Sau cái chết của Lê Duy Tà, Lê Duy Đản quyết tâm tìm lại mẹ con hoàng phi Nguyễn Thị Kim. Vì sự truy lùng gắt gao của quân Tây Sơn mà Lê Duy Đản phải tự biến đổi vẻ ngoài của mình. Sáng thì y là kẻ ăn mày què, la lết xin từng đồng. Tối đến, y lại nhanh như thoắt tìm đường chạy đến xứ Kinh Bắc. May mắn mẹ con bà Kim không có mặt trong danh sách truy nã, nhưng điều Lê Duy Đản lo ngại chính là thân thiếu phụ một mình với đứa con trai nhỏ, nếu có kẻ làm càng thì không biết thế nào.
Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, Lê Duy Đản đã đến thôn Tỳ Bà, huyện Gia Lương, quê quán của bà Kim. Thôn Tỳ Bà trông không lớn lắm nhưng lại khang trang sạch sẽ, ắt là quân Tây Sơn không nghĩ sẽ có một hoàng thân nào ẩn thân ở đây nên không hề đả động đến nơi này.
Trước đó, Lê Duy Đản ăn trộm một bộ y phục của một thư sinh, khéo thế nào lại vừa vặn. Hỏi một lượt người trong thôn, không một ai biết gì về mẹ con bà Kim, Duy Đản thất vọng vào quán ăn nhỏ, suy nghĩ xem liệu họ có thể đi đâu sẵn tiện nghe ngóng tin tức.
– Tôi sẽ dẫn cậu đến chỗ họ.
Tiếng thì thầm làm Duy Đản giật mình, quay ra sau chợt thấy người đàn ông đứng tuổi vác cuốc trông khá lem luốc. Duy Đản nghi hoặc liệu có phải quan binh lừa bắt mình. Tuy nhiên, vẻ khắc khổ này trông không có gì là giả, lại nói nhìn người này khá thật thà, Duy Đản nghĩ bụng đành liều một phen, nếu bất trắc, có chăng một kiếm chém chết hắn rồi chạy đi.
Ngõ đi luồn lách qua nhiều hẻm nhỏ, Duy Đản thêm sốt ruột. Dừng chân trước căn nhà ba gian, một người phụ nữ tay dắt đứa bé nhỏ chờ sẵn ở sân. Duy Đản mừng quýnh lên, chạy vội vào trong, ôm chầm lấy cậu bé. Cuối cùng, họ cũng gặp được nhau.
Số là bà Kim nhờ chỉ dẫn đã đến được thôn Tỳ Bà, người dân trong vùng nhận ra bà nên đã giúp che giấu đám quan binh. Nghe có người tìm kiếm bà phi, ngỡ là người của quân Tây Sơn, họ đồng lòng tỏ ra không quen biết bà. Bà Kim nghĩ tới nghĩ lui cũng không tài nào hiểu được tại sao quân Tây Sơn lại tìm bà trong khi bà lại không có tên trong danh sách truy nã, chỉ có thể là Lê Duy Đản và Lê Duy Tà đã thoát khỏi vòng vây đến tìm mà thôi. Một người dân báo lại người tìm bà đang ở quán ăn cuối thôn, bà Kim liền đến đó, nhìn từ xa, nhận ra Lê Duy Đản nên nhờ người dân ấy dẫn y về nơi bà trú ẩn.
Không thấy Lê Duy Tà, bà Kim đánh động hỏi han. Thấy Duy Đản mi tâm ứa lệ, bà phần nào đoán được tình hình rồi kêu khóc. Lê Duy Đản mím chặt môi nén sự đau xót, nhìn trời xanh mà nói:
– Chính vương trên trời nếu có linh thiêng, hãy phù hộ nhị hoàng tử của chúng ta bình an để lấy lại hào quang cho Lê triều, lấy lại công đạo cho ngươi…
Rồi quay sang bà Kim mà rằng:
– Từ nay, thần sẽ truyền tất cả mọi thứ cho nhị hoàng tử bằng cả tâm huyết của mình.
Bà Kim nói trong tiếng uất nghẹn:
– Thù này nhất định phải trả. Chúng ác độc khiến ta tan cửa nát nhà, chúng khiến vua ta, con ta lưu lạc nơi đất khách. Tây Sơn còn đó, Nguyễn Thị Kim ta, chết không nhắm mắt.
