Khanh cho hai tay vào túi áo blouse, lưng cô dựa vào tường, đôi mắt ánh lên niềm vui khi nhìn An đang chơi đùa cùng với đứa trẻ trên giường bệnh.
Gần một tuần nay, An không tới làm phiền, khiến Khanh nghĩ rằng cô ấy đã thực sự chán ghét với cách đối xử của mình trước đó, nên lựa chọn cách thức tránh xa mình, càng xa càng tốt. Trong lòng An, có lẽ đã chất chứa quá nhiều sự không hài lòng đối với cô. Tích tụ quá nhiều, liền trở thành một nỗi chán chường. Nếu như, khi mới xuất hiện là ồn ào, náo nhiệt, thì khi quyết định ra đi lại lặng lẽ, không một lời báo trước. Mới đầu, cảm giác trong lòng Khanh là hụt hẫng có, trống trải có, và còn có cả sự thiếu vắng thứ gì đó đang dần trở nên quen thuộc, nhưng rồi, cô lại tự lừa dối mình, “như vậy cũng tốt”. Cô sẽ không còn phải nhói lòng, mỗi khi đối diện với An nữa. Cô sẽ không cần phải tỏ thái độ gay gắt, khi cùng trò chuyện với cô ấy. Và mỗi lần ở bên cạnh An, cô cũng không cần phải gồng mình lên để điều chỉnh cảm xúc của mình nữa. Như vậy, vừa nhẹ nhàng cho cô, và cũng sẽ không khiến An phải chịu thêm tổn thương vì mình. Rồi có ngày, cô sẽ dần quen với sự cô đơn khi không có ai bên cạnh, cho tới khi có thể làm quen với việc ở một mình, thì lúc đó, cô đơn sẽ không phải là một cảm giác nữa. Hoa sẽ không vì sự vô tâm của con người mà sang năm không nở nữa, nhưng chính con người, lại có thể vì sự lạnh nhạt của đối phương, mà thoáng chốc liền trở thành những kẻ xa lạ. Khanh không cảm thấy hối hận vì những gì đã xảy ra, cô chỉ tiếc rằng, mình đã không gặp Nhật An sớm hơn, để trong lòng mình không tồn tại nỗi hiềm khích, hận thù nhỏ nhen với cô ấy. Và cũng không cần phải giả vờ ngu ngơ, giấu đi cảm xúc của riêng mình, để coi như giữa hai người chưa hề có sự liên quan, là cùng nhau yêu thương một người đàn ông. Cuộc đời có lẽ cũng có quy luật của nó, chẳng ai có thể dám chắc rằng khi thời gian quay ngược trở lại, mình có thể sửa sai. Người Tuấn gặp trước là cô, nhưng có lẽ, người anh yêu cuối cùng trước khi ra đi, lại là cô ấy. Có những chuyện cố gắng cũng không bằng may mắn. Gặp được nhau đúng thời điểm là điều đáng quý, gặp nhau dù không đúng thời điểm cũng không phải là tồi tệ nhất. Khanh đã suy nghĩ rất nhiều, đã có thể quên được An trong thanh thản, vậy mà hôm nay, cô ấy lại bất ngờ liên lạc lại, yêu cầu cô phải thực hiện đúng những gì đã hứa trước đó.
“Chị nhìn xem, liệu cô gái đang cười nói vui vẻ trong kia, với người mà cách đây mấy tháng còn làm loạn trong phòng bệnh, có phải là một không?”
Hà đứng bên cạnh từ lúc nào, trên tay cô là khay thuốc dùng để phát cho bệnh nhân uống vào buổi tối. Khanh quay sang, nhìn cô mỉm cười.
“Là một người, nhưng lại là người đa nhân cách.”
“Như vậy rất nguy hiểm?”
“Không. Tình trạng của cô ấy không phải là bệnh, mà giống như là bản năng. Tuy cơ thể hiện hữu nhiều trạng thái khác nhau, nhưng vẫn có khả năng kiểm soát được. Em xem, dù đang chơi đùa với đứa bé, nhưng vẫn có thể biết được hai chúng ta đang bàn luận về mình.”
“Hai người đang nói xấu em phải không?”
