- Mưa và cẩm tú cầu
- Tác giả: Quách Thái Di
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 442 · Số từ: 4928
- Bình luận: 5 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 5 Nguyên Thảo gieng gieng Rose Trần Ánh Dương Quynh le
Buổi sáng mùa hạ trong lành
Cô chủ vừa mở toang cánh cửa, tôi chạy ngay ra vườn, nơi này đối với tôi là chốn thần tiên như trong truyện cổ Alice. Các bông hoa trong khu vườn đều do một tay cô chủ chăm sóc. Sáng nay khu vườn có vài sự thay đổi nho nhỏ. Cạnh một gờ đá mà cô hay ngồi đọc sách xuất hiện cây con bé xíu. Tôi thông báo tin này cho cô biết. Nét mặt cô vui mừng. Sau đó cô chạy vào trong đem ra bình tưới tưới xuống cây con ấy từng giọt nước lành lạnh, trong veo. Cô chăm sóc ngày này qua ngày khác, cây con lớn dần, lá non xanh mơn mởn và sau nửa tháng hoa bắt đầu bung nở, những cánh hoa màu tím nhạt. Đó là hoa dạ yến thảo. Có một bông sà xuống gần sát mặt đất, ngang mũi tôi. Tôi hít hít vài cái và bỗng thấy chúng thật đẹp, đáng yêu vô cùng, như cô chủ nhỏ của tôi.
Cô tên Cẩm Tú. Là một đứa trẻ bất hạnh. Từ sau cơn bệnh triền miên lúc năm tuổi, cô mất đi giọng nói. Ba mẹ cho cô học ở trường khuyết tật. Cô luôn bị bạn bè chế giễu. Vì thế cô không có lấy một người bạn nào để trò chuyện. Thấy con gái mình suốt ngày làm bạn với hoa cỏ, ba cô đã đem tôi về để cô bầu bạn, đặt tên tôi là Nâu vì đơn giản tôi có bộ lông màu nâu. Cẩm Tú rất thương tôi, nâng niu và chiều chuộng. Có bánh gì ngon cô cũng đều chia sẻ với tôi. Chúng tôi làm bạn được bốn năm. Sự thánh thiện, ngây thơ của Cẩm Tú luôn làm tôi mủi lòng và tôi nguyện sẽ ở bên cô đến khi tôi không còn khả năng sống trên đời này nữa.
Chỉ còn hai tháng nữa là Cẩm Tú bước sang tuổi 17. Cô không nói được nhưng bù lại thượng đế ban cho cô đôi mắt rất đẹp, sáng và tròn cùng với nụ cười lung linh như nắng mùa hạ. Mái tóc buông dài xõa phía sau. Tuy đã gần 17 nhưng cô chẳng khác gì một đứa con nít. Cô thích đọc sách và yêu hoa. Trong phòng ngủ của cô có riêng một ngăn chứa sách, đủ thể loại. Tôi không biết đó là sách gì nhưng tôi biết đó là những cuốn sách quý của cô. Cô giữ gìn thật cẩn thận, đọc xong rồi đặt ngay ngắn lên giá, không làm cho quăn góc.
Thời tiết mùa hạ trong lành thích hợp để dạo phố. Tôi rất khoái được Cẩm Tú dắt đi chơi. Mỗi lần cô mang sợi xích từ trong nhà ra tròng vào cổ tôi là tôi biết giờ đi chơi đã đến. Chúng tôi chẳng đi đâu xa, chỉ loanh quanh trong khu phố. Như thường lệ, tôi đi trước bảo vệ cô dù cho tôi chỉ bằng một phần tư những con becgie to lớn biết rằng khi gặp chúng, mình không thể nào chống cự nhưng sự an nguy của cô chủ còn quan trọng hơn tính mạng tôi.
