Lễ Tương Tư (1) là một trong những ngày lễ quan trọng ở Lương triều. Tương truyền năm xưa ở thời điểm đất trời còn chưa phân tách, một tiên nữ tên Thất Nương nhân lúc ham chơi đã lưu lạc dưới hạ giới rồi âm thầm kết lương duyên cùng một chàng trai nghèo chăn trâu.
Hai người chung sống một năm, ngay lúc tình cảm mặn nồng thì bị người trời phát giác. Luật trời không cho người và tiên chung sống. Đôi tiên đồng ngọc nữ ấy lại cả gan phạm phép trời thì nhất định phải chịu trừng phạt.
Trong lúc giằng co, chàng trai chăn trâu đã bị thiên binh đả thương khiến về sau bị tật ở chân không thể đuổi theo thê tử. Còn vị tiên nữ ấy sau khi về trời bị tước đi mấy trăm năm tiên lực rồi bị giam trong biệt cung vĩnh viễn không được hạ phàm. Cũng may trong luật trời không cho tiên nhân giết hại người hạ giới nếu không chàng trai chăn trâu cũng khó bảo toàn tính mạng.
Thất Nương vốn tưởng từ nay nàng và tình lang đã Sâm Thương vĩnh cách. Nào ngờ vào một ngày nàng cùng các tỷ muội thêu dệt mây trời lại nghe tiếng gọi của lang quân. Thất Nương men theo tiếng gọi đến sông Thiên Hà thì nhìn thấy chàng ở bờ bên kia. Nước sông cuồn cuộn chảy siết, Thất Nương đã mất hơn nửa phần tiên lực cùng một phàm nhân áo vải không thể nào vượt qua.
Họ ngày ngày ở bên bờ sông Thiên Hà nhìn nhau lấy nước mắt rửa mặt, lấy tiếng khóc làm lời tình ca. Nước mắt cứ rơi cứ rơi hóa thành mưa trút xuống dân gian suốt bảy ngày bảy đêm. Thấy thế, vị thần tiên đứng đầu nơi trời cao động lòng trắc ẩn. Ngài vung tay hoá thành cây cầu Ô Thước cho đôi phu thê được trùng phùng.
Từ đó về sau, đôi phu thê sống tại hai bên bờ sông Thiên Hà. Thất Nương tiếp tục dệt mây trời ở bờ bên này còn chàng trai nghèo vẫn chăn trâu ở bờ bên kia. Họ làm việc chăm chỉ cần cù chỉ để chờ mỗi năm được bắt cầu Ô Thước gặp nhau một lần, nối tiếp lương duyên.
Giai thoại này truyền qua nhiều đời cũng đi qua nhiều dị bản khác nhau. Từ đó hằng năm cứ hễ đến ngày bảy tháng bảy là ngày mà đôi phu thê Thất Nương được trùng phùng thì người dân đều làm lễ ăn mừng. Về lâu về dài đã trở thành một loại tập quán quan trọng trong năm, thường được gọi là lễ Tương Tư.
Tương truyền ngày lễ Tương Tư người ta thường ra đường tổ chức lễ hội vui chơi cùng nhau. Là một dịp kỷ niệm mối tình nàng Thất và chồng đồng thời cũng là dịp để nam nữ gặp nhau tìm kiếm mối lương duyên tốt đẹp. Dù sao hôn nhân Lương triều cũng khá thông thoáng. Ngoại trừ những người có thân phận tôn quý đặc thù cần dùng hôn nhân để liên minh chính trị thì những người khác đều có thể thoải mái lựa chọn ý trung nhân. Vì thế lễ Tương Tư rất được các thiếu niên thiếu nữ Lương triều yêu thích.
Giữa giờ thân, Lạc Trường An vận trên người bộ y phục giáp trúc đào mà Thái Bình Quận chúa chuẩn bị rồi ngồi lên xe ngựa phủ Bình Nguyên Hầu.
Xe ngựa lắc lư gần nửa canh giờ thì dừng lại. Lạc Trường An vịn tay nha hoàn Hiểu Thu bước xuống xe rồi theo nàng ấy bước vào phủ hội tụ với Triệu Nhàn Yên và Du Thi Yến.
Vì lần này sau khi gặp mặt sẽ cùng ra ngoài chơi lễ nên Hiểu Thu không dẫn Lạc Trường An vào nội viện như mọi khi mà đưa nàng đến sảnh lớn ở chính viện Vương phủ.
Theo lệ, vào ngày này các quan viên từ Tam phẩm trở lên sẽ cùng phu nhân nhà mình nhập cung ăn tiệc. Như Thái hậu từng nói lễ Tương Tư đám người trẻ tuổi có thể vui chơi thì đám trưởng bối như bọn họ cũng không thể chịu thua thiệt. Vì thế mà từ sớm Thành Vương và Thành Vương phi đã rời phủ thế nên khắp Vương phủ rộng lớn chỉ còn đám hậu bối bọn họ mà thôi.
Những năm trước Lạc Trường An đều nằm lì không phủ không ra ngoài. Mẫu thân và phụ thân nàng thân là Nhất phẩm Hầu cùng Nhất phẩm mệnh phụ Hầu phu nhân đều phải nhập cung. Vì thế trước đây đối với Lạc Trường An thì ngày này cũng như những ngày khác chẳng có gì quá mới lạ.