Bà Kim cùng con và Lê Duy Đản được dân chúng giúp đỡ làm một căn nhà nhỏ bên bờ sông. Để tránh chú ý, bà cất đi những vật dụng giá trị của vị phi tử, không cho mọi người xưng hô như giữa thần dân và thần phi. Bản thân Lê Duy Đản cũng phải đổi tên thành Lê Hưng. Hàng ngày, Duy Đản đánh lưới, bà Kim trồng hái quả rồi đem ra chợ bán buôn. Người dân chung quanh quý họ lắm.
Ngày 13 tháng 9 năm Quang Trung thứ tư, hoàng đế Quang Trung đột ngột băng hà, dâng miếu hiệu Thái Tổ. Thái tử kế vị, lấy năm sau làm năm Cảnh Thịnh nguyên niên.
Ngày 16 tháng 10, Đại Việt năm Cảnh Thịnh nguyên niên, Đại Thanh năm Càn Long thứ 58, Lê Chiêu Thống hầu trời, hưởng thọ 29 tuổi.
Lê Hưng và bà Kim nghe tin chúa Tây Sơn qua đời thì mừng lắm, tìm mọi cách liên lạc đến phương Bắc hỏi thăm tình hình vua tôi Chiêu Thống. Suốt một năm mòn mỏi ngóng trông, tin tức nhận lại làm chấn động tâm lý bà hoàng phi rằng thái tử Duy Tộ vì không hợp địa thủy nên đã sớm ngã bệnh mà mất. Vua Chiêu Thống đau buồn tột độ, sớm hôm u uất cũng nhanh chóng theo con mà ra đi. Cái chết của chồng và con khiến bà Kim sinh ác tâm, đôi lúc bà có phần quá đà trong cách dạy con, nhồi nhét những mối hận đỉnh điểm vào đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi.
Bọn trẻ con trong thôn mập mạp, to lớn hôm nào cũng tìm Lê Duy Nhưng để đánh nhau với cậu. Duy Nhưng tính tình nghịch ngợm, ranh mãnh, lại hay thích chọc phá nên cậu bé thường hay bày trò để cha mẹ bọn trẻ trong thôn mắng chúng khiến chúng ngày càng không ưa.
Hôm nay Lê Hưng trúng mẻ cá lớn, bà Kim hào hứng ra thuyền giúp đỡ. Lê Duy Nhưng nghe mẹ dặn việc, cậu lanh lợi nên làm việc rất nhanh. Loáng cái, rổ đã đầy những quả tươi.
– Này thằng kia! Muốn xem trò vui không?
Giọng thằng Nhớn con bà bán rau vọng lên. Duy Nhưng bản tính vốn không sợ ai nhưng nghĩ rằng hiện giờ mẹ và bác không ở đây, có thể sẽ bị thằng ấy đánh cho bầm dập.
Cậu vừa nạt vừa buông lời châm chọc:
– Mi nghĩ tao tin mi à? Cái mông múp múp trắng trẻo đó của mi đã hết thâm đen chưa đấy?
Thằng nhỏ to xác kia quát:
– Mi còn không xuống đây! Hôm ni có chuyện vui, có thằng lỏi nhà giàu nào đó bị cha mẹ vất bỏ đang bị bọn thằng Cối xử lí kìa.
Duy Nhưng bán tín bán nghi hỏi lại:
– Nó là con nhà giàu thì sao cha mẹ nó vất nó được?
– Mi đi mà hỏi nó. Có chuyện vui không xem thì thôi, phí thời gian tao báo cho mi. – Thằng bé bực bội nói xong liền bỏ đi.
Duy Nhưng tuy ngờ vực nhưng trông thái độ của thằng Nhớn lại không thể không tin. Cậu bé theo sau nó nhưng vẫn giữ khoảng cách an toàn. Bên phía cầu, một đám trẻ tạo thành vòng nhỏ, vây quanh một đứa trẻ khác, liên tục đá.
Đứa trẻ đó tầm chừng hơn 10 tuổi, co ro lấy tay che chắn đầu, nức nở mà gào lên:
– Ta sẽ trị tội các ngươi. Ta sẽ bêu đầu các ngươi thị chúng!