Nhớ lần trước vì mải chơi, tôi đi xa gặp phải kẻ thù. Đối với tôi, becgie luôn là mối hiểm họa mà tôi cần phải né tránh. Nó đứng ngáng đường tôi. Thân hình cao lớn, những chiếc răng nhọn hoắt khiến tôi khiếp sợ. Tôi phóng đi, thật may là tôi nhỏ con nên chui tọt vào trong một cái hang. Ở trong này rất tối, bốn chân tôi run cầm cập. Đưa mắt nhìn ra ngoài qua lỗ hang, becgie vẫn đứng đấy, đi qua đi lại, những tiếng gầm gừ rít ra từ trong cổ họng có lẽ nó rất tức giận vì đã để sổng mất con mồi. Lâu thật lâu, con quái vật khủng khiếp ấy rời đi vì đã mất hết kiên nhẫn, tôi nhân cơ hội chui ra khỏi hang và chạy một mạch về nhà, không dám nghĩ tới việc ngoái đầu lại nhìn xem thử nó có đuổi theo không. Nghĩ đến bọn người ăn thịt chó mà tivi thường nói, tôi không khỏi rùng mình.
Đứng trước ngã tư, tôi định đi thẳng nhưng Cẩm Tú lại rẽ phải. Cô dừng trước một căn nhà có giàn bông giấy trên cao. Cô ngắm mãi, tôi cũng ngước cổ nhìn và thấy giàn hoa giấy không đẹp bằng khu vườn nhà tôi. Chiếc lá lìa cành, chao lượn một vòng rồi rơi xuống nép mình bên gốc cây ven đường. Phố xa nhộn nhịp, người lớn đi làm, trẻ nhỏ thì đi học. Chúng tôi bước trên vỉa hè. Mùi thức ăn thơm phức xộc vào mũi tôi. Nhưng trước khi đi tôi đã ăn no đến căng cả bụng nên dù thèm tôi vẫn không thể nào nạp thêm vào dạ dày bất cứ thứ gì được nữa.
Vào công viên, bọn trẻ con trông thấy tôi, chúng liền reo vui thích thú. Chúng xin phép cô chủ để nựng tôi. Có đứa còn kéo căng cả hai tai của tôi, đau điếng nhưng tôi chỉ biết chịu trận, không dám cắn người lung tung vì nếu tôi làm vậy, Cẩm Tú sẽ nghĩ tôi là con chó hoang hung ác. Bọn nhóc loai choai ấy chọc chán rồi cũng bỏ đi nơi khác. Cẩm Tú ngồi xuống chiếc ghế đá, chăm chú lên tán phượng đỏ chói chang.
Chúng tôi tiếp tục đi, ngang qua quán cà phê Chuông gió, Cẩm Tú lại dừng bước nhưng không vào. Cô lắng nghe một bài nhạc trữ tình phát ra từ phía bên trong. Cô chủ của tôi thật lạ, dường như thế giới này, cuộc sống này đối với cô toàn một màu lạ lẫm. Có lẽ vì từ nhỏ cô không được tiếp xúc cũng như chưa một lần bước chân ra ngoài xã hội. Tôi nhìn thấy đồng loại của mình đứng cách tôi một quãng ngắn, mắt tôi rực sáng. Chú cún ấy bé xíu và đáng yêu như tôi vậy. Tôi không nói khoác, khách của ba Cẩm Tú tới nhà đều khen tôi dễ thương. Tôi lấy làm hãnh diện về bản thân mình.
Tôi buông tay cô chủ và chạy đến bên bé cún với màu lông trắng muốt đang nhìn tôi từ nãy tới giờ. Rượt đuổi lòng vòng, tôi nhận ra mình đi lạc. Những con đường xa lạ, những dãy phố quanh co, các tòa nhà cao ngất còn tôi thì quá bé nhỏ. Tôi bắt đầu lo sợ, sợ lọt vào tay những kẻ xấu xa. Cẩm Tú không tìm thấy tôi chắc cô cuống quýt và lo lắng đến phát sốt. Phải làm sao đây? Tôi hoang mang và đưa ra kết quả sau cùng. Tôi ngồi bằng hai chân sau ở một góc phố lạ hoắc, hy vọng Cẩm Tú sẽ đến. Tôi là một chú chó thông minh, biết rằng nếu ngay lúc này tôi đi tiếp không chừng sẽ càng lạc xa hơn nữa.
