Dưới ánh sáng nhàn nhạt mờ ảo của ngọn đuốc, có hai người đang bước nhẹ nhàng trên bãi cỏ ven đường dẫn về phía cánh đồng. Sau nửa tiếng thời gian, hai người dừng lại trước một khu đất trống. Những ánh lửa nho nhỏ cùng với tiếng nói chuyện truyền đến từ khu đất trống chứng tỏ đang có người ở đây.
Dừng một chút rồi hai người tiếp tục bước đến.
Phát hiện có người đến, những người trong khu đất tạm dừng cuộc nói chuyện, hướng ánh mắt tò mò trông về phía xa. Họ không biết người đến là ai. Trong bóng tối vĩnh cửu, mặc dầu hai người được soi sáng từ ngọn đuốc nhưng vẫn rất khó để nhận diện nếu nhìn từ xa. Tuy nhiên, những người này cũng chỉ tò mò chứ không quá ngạc nhiên, có lẽ bởi vì ngôi làng này lấy chủ nghĩa bình đẳng làm hướng phát triển, tự do đi lại là một quyền cơ bản con người, trừ những khu vực cấm đầy rẫy những hiểm họa khủng khiếp thì việc dân làng tự ý tham gia những cuộc nói chuyện như thế này hoặc tương tự là một việc bình thường, đôi khi còn được chờ mong.
Dân số ở đây không nhiều, cũng chỉ gần ngàn người nên người dân hầu như đều biết và thân nhau trong các buổi tập trung. Qua thời gian, câu châm ngôn “càng đông càng vui” đã gắn chặt trong tiềm thức của họ. Sẽ vui vẻ hơn nếu có thêm nhiều người trong những cuộc nói chuyện. Với việc có “hai người” có mặt ở đây, sẽ là bình thường nếu họ đến sớm hơn, nhưng bây giờ cuộc nói chuyện đã đến lúc gần kết thúc, mọi người ở đây khá tò mò và hơi ngạc nhiên vì sự xuất hiện của “hai người” bởi vì việc có người đến vào lúc kết thúc là một việc hiếm thấy và hầu như những lần trước đó đều là “một” người đến báo tin.
– Trưởng làng, ai đến vậy? Trông không giống như Otiel.
Một người đàn ông có thân hình cao lớn, khỏe khoắn với cơ bắp rõ ràng quay sang hỏi ông lão đang ngồi ở chính giữa nhóm người. Người mang tên Otiel mà ông ấy nhắc đến chính là người báo tin vẫn đang mang trên mình nhiệm vụ tuần tra, giải quyết và báo cáo cho trưởng làng những việc xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định nếu không có việc nghiêm trọng phát sinh. Tuy nói người dân trong làng rất hòa đồng nhưng làng là một xã hội thu nhỏ, mà đã mang tính chất của xã hội thì không thể không phát sinh mẫu thuẫn và xung đột, và Otiel, người sẽ giải quyết những mâu thuẫn và xung đột ấy với các biện pháp hòa bình.
Những người còn lại đang hướng đôi mắt hiếu kì trông về phía hai người thì sau khi nghe được câu hỏi của người đàn ông, họ cũng đồng loạt nhìn về phía trưởng làng, chờ đợi một câu trả lời. Hiện tại mọi người đều có chung một phán đoán, hai người đằng xa kia là người được trưởng làng giao cho nhiệm vụ gì đó, giờ đang quay trở về để báo cáo.
Ông lão được gọi là trưởng làng nheo đôi mắt trông về phía xa. Ông cũng không biết người đến là ai nhưng chắc chắn rằng hai người ấy không phải là người ông đã giao nhiệm vụ. Trong ngôi làng này, người giúp ông trong công việc tuần tra và báo tin cũng chỉ có mỗi Otiel, mà Otiel thì vừa trở về báo tin không lâu.
– Ta không biết.
Ông lão lắc đầu đáp rồi nhìn lướt qua mọi người nói:
– Đợi họ đến là biết thôi. Có thể là người mới.
Một người phụ nữ tuổi trung niên trong nhóm giật mình nhìn lão trưởng làng hỏi:
– Người mới? Chẳng lẽ là người đó ư?
– Người đó là ai thế? Bà Mariel nói rõ hơn cho bọn tôi nghe được không?
Một số người lên tiếng hỏi bà Mariel. Điều này không quá khó hiểu. Sự tồn tại của Lê Hiếu ở ngôi làng chưa được công bố, với lại anh cũng chưa từng tham gia bất kì một buổi tập trung nào nên việc nhiều người không biết đến anh cũng là điều bình thường.
Câu hỏi của bà Mariel chứa đựng một ý nghĩa mà chỉ có lão trưởng làng và người đàn ông có thân hình cao lớn hiểu được. Người đàn ông liếc nhìn bà và trưởng làng còn lão trưởng làng thì mỉm cười đầy thâm ý nói:
– Đúng vậy, chính là “người đó”.
