- Ngoài kia trời có nắng
- Tác giả: Ngố Tiên
- Thể loại:
- Nguồn: tự viết
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.547 · Số từ: 2205
- Bình luận: 0 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 4 Tiến Lực Xanh ANh Timothy T H
“Cuộc đời là một chuyến đi”, câu nói của nhà hiền triết nào đó quá nổi tiếng đến mức hầu như ai ai cũng có thể đã từng được nghe ít nhất một lần. Tôi thì chẳng rõ có phải là một chuyến đi hay không? Hay là rất nhiều những chuyến đi khởi hành cùng lúc? Tôi thì được cái cái là sống khá hạnh phúc, không phải là mọi điều đều thuận buồm xuôi gió hoặc là chưa gặp phải đau thương mất mát nào. Chỉ là tôi cảm thấy tôi hạnh phúc cho cái thực tại của mình, được tồn tại đã là một điều hạnh phúc tột cùng.
Từ bé tôi đã chứng kiến nhiều điều trái ngang, những thứ mà có kể ra chúng ta cũng nghe đâu đó trong một câu chuyện nào hoặc ở một nơi nào đó xa xôi lắm. Nhưng với tôi thì nó rất gần, từ cái chết nhiều những dấu hỏi của ba tôi và những hành động bỏ bê ông khi ông ốm đau của mẹ tôi lúc ấy rồi chuyện bà tái giá ngay sau khi ông mất, những cái kể ngập ngừng của người chứng kiến và những ánh mắt tội nghiệp của người ta dành cho tôi – một cậu nhóc chỉ có vài tuổi.
Rồi thì tôi chứng kiến người bạn ấu thơ của mình chết vì bệnh phù. Chứng kiến cậu em của một người bạn khác trầm mình dưới con suối mùa lũ, nghe đâu phải vài ngày sau bố bạn mới có thể tìm lại được xác con mình ở một nơi rất xa, người ta vô tình vớt được.
Rồi tôi chứng kiến một gia đình có người bố say riệu. Mỗi lần say đều lôi vợ con ra đánh. Người vợ chỉ bỏ chạy mà không bao giờ đánh trả, cho đến một hôm bà cầm dao đuổi chém chồng trong lúc ông không có mảnh vải che thân. Thì ra lúc say ông ngủ với chính cô con gái mới lớn của mình. Câu chuyện ấy rúng động cả một vùng mà cũng không để lại cảm xúc gì trong tôi. Tôi chỉ bàng quan, chứng kiến chuyện vậy. Từ hôm ấy người say trong nhà bỏ đi biệt tăm, những người còn lại một thời gian sau cũng dìu dắt nhau đi mất. Căn nhà vách đất, mái tranh thiếu hơi người chỉ sau vài trận mưa là đổ nát. Hồi ấy tôi thường tha thẩn chui qua, bò lại nơi những cái lỗ vỡ ra từ vách tường đất ấy.
Những câu chuyện tôi chứng kiến còn nhiều lắm, nơi ấy là nơi những con người từ bốn phương tám hướng đến cắm cái cọc dựng lên mái nhà tranh và tuyên bố đây là đất của mình. Do vậy nó cũng cần có thời gian để thiết lập một trật tự mới, một nề nếp mới có thể kìm hãm được cái từ “con” trong mỗi người.
Có dịp tôi sẽ kể dần cho các bạn trong những bài viết về những dấu chân. Sở dĩ tôi phải dẫn chứng nhiều những chuyện trái ngang như vậy là để nói với các bạn rằng cuộc sống của tôi hạnh phúc như thế nào khi không bị đặt vào những hoàn cảnh tương tự thế.
Lớn lên, cũng có những quãng thời gian êm đềm mà dịu ngọt, có thế mới nuôi lớn một tâm hồn hay rung rinh đa sự như tôi. Có một câu chuyện mà tôi muốn kể rõ hơn với các bạn trong lúc này. Nó tựa như những giọt nắng hiếm hoi lọt lại sau những giông gió của cuộc đời mà tôi đã từng được nghe, được chứng kiến.
…
Cô là tiểu thư thành phố, xinh đẹp, sắc sảo. Anh là cậu trai quê nghèo lên trọ học và như sự mở đầu của bao câu chuyện bi kịch khác, họ yêu nhau. Bi kịch đầu tiên là sự phản đối gay gắt từ gia đình nhà cô, họ không thể nào chấp nhận được việc con gái mình yêu một cậu trai quê mùa và nghèo đến vậy. Những năm tháng anh trọ học là những năm tháng đấu tranh cho tình yêu giữa anh và cô nhưng vẫn không nhận được sự đồng thuận.