Đợi rất lâu, tôi nhìn từ phía xa Cẩm Tú đang chạy đến, vẻ mặt hốt hoảng. Tôi vẫy đuôi rối rít. Khi lại gần cô liền ôm chầm lấy tôi. Nước mắt cô rơi ướt lông tôi. Đó là lần đầu tiên tôi thấy cô khóc. Tôi chẳng muốn như thế, gương mặt cô chỉ dành cho nụ cười mà thôi. Tôi tự nhủ lần sau sẽ không tái phạm nữa. Cô bế tôi trên tay, ra về. Tôi chiêm ngưỡng vạn vật qua một thế giới khác, thế giới khi được ở trong lòng cô chủ. Tôi không sợ xe, cũng chẳng sợ lạc đường. Tôi cảm thấy cuộc sống thật là bình yên.
Sinh nhật tuổi 17
Ba của Cẩm Tú là thầy giáo dạy trường cấp ba. Tối nào Cẩm Tú cũng đem ghế ra ngoài hàng hiên, nghe ba mình kể chuyện quá khứ. Ông có một giọng nói ấm áp. Mọi ngày Cẩm Tú nghe ba mình kể được nửa câu chuyện đã ngủ thiếp đi. Đêm nay gió mát. Những vì sao chiếu sáng khắp nhân gian. Cẩm Tú hào hứng vì hôm nay ba cô sẽ kể nguyên nhân ông đến với nghề giáo. Tôi nằm dưới chân ghế cô, nghe lõm bõm được vài câu. Mẹ cô đem ra dĩa trái cây, Cẩm Tú ném cho tôi một miếng táo.
Thật ra ba cô chỉ ước muốn làm nhà báo. Từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, ông đã tập tành viết lách, gửi đi và được nhận nhuận bút. Ông có lối hành văn bay bổng nên lần nào cũng được chọn. Những tờ báo ấy được Cẩm Tú cất giữ kỹ lưỡng đến tận ngày hôm nay dù cho trang giấy đã úa màu. Tốt nghiệp lớp 12, mẹ ông tức là bà nội của Cẩm Tú đưa ra cho ông hai sự lựa chọn. Một là đăng ký vào ngành Sư phạm theo nghề gõ đầu trẻ đến khi về hưu. Con đường thứ hai là du học. Ông yêu mảnh đất nơi ông sinh ra và lớn lên, yêu những con người nơi đây, nơi ông đã trót thương trót nhớ một cô gái. Vì vậy ông đành chọn phương án đầu tiên.
Cánh cửa đại học rộng mở. Tuy vậy ông vẫn không từ bỏ niềm đam mê của mình. Vẫn thỉnh thoảng viết bài rồi gửi đến tòa soạn. Số tiền ông kiếm được đủ để ông trang trải cho cuộc sống sinh viên nghèo khó. Ông muốn tự lập, không cần đến sự trợ giúp của bất kỳ ai dù là gia đình ông. Tôi nghĩ rằng quyết định của ông ngày ấy là hoàn toàn đúng đắn. Nếu ông ra nước ngoài hẳn ông đã không có một tổ ấm hạnh phúc cho riêng mình như bây giờ.
Ông xoa đầu Cẩm Tú. “Con gái à, hãy nhớ kĩ điều này, khi cơ hội đến cố mà nắm bắt đừng chần chừ kẻo nó vuột mất đấy.”
“Ba kể tiếp đi, vì sao ba cưới được mẹ, nếu như ngày đó ba đi thì liệu rằng ba có hối hận không?” Cẩm Tú dùng những ngón tay để diễn đạt. Cô học được từ trường khuyết tật.
Ông trầm ngâm. “Ba cũng không biết nữa, tất cả mỗi chúng ta đều đã được sắp đặt bởi bàn tay số phận. Có thay đổi cũng không làm gì được.”
“Mẹ yêu ba như vậy chắc chắn mẹ sẽ chờ ba.”
“Cuộc đời không đoán trước được chữ ngờ, cứ cho là mẹ con sẽ chờ ba nhưng gia đình bên mẹ thì sao. Có người cha người mẹ nào lại muốn con cái mình hoài phí tuổi xuân cho một người không biết khi nào sẽ trở về.” Ông uống ngụm trà, sau đó nói. “Tương lai nằm trong tay con, con hãy tự quyết định. Dù cho con chọn điều gì thì ba mẹ vẫn ủng hộ con.”
