Đã ba ngày sau khi Nguyễn Châu chạy mất, Lê Duy Nhưng cũng không còn để tâm đến thiếu niên ấy nữa, điều cậu quan tâm lúc này rằng không rõ mẹ mình nguôi giận chưa. Cậu trưng bộ mặt sầu thảm suốt cả quảng đường khiến Lê Hưng cũng chẳng buồn tìm hiểu lý do mà buông tiếng thở dài. Bà Kim tính tình như thế nào Lê Hưng đều rõ cả. Bà đã quyết đuổi Duy Nhưng đi như vậy, lại còn căn dặn ông kĩ lưỡng nên nếu cậu trở về nhà thì có lẽ bà ấy sẽ càng giận thêm.
Bác cháu họ rong ruổi khắp nẻo trong vô định, từ vùng Yên Trường đến huyện Hưng Nguyên phủ Anh Đô và dừng chân nghỉ ngơi tại bìa rừng gần huyện Nam Đường. Lê Hưng không muốn bầu không khí u uất này kéo dài mãi đành bàn sang chuyện khác:
– Không phải cháu muốn đi tìm thanh Ô Long rồng đen gì đó sao?
Duy Nhưng hắt ra tiếng chán chường:
– Cháu cũng không rõ nữa. Cháu vừa muốn đi nhưng vừa nhớ mẹ. Mỗi lần như vậy, cháu lại thấy có lỗi nên việc tìm đao cũng chẳng còn hứng thú.
Đối với Lê Hưng, suy cho cùng, Duy Nhưng cũng chỉ là một đứa trẻ. Từ nhỏ đến giờ, tuy không còn cuộc sống cơm bưng nước rót, kẻ hầu người hạ nhưng Duy Nhưng lớn lên trong sự bao bọc của mẹ và bác, dù đôi lúc họ nghiêm khắc, song, cậu vẫn được cưng chìu, chưa từng chịu khó nhọc chuyện gì. Vả lại, đối với Duy Nhưng mà nói thì đây là lần đầu tiên cậu xa mẹ, xa nhà lâu đến như thế nên cảm giác nhớ nhung là chuyện dĩ nhiên.
– À, có chuyện này… – Nét mặt Lê Hưng thoáng chút nghi hoặc – Tây Sơn tam thần đao ngoài Ô Long Hắc Long mà cháu nói, còn có Huỳnh Long và Xích Long nữa nhỉ?
Duy Nhưng gật đầu vâng dạ, Lê Hưng trầm ngâm một đỗi rồi nói tiếp:
– Thằng quỷ họ Nguyễn kia làm sao nó thấy được hai thanh đao ấy? Lại còn mạnh miệng tuyên bố Huỳnh Long đao tầm thường?
Duy Nhưng ngạc nhiên hỏi:
– Không lẽ bác từng thấy thanh đao Huỳnh Long ấy rồi?
Lê Hưng không trả lời, nhớ đến chín năm trước, khi ông giao đấu với tên tướng nhà Tây Sơn, hắn cũng mang theo bên mình một cây đao quý. Tuy hình dáng trông không khác những cây đao bình thường nhưng lưỡi đao lại bóng loáng, sáng rực lên, không những vậy, thanh đao này bén đến nỗi chỉ cần một vật nào chạm nhẹ cũng đủ để lưỡi đao cắt đứt vật đó. Cũng chính thanh đao ấy đã cướp đi sinh mạng của Lê Duy Tà. Đôi mắt Lê Hưng ánh lên sự đau xót, hình ảnh Lê Duy Tà thoi thóp những lời cuối cùng hằn sâu vào kí ức ông. Tâm can kêu gào thảm thiết vì thương nhớ.
Lại nhớ đến Duy Nhưng từng nói tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu sở hữu thanh Huỳnh Long. Nếu thật sự hai thanh đao này là một, Lê Hưng ôm mối hận thù, bên trong không ngừng thề thốt dù có chết cũng phải bắt họ Trần tạ tội trước mộ phần của Lê Duy Tà, có chết cũng phải phá hủy cây đao vô tình đã sát hại Lê Duy Tà.
Duy Nhưng lay lay đôi vai Lê Hưng, ông chợt giật mình nhìn cậu. Duy Nhưng lo lắng:
– Bác không sao chứ? Cháu gọi nãy giờ nhưng bác không đáp lại. Bác mệt chỗ nào sao?
Lê Hưng lắc đầu, giọng nói trở nên nghiêm túc:
– Vẫn là thằng quỷ họ Nguyễn không đáng tin. Nếu nó xuất hiện lần nữa, cháu đừng can dự vào mà để bác xử lý nó.