Bi kịch thứ hai là cô có nhiều người theo đuổi, một trong những người theo đuổi cô lại được gia đình cô chấp nhận và người đó cũng không từ bất kỳ một thủ đoạn nào để tranh thủ tình yêu của mình.
Cô và anh vẫn yêu nhau trong chừng ấy năm cho đến khi anh ra trường và về quê lập nghiệp. Ngày ấy chẳng có điện thoại như bây giờ, mọi liên lạc đều qua thư từ và điện tín. Anh không thể gửi thư trực tiếp đến cho cô mà phải gửi qua một người quen. Anh gửi nhiều thư cho cô nhưng không có chiếc nào đến được. Lần ấy anh gửi thư hẹn cô rằng ngày này tháng này anh đến, em ra ga tàu đón anh. Bức thư ấy, cũng như số phận các bức thư trước kia của anh, nó lọt vào tay người tình địch đầy những mưu mô và thủ đoạn.
Và rồi ngày ấy anh đến, cô không ra đón được vì người kia mời cô đi chơi xa. Đúng lúc cô đang trách móc anh vì sao không liên lạc với cô trong thời gian lâu đến vậy. Và chuyến đi ấy đã trở thành một chuyến đi định mệnh, quyết định ngã rẽ cho rất nhiều người. Bằng sự sành sỏi, bằng thủ đoạn lời ngon tiếng ngọt và bằng vào một lúc cô yếu lòng, người đeo đuổi thủ đoạn kia đã chiếm hữu được cô. Không những thế, chỉ trong lần ấy cô lại có thai.
Một thời gian sau, anh lại lặn lội từ quê ra để hỏi cô vì sao lại không hồi âm, vì sao lại quên tình yêu giữa hai người? Ở đây tôi xin nói một chút về nơi hai người quen nhau. Đó là nơi anh trọ học và cũng là một quán cơm, người chủ quán cơm cũng là bạn với cô và tôi là người ngồi nghe người chủ ấy kể lại câu chuyện này. Hai người gặp nhau ở quán cơm ấy, hỏi rõ nguyên do và ôm nhau khóc. Câu chuyện dường như là một tình tiết nào đó đã được không biết bao nhiêu là đạo diễn nhào nặn trong những đoạn kịch tình ba xu, rẻ rúng đến mức chẳng ai thèm để ý. Ấy thế mà nó diễn ra ngay trong đời thực, con người thực trong ấy là diễn viên chứ không phải là khán giả cho nên chẳng ai có thể đoán trước được nội dung như thế nào.
Hôm ấy, khóc xong, anh bảo với cô: “Bỏ! Bỏ hết lại đi cùng anh, kiểu gì chẳng sống được”. Thú thật, là một người đàn ông khi tôi nghe kể về những lời nói của anh lúc ấy tôi cũng phải giơ ngón tay lên mà tỏ lòng khâm phục. Không dễ gì có thể chấp nhận người yêu mình sinh con cho một người khác mà anh vẫn có thể ở bên cô. Tôi nghĩ, tình yêu nó bao dung đến vậy là cùng thôi, nhất là trong quãng thời gian ấy những quan niệm về chuyện ăn nằm còn vô cùng nghiêm khắc chứ không rộng rãi như lúc này.
Điển hình nhất đó chính là cô, cô đã mang trong mình giọt máu của người khác và cô từ chối đi cùng anh, cô không thể. Cô ở lại cưới người là cha của con mình. Anh trở về quê, cạo đầu, bỏ nghề và sống buông thả một thời gian. Câu chuyện đến đây đã là một tấn bi kịch cho những con người trong cuộc, chỉ có kẻ thủ đoạn là hả hê vì đạt được mục đích. Những tưởng thế là xong nhưng vẫn chưa hết.
Năm tháng trôi qua, cô nhất quyết không chịu sinh thêm một người con nào nữa. Rồi cô lao vào làm ăn mạo hiểm, rồi chuyện làm ăn đổ bể, rồi cô mắc bệnh hiểm nghèo, rồi cô và chồng li hôn. Bạn nghĩ, một người phụ nữ mang bệnh trong người, làm ăn không suôn sẻ, gia đình li tán… thì còn có điều gì gọi là bi kịch hơn những điều ấy nữa?
Còn anh, sau một quãng thời gian bỏ bê rồi thì cũng vượt qua nỗi đau rồi lấy vợ và sinh con. Khi tôi được nghe câu chuyện này cũng là lúc cô đang chống chọi với căn bệnh ung thư đã được vài năm. Những đứa con của anh cũng đã lớn.
