- Giấc mơ màu hoa gió
- Tác giả: Trầm Mặc
- Thể loại:
- Nguồn: tự sáng tác
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.809 · Số từ: 2516
- Bình luận: 0 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 1 Man Man
Hà Nội, cái giá lạnh của mùa đông thấm dần vào cảnh vật. Phố xá vắng tanh, chỉ có lác đác một vài dáng hình co ro, lầm lũi trên những góc đường, hiên mái. Đêm đã khuya lắm rồi, những hạt mưa li ti lạnh cóng như nước đá lấm tấm trên da thịt đã làm tôi thấm lạnh. Tôi thầm tưởng tượng giờ này mình đang được ở trong căn phòng thân yêu, nơi mà sự ấm cúng dễ thương sẽ ôm trầm lấy tôi bằng một cái ôm thật âu yếm, và khi ấy tôi sẽ là đứa trẻ hạnh phúc nhất trần đời.
Mới hồi sáng tỉnh dậy, tôi cứ ngỡ hôm nay sẽ là một ngày như mọi ngày, “lăn khỏi giường, ăn sáng, đi học (chơi là chính), về nhà, lại học tiếp, đi ngủ.” Ấy vậy mà cái chuỗi hoạt động êm ái của tôi đã bị đảo lộn, và giờ tôi đang lang thang ở đây, trước mái hiên của căn nhà mang số 33, phố Mai Dịch.
Thực ra việc một cậu nhóc mười hai tuổi là tôi, lang thang trên một góc phố hiu hắt giữa đêm khuya. Vào một ngày đông lạnh nhất của thủ đô cũng chả phải vì một biến cố gì to tát lắm. Nó chỉ đơn giản xuất phát từ một lời hứa (ngôn từ thường nặng hơn trọng lượng của nó), cùng với thứ tính cách dở hơi mà bây giờ tôi có thể gọi là “nông nổi tuổi dậy thì,” thế thôi. Hai thứ công thức ấy được bàn tay chúa trời hòa trộn thật khéo léo, và thế là “bùm” tôi đã có một đêm đáng nhớ nhất đời.
Trường tôi vốn xa nhà, nên lúc nào đi học tôi cũng được mẹ đưa đón. Và bị đón muộn giờ là nỗi ác mộng của tôi, cảm giác khi đám bạn thân đã lần lượt về hết. Chỉ còn một mình đứng trên cái vỉa hè trống vắng, lặng nhìn dòng xe cộ đi tới, đi lui là cả một sự cô quạnh đè nén nơi cõi lòng. Nỗi cô quạnh của sự lạc lõng, sự cô quạng của nỗi cô đơn. Con người thì vốn sợ cô đơn, đặc biệt là một cậu nhóc mười hai tuổi thì còn bị nó ám ảnh hơn cả câu chuyện “ông ba bị” thuở bé. Thế là sáng hôm nay, khi đang ngồi sau xe mẹ, tôi với nói:
“Hôm nay mẹ hứa phải đón con đúng giờ đấy!”
Mẹ ban cho tôi một lời hứa thật nhẹ nhàng, bởi hình như lúc ấy bà đang có chuyện gì vui. Thế là cả buổi học tôi an tâm nghịch ngợm đủ trò, từ nói chuyện trong giờ toán đến ngủ gật giờ văn. Hết giờ nghỉ trưa đám bạn chúng tôi lại trốn tiết học ôn buổi chiều, rủ nhau ra nhà thể chất ở sau trường chơi bóng rổ. Buổi học trôi nhanh đến độ khi tiếng trống tan trường vang lên, tôi còn cảm thấy một niềm nuối tiếc còn vấn vương.