Duy Nhưng định bụng trả lời thì từ đâu toán người mặc đồ bộ binh sắc đỏ vây quanh trong nháy mắt. Lê hưng đứng lên trước, dang một tay đẩy nhẹ Duy Nhưng ra phía sau mình, tự hỏi lẽ nào quan binh biết được thân thế của họ nên đến bắt chăng? Ngoài Nguyễn Châu ra, không kẻ nào biết được thân phận họ, rất có khả năng tên trộm thiếu niên đó không muốn bị bắt một mình nên đã kéo theo bác cháu họ chết theo? Nghĩ vậy, ánh mắt Lê Hưng đằng đằng sát khí.
– Bọn chúng bây thô lỗ như xông trận giặc giã, không khéo lại dọa khách quý của ta sợ mất.
Một giọng nói từ sau vang lên. Một gióng rất đỗi quen thuộc làm Lê Hưng run lên từng hồi. Người đó nói:
– Họ là ân nhân, chúng bây liệu hồn nhẹ nhàng với họ, đưa về doanh trại thiết đãi tử tế.
Lê Hưng không quay mặt lại, trầm giọng khước từ hảo ý:
– Tôi cảm tạ ông tướng nhưng chỉ là tình cờ mà bị cưỡng ép giúp đỡ, ban đầu chúng tôi cũng không có thiện chí nên đối với sự chiêu đãi hậu, chúng tôi thật hổ thẹn thay.
Nghe khẩu khí của Lê Hưng có vẻ lời thật, người đó thấy Duy Nhưng đang nhìn mình chăm chăm, bèn nói:
– Cậu trai, trông cậu cũng ngay thẳng, hẳn sẽ không có thói khách sáo vờ vịt mà xuôi theo lời cha cậu chứ?
Duy Nhưng nghe vậy không chần chừ mà nhanh chóng đồng ý. Người đó cười ha hả rồi quay ngựa dẫn trước. Lê Hưng chỉ đành buông tiếng bất lực.
Hai bác cháu được đưa đến một bản doanh bên bờ sông Lam. Nói là bản doanh nhưng thật ra chỉ là vài cái lều nhỏ nằm cách nhau khoảng nhất định. Họ được ở trong căn lều khá rộng rãi và đẩy đủ các loại vật chất, đám lính không quên thông báo tiệc chiêu đãi sẽ triển khai vào giữa khắc thứ sáu.
Duy Nhưng ngã lưng ra chiếc giường tre vừa đủ chiều dài cơ thể mình. Mặc dù hơi khó nằm vì không có miếng vải lót nhưng dù sao có chỗ để nghỉ ngơi, lại không phải tốn tiền nên mấy chuyện cỏn con ấy cậu chịu được.
Lê Hưng nhìn Duy Nhưng thoải mái như vậy ông cũng chẳng biết phải nói gì hơn. Khẽ vén cửa lều nhìn bên ngoài, Lê Hưng nói:
– Chắc bọn man binh này mới chỉ đóng ở đây một hai ngày gì thôi. Tất cả vẫn thô sơ, cọc vừa mới dựng lại nhổ lên. Bác đoán chúng đến đây thì tìm được thằng tiểu quỷ kia nên hiện chuẩn bị lên đường về lại Phú Xuân.
Lê Duy Nhưng tỏ ra cùng suy đoán. Lê Hưng lại nhìn cậu với nét mặt không thể hiểu nổi:
– Bác bảo cháu tuyệt đối không dính dáng đến quan binh, ấy vậy mà chỉ một lời khích đều của tên man binh trưởng đó, không chút suy nghĩ liền ưng thuận. Cháu muốn gặp thằng tiểu quỷ kia phải chứ?
Bị Lê Hưng nói trúng tim đen, Duy Nhưng không cãi, cái điệu cười lém của cậu khiến Lê Hưng phát bực.
– Chẳng phải bác đã nói nhất nhất không được tin tưởng thằng oắt đó sao?
Duy Nhưng tự tin đáp:
– Nguyễn Châu có thể là một người quan trọng nên họ mới cất công tìm rồi đãi hậu chúng ta. Xem ra, cậu ta không phải kẻ xấu. Nhưng mà bác thử nghĩ xem, nếu họ đối tốt với người anh em này của cháu, việc chi cậu ta phải tìm cách trốn đi? Lý do tìm cha mẹ ruột của cậu ta không chừng chín mười phần là thật.
Lê Hưng suy tư lúc lâu rồi nói:
– Chín với chả mười! Bác dám chắc nó chính là giả dạng nam trang mà đi lừa gạt người tốt.
Duy Nhưng bất ngờ, xua xua tay:
– Bác lầm rồi. Sao cậu ta có thể là cô gái được? Lần này bác lầm rồi!
