- Một Chuyện Buồn
- Tác giả: Phạm Huyền
- Thể loại:
- Nguồn: vnkings
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.620 · Số từ: 2239
- Bình luận: 0 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 3 Xanh Nguyễn Linh Minh Hàn
Chắc hẳn khi nhắc đến cây xà cừ, mọi người sẽ liên tưởng đến cảnh tượng đám học sinh tụ tập ngồi dưới gốc cây đọc truyện, hay xa hơn nữa là cảnh mái trường thân yêu chan chứa biết bao kỉ niệm tuổi học trò. Nhưng hôm nay, điều tôi muốn kể đến không phải là những thứ ấy. Tôi hôm nay muốn nói đến là một chuyện khác.
Cây xà cừ ấy cao chừng bốn, năm mét, rộng đến nỗi phải ba hay bốn đứa trẻ trong làng tôi dang rộng đôi tay mình thì may ra mới vừa. Tán lá rộng, thân thẳng đứng. Lá cây xanh mướt, thỉnh thoảng, từng đợt gió thoảng qua khiến cành cây khẽ rung động, lá cây khẽ đung đưa tạo nên một bản nhạc kì vĩ.
Cái cây ấy sống ở đây đã rất lâu rồi. Lâu đến nỗi mà có thể nhìn thấu cả cuộc đời của tất thảy người dân làng này. Mà cũng không tự nhiên nó lại sinh trưởng trên cái đất cằn cỗi này. Tất cả là do ông của ông lão có ngôi nhà nhỏ ở phía cuối làng. Ông ông đã mang nó từ một nơi xa xôi về đây trồng. Và thế hệ này nối tiếp thế hệ khác chăm bẵm nó từng li từng tí, để giờ đây, nó lớn lên, trở thành một cây cổ thụ, một dấu hiệu của cái làng này. Cho đến thế hệ của ông lão ấy vẫn tiếp tục gìn giữ cái cây xà cừ ấy cho đến khi hết đời mới thôi.
Cây xà cừ ấy cũng biết ơn gia đình ông lão, nó không phụ sự nuôi dưỡng của nhà ông, lớn nhanh như thổi, trải qua thế sự, chuyện đời vẫn hiên ngang giữa trời. Cho đến năm ông lão đã cận kề tuổi tám lăm, một chuyện đã xảy ra.
Năm ấy, cô Lan, hàng xóm mà ông lão thấy thân nhất chạy sang nhà ông. Cô Lan gọi ông lão bằng cái tên thân mật: “Bố già ơi!” Sở dĩ cô gọi ông lão như vậy bởi vì sinh ra bố mẹ ông đã mất. Sinh ra trong thời loạn lạc như này, ai cũng không tránh khỏi chuyện có thể mất đi cha mẹ bất cứ lúc nào. Ông lão cũng vậy! Vừa sinh ra cha mẹ đã mất, vừa sinh ra đã chỉ có một mình. Cũng may sao, người dân làng phát hiện ra ông, họ mang về nuôi, nói cho ông biết về gia thế của ông, nói cho ông biết gia đình ông đã chăm sóc cây xà cừ ấy nhiều thế nào để từ thời khắc ấy, ông, nối tiếp họ, săn sóc nó.
Ông lão thấy cô Lan sang thì mừng rỡ: “Ừ, Lan đấy hả? Vào đây đi con.” Rót chén trà cho ông lão cô Lan kể chuyện: “Dân ở làng mình nhiều người không biết chữ. Cháu mới học về, thấy dân thành thị ai cũng có học thức. Chắc cũng vì vậy mà người ta giàu có hơn vùng quê mình. Nhân tiện đây có bố, cháu muốn hỏi xem, cháu muốn lập một lớp học cho bọn trẻ con trong làng, để chúng có kiến thức, sau này ra ngoài làm đẹp cho làng.” Ông lão vừa nhâm nhi chén trà vừa nói: “Ý này con nói rất hay. Nhưng con định dạy bọn trẻ ở đâu?” Cô Lan cười, chỉ ra chỗ cây xà cừ: “Ở đó ạ. Chỗ đó vừa rộng vừa thoáng, lại có cây xà cừ che chở, là một chỗ tốt. Con sẽ trải một túp lều ở đó, rồi dạy bọn trẻ học.”Ông lão thoạt tiên vẻ vui mừng, sau đó lại đăm chiêu: “Phải chăng có ai chịu đến học không?” Cô Lan càng hớn hở: “Đương nhiên rồi ạ. Bọn trẻ, chúng nó thích lắm! Nghe nói cháu mở lớp dạy chúng nó về nhà xin mẹ luôn. Cháu dạy miễn phí nên mọi người cũng không phản đối…” Ông lão cười phúc hậu: “Thế thì được, bố già giúp con.”
