- Ngày 1 Tháng 4 Năm 1991
- Tác giả: Việt Lang Ngô Nhân Kiệt
- Thể loại:
- Nguồn: Sáng tác
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 2.635 · Số từ: 2705
- Bình luận: 9 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 12 Minh Hàn Xanh Tiểu Long Thiên Hàn Mai Tử Endoh Makino Xoài Xanh Tô Mộc Dương Cô Hồn Gấm Nguyễn Là Liễu Tuệ Vũ Trang Nari
NGÀY 1 THÁNG 4 NĂM 1991
~ Việt Lang Ngô Nhân Kiệt ~
26 năm sống ở Mỹ.
Không biết tự bao giờ nhiều người Việt dùng ngày 1 tháng 4 làm ngày cá tháng Tư như người Mỹ. Riêng đối với tôi, ngày 1 tháng 4 là ngày kỷ niệm lần đầu tiên đặt chân đến đến xứ Hoa Kỳ để bắt đầu cuộc sống mới. Thấm thoát đã 26 năm rồi nhỉ. Lúc bấy giờ tôi mới hơn 10 tuổi nên bây giờ không còn nhớ rõ chi tiết…
Tôi còn nhớ khoảng giữa tháng 3 năm 1991, gia đình bốn người gồm bố, mẹ, tôi và đứa em trai từ giã Long Điền thân yêu để lên Sài Gòn ở với bác Thảo, chị của bố tôi, vài ngày trước khi lên máy bay. Cuộc chia ly trong muôn ngàn tiếng khóc và giọt nước mắt. Lúc bấy giờ tôi khóc chỉ để mà khóc chứ không rõ tại sao mình lại khóc. Những năm trước đó trong khi bố tôi làm giấy tờ để xin sang định cư ở Mỹ tôi mừng thầm trong lòng vì mình có cơ hội đến một xứ mà lúc bấy giờ ai ai cũng cho là một thiên đường.
Một điều lạ rằng không phải lúc nào tuổi thơ của tôi cũng muốn đi Mỹ. Bà con hàng xóm lúc bấy giờ thường đồn đại với nhau rằng bên Mỹ có rất nhiều người mang bệnh SIDA (AIDS). Tôi không muốn mang bịnh SIDA vì bịnh đó không có thuốc chữa. Do đó tôi không muốn đi Mỹ. Mãi sau này tôi mới biết phải có lối sống hút chích và phóng túng ở mặt tình ái mới dễ dàng mắc phải.
Thế nhưng, buổi sáng tháng 3 ấy, cả nhà từ trên xuống dưới, từ già đến trẻ ôm nhau khóc ròng. Tôi ngồi ở nhà dưới, cạnh cái máy vắt sổ mẹ tôi vẫn dùng hàng ngày để sinh sống mà sụt sùi nhìn người chị họ tên Mai của tôi đang lã chã như mưa. Tôi chợt vọt miệng nói ra một câu, có lẽ bị ảnh hưởng do cải lương:
– Ra đi không một ngày trở lại.
Hai chị em đang khóc với nhau, nghe tôi nói, cùng phá ra cười. Nhưng chợt nghĩ lại và thấm câu nói hơn, thế là càng khóc lớn.
Mấy ngày trôi qua, đến rạng sáng ngày 23 tháng 3 năm 1991, họ hàng chòm xóm từ Long Điền do cậu Ba Bé chở bằng xe đò lên Sài Gòn để đưa gia đình tôi ra Tân Sơn Nhất. Có lẽ khóc đủ rồi nên lần này không còn ai bịn rịn. (Lúc đó huyện Long Điền còn thuộc tỉnh Đồng Nai, mãi sau này mới tách Bà Rịa Vũng Tàu ra khỏi tỉnh Đông Nai và lập tỉnh riêng.)
Lần đầu tiên trong đời được đi máy bay, tôi vừa mừng vừa sợ. Lỡ máy bay nó rớt thì làm sao? Máy bay nó có hư giữa đường như xe đò bị hư không ta?
– Mẹ ơi con sợ máy bay rớt!
Đó là câu nói của đứa em trai hơn 7 tuổi của tôi. Nó dám nói ra, tôi thì sợ quá không dám nói.
Không rõ lúc đó chính quyền VN làm việc ra sao mà số hành khách nhiều hơn số ghế. Nhiều người phàn nàn đòi trả tiền vé lại. Vì không đủ ghế nên người lớn ngồi một ghế, còn con nít như tôi và em tôi thì hai người một ghế.
Trên đường qua Thái Lan, nhiều lúc máy bay bị giằng, tôi cứ sợ nó rớt. Lúc đó chắc là mặt mày xanh như tàu lá.
