Gần đây, tối thứ Năm trở thành một ngày xả hơi sớm. Thường thì thứ Sáu, người ta mới bắt đầu rủ rê đi chơi. Nghĩ kỹ lại, thì ở quê tôi không có nhiều quán xá la cà cho lắm. Tính tôi cũng hướng nội, nên thích ở nhà hơn là tụ tập bạn bè. Nếu quá buồn chán, thì dạo xe một vòng cho khuây khỏa, ăn một miếng bánh, uống vài cốc nước lạnh rồi xem bộ phim yêu thích. Tôi thích xem phim lồng tiếng, vì có âm thanh trong phòng sẽ dễ chịu hơn là yên lặng mãi.
Tháng Tư, không có chuyến công tác nào. Đành rằng xa nhà sẽ thấy nhớ, nhưng không có những chuyến đi xa sẽ khó mà cảm nhận được “nhớ nhung” là gì. Tôi hay đánh đố mình như vậy, một cho có động lực, hai là rèn cho mình tính xông xáo. Nói là đi công tác, nhưng tôi cũng không cần làm việc gì quá cao siêu, chủ yếu là học hỏi thôi. Còn nhớ năm cấp 3 xa nhà, tối cứ khóc mãi, giờ cũng thành quen.
Ý là tôi vẫn khóc, nhưng vì chuyện khác. Không chỉ đơn giản do cô đơn nữa.
Cô đơn không hẳn là một mình. Đôi lúc ở một mình, tôi vẫn thoải mái, nhảy nhót, ca hát, làm đủ trò mà hồi nhỏ từng làm. Tuy nhiên, khi ở cùng bạn bè, trò chuyện với họ, tôi lại buồn. Tháng vừa rồi, tôi đi gặp người bạn thân – chị tư vấn tâm lý đã từng điều trị cho tôi trên Sài Gòn. Chị ấy bảo tôi khác rồi, bạn tôi cũng thế. Vì sự thay đổi đó, nên khó giao tiếp với nhau như trước. Ồ, hóa ra một ai đó từng thân thiết cũng có thể rời đi theo cách tĩnh lặng như vậy. Chỉ qua một cuộc trò chuyện, thế là rời đi.
Đà Lạt vào tháng Ba vẫn lạnh. Lúc ngồi trong khách sạn đọc tài liệu, tôi phải trùm chăn kín mít, chiếc giường cũng chẳng ấm bao nhiêu. Khách sạn nơi tôi ở nằm gần chợ Đà Lạt, đường Bùi Thị Xuân. Đó là khu của khách du lịch, khác hẳn với homestay nhà vườn tôi từng lưu trú. Sự tiện nghi, bầu không khí và cả dịch vụ cũng tốt hơn. Nhưng tôi thấy cô đơn nhiều hơn. Ba ngày ở đó, ngày nào tôi cũng khóc hai tiếng đồng hồ. Chẳng vì chuyện gì, chỉ thấy tim mình sao đau quá, nhìn xấp tài liệu rồi nghĩ đến cảnh làm việc, sao đau lòng quá.
Trước đó mấy tháng, tôi không dự định đi làm. Tôi sợ đi làm. Kiểu hoảng loạn cực độ. Trải nghiệm ở công ty cũ không hề dễ chịu, đủ khiến tôi không dám nhìn thẳng vào mắt một người lớn nào trong năm tiếp theo. Tôi chọn một lớp học giảng dạy Tesol tại Sài gòn. Tôi đến đó ba lần một tuần để ép mình có cớ ra khỏi nhà và giao tiếp. Suốt thời gian đó, tôi toàn đeo khẩu trang. Trước đây, khi da mặt bị dị ứng, cũng chẳng thấy tôi đeo. Giờ thì cái khẩu trang trở thành vũ khí che chắn, không phải cho gương mặt tôi, mà là tâm trí.
Bạn cùng phòng hỏi tôi sao buồn thế. Bạn ấy hay hỏi tôi những câu như vậy, điều giúp tôi mở miệng nói được vài câu. Bạn ấy rất tốt, và tôi thì thấy mình thật không phải, khi cứ trưng ra điệu bộ ủ rũ tại căn phòng đó. Phải chi tôi ổn hơn. Câu đấy tôi cứ lặp đi lặp lại, nhưng chưa bao giờ thành hiện thực quá một tháng cả.
Ít nhất trong khoảng thời gian đó.