Còn mấy ngày nữa là đến tết, anh đưa vợ và mấy đứa con của mình đến thăm hỏi những người quen thời anh còn trọ học. Trong đó có cô. Anh và gia đình đến thăm cô, ngồi kể cho vợ anh và các con anh nghe câu chuyện của hai người. Tôi nghe đến đây, chợt thấy có một điều gì đó dịu ngọt mọc lên trong tâm khảm mình. Chẳng biết vui hay lại buồn cho cô nữa.
Thường nghe con chim trước khi chết thì hót lời hay và khi người ta biết chắc rằng đang trong lằn ranh giữa cái sống và cái chết thì mới chịu sống hay, sống tốt với nhau. Có lẽ đứng trước cái chết, mọi thứ đều bình đẳng cho nên cái gọi là quá khứ, là dĩ vãng nó cũng không quan trọng lắm. Có ai mà chấp với người không biết sẽ ra đi mãi mãi vào lúc nào đâu cơ chứ?
Và tôi cũng tự hỏi, vì sao con người ta không yêu thương nhau như thể ngày mai người ta sẽ chết? Vì sao lại phải vì điều nọ, vì điều kia mà cách xa nhau, làm cho nhau đau khổ? Ngay cả cái lý do “như vậy sẽ tốt hơn” cũng chỉ là thứ làm nên sự tổn thương được ngụy biện, được biên tạo bằng những lời đẹp đẽ. Khi bóc tách, nó trần trụi và xấu xí đến tội nghiệp.
Đó là một câu chuyện bi kịch mà tôi được nghe kể một phần và chứng kiến một phần. Chẳng biết kết thúc như vậy là nên vui hay nên buồn nữa nhưng có lẽ nên vui thì hơn bạn nhỉ? Thời gian có quay ngược lại được đâu mà buồn làm chi?
Lại nhớ đến năm xưa, có bận tôi chuyển đến một căn chung cư cũ, ở trông nhà cho một người bạn. Bận ấy tôi có quen một người mẹ đơn thân đang nuôi con còn ẵm ngửa một mình. Tôi nhỡ mồm hỏi vì sao không có bà nội bà ngoại gì lên chăm cháu? Bố cháu đâu? Và mấy đêm sau, tôi được nghe câu chuyện của bạn về một cô gái chốn buôn phấn bán hương bỏ nghề khi quyết định sinh một đứa con. Bạn vén tóc khoe với tôi vết sẹo dài sau cổ là kết quả của một vụ đánh ghen. Và tôi cũng nghe được mong ước của bạn muốn tìm một người đàn ông rộng lòng chấp nhận bạn, con bạn để thành một gia đình. Bạn chẳng cần gì ở người đàn ông ấy cả, ngoài một tấm lòng. Nhưng biết tìm ở đâu, đành phó mặc cho hai từ “duyên phận”.
Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau, thi thoảng nói chuyện trời đất. Đợt gần đây nhất tôi nhận được tin cuối cùng từ bạn. Bạn khoe rằng sắp được mặc áo cưới. Tôi tò mò: “thế anh ta có biết mọi thứ về em không?” Bạn cười toe: “em không dấu diếm điều gì cả anh ạ! Anh ấy chấp nhận quá khứ của em”.
Bạn là người duy nhất còn khiến cho tôi sử dụng ứng dụng chat yahoo. Chỉ để thỉnh thoảng chuyện trò cùng với bạn vì tôi biết trước đó, ngoài tôi ra bạn không kể quá khứ của mình cho bất kỳ ai. Sau bận ấy, tôi gỡ bỏ yahoo và không có ý định sử dụng lại lần nữa. Bạn đã tìm được người nghe bạn kể chuyện rồi, tôi chúc phúc cùng bạn. Câu chuyện của bạn cũng là một câu chuyện dài, khi nào đó tôi sẽ kể chúng cho các bạn nghe.
Khi tôi viết những dòng này, ngoài kia bầu trời là màu xám, là những cơn gió ào ạt và cái rét của đông muộn cứ se sắt. Hai câu chuyện về hai người phụ nữ ấy cứ khiến cho tôi bồi hồi mãi. Chúng chẳng phải là những điều gì đó quá kỳ lạ, quá lắt léo mà chỉ đơn đơn giản giản như vậy thôi. Như ở ngoài kia, có một chỗ mây vô tình để lộ và một vạt nắng vàng trải xuống, rực rỡ hơn cả cầu vồng.
Bạn ạ, ngoài kia trời có nắng.
Ngố Tiên Write