- Mùa Nhặt Cua Đồng
- Tác giả: Đặng Bích Nga (N.)
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.132 · Số từ: 2658
- Bình luận: 6 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 4 Thiên Anh Lan Linh Pandora Box Khanh Vân
Thỉnh thoảng tôi hay tưởng tượng, vào một ngày nào đó có một cuộc phỏng vấn dành riêng cho làng tôi. Trong cuộc phỏng vấn này, phóng viên sẽ hỏi: Bạn ghét mùa nào nhất trong năm? Tôi cá ăn chắc là tất cả bọn trẻ con từ xóm trên đến xóm dưới ở quê tôi đều sẽ trả lời răm rắp: mùa mưa.
Quê tôi không có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt. Trong nhận thức đơn giản của lũ trẻ quê, chúng tôi chỉ lớn lên với hai mùa mưa và nắng. Mùa nắng bắt đầu từ Tết kéo dài đến hết kì nghỉ hè. Mùa mưa thì gần như bắt đầu từ những ngày tựu trường. Chúng tôi có thể chịu được cái nắng đổ lửa, có thể đầu trần chạy nhảy khắp nơi trong mùa nắng. Nhưng không một đứa trẻ nào có thể kìm lại tiếng khóc thét khi té nhào vào những vũng bùn lầy lội trên đường đi học vào mùa mưa.
– Tú à, nếu bây giờ mày có một điều ước, mày muốn ước gì?
Thanh hì hục đẩy chiếc xe đạp tiến về phía trước, chân nó giẫm xuống bùn phát ra từng tiếng vang òm ọp. Không cần nhìn tôi cũng có thể tưởng tượng được thứ âm thanh ấy phát ra bằng cách nào.
– Nếu có một điều ước, tao chỉ muốn mình trở thành người lớn trong một cái nháy mắt, sau đó đi khỏi đây thật xa.
Con đường chúng tôi đang đi đã không còn hình dáng ban đầu sau một tuần mưa dầm dề. Tôi ghét cái cảm giác deo dẻo của đất sét trộn với nước mưa này. Chỉ cần dẫm nhẹ chân xuống vũng bùn, những bọng không khí nhỏ bị nén theo vết chân sẽ vỡ ra, nghe đánh “ọp”. Tuy nhiên, thứ âm thanh này không phải là điều khiến tôi khó chịu nhất. Thứ chân chính làm cho lũ trẻ ở đây căm ghét chính là cảm giác từng mảng đất sét dẻo quánh dính chặt vào đế dép, vào bánh xe. Chúng dính chặt đến nỗi những chiếc bánh xe không thể nào quay vòng được, và muốn di chuyển chúng tôi chỉ có thể dùng hết sức lực đẩy cho chiếc xe trượt về phía trước.
– Tao cũng thế, tao ghét phải lội bùn vào mùa mưa lắm rồi. Hôm qua thằng Toàn còn chụp ếch ngay ngõ nhà bác Thông nữa cơ. Cả người nó lẫn cặp sách đều tắm bùn, đất sét dính nhoe nhoét.
Tôi tựa con ngựa sắt của mình vào chiếc trụ điện bên đường, ngồi xổm xuống tìm một cành cây khô để gạt đi mớ đất sét dẻo đang bám thành lớp dày trên bánh xe. Thanh cũng đã dừng lại và thực hiện những động tác tương tự. Miệng nó vẫn liến thoắng chuyện hôm qua thằng Toàn bị ngã vào bùn đến suýt khóc.
– Sáng mai cho bò ra đồng Gò Lớn ăn không?
Tôi cắt đứt cơn lảm nhảm của nó bằng một lời rủ rê. Nếu để Thanh nói tiếp thì câu chuyện này nó có thể kể đến rạng sáng mai. Má tôi vẫn nhận xét nó là đứa chưa thấy người đã nghe tiếng, người còn ở xóm dưới mà tiếng đã vọng đến xóm trên.
– Đi, mày mang theo giỏ đựng cua cho tao mượn nữa nhá, của tao chuột cắn rách rồi.
Thanh dùng cả hai tay gõ từng chiếc dép lên thân cột điện bê tông. Đó là cách nhanh nhất để “giũ” đám đất sét chết tiệt đang bám lì lấy đế dép mà chúng tôi vẫn hay dùng. Khi bạn phải sống chung quá lâu với những con đường đầy sình lầy và đất sét thì việc tự tìm thấy một vài biện pháp “vệ sinh cấp tốc” như thế này là rất cần thiết.