Ông là một người cha tuyệt vời. Tôi nghĩ thế và tôi tin Cẩm Tú cũng nghĩ thế. Khi đó tôi thấy cô cười thật tươi cùng cái gật đầu kiên định. Khoảnh sân trước nhà bỗng xuất hiện một vòng tròn. Tôi chạy tới đốp ngay, dùng hai chân cào mạnh mà vòng tròn ấy vẫn không lung lay. Cẩm Tú bật cười khanh khách, chỉ tay lên trời. Tôi nhìn theo sau đó nhìn xuống cái vòng tròn bên dưới. Hóa ra đó là cái bóng của ánh trăng. Tôi cụp đuôi, phóng ba bước về lại chỗ cũ.
Cuối tuần này là sinh nhật Cẩm Tú tròn mười bảy tuổi. Sáng sớm mẹ cô đã xách giỏ đi chợ. Bà nói sẽ nấu thật nhiều món ngon mà Cẩm Tú thích nhất. Tất nhiên tôi cũng có phần. 6 giờ 30 phút, chính giữa bàn ăn thịnh soạn là chiếc bánh gato thật to với mười bảy ngọn nến cắm xung quanh. Cẩm Tú bước ra, cô mặc chiếc đầm màu xanh da trời. Tôi đứng ngây ra đó. Khi cô gọi tôi mới lon ton chạy tới. Vì thấp quá nên tôi cố nhảy lên chiếc ghế đẩu mà tôi thường nằm để sưởi nắng cơ thể. Như vậy tôi mới nhìn rõ hơn.
Buổi tiệc sinh nhật không có bạn bè nhưng Cẩm Tú không hề buồn bã. Với cô đón sinh nhật cùng với ba mẹ đã là một ân huệ lớn rồi. Cẩm Tú chắp tay nguyện ước, không biết cô ước gì, chỉ thấy khóe môi cô cười mỉm. Sau đó cô cúi đầu thổi tắt nến. Ba mẹ cô lần lượt đem những món quà mà họ đã chuẩn bị sẵn tặng cho cô. Món quà mà cô thích nhất là chậu hoa cẩm tú cầu mà ba cô đi công tác ở Hà Nội mua đem về. Cô đặt chậu hoa kế bên chậu dạ yến thảo. Tưới chúng mỗi bình minh. Không bao lâu cẩm tú cầu nở hoa. Từng cánh khoe mình đón nắng sớm. Rạng rỡ và lung linh.
Thế giới bình lặng của tôi…
Ba đi dạy. Mẹ bận kiểm kê hàng hóa ở shop thời trang. Chỉ còn mỗi tôi và Nâu. Căn nhà trống vắng một cách lạ thường. Tôi mang sách ra vườn đọc. Nâu lọt tọt theo sau. Nâu tuy nhỏ nhắn nhưng chạy rất nhanh. Có lần tôi chọc cậu để cậu rượt đuổi tôi quanh khu vườn. Chạy mệt, tôi gối đầu lên cỏ, ngắm vài vạt mây trôi lửng lơ. Nâu nằm bên cạnh. Cậu quấn quýt tôi không rời. Khi tôi nằm võng đọc sách, khi tôi tưới cây, những lúc tôi mang giá vẽ ra bãi cỏ… Chúng tôi cùng sống với nhau như những người bạn thật sự. Có Nâu bên cạnh, cuộc sống của tôi bớt cô đơn.
Tôi yêu thiên nhiên, yêu hoa cỏ muốn hòa mình cùng trời đất nên những bức tranh tôi vẽ hầu hết là phong cảnh. Tôi cũng hay mơ mộng. Có đôi lúc tôi ngồi ở ban công nghĩ về tương lai, về những bức vẽ của tôi được cả thế giới biết đến, về chàng hoàng tử bước ra từ trong cổ tích… Dẫu biết những ước muốn ấy có đôi chút viễn vông và ngốc nghếch nhưng tôi vẫn cứ mơ vì có ai cấm con người không được phép mơ ước đâu.
