- Nhận Xét Và Góp Ý Cho Tầm Thần Ký
- Tác giả: Thuấn DC
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 2.403 · Số từ: 1943
- Bình luận: 7 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 7 Lục Minh Xanh Trường Lộ Cô Hành ๖ۣۜNguyệt ๖ۣۜNha Linh Imao Tái Thụy Nhất Hạ Lam Nguyệt
Tầm Thần Ký – Một Điển Hình Của Câu Chuyện Thiếu Thống Nhất
Truyện kể về cô gái Tịch Thần, sau khi chết bí ẩn được ‘trọng sinh’ ở một thế giới mới tồn tại các nguyên tố và yếu tố siêu nhiên. Trong cơ thể mới, cô tìm tòi, lục lọi đột phá giới hạn cũ của mình, truy tìm đỉnh cao ma pháp mà cô hằng mong tưởng. Khi nhìn vào mục tiêu đó, người ta nghĩ rằng đây sẽ là câu chuyện về tu luyện, về lý tưởng, song truyện không làm bật lên điều đó, cũng như không có một định hướng nào đặc biệt để thay thế.
Đối với tiểu thuyết và truyện dài, định hướng rất quan trọng, nó không chỉ ảnh hưởng đến cốt truyện về sau, có thể thấy rõ ở Tầm Thần Ký. Bởi vì thiếu định hướng mà tình huống ở mấy chương đầu của truyện khá loạn, không có điểm nhấn, diễn biến cũng không nhịp nhàng. Trọng sinh, phát hiện bản thân mang kì ngộ, hồi tưởng quá khứ, định hướng tương lai,… mạch truyện như thế nhìn tương đối ổn song việc phải nhấn vào đâu thì tác giả lại không ý thức được. Ngoài ra còn có thể xuất phát từ tác giả quá tham, muốn câu chuyện có tu luyện, có tâm lý lẫn hành động nên ôm đồm hết cả vào truyện.
Nếu đặt định hướng là tu luyện, vậy điều cần nhấn là kì ngộ, là diễn giải thông tin. Nếu định hướng là tâm lý thì cần nhấn cái hồi ức, cái suy tư và đấu tranh nội tâm. Tương tự, nếu đặt định hướng là hành động thì cần nhấn vào việc nhân vật suy nghĩ về tương lai như thế nào, đưa ra quyết định ra sao. Tạo điểm nhấn là cần thiết để người đọc đặt sự chú ý vào nội dung, mà đặt điểm nhấn ở đâu lại phụ thuộc vào định hướng. (Ngoài định hướng còn có mạch diễn biến và dòng chảy nội tâm, là ba thứ vô hình tác động đến câu chuyện và cảm nhận của người đọc. Do phạm vi của bài này là nhận xét nên tôi không nhắc thêm.)
Tóm lại, tác giả cần xác định lại định hướng của truyện, rồi từ đó xem nên lược bớt ở đâu và cần phải tập trung ở điểm nào. Chứ như hiện tại thì câu chuyện quá rời rạc và mông lung. Và tất nhiên truyện này không chỉ có mỗi vấn đề đó.
Vấn đề tiếp theo vẫn nói về sơ lược nội dung, là thể loại của truyện. Mới đầu ta sẽ nghĩ nhân vật chính ‘xuyên việt’ vào thế giới ma pháp, song bất ngờ thay đó lại là thế giới tiên hiệp. Tuy nhiên không thể nói rằng điều bất ngờ đó là thành công được, khi mà phần đầu tác giả miêu tả nó có bối cảnh của thế giới ma pháp, như của thế giới mà nhân vật từng sống. Nếu đổi thành các nguyên tố khác lạ, các linh dược chưa từng thấy, các quái thú kì dị mới gặp lần đầu thì sẽ vừa lý giải được thế giới mới, vừa uyển chuyển làm cầu nối bộc lộ bối cảnh tiên hiệp.
Thể loại không đơn giản chỉ là để phân loại, để lý giải bối cảnh mà đây còn là một điểm neo. Vấn đề của Tầm Thần Ký cũng là một ví dụ về việc truyện thiếu điểm ‘neo’, dẫn đến việc pha trộn hai thể loại lại với nhau không được đồng nhất. Ở đây tôi không bàn về thực tế mà nói đến việc dẫn dắt câu chuyện, đúng là bối cảnh hai bên có thể trùng nhau, song để nội dung liên kết với nhau thì nên có sự khác biệt, bởi đây là câu chuyện thành Thần trong thế giới Tiên.
(Neo là hệ thống giữ cho truyện không đi trệch đường, giữ tính thống nhất, hòa hợp cho các sự kiện, diễn biến đang phát triển. Thể loại là một trong số những điểm neo đó.)