– Vậy sáu giờ há, đừng ngủ quên.
Gò Lớn là một cánh đồng lúa cách nhà tôi không xa. Sau mùa gặt, đây chính là địa điểm chăn bò tôi và Thanh vô cùng yêu thích. Nếu như ở đồng Cây Gạo bờ ruộng đều bị xắn mỏng đến nỗi chỉ còn vừa lối cho một người đi, thì bờ ruộng ở đồng Gò Lớn vẫn được chừa ra rộng rãi. Có vài đoạn bờ còn rộng đến vài mét, cỏ non mọc mơn mởn, ngập đến cổ chân. Mặc dù đã qua mùa gặt được hơn một tháng, các bờ cỏ đã không còn tươi tốt, nhưng chúng tôi vẫn thích lùa bò đến đây ăn. Nguyên nhân đầu tiên là vì thời gian này lúa chét (1) đã bắt đầu mọc rộ, dù không còn nhiều cỏ trên bờ ruộng thì đàn bò của chúng tôi vẫn có thể ăn chét đến no nê. Nguyên nhân thứ hai là vì sức hút của lũ cua đồng. Sau những cơn mưa kéo dài, các ruộng lúa trên đồng bắt đầu ngập đầy nước, đây cũng chính là thời điểm lũ trẻ chúng tôi có thể tha hồ ra ruộng nhặt cua. Mùa này, nhặt chính là từ ngữ chính xác nhất để miêu tả việc bắt cua của chúng tôi. Vào buổi sáng, khi lũ cua tranh thủ ra khỏi hang và nằm lim dim dưới những mảnh ruộng ngập nước, chúng tôi chỉ cần đi dọc bờ và nhặt chúng lên cho vào giỏ. Không cần tốn nhiều công phu, buổi chiều trong mâm cơm đã có ngay một tô canh cua nấu lá Giang ngọt nước. Hôm nào nhặt được nhiều, má tôi nhất định sẽ làm mắm cua đồng. Nếu gặp đúng hôm chợ phiên thì kiểu gì má cũng mua thêm bún tươi. Trời mưa ăn bún chan mắm cua thì dù no nứt bụng tôi vẫn có cảm giác thòm thèm.
Sáu giờ sáng, mặt trời vẫn còn nấp sau lũy tre già ngái ngủ. Trên bờ cỏ ven đường, sương trắng đọng thành từng mảng lớn. Nhìn từ xa nom hệt như có ai đó đêm qua vừa lỡ tay vẩy một túi bột mì lên bờ cỏ vậy. Đàn bò đủng đỉnh vừa đi vừa gặm cỏ và lá non hai bên bờ, tiếng nhai nghe rào rạo vui tai. Lẫn trong những tia nắng đầu ngày, tôi hít một hơi tràn căng lồng ngực mùi cỏ non ướp sương đêm, một thứ mùi ngòn ngọt và ẩm ướt.
– Ê Tú ơi, ăn khoai luộc không?
– Ăn chứ, mày mang sang đây đi.
Thanh quả thật chưa từng làm hỏng danh hiệu “mõ làng” của nó bao giờ. Dù vẫn còn cách nhau một đoạn rất xa tôi đã nghe được giọng nó lảnh lót. Từ xa, một tay nó vẫy tôi, tay còn lại nâng cao vạt áo. Bằng sự am hiểu thói quen của đứa bạn nối khố, tôi đoán trong cái vạt áo kia sẽ có chừng năm củ khoai lang đã được má nó luộc chín. Và với cái tính tham ăn của Thanh, nó nhất định sẽ chia khoai với tỷ lệ hai: ba. Tôi hai còn nó ba.
– Này, cho mày hai củ nhé.
Lại thêm một lần nữa tôi đi guốc trong bụng Thanh. Có thể vì chúng tôi đã chơi cùng nhau đủ lâu để tôi hiểu rõ bản tính của nó, hoặc cũng có thể là bởi bao nhiêu năm qua Thanh chẳng thèm thay đổi thói quen của nó một chút nào.
– Giỏ của mày đây. Ăn khoai xong để bò ở đây bọn mình xuống phía ruộng bác Thông nhé. Phía đó ruộng không quá sâu, sáng nay cũng chưa bị bò dẫm qua nên lũ cua sẽ nhiều hơn đấy.
