- Nhạc Sĩ
- Tác giả: Tế Anh
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 3.327 · Số từ: 2644
- Bình luận: 16 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 17 Bách Lâm Uyên Nhi Tái Thụy Nhất Hạ Chu Thanh Thiên Nguyễn Như Lan Alice Cecillia Trần Linh Amira Yuu Khánh Đan Gigabyte Renna Lovedy Mưa Tháng Chín mệch Mắc Saint Eguard Oanh Trang Myhuyen Trannguyen Huyền Đặng
NHẠC SĨ
Hàng xóm của tôi là một gã đàn ông trẻ. Gã gọi là Nhạc Sĩ.
Dáng người gã dong dỏng cao lại gầy đét, gương mặt vẫn còn trẻ nhưng mang màu xanh xao của bệnh tật. Gã có gương mặt chữ điền và cơ mặt thì luôn cứng nhắc, chẳng vui chẳng buồn, nom như những con búp bê vô hồn. Gã luôn khoác lên người bộ vest đuôi tôm đen bóng trông lãng tử như một nhạc sĩ mà vốn dĩ gã là Nhạc Sĩ và là nhạc sĩ.
Cứ mỗi năm giờ sáng, khi mà sắc trời còn xám xịt một mảng lớn, trong lúc mà mọi người còn say sưa vùi mình vào cái ổ chăn bông ấm áp của riêng mình, gã lại xách chiếc violin cũ kĩ ngả màu bước ra ban công, thả hồn lên bầu trời và đắm chìm vào những giai điệu réo rắt, ảo não. Gã luôn chơi đúng một bản nhạc: “A time for us” – “Một thời cho mỗi chúng ta” như một chấp niệm.
Gã đàn hay thật. Nhưng chẳng một ai công nhận vì gã chỉ chơi đàn vào lúc năm giờ sáng, kể cả tôi. Có mấy lúc tôi mở cửa ban công chớm định phàn nàn vài câu với gã và nhanh chóng đóng cửa lại vì một cái ống bơ chẳng biết tự nơi nào đáp thẳng vào ban công nhà tôi, đánh một tiếng rầm thật lớn. Thật ra nó đáp lộn chỗ đấy vì nhà tôi cạnh nhà gã mà. Nhưng tôi vẫn mặc kệ vì việc này xảy ra thường xuyên đến nỗi tôi vô tình coi chúng như một thử thách vào sáng sớm sau khi thức dậy. Tiếc là chẳng có một lần nào tôi hoàn thành được vì số lượng đồ vật ném vào ban công tôi khá lớn.
Hôm nay cũng vậy. Vừa mở cửa lại khép vào, lại là cái ống bơ, cái ống bơ và cái ống bơ. Nhưng tôi lại cố gắng rướn đầu ra một lần nữa và phụt cười vì chiếc quần lót phụ nữ chễm chệ trên mu giày gã ta từ một cô nàng đỏng đảnh nào đó bên ban công nhà đối diện.
– Do anh đấy Nhạc Sĩ. Đừng trách chúng tôi.
Tôi cười nhếch mép, đắc ý. Chiếc giày loafer màu nâu trầm yêu thích mà gã vẫn luôn giành tận hai tiếng mỗi ngày đánh bóng giờ đây thành nơi chế nhạo của tất cả mọi người đang có mặt trên ban công vào lúc năm giờ sáng. Điều này thật sự khiến gã nổi giận. Mặt gã đỏ, chân gã hậm hực hất chiếc quần nhỏ xuống phố và sẵn sàng cầm chiếc gác bút thủy tinh ném ngược lại sang hướng đối diện. Rất tiếc, nó chệch hướng sang nhà người đàn ông bên cạnh vẫn luôn chỉ trỏ cười cợt gã, chậu xương rồng rơi xuống đất vỡ toang và tiếng mắng chửi toang toác như một con gà mái bị dọa lấp đầy không gian vốn dĩ chỉ thoang thoảng tiếng chào hàng của bà dì mưu sinh bên gánh quà vặt. Gã nhanh chóng hạ đàn, bước vào trong nhà rồi kéo rèm. Từ đó đến bảy giờ năm mươi chín phút sáng sẽ chẳng một ai thấy gã bước ra một lần nào nữa, mặc dù bảy giờ sáng là cái giờ người người nhà nhà bước ra khỏi cửa để đi làm.