Đến trưa ngày 23 tháng 3 thì đám xuống phi trường ở Vọng Các, Thái Lan. Sài Gòn nóng, má ơi, Vọng Các còn nóng hơn. Nóng khủng khiếp. Dù sao tôi cũng là dân Long Điền, từng có thành tích đi chân không, đầu chẳng nón, dang nắng để lội ruộng lội ao câu cá, bắt cua và có khi… hái trộm trái cây. Tôi mà sợ nắng nóng à?
Cái nóng của Vọng Các nó oi bức, khó chịu làm sao. Nóng thì khát nước. Khi khát nước tôi chỉ ước mong sao uống được một ly nước đá lạnh thì mới cảm thấy đã. Nhưng có ai lúc đó biết Vọng Các nóng thế nào cho đến khi nó ập vào người. Bố mẹ tôi có đem theo nước, nhưng là nước ngọt. Rõ hơn là chai Coca Cola lại 2 lít. Nhờ có Vọng Các chào đón quá nồng nhiệt mà mấy chai chai nước cũng nóng theo. Càng uống càng khát.
Ở phi trường Vọng Các khoảng một tiếng gì đó thì được đưa lên xe chở về trại tập trung. Tôi gọi trại tập trung vì sự thật tôi không biết phải gọi như thế nào. Thời bấy giờ, những ai di cư sang Mỹ theo diện H.O. như gia đình tôi đều phải sang Thái Lan ở khoảng một tuần rồi mới lên máy bay đi đến nơi cần đến.
Những người Việt đi Mỹ như thế, đều ở trong trại tập trung như thế. Không một ai được ra ngoài trại, giống như trại giam.
Trại có năm tầng, gia đình tôi ở tầng thứ tư. Mỗi ngày được chính phủ Thái Lan đài thọ ba buổi ăn, mỗi buổi ăn sang cả gồm có: bát cơm nóng và trứng gà luộc. Sáng trưa chiều mỗi người có tổng cộng ba bát cơm nóng và ba quả trứng gà luộc. Ở Thái Lan một tuần mà nó ngán đến tận gáy. Những ai có đem theo mì gói như gia đình tôi, được mọi người xung quanh kính nể vô cùng. Có mì gói, có bột nêm. Ăn trứng gà luộc với bột niêm dễ nuốt hơn. Mì gói được dùng làm canh để ăn với cơm.
Lúc bấy giờ mì gói là thượng phẩm.
Anh em tôi chẳng có gì làm, đi la cà từ từng một đến tầng năm, rồi từ tầng năm trở xuống tầng một. Hôm nào cao hứng thì chơi bài cào hoặc đánh tiến lên với những đứa trẻ khác cùng tuổi. Có bài bạc thì có cá độ. Đám nhóc chúng tôi cá độ với nhau bằng cách uống nước. Đứa nào thua đứa đó uống. Ban đầu còn rót đầy ly, chơi một hồi no nước nên rót chỉ ngập đáy.
Những gia đình nào có đem theo nước ngọt như gia đình tôi, uống xong giữ lại chai để đựng nước uống chứ không có quăng.
Tôi còn nhớ những lúc ra chơi ở trường tiểu học Long Liên, bạn bè tụm năm tụm ba lại nhảy dây thun, hoặc búng thun, hoặc ném thun, vân vân. Cọng thun là một món đồ chơi không thể thiếu của bất cứ một đứa trẻ Việt Nam nào thời đó. Trại tập tung ở Thái Lan, thun không hề thiếu.
Hằng ngày, tôi lặn lội khắp năm tầng lầu của trại để nhặt thun kết thành sợi. Cứ năm cọng một, kết lại với nhau. Một tuần lễ mà tôi có đến mấy ngàn cọng thun, kết lại thành một sợi dài. Nếu cả trường Long Liên lúc bấy giờ biết tôi có từng ấy thun, không đứa nào không khỏi trầm trồ và ghanh tỵ.
Tôi đem sợi thun dài ấy đến xứ Cờ Hoa. Thỉnh thoảng đem ra chơi nhảy dây với đứa em và mấy người bạn. Khoảng năm 2000, 2001, em trai tôi dùng sợi thun ấy tập thể dục bằng cách nhảy qua nhảy lại, giống như hồi còn ở Long Điền nhảy dây. Mấy năm trước sợi thun ấy vẫn còn, nhưng vì lâu ngày nên từng cọng thun bị mục và đứt lần lần. Bây giờ tìm không thấy nữa, có lẽ bố tôi quăng đi rồi.
