- Làm văn về chuyên đề “chuyện người con gái Nam Xương”_ “truyền kỳ mạn lục”_ Nguyễn Dữ
- Tác giả: mai nguyễn
- Thể loại:
- Nguồn: vnkings.com
- Rating: [T] Không dành cho trẻ dưới 13 tuổi
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 2.070 · Số từ: 1923
- Bình luận: 2 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 2 Mika Takei wibu Anime
Đề: Suy nghĩ về vẻ đẹp và thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ Nương ở tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” trích “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ.
BÀI LÀM
“Chuyện người con gái Nam Xương” là một trong số hai mươi truyện của tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục”. Đây là áng văn xuôi viết bằng chữ Hán của Nguyễn Dữ, dù là các câu chuyện lưu truyền trong dân gian của Trung Quốc sưu tầm, nhưng được tác giả biến tấu lại tạo thành “Thiên cổ kì bút” được người đời ca ngợi. Vũ Nương là nhân vật chính trong “chuyện người con gái Nam Xương”. Nàng là hình ảnh tiêu biểu cho vẻ đẹp và thân phận người phụ nữ phong kiến xưa.
Vũ Nương tên thật là Vũ Thị Thiết, quê ở Nam Xương. Nàng đẹp người đẹp nết, chồng nàng là Trương Sinh có tính hay ghen. Nhờ đức tính ngoan hiền, hiếu thảo lại khôn khéo lo liệu mọi bề, gia đình nàng vẫn trong ấm ngoài êm. Khi đất nước loạn lạc, Trương Sinh đi lính, để lại mẹ già và người vợ trẻ đang có mang. Mẹ chàng Trương vì thương nhớ con ốm nặng rồi mất. Vũ Nương lo ma chay chu đáo như đối với cha mẹ đẻ. Giặc tan, Trương Sinh trở về, nghe lời con trẻ mà nghi ngờ phẩm hạnh của nàng. Bị mắng nhiếc, đánh đuổi, Vũ Nương mang mối hàm oan nhảy xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Một đêm nọ, bé Đản chỉ vào cái bóng trên vách gọi cha. Bấy giờ, Trương mới hiểu rõ sự tình, nhưng hối hận thì đã quá muộn. Vũ Nương được Linh Phi cứu đưa xuống thủy cung. Tại động Rùa, nàng gặp lại Phan Lang người cùng làng. Nàng nhờ gửi chiếc hoa vàng và lời nhắn chàng Trương lập đàn giải oan cho mình. Khi đàn lập xong, quả Vũ Nương đã xuất hiện. Nàng ngồi trên kiệu hoa với tán cờ võng lọng long trọng rực rỡ cả một khúc sông thoắt ẩn thoắt hiện. Nàng từ biệt chồng con và từ từ biến mất.
Vũ Nương trong truyện được ca ngợi là người phụ nữ tài đức vẹn toàn, nhưng thân phận phụ nữ trong thời phong kiến gây cho cuộc đời nàng nhiều oan trái, oái oăm.
Những người phụ nữ xưa có nhiều phẩm chất tốt đẹp, đáng trân trọng. Vũ Nương là người phụ đẹp cả nết lẫn người. Dù xuất thân từ gia cảnh nghèo khó, nhưng nàng vừa có nhan sắc, vừa có đức hạnh “tính đã thùy mị, nết na lại thêm tư dung tốt đẹp”. Chính “mến vì dung hạnh”, Trương Sinh vốn con nhà phú trong vùng xin mẹ đem trăm lạng vàng hỏi nàng làm vợ. Nguyễn Dữ ở đầu tác phẩm đã lí giải nguyên nhân tạo nên cuộc hôn nhân không môn đăng hậu đối này, đồng thời ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của Vũ Nương. Đó cũng là những phẩm chất có tính truyền thống của phụ nữ thời xưa.