Thế rồi, mọi chuyện diễn ra đúng như kế hoạch. Họ lập lều, trang trí nó nom thích mắt. Phụ huynh cũng ủng hộ, ngày ngày đều có người mang đồ đến cho cô giáo và bọn trẻ. Mỗi khi được giải lao, chúng nó lại sang nhà ông lão chơi. Chúng kể cho ông lão về những gì được học và đôi lúc nũng nịu ông kể chuyện cho bọn chúng nghe. Không thì cũng ra chỗ cây xà cừ, trèo lên đấy ngắm mọi người làm việc. Xà cừ cũng vui vẻ cho chúng trèo lên. Cứ thế, cây xà cừ lặng lẽ ngắm nhìn bọn trẻ lớn lên trong tiềm thức vui mừng.
Đông qua xuân về, cây cối đâm chồi nảy lộc, cũng là lúc tên hách dịch kia trở về. Đó là con ông lão. Hắn ta chẳng hiểu nịnh nọt bọn quan trên kiểu gì mà mua hẳn được một cái chức quan. Không to nhưng cũng đủ để quản ba bốn cái làng như này. Mọi người trong làng ai cũng ghét. Còn ông lão, cứ hễ hắn về là lại kêu trời kêu đất: tại sao lại sinh ra nghiệt chủng này. Năm ấy, hắn về, đi tận cuối ngõ kêu ngắm cảnh. Hắn đi đến đấy, thấy bọn trẻ con đến giờ giải lao đang chơi ô ăn quan ở đó thì vào vênh váo: “Bọn ranh con không về nhà quét đất cho bố mẹ mày còn ở đây chơi đùa, chúng mày đúng là hư ra trò đấy!” Bọn trẻ nghe thấy thế, lẳng lặng không nói một câu. Được nước, hắn giễu tiếp: “Chúng mày tụ tập ở đây để chào ông lớn này về à?” Rồi hắn cười mãn nguyện. Thấy thế, một đứa trong đám trẻ đã cất tiếng: “Không thèm chấp cái bọn không biết chữ.” Phật ý, hắn ta quát lớn: “Tao không biết chữ thế chúng mày biết chữ à?” Thế là bọn trẻ đồng thanh đọc:
– Cậu cai nón dấu lông gà
Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai
Ba năm được một chuyến sai
Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê.
Thế là hắn tức điên, chạy ra đánh bọn trẻ loạn xạ. Ông lão định mang cho bọn trẻ ít khoai ăn cho đỡ đói, thấy thế vội vào can ngăn. Thấy ông cụ, hắn nói: “Tao cảnh cáo chúng mày, không dẹp ngay cái lớp học này đi thì tao cho chúng mày lên thớt.” Mặc cho ông cụ tức tưởng sắp ngất, hắn vung tay rời đi. Có lẽ, trong mắt hắn đã không còn người cha này nữa rồi.
Đúng như đã hẹn. Sáng hôm sau, một thanh tra đi xuống kiểm tra chỗ học của bọn trẻ và nói: “Ở đây không hề đăng kí hộ khẩu, huống chi cơ sở vật chất không an toàn, nhỡ như mưa to gió lớn sẽ rất nguy hiểm. Vậy nên, mọi người nên dọn đi nhanh nếu không chúng tôi sẽ phải đến làm việc.” Dân làng, ai nấy đều phẫn nộ: “Hắn đúng là tội đồ. Sao hắn có thể làm như thế được nhỉ?”
Cô Lan cùng lũ trẻ lúc này cũng rất buồn. Cô ở chung với bố mẹ mà nhà của cô cũng quá nhỏ, mọi chi tiêu sinh hoạt do cô làm thêm mới có được, vốn dĩ đã không đủ tiền để thuê một chỗ cho bọn trẻ học. Cây xà cừ nghe vậy cũng buồn theo. Nó buồn không chỉ vì nó không còn được nghe tiếng cô Lan giảng bài cho lũ trẻ nữa, không chỉ buồn vì bọn trẻ sẽ ít khi chơi cùng nó hơn, mà còn vì thế hệ măng non, tương lai của cái làng này sẽ không được tiếp thu những thứ tốt đẹp để góp phần xây đời nữa.
Ông lão cũng không ngoại lệ. Cả ngày, lão đi lên đi xuống, đi đến mức bệnh suyễn của lão cũng không ngừng tái phát. Ông hận chính bản thân mình: sao lại có thể sinh ra một tên nghiệt chủng như vậy được chứ! Ông tức giận, nhưng trong phút chốc, ông đã nghĩ ra cách giải quyết mọi chuyện. Xà cừ cũng hiểu ra điều đó, vội mừng rỡ, cho đến khi nhìn mặt ông lão có chút buồn nó bắt đầu băn khoăn: Tại sao ông ấy lại buồn thế? Không phải đã nghĩ ra giải pháp rồi hay sao?
Sáng hôm sau, ông lão không đợi co Lan sang mà chạy sang nhà cô. Lão nói: “Lan ơi, bố tìm được chỗ cho bọn trẻ học rồi.” – giọng ông đượm nỗi sầu thăm thẳm. Cô Lan nghe vậy thì sốt ruột: “Thật hả bố? Ở đâu ạ?” Ông lão cố gắng gượng cười: “Bí mật. Ngày mốt con sẽ biết.” Thế là cô vui mừng chạy đi báo với dân làng.