Mỗi lần đi học về, Nâu luôn đợi tôi ở đầu ngõ. Sau đó chúng tôi sẽ cùng nhau tung tăng vào nhà. Khu phố tôi ở lắm con nít. Trông thấy tôi chúng đồng thanh kêu. “Ê, con câm kìa tụi bay!” Tôi chỉ biết lầm lũi đi. Giấu nỗi buồn đằng sau những nụ cười giả tạo khi ba tôi hỏi. “Có chuyện gì mà mặt con buồn vậy?” Tôi lắc đầu. Trong khi chờ mẹ dọn bữa tối, ba kể một vài câu chuyện vui ở lớp ông đang dạy. Ví như cô bạn mập ú ham ăn lúc nào cũng giấu ô mai trong ngăn bàn, anh chàng để tóc hai mái ưa làm thơ trong giờ toán hay cô nàng điệu đà thích sơn móng tay đến lớp dù cho ba tôi có bắt làm bản kiểm điểm lần thứ n vẫn chứng nào tật nấy. Ông kết luận, thở dài thườn thượt. “Tuổi học trò lắm chiêu nghịch phá, ba hết nói nổi rồi.”
“Vẫn có học sinh gương mẫu chăm học chứ ba?” Tôi nheo mắt.
Ba tôi đăm chiêu có vẻ như suy nghĩ điều gì đó lung lắm rồi ông à lên một tiếng, khẽ cười. Ông kể về anh chàng học giỏi nhất lớp và có rất nhiều cô gái vây quanh, tên Vũ. “Cậu ấy giải toán cực nhanh, ba chỉ vừa mới viết đề lên bảng, quay xuống cậu ấy đã đem bài lên nộp. Một chàng trai xuất sắc, tương lai sẽ xán lạn lắm đây.”
“Hẳn cậu ấy là học trò cưng của ba?”
“Đúng thế. Ba thật tự hào khi có một đứa học trò như thế.”
Chưa bao giờ ba tôi nói về ai mà khuôn mặt hớn hở, phấn khích như anh chàng này. Chắc hẳn Vũ khiến ba tôi nở mày nở mặt với bảng thành tích học tập và trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố hay cấp tỉnh. Không dưng trong lòng tôi dâng lên một niềm cảm mến dành cho Vũ. Tôi thật hiếu kỳ, muốn biết mặt Vũ ra sao. Nhưng phải làm cách nào đây?
Chàng trai đến từ cơn mưa
Thật ra không chỉ có riêng Cẩm Tú mà ngay cả bản thân tôi cũng muốn xem mặt mũi anh chàng tên Vũ trông như thế nào. Là ai mà khiến cô chủ nhỏ ngày đêm thẫn thờ. Rất nhiều lần tôi tình cờ thấy cô vẽ chân dung một người. Không ưng ý nên cô vẽ rồi lại xóa đi. Theo như những gì ba cô tiết lộ, Vũ là học sinh thiên tài, lớn hơn cô một tuổi đang ôn thi đại học, gia cảnh giàu có. Tôi chỉ biết có bấy nhiêu đó thôi, muốn nhận xét kĩ hơn nữa có lẽ phải đợi dịp gặp gỡ.
Có một hôm mẹ Cẩm Tú gọi cô vào nhà nhưng cô dường như không nghe thấy cứ ngồi mãi ở ngoài vườn, trên tay còn cầm cây bút chì, ngẩn ngơ suốt buổi. Cánh chuồn chuồn đậu trên vai cô, cô vẫn không hề hay biết.
Buổi sáng trời mát mẻ nhưng khi chiều buông, bầu trời kéo mây đen. Không gian trở nên u tối. Tôi đang nhởn nha đi dạo trong vườn, ngửi mùi đất thì bỗng nghe một tiếng sấm lớn vang rền. Tôi giật mình chạy ào vô nhà. Cùng lúc đó mưa bắt đầu rơi xuống, từng hạt nhẹ nhàng mỏng manh rơi ào ào như thác lũ. Tôi không thích mưa tẹo nào vì mưa sẽ làm ướt lông tôi. Cẩm Tú thích vuốt ve bộ lông mềm mại của tôi nên tôi tuyệt đối không để chúng ướt dù chỉ một giọt. Ngược lại, Cẩm Tú khoái ngắm mưa. Cô thường đứng bên cạnh lan can, đưa tay ra hứng những giọt nước mưa trong veo. Trong chốc lát tay áo cô ướt nhẹp, tóc cô cũng thế nhưng nụ cười luôn nở trên môi. Mưa có gì đẹp đâu chứ, đường xá lầy lội, bãi cỏ ẩm ướt làm tôi không thể nào nằm phơi nắng. Nói tóm lại có rất nhiều lý do để tôi ghét mưa.