Cho tới khi An xuất hiện trước mặt, giọng nói của cô vang lên bên tai, Hà mới tin rằng, những lời nói vừa rồi của Khanh là hoàn toàn có cơ sở.
“Sẽ không ai nói xấu người tốt cả.”
Thái độ của Khanh thể hiện rõ sự coi thường, nhưng An lại không chút bận tâm. Cô giơ tay lên tạm biệt đứa bé ở trong phòng, gật đầu chào Hà một lần nữa, rồi bước vội theo sau Khanh.
“Mình về luôn chứ?”
“Cô muốn đi xem phim giờ này sao?”
“Không, về qua nhà chị nấu cái gì đó ăn tạm đã. Em đang đói, sợ không đủ sức mà ngồi xem phim.” Mặt An nhăn nhó, cô đưa lên xoa xoa trước bụng mình.
Khanh lắc đầu, kéo giãn vành môi trước biểu cảm có phần trẻ con đó của An. Vận trên người một bộ âu phục lịch thiệp, sang trọng, vậy mà lại có những hành động ấu trĩ như thế, thật không phù hợp chút nào.
“Cảm ơn.”
Giọng Khanh thoảng nhẹ như gió, nhưng cũng đủ để An nhận ra, thái độ trân trọng của cô ấy dành cho mình. Cô giúp gia đình đứa trẻ có thể yên tâm mà đưa con mình đi điều trị không phải là để mong nhận được một lời cảm ơn. Nhưng để được Khanh có cái nhìn khác về mình, sau những gì mà cô làm, cô liền cảm thấy có chút tự hào.
“Đứa bé có vẻ đã khỏe lại rất nhiều. Sẽ không còn đáng ngại nữa phải không?”
“Ừ, rất may là không phải ung thư. Qua xét nghiệm và kiểm tra dịch não tủy thì phát hiện cậu nhóc đó bị áp xe não. Cũng may nữa là đã kịp thời phát hiện nên không cần phải phẫu thuật.”
“Vậy thì phải cảm ơn chị, chứ sao lại cảm ơn em. Mà nhìn mẹ đứa bé cũng thấy tội ghê. Cô ấy chỉ bằng tuổi em, nhưng đã có tới bốn đứa con phải chăm lo, trong khi hoàn cảnh thì không lấy gì là khấm khá.”
“Người ta bằng tuổi mà có tới bốn đứa con rồi, còn cô thì sao? Cố gắng phấn đấu đi chứ?”
“Em phấn đấu bằng chị là được rồi.”
Lời nói vô tình của An, như cái chạm nhẹ vào vết thương chưa kịp lên da non của Khanh. Cô cười buồn. cúi mặt, bước nhanh hơn một bước, hướng về phòng làm việc của mình.
An đứng ở ngoài, chờ Khanh thay đồ. Cô không khó để nhận ra sự khác biệt của Khanh sau câu nói vừa rồi, nhưng lại không biết, lời nói đó của mình, rốt cuộc có gì sai, lại khiến cho tâm trạng của cô ấy thay đổi một cách nhanh chóng như vậy. Con người này, cất giữ quá nhiều bí mật, không muốn để người khác cùng chia sẻ. Nội tâm cô ấy, giống như một cái hố sâu thăm thẳm, nếu chỉ đứng ở trên mà nhìn xuống, sẽ chẳng có ai đủ cam đảm để mạo hiểm khám phá. Nhưng với An, cô đã chấp nhận liều mình, mà đặt cả hai chân vào nơi ấy rồi, và cũng chẳng có ý định bước ra nữa. Cô phát hiện ra, ở trong đó chỉ tồn tại một màu đen thẫm, không hề có một tiếng động, hay bất cứ một tín hiệu lạc quan nào. Tĩnh lặng đến đáng sợ. Với An, chính thái độ ôn hòa, trầm tĩnh và thản nhiên kia, lại là điều khiến cô cảm thấy sợ hãi nhất, chứ không phải là những giọt nước mắt. Bởi, cô đã được nhìn thấy Khanh khóc vì nỗi đau mà cô ấy đang mang bao giờ đâu.