Lê Hưng khõ lên đầu đứa cháu không nghe lời một cái:
– Có cháu mới là thằng ngốc ngớ ngẩn. Cháu xa nhà được mấy ngày? Bác sống được bao nhiêu năm? Không lẽ không tinh tường hơn thằng nhóc như cháu sao?
Duy Nhưng xuýt xoa vài tiếng, nhăn nhó mà sờ vào đầu mình. Lê Hưng không để tâm, nói tiếp:
– Có khi cái tiệc chiêu đãi này chính là ý của nó.
Duy Nhưng trong lời nói thể hiện chút chán nản:
– Sao bác lại phải sợ như vậy? Ngoài chuyện muốn gặp lại cậu ta, còn chuyện nữa là cháu thấy ông tướng ấy rất quen…
Lê Hưng cắt ngang lời:
– Quen đúng chứ? Bác nói cho cháu biết, hắn chính là kẻ đã giết hoàng thúc Lê Duy Tà của cháu…
Một thanh niên trẻ đột ngột vạch cửa lều bước vào làm hai bác cháu giật bắn mình. Duy Nhưng tỏ khó chịu ra mặt bởi sự tùy tiện của y. Người thanh niên ấy không nói không rằng, kéo Duy Nhưng ra ngoài.
Y dường như có cấp bậc cao hơn vài tên lính bộ kia, thần thái trông cũng ra gì nên Duy Nhưng muốn trêu một chút:
– Để trở thành lính có cần phải học văn lễ nghĩa không?
Y có vẻ khó gần, đôi mày lúc nào cũng đanh lại nhưng khí chất, gương mặt không phải dạng vừa. Y hằn hộc nói:
– Nguyễn Châu muốn gặp mi tại chân núi Kỳ Lân, nhanh chóng lên trước khi ta đổi ý.
Duy Nhưng nghe thế thì cả mừng, chạy ù đến vô ý xô cả người thanh niên ấy. Cậu vội vàng đỡ y lên, luôn miệng nói xin lỗi, dúi vào tay y một nén bạc rồi lại chạy đi. Y chỉnh sửa phục trang, ánh mắt đăm chiêu nhìn theo Duy Nhưng, thu nắm tay thật chặt rồi thô bạo vất nén bạc xuống đất.
Mọi thái độ cử chỉ của hai người, nhất là tên thanh niên đó không rời khỏi cặp mắt tinh tường của Lê Hưng.
Núi Kì Lân nằm men theo dòng chảy của sông Lam nên chẳng mấy chốc Duy Nhưng đã tìm đến chân núi. Ngó nghiêng chung quanh một đỗi không thấy Nguyễn Châu, Duy Nhưng vòng quanh ngắm cảnh sắc hoa lệ nơi này.
Nhớ lại quyển sách văn từng đọc về Phượng Hoàng trung đô được xây dựng công phu trên hai dãy núi Kỳ Lân và núi Phượng Hoàng, trí tò mò của Duy Nhưng được khơi gợi. Núi Kỳ Lân một phần cho xây các đồn gác, một phần kết hợp núi Phượng Hoàng kéo dài qua ngọn Long Tì thành ba đỉnh tam giác tạo nên một hoàng thành ấn tượng. Tuy nhiên thật tiếc, công cuộc gần như hoàn thành thì Tây Sơn Thái Tổ đột ngột băng hà khiến mọi hoạt động dời đô đình công, nơi này gần như không còn được điều động binh lực chăm chút kĩ lưỡng nữa.
Duy Nhưng thực tâm muốn đến dãy Phượng Hoàng, muốn được một lần chiêm ngưỡng kì công. Cậu đinh ninh rằng khi gặp được Nguyễn Châu, nhất định sẽ rủ người anh em này tham quan cùng mình.
Đã hơn nửa canh giờ chờ đợi mà vẫn không thấy bóng dáng Nguyễn Châu, bao phủ không gian toàn những rừng cây bạt ngàn, quanh quẩn chỉ có Duy Nhưng và một cô gái vận phục y màu ngọc lam đang đứng giữa cầu thả câu.
Duy Nhưng đi về phía cô gái, im lặng ở đằng sau quan sát. Cậu biết điều tối kị nhất khi câu cá chính là âm thanh, chỉ cần phát ra tiếng động nhỏ, đàn cá có thể bơi đi mất. Nhìn sơ qua thì cô gái này nói rằng đi câu nhưng rổ đựng cá lại không có, mồi câu lại chẳng thấy đâu, Duy Nhưng càng thêm khó hiểu.
– Khung cảnh ở đây quả khiến người ta ngỡ như lạc vào tiên cảnh. Ngươi có thấy vậy không?
– Đúng vậy!
Duy Nhưng vô thức trả lời rồi chợt giật mình, không nghĩ rằng cô gái đó nói chuyện với cậu. Duy Nhưng chợt hỏi:
– Xin cho hỏi, cô có biết ai tên Châu, chiều cao ngang với cô ở gần đây không?