Tiếp theo là cốt truyện, bởi vì tôi chỉ đọc chưa tới hai mươi chương nên chưa nắm được nội dung khái quát, vì thế tôi chỉ nhận xét là qua hai phần là phần trình bày và phần nút thắt.
Chảy xuôi theo câu chuyện là diễn biến và hành động của nhân vật, dù vậy thì trước khi biến cố thật sự xảy đến thì đây vẫn là phạm vi của phần trình bày. Ở dạng thể loại này xuyên việt không phải biến cố, mà là điều kiện; một trong các điều kiện và nguyên nhân làm nảy sinh xung đột, hình thành biến cố. Mặc dù chưa đọc đủ nhiều nhưng tôi khá chắc chắn là Tầm Thần Ký sẽ không có biến cố khởi đầu, cũng như là phần nút thắt của truyện, bởi câu chuyện luôn diễn ra theo hướng nhân vật muốn. Đơn giản mà nói thì truyện đang thiếu các điều kiện để hình thành biến cố. Không có nút thắt, cốt truyện không thể cô động theo một mạch dẫn được, câu chuyện vì thế trở nên không thật.
Mọi người thường nhầm lẫn cho rằng sử dụng nhân vật làm trung tâm dẫn dắt sẽ không cần quan tâm đến cốt truyện, điều đó dẫn đến hậu quả khá nghiêm trọng. Sự thật là có rất ít tác giả có thể phát triển nhân vật mà không phụ thuộc hoàn cảnh, hay bối cảnh sự kiện. Bởi trong truyện nhân vật chỉ tự nhiên khi bị tác động chứ tự mình chuyển động thì rất khó.
Nhân vật chính Tịch Thần trong Tầm Thần Ký là một ví dụ. Trong hơn chục chương đầu, ở hai tình huống cứu người và gia nhập liên minh lính đánh thuê của nhân vật chính là tồn tại nhiều vấn đề nhất. Cứu rồi lại cân nhắc có cứu nữa không mà chẳng có gì tác động đến, hệt như tinh thần phân liệt. Đi ra đường chẳng ai ngó ngàng, đến khi vào nhà hội thì gặp đích thân quản lý ra giới thiệu, dù là tự sướng thì cũng hơi bị thiếu tâm rồi. Nguyên nhân của nó không chỉ là logic mà còn vì tác giả quen đưa nhân vật của mình vào vai chủ động, và hầu hết trong tình huống đó tác giả đều quên để ý hoàn cảnh hay logic.
Tất nhiên nếu nhân vật được xây dựng tốt thì sẽ không dẫn đến tình trạng đó, cho nên vấn đề chủ yếu nhất của tác phẩm vẫn là xây dựng nhân vật. Trong Tầm Thần Ký, hình tượng của nhân vật chính Tịch Thần xoay chuyển khá nhiều, từ cô gái bình thường dễ rung động đến ma thuật sư lãnh tĩnh*, từ cô nàng chăm chút bữa ăn hằng ngày đến kiểu người thờ ơ chưng diện. Những điều đó chưa hẳn đã tạo nên sự xung đột trong tích cách của nhân vật, song việc thay đổi liên tục khiến cho người đọc không nắm bắt được tâm lý nhân vật, sẽ cảm thấy miêu tả của tác giả quá hư cấu.
(Lãnh tĩnh: Lạnh lùng, bình tĩnh, giỏi kiểm soát cảm xúc, ít bị tác động.)
Khi độc giả nghĩ Tịch Thần lãnh tĩnh, lạnh lùng thì họ rất dễ cảm thấy việc cô ức chế, bực bội với thái độ của hai anh em Kỳ Văn Thư là mâu thuẫn. Tương tự, khi họ nghĩ Tịch Thần là người cẩn trọng thì việc gia nhập liên minh lính đánh thuê một cách vội vàng như thế là không hợp lý. Đó chính là lý do mà nhân vật cần có một hình tượng cụ thể hơn, cá tính rõ ràng hơn, bởi đó là cơ sở giải thích cho những hành động của họ.
Mỗi nhân vật đều có hai hình tượng, một là nhận định của chính họ và một là nhân định dưới cái nhìn của người khác. Dù là nhận định nào trong hai cái thì đều có thể thay đổi, tùy theo tình huống và va chạm diễn ra. Song một khi tác giả đưa ra nhận định cho nhân vật, áp đặt cách suy nghĩ, hành động cho họ thì việc thay đổi là không nên. Điển hình là nhân vật Kỳ Văn Thư được cho là vô cùng yêu mến em gái đau bệnh của mình, song khi được Tịch Thần hỏi về tham vọng thì anh lại mông lung tự vấn mà không nghĩ đến em gái trước tiên.