Sau đó lão cao giọng giải thích cho những người trong nhóm:
– Mọi người vừa nghe chắc cũng đã hiểu, làng chúng ta vừa có thêm người mới từ nơi khác đến, là một cậu bé tuổi khoảng 20, ta mong mọi người ở đây hãy hết sức quan tâm và giúp đỡ cho cậu ta.
Mọi người trong nhóm trừ ba người là lão trưởng làng, người đàn ông cao lớn và bà Mariel thì đều trở nên xôn xao:
– Có người mới đến à, chắc sẽ vui đây, cũng ba năm rồi chưa có ai đến đấy!
– Ừ, tôi cũng vừa tự hỏi tại sao lâu như vậy mà vẫn chưa có người đến.
– Mở tiệc chào mừng để quẩy đi các đồng chí.
– Chú chỉ được cái nói đúng.
…
Trong lúc mọi người bàn tán thì hai người đã đến gần. Trưởng làng đã nhận diện được hai người, người đằng sau chính là Lê Hiếu, người mới đang được bon họ nhắc đến, còn đi trước không ai khác ngoài “cô bé hạt tiêu” Nguyệt Lăng.
Nguyệt Lăng được nhiều người đặt biệt danh là “cô bé hạt tiêu” cũng bởi vì cô có thân hình nhỏ nhất làng, chỉ cao gần một mét sáu, thấp hơn một cái đầu so với Lê Hiếu. Cái biệt danh này xuất hiện cũng đã khá lâu, cũng không phải chỉ vì cô mang thân hình nhỏ nhắn mà có được “biệt danh” thú vị này mà trong nó tồn tại một câu chuyện hài hước.
Theo truyền thống, cứ mỗi ba năm làng sẽ tổ chức một hội thi, trong đó có nhiều môn thể thao. Truyền thống tổ chức hội thi này được dân làng lập ra để bon họ được cùng nhau vui chơi đồng thời nhắc nhở nhau về ý thức rèn luyện sức khỏe. Giải thưởng của người chiến thắng sẽ được trưởng làng công bố trước khi cuộc thi bắt đầu một tháng. Thật ra giải thưởng cũng chỉ để phân biệt người thắng kẻ thua và góp phần làm cuộc thi trở nên thú vị chứ người tham gia không quan tâm lắm về giải thưởng. Mọi lần, Nguyệt Lăng chỉ đến xem cho vui chứ không tham gia. Tuy nhiên, cuộc thi được tổ chức vào 200 năm trước lại khác, một trong các giải thưởng dành cho người chiến thắng cuộc thi chạy dành cho nữ đã khiến Nguyệt Lăng động tâm, cuối cùng cô quyết định đăng kí tham gia. Bỏ ra một tháng cố gắng luyện tập, cô tự tin chính mình sẽ là người chiến thắng. Trong cuộc thi, với thân hình nhỏ nhắn cùng sự khéo léo, nhanh nhẹn, cô nhanh chóng trở thành người dẫn đầu. Thế nhưng khi gần đến đích lại vấp phải đá khiến cô ngã lăn lóc. Xấu hổ, thất vọng cùng với sự đau đớn từ vết thương, cô ngồi khóc ngon lành trên đường chạy. Sự cố gắng của cô khi luyện tập và trong cuộc thi mọi người đều biết và hiểu nên họ đã tuyên bố cô là người chiến thắng, cô sẽ nhận được phần thưởng mà cô khao khát. Cũng từ đó mà trong mắt mọi người, cô đã trở thành một cô bé mới trưởng thành vẫn còn cần được quan tâm, chăm sóc mặc dầu khi đó cô đã 300 tuổi. Cộng với thân hình nhỏ nhắn, biệt danh “cô bé hạt tiêu” bắt đầu được lan truyền và sử dụng. Ban đầu Nguyệt Lăng kiên quyết không chấp nhận cái biệt danh kì lạ này, cô cho rằng đó là một lời châm biếm và tuyên bố nếu ai còn gọi cô bằng cái tên đó thì đừng mong cô nấu ăn cho (Nguyệt Lăng là một trong những người đảm nhiệm việc nấu ăn cho cả làng trong các buổi lễ hội, tiệc tùng và là người nấu ăn ngon nhất, nổi tiếng với đôi tay thần kì), nhưng dù thế, cái biệt danh kì lạ này vẫn không biến mất. Thời gian trôi qua, Nguyệt Lăng đã không còn cảm thấy khó chịu và dần chấp nhận cái tên “cô bé hạt tiêu” làm biệt danh của mình, đôi khi cô thấy cách gọi này cũng khá đáng yêu. Điều đặc biệt là biệt danh này của cô trong làng ai cũng dám gọi ngoại trừ những người cùng cô xuất hiện ở mảnh đất này đầu tiên, ba trong số đó chính là lão trưởng làng, người đàn ông cao to và bà Mariel đang có mặt tại đây.
Hai người Lê Hiếu dừng lại trước trước nhóm người đang ngồi.
