân Mật – Văn Chiêu Hoàng hậu.
– Thái hậu à? Khách hiếm đây. – Không hề thay đổi tư thế, Tào Duệ hờ hững nói.
Nàng tiến lại gần hắn hỏi:
– Bệ hạ ở đây còn có biết hôm nay là ngày tháng nào không?
Tào Duệ thản nhiên gõ nhè nhẹ vào chiếc gương trên tay, có vẻ rất ung dung tự tại:
– Xem ra Thái hậu già rồi, đến thời gian cũng quên mất. – Hất nhẹ đầu về phía Tích Tà, Hoàng đế lại tiếp tục – Nói cho Thái hậu rõ.
Tích Tà kính cẩn đáp lời:
– Bẩm, năm nay là năm Thanh Long thứ ba, tháng Hai, năm Ất Mão, ngày Quý Dậu.
Nàng chậm rãi nói:
– Đúng. Nước Ngụy năm Thanh Long thứ ba. Nhưng cũng là nước Ngô năm Gia Hòa thứ tư, nước Thục năm Kiến Hưng thứ mười ba. Ngô, Thục hãy còn. Cường địch lúc nào cũng kề bên, thiên hạ này vẫn chưa phải là thiên hạ của Đại Ngụy ta. Nay quan nội chịu nạn đói mùa xuân, mỗi ngày đều có thường dân chết vì không có nổi rễ cây mà ăn, Bệ hạ lại ở đây xây dựng rầm rộ, hao người tốn của, thậm chí còn dùng ngựa quý trong nước đổi lấy châu báu của Đông Ngô. Bệ hạ, lẽ nào người đã quên mất chí hướng thống nhất thiên hạ của Vũ đế, Văn đế rồi sao? Hơn nữa, con gái người bệnh nặng chưa khỏi, người lại ở đây ca múa tưng bừng… Ta hỏi Bệ hạ, người làm vua thế nào đây, làm cha thế nào vậy?
Tào Duệ im lặng nhìn nàng một lát, trong ánh mắt có sự chán ghét cố kìm nén, vứt gương xuống đất “keng” một cái, hắn khàn giọng lên tiếng:
– Nói xong chưa? Thiên hạ là thiên hạ của trẫm. Trẫm biết hết. Di nguyện của Văn Hoàng đế, Vũ Hoàng đế, trẫm đều nhớ cả. Hoành đồ đại chí của trẫm nói cho người, người có hiểu được không? Thiên hạ này không phải của Quách Chiếu người!
Hắn đứng dậy, từ từ bước tới trước mặt nàng, khí thế như muốn nuốt chửng người khác khiến nàng bất giác lùi lại vài bước, hỏi:
– Vừa rồi họ hát cái gì, người nghe thấy không? Bài thơ mẹ ruột trẫm viết đấy, “Đường thượng hành”. Tiểu công chúa là người thân của bà, đang phù hộ cho cháu gái ruột của bà thân thể khỏe mạnh. Người hiểu không? – Ngừng một chút, hắn vung tay ra lệnh – Hát tiếp đi, múa tiếp đi!
Nhạc lại cất lên, tiếng ca bay lượn khắp cung điện. Nàng bị vây giữa đám ca nữ.
“Miệng người chẩy sắt thép
Khiến chàng xa chân mây
Nhớ khi chàng li biệt
Một mình oán hận đầy.” (3)
(3) Trích từ bài thơ “Đường thượng hành” do Chân thị, Văn Chiêu Hoàng hậu của Ngụy Văn đế sáng tác, bản dịch thơ của Bùi Hạnh Cẩn.
Tào Duệ thương nhớ mẹ, nàng vẫn luôn biết. Năm xưa, vì để vẽ chân dung Văn Chiêu Hoàng hậu, hắn đã giết hại rất nhiều họa sư.
Hoàng đế lại lên tiếng:
– Vì ai mà mẹ ta phải đau khổ, oán hận như thế. Chính do bà, Quách Chiếu!
Nàng và Chân tỷ tỷ vốn có mối quan hệ tốt đẹp, việc Tử Hoàn ban chết cho tỷ ấy không liên quan tới nàng, chuyện trong đó đâu chỉ vài lời là nói rõ ràng được. Song, nàng cũng không thể phủ nhận sự sủng ái Tử Hoàn dành cho nàng khiến Chân tỷ chịu cảnh tịch mịch, lẻ loi. Sủng người này sẽ là thê lương của kẻ khác, bản thân nàng cũng từng có lúc trải qua những đêm đơn độc một mình.