Cũng nói thêm về cách thay đổi tính cách và quan điểm nhân vật, ta chỉ nên thay đổi khi cơ sở về nó được làm rõ. Bởi vì trước khi thay đổi tính cách nhân vật thì ta phải thay đổi cơ sở hình thành nên tính cách đó trước. Điển hình là nhân vật có gia đình êm ấm rồi bất ngờ gia đình đổ vỡ, gia đình ở đây là cơ sở để lý giải tính cách.
Tiếp tục nhận xét tác phẩm, sau phần nội dung là văn phong. Bởi vì tác giả có yêu cầu chăm chước phần này nên tôi chỉ nhận xét nhẹ nhàng thôi. Tác giả cũng đang trong quá trình cải thiện và chỉnh sửa dần tác phẩm, trước hết thì đây là một dấu hiệu rất đáng mừng. Bởi vì tác giả chỉ mới sửa vài chương đầu nên tôi không đánh giá tổng thể mà đi thẳng vào chi tiết, và cũng chỉ nhận xét ở mấy chương mà tác giả đã sửa.
Cũng tiện nhắc luôn cho các tác giả khác là, Vietphrase (VP) không phải là văn phong, mà chỉ là một sản phẩm của phần mềm convert tiếng Trung ra tiếng Việt và Hán Việt. Không chỉ nói văn phạm của tiếng Trung khác tiếng Việt chúng ta, mà phần mềm dịch còn luôn rất hiếm khi dịch đúng câu. Vì thế đừng cố gắng bắt chước nó, dù có là ai ủng hộ đi chăng nữa.
Về Tầm Thần Ký, ảnh hưởng của văn phong Trung Quốc với tác giả thật sự quá sâu, và đa phần đó đều là những cái sai. Đầu tiên là mốc thời gian trong các tình huống không rõ ràng, gì mà “không biết trải qua bao lâu” rồi “hơn nữa ngày…” lại “ngày đêm luân phiên”. Nhân vật có thể đưa ra cảm nhận không rõ ràng về thời gian, song đối với người dẫn chuyện thì việc xác định mốc thời gian càng cụ thể thì tình huống, diễn biến câu chuyện càng rõ ràng.
Ở điểm nhìn, những chương đầu tác giả đã làm được khá tốt, chỉ có ở phần sau khi mà nhiều nhân vật hơn thì nó mới bị rối, nhất là ở các tình huống đối thoại. Việc đặt điểm nhìn vào cả hai nhân vật trong cuộc đối thoại không phải là không được, nhưng khi đó dấu hiệu chuyển vai người nhìn phải được làm rõ.
Nhắc thêm, góc nhìn toàn tri (tác giả) cũng chỉ là một điểm nhìn, không thể thay thế cho điểm nhìn khác. Khi chuyển điểm nhìn, bắt buộc ta cũng phải có một bước đệm.
Về câu cú và từ ngữ, truyện thật sự có rất nhiều vấn đề. Song tác giả vẫn đang cố gắng cải thiện nên tôi sẽ không đề cặp tới. Bài nhận xét đến đây là kết thúc.
Mong những góp ý trên sẽ giúp ích cho tác giả.
Thuấn DC.
Linh Imao (5 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 1389
hay ghia á
Madara Uchiha (5 năm trước.)
Level: 1
Số Xu: 17
Review hay quá
๖ۣۜNguyệt ๖ۣۜNha (5 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 13003
nhận xét đúng chuẩn, mình k thấm nổi văn phong của tác giả, mình đọc từ lúc tác giả mới viết, ráng lết đến chương ba mấy thì phải, chịu hết nổi nên bỏ ngang đến giờ, từ cái lúc chưa đổi tên truyện kìa, haiz.
Đọc mà có cảm giác như đang đọc một bản convert :(
Ráng chờ tác giả sửa rồi đọc lại xem sao, vì mình cũng có góp ý với tác giả từ những ngày đầu rồi, mà mãi không thấy sửa, nên mới bỏ ngang :(
Vũ Phiên (5 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 4787
Với chất lượng tốt thế này thì tôi rất mong chờ bài review đó ^^
Trường Lộ Cô Hành (5 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 6
Cảm ơn anh Long nhiều, em sẽ tiếp thu nhận xét và sửa chữa dần. Thật sự! Rất cần những lời nhận xét và lời khuyên như thế này!??
Tiểu Long (5 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 23131
Cảm ơn bác đã khích lệ. Mà hình như tui còn nợ bác một bài review đã nhận trên Group
Vũ Phiên (5 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 4787
Bài review chuẩn và có chuyên môn :)
Nhận xét chuẩn và có chuyên môn :)