Cho đến đúng tám giờ không lệch một giây nào, gã có mặt trước cửa nhà. Một chiếc vest đuôi tôm khác, một đôi giày khác, một chiếc nón rộng vành che khuất đi nửa khuôn mặt và một cây gậy batoong đen tuyền trong khi nách cắp một phong bao cỡ lớn từ bệnh viện. Trông gã giống một tên quý tộc giàu có đến từ những vùng ngoại ô mặc dù gã nghèo đến mức quà vặt cũng chẳng có tiền mua. Ngày nào gã cũng đến bệnh viện vào cái giờ này và sẽ có mặt trước cửa nhà vào lúc mười một giờ trưa, không lệch một giây. Tôi từng nghĩ rằng bệnh của gã có vẻ nặng nhưng hiện tại tôi lờ tịt đi vì nghĩ rằng chẳng có bệnh nào nặng bằng căn bệnh “đúng giờ” đến đáng ngạc nhiên của gã, nó khiến tôi cảm thấy khó chịu khi tôi chỉ lỡ một giây so với giờ hẹn mà gã đã liên tục cằn nhằn.
– Không tin được, tôi không tin được.
Cái bản mặt gã nhăn nhó trông đến mắc ghét khiến người đối diện chỉ muốn cầm cả chậu xương rồng dí vào nơi ấn đường đang chun chun lại. Cái mặt gỗ chỉ biết nhăn nhó khi người khác trễ giờ.
– Một giây, chỉ là một giây. Nếu anh cứ hẹp hòi như thế có ngày sẽ bị đánh, thật sự đấy.
– Tôi không quan tâm.
Câu trả lời như mọi khi, đoạn hội thoại quen thuộc mà ngày nào cũng phát như cái bảng tin dự báo thời tiết trên radio hằng ngày. Tôi đặt lên bàn đĩa bánh bích quy giòn rụm rồi thả mình lên chiếc ghế bành êm ái nhà gã mặc cho nó đã sứt chỉ và thỉnh thoảng sẽ rơi cả bông ra ngoài khi người ta cựa quậy nhẹ nhàng.
– Tôi xem bệnh án của anh được chứ? – Tôi với tay lấy chiếc phong thư màu trắng trên nóc một cái tủ gỗ lùn cạnh chiếc ghế tôi đang ngồi, hay đúng hơn là nằm vắt vẻo như một con khỉ… Dù sao thì cũng chẳng có ai thấy để đánh giá tôi ngả ngớn như thế nào, trừ anh bạn Nhạc Sĩ vô cảm này, gã cũng chẳng thèm đánh giá tôi ngồi như thế nào đâu. Gã chỉ chăm chăm vào đĩa bánh bích quy yêu thích mà gã chẳng thể nào mua nổi và ngắm nhìn bầu trời chói chang qua ô cửa ngoài ban công chật hẹp được thiết kế khiêm tốn của khu chung cư xuống cấp này.
– Ồ, chẳng còn bệnh án nào đâu. Chỉ còn một bản án tẻ nhạt trong đấy thôi.
Gã chẳng để tâm mấy, gương mặt vẫn vô cảm ngắm nhìn bầu trời. Đúng thật là vậy. Phong thư có vẻ rất dày mọi khi nay lại xẹp lép, có vẻ nhỏ hơn cái phong thư mọi khi nữa. Tôi chầm chậm lật miếng niêm phong đã rách toang do trước đó gã đã mở, tò mò hỏi:
– Vậy số bệnh án đâu mất rồi? Bệnh viện thu lại à?
– Không. Tôi đốt rồi.
Gã nhìn tôi, đôi mắt trong veo lạ thường lại có phần lạc lõng như một người buông xuôi khi cận kề cái chết. Thảo nào gấu quần gã vẫn còn vài tàn giấy xám tro bám víu, quấn đến gót giày. Tôi cũng không buồn hỏi thêm vì như thế khá là tọc mạch cho đến khi tôi lấy được tờ giấy để trong phong thư kia, cái gì gọi là tọc mạch trong tôi lại bay biến. Tôi muốn hỏi, thật muốn hỏi, rất nhiều.
Một tờ giấy xác nhận phẫu thuật. Cái mà Nhạc Sĩ nói với tôi là bản án.
– Hội chứng nôn… hoa?
– Hệ thống phiên âm dở người của bệnh viện.
– Quả thật dở người. Tên của nó là gì?
– Hanahaki.
Gã vừa mở lời, tôi lại suy nghĩ. Lường trước được việc tôi không hiểu, gã đã chuẩn bị sẵn sàng để giải thích. Lần đầu tiên trong bốn năm sống cạnh nhà nhau tôi mới thấy được gã nói nhiều như thế. Và tôi hiểu được sự đáng sợ của “Hanahaki” nhưng vẫn không hiểu cái ‘bản án’ mà Nhạc Sĩ nói kia.