Người phụ nữ thời phong kiến là những người rất yêu thương chồng con. Khi về làm vợ Trương Sinh, biết chồng có tính đa nghi, nàng luôn “giữ gìn khuôn phép không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa”. Cuộc sống êm ấm chưa bao lâu, Trương Sinh bị gọi đi lính. Khi tiễn chồng ra trận, Vũ Nương bày tỏ nguyện vọng “chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được ấn phong hầu mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo hai chữ bình yên”. Điều đó cho thấy tình cảm vợ chồng sâu đậm, nàng coi trọng tính mạng của chồng, không màng công danh phú quý. Vũ Nương ở lại quê nhà sinh con, đặt tên là Đản. Khi bé Đản bắt đầu học nói, để dỗ con nàng thường chỉ vào cái bóng trên vách bảo là cha nó. Nàng rất yêu con, không muốn con thiếu vắng hình bóng người cha, thiếu tình phụ tử. Hành động cũng thể hiện sự trân trọng tình cảm gia đình, cũng là khát khao hạnh phúc đủ đầy, êm ấm của những người chinh phụ xa chồng.
Những người phụ nữ ấy là những người con hiếu thảo. Vũ Nương đẹp người đẹp nết, nàng có thể lựa chọn tướng công tốt cho mình. Nhưng nàng nghe lời cha mẹ về làm vợ Trương Sinh, một chàng trai “tuy con nhà hào phú nhưng thất học”. Chứng tỏ nàng rất có hiếu với cha mẹ ruột. Khi trở thành con dâu nhà họ Trương, nàng là dâu thảo. Trương Sinh bị bắt lính, nàng ở nhà chăm sóc mẹ chồng. Mẹ bệnh nặng do thương nhớ con, nàng “hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo để khuyên lơn.” Khi bà mất, “nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ”. Lời trăn trối của mẹ chồng đã khẳng định khách quan nhân cách và công lao của Vũ Nương đối với nhà chồng. Dù không phải ruột rà máu mủ, nàng vẫn yêu thương, chăm lo hết lòng. Sự hiếu thảo của nàng không hề kém cạnh Thoại Khanh cắt thịt mình nuôi mẹ xưa kia. Đây cũng là phẩm chất đáng quý của nhiều người dâu thảo thời phong kiến.
Những người phụ nữ sống trong XH (xã hội) cũ là những người vợ chung thủy. Trương Sinh chinh chiến miền xa, Vũ Nương nguyện sống cuộc sống của người chinh phụ “đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng”, “ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót”. Khi chàng nghi ngờ nàng thất tiết, nàng đã mượn dòng nước Hoàng Giang để rửa sạch oan tình, chứng tỏ tấm lòng chung thủy. Cách giải quyết tuy tiêu cực nhưng thể hiện quyết liệt ý chí muốn tự minh oan của người phụ nữ bị dồn đến bước đường cùng. Khi gặp lại Phan Lang, nàng đã thổ lộ nỗi lòng “ngựa Hồ gầm gió Bắc, chim Việt đậu cành Nam tôi tất có ngày phải tìm về”, cho thấy lòng nàng vẫn luôn nhớ Trương Sinh. Tấm lòng thủy chung son sắt là phẩm chất của Vũ Nương nói riêng và của người phụ nữ Việt Nam nói chung. Từ nhân vật Vũ Nương làm ta chợt nhớ đến bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương.
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nỗi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”
Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp ngoại hình đồng thời khẳng định phẩm chất cao quý của người phụ nữ trong Xh xưa kia. Có thể xem bài thơ ấy là một nhận định mang tính cách khẳng định, tôn vinh giá trị, phẩm chất của nữ giới trong XH phong kiến.
Người phụ nữ trong XH phong kiến có thân phận bất hạnh. Họ là nạn nhân của tư tưởng phong kiến lạc hậu, lỗi thời. Xinh đẹp, nết na như Vũ Nương lại phải lấy một người tuy là con nhà hào phú nhưng thất học, đa nghi để rồi phải chịu cảnh:
“Con gái khôn lấy thằng chồng dại,
Như bông hoa lài cắm bãi phân trâu.”