Nhìn ra bên ngoài qua lỗ ban công, tôi thấy có người đứng trú mưa trước cổng rào. Chàng trai trẻ măng, sáng sủa. Cậu cởi áo khoác giũ phành phạch rồi vắt lên chiếc xe đạp để bên cạnh, là kiểu xe đạp leo núi. Bất thình lình cậu đưa mắt vào trong nhà, đảo một vòng rồi dừng lại ở Cẩm Tú. Cậu nhìn thật lâu, đôi mắt không chớp.
Mưa tạnh, trời hửng nắng. Chàng trai lúc nãy biến mất, không để lại dấu vết. Nhưng tôi để ý mỗi khi trời mưa cậu lại xuất hiện vẫn là chiếc áo khoác bụi bặm, vẫn là kiểu xe đạp leo núi và đứng ở vị trí cũ. Cẩm Tú không hay biết có người nhìn lén mình. Cô mải vui chơi, đùa nghịch cùng những bóng nước. Những hành động, cử chỉ ngô nghê của cô đều nằm trong tầm mắt của chàng trai trú mưa. Ban đầu tôi định sủa vài tiếng nhưng nhìn vóc dáng thư sinh kia cùng gương mặt phúc hậu đích thị không phải là kẻ trộm rồi. Tôi đành im lặng với lại tôi không muốn làm Cẩm Tú mất hứng, chỉ nằm im lắng nghe khúc mưa rơi tí tách trên mái nhà.
Từ những lá thư…
Cơn mưa mùa hè lướt thướt đi qua và trong khoảng thời gian ấy tôi cất giấu cho riêng mình những ký ức bé xíu về một người bạn tôi chưa được biết mặt chỉ nghe qua lời kể của ba tôi. Tận trong sâu thẳm trái tim tôi luôn tin một ngày đẹp trời nào đó tôi sẽ gặp gỡ và làm quen được với cậu.
Nâu đang nằm ngoan trong lòng tôi bỗng nhảy vọt xuống. Chắc là lại chơi bời ở đâu đó. Mỗi lần đi chơi về toàn thân Nâu dính đầy bùn đất. Không biết cậu chui ra từ cống rãnh hay từ bãi rác nữa, tôi lại phải mắc công tắm rửa. Lúc tôi tát nước lên mình cậu, đôi tai cụp xuống, cả cơ thể run bần bật. Tôi vội lấy khăn trùm lên, nhanh chóng lau đi cho bộ lông xù ấy bớt ướt sau đó đặt cậu lên một cái ghế đặt ở ngoài vườn, nơi có nhiều nắng nhất.
Nhưng hôm nay không hiểu sao Nâu chỉ đi chơi một lát rồi về, miệng còn ngậm một mảnh giấy gấp làm đôi. Tôi cảm thấy lạ, ngoảnh đầu về phía cửa rào. Nơi ấy có một chàng trai đang đứng. Trông thấy tôi anh bối rối, gãi đầu và nhoẻn miệng cười với tôi. Nụ cười khiến tim tôi đập nhanh hơn thường ngày. Tôi đọc nội dung mà anh viết trong tờ giấy trắng tinh. Nét chữ bay bổng. Chào cô bé thích ngắm mưa, anh tên Vũ, anh có thể biết tên em được không?
Tên Vũ ư? Sao trùng hợp thế nhỉ? Không muốn để người đứng bên ngoài đợi lâu, tôi trả lời với hai chữ ngắn gọn. Cẩm Tú. Sau đó nhét tờ giấy vào mồm cún con. Cậu phóng ào ra tới cổng, thả mảnh giấy xuống dưới chân Vũ. Tôi quan sát. Vũ nhặt mảnh giấy lên, bàn tay thon dài mở ra, miệng khẽ cười. Anh hí hoáy viết. Nâu trở thành chú chó đưa thư kết nối chúng tôi xích lại gần nhau. Chúng tôi viết về những điều gần gũi trong cuộc sống, đầu tiên là về gia đình, trường học lúc sau chúng tôi chuyển chủ đề về những khát khao, hoài bão. Mảnh giấy chi chít chữ.