Cô gái lạnh lùng đáp “Không!”, Duy Nhưng thất vọng tặc lưỡi, thầm nghĩ:
– Cậu ta ở đâu mới được?
Cô gái khúc khích cười làm Duy Nhưng chú ý:
– Ta biết hiện có người tên Châu hiện cũng ở tại đây, không chắc có đúng người ngươi tìm hay không.
Duy Nhưng như có tia hi vọng, không đợi cậu nói gì thêm, cô gái đột nhiên quay mặt lại. Làn tóc đen huyền, mượt mà xõa dài hơn vai kết hợp gương mặt thanh tú được trang điểm nhẹ với vài món trang sức đơn giản tôn lên sự tươi tắn trẻ trung của cô gái. Giữa màu xanh của cây cỏ và màu xanh của sông nước trời mây, bộ phục sức màu ngọc lam là sự hòa quyện tuyệt vời. Bản thân cô gái như có phép thần làm dung hòa trời đất.
Duy Nhưng không khỏi ngẩn ngơ trước cảnh sắc mỹ lệ trước mắt. Cô gái cố nhịn cười, buông câu đùa cợt:
– Ta là người ngươi tìm phải không?
Duy Nhưng lúng túng đáp:
– Người tôi tìm… họ Nguyễn…
Cô gái gật đầu rằng:
– Ta cũng họ Nguyễn!
Duy Nhưng ngại ngùng, quay mặt sang chỗ khác mà nói:
– Người tôi tìm là một nam thiếu niên… Cô… Còn cô là mỹ nhân…
Hai tiếng “mỹ nhân” làm đôi má cô gái ửng hồng, thoáng chút e thẹn, nói:
– Y phục bị trộm của ngươi màu đồng, viền cổ màu be và dây thắt màu xám đen. Dù người ngươi tìm là nam nhưng việc này ta lại tường tận như thế, ngươi không liên hệ được sao Lê Duy Nhưng?
Duy Nhưng nghe cô gái lạ mặt này gọi tên mình thì bất ngờ lắm. Nhớ lại sự nghi ngờ về thân thế của Nguyễn Châu mà Lê Hưng bàn đến lúc nãy, cậu lấy can đảm, quay lại nhìn kĩ gương mặt cô gái này. Quả thật, chỉ trừ mái tóc suôn dài, từng đường nét đến vóc dáng hệt như gã thiếu niên họ Nguyễn ấy.
Duy Nhưng nửa tin nửa ngờ, hỏi:
– Cô thật sự là Nguyễn Châu sao?
Cô gái phì cười nói:
– Ta và hắn vốn dĩ là một, chỉ có điều khác tên. Lần trước, hoàn cảnh gặp nhau của chúng ta không mấy hay ho cho lắm nên bây giờ, ở nơi thiên nhiên hùng vĩ thế này, lại thanh vắng yên tĩnh, ta muốn được làm quen lại với ngươi. Ta tên Ngọc Châu!
Duy Nhưng vẫn chưa hết ngượng ngùng, đưa tay gãi gãi sau gáy:
– Bác tôi nghi ngờ cô là con gái, tôi nhất quyết không tin. Thật không ngờ mọi chuyện có thể thành ra như này.
Ngọc Châu ngay từ đầu đã có ác ý với Lê Hưng, cô sớm cho rằng ông ta thừa biết mình cải nam trang nhưng khi nghe Duy Nhưng khẳng định như vậy, cô càng đâm ra khó chịu hơn khi ông ấy trên cơ mình. Ngọc Châu lạnh lùng nói:
– Ông ta tài nhỉ?
Duy Nhưng xem ý tứ nên đoán được vài phần, Lê Hưng và Ngọc Châu ai cũng không có ý tốt với đối phương, cậu thôi không nhắc đến người bác của mình nữa. Duy Nhưng bèn hỏi về tung tích cô hai ngày nay.
Ngọc Châu nhún vai, nói:
– Sau khi chia tay hai người các ngươi, ta chạy lên hướng phủ Anh Đô nhưng không may bị đám lâu la phát hiện, ta đành phải chịu khổ thêm một thời gian, ngoan ngoãn nghe lời rồi tìm cách trốn tiếp vậy.
Duy Nhưng thắc mắc:
– Tôi trông họ đối xử với cô rất tốt, cớ sao lại muốn trốn đi?
Ngọc Châu mỉm cười buồn:
– Chỉ có phu phụ họ Trần muốn tốt với ta, ngoài ra tất cả chúng đều ép buộc ta.