‘Hội chứng Hanahaki được sản sinh ra từ những mối tình đơn phương. Những nhánh hoa sẽ cắm rễ trong buồng phổi và từng chút một sẽ tổn thương lồng ngực, chèn ép đến nghẽn đường thở. Khi bệnh nặng, người bệnh sẽ ho ra những cánh hoa và máu, càng ngày càng nhiều cho đến lúc chết. Nếu như tình cảm người bệnh được đáp lại thì bệnh sẽ khỏi, hoặc là phẫu thuật cắt đi những cuống hoa nhưng người bệnh sẽ đồng thời mất đi các xúc cảm đơn phương, tệ nhất là mất cả khả năng yêu.’
Tôi khá ngỡ ngàng. Vốn dĩ tôi từng nghĩ rằng người như Nhạc Sĩ sẽ chẳng có ai theo đuổi bởi cái tính quái đản (thật là vậy) và sẽ chẳng theo đuổi một ai. Nhạc Sĩ nồng nàn với giai điệu nhưng lại lãnh cảm với các mối quan hệ xã hội. Nhạc Sĩ mà tôi biết chỉ theo đuổi những tiếng đàn sầu não lúc hửng sáng cốt tìm cho mình một lối đi khác biệt với bất cứ người nào bằng bản lĩnh tự nhiên và cây đàn violin thời cha mẹ gã. Nhưng ngay lúc này, tôi biết Nhạc Sĩ đã đơn phương một người ngoài cái thế giới nhỏ hẹp chỉ tôi với gã và vài tên lưu manh hay cô đào phố nhà mình, tôi lại thấy xót xa thay cho trái tim của gã. “Từ bao giờ?” – Tôi vô thức buột miệng hỏi và khi ý thức được, Nhạc Sĩ đã ngồi đối diện tôi, hai bàn tay đan vào nhau đặt lên đùi, nghiêm túc trải lòng:
– Bốn năm.
Bốn năm cho một mối tình đơn phương dài dằng dặc đủ khiến người ta mất niềm tin vào thứ tình yêu vô vọng ấy thì Nhạc Sĩ còn mang thêm nỗi đau từ những rễ hoa bén ngót đâm sâu vào máu thịt. Nó lại kéo tôi vào những đêm đông phủ tuyết, từng tràng ho kéo dài không ngớt vang lên trong đêm của người hàng xóm bên vách tường mang theo hơi máu nhàn nhạt tràn vào không khí lạnh lẽo qua lỗ thông hơi bị đục méo xệch. Lúc ấy tôi mặc kệ vì gã chỉ là một tên dở người dở nết quái đản. Nhạc Sĩ đối với tôi hiện tại vẫn là dở người quái đản nhưng cũng là một kẻ ngốc cố chấp với tình yêu.
Tôi không ngủ được và Nhạc Sĩ cũng không. Đã khuya, đèn phòng gã ta vẫn sáng hắt lên ban công nhà tôi, cái màu vàng mà người ta vẫn thường réo nhau là màu của hy vọng nay trong mắt tôi thật thê lương và ảm đạm. Tôi đã tận mắt nhìn gã đặt bút kí tên xác nhận cắt đi cuống hoa trong phổi mình, cắt đi gốc rễ cảm xúc nơi trái tim của gã. Mặt Nhạc Sĩ không buồn không khóc, đôi mắt vẫn trong trẻo kì lạ, ai biết lòng gã có lăn tăn về quyết định làm thay đổi cả cuộc đời sau này của gã không hay là vẫn lắng sóng như một Nhạc Sĩ lúc bình thường.
Và rồi tôi nghe gã ho, cơn ho thật dài. Cái bóng gã đổ rạp lên ban công nhà tôi, khuỵu xuống nỗ lực ho ra thứ cánh hoa nhuốm máu tanh tưởi. Tôi không chạy sang vì tôi biết, đây là lần cuối cùng gã đắm chìm trong cơn say của tình yêu, cái thứ tình yêu đắng dã như thuốc độc thuở ban đầu. Gã càng đau đớn thì càng nhớ rõ. Nhớ rõ lòng gã từng được ai xoa dịu, từng bị ai cứa rách để rồi sau ngày mai, không còn một ai tiến vào trái tim gã nữa. Chỉ còn giai điệu của một bản tình ca buồn thảm theo gã đến cuối đời. Tôi nhắm mắt, chìm vào giấc mộng trong cơn ho đau đớn. Trong cơn mơ ấy, tôi lại nghe thấy giai điệu của bản đàn “A time for us” qua tay Nhạc Sĩ, réo rắt một hồi lâu rồi biến mất mãi mãi như chưa từng được cất lên.
