- Nhận Xét và Góp Ý cho truyện Thời của Tịnh Vân
- Tác giả: Thuấn DC
- Thể loại:
- Nguồn: Hội Bình Văn
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 3.928 · Số từ: 2729
- Bình luận: 2 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 6 Xoài Xanh Tịnh Vân Văn Thiên Mệnh Lâm Đức Phi Zane Spiker Cát Cát Lạc Y
Nhận Xét và Góp Ý cho truyện
Thời của Tịnh Vân
Sau tám chương, truyện chỉ mới lộ ra một phần phong cách của mình, cho nên mình không thể đưa ra nhận xét toàn diện. Mình sẽ cố gắng nêu ra những ưu điểm và nhược điểm trong truyện rõ ràng nhất.
Về bối cảnh, mình tạm hiểu đại khái là nvc từ thời điểm hiện tại ở Việt Nam xuyên đến một thế giới khác, tồn tại ma thuật và những sinh vật bí ẩn. Đối với thể loại xuyên không, dù bất kì hình mẫu nhân vật nào lọt vào thế giới khác thì cũng gây nên sự tò mò của người đọc, đây là sức hút của dòng này. Cũng chính vì vậy mà những tác phẩm xuyên không thật sự rất nhiều, người đọc dần cũng đòi hỏi cao hơn, luôn tìm kiếm truyện mới lạ gợi về cảm giác mê mẫn ban đầu của họ. Trong phạm vi hiểu biết của mình, điều đổi mới dễ gây tác động nhất chính là bối cảnh, việc phác họa một thế giới lạ lùng chắc chắn tạo được sự hấp dẫn rất lớn.
Trở lại bối cảnh trong truyện, ưu điểm là điều mình vừa nói, không mô phỏng một nền văn hóa giả tưởng nào, tự tạo cho truyện một phong cách riêng biệt. Vừa mang sắc thái sinh tồn dã ngoại, vừa kết hợp yếu tố fantasy (giả tưởng), khiến câu chuyện trở thành cuộc phiêu lưu mạo hiểm ở ‘thế giới mới’. Còn nhược điểm, dù không mô phỏng nền văn hóa giả tưởng nào nhưng lại bê nguyên ‘con người’ ở thế giới thực vào, từ ngôn ngữ đến cách ứng xử đều vô cùng bình thường, điều này làm giảm đi sự độc đáo của ‘thế giới mới’.
Về diễn biến và nội dung, nói về một người bình thường bị đưa đến thế giới khác, khao khát tìm kiếm con đường trở về nhà. Truyện có tiết tấu tương đối chậm, tập trung nhiều vào nvc và các mối quan hệ. Ở điểm này, mình thấy truyện có khởi đầu khá tốt, tạo được một đề bài khó, một ‘nút thắt’ đầy ý nghĩa. ‘Nút thắt’ về kĩ thuật dựng truyện đóng vai trò rất quan trọng, nó là đầu mối của tất cả xung đột và mâu thuẫn, cũng là chủ đề xuyên suốt trong câu chuyện.
Ưu điểm ở phần nội dung này là giúp người đọc dễ nắm bắt tâm lý và hành động của nhân vật chính, ‘xung đột nền tảng’ (bị đưa đi – con đường trở về; Con người – Dục thú) trong truyện rõ ràng. Nhờ thế mà nhân vật có động cơ và mục tiêu cụ thể, khi đưa ra hành động hay quyết định đều có cơ sở và hợp lý. Cùng với ưu điểm, nhược điểm cũng nổi cộm không kém, cách dẫn dắt dài dòng (hai chương, một nhân vật và một cuộc vật lộn với con sói vốn có thể giết chết một con người bình thường trong một nốt nhạc), thiếu trọng điểm, và nhất là diễn biến vô cùng thiếu logic. Đối với một câu chuyện, vấn đề thiếu logic có nhiều góc độ, và thứ mà mình nói đến là hành động, là một lỗi lớn không thể bỏ qua trong bất kì trường hợp nào. Chỉ ở điểm này cũng đủ khiến rất nhiều người đọc thích thú với ý tưởng của truyện phải bật ra vì thất vọng.