Thế nhưng, tất cả những gì đã làm, những yêu thương đã trao đều là sai lầm sao? Tử Hoàn yêu nàng là sai? Nàng thương Tào Duệ như con đẻ, che chở cho hắn là sai, để nhận lại hận thù chất chứa ngày hôm nay?
Tuyệt vọng, đau xót, bi ai, nàng loạng choạng quay người bước ra khỏi Lăng Vân đài. Hoàng đế còn nói với theo:
– Đừng đi chứ! Sợ rồi sao? Không dám nghe nữa à? Trong lòng bà có hổ thẹn không?
Trở về trước cung của mình, nhìn biển đề “Vĩnh An cung”, nàng mỉm cười chua chát. Giữa thời tam quốc phân tranh, liệu mấy ai được sống cả đời bình an? Chân tỷ tỷ từng nói với nàng, mong con cái sẽ có một đời thanh thản, an ổn. Nhưng mà thời thế đã đẩy thằng bé lên ngôi vị tối cao, đổi thay tất cả. Đó không còn là đứa trẻ run rẩy ướt đẫm nước mưa, bị tỷ phu ép khấu đầu nhận nàng làm mẹ nữa rồi. Duệ Nhi của nàng không còn. Chỉ còn lại một vị hoàng đế nắm đại quyền trong tay và nỗi uất hận tột cùng.
Lỗi của nàng đã không yêu thương, dạy bảo đứa bé tội nghiệp kia đủ tốt.
oOo
Trời bỗng chuyển âm u, hạt mưa nho nhỏ giăng mắc khắp nơi, hoa xuân rơi rụng tan tác. Tiếng khóc than ai oán văng vẳng. Tiểu công chúa bệnh nặng không qua khỏi, Hoàng đế vô cùng đau lòng, tự thân đưa tiễn mặc kệ quần thần can ngăn.
Nàng chỉ có thể thở dài tiếc thương cho một sinh linh bé bỏng. Tích Tà nhanh chóng điều quân bao vây Vĩnh An cung, gán nàng tội danh dùng cổ độc trù hại tiểu công chúa. Dùng hết lời biện bạch nhưng vô ích, xem ra Tào Duệ đã quyết tâm trừ bỏ nàng.
Từ khi lên ngôi, Tào Duệ nhẫn nại, âm thầm từ từ làm suy yếu sức ảnh hưởng của bốn vị phụ thần, ngoài chống Thục – Ngô, trong trị đại thần, trọng dụng hiền lương, tự mình chấp chính. Một hoàng đế nắm thực quyền như hiện tại mới có khả năng đạp đổ đạo hiếu, trấn áp những kẻ phản đối. Ra tay với nàng, hắn không chỉ thỏa mãn hận ý bao năm, còn viện được cớ làm khó dễ thế gia đại tộc.
Nghĩ đến đó, nàng ngược lại cảm thấy bình tĩnh, thản nhiên đón nhận tất cả. Trần Quần vì lễ pháp, dùng tính mạng bảo hộ nàng trước đám người của Tích Tà, sĩ tộc kinh thành theo Nho học cũng không ngồi yên, cố gắng kéo dài hẳn là chờ tỷ phu trở về. Nhưng về thì sao? Quần thần chống đối nổi Hoàng đế không?
“Năm tháng qua, tựa như bay, sao phải tự khổ, khiến lòng ta đau.” (4) Nàng thực sự đã quá mệt mỏi. Đáng lẽ nàng nên tuẫn táng theo Tử Hoàn ngay từ đầu, để khỏi phải nhìn Tào Duệ hận nàng, khỏi phải đau lòng chứng kiến quân – thần xung đột.
(4) Trích từ bài thơ “Đại tường thượng hao hành” của Ngụy Văn đế Tào Phi, nguyên văn Hán Việt “Tuế nguyệt thệ, hốt nhược phi, hà vị tự khổ, sử ngã tâm bi”.
Mặt trời vén màn mây xám, những giọt nước mưa đọng lại trên cỏ cây được ánh sáng chiếu vào trở nên long lanh rực rỡ, trái ngược hoàn toàn với khung cảnh ảm đạm trong Vĩnh An cung lúc này.
Trần Quần tự buộc dây thừng cố định bản thân trong nội điện mấy ngày nay. Con người râu tóc bạc trắng, nguyên lão ba triều, tuổi tác quá nửa trăm ấy không màng sống chết vẫn ở bên nàng.