Duy Nhưng nghe họ Trần, lại nghĩ đến cô gái này từng khinh rẻ thanh đao Huỳnh Long nên cậu mạnh dạn đoán rằng người cưu mang cô là vị tướng lẫy lừng Trần Quang Diệu. Cậu nói:
– Trần đại tướng quyền lực vậy, ông ấy nỡ để cô bị ức hiếp sao?
Ngọc Châu nhíu đôi lá liễu xinh đẹp, giọng tỏ chút cộc cằn:
– Đại tướng gì chứ? Lão Trần ấy chẳng giúp gì được cho ta cả, do bất tài nên y bị giáng xuống Đô úy, thực quyền chỉ đủ sai khiến mấy tên bị thịt kia thôi.
Trần Quang Diệu là một tướng quân bất bại, là Tây Sơn thất hổ tướng và hiển nhiên là một trong các trụ đại thần đáng tin cậy phò tá vua trẻ, há có thể bất tài để bị giáng chức như lời cô ta nói? Duy Nhưng thôi không hỏi về họ Trần mà Ngọc Châu nhắc đến nữa.
Ngọc Châu và Duy Nhưng cùng đi dạo ngắm cảnh, cùng trò chuyện thoải mái như đã quen biết từ lâu. Ở lứa tuổi mười sáu này, hầu hết các thiếu nữ đều học cách nữ công gia chánh, lấy “công, dung, ngôn, hạnh” làm trọng. Tuy nhiên, Ngọc Châu vốn tính không muốn gò bó, lại hào sảng phóng khoáng nên những thứ gọi là đạo lý ấy không thích hợp với cô. Để miêu tả Ngọc Châu, cô là tổ hợp của sự ngông cuồng, sự phóng túng, phiêu diêu tự tại. Ở điểm này, Lê Duy Nhưng cũng có đôi nét giống cô, chỉ là do chịu sự ảnh hưởng bởi nền giáo dục của hoàng tộc do mẹ và Lê Hưng nên cậu dù đôi lúc hơi ranh mãnh nhưng vẫn giới hạn, biết được chút đạo lý thánh nhân.
Duy Nhưng bỗng nhớ rằng quên mất không nói cho Lê Hưng biết chuyện cậu đi gặp Ngọc Châu, sợ Lê Hưng lo lắng nên cậu nhanh chóng trở về, không quên hẹn gặp lại vào buổi tiệc tối nay.
Ngọc Châu muốn giữ Duy Nhưng nhưng nghĩ lại Lê Hưng là lão già khó ưa, sợ rằng y sẽ làm khó cậu nên miễn cưỡng tạm biệt.
Đột nhiên, Ngọc Châu cảm giác như có luồng gió mạnh, trong chớp mắt, cô đã bị ai đó dùng tay siết cổ, đẩy mạnh vào cây cổ thụ.
– Thật là oan gia trái chủ.
Ngọc Châu thầm nghĩ khi nhận ra kẻ bạo lực ấy không ai xa lạ mà chính là Lê Hưng. Ông lấy ra thanh chủy thủ cũ, kề vào cổ Ngọc Châu, ánh mắt dữ tợn khiến cô gái trẻ dù cứng rắn đến đâu cũng vài phần ái ngại.
Ngọc Châu cố giữ bình tĩnh bằng thái độ cợt nhã, nói:
– Ta vốn muốn hỏi ông cớ sao lại biết ta là con gái nhưng thấy đồ chơi của ông nguy hiểm quá, chẳng dám hỏi nữa. Dọa nạt đứa trẻ như ta chẳng đáng làm trượng phu.
Lê Hưng gằng giọng:
– Nếu ta biết được mi giở trò với Duy Nhưng, bất kể mi là thần thánh phương nào ta quyết một đao chém chết mi.
Lê Hưng buông cô ra rồi nhanh như thoắt quay lưng đi mất. Ngọc Châu ho khan vài tiếng, hít thở điều hòa khí quyển, bực tức lớn giọng:
– Này lão già! Ông tưởng ta sợ ông chắc?
***
Duy Nhưng về đến lều thì vừa hay Lê Hưng cũng có mặt.
– Bác đi giải quyết mới về đấy à? – Duy Nhưng cố ý châm chọc.
Lê Hưng lườm đứa cháu quý này một cái, lạnh lùng nói:
– Nếu không phải tìm cháu thì trời có sập thân già này cũng không ra khỏi lều nửa bước.
Duy Nhưng ngáp ngắn ngáp dài, rót đầy mấy bát nước uống cạn. Lê Hưng cẩn thận kiểm tra bên ngoài rồi nói bằng tông giọng nhỏ:
– Tên vừa nãy đưa cháu đi có tên Nguyễn Văn Ngoạn, là kẻ trung thành cộm cán nhất của thằng tướng ấy. Cháu phải nhất nhất cẩn thận.