Sáng hôm sau, tôi mở mắt dậy vào sáu giờ ba mươi sáng như những bốn năm về trước, không còn tiếng đàn trầm bổng quen thuộc, không còn tiếng “choang” của những ống bơ va đập và tiếng mắng chửi lảnh lót của vài cô đào hay tiếng cười cợt của lũ vô lại đánh thức tôi nữa. Tôi mở cửa bước ra ngoài, cây đàn violin gãy vỡ cạnh bộ vest đuôi tôm quen thuộc ngày nào được gấp gọn, phiếu xác nhận từ bệnh viện còn nguyên thẳng thớm nhưng Nhạc Sĩ đã không còn ở đây. Chỉ còn vũng máu sậm đen dưới đất bẩn và âm thanh “rầm rập” của đội đưa tang giương kèn nơi phía cuối con đường. Góc phố ngày hôm ấy tràn ngập cánh hoa cẩm chướng đỏ thẫm chập chờn trong gió, thứ hoa chưa bao giờ xuất hiện ở nơi đây, nặng nề mang theo máu đỏ bay biến về phía bầu trời. Loài hoa hành hạ gã đẹp như chính tình yêu của gã vậy. Đỏ thẫm màu máu mang ý nghĩa thê lương.
Nhạc Sĩ tự tử vào ba giờ sáng không lệch một giây nào. Tôi cứ ngỡ bệnh tình trở nặng khiến gã phải chết ngay trong đêm ấy. Khi hay tin, tôi trách gã. Gã có thể dứt bỏ thứ tình cảm đó và tiếp tục sống cho bản thân mình. Nhưng thật lâu sau này tôi mới biết được. Năm đó Nhạc Sĩ không thể để người mình thương tự tay cắt bỏ cuống hoa do chính người ấy gieo trồng vào lồng ngực gã. Người phẫu thuật cho gã, người gã luôn chỉn chu gặp mặt suốt bốn năm, vào lúc tám giờ sáng đến mười một giờ sáng mỗi ngày, gã không nỡ. Mà, cũng có thể là gã không thể sống với sự lạnh nhạt từ người gã thương khi gã vẫn mãi là kẻ lập dị như ngày nào. Và bấy giờ tôi đã hiểu, ‘bản án’ năm đó Nhạc Sĩ nói với tôi, tôi đã hiểu lý do đằng sau cái gọi là bản án đắng chát này.
—
Lời cuối: Đây là truyện ngắn đầu tiên của mình tại Vnkings, hy vọng mọi người cảm thấy tốt. Nếu có gì cần chỉnh sửa mong mọi người giúp đỡ. Trân trọng cảm ơn và chúc một ngày tốt lành.
Oanh Trang (7 tháng trước.)
Level: 5
Số Xu: 21
Amira Yuu (3 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 1774
Hay quá ạ, nhưng em không hiểu lắm @_@
Alice Cecillia (4 năm trước.)
Level: 5
Số Xu: 417
rất hay ạ, cảm ơn tác giả. Ủng hộ bạn><
Tế Anh (4 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 2917
Cảm ơn cậu nhiều nhen.
Chúc cậu có một ngày tốt lành!
Nguyễn Như Lan (4 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 2392
ủng hộ tác giả! bạn có những câu ví thật độc đáo!
Tế Anh (4 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 2917
Cảm ơn cậu vì đã ủng hộ cho truyện ạ!
Tế Anh (4 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 2917
Cảm ơn cậu nhiều nha :>
Phạm Thùy Trang (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 1706
truyện thật ý nghĩa
Tái Thụy Nhất Hạ (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 5038
Từ trước đến nay, những kẻ bán mình cho nghệ thuật thì có mấy ai mà tâm hồn không tràn ngập tình cảm. Chính vì lẽ như vậy mà khi yêu, họ cũng là những người si tình hơn bất cứ ai...
Gã là nhạc sĩ mà cũng tên là Nhạc sĩ, phải chăng... đây chính là một điềm báo trước cho số phận của gã, phải chết và chết vì chính thứ mà gã hằng theo đuổi bấy lâu nay.
Tường Vi (4 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 8667
Thấy tác giả PR trên face nên ghé qua.
Lối viết khá tây. Rất hay, tuy chỉ có vài câu văn hơi dài quá.
Chúc tác giả thành công nhé!