Ngày nào ở trại cũng có người mới đến và người lên máy bay đi định cư. Tôi quen mấy người bạn, đến khi chia tay không biết cách giữ liên lạc với nhau vì không ai biết rõ nơi mình đến ở địa chỉ là gì, số điện thoại ra sao. Mà dù có biết, với độ 10 tuổi, tôi không có nghĩ sẽ còn gặp lại. Phải chi như bây giờ, hỏi Facebook của nhau là xong.
Chiều ngày 30 tháng 3, ăn cơm xong là lên đường ra phi trường. Từ trại ra đến phi trường Vọng Các khá xa. Ngồi trên xe, nhìn thành phố Vọng Các mà tôi vô cùng ngưỡng mộ.
Quanh năm lội ruộng lội ao, ếch ngồi đáy giếng ở Long Điền, tôi cứ cho Sài Gòn là nhất. Mỗi lần đi Sài Gòn làm giấy tờ là tôi lại chiêm ngưỡng cảnh phồn hoa của Sài Gòn. Nhưng Sài Gòn của năm 1991 so với Vọng Các 1991 thì chẳng khác gì Long Điền so với Sài Gòn ngày nay. Sài Gòn toàn là xe đạp, xe xích lô. Vọng Các từ trại ra phi trường vào giờ kẹt xe, đường xá rộng thênh thang, toàn xe hơi với xe hơi.
Làm thủ tục xong đâu đó, chúng tôi lên máy bay vào khoảng 9 giờ tối. Lần đầu tiên trong đời đi máy bay mà tôi tưởng đi xe đò. Lần thứ nhì đi máy bay mà tôi tưởng ở nhà lầu sang trọng. Chiếc Boeing 747 to kềnh càng nuốt chửng mấy trăm con người. Tôi làm sao biết được đó là Boeing 747, chỉ là sau này hóng chuyện người lớn mới biết.
Trí óc non nớt bé nhỏ của tôi lúc bấy giờ chỉ biết là ngồi vào chiếc ghế rộng thênh, êm ái. Mà lạ quá, ngồi mãi sao không thấy ai ngồi chung ghế với mình. Mà ngồi ở đây làm gì vậy? Chừng nào mới lên máy bay? Cho đến khi máy bay nhấc bổng thân hình lên khỏi đường bay nhắm hướng Nhật Bản tôi mới bật ngửa. Thì ra nãy giờ mình đang ngồi máy bay.
Đến phi trường Tokyo, Nhật Bản vào lúc tảng sáng ngày 31 tháng 3.
Nếu Tân Sơn Nhất 1991 là nhà gạch thì phi trường Vọng Các, Thái Lan là nhà lầu. Phi trường Tokyo của Nhật là nhà vàng nạm ngọc. Thiết bị điện tử vô cùng tối tân. Nhà vệ sinh của Tokyo được bà con người Việt gốc Mít mình khen ầm ầm, khen không tiếc lời, khen từ sáng đến chiều tối. Dân quê lên tỉnh…
Sự việc là như thế này: Nhà vệ sinh ở trường tiểu học Long Liên chẳng có che dấu hoặc nước non gì cả. Đám học sinh tụi tôi cứ thế cho ra, rồi nó ra sao thì ra. Dơ dáy bẩn thỉu. Nhà vệ sinh ở Tân Sơn Nhất và Vọng Các thì phải tự tay bật nước để cuốn trôi những cái không sạch đẹp. Nhà vệ sinh ở Đông Kinh, Nhật Bản phải được gọi là thiên đường. Sạch sẽ, thơm tho. Nhưng cái được bà con chú ý nhất là cứ mặc tình xả bầu tâm sự, xong đâu đó là nước tự dội, rửa tay nước cũng tự chảy trong bồn, không phải động đến móng tay.
Ôi, thiên đường của sự văn minh. Nước Nhật sao mà đáng yêu quý và kính trọng thế. Nhưng đó là điều nhỏ nhặt. Điều to tát hơn là phi trường có bốn đường bay. Chúng tôi nhìn họa đồ của cả phi trường mà không khỏi hoa mắt và kính phục. Mỗi lúc phi trường có thể cho hạ cánh, cất cánh bốn chiếc máy bay một lúc.
Chúng tôi ở lại phi trường suốt một ngày để lên máy bay vào buổi tối. Ăn trưa cũng ở phi trường và được cho bữa ăn trưa. Ai ai cũng mừng quýnh vì không phải ăn thêm một lần trứng gà luộc với cơm. Tôi không nhớ là ăn gì, chỉ nhớ là ngon hơn cơm hột gà luộc chấm bột nêm.