Nhưng năm nay đã khác.
Lạc Trường An bước qua mấy tiểu cảnh vườn hoa rồi thêm mấy nguyệt môn liền đến nơi. Sau bước chân đầu tiên bước qua bậc cửa, nàng liền nhìn thấy đám người Triệu Nhàn Yên và Du Thi Yên nói cười rôm rả, bên cạnh là Triệu Cẩn và Trác Chinh cũng đang đàm đạo vài lời.
Chỉ là…
Lạc Trường An tưởng như bản thân đang nhìn lầm. Nàng chớp mắt vào cái. Cuối cùng cũng xác định thiếu nữ thứ ba ngồi điềm đạm trong đại sảnh chính là Đại tỷ của mình – Đại tiểu thư Hầu phủ Lạc Thanh An.
“Lạc tỷ tỷ, tỷ đến rồi!” Triệu Nhàn Yên vừa thấy nàng liền reo lên. Mọi người trong sảnh cũng vì vậy mà nhìn thấy nàng. Họ nhanh chóng quay sang niềm nở chào đón Lạc Trường An.
Lạc Trường An bước vào trong chào hỏi sơ qua một đám người rồi đến Lạc Thanh An: “Đại tỷ! Không ngờ hôm nay tỷ cũng đến. Sao tỷ không nói trước với muội nếu không chúng ta đã đỡ phải đi hai chuyến xe rồi.”
Lạc Thanh An cười ngượng ngùng: “Tỷ không biết muội cũng đến. Mọi năm muội đều ở trong phủ không lộ mặt khiến tỷ cứ nghĩ năm nay cũng thế.”
Sau đó nàng nhìn thoáng qua sắc mặt Tam muội, thấy muội ấy không quá để ý việc này, dường như mấy câu lúc nãy chỉ là hỏi chuyện vu vơ nên thở phào. Nhưng Lạc Thanh An vẫn cảm thấy hơi căng thẳng. Hôm nay có Tam muội, nàng sợ bản thân không thể để lại ấn tượng sâu sắc cho Thế tử.
Quả thật Lạc Trường An không có tâm sức đâu mà lo lắng quan tâm quá nhiều đến lời nói của vị tỷ tỷ không mấy thân thiết này.
Nàng nhìn Trác Chinh.
Hôm nay chàng mặc một bộ y phục màu trắng, ngoại bào là lớp vải được thêu những khóm trúc quân tử xanh mát điểm thêm một con cò trắng ngẩng đầu nhìn trời được thêu bằng chỉ bạc.
Lạc Trường An nhìn màu sắc y phục đôi bên, trong lòng ngân lên những rung động khó tả.
Thấy ánh mắt của Lạc Trường An, Trác Chinh hướng đến nàng gật đầu cười nhẹ.
“Lạc tỷ tỷ, chắc là tỷ chưa gặp Đại ca của muội đúng không?” Triệu Nhàn Yên lôi kéo cánh tay Lạc Trường An cũng đồng thời đánh gãy mấy suy nghĩ loạn thất bát tao của nàng.
Lạc Trường An đã nghe danh vị Thế tử phủ Thành Vương này từ lâu. Trong đó ấn tượng nhiều nhất là đến từ miệng của Triệu Nhàn Yên và Thành Vương phi.
Trong ấn tượng mơ hồ của nàng, hắn là nhi tử độc nhất của Vương phủ. Ngôi vị Thế tử rất vững chắc, là một người nam nhân anh tuấn phi phàm tài hoa lễ độ. Nói chung chính là một nam tử tốt.
Bên tai là mấy lời khen ngợi thao thao bất tuyệt của Triệu Nhàn Yên. Lúc này Lạc Trường An mới chú ý đến nam tử bên cạnh Trác Chinh.
Thật ra mấy lời Nhàn Yên nói cũng không phải hoàn toàn sai. Ít ra bàn về nhan sắc và khí chất thì Triệu Cẩn cùng Trác Chinh quả thật là một chín một mười.
Khi Triệu Cẩn lên tiếng giao thiệp vào lời, sâu thẳm trong tiềm thức Lạc Trường An như có mấy vòng tròn nước cùng nhau xuất hiện rồi loang ra.
Nếu so với lần đầu gặp gỡ Trác Chinh thì Triệu Cẩn lại cho nàng những cảm giác hư ảo hơn rất nhiều. Nhưng loại cảm giác này không tồn tại lâu. Nó như cơn gió mùa hè thổi ngang qua rồi biến mất.
Lạc Trường An bình tâm lại. Nàng đột nhiên cảm thấy bản thân rất kỳ lạ. Gần đây vì những chuyện này mà tinh thần bắt đầu trở nên bần thần. Dù gặp bất ai cũng đều nghĩ đến chàng.
Không chỉ với Lạc Trường An mà mấy lời hoa mỹ của tiểu muội Quận chúa ấy cũng đã lọt thẳng vào tai tiểu thư Lạc Thanh An đứng bên cạnh. Trong lòng nàng bắt đầu hình thành những ý tưởng khác nhau.
(1) Lễ Tương Tư và truyền thuyết về lễ Tương Tư không lấy hoàn toàn từ chuyện kể dân gian mà đã qua nhiều biến tấu tạo nên phiên bản riêng cho “Lai Sinh: Tương Tư Huyễn Mộng”.