Trong năm “bặt vô âm tín” đó, tôi tìm đến Vnkings. Bắt đầu sáng tác vài mẩu truyện ngắn. Tôi thích viết. Đó là sở thích từ nhỏ đến lớn, đi kèm với việc đọc sách và vẽ tranh. Mọi người hay bảo tôi rất ra dáng nghệ sĩ. Tôi thích điều đó. Vnkings là nền tảng sáng tác ổn nhất tôi từng đăng ký. Dường như không khí sáng tác hài hòa ở đây giúp tôi bình tĩnh và thư giãn hơn. Tôi thích dựng truyện cổ trang và thêm chút phiêu lưu, bí ẩn. Gần đây còn viết thơ nữa. Tôi để mình được là chính tôi trên diễn đàn. Không vì điều gì khác, chỉ cần mở cánh cổng, và đón khách vào tham quan. Là một vị chủ nhà tốt tính và quan tâm đến những gì mình viết. Chỉ riêng nhật ký này lại khác. Tôi chẳng cần xây dựng cốt truyện vì mỗi ngày đều là một câu chuyện mới. Tôi muốn lắng nghe và ghi lại chúng.
Ở Việt Nam chưa có nhiều sách về chủ đề tâm lý chuyên sâu. Mọi người thích đọc những gì dễ hiểu và cũng chưa có nhu cầu nhiều, nên việc tìm kiếm những tác phẩm như “The noonday demon” của Andrew Solomon thật khó. Tôi đã đọc qua nhiều tài liệu về căn bệnh trầm cảm, nhưng chúng cũng chỉ nêu ra những ví dụ về triệu chứng, những câu chuyện về các bệnh nhân và những trang thông tin dành cho những ai chưa có kiến thức chung về bệnh. Tôi tìm những quyển nói về cách dung hòa trạng thái tâm lý ở nơi làm việc, làm cách nào giúp những bệnh nhân như tôi không phải giả vờ về mặt cảm xúc, và cách để trò chuyện với người bình thường để họ không dè dặt mỗi khi tôi nhắc đến bệnh của mình. Các trang web đều trống rỗng và tôi phải mò đến những bản tiếng Anh để đọc. Chúng rất khó đọc vì toàn từ ngữ chuyên ngành. Nhưng chúng bổ ích. Tôi học được nhiều từ những quyển sách đó. Thậm chí, chúng còn là động lực cho tôi học một ít tiếng Anh về chủ đề tâm lý.
Có một dạo, tôi thậm chí không thể đọc sách được. Tôi cực kỳ sợ hãi. Sao lại thế này? Cảm giác bị sách từ chối thật sự lạ lẫm với tôi. Bạn hãy tưởng tượng, mắt bạn lướt qua từng chữ, nhưng não không giữ lại được chút gì. Não không cho phép bạn hiểu nội dung. Nó không tiếp nhận nghĩa của những gì bạn đọc. Đó là lần đầu tiên tôi trải qua cảm xúc tận cùng đó. Giống như đến cả thứ cứu vớt mình khỏi hiện thực tàn khốc này cũng phủi tay bỏ đi. Tôi còn nhớ lúc đấy mình đang đọc series “Lời nguyền của hổ” của Colleen Houck. Một dòng tôi phải đọc đến bốn lần mới hiểu nổi. Một đứa từng tự hào học giỏi Văn và thích sáng tác lại trở thành một kẻ phải đọc một dòng ngắn tận bốn lần vì không hiểu nghĩa. Thật thảm hại.
Để giữ mình không hoảng loạn, tôi bắt đầu lấy bản sao bảng điểm đại học của mình khỏi ngăn tủ. Tôi vò tờ giấy tội nghiệp rồi ném lên nóc nhà đối diện không thương tiếc. Trong người vẫn còn tàn dư từ trận chiến với quyển sách ấy, nên vào đêm tiếp theo, tôi tiếp tục lấy bản sao thứ hai, xé vụn rồi quẳng xuống đường. Chẳng hiểu mình đang làm gì, nhưng não cứ bảo hãy làm gì đó để giải tỏa cơn trầm khỏi cơ thể ngay lập tức. Tôi nằm xuống giường, mở nhạc và im lặng. Nhắm mắt. Nhắm chặt. Chỉ nghe và nghĩ về một câu chuyện nào đó.
Anh Nhu (2 tuần trước.)
Level: 7
Số Xu: 5565
cảm ơn bạn, quyển đó mình cũng đọc qua rồi á.
Minh Anh Nguyễn (2 tuần trước.)
Level: 6
Số Xu: 88
Hồ sơ tâm lí học tâm thần hay kẻ điên của Mục Qua
tuy không liên quan gì nhưng mà có lẽ nên đọc thử