Duy Nhưng thở dài lắc đầu, thầm nghĩ chắc gia thế thằng nhóc kia phải có uy lắm nên nó mới có thể mạnh mồm như này, đợi khi cha mẹ thằng bé ấy tìm thấy nó, có khi cả họ đám trẻ phải xấp hàng mà quỳ lạy xin tha tội. Tuy nhiên, cậu vẫn không đến giúp đỡ mà rằng cũng nên để cho thằng nhỏ nhà giàu ấy chừa thói huênh hoang.
Đứa trẻ lại tiếp tục kêu gào:
– Ta là vua! Ta sẽ tru di cả tộc thôn này!
Mấy đứa nhóc cười lên ha hả, thằng béo nhất trong đám thách thức:
– Gọi cả họ nhà mi ra tao cũng đếch sợ. – Nó chợt thấy Duy Nhưng bèn lớn tiếng gọi – Thằng kia, không phải họ nhà mi cũng là thằng giặc bán nước sao? Đến đây mà nghe lời ông mày trị tội nó, ông mày sẽ tha cho.
Duy Nhưng máu nóng bỗng sôi lên, không nói không rằng mà hốt một nắm đá quăng tới tấp vào đám trẻ. Tụi trẻ đau đớn mà kêu thảm. Duy Nhưng nhanh chân kéo đứa trẻ bị thương chạy mất.
Cả hai về đến nhà, Duy Nhưng liền đóng chặt cửa, vừa lúc lũ trẻ đuổi đến la ầm lên. Duy Nhưng mặc kệ chúng, quay sang xem xét đứa trẻ cạnh mình, thấy vóc dáng nó cao hơn mình nên cậu bé đoán tạm hẳng phải lớn tuổi hơn.
– Huynh tên gì?
– Trát… – Thằng bé rụt rè đáp.
Thấy đứa trẻ có vẻ sợ sệt, Duy Nhưng cười tươi để lấy niềm tin nơi nó:
– Trát ca, có ta ở đây, không ai ức hiếp được huynh. Đã ăn chi chưa? Ta đi lấy nhé!
– Tụi quỷ nhỏ nhà chúng mi lại kiếm chuyện với Duy Nhưng à?
Bà Kim đột ngột quay về vì lo lắng cho con. Mọi khi là mấy đứa này ỷ thế đánh nhau với con bà nhưng nay lại thấy đứa nào đứa nấy đều u đầu mẻ trán, sợ con gây chuyện lớn, bà Kim đập cửa gọi.
– Nhưng à, con có ở trong không? Có mẹ đây đừng sợ! Con ngoan, mở cửa đi, mẹ về rồi đây!
Nghe tiếng mẹ, Duy Nhưng vừa mừng vừa lo. Cậu bé nhanh trí bôi máu của Trát lên người mình trong sự ngạc nhiên của nó. Cậu nháy mắt tinh nghịch:
– Chốc nữa sẽ biết!
Bà Kim thấy con mở cửa ra thì vội che chắn cho nó khỏi lũ trẻ. Nhìn Duy Nhưng mình mẩy bầm tím, tay chân lại dính máu khiến tim bà như nhảy khỏi lồng ngực.
Duy Nhưng mếu máo thưa:
– Chúng nó vây đánh con ác lắm mẹ ạ. Con không sao thoát khỏi chúng nên mới lấy đá mà ném bừa…
Bà giận dữ, cầm cây chổi to nhất trong nhà hết sức đập xuống đất mà quát:
– Tụi quỷ nhỏ chúng mi đã làm gì con tao?
Đám trẻ thấy bà Kim khí thế đáng sợ, không muốn day dưa thêm nên co cẳng mà chạy. Bà hớt hải vào nhà, lục tung lên tìm thuốc bôi vào cho con. Duy Nhưng cười hì hì rồi lấy miếng giẻ rách lau sạch chỗ máu:
– Mẹ à, con không sao cả. Nè, mẹ thấy chưa?
Bà Kim chợt hiểu ra, ôm chầm con vào lòng mà sụt sùi:
– Thằng quỷ nhỏ! Mi làm mẹ mi khóc có thấy chưa? Từ nay không được thế nữa, mẹ mi lo.