Hoàng đế đã có quyết định cuối cùng. Tích Tà dứt khoát cho lính kéo Trần Quần ra ngoài. Bất lực, Trần Quần chỉ đành kêu lên:
– Lũ gian tặc các ngươi có gan thì giết ta trước đi. Thả ta ra! Thả ta ra! Thái hậu, lão thần vô năng! Lão thần vô năng!
Nàng nghẹn ngào, cúi đầu khẽ nói:
– Trần Tư không, khanh đã cố hết sức rồi. Tiên đế và ta cảm tạ ngài.
Trần Quần bị lôi đi, Tích Tà bước lên cúi đầu một cái xong, cất tiếng:
– Bệ hạ lệnh cho nô tì…
– Ta chỉ có một mong muốn, không phải gánh tiếng xấu mà chết. – Nàng ngắt lời y.
Tích Tà mỉm cười đáp:
– Người có thể yên tâm, Bệ hạ nhất định sẽ không nhắc đến chuyện vu cổ nữa. Quốc sử chỉ ghi người bệnh rồi qua đời, lấy nghi lễ Hoàng thái hậu hợp táng cùng Tiên đế, còn truy phong tước vị và hậu đãi thân nhân của người.
– Được, thay ta cảm ơn Hoàng đế. – Ngừng một chút, nàng nói tiếp – Ta có thể chỉnh trang dung nhan trước khi đi gặp Tiên đế không?
Tích Tà cúi đầu đứng sang một bên. Nàng vẫy tay ra hiệu, cung nhân lần lượt mang tới gương đồng, hộp trang điểm rồi lui hết xuống.
Mày vẽ, má hồng, môi son. Chuyên chú cẩn thận như thiếu nữ sắp lên kiệu hoa về nhà chồng. Thực ra nàng chưa từng được khoác giá y đỏ thẫm của tân nương, năm đó đến bên chàng chỉ với thân phận thứ thiếp. Nghĩa tỷ nàng vốn phản đối, nói tiền đồ Tử Hoàn còn chưa rõ, tỷ sợ nàng chịu thiệt thòi, bị cuốn vào vòng xoáy tranh đấu không ngừng với đủ mọi âm mưu và nguy hiểm. Tỷ tỷ còn nhốt nàng trong nhà, may nhờ có Thúc Đạt, huynh ấy cứu nàng thoát khỏi giam cầm, giúp nàng băng tường đi gặp Tử Hoàn. Nàng vẫn còn nhớ rõ, lúc nàng tung người nhảy vào lòng chàng, chính là dịp mai đào đang nở rộ như bây giờ.
Mấy chục năm trôi qua, nàng luôn tin tưởng vào cảm giác của bản thân, chỉ muốn cùng chàng chung hoạn nạn, sẻ chia vui buồn, đồng cảm thấu hiểu lẫn nhau, cho dù trở thành nỗi ca thán của hậu thế cũng là may mắn nhất đời. Từ ngục tù âm u tới ngôi vị tối cao, nàng sát cánh bên chàng, không rời không bỏ. Duy nhất một lần, nàng dám cãi lệnh Tử Hoàn vì phản đối chuyện chàng đưa tiểu thiếp cho tỷ phu nàng. Nghĩa tỷ có ơn với nàng, nàng không thể phá hoại mái nhà ấm áp của tỷ ấy.
Tử Hoàn từng cười nàng tin vào cái gọi là “Mong được người một lòng, bạc đầu chẳng xa nhau” (5), nhưng chính chàng đã làm nhiều hơn thế. Dẫu chàng có nhiều thiếp thất, vẫn luôn dành cho nàng sự yêu chiều, dung túng, thậm chí đưa một người không xuất thân từ thế gia đại tộc, cũng chưa từng sinh dưỡng như nàng lên ngôi vị hoàng hậu Đại Ngụy. Nàng chính là người phụ nữ hạnh phúc nhất thế gian. Điều tiếc nuối chỉ là nàng không thể có một đứa con của riêng hai người…
(5) Trích từ bài thơ “Bạch đầu ngâm” của Trác Văn Quân triều Tây Hán, nguyên văn Hán Việt “Nguyện đắc nhất tâm nhân, bạc đầu bất tương ly”.
Tích Tà lên tiếng cắt đứt dòng suy nghĩ của nàng:
– Thái hậu, đến lúc rồi. Xin mời.