Vì thấy thái độ kì lạ của tên thanh niên ấy, Lê Hưng ngầm nghe ngóng, biết được tính danh của y. Ông vội đi tìm Duy Nhưng thì thấy cậu và Ngọc Châu đang mải mê chuyện trò vui vẻ. Khi Duy Nhưng đi khuất, Lê Hưng ý định muốn răn đe Ngọc Châu rồi nhanh chóng trở về lều.
Người thanh niên Nguyễn Văn Ngoạn đó lần nữa lại đến. Lần này, y không thô lỗ như lúc nãy, đứng bên ngoài mà báo:
– Đô úy tôi lệnh dẫn hai vị đến dự tiệc. Tôi khẩn mong hai vị đều nên có mặt, không thể một đi một ở làm khó xử cho tôi.
Khẫu ngữ như vừa nhu vừa cương, vừa như mời mọc lại vừa như thúc ép làm Lê Hưng không thể không đi cùng Duy Nhưng.
Tiệc được bày biện ngoài trời, sát mép sông. Các binh sĩ lẫn tá lĩnh đều không phân biệt mà quây quần thành vòng tròn lớn, ồn ào nói cười, uống rượu ăn thịt. Lê Hưng và Duy Nhưng được sắp một chỗ gần với Đô úy họ Trần.
Trần đô uy lên tiếng giới thiệu cho các binh sĩ biết về hai người khách quý này, sẵn tiện hỏi quý danh của họ. Lê Hưng chưa kịp nghĩ kế đối phó thì Duy Nhưng đáp:
– Tôi tên Lê Duy Nhưng, mong được các vị giúp đỡ.
Họ Lê Duy làm cho bao người ở đấy bỗng dưng im bặt. Mọi ánh mắt đổ dồn về cậu, họ bàn tán xôn xao về tông thất họ Lê cũ. Họ Trần nghi hoặc, hắt ra điệu cười sắc lạnh:
– Ngươi họ Lê Duy?
Duy Nhưng không đề phòng đáp:
– Tôi họ Lê tên Duy Nhưng. Mẹ tôi nói dù tôn thất họ Lê bị truy đuổi nhưng không vì thế mà bỏ đi gốc gác của mình.
Lê Hưng đột nhiên tiếp lời:
– Tôn thất họ Lê bị truy sát nhưng chúng ta là họ xa của những người đấy. Tổ tiên đã mấy trăm năm không còn liên can đến hoàng gia.
Họ Trần nghe Duy Nhưng nói thì thầm khen nhưng khi nghe đến Lê Hưng, y tỏ ra không hài lòng:
– Con trai ông có cốt cách trượng phu. Khá khen cho dòng giống không bị lây thói hèn nhát.
Lê Hưng khẳng khái đáp:
– Tôi tên Lê Hưng. Ông tướng thật nói chí phải, dòng giống hèn nhát này không thể sinh được một trượng phu. Y là cháu tôi, còn trẻ người non dạ, chưa hiểu hết mối hiểm họa chung quanh. – Rồi cầm tay Duy Nhưng đứng lên – Tôi có vài chứng bệnh trong người được mấy lão lang băm bốc cho vài thang thuốc, xin phép ông chúng tôi rời tiệc trước.
Lê Hưng và Duy Nhưng đi vội về lều.
Ông mắng cậu hồ đồ khi khai tên tuổi của mình ra. Duy Nhưng trách ngược lại người bác:
– “Vô trung sinh hữu” là kế thứ bảy của Tôn Tử, biến cái không thành có. Từ đấy, cháu biến có thành không, thật cũng là thật mà thật cũng là giả. Ngay từ đầu bác đừng lên tiếng, cứ để cháu đối phó thì họ đã không nghi ngờ. Có ai đời tôn thất họ Lê Duy lại nhận mình họ Lê Duy? Chỉ khi tạo cho họ cảm giác mình vô năng thì họ mới không đề phòng mình. Đó là kế thứ 27, “giả si bất điên”.
Lê Hưng từ trước đến giờ dù rất tự hào về khả năng tiếp thu của Duy Nhưng nhưng ông lại luôn ở tâm trạng bất an bởi tính cách cậu không hề đề phòng bất cứ chuyện gì. Mặc dù mỗi khi lâm vào tình huống bất trắc, cậu luôn nảy ra những ý tưởng không ngờ, Lê Hưng vẫn không cho đó là kế hay bởi quan niệm ông là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Lê Hưng khi xưa giao đấu với hắn, bị thanh đao sượt qua phần cổ để lại sẹo. Nghĩ rằng tên Đô úy ấy đã nhận ra mình, Lê Hưng hối thúc Duy Nhưng gói gém đồ đạc chờ đến khuya thì nhanh chân lẻn đi.