Về tình huống, mình sẽ làm rõ về vài khái niệm trước khi đi sâu vào làm rõ. Tình huống là một phần nhỏ trong diễn biến và nội dung, nó là một góc nhìn cụ thể hơn, sẽ nói nhiều tới vấn đề kĩ thuật. Về mặc này, truyện có ưu điểm là xác định các mốc thời gian hợp lý, không gian cụ thể. Tình huống còn được hiểu là một chuỗi diễn biến, hành động ở một thời điểm cụ thể, không gian cụ thể, vì thế điều mà tác giả làm được là vô cùng quan trọng. Còn khuyết điểm, trong truyện có rất ít các tình huống giao tiếp (đối thoại) đủ sâu, ‘hoạt cảnh’ (hoàn cảnh hoạt động) cũng không đủ sinh động. Thoại là một phần rất quan trọng trong truyện, có thể dẫn dắt lẫn cung cấp thông tin, bộc lộ cá tính nhân vật. Phần thoại ở đây chưa thể hiện được vai trò đó.
Về nhân vật, thường được xây dựng qua diễn tả tính cách, miêu tả qua ngoại hình, miêu tả qua biểu hiện nội tâm, qua thoại và hành động. Truyện có ưu điểm khi gợi được quá khứ, bối cảnh của nvc, qua đó mà phần diễn tả tính cách dễ tiếp nhận. Tuy nhiên đó cũng là điều duy nhất tác giả dùng để xây dựng nhân vật, còn những thứ như ngoại hình, thoại, hành động đều không có được tác dụng này. Mình phải dẫn ra những cách xây dựng ở bên trên vì cảm thấy tác giả chưa có đủ ý thức đến điều này, dù muốn hay không thì một tác phẩm cần phải có đa dạng cách phác họa nhân vật. Về hiện tại trong truyện, ngoài nvc, các nhân vật phụ đều có tính cách vô cùng mơ hồ.
Về văn phong, truyện chẳng có gì để có thể khen, mình sẽ không nói dài dòng ở đây mà chuyển sang phần góp ý cho tác giả thấy rõ nhất. Mình sẽ trích dẫn trước rồi chỉ lỗi, bằng cách này sẽ nói được nhiều vấn đề hơn.
“Đây là một khu rừng.
Ừm… Nghe có vẻ không có gì đáng lo ngại.
Nhưng vấn đề là khu rừng này không bình thường!
Không phải là hắn chưa từng đi rừng nhưng thật sự khu rừng này không hề giống với những cái hắn từng đi.” Trích 1.
Lỗi đầu tiên là ngắt đoạn, câu chưa hết ý, do hầu hết toàn bộ nội dung truyện được viết theo kiểu này nên mình không thể bỏ qua được. Câu văn thật sự rất lủng củng, gay gắt và mơ hồ. Lỗi tiếp theo là lạm dụng ngôn ngữ nói, khiến câu văn tối nghĩa, “nghe có vẻ” ở đây không phải là nghĩa thông dụng trong văn chương. Lỗi cuối cùng là lạm dụng từ đối lập, trong rất nhiều tư liệu viết người ta khuyên hạn chế sử dụng từ “nhưng”, điều này là có lý do xác đáng, dùng nhiều khiến câu rất khô khan. So sánh có nhiều cách, tác giả nên tìm hiểu thêm để làm văn phong của mình uyển chuyển mượt mà hơn.
Ví dụ cách sửa:
“Đây đúng là một khu rừng. Hắn từng đi rừng nên biết rõ, và có thể hoàn toàn xác nhận đây là một khu rừng không bình thường.”
Chỉ cần nhiêu đây là đủ nói rõ hết ý.
“Hắn đọc đủ nhiều để biết đây là dấu vết của lũ sinh vật để lại khi cạ người vào thân cây.” Trích 2.
Lỗi ở đây là sử dụng từ quá chung chung, không rõ nghĩa khi miêu tả một vấn đề cụ thể.
Ví dụ cách sửa:
“Hắn biết đây là dấu vết của loài thú dữ ăn thịt nào đó để lại khi cạ người vào thân cây.”
Bởi vì không hiểu rõ ý của tác giả lắm nên chỉ sửa theo những gì mình cảm nhận được.
“Mất tầm năm phút để hắn tìm đến được con suối. Nép người sau một bụi rậm, hắn nhìn một vòng quanh con suối.
Con suối chảy xuôi về bên tay trái hắn. Hai bên bờ khá rộng, trải đầy đá vụn to nhỏ. Có những viên nhỏ xíu chỉ một centimet nhưng cũng có không ít tảng to bằng chiếc ô tô.” Trích 3.
Đã không xác định được phương hướng trước, tác giả lại miêu tả kiểu này thì rất khó hình dung. Kể không chỉ nói về việc nhân vật nhìn thấy gì, cảm thấy gì, mà kể là khiến người khác hiểu được nhân vật, hiểu được khung cảnh bên trong.