Duy Nhưng ra khỏi vòng tay mẹ, kéo Trát đến gần:
– Huynh ấy là Trát, vì Trát ca bị bọn thằng Cối vây đánh nên con đã cứu đó mẹ.
Y phục Trát tuy bẩn nhưng vì bà Kim trước kia từng có thời gian sống trong nhung lụa liền nhận ra loại vải để may nên bộ áo của đứa trẻ này là loại chỉ có thân quyền quý mới có thể dùng.
Bà Kim trầm ngâm lúc lâu, nghe con gọi đến lần thứ ba mới sực tỉnh. Bà xuống bếp làm mâm cơm thịnh soạn với mấy con cá to mà Lê Hưng bắt được. Trát tuy đói meo nhưng vẫn từ tốn, ra dáng phong cách một quý tộc.
Bà Kim ân cần hỏi han:
– Bé Trát, con nhà ở đâu?
Trát không nói, chỉ lắc đầu. Bà Kim cho rằng đứa trẻ này đang ngại nên thôi không hỏi nữa. Duy Nhưng nhớ lại mấy lời nói mà Trát dọa nạt tụi nhỏ khi nãy bèn mách lại với mẹ:
– Mẹ ạ, Trát ca là vua đấy!
Bà Kim nghe từ vua thì giật mình. Duy Nhưng vẫn ngây thơ mà nói:
– Lúc nãy, Trát ca dọa sẽ bêu đầu bọn thằng Cối thị chúng.
Trát nghe thế thì vội lên tiếng:
– Không phải dọa mà là ta chắc chắn sẽ bêu đầu chúng.
Bà Kim kinh hoàng, nếu như một đứa trẻ bình thường hẳn không thể thốt được những câu nói đó. Lại nói, khi Quang Trung hoàng đế băng hà, thái tử kế vị nghe đâu hãy còn nhỏ tuổi nhưng công văn triều đình bố cáo thiên hạ thêm chữ Toản là chữ kị nhắc đến nên nếu đứa trẻ này là vua thì cái tên Trát kia có nghĩa là gì? Chờ hai đứa trẻ ăn xong, bà Kim chuẩn bị đồ thay cho chúng, giục chúng tắm rửa. Bản thân bà kiểm tra y phục của Trát. Đôi môi bà run run, thầm tạ ơn đức quân vương của bà linh thiêng, khỏi mất công sức tìm kiếm mà dẫn luôn kẻ thù đến chịu tội.
Trời chập tối rất nhanh, với lời hứa đợi Lê Hưng về sẽ dẫn Trát về nhà nó, Trát không ngờ vực mà tin tưởng ngay. Bà Kim giành chiếc phản tốt nhất cho Trát, bà và con ngủ trên chiếc sập gần cửa ra vào.
Giữa canh ba, khi đã chắc chắn Duy Nhưng và Trát say giấc, lăm lăm con dao nhọn trên tay, bà Kim lần mò đến chiếc phản của Trát. Sát khí hiện rõ trên gương mặt xinh đẹp của bà hoàng phi, những ký ức đau lòng lần lượt ùa về khiến bà quyết tâm hơn. Dơ con dao cao hơn đầu toan lấy đà thì có tiếng đập cửa thô bạo làm đứa trẻ giật mình. Bà Kim vội giấu con dao, nhân lúc Trát nửa tỉnh nửa mê, bà nhè nhẹ lén ra khỏi phòng. Thắp vội ngọn nến, bà mở cửa thì thấy một người đàn ông vạm vỡ, mặt mày hung tợn, khoác bộ giáp nặng trịch. Sau lưng là toán binh sĩ cầm đuốc giữ mấy đứa con nít khi sáng.
Ông tướng ấy giọng oang oang hỏi:
– Có phải nhà mụ đang giữ vua tôi không?
Bà Kim cẩn thận trả lời:
– Tôi không rõ quan binh đến đây chuyện chi gấp rút. Tôi chưa từng gặp vua làm sao biết được? Trong nhà tôi có một đứa bé lạ, thần thái trông cũng không tầm thường, dạm hỏi là con cái nhà ông tướng chăng?