Phần về Trần đô úy, ông ta dĩ nhiên nhận ra kẻ thù cũ, không muốn bứt dây động rừng, ông lệnh thuộc hạ vẫn cứ thoải mái như thường. Chờ đến đêm canh ba, khi nghe hiệu lệnh, lập tức bao vây căn lều bác cháu họ Lê ấy mà hành động.
Đám người được huấn luyện khắt nghiệt trở thành đám quân tinh nhuệ. Chúng chạy hay đi cũng chẳng để lại tiếng động nào. Tạo thành một vòng tròn quanh lều họ Lê, chúng cầm giáo phóng, đâm tới tấp chiếc lều ấy. Nguyễn Văn Ngoạn, kẻ chỉ huy đám quân ra hiệu dừng lại, đích thân y thắp đèn vào kiểm tra. Trên hai chiếc giường tre là hai người đắp chăn kín mít bị giáo mác đâm xuyên. Không thấy một giọt máu, Văn Ngoạn lật đật lật chăn lên, hóa ra chỉ là gối dài dùng làm thế nhân che mắt.
Có tiếng báo động nơi lều của họ Trần, Nguyễn Văn Ngoạn lập tức mang binh chạy đến.
Lê Hưng và Lê Duy Nhưng đang bắt giữ Đô úy của chúng. Lê Hưng xưa là dũng tướng, từng vào ra bao nhiêu trận sinh tử nên ông thừa biết nếu muốn thoát khỏi nơi này, chỉ có cách lấy kẻ quan trọng làm con tin. Nhân đám binh còn đang say sưa tiệc, chưa hành động, ông và Duy Nhưng ra tay trước, tìm đến lều của họ Trần và chờ thời cơ.
Trong lúc núp quan sát, Duy Nhưng phát hiện thanh đao quý bên trong lều của họ Trần. Thanh đao này quả đúng như tên gọi, lúc nào cũng phát sáng. Lại nghĩ, vài năm trước, họ Trần này từng đến nhà cậu đón thằng bé tên Trát đi, trông y lúc đó oai phong lẫm liệt rồi thì lại nghe Lê Hưng kể việc họ giao tranh ác liệt với nhau nên Duy Nhưng chắc mẩm đây chính là Trần Quang Diệu.
– Tiên pháp chế nhân – họ Trần cười khan – Quả nhiên là Lê Duy Đản, thật tiếc cho ngươi sinh không đúng triều, trung không đúng chúa.
Lê Hưng tức giận quát:
– Ngươi không im miệng, ta sẽ rạch cổ họng ngươi. Còn bọn bây, còn không mau tránh ra?
Đám binh vừa muốn xông lên nhưng cũng chẳng dám bởi sợ bác cháu Lê Hưng làm bừa đành dạt ra để hai người họ có đường trốn thoát.
Lê Hưng bảo Duy Nhưng giữ họ Trần, mình rút kiếm bảo vệ bên cạnh. Tình huống bất ngờ xảy ra nằm ngoài dự tính của Lê Hưng và cả những kẻ có mặt ở đây. Duy Nhưng vừa nhận giữ họ Trần thì cậu cắt dây đẩy y ra.
Lê Hưng run lên:
– Điên rồi… Cháu điên rồi…
Duy Nhưng quỳ xuống trước mặt họ Trần, dõng dạt nói:
– Tôi tuổi nhỏ vô năng nhưng ngày đêm đọc sách luyện võ. Mong được lấy sức mình giúp đỡ tướng quân.
Lê Hưng quát tháo:
– Lê Duy Nhưng! Mau đứng dậy cho ta!
Họ Trần đưa mắt ra hiệu, Nguyễn Văn Ngoạn phi đến đá vào khuỷu chân Lê Hưng lúc ông không đề phòng. Giương ánh mắt đỏ ngầu những đường chỉ nổi cộm, Lê Hưng giờ như con thú hoang không ai có thể thuần được.
Duy Nhưng thành khẩn nói:
– Từ nhỏ, tôi rất ngưỡng mộ Tây Sơn Thái Tổ, lại đọc được thất hổ tưởng danh bất hư truyền, lòng nuôi chí dùng sức mọn giúp đỡ.
Họ Trần nhìn Duy Nhưng đỗi, dáng vẻ suy tư rồi nói:
– Chữ “Kỳ – 祁” trong Lê Duy Kỳ và chữ “Nhưng – 礽” của Lê Duy Nhưng nếu nói không có quan hệ cũng không ai tin được.
Đoạn, y lấy thanh đao đến:
– Nhìn Lê Duy Đản, ngươi trông hận ta lắm. Ta biết chính tay ta đã giết một thân vương họ Lê nhưng ngươi đừng quên, Trần Quang Diệu ta xưa nay làm gì cũng có lý do. Thằng đấy chém lén ta, kẻ không đường đường chính chính, lại giở thói hèn hạ sao ta không giận? Ta đã tha cho ngươi con đường sống, chẳng đả động đến việc tìm tung tích nếu ngươi an phận. Giờ đây, chính ngươi lại tự nộp mạng cho ta, lại còn muốn hành thích ta. Thử nghĩ xem ta nên xử lý ngươi như thế nào?