Anh em chúng tôi hết xài hoang phí nước trong phi trường Tokyo thì ngồi xem máy bay lên xuống từng hồi. Xem không biết chán.
Tối ngày 31 tháng 3, nhóm người đi định cư chúng tôi lần nữa làm thủ tục để lên máy bay sang Mỹ. Trên chuyến bay này lần đầu tiên tôi ngồi xem phim Home Alone. Coi có hiểu gì đâu, nhưng tôi không thể không bật cười những cạm bẫy cậu bé Kevin giăng ra để hai tên trộm mắc phải.
Tôi không biết bay được bao lâu thì đáp xuống một phi trường. Tôi không biết đó là phi trường gì, tôi đoán nếu không Seattle chắc là Denver hoặc Los Angeles. Nhưng có lẽ phi trường Seattle Tacoma thì đúng nhất.
Xuống máy bay, người ta đi đâu mình đi đó. Má ơi. Xứ khổng lồ. Ai ai cũng cao lệu nghệu và to lớn, nước da trắng nhách. Ai đi ngang tôi cũng ngước cổ mà nhìn. Đi được một lát, có người ơi ới phía sau. Chúng tôi quay lại thì anh hướng dẫn chạy đến thở phò phò: Các vị đã đi sai đường!
Oạch! Dân quê lên tỉnh... Ai đi đâu, chúng tôi đi theo đó. Họ đi bậy, chúng tôi đi đúng được sao. Không riêng gia đình tôi mà còn nhiều người đi sai nữa. Anh hướng dẫn đuổi theo từng tốp người để… hướng dẫn cho đúng. Chúng tôi còn phải lên một chuyến máy bay nữa mới đến phi trường Newark, của bang New Jersey.
Anh hướng dẫn bảo chúng tôi đứng lại một chỗ để đuổi theo những người khác. Sau một hồi lâu, khi gom góp đủ mặt văn võ bá quan thì anh ấy chỉ bảo cho từng người, dẫn dắt đến từng chuyến bay.
Chuyến bay cuối cùng, trời tối thui. Khi đáp xuống phi trường vẫn bản cũ soạn lại: ai đi đâu chúng tôi đi đó. Vậy mà sau một lúc có tiếng mừng rỡ kêu lên:
– A! Anh Sĩ!
Cô Út của tôi nhận ra bố tôi. Hai anh em mừng mừng tủi tủi. Về đến nhà của cô Út thì trời gần sáng.
Ngày 1 tháng 4 năm 1991, chúng tôi chính thức sang định cư ở Mỹ. Sáu năm sau, chúng tôi trở thành công dân Mỹ và có quộc tịch Hoa Kỳ.
Viết xong ngày 1 tháng 4 năm 2017.
Việt Lang Ngô Nhân Kiệt
Tuệ Vũ (2 tuần trước.)
Level: 5
Số Xu: 1423
Ngày bác sang Mỹ, em còn chưa sinh ra 😂
thanh thuý trần (2 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 1765
Ngày 1/4,nó với mình như một ám ảnh vậy
Không dứt ra được
Là Liễu (2 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 3894
ngày 01/04/2022 đã có 1 chuyện đáng để tôi phải suy nghĩ.
Tường Vi (5 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 9005
Dạ. Em thì rất hứng thú với những gì đã qua. Em luôn muốn lưu giữ thật nhiều. Nhỡ sau này về già chẳng may mất trí nhớ ngồi đọc lại.
Như sống lại thêm một lần.
Kaka
Việt Lang (5 năm trước.)
Level: 11
Số Xu: 8760
Lúc đó rất sợ và rất buồn. Bây giờ nhìn lại cả một trời kỷ niệm tuổi thơ. Nhưng ếch vẫn hoàn ếch, không dám vẫy vùng như giao long hay nổi sóng như cá kình.
Anh còn một số đề tài về tuổi thơ của anh mà anh chưa có viết.
Tường Vi (5 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 9005
Hôm nay mới đọc hết nhật ký của ếch già.
Nhưng cái trời của ếch sau khi thoát ra khỏi đáy giếng đúng là kinh thật.
Em của ngày hôm nay mà cho đi thế chắc chắn vẫn bộc lộ bản chất của một con ếch thôi.
Ca có phải rất vui mừng vì có những ngày oanh oanh liệt liệt như thế không?
Tiểu Long (6 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 23141
Ca viết nhật kí cũng dài hơn người ta. Thiệt... đúng chất của ca.
Việt Lang (6 năm trước.)
Level: 11
Số Xu: 8760
Chứ sao muội muội hihi.
Anh Thư (6 năm trước.)
Level: 11
Số Xu: 979
Đi đúng ngay cái ngày cát háng tư '_'