Ông tướng không để tâm, sai lính vào trong dẫn đứa trẻ kia ra thì bị bà Kim chặn lại. Ông ta cau mày, từ ngữ nặng nề:
– Mụ muốn mất đầu sao?
– Thưa ông tướng, đây là nhà tôi, tôi cũng không phải phạm nhân cớ chi lại tự ý xông vào? Ông muốn đứa bé đó thì nói, tôi sẽ dẫn ra, việc gì lại coi nơi đây như nơi không người? – Bà Kim tỏ vẻ khó chịu. Vì thân phận bà trước kia cao quý nên lời lẽ cũng đanh thép không vừa.
Đoạn, Trát từ đâu xông ra, nhảy chầm lên người vị tướng ấy, mừng rỡ không nên lời. Bà Kim trong lòng giận lắm, trách trời sao lại không để bà giết quách thằng bé này đi. Tiếng kêu mẹ của Duy Nhưng làm bà quay lại mà ôm lấy con.
Ông tướng nhìn chăm vào nó mà hỏi:
– Là con bà sao? Hai mẹ con sống một mình à?
Trát nhanh nhảu nói:
– Họ là ân nhân của ta. – Rồi chỉ qua mấy đứa nhóc ở ngoài – Chúng nó là kẻ đánh ta!
Ông tướng trừng mắt với đám nhỏ, đặt Trát xuống toan tuốt gươm thì Duy Nhưng lật đật chạy đến chắn ngang. Cậu bé quỳ xuống mà rằng:
– Xin ông, tụi nó là mấy thằng dốt, không biết vua mà tưởng như vui chơi thông thường. Xin ông hãy tha cho chúng, tha cho thôn của cháu.
Trát đỡ Duy Nhưng dậy rồi nói với người tướng:
– Ta không để bụng nữa. Mẹ con họ đối với ta rất tốt, còn cho ta ăn uống. Ta quyết định khi hoàng muội Bảo Mân đủ tuổi, sẽ gã cho người anh em tốt này.
Nghĩ những lời đó chỉ là bồng bột của vị vua nhỏ tuổi nghịch ngợm, người tướng kia chẳng mấy để tâm, muốn thị uy khẳng định địa vị của vua hắn mà nhìn mẹ con bà Kim, lớn giọng nói:
– Còn không mau lạy tạ ân điển của thánh giá?
Bà Kim vội kéo con qua, quỳ xuống mà lòng không phục. Ông tướng sai người thưởng vàng cho mẹ con họ rồi cùng vị vua nhỏ lên đường. Đám trẻ con bị quan binh bắt chỉ dẫn nhà mặt cắt không còn giọt máu, vừa thấy đoàn binh đi khuất thì khóc ầm lên bỏ chạy.
Thấy nước mắt bà Kim thi nhau ứa ra, Duy Nhưng buồn theo mẹ, gặn hỏi nguyên cớ. Bà Kim chỉ lắc đầu. Đúng lúc đấy, Lê Hưng từ trong nhà xuất hiện. Số là Lê Hưng trên đường về thì thấy quan binh lũ lượt kéo đến nhà, lại thấy trong đám quân có tên tướng từng truy bắt mình, Lê Hưng vội núp quan sát. Nghĩ rằng nếu chúng gây nguy hiểm cho mẹ con bà Kim, ông sẽ nhào ra quyết tử với chúng.
Lê Hưng khẽ thở dài não nề:
– Hắn ta chính là kẻ đã giết chết Chính vương.
Duy Nhưng ngơ ngác nhìn biểu hiện của mẹ và bác, luôn miệng hỏi Chính vương là ai. Bà Kim nắm lấy hai vai của con thật chặt, đôi mắt chứa đầy sự căm hận, nghiến từng chữ một:
– Lê Duy Nhưng! Con chính là Lê Duy Nhưng, là niềm hi vọng cuối cùng của phụ hoàng con. Giặc là quân Tây Sơn. Chính quân Tây Sơn đã hại gia đình ta chia cắt, là quân Tây Sơn khiến phụ hoàng và hoàng huynh con bỏ mạng nơi xứ người, là quân Tây Sơn giết chết hoàng thúc Lê Duy Tà của con. Hãy ghi nhớ mối thâm thù này, mai sau thành tài rửa hận cho nhà ta.