- Nhạc, Thơ và Tôi
- Tác giả: Dương Hà
- Thể loại:
- Nguồn: vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 2.577 · Số từ: 1199
- Bình luận: 2 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 1 Gấm Nguyễn
Thuở còn bé tôi thích âm nhạc lắm. Thích những giai điệu vang lên nhẹ nhàng len qua mặt đường bỏng lửa của buổi trưa hè. Thời ấy chỉ mỗi nhà ông trưởng thôn là có dàn loa và cái đầu băng biết phát nhạc. Trưa nào tôi cũng dỏng tai lên mà ngóng câu hát quen thuộc đến mức ám ảnh: “Hồn lỡ sa vào đôi mắt em”… Ngày đó nghe câu hát sao mà mênh mang buồn dù không thực sự hiểu ý nghĩa gi cả. Làm sao một trái tim còn chưa biết đập vội có thể hiểu được ý nghĩa của tình yêu? Thế mà tôi vẫn nhớ mãi cái cảm giác buồn não ruột, buồn đến nao lòng. Giai điệu ấy nhuộm màu buồn cho cả con đường vắng và trưa nắng, cả mấy bụi dã quỳ vàng và tiếng gió nghịch cây. Âm nhạc là một thứ thần kỳ như thế. Đó là một cách giao tiếp phi ngôn ngữ của loài người, là những điệu nhảy của trái tim, là tiếng thổn thức của tâm hồn. Và cũng vì âm nhạc mà những kẻ ghen tuông, hận tình cũng trở nên vị tha đến vậy:
“Dù mai đây ai đưa em đi đến cuối cuộc đời
Dù cho em, em đang tâm xé, xé nát tim tôi
Dù có ước, có ước ngàn lời, có trách một đời
Cũng đã muộn rồi…
Tình ơi dù sao đi nữa xin vẫn yêu em”
(Niệm khúc cuối, Ngô Thụy Miên)
Bây giờ khi đã hiểu thế nào là Hồn lỡ sa vào đôi mắt em, nỗi buồn trong giai điệu ấy lại càng mãnh liệt. Có những nỗi buồn mới biết gọi tên đã nhuộm úa cả đất trời như thế. Tình yêu là gì mà biến nhân loại tất thảy thành kẻ ngu si, biến những cảnh tầm thường của thế gian thoáng chốc thành thiên đàng, thoáng chốc là địa ngục? Đó là ảo ảnh mà muôn đời nghệ sĩ mê đắm, dõi tìm; là thứ thuốc phiện mà vạn kẻ si tình nguyện thề sống chết. Nỗi buồn trong tình yêu như vị đắng trong ly café, nó đắng nơi đầu lưỡi mà ngọt thơm nơi cuống họng, khi mà nó đã trôi qua…
Thế rồi thơ xuất hiện trong đời tôi, như những người khổng lồ của trăm năm trước hiện diện trong những câu từ bất hủ.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa văn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
(Tràng Giang, Huy Cận)
Đối với tôi nhà thơ cũng là họa sĩ. Có những bài thơ tả cảnh đẹp hơn tất cả mọi bức tranh hiện hữu. Nhà thơ chỉ chấm phá vài nét, phác thảo nên những đường nét chính bằng những câu chữ và để cho người đọc tự chăm chút chi tiết bằng trí tưởng tượng của chính mình. Nên mới nói, bức tranh mà nhà thơ vẽ nên lúc nào cũng thỏa mãn được cả những người xem khó tính nhất. Mà cái hay của nhà thơ không chỉ là họa thực cảnh mà còn họa được cả tâm cảnh.
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo, chân mây trắng
Người ấy sang sông đứng ngóng đò..