Phải tuân theo lễ giáo phong kiến, quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, nàng về làm vợ chàng Trương. Nàng trở thành nạn nhân của chế độ nam quyền, “trọng nam khinh nữ” thừa nhận người đàn ông làm chủ gia đình. Còn phụ nữ không có quyền quyết định bất cứ thứ gì. Chính vì lẽ đó, Trương Sinh trở nên gia trưởng, độc đoán, nghe lời con trẻ khăng khăng vợ mình không chung thủy, có gian tình. Người đàn ông được quyền có năm thê bảy thiếp mà bắt buộc người phụ nữ “chính duyên chỉ có một chồng”. Nên khi nghi ngờ Vũ Nương thất tiết, Trương Sinh thẳng tay mắng nhiếc, đánh đuổi. Hạnh phúc gia đình tan vỡ, Vũ nương còn phải chịu tiếng nhuốc nhơ. Nỗi oan trái của nàng như quan âm Thị Kính ngày xưa, đều không có quyền được tiếng nói đòi quyền sống trong hạnh phúc. Họ phải cam chịu bao cảnh bất công khi sống trong một XH có quá nhiều tư tưởng lạc hậu.
Họ còn là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa. “Vì triều đình bắt lính đi đánh giặc Chiêm” khiến Trương Sinh phải lên đường tòng quân. Vũ Nương phải ở lại nhà trong tâm trạng của người chinh phụ “nhớ chồng đăng đẳng đường lên bằng trời”. Trương Sinh đi lính xa nhà cũng là nguyên cớ khiến Vũ Nương chịu hàm oan. Rơi vào bi kịch gia đình, nàng đã lên tiếng phân trần, biện bạch. Nhưng người chồng bỏ ngoài tai mọi lời trần tình của vợ, hàng xóm láng giềng. Nàng đau đớn, thất vọng vì “duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ”. Nàng tự trầm mình xuống sông Hoàng Giang để làm sáng ngời lên phẩm chất của “ngọc Mị Nương”, tỏa ngát hương “cỏ Ngu Mĩ”. Cái chết của Vũ Nương đâu chỉ do người chồng gia trưởng, mà còn do chiến tranh phi nghĩa tạo ra. Có thể nói quyền sống của người phụ nữ đã bị chiến tranh tước đoạt một cách gián tiếp.
Vẻ đẹp, thân phận của người phụ nữ còn được tác giả Nguyễn Dữ làm nổi bật bằng các nghệ thuật xây dựng nhân vật, tình tiết hoang đường. Vũ Nương tự vẫn nhưng không chết, nàng được Linh Phi cứu đưa xuống thủy cung. Chứng tỏ rằng nàng bị hàm oan, và người có nhiều phẩm chất tốt đẹp như Vũ Nương không thể chết được. Cuộc sống ở thủy cung là sự đền bù xứng đáng theo quan niệm “ở hiền gặp lành” của nhân dân ta. Nhưng đồng thời, nàng cũng mất đi quyền làm vợ, làm mẹ. Đó là nỗi đau lớn nhất của người phụ nữ. Chi tiết hoang đường cho thấy XH phong kiến không dung nạp những người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp như Vũ Nương, nên nàng đành “đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa”. Yếu tố truyền kỳ xen kẽ với yếu tố thực về địa danh, về lịch sử đã khắc họa sinh động hình tượng nhân vật Vũ Nương, tiêu biểu cho vẻ đẹp và thân phận của người phụ nữ phong kiến xưa kia. Qua đó cũng thể hiện sự cảm thông, giá trị nhân đạo của tác giả.
Nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “chuyện người con gái Nam Xương” dung hạnh đủ đầy nhưng cuộc đời vô cùng bất hạnh. Nàng là điển hình cho vẻ đẹp và số phận bi thương của người phụ nữ trong XH cũ. Trong XH hiện nay, nữ giới có cuộc sống hạnh phúc hơn và được cộng đồng công nhận những đóng góp to lớn của họ cho đất nước. Nhưng thấp thoáng đâu đó vẫn còn những Vũ Nương bị tàn dư của các quan niệm, tư tưởng, hủ tục lạc hậu đẩy vào cuộc đời bất hạnh rất cần sự giúp đỡ, quan tâm của mọi người.
thi mai nguyen (5 năm trước.)
Level: 4
Số Xu: 318
Ừm, mở bài mh bị bí ý, bạn có cách mở bài nào hay ko??
Thanh Thảo (5 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 64
Mở bài không hợp lý lắm.