“Đi thôi.” Khanh bước ra khỏi phòng làm việc của mình. Trên người cô lúc này, bộ quần áo của viện được thay bằng chiếc váy suông, có điểm vài họa tiết nhẹ nhàng. Trông cô trẻ hơn rất nhiều so với khi khoác trên người chiếc áo blouse trắng kia.
“Cô đi trước đi. Tôi vào lấy xe rồi về sau.”
Thấy An vẫn lẽo đẽo đi cùng mình vào nhà gửi xe, Khanh liền dừng bước nhắc nhở.
“Chị bảo em về bằng gì bây giờ?”
Mặt An lộ rõ vẻ tội nghiệp.
“Khi nãy tới đây bằng gì, thì giờ về bằng đó. Cô tính bỏ xe của mình lại đây sao?”
“Em đi nhờ xe của đồng nghiệp tới. Chúng ta có thể về cùng nhau mà, không lẽ chị muốn em phải bắt taxi, còn chị ngồi một mình một xe?”
“Vậy ra ngoài cổng, mua mũ bảo hiểm đi. Trên xe tôi chỉ có một cái.”
Lý do mà An đưa ra, khiến Khanh chẳng thể chối từ. Cuối cùng đành phải mặc nhiên chấp nhận. Dắt được chiếc xe ra tới cổng viện, vẫn thấy An đứng người không ở đó chờ, miệng còn nhe ra cười với mình, Khanh liền thấy có chút bực bội trong lòng.
“Sao vậy? Bên kia người ta có bán mũ bảo hiểm mà.”
“Hì, em không mang theo tiền, mua kiểu gì đây?” Khanh chỉ còn cách lắc đầu chịu thua trước tình cảnh này. Cô nhìn một lượt từ trên xuống dưới. Đúng là trên người An chẳng mang theo thứ gì cả, đến điện thoại cũng không có. Cực chẳng đã, cô mở túi, đưa cả chiếc ví của mình cho An, để cô ấy chạy đi mua mũ bảo hiểm.
Vài phút sau, An nhanh chóng quay trở lại. Trêu đầu đã kịp đội chiếc mũ bảo hiểm vừa mới mua. Trên môi, vẫn thường trực một nụ cười rạng rỡ.
Giờ tan tầm, trông ai cũng đều vội vã, cố gắng tìm mọi cách để thoái khỏi dòng xe cộ đông đúc để mau chóng trở về bên gia đình của mình. Nhưng nhiều người trong số họ lại không biết rằng, khi mình càng cố gắng chen lấn, lại càng khiến bản thân bị kẹt lại lâu hơn. Không khí bụi bặm, ngột ngạt, cộng thêm với cả ngày quay cuồng trong công việc, khiến người ta dễ trở nên cáu gắt, bực tức. Có hai người, cũng đang hòa chung trong bầu không khí đó, nhưng họ lại chẳng hề tỏ ra vội vã, trái lại, còn điềm nhiên, mặc cho hết xe này đến xe khác vượt lên.
“Bỏ tay ra đi.”
Không biết đây là lần thứ mấy Khanh phải lên tiếng nhắc nhở, khi vòng tay của An cứ siết chặt lấy vòng eo của mình.
“Em sợ ngã mà.”
Cứ mỗi lần Khanh nhắc nhở, là An lại ôm chặt hơn một chút. Gương mặt biểu hiện rõ ý đồ gian xảo. Khanh càng tỏ ra khó chịu, thì cô lại cảng cảm thấy thỏa mãn. Áp thật sát thân mình vào lưng của người ngồi phía trước, chiếc cằm An cũng tự tìm cho mình một điểm tựa trên bờ vai của người đó, cứ vậy mà cùng nhau chầm chậm trở về nhà.
“Trong nhà chị có đồ gì để ăn rồi?”
An bước xuống xe, đứng sang một bên, đợi Khanh mở cổng.
“Có cả một thùng mỳ tôm mới mua.”
“Hả? Ngoài cái đó, không còn gì khác sao?”