Vẫn như thường lệ, tôi khoác ba lô đứng ở vỉa hè đối diện với cổng trường để đợi mẹ. Năm phút, mười lăm phút, rồi một giờ trôi qua mẹ vẫn chưa đến, những cuộc điện thoại không hề đến được đích, những dòng tin nhắn không bao giờ có hồi âm. Sau khi Trọng Hiếu, thằng bạn thân đồng cảnh ngộ với tôi được mẹ nó chở về sau con Lead màu mận chín, với một bộ mặt hớn hở đến đáng ghét thì tôi mới nhận ra được hoàn cảnh éo le của mình. Thâm chí hôm nay, sau lời hứa, mẹ còn đón tôi muộn hơn cả mọi lần đón muộn ngày trước. Đứng trước cổng trường lạnh lẽo, vắng tanh không lấy bóng dáng của một đứa học sinh nào. Tôi bắt đầu trào dâng một niềm uất ức gần như bùng nổ qua hai hàng khóe mi. “Mẹ là đồ nói dối,” “đã vậy đừng mong con về nhà nữa!” Với luồng suy tư u ám phủ đầy khối óc non nớt của mình, tôi bắt đầu lê bước giữa những con phố phủ đầy lá khô, le lói những ánh đèn đường bị vùi lấp bởi vài làn mưa bụi mùa đông. Khi chân đã mỏi, tôi dừng bước ở một căn nhà mang số 33, có mái hiên thật rộng để tránh mưa. Cũng là để ngắm nhìn con ốc sên mang tên thời gian đang ì ạch lê từng bước nặng nề trên con đường hơi tối, thấp thoáng vài bóng hình lẩn khuất trong đêm.
****
Tôi chắc rằng mình sắp chết, hai tay tôi đã không còn cảm giác nữa rồi. Còn đầu óc tôi thì tê dại đi vì đang phải chống chọi với cái rét. Tôi lặng người ngắm nhìn một vài bóng hình cũng đang co ro vì giá buốt. Họ là những người vô gia cư sống lẩn khuất nơi màn đêm chốn thị thành, lâu nay tôi chưa bao giờ để ý bên cạnh cuộc sống êm ả của mình lại có nhiều người sống lang thang đến thế. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng tôi nghĩ, chẳng có ai điên rồi đến độ tự biến mình thành một kẻ vô gia cư giống như tôi.
Tôi đã mở nguồn điện thoại từ lâu, nhưng vẫn chẳng thấy bất cứ giấu hiệu gì của sự tìm kiếm, lắng lo. Tôi đã bị bỏ rơi? Phải, đúng là tôi đã bị bỏ rơi rồi, như một chú mèo con bướng bỉnh bị chủ nhân nó hắt hủi. Mẹ đã không cần tôi nữa rồi, cũng đúng thôi, bởi vì tôi chỉ là một đứa trẻ phiền phức. Suốt ngày trốn học đi chơi, suốt ngày đòi hỏi, than thở. Nghĩ đến đây tôi không nén nổi nghẹn ngào mà bật khóc nức nở, tôi cứ khóc thật to bởi trong tiềm thức tôi cứ thầm mong rằng, những tiếng nghẹn ngào của mình sẽ đến được với mẹ. Nhớ khi còn nhỏ xíu mỗi khi tôi bật khóc là lại được mẹ âu yếm, vỗ về. Giờ đây tiếng khóc của tôi không thu lại được gì ngoài một vài ánh nhìn hiếu kỳ. Tôi cảm giác mình đang phá vỡ màn đêm, phá vỡ sự yên lắng vốn thuộc về nơi này. Tôi sợ rằng họ sẽ đuổi tôi khỏi chốn nương náu cuối cùng nên chẳng khóc được bao lâu thì tôi cũng nín bặt. Tôi đành ngồi co ro nơi góc tối, run rẩy mường tượng rồi số phận của mình cũng sẽ giống như “cô bé bán diêm” tội nghiệp mà mẹ vẫn kể tôi nghe.
Thời gian vẫn cứ ì ạch lướt đi, đã quá nửa đêm. Tôi cứ lim dim mắt thì lại bị những cơn gió lạnh lùng như một cái roi da quất thẳng vào người. Xuyên qua cả ba bốn lớp áo dày cộm, làm tôi đau điếng. Bất chợt, tôi nghe thấy những tiếng bước chân thật khẽ, rồi dần dần trở nên rõ nét. Tôi mở mắt thì thấy một bóng dáng mơ hồ tựa như sương khói, cái bóng ấy ngồi kề cạnh bên tôi. Trao nhau ánh mắt, tôi mới nhìn rõ đó là một em bé, tầm bảy, tám tuổi. Em có gương mặt bầu bĩnh, mái tóc đen láy giấu sau chiếc mũ len màu tím sẫm, đôi mắt trong sáng thuần khiết tựa như những giọt mưa rơi. Nhìn tôi một hồi, em mới cất lời.
