- Nhận Xét Và Góp Ý Cho Truyện Hôn Quân Của Bóng Ma Độc Hành
- Tác giả: Thuấn DC
- Thể loại:
- Nguồn: Thuấn DC
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.474 · Số từ: 1538
- Bình luận: 1 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 2 Xanh Bóng Ma Độc Hành
Nhận Xét Và Góp Ý Cho Truyện Hôn Quân Của Bóng Ma Độc Hành
–//–
Đây là lần đầu tiên tôi đọc truyện thể loại 12 chòm sao cho nên chẳng thể có được cái nhìn toàn diện về tác phẩm này được, tôi sẽ chỉ xét đến nội dung diễn biến và kĩ thuật dựng truyện thôi.
Đối với truyện này, phải nói là tiết tấu nhanh thật, mà như vậy có lẽ sẽ phù hợp với giới trẻ hơn. Đây cũng chẳng phải kiểu xa lạ gì lắm, rất đúng chất của ‘truyện’, ‘kể chuyện’ xuyên suốt nội dung với góc nhìn toàn tri (góc nhìn của tác giả). Đi sâu vào nghệ thuật kể chuyện có lẽ sẽ khá khó hiểu, nên tôi không nhắc thêm ở bài này, nếu tác giả quan tâm thì có thể tự tìm tài liệu để xem qua. Ở tác phẩm này, có khá nhiều lời thoại đan xen nên không tính là quá khô khan, văn thô mà ý không thô, chỉ có một vấn đề gây khó chịu cho người đọc là lời thoại quá mức đơn điệu.
Lời thoại là một phần cá tính của nhân vật, bộc lộ thông tin và là cầu nối tuyệt vời cho các tình tiết trong truyện. Ở trong tác phẩm này, nó còn là khoảng dừng, điều tốt nhất để điều chỉnh nhịp điệu chậm lại. Nhưng rõ ràng, những tác dụng này đều không thể hiện được hết.
Về nội dung, nếu phải chốt lại một câu thì cảm nhận của tôi về truyện này là: Diễn biến bất ngờ nhưng không lạ, tình tiết gây cấn nhưng lại thiếu cao trào. Với những người ít tuổi thì có lẽ như vậy là đủ nhưng với những người nhiều tuổi hơn thì nó thật sự chưa hấp dẫn được họ. Mà, truyện thể loại này cũng chỉ hợp với thanh thiếu niên nên sẽ chẳng ảnh hưởng gì.
‘Hôn Quân’, đúng với cái tên, ngay đầu truyện tác giả đã gợi lên hứng thú của người đọc. Và thật thú vị khi biết nhà vua dường như đang chịu đựng, đau khổ trước danh hiệu vốn không thuộc về mình. Cách đặt vấn đề này khá tốt, nó gợi lên tò mò người đọc, nhưng bởi vì có quá ít chi tiết liên quan nên người đọc cũng khó nhập tâm vào nhân vật thêm nữa. Nhất là việc chuyển đổi tình huống quá nhanh, liên tiếp các nhân vật xuất hiện sau đã làm cho chủ đề bị dịch chuyển, dần mất đi nét cuốn hút ban đầu. Thay đổi chủ đề của câu chuyện không phải là không thể hay không có, mà việc đó thường chỉ được áp dụng khi biến cố lớn xuất hiện, như vậy mới không làm mất đi tính thống nhất của truyện.
Ngoài ra việc đưa vào truyện quá nhiều nhân vật còn xuất hiện thêm một vấn đề khác, tạo thêm nhiều lỗ hỏng trong hoàn cảnh và sự liên kết nội dung. Không thể cứ đột nhiên đưa nhân vật vào rồi cứ phân bua giải thích như thế được. Có một cách xây dựng nhân vật theo tuyến, theo đó khi tuyến nhân vật chính chuyển động, tiến hành xung đột với hoàn cảnh, môi trường, con người thì tuyến nhân vật phụ mới xuất hiện, từ sự giao thoa đó mà hình thành nên sự liên kết giữa các nhân vật với nhau. Đó mới sự phát triển nội dung một cách tự nhiên nhất.
Ở phần nội dung này điều cuối cùng tôi muốn nhắc ra là các tình huống, trong đó phần quan trọng bị bỏ qua là mốc thời gian. Mốc thời gian không chỉ có vai trò làm rõ hoàn cảnh mà còn là yếu tố kết nối các tình huống vào cùng một chiều không gian, hiểu đơn giản là phân biệt quá khứ với dòng thời chuyển tiếp. Nhìn đơn giản hơn, mốc thời gian là cách xác định khoảng thời gian cần thiết để các sự kiện diễn ra, đó là yếu tố tối cần thiết để những diễn biến trở nên hợp lý.
Tôi xin nói thêm về vấn đề này một chút, các cuộc nói chuyện thông thường chưa có đến năm mươi phần trăm là liên quan trực tiếp với chủ đề, tất nhiên trong truyện thì để tránh trở nên lan man thì tỉ lệ đó sẽ cao hơn nhưng chắc chắn không thể là một trăm được. Điều đó là hoàn toàn cần thiết để tình huống giao tiếp được tự nhiên hơn. Và cách mà các tác giả nổi tiếng thường dùng là gợi lên hoàn cảnh xen vào cuộc nói chuyện, như thời tiết hay phong cảnh, như thế vừa tiện để khỏi phải miêu tả xuông một cách khô cứng. Tôi không ép tác giả phải bắt chước theo như thế, mỗi người tự có phong cách và hướng phát triển riêng của mình, nhưng tối thiểu nhất biết tìm cách xoay chuyển sao cho câu chuyện trở nên thật tự nhiên.