Tối hôm ấy, trời đổ mưa tầm tã, sét đánh ngang trời, cây xà cừ run rẩy. Trong nhà, bệnh của ông lão lại tái phát mỗi lúc một nặng. Bỗng: “Rầm… rầm…” Xà cừ đang run bỗng nhiên nhận thấy bóng lạ gõ cửa nhà ông lão. Bóng này không lạ mà cũng chẳng quen. Căn bản là cái bóng ấy cây xà cừ không muốn nhắc đến lại chẳng muốn nghĩ về nó nhiều. Ông lão mở cửa. “Thì ra là mày à?” Là con ông – cái thằng hách dịch mà cả làng đều khó chịu. Hắn vào trong, mặc cho ông lão ngăn cản. “Mày về đây làm gì?” – ông lão tức giận. “Tôi về xem ông bố già nhà này chết chưa.”
Mày là thằng nghịch tử. Mày phá làng phá xóm chưa đủ hay sao mà còn muốn hại cho cái làng này mù chữ đến hết đời. Tao đúng là tội nhân thiên cổ mới sinh ra đứa con như mày. Giời ơi, sao số tôi lại khổ thế này. Số tôi đúng là số khổ mà. – Ông lão bắt đầu lớn tiếng. Hắn cãi lại ngay: “Đúng rồi ông vô phúc mới sinh ra tôi. Biết mình vô phúc sao còn cùng với mụ đàn bà đó sinh ra nghiệt súc này?”
Bên ngoài, cây xà cừ nghe rõ mồn một từng câu ông lão than từng chữ thằng con cãi. Nó trách thầm trời đất: sao một ông lão tốt bụng như vậy mà lại có đứa con mất nết như thế! Quả thật ông trời đã không đúng rồi. Thật thấy xót thương cho ông lão. Có một người con như thế… quả là đáng tiếc cho phận làm cha… đáng tiếc… đáng tiếc… Họ cãi cọ một hồi lâu, rất lâu, phải đến khoảng hơn hai giờ sáng thì hắn mới đi khỏi. Hắn lấy chân đạp vào gốc cây xà cừ, miệng luôn mồm lẩm bẩm: “Lão già chết tiệt! Không mau chết sớm đi cho rảnh nợ.” Thật là tai ương… tai ương… Sao cuộc đời lại có thể sinh ra loại người này được chứ! Hắn đã đi rất xa, rất xa rồi nhưng ông lão xem ra vẫn cứ thức suốt đêm. Ánh đèn chiếu sáng ra ngoài sân, vọng đến tầm mắt của cây xà cừ. Không thấy bóng dáng ông lão, cũng không nghe thấy tiếng ông lão than thở, cây xà cừ thấy lo.
Sáng hôm sau, vẫn như mọi khi, cô Lan lại đến thăm ông lão. Nhưng vừa mới bước vào, cô ấy không vui vẻ hồ hởi như mọi khi nữa, thay vào đó là tiếng thét vang trời: “Ôi không! Bố ơi! Mọi người ơi, giúp tôi với.” Dân trong làng nghe thấy vội chạy sang. Họ ngạc nhiên xen lẫn đau buồn. Ông lão đã chết. Tối hôm qua. Có lẽ là lúc tên hách dịch đó rời đi. Họ gọi xe cấp cứu nhưng cũng không thể cứu vãn tình hình. Người ta thấy bên cạnh cạnh chiếc giường – nơi ông lão vẫn nằm ngủ có một tờ giấy, một ít tiền và một cái dây thừng. Trong tờ giấy, ông ghi lại rõ ràng là ngôi nhà này sẽ thuộc quyền sở hữu của cô Lan để cô dạy cho những đứa trẻ có thể ăn học đàng hoàng, cuối đời, ông lão chỉ có chút tiền để làm ma chay. Còn ước muốn duy nhất sau khi ông chết là có thể được chôn gần cây xà cừ, để ông lão có thể bầu bạn với nó, trò chuyện cùng nó cho nó đỡ buồn. Cũng hợp lí thôi, nghĩa địa cũng ở gần đó, không lí gì không thể chôn ông ở gần đấy cả. Tờ giấy còn được đóng dấu rõ ràng, có lẽ là để tránh thằng nghịch tử đó giở trò.
Kể từ ngày ông mất, bọn trẻ mỗi khi đến chơi chỗ cây xà cừ là không quên mang một đóa hoa đến đặt mộ ông. Cô Lan vẫn tiếp tục dạy học, bọn trẻ cũng lớn lên với những kiến thức phong phú mà chúng đáng được hưởng, cây xà cừ cũng được người dân làng chăm sóc tốt, lại có ông lão bầu bạn. Quả là không còn gì bằng. Còn tên nghịch tử ấy, từ ngày ông lão chết, hắn không còn về đây nữa…