“Sao anh lại ngồi một mình ở đây? Anh không có gia đình à?”
“Có chứ. Anh cũng có gia đình, nhưng anh bị mẹ bỏ rơi rồi. Mẹ không còn yêu anh nữa.”
“Không phải đâu! Mẹ luôn yêu chúng ta mà, mẹ em cũng yêu em lắm! Nhưng mẹ đã lên thiên đàng rồi, nên giờ em phải sống với bà ngoại.”
Giọng em chợt vút lên khỏi sự cô liêu của đêm khuya thanh vắng, đôi mắt em như sáng lấp lánh soi rọi lên gương mặt tôi. “Không đúng! Nếu mẹ yêu anh thì mẹ đã tìm anh rồi! Nếu mẹ yêu anh thì mẹ đã chẳng bỏ anh một mình giữa trời mưa thế này đâu!” Tôi cũng dồn nén nỗi uất ức của mình qua lời nói, nước mắt tôi lại trực trào nơi khóe mi. Em không nói gì. Chúng tôi cứ thế lặng im, rồi em đột nhiên em mở lời hỏi tôi:
“Nếu bây giờ có một điều ước? Anh sẽ ước điều gì?”
Tôi định đáp rằng mình ước có một ngàn điều ước, nhưng nhận ra đây không phải hoàn cảnh thích hợp để đùa giỡn nên lại thôi. “Anh ước có một chiếc xe đạp mới, để có thể tự đi đến trường.” Em bất chợt cười nhẹ nhàng, khoe ra hàm răng trắng nhỏ xinh xinh.
“Còn em, em chỉ ước có một gia đình thôi. Trong gia đình ấy em sẽ cùng bố, cùng mẹ, và cả bà ngoại chung sống hạnh phúc bên nhau.” Em nói với chất giọng trong veo, hơi ngọng. Em đưa ánh mắt lên trời cao như tìm kiếm những vì tinh tú, nhưng bầu trời đêm nay chỉ có một màu đen đặc quánh mà thôi. Những từ ngữ của em lúc đầu còn mờ mịt. Nhưng nó dần có dáng, có hình rồi từ từ ám ảnh lấy tâm trí tôi, “còn em, em chỉ ước có một gia đình thôi.” Điều ước của em thật giản đơn, nhưng có lẽ em sẽ không bao giờ có thể chạm tới nó. Tôi len lén nhìn vào đôi mắt trong veo của em, nó đang đuổi theo màn đêm xa xăm, vô định. Trong đôi mắt ấy, tôi nhìn thấy một gia đình nhỏ xinh, nơi đó em sẽ có bố, có mẹ, có bà ngoại. Họ đang quây quần trong căn phòng ngập đầy ánh lửa để ăn mâm cơm tất niên. Hương bánh chưng, thịt vịt ngào ngạt khắp không gian như gọi mời những cái bụng trống rỗng. Những mẫu ảnh ấy chợt bị em cuốn trôi đi bởi hai dòng lệ giá băng vương trên đôi gò má. “Em nhớ mẹ!” Em nức nở, mặc dù tiếng khóc rất khẽ, nhưng tôi chẳng biết làm gì ngoài ôm ghì lấy bờ vai đang run rẩy của em, tôi thật sự hụt hẫng vì những ngôn từ trong tôi là chưa đủ để xoa dịu trái tim cô bé tội nghiệp.