An biết rõ rằng Khanh không thể nấu ăn, nhưng chẳng lẽ, nếu cứ ở một mình như vậy, mỳ tôm là thứ duy nhất được phép lấp đầy dạ dày của cô ấy hay sao? Cô tròn mắt ngạc nhiên trước vẻ thản nhiên như một điều tất yếu đối với mình của Khanh, mà không khỏi cười khổ. Nếu biết vậy, trong thời gian đi công tác, cô đã nhờ người mang đồ ăn tới đây rồi. Thật là rất biết cách để người khác phải quan tâm đến mình mà.
“Gì nữa đây?”
Dựng xe vào trong góc sân, Khanh định bước vào trong nhà mở cửa, thì bị An đứng chắn lại, mặt nhăn nhó như bị ai ức hiếp, đôi bàn tay chìa ra trước mặt cô, nói như ra lệnh.
“Đưa ví tiền đây, để em chạy ra ngoài đầu ngõ mua đồ về nấu ăn. Em không ăn trừ mỳ tôm được giống chị.”
Khanh lắc đầu, chẳng có sự lựa chọn nào khác, đành phải đưa chiếc ví của mình để An tự ý xử lý. Còn mình thì đi vào trong nhà, rót lấy một ly nước lọc, uống một hơi, rồi ngả người xuống ghế nghỉ ngơi. Không cần phải nghĩ tới bữa tối sẽ được ăn gì, chỉ cần biết lát nữa sẽ có đồ để ăn là được. Với chuyện bếp núc, cô không thể can thiệp, nên đành phó mặc cho người khác giúp mình.
++***++
Mùi thức ăn lan tỏa khắp phòng, khiến cho cái dạ dày của Khanh phải vùng lên biểu tình. Cô ngồi dậy, dụi dụi đôi mắt vẫn còn muốn nhắm lại của mình cho tỉnh táo. Bước lại gần gian bếp, đã thấy An sắp xếp đầy một bàn. Vậy mà vẫn không hiểu, cô ấy còn đang xào nấu thêm món gì ở trên chảo nữa. Khanh tính quay ra, đợi An làm xong hết mọi việc mới quay trở vào, chỉ việc ngồi xuống ghế ăn thì bị giọng nói phía sau gọi giật lại.
“Chị đi đâu vậy? Lấy bát đũa đi. Em xong hết rồi.”
“À, ừ.”
Tự nhiên Khanh cảm giác có chút bối rối khi bị An sai khiến. Cô quay mặt sang hướng khác, giấu đi nụ cười khổ sở của mình. Rõ ràng đây là nhà cô, là ngôi nhà do chính mẹ cô xây lên và để lại, vậy mà tại thời điểm này, nếu như có ai đó nhìn vào, chắc chắn họ sẽ có suy nghĩ khác. Chủ nhà, phải là người mời khách, chứ không phải để khách được làm chủ mọi việc như thế này.
Ăn tối xong cũng đã gần 8 giờ. Để cho Khanh lên phòng tắm táp và thay đồ, An lại đứng lên dọn dẹp đống bát đũa do cô bày ra để hai người cùng ăn. Cô làm tất cả mọi việc, từ nấu ăn đến rửa bát trong vui vẻ, giống như đó là việc mình nên làm, và phải làm, không hề tồn tại một chút gì gọi là so đo, tính toán ở trong lòng. Lau rửa mọi thức xong đâu vào đấy, An vừa kịp ngồi ra ghế uống ngụm nước, thì Khanh cũng từ trên tầng hai bước xuống. Vậy là chẳng kịp nghỉ ngơi, cô lại cùng với Khanh đi tới rạp chiếu phim. Lần này, người cầm lái là An, nhưng lại chẳng được diễm phúc như Khanh lúc trước, không có một vòng tay nào ôm lấy cô, dù có đôi lần, cô đã cố ý kéo tay Khanh qua người mình, nhưng lại nhanh chóng bị cô ấy rút về.
Khanh đứng ở ngoài, đưa cho An chiếc ví của mình, cho cô ấy tùy ý lựa chọn một bộ phim để hai người cùng xem. Vài phút sau, An quay trở lại. Trên tay là hai chiếc vé xem phim, một túi bỏng ngô, và hai cốc nước. Trao cho Khanh túi bỏng ngô, An nhìn cô với ánh mắt nghi hoặc.
“Chị xem, chúng ta có giống hai chị em không?”