Một tên nội thị bưng khay tiến đến, trên có một ly ngọc đựng chất lỏng màu nâu đen sóng sánh, tỏa ra mùi hăng hắc. Nàng nhận lấy ly, ngửa đầu từ từ uống cạn. Thứ nước đắng ngắt trôi qua cổ họng, đi đến đâu thiêu đốt đến đấy, nỗi thống khổ ngấm dần trong từng tấc da thịt.
Nàng tháo xuống ngọc bội bên hông, một giọt lệ lăn qua bờ mi. “Ngọc bản chất kiên trinh không đổi, vòng trước sau vẹn tròn không đứt.” (6) Nàng mỉm cười vuốt nhẹ miếng ngọc trắng gồm hai mảnh tròn đồng trục gắn lại với nhau, đó là tín vật của Tử Hoàn tặng nàng thuở mới quen biết, vẫn thay chàng ở cạnh nàng suốt bấy nhiêu năm.
(6) Trích từ tác phẩm “Oanh Oanh truyện” của Nguyên Chẩn triều Đường (tuy không phù hợp với thời đại nhưng đây là câu thoại trong phim), nguyên văn Hán Việt “Ngọc thủ kỳ kiên trinh bất du, hoàn thủ kỳ thủy chung bất tuyệt”. “Oanh Oanh truyện” chính là nền tảng để sau này các tác phẩm nổi tiếng khác ra đời như “Tây sương ký” của Vương Thực Phủ, “Oanh Oanh ca” của Lý Thân…
Tích Tà cùng tên nội thị lao lên, siết cổ nàng bằng một dải lụa trắng. Sự đau đớn lan ra mài mòn cơ thể, không khí từ từ rút cạn khiến nàng nghẹt thở. Nàng dùng chút sức lực cuối cùng nắm chặt ngọc bội. Nàng tin tưởng, mang theo nó xuống hoàng tuyền nhất định có thể gặp lại Tử Hoàn.
Trong khoảnh khắc miếng ngọc rời tay, nàng như thấy hoa đào, hoa mai nở rộ một màu đỏ rực. Từ xa xa có người cưỡi ngựa phi tới, áo bào bay bay, gương mặt anh tuấn mỉm cười đưa tay ra đón. Một lần nữa, nàng không ngần ngại nhảy vào vòng tay ấy.
– Tử Hoàn, chàng đến rồi. Chúng ta hãy cùng nhau du ngoạn nhân gian…
Vỹ thanh
“Tam quốc chí” của Trần Thọ triều Tây Tấn ghi lại sử nước Ngụy: Thanh Long năm thứ ba, ngày mồng tám tháng Hai, Quách Thái hậu bệnh nặng, qua đời tại Hứa Xương.
Ngụy Minh đế đau buồn ban lệnh tổ chức tang lễ long trọng cho Thái hậu, tạo mộ phần trong Thủ Dương lăng, hợp táng cùng Văn Hoàng đế, dâng thụy Văn Đức Hoàng hậu. Ngoài ra, Ngụy Minh đế liên tiếp truy phong cha mẹ và ban thưởng chức tước cho anh em của Thái hậu. Quách thị, cháu gái bên ngoại của Thái hậu ở hậu cung được Minh đế vô cùng sủng ái, sau này chính là Minh Nguyên Hoàng hậu.
Tuy nhiên, dân gian lại đồn thổi một truyền thuyết khác. Quách Thái hậu không con cái, vì ghen tị với Chân phu nhân, mẹ ruột của Minh đế nên buông lời rèm pha khiến Chân thị buộc phải tự sát, giành được quyền nuôi nấng Minh đế. Sau khi biết được sự tình, Minh đế tức giận bức chết Quách Thái hậu, khi mai táng lấy cám nhét miệng, lấy tóc che mặt giống như Chân thị năm xưa để trả thù.
Đúng sai trong đó chẳng thể khẳng định chắc chắn, đành mượn lời một cố nhân để kết thúc câu chuyện ở đây: Người tương lai viết nên sách sử làm sao có thể biết chính xác hôm nay đã xảy ra chuyện gì. Ai là trung thần, ai là gian thần, kẻ nào tốt, kẻ nào xấu, sợ rằng không chỉ vài cái tên là có thể viết hết rõ ràng. Trong tim nhìn thấy, chính là nhìn thấy. (7)
(7) Dựa theo lời thoại của nhân vật Tư Mã Ý trong phim.
HẾT