Rồi tôi lại nhìn thấy hình ảnh của mẹ, của gia đình tôi ùa về trong tâm chí. Bố tôi hay công tác xa, mỗi khi được nghỉ ông vẫn luôn dành từng phút để ở bên gia đình. Bố hay bắt tôi dạy sớm tập thể dục cùng ông, lúc nào cũng bắt tôi phải ngẩng cao đầu, mặc dù mỗi khi tôi đòi một lời giải thích thì ông lại bảo: “đợt vài năm nữa con sẽ tự hiểu thôi con trai.” Tự nhiên lúc này tôi thấy những lời của bố ấm áp đến lạ lùng. Tôi nhớ hồi còn bé tí tôi đi xe đạp bị kẹt chân, lúc ấy tôi đã khóc rất nhiều, chỉ nằng nặc đòi mẹ. Thế là mẹ đã đi một mạch mấy chục cây số để đến bên tôi. Nước mắt tôi đã vô thức tuôn chảy từ lúc nào, bố mẹ, gia đình yêu tôi đến thế cơ mà. Có lẽ bây giờ mẹ đang khóc nhiều lắm, còn bố có khi còn bay từ Sài Gòn về đây để kiếm tôi cũng nên. Tôi vội vàng lấy chiếc điện thoại trong túi áo, nhưng vẫn thật nhẹ nhàng để tránh không đánh thức cô bé đang say ngủ bên bờ vai. Nãy giờ tôi chịu đựng cái đói, cái rét chỉ vì thứ tính cách dở hơi cùng thói gan lỳ cố hữu. Nhưng giờ đây tôi nhận ra gia đình thật quý giá đến nhường nào, tôi không thể để những người tôi thương yêu lo lắng. Thế là tôi bấm số mẹ, đầu dây bên kia là những âm thanh huyên náo mặc dù đã quá đêm, rồi tôi nghe thấy tiếng mẹ nghẹn ngào. Tôi trấn an bà, rồi đưa cho bà địa chỉ, tất nhiên rồi “Căn nhà số 33, phố Mai Dịch.” Có lẽ mẹ sẽ đến trong ít phút nữa thôi, tưởng như trong tôi sẽ đong đầy niềm hạnh phúc, nhưng đâu đó vẫn có những chấm đen u ám làm lòng tôi bồn chồn không yên.
“Sóc về với bà đi con.” Một giọng nói run rẩy vang ra từ một mảng tối đâu đây, cô bạn nhỏ của tôi bừng tỉnh, rồi thoắt cái đã biết mất vào đêm. Để lại cho tôi một nụ cười, cùng một lời hứa hẹn. Tôi vô thức đứng dậy, dò dẫm trong bóng tối để kiếm tìm nhịp bước chân như vọng lại từ một miền không tên. Xa xa bên kia vỉa hè, cây đèn đường đang bị thứ bóng tối đặc quánh bủa vây, nó cố gắng tận dụng thứ ánh sáng yếu ớt chiếu hắt vào cái xó nhà, nơi mà hai dáng hình như được đúc từ bóng tối nhẹ nhàng cuốn lấy nhau. Tôi từ từ bước đến bên quầng sáng mà lặng lẽ ngắm nhìn, gương mặt em bình yên tựa như một bầu trời thu đầy gió. Khác xa với bộ mặt co rúm, đầy những vết hằn sâu của bà ngoại em. Bên cạnh hai người chả có gì ngoài một cái nón rách, được vá víu tứ tung. Tôi tự nhiên muốn đặt vào trong đó một thứ gì đó bất cứ thứ gì có thể dùng được. Niềm khao khát mãnh liệt làm tôi lục tung chiếc ba lô, may mắn thay tôi tìm thấy bên trong cuốn “không gia đình.” Cuốn sách bố tặng tôi đã lâu nhưng tôi mới chỉ đọc được quá nửa, chả hiểu sao hôm nay tôi bỏ nhầm nó vào trong ba lô. Chắc có lẽ cuốn sách này vốn dĩ phải dành cho em, tôi nhẹ nhàng đặt nó vào trong chiếc nón rách, sức nặng của nó làm chiếc non nghiêng hẳn về một bên. Thế là tôi đã giải tỏa được phần nào sự ray rứt trong lòng, chắc có lẽ tôi sẽ không bị bố phạt bởi hành động này đâu nhỉ?
Ánh đèn từ đầu phố sáng lóa cả mắt, tôi không còn thấy lạnh nữa, có lẽ vì cơ thể tôi đã tê dại rồi. Tôi lon ton chạy đến bên mẹ, để mặc mẹ ôm gì tôi vào lòng. Tôi cảm giác như mình đang lơ lửng trong làn mưa. Tôi cứ thế xa dần ngọn đèn đường hui hắt, nhưng trong một khoảnh khắc tôi nhìn thấy khóe môi cô bạn nhỏ của tôi nhoẻn lên một nụ cười thật nhẹ, để rồi lặng chìm vào đêm.
Tác giả: Trầm Mặc