“Vốn dĩ là tôi hơn tuổi cô mà.”
Khanh mỉm cười, coi đó là một điều hiển nhiên, không cần bàn cãi.
“Nhưng người ta vừa hỏi em, có phải là đưa em gái đi xem phim không?”
Ngụm pepsi vừa kịp trôi qua cuống họng, liền bị lời nói vừa rồi của An khiến cho Khanh ho sặc sụa. Hơi ga xông lên tận mũi, mùi cay nồng càng làm cho cơn ho của Khanh kéo dài mãi không dứt. Rút chiếc khăn giấy trong túi ra, lau đi những giọt nước còn vương trên mặt, Khanh nhìn An ngờ vực.
“Ý gì vậy?”
Nhìn Khanh rơi vào tình trạng này, An cũng cười không ngớt. Lần đầu tiên, cái dáng vẻ cao cao tại thượng của Khanh đã bị phá hủy trước mặt cô. Dìu Khanh vào hàng ghế ngồi chờ đến giờ chiếu, An thản nhiên.
“Nhìn em và chị xem. Rốt cuộc thì ai giống làm chị, ai giống làm em hơn?”
Khanh nhìn An, rồi nhìn lại mình. Trên người An, là chiếc áo sơ mi trắng, cùng với quần âu, chiếc áo vest vắt ngang cánh tay. Còn cô, quần ngố bò, cùng với áo phông trắng.
“Cũng may mà người ta không nói em giống mấy vị phụ huynh đấy.”
An đưa cánh tay áo của mình, chấm nhẹ vào giọt nước vẫn còn đọng lại trên má Khanh. Đôi má ửng hồng, cùng làn da láng mịn của Khanh, khiến lòng cô trở nên xao xuyến không nguôi.
“Chị rất đẹp, trông còn trẻ hơn cả em nữa.”
Gương mặt Khanh vốn đã bị trận ho kia làm cho chuyển sắc, giờ lại vì lời nhận xét và hành động vừa rồi của An mà càng trở nên nóng ran. Cô bối rối, đưa cốc nước cầm trên tay đưa lên miệng, định uống, nhưng nghĩ tới lúc nãy vừa bị sặc nên lại hạ xuống. Cô quay mặt, nhìn sang hướng khác, cố gắng tránh né ánh mắt An đang chiếu thẳng vào mình.
“Mình vào đi, đến giờ chiếu rồi.”
An đứng dậy trước, cầm lấy hết mọi thứ để mang vào, kể cả cốc nước trên tay Khanh. Phòng chiếu tối om, An lò dò đi trước, không quên nhắc Khanh phải cẩn thận bước theo sau mình. Cô dừng lại ở hàng ghế cao nhất, nhường cho Khanh bước vào trước, rồi mới kéo mặt bàn ra, đặt mấy thứ đồ trên tay xuống, và ngồi vào ghế.
Khanh nhìn những hình ảnh giới thiệu ở màn hình phía dưới, mà không khỏi ngạc nhiên. Cô quay sang An, nói nhỏ.
“Liệu có phải chúng ta vào nhầm phòng không?”
“Không. Đúng phòng, đúng tên phim mà.”
Khanh nhìn lại màn hình một lần nữa, vẫn không thể tin nổi vào mắt mình. Cô để An tùy chọn một bộ phim mà cô ấy thích, và giờ đây, cả hai người đang được ngồi theo dõi một bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em. Khanh cười mà như mếu, khi ánh sáng từ màn hình hắt chiếu xuống căn phòng, cô mới phát hiện, phân nửa số khán giả ở đây là các cháu thiếu nhi. Bảo sao, người ta nói An là đưa em gái đi xem phim. Muốn quay sang trách cứ, nhưng lại sợ làm phiền đến người khác, nên Khanh đành giữ im lặng, tiếp tục ngồi xem.
Bộ phim khá hài hước, giúp người xem có được cảm giác thư giãn thực sự. Là bộ phim dành cho trẻ nhỏ, nhưng cũng để lại nhiều bài học cho cả người lớn. Suốt bộ phim, Khanh cười cũng không ít, dù một bên vai cô bị sức nặng từ đầu An đè lên, có hơi khó chịu.