Tôi chìa cho Thanh chiếc giỏ tre dùng để đựng cua. Chiếc giỏ này là chiếc ba tôi hay dùng để đựng cá trong các đợt câu cắm. Cứ mỗi lần gỡ câu xong ba đều rửa thật sạch cả cần câu lẫn giỏ rồi giắt tít ở chái nhà sau. Ba bảo cần và giỏ sau khi đựng cá đều sẽ dính mùi tanh, không rửa sạch và giắt lên cao thì cần câu sẽ dễ bị bọn mèo tha đi, giỏ thì dễ bị bọn chuột cắn rách.
Để tìm giỏ cho Thanh mượn, chiều qua tôi đã phải trèo lên tận nóc giàn củi sau chái nhà, còn suýt thì ngã chổng vó. Phải biết rằng giàn củi sau chái nhà không chỉ là nơi gác vài thứ linh tinh như bình phun thuốc sâu của ba hay mấy cái thau thủng đít má để dành bán đồng nát. Nó còn là chỗ má tôi đặt ổ cho lũ gà mái ấp trứng. Mà với bọn gà mái đang ấp, một khi có người hoặc con vật nào tiến đến gần phạm vi ổ của nó thì đều được quy thành kẻ địch. Nếu không phải tôi nhanh chân nhảy xuống khỏi giàn củi kịp thời thì rất có thể đã bị ba chị mái mơ xông đến mổ cho vài cú nhớ đời.
– Trời cao trong xanh sương sớm long lanh. Mặt nước xanh xanh cành lá rung rinh…
Tôi vừa cúi người xắn được một bên ống quần dài thì cái giọng lanh lảnh của Thanh đã cất lên. Bài Ca ngợi tổ quốc qua giọng hát đặc biệt của nó thực sự nghe rất buồn cười. Nếu ai đó bảo tôi cho nhận xét về giọng hát của Thanh thì quả thật không có gì để nói ngoài bốn từ: lệch nhịp nghiêm trọng.
– Ê Thanh, mày be bé cái mồm thôi. Mày gào lên như thế không sợ lũ cua chạy về hang hết à?
Xắn gọn hai ống quần dài lên khỏi gối, tôi nhặt một hòn sỏi nhỏ ném về phía Thanh. Nó lắc người né qua rồi ù té chạy về phía bờ ruộng nhà bác Thông. Hôm nay trời đã hửng nắng sau hơn một tuần mưa dầm, những sợi nắng vàng ươm thi nhau nhẹ nhàng đáp xuống cánh đồng loang loáng nước. Đây cũng chính là thời điểm nhặt cua tốt nhất trong ngày. Bởi khi mặt trời vừa lên, nước vừa ấm, những chú cua sẽ bò ra khỏi hang và nằm “tắm nắng” dọc bờ ruộng. Dù chỉ là những chú cua nhưng thời gian tắm nắng của bọn chúng cũng có quy định rõ ràng, chỉ ra ngoài từ khoảng bảy đến chín giờ sáng. Từ mười giờ trưa, khi nước dưới ruộng đã được mặt trời đun nóng, tất cả họ hàng nhà cua sẽ rủ nhau quay trở về hang. Chính vì vậy để bắt được nhiều cua, chúng tôi cần phải tranh thủ thời gian thật chính xác.
Tuy nói là “tắm nắng” nhưng lũ cua không hề bò lên bờ mà chỉ nằm dọc theo những rãnh dẫn nước được xẻ sẵn dưới ruộng. Mặc dù nằm dưới nước nhưng lũ cua lại vô cùng nhạy bén với tiếng động. Chỉ cần tiếng bước chân hơi lớn hoặc tiếng nước khua mạnh bọn chúng sẽ ngay lập tức trốn vào những chiếc hang đào sẵn dọc bờ. Chính vì vậy mà vừa nãy tôi đã nhắc Thanh nhỏ tiếng. Một phần để dừng giọng hát “thần thánh” của nó lại, phần nữa vì sợ đánh động lũ cua đang nhởn nhơ phía dưới ruộng kia.
– Này Tú, mày đi từ trên này xuống, tao sẽ đi ngược từ phía cuối ruộng lên nhé.
Đôi dép mới coong bị Thanh vứt lại trên bờ, nó dẫm chân trần đi về phía cuối ruộng, đi được mấy bước mới nhớ mà ngừng lại phân chia “địa bàn” với tôi. Giọng nó đè thấp, thì thào hệt như đêm thứ Năm tuần trước, lúc tôi và nó lên kế hoạch sang nhà thằng Toàn trộm ổi. Tối hôm đó, hai đứa đã lên kế hoạch vô cùng kỹ lưỡng, tuy nhiên vì sợ ma mà dự định của chúng tôi ngay lập tức phá sản.