Cuối cùng, về văn phong, dù có khá nhiều vấn đề nhưng đây lại là phong cách mà tôi thích. Đơn giản, trực tiếp và bao quát, nếu sử dụng những từ ngữ gần gủi hơn nữa thì tuyệt. Về chi tiết tôi sẽ phân tích thêm và góp ý ngay dưới đây.
“Trong đám đông ấy, xen lẫn một chàng thiếu niên anh tuấn kiêu sa, nụ cười có thể làm nghiên ngã biết bao nam thanh nữ tú. Chậm rãi khẽ nhíu mày, chàng thiếu niên nhanh chóng hướng quán trọ đi tới.” Trích 1, ‘kiêu sa’ không thích hợp để miêu tả con trai, tác giả nên cân nhắc và thận trọng hơn trong việc lựa chọn từ ngữ.
“Tiểu nhị nhanh chóng đặt một ngón tay lên môi ra dấu rồi hảo tâm nói:” Trích 2, nên ngắt câu khi câu chứa nhiều hơn hai ý.
“Hoàng cung cấm địa…
Trần công (công) hốt hoảng vừa chạy vừa kêu:
– Người đâu, mau tới đây, Hoàng Thượng mất tích rồi!” Trích 3, thiếu địa điểm cụ thể làm cho hành động của nhân vật trở nên bất hợp lý. ‘Người đâu’ là chỉ ai, ‘mau tới đây’ là tới đâu?
“Thiên thống lĩnh rầm nhẹ, vung tay thành nắm đấm đấm mạnh vào cột. “Bạch Dương, tên hỗn đản nhà ngươi dám mang Hoàng Thượng ra làm trò đùa! Đáng chết!”
Lòng Thiên Yết một trận nhốn nháo không yên, nhưng đối với lời Bạch Dương nói thì không phải là không đúng. Hoàng Thượng là người thế nào không ai không biết, muốn tìm được Ngài thì tạm thời không có cách nào nhanh chóng khác.” Trích 4, thay đổi xưng hô, tên gọi quá nhanh, nên có thêm vài lời bắt cầu để các đoạn văn mềm mại hơn. Tiếp theo là “không ai không biết”, từ này không thích hợp để chỉ người, nhất là khi đó còn là một vị vua.
“Thấy Thiên Yết quỳ xuống, Nhân Mã không khỏi cuống quýt. Đối với Nhân Mã, Thiên Yết chính là một người bạn, một người huynh đệ tốt, luôn có mặt cạnh anh mỗi lúc anh cần. Nhưng Thiên Yết lại là một người hướng nội nên anh đôi lúc cũng không dám bài tỏa với Thiên Yết vì sợ anh sẽ rơi vào cái thế giới đầy bùn lầy tự trách của mình.” Trích 5, giống trích 2, tôi không tính nhắc lại nhưng câu này thể hiện lỗi sai rõ ràng hơn. Thiếu dấu ngắt câu.
“Một chàng thiếu niên anh tuấn kiêu sa, thân vặn Hoàng bào đang quỳ gối trước mặt một người phụ nữ nghiêm trang, vặn sắc phụ Thái Hậu đầy quý phái:” Trích 6, đầu tiên là lỗi lập từ ‘vặn’. Tiếp đến là vấn đề nghiêm trọng hơn, lỗi dùng từ, ở đây có lẽ là ‘sắc phục’, nhưng điều tôi muốn nhắc đến là cách miêu tả. Bắt Hoàng Thượng quỳ gối đã đủ thể hiện được thân phận của người phụ nữ, không cần thiết phải dùng cách miêu tả lấp liếm như thế để thể hiện ra.
“Bảo Bình chỉ im lặng lắng nghe cho đến khi chắc rằng Bạch Dương đã không còn ở đó nữa mới bước vào và nhìn Nhân Mã trên giường bằng đôi mắt không tin vào những gì vừa xảy ra khiến Nhân Mã không khỏi giật mình.” Trích 7, bỏ qua lỗi dấu câu, vấn đề ở đây là góc nhìn. Đây vốn là góc nhìn của ‘Bảo Bình’ nhưng đột nhiên cuối câu lại chuyển sang góc nhìn của ‘Nhân Mã’, làm rối loạn chủ thể trong câu, vừa gây khó hiểu vừa sai ngữ pháp.
Vấn đề cuối cùng là chính tả, lỗi type, có thể nói là khá nghiêm trọng. Kể cả là người không quá chú trọng đến hình thức trình bày thì tôi vẫn thấy khó chịu với nó, vì thế mong tác giả cố gắng khắc phục điểm này ở những tác phẩm tiếp theo.
Mong những góp ý trên sẽ giúp ích cho tác giả.
Người viết: Thuấn DC.
Bóng Ma Độc Hành (7 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 6485
Cảm ơn bạn về những nhận xét trên, mính sẽ cố gắng hơn trong các tác phẩm sau.
P/s: mãi đến giờ mới phát hiện bài này, haiz...Làm mình còn tưởng là được đáp qua mail... Hihi...