Duy Nhưng chợt lên tiếng:
– Trần tướng quân, tôi thật sự rất ngưỡng mộ ngài. Nếu tôi có ý đồ xấu thì đã không thả ngài ra để giờ tôi mới thành kẻ lâm vào nguy thoái.
Trần Quang Diệu lạnh băng nói:
– Ngươi phục nhưng hắn không phục. Vả lại, hoàng thân quốc thích còn bị truy bắt há ta lại tha cho chính con trai của Lê Duy Kỳ sao? Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc! Trước kia Đặng Văn Trấn bắt được Nguyễn Phúc Ánh nhưng vì giao tình nên thả hắn ra. Chuyện này chỉ có ta và y biết, ta đã khuyên giết nhưng y nhất nhất không theo để giờ đây Thái Tổ băng hà, họ Nguyễn lại thừa nước đục thả câu. Ngươi nghĩ rằng ta sẽ giữ ngươi bên mình chăng?
Nói rồi, Trần Quang Diệu lệnh Nguyễn Văn Ngoạn đem cả hai giết đi.
Ngọc Châu từ nãy giờ nấp ngoài lều, biết được sự tình biến động, bất ngờ xông vào đứng chắn trước bác cháu Duy Nhưng. Nguyễn Văn Ngoạn không dám động thủ, cúi đầu vẻ muôn phần kính trọng.
Ngọc Châu lớn giọng, nói:
– Trần đô úy, ta lệnh ông không được giết họ!
Trần Quang Diệu cười khinh thường:
– Cô có quyền hành gì mà dám ra lệnh cho ta?
Ngọc Châu vẫn khẩu khí không nể nang ai:
– Ông có quyền hành gì mà muốn giết ai thì giết? Đừng quên rằng, vì ông tự ý hành động nên mới bị tước binh quyền giáng chức. Giờ đây, ông lại tự ý giết người, không sợ ta tâu lên vua sao?
Trần Quang Diệu cau có nói:
– Chúng là tôn thất triều Lê, giết đi cũng là trừ hậu họa cho Tây Sơn. Có khi giết chúng, ta lại được cất nhắc, lấy lại niềm tin nơi đức vua. Còn cô, cô là ai mà đòi ta phải nghe lời? Đừng tưởng bao năm nay, ta không giết cô vì sợ, mà chính là ta muốn chiêu hàng họ Nguyễn. Cô, không hơn không kém một tên tù binh! Nguyễn Văn Ngoạn, đưa cô ta về canh chừng cẩn mật, đừng để làm loạn!
Nguyễn Văn Ngoạn toan dẫn cô đi thì Ngọc Châu quát lớn:
– Kẻ nào dám cả gan động vào phi tử của vua?
Lê Duy Nhưng vài phần thất vọng, cúi gầm xuống. Bọn Trần Quang Diệu trông ngạc nhiên không kém. Họ Trần bán tín bán nghi, chầm chậm đe:
– Đừng thiếu suy nghĩ mà ra quyết định bồng bột!
Ngọc Châu không biến sắc mà đanh thép trả lời:
– Ta mang dòng máu Nguyễn Phúc, được cha dạy luôn lấy chữ “tín” làm trọng. Từ nhỏ đã học được “Nhất ngôn cửu đỉnh”, là phi tử vua, nhất định sẽ là phi tử vua. Ông kháng lệnh, chỉ cần ta tâu lên, đức vua vốn có hiềm khích với ông sẽ xử trí ông thế nào?
Trần Quang Diệu không phải sợ Ngọc Châu bẩm lên vua, mà ông nể cô nên nguôi đi ý định giết bác cháu họ Lê. Ông trầm ngâm nhìn cô lúc lâu, hạ lệnh cho đám binh lui ra tất, cả Nguyễn Văn Ngoạn cũng không được ở gần.
Biết Trần Quang Diệu nghe mình, Ngọc Châu thở phào trong lòng, vờ thị uy:
– Ông xem ra cũng biết thân biết phận đấy!
Trần Quang Diệu không thèm đả động đến cô nữa, gọi tên Duy Nhưng mà nói:
– Xem như số ngươi may mắn lần này! Nếu muốn đầu quân cho ta, chỉ cần ngươi làm tốt chuyện này, ta sẽ không tính toán với bác cháu ngươi nữa. Nhưng nếu phát hiện ngươi có tâm địa xấu xa, đừng trách vì sao thanh đao này vô tình!