(Hai sắc hoa ti gôn, T. T. Kh)
Nỗi buồn của nhân vật trữ tình bao trùm cả bức tranh chiều thu. Chỉ cần nhắc đến chiều thu thôi là đã thấy buồn man mác, thế mà tác giả vẽ luôn một chiều thu đủ cả nắng mờ, hoa đỏ, gió lạnh, chân mây, dòng sông, con đò. Trông một chiều thu mà “tôi” trơ trọi giữa bấy nhiêu hình ảnh buồn da diết ấy, thực cũng khiến cho người đọc phải tê tái tâm hồn… Tài lắm mới vẽ được một chiều thu như thế. Chiều thu hôm ấy tựa hồ chết rồi…
Đôi khi tôi cũng quả quyết rằng, nhà thơ cũng là nhạc sĩ. Là nhạc sĩ thì mới sáng tác được cái chất nhạc rất vi diệu trong thơ.
Em bước điềm nhiên không vướng chân,
Anh đi lững đững chẳng theo gần.
Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu,
Anh với em như một cặp vần.
(Thơ Duyên, Xuân Diệu)
Rõ ràng có một giai điệu được ém rất khẽ, rất khéo vào từng câu chữ. Ngâm thơ chính là tự mình gảy lên từng nốt nhạc, như tự mình độc tấu một bản nhạc, với tâm thế của nhà soạn nhạc vĩ đại của trăm năm trước. Thi nhân dùng cái chất nhạc trong ngôn ngữ mà gửi vào thơ một khúc nhạc rất tài, rất êm. Khúc nhạc ấy chỉ hiện ra khi người ta ngâm thơ, đọc thơ với tâm thế của nhân vật trữ tình. Ấy vậy nên những kẻ chưa yêu làm sao hiểu được thơ của Xuân Diệu, những kẻ không buồn nỗi buồn nhân thế sao hiểu được cái sầu của Tràng Giang?
Đôi khi một câu hát, một vần thơ có vẻ tầm thường mà lại mang một sức hút đặc biệt nhờ sự đồng cảm. Bởi bao nhiêu thế hệ mà chỉ một câu chuyện chung: “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ…”. Tác giả kể chuyện đời mình như thể kể chuyện đời chung, để những kẻ si tình thâu nhận tưởng như nghe kể chuyện đời mình. Để rồi sung sướng, hoan hỉ như tìm thấy một người bạn tri giao. Con người ta cô đơn quá!
Có những hồn thơ chưa chết hẳn, còn lưu luyến thế gian mà quyến luyến không về. Những hồn ấy không lang thang phiêu bạt khắp nơi, mà tự lẩn mình vào trong những câu chữ, trong những giọng ngâm, lời đọc, trong những tiếng than vừa ai oán lại vừa cam chịu, trong những câu chuyện xưa cũ của những người vô danh.
Họ đă xa rồi khôn níu lại,
Lòng thương chưa đă, mến chưa bưa…
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ
(Những giọt lệ, Hàn Mặc Tử)
Con người ta có cuộc đời quá ngắn ngủi nếu so với cái dài lâu của vũ trụ, và quá nhỏ bé so với cái bao la của trời đất. Cuộc đời của họ, câu chuyện của họ bị hòa tan trong hàng vạn mảnh đời, hàng tỷ câu chuyện của ngàn đời trước và ngàn đời sau. Rồi chẳng biết đến vài trăm năm sau, tên của họ có lại được nhắc đến bởi một lữ khách vô tình thăm mả cũ bên đường, hay có một ai sẽ rơi nước mắt cảm thương khi chạm được đến những mảnh thơ còn sót lại của một kẻ si tình vô danh, như thi hào nọ từng khóc cho nàng Tiểu Thanh xấu số?
Cảm thương những kiếp người nối đuôi nhau, chợt giật mình nhớ về mấy câu thơ về một đoàn tàu cũ:
Tôi thấy lòng thương những chiếc tầu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương víu trong hơi máy,
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau.
(Những ngày nghỉ học, Tế Hanh)
Dương Hà (7 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 1269
Ấy chết mình quên mất! Mình đã sửa lại rồi :D
Cảm ơn Thiên Không Nhẫn Giả Shurikenger nhiều vì đã nhắc ^^
Shurikenger (7 năm trước.)
Level: 5
Số Xu: 321
Tên truyện vui lòng không in hoa toàn bộ bạn nhé!