Lê Hiếu cúi đầu chào mọi người với thái độ tôn kính. Trông bon họ người trẻ, kẻ già lẫn lộn như vậy nhưng tất cả đều là những lão bất tử với số tuổi còn hơn cả ông cố của anh, bọn họ đều đáng được anh kính trọng.
Lê Hiếu ở đây đã được ba ngày. Ba ngày này anh chưa từng bước ra khỏi nhà Nguyệt Lăng, di chứng để lại từ sau buổi lễ trên tế đàn khá lớn, chúng luôn khiến anh say và mệt mỏi. Trong thâm tâm của Lê Hiếu dâng lên sự cảm kích to lớn dành cho Nguyệt Lăng – người đã chăm sóc cho anh trong những ngày qua. Cô đối xử với Lê Hiếu rất tốt, cô quan tâm, chăm sóc và rất … nghe lời của anh, đúng, là sự vâng lời tuyệt đối, điều này Lê Hiếu đã thử nghiệm qua. Chính là sau khi lần đầu ăn bát cháo của Nguyệt Lăng nấu, anh thấy nó rất ngon nên đã vài lần nhờ Nguyệt Lăng nấu cho anh ăn. Kể từ khi đó Lê Hiếu mới chú ý thấy Nguyệt Lăng đều làm theo những yêu cầu của anh, anh có cảm giác Nguyệt Lăng sẽ đáp ứng tất cả nếu anh yêu cầu. Để kiểm chứng, anh bắt đầu gia tăng tầng số và độ khó cho mỗi lần nhờ vả. Lê Hiếu thật sự ngạc nhiên khi thấy được kết quả, đúng là Nguyệt Lăng hoàn toàn vâng lời, có vài lần cô tỏ vẻ không muốn làm nhưng sau đó anh thấy cô đã hoàn thành nó. Lê Hiếu từng hỏi qua Nguyêt Lăng rằng tại sao cô lại nghe lời anh như thế nhưng đáp lại câu hỏi của anh chỉ là một nụ cười cùng câu nói “anh đang không khỏe trong người nên em giúp anh thôi”, Lê Hiếu lại không cho là vậy. Việc Lê Hiếu cố ý đưa ra những yêu cầu để thử Nguyệt Lăng không phải anh muốn lợi dung hay đùa giỡn cô mà do anh thấy cô đối với anh quá tốt. Trong tiềm thức, Lê Hiếu luôn giữ suy nghĩ “người đối tốt với mình vô điều kiện chỉ có cha mẹ”, nhưng suy nghĩa ấy tùy thời sẽ sụp đổ sau khi anh gặp Nguyệt Lăng nên anh tìm mọi cách để vạch trần ý định của cô nhưng anh chẳng nhận được gì ngoài lòng tốt vô điều kiện mà cô dành cho anh, đến nỗi cây trâm mà cô rất thích cũng chỉ nhìn chứ không dám xin, điều này khiến Lê Hiếu cảm động đến muốn khóc. Nó khiến Lê Hiếu chuyển sang suy nghĩ khác, “Nguyệt Lăng yêu mình”, nhưng điều đó khiến Lê Hiếu khó tin còn hơn cả việc Nguyệt Lăng 500 tuổi. Gác lại chuyện tìm sự giải thích cho lòng tốt, dù sao Nguyệt Lăng cũng đã có lòng với anh, với tính cách “ngươi cho ta một, ta cho ngươi mười”, anh sẽ đối tốt với Nguyệt Lăng hơn tất cả những gì mà cô làm đã cho anh. Đó là một lời hứa.
Thấy Lê Hiếu cúi đầu chào mọi người một cách trang nghiêm thì tất cả đều ngẩn người, quay sang nhìn nhau rồi sau đó bật cười ha hả, một người đàn ông trong nhóm đứng lên vỗ vỗ vai Lê Hiếu, cười nói:
– Cậu bé này thật thú vị. Rất có lễ giáo! Rất tốt nhưng sau này không cần trang trọng như thế đâu, cứ tự nhiên với nhau như người nhà là được.
– Được rồi, chúng ta cứ ngồi xuống đi rồi nói.
Nguyệt Lăng lên tiếng rồi nắm lấy tay Lê Hiếu kéo đến một chỗ trống. Việc hai người đến đây cũng là do Nguyệt Lăng đề xuất, cô thấy sức khỏe Lê Hiếu đã tốt hơn nên muốn cùng anh ra ngoài hít khí trời, tiện thể giúp anh làm quen với người trong làng. Đối với Lê Hiếu, những yêu cầu của Nguyệt Lăng anh đều đồng ý. Anh sẵn sàng làm mọi thứ cho cô vì anh biết yêu cầu của cô sẽ không vì mục đích xấu xa nhưng khổ nỗi một điều, những đề xuất của Nguyệt Lăng quanh đi quẩn lại thì cũng chỉ vì anh, cô chưa bao giờ dựa dẫm vào Lê Hiếu, điều này khiến anh cảm thấy lực bất tòng tâm.