Tôi để chân trần, bước thật khẽ dọc bờ ruộng. Dù nắng đã lên nhưng đám cỏ vẫn còn ngậm sương đêm, những giọt nước trong vắt vỡ ra theo bước chân tôi cọ vào thịt da nghe man mát. Lũ cua vẫn nằm im lim dim dưới nước, tôi cúi xuống, một con, hai con, ba con,…
– Vừa mưa xong mấy hôm đã nắng gắt, hôm nay phải về sớm một tý thôi. Mà mày nhặt được nhiều cua không thế?
Thanh vừa đi vừa đưa chân khua khoắng nước dưới ruộng, chỗ chúng tôi gặp nhau vừa hay ở chính giữa.
– Tao hơn nửa giỏ, của mày nhiều không?
Tôi giở nắp chiếc giỏ tre ra, chìa lên phía trước cho Thanh xem. Lũ cua trong giỏ đang không ngừng bò đè lên nhau tạo nên những âm thanh lạo xạo.
– Há, được đấy chứ, của tao cũng hòm hòm.
Tôi đưa tay xách giỏ cua của Thanh lên. Cái “mõ làng” này lại bắt đầu ba xạo (2), giỏ của nó rõ ràng đã đầy ắp. Thật ra tôi biết tỏng, dù hay mồm mép tép nhảy nhưng bắt cua, câu cá Thanh chính là một tay cừ khôi. Tôi chợt nhớ ra chiều hôm trước ba kể nhìn thấy trong ao nước nhỏ ở hốc Dầu có cá lóc đồng, ngày mai phải rủ Thanh đi khám phá xem sao.
– Bây giờ là chín giờ ba mươi, nửa tiếng nữa mình lùa bò về sớm nha Tú?
Vừa nói Thanh vừa buộc thật chặt phần nắp rồi dìm cả hai giỏ cua xuống nước. Tôi nhanh tay bẻ một bó lá Muồng phủ lên trên mặt nước. Bằng cách này, lũ cua trong giỏ sẽ nằm yên, đỡ dẫm đạp lên nhau và cũng sống lâu hơn.
– Ừ, trưa nay mười hai giờ tao đợi mày ở đầu dốc, đừng có lề mề như hôm qua đấy. Trễ học nữa tao mách má mày.
Tôi thảy bó lá Muồng vừa bẻ xuống đất, bên cạnh, Thanh đã trải xong cái nệm lá của nó. Phía ruộng nước, đàn bò của chúng tôi vẫn say sưa gặm chét. Từ giờ đến lúc lùa bò về tôi và Thanh quyết định sẽ trải lá nằm dưới gốc Muồng đánh một giấc. Vào những ngày nắng gắt như hôm nay, tán Muồng già này chính là thiên đường của lũ trẻ chúng tôi.
– Tao nói này Tú, nếu lúc nào cũng được sáng sáng đi bắt cua, nắng lên thì chui vào bóng cây ngủ một giấc như thế này thì tao nghĩ mình ở đây cả đời cũng được, không cần lớn nhanh để đi xa đâu mày ạ.
Tôi không trả lời Thanh, chỉ nằm ngẩn người nhìn những vạt nắng đang cố gắng đâm xuyên qua tầng lá dày rồi đậu xuống mặt đất. Tôi biết suy nghĩ của mình không giống nó. Dù thế nào thì chúng tôi vẫn phải lớn lên, vẫn phải đi khỏi cái xóm nghèo này để ngắm nhìn thế giới ngoài kia một chốc. Rồi một lúc nào đó, khi thấy mình đã thấm mệt, thấy nhớ nhà da diết, những kỉ niệm ấu thơ của ngày hôm nay sẽ dắt chúng tôi trở lại nơi đây, quay về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
N.
Chú thích:
(1) lúa chét: lúa tái sinh, mọc lên từ gốc rạ
(2) ba xạo: nói sai sự thật
Khanh Vân (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 4891
Truyện nhẹ nhàng, gợi lại kỷ niệm tuổi thơ của nhiều người trong đó có mình...
Khanh Vân (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 4891
Ủng hộ tác giả nhé!. Chúc tác giả có nhiều người đọc
Pandora Box (4 năm trước.)
Level: 5
Số Xu: 35
hay hay, sau khi đọc cả 1 đống sci fi với fantasy đọc truyện nhẹ nhàng kiểu này cx ko tệ
Thiên Anh (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 41
Mùa hè nhiều cua. Bắt cua năm nào cũng bắt tới chán.
Chúc tác giả một ngày vui vẻ nhé.