Kết thúc bộ phim, An vẫn miệt mài ngủ. Khanh phải lay gọi một hồi, cô mới chịu mở mắt. Vẻ mặt vẫn còn tỏ ra ngơ ngác.
“Hết phim rồi sao?”
“Hết rồi. Đi về thôi.”
An uể oải, vươn vai đứng dậy. Mấy ngày nay cô không hề được ngủ đủ giấc. Vì lo lắng cho việc hợp tác kinh doanh sắp tới của công ty, mà mỗi ngày chỉ được nghỉ ngơi hai ba tiếng đồng hồ. Đến hôm nay thì gần như là kiệt sức. Cũng may mà mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp.
“Cô gọi taxi về đi, tôi có thể đi một mình được.”
“Chị về một mình em không an tâm. Dù sao thì vẫn phải đi taxi, đi từ đây hay từ nhà chị về thì cũng như vậy thôi.”
An ương bướng, ngồi lên phía trước xe, mặc cho Khanh ra sức phản đối. Ban đêm, từng làn gió se lạnh thổi tới, càng khiến cơn buồn ngủ của An tăng lên. Cô căng mắt, lắc lắc đầu vài cái để lấy lại tỉnh táo mà tiếp tục lái xe.
“Để tôi lái xe cho, cô xuống phía sau đi.”
Biểu hiện của An khiến Khanh cảm thấy lo lắng cho sự an toàn của cả hai người. Cô vỗ nhẹ vào bờ vai An, đề nghị.
“Không sao. Chỉ cần chị ngồi sát lại, để nếu em có ngủ quên thì nhắc nhở là được.”
An cũng chỉ tính là nói đùa, không nghĩ rằng Khanh sẽ làm thật. Cho tới khi cảm nhận được hơi thở của Khanh phả vào gáy mình, vòng tay cô ấy khẽ chạm hờ vào eo, cô mới giật mình, toàn thân run lên một nhịp. Cơn buồn ngủ mau chóng biến mất, thay vào đó là cảm giác hưng phấn, kèm theo đó là niềm hạnh phúc lan tỏa khắp cơ thể. Tự dưng, An thấy quãng đường trở về sao quá ngắn. Chưa kịp tận hưởng hết cảm giác ngọt ngào của người ngồi phía sau đem tới, mà cả hai đã dừng trước cổng nhà Khanh. Cô luyến tiếc, chỉ muốn quay xe, đi thêm vài vòng nữa.
“Chị vào nhà đi. Em đi bộ ra ngoài kia gọi taxi cũng được.”
An xuống xe, chờ Khanh dắt xe vào trong sân, cô mới quay lưng bước đi.
“An, chờ đã.”
Khanh vừa dựng được xe, quay ra thì đã thấy bóng An khuất khỏi tầm mắt. Cô chạy vội ra cổng, gọi với theo.
“Gì vậy?”
“Cầm lấy tiền để đi taxi chứ?”
Đưa tay lên gãi đầu, An cười cười, giấu đi vẻ xấu hổ. Cô bước lại gần Khanh, cầm lấy tờ tiền cô ấy đưa cho mình.
Ra đến đầu phố nhà Khanh, An liền chui vào chiếc xe ô tô màu đen đậu ngay ở đó. Người đàn ông trong xe lên tiếng càu nhàu.
“Em làm gì mà lâu vậy? Làm anh đợi ở đây gần một tiếng rồi đấy.”
“Sau này em sẽ báo đáp. Anh cho xe chạy nhanh đi, em buồn ngủ lắm rồi.”
An ngáp một hơi dài, cho người kia thấy rõ là mình buồn ngủ nhiều như thế nào.
“Mệt mỏi như vậy mà không chịu về nhà nghỉ ngơi. Vừa xuống máy bay đã chạy lung tung rồi. Rốt cuộc là em bị làm sao vậy?”
“Tại vì em rất nhớ người đó. Nhớ tới mức điên đảo, đến nỗi không thể chịu đựng thêm được nữa.”
Miệng An còn lẩm nhẩm, mắt đã vội nhắm nghiền. Cô nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ, trên môi vẫn còn nguyên một nụ cười đầy mãn nguyện.