Anh từng có một ý nghĩ sau khi tốt nghiệp 12 sẽ đi bộ vòng quanh thế giới. Khi anh nói lên ý tưởng này gia đình anh đều cho là điên rồ. Nhưng có một người nhận xét đó là một ý tưởng đặc biệt. Theo lối suy tư của những người lạc quan, đặc biệt không phải là bất thường, là điên khùng mà được gọi là sáng tạo. Người đó là thầy giáo của anh. Bất kể anh làm chuyện gì, thầy cũng ủng hộ.
Câu nói này sao quen vậy? Tôi nghĩ ngợi lan man rồi viết vào giấy một câu hỏi. Vậy kết quả cuối cùng của anh là gì?
Dĩ nhiên là khi cơ hội đến anh sẽ nắm lấy.
Mảnh giấy được chuyền qua chuyền lại cho tới tận khi đèn đường bật lên. Cả khu phố sáng bừng. Vũ tạm biệt tôi rồi ra về. Trước khi đi anh còn nhắn lại. Ngày mai anh sẽ đến dù trời có mưa hay không?
Tôi tin vào lời nói ấy. Để rồi hai ngày liên tiếp, Vũ không đến. Mưa chỉ lắc rắc vài hạt. Tôi nhìn đóa cẩm tú cầu run rẩy trong mưa, chợt nhận thấy tâm hồn mình ủ dột và chán chường. Có một ngày mưa dai dẳng đến tối mịt. Tôi ngồi chống cằm bên cửa sổ, vu vơ nghĩ. Có lẽ nào Vũ là kẻ thất thứa? Mẹ tôi thường dặn không nên đặt quá nhiều niềm tin vào một người nhất là người lần đầu tiên gặp mặt. Về sau khi người không còn thì vẫn còn chút niềm tin ít ỏi của chính mình để mà bấu víu vào. Nâu cuộn tròn trên chiếc ghế sofa, ngủ ngon lành. Vũ hiện ra giữa màn mưa trắng xóa, cười hiền rồi sau đó biến mất. Hóa ra chỉ là ảo ảnh.
Dẫu biết những cuộc gặp gỡ trên thế gian đều mỏng manh và không biết ngày chia ly nhưng sao tôi vẫn cứ ngóng chờ.
Điều kỳ diệu mang tên Định Mệnh
Nếu kiếp này định sẵn là có duyên thì sợ gì không gặp lại nhau.
Buổi chiều hôm ấy, tôi về nhà sau khi tan lớp học thêm. Bất ngờ một cơn mưa đổ ập xuống. Không báo trước nên tôi không mang theo áo mưa. Mà thật ra tôi rất lười cập nhật thông tin, chẳng bao giờ nghe dự báo thời tiết trên đài để biết ngày nào mưa, ngày nào thì nắng. Con đường tôi đang đi có rất nhiều mái hiên nhưng không hiểu sao tôi chỉ trú mưa dưới mái hiên ngôi nhà đó. Hình ảnh cô gái cột hai bím tóc đứng bên ban công lơ đễnh ngắm mưa đã in sâu vào trong tâm trí tôi.
Người ta nói tình yêu sét đánh chỉ là thoáng qua và không đọng lại gì nhưng trái tim tôi lại đập lỗi nhịp vì em. Chính điều ấy thôi thúc tôi phải viết thư làm quen và nhờ chú cún nhỏ gửi giùm. Thật may là bé cún đã không ngoạm luôn mất lá thư của tôi.
Qua ngày hôm sau, tôi đến nhà Cẩm Tú như đã hẹn. Được nửa đoạn một người đàn ông uống rượu say đã lao thẳng xe vào tôi. Chết tiệt, ông ta không có mắt sao. Dù say xỉn nhưng vẫn thấy đường chứ, tôi có phải người vô hình đâu. Rất may tôi chỉ bị gãy chân nhẹ nhưng phải nằm viện để bác sĩ theo dõi. Vụ tai nạn khiến tôi không thể gặp được Cẩm Tú. Em có coi tôi là kẻ không giữ lời? Nằm trên giường bệnh tôi chỉ mong mình mọc thêm đôi cánh để bay đến bên em giải thích rõ ngọn ngành.
Buổi sáng âm u. Tôi xuất viện. Về nhà cất đồ đạc, tôi định bụng sẽ đến nhà Cẩm Tú. Chưa bước ra cửa thì thầy Hoàng đến thăm tôi. Đó là một người thầy mà tôi luôn kính trọng. Thầy có cách giáo huấn riêng biệt và tôi tự hào khi được làm học trò của thầy.
Một tuần sau.
Quan hệ giữa tôi và Cẩm Tú ngày càng thân thiết hơn. Tôi không còn đứng ngoài cổng nhờ bé Nâu đưa thư mà được Cẩm Tú mời vào trong nhà hẳn hoi. Tất nhiên là tôi không dám đi lung tung. Chỉ ngồi xích đu trò chuyện với em ngoài vườn. Nâu rất quý tôi, mỗi lần thấy tôi đến cậu vẫy đuôi rối rít. Khi đã trở thành một người quen thuộc trong mắt Nâu, tôi thường đem cho cậu một ít bánh quy.
Tôi ngạc nhiên khi mỗi lần tôi hỏi gì, Cẩm Tú cũng đều lắc đầu hoặc gật đầu. Lẽ nào em vẫn còn ngại? Như vậy thì tôi sẽ rất khó xử trong việc giao tiếp. Cẩm Tú chuyền qua tôi một mạnh giấy, em bảo rằng em bị câm từ nhỏ. Tôi lặng người đi. Biết được nỗi bất hạnh mà em phải gánh, tôi càng thương em nhiều hơn. Tôi muốn mang đến em hạnh phúc, cả chặng đường còn lại sau này.
Cuộc sống có rất nhiều chuyện thú vị, bất ngờ không thể tả. Buổi tối thứ bảy, sau trận mưa gột rửa thành phố. Thầy Hoàng bảo tôi đến nhà để thầy đưa file toán học mà thầy soạn sẵn và lưu trong USB. Con đường đến nhà thầy vô cùng quen thuộc. Dù trời tối nhưng tôi vẫn nhận ra, là con đường mà hằng ngày tôi vẫn đi gặp người con gái của lòng tôi. Thì ra Cẩm Tú chính là con của thầy Hoàng. Sau ít phút ngạc nhiên tôi bật cười khanh khách. Cẩm Tú tiễn tôi về, tôi ghé sát em thì thầm. “Cho anh làm con rể của ba em nhé!”
Hoa đã nở trong tim
Tôi xôn xao khi nghe Vũ báo tin anh sẽ ra Hà Nội học. Đó là sự lựa chọn của anh, tôi không có quyền gì ngăn cản dù cho những ngày tháng sắp tới tôi sẽ nhớ anh rất nhiều.
Buổi sáng đầu tháng Năm, tiết trời khô ráo. Nắng xuất hiện sau những ngày mưa gió. Vũ đến nhà tôi thật sớm, xin phép ba mẹ để đưa tôi đi tản bộ. Chúng tôi nắm tay nhau bước dọc con đường trồng rất nhiều hoa mười giờ. Tôi chợt nghĩ đến chậu hoa cẩm tú cầu, giờ chúng ngày một tươi tốt, tỏa hương thơm ngào ngạt. Vũ im lặng. Đi bên cạnh anh thật tuyệt vời. Bàn tay ấm áp đan chặt tay tôi không rời. Tôi ngước nhìn gương mặt bình thản của anh. Tôi biết anh rất buồn, anh phải đắn đo và suy nghĩ kĩ lắm mới đưa ra quyết định ấy. Vũ từng tâm sự với tôi rằng khi cơ hội đến nhất định không được từ bỏ.
Tôi dừng lại, bước lên đứng đối diện với Vũ, thể hiện lời mình muốn nói bằng các ngón tay. Tôi tin Vũ sẽ hiểu. “Cuộc sống rất kỳ diệu, có thể đoạn đường phía trước của em và của anh sẽ gặp nhiều chông gai nhưng hoa đã nở ở trong tim rồi, thì gian nan không là gì cả.”
Vũ mỉm cười. Tôi nhón gót, chạm vào bờ môi anh.
Tâm Trần (10 tháng trước.)
Level: 8
Số Xu: 2394
Trần Ánh Dương (10 tháng trước.)
Level: 8
Số Xu: 9819
Rose (1 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 121
gieng gieng (1 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 3457
Nguyên Thảo (1 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 1486