Ví dụ cách sửa:
“Mất tầm năm phút để hắn tìm đến được con suối. Nép người sau một bụi rậm, hắn nhìn một vòng quanh con suối. Hai bên bờ rộng hẹp không đều, có đoạn hơn mười hết, có đoạn cách chừng ba bốn mét, trải đầy đá vụn to nhỏ. Có những viên nhỏ xíu chỉ một centimet, cũng có không ít tảng to bằng chiếc ô tô.”
Mình thêm vào sự miêu tả khoảng cách con suối, vì cảm thấy tác giả thích dùng số liệu chính xác nên sửa thế này sẽ hợp hơn. Bởi vì trong hoàn cảnh nhân vật không xác định được phương hướng nên mình bỏ qua đoạn đó, bởi có hay không thì chả giúp nhiều cho việc miêu tả hoàn cảnh.
“Nơi quái quỷ này còn chắn chắn đầy rẫy những sinh vật đủ sức cho hắn đo đất chỉ trong vài nốt nhạc. Và sau đó? Ừm… thường thì sẽ không có phần tiếp.
Hay lắm! Cứ thoải mái đi!
Bên cạnh mệt, hắn cũng cảm thấy đói!” Trích 4.
Trước đã nói vấn đề lạm dụng ngôn ngữ nói, ở đoạn trích 4 sẽ bắt đầu làm rõ hơn, bởi vì ở đây thấy rõ nhất. Đầu tiên, câu thiếu chủ ngữ, không có cấu trúc hoàn chỉnh, đây là điểm thấy rõ nhất ở văn nói. Văn nói có thể dùng trong một vài trường hợp như thoại, tự thoại, dòng cảm nghĩ. Còn ở đây lại dùng làm lời dẫn, hơn hết còn là dạng câu mâu thuẫn (lời nói trái với cảm tưởng) gây khó hiểu.
Ví dụ cách sửa:
“Nơi quái quỷ này còn chắn chắn đầy rẫy những sinh vật đủ sức cho hắn đo đất chỉ trong vài nốt nhạc. Ừm… Hắn không dám nghĩ tiếp nữa, cứ lạc quan thì sẽ thoải mái hơn, khi nào nó tới thì lúc đó hẳn tính.”
Mình chỉ sửa về mặt câu từ, về nghĩa và liên quan nội dung thì chỉ có tác giả mới rõ nhất. Tác giả thật sự rất thích dùng văn nói, mình không tìm ra được biện pháp nào tối ưu để giữ được giọng văn mà vẫn đúng ngữ pháp, sửa như vầy đã là hướng tốt nhất mà mình làm được.
“Lao tới bằng từng cú vươn người đầy uy mãnh, con sói nhìn chằm chằm vào con mồi mới.
Chạy!
Hắn cuống chân chạy thật nhanh. Thỉnh thoảng chúi người nhặt lên vài tảng đá rồi xoay người ném nhanh lại phía sau.
Hầu hết tảng đá đề chỉ bay sượt qua người con sói nhưng vẫn có vài tảng đập trúng người nó. Tuy nhiên trừ việc làm nó đổ cáu hơn thì không đem lại nhiều tác dụng lắm.” Trích 5.
Ở đoạn trích 5, đây là vấn đề nhức nhói nhất trong truyện. Câu đầu tiên, hành động của con sói được miêu tả đầy mâu thuẫn, lao tới uy mãnh rồi tự nhiên quay sang nhìn chằm chằm. Tiếp đó là phản ứng của nvc, vô cùng thiếu logic, chạy thật nhanh lại có cơ hội nhặt đá, quan trọng là hành động ngu ngốc như này không thể sống ngoài tự nhiên.
Ví dụ cách sửa:
“Vừa xuất hiện, con sói nhìn chằm chằm vào con mồi mới, rồi lập tức vươn người lao tới đầy uy mãnh.
Hoảng hồn, hắn cong chân lên chạy thật nhanh. Do luống cuống hắn bị vấp ngã, mặc kệ cơn đau, hắn liền đó nhặt lên vài hòn đá rồi tức khắc đứng dậy, xoay người ném nhanh phía con sói.
Hầu hết tảng đá đề chỉ bay sượt qua người con sói nhưng vẫn có vài tảng đập trúng người nó, lại vừa may trúng ngay mí mắt. Việc này làm nó gầm lên giận dữ, còn hắn thì nhân cơ hội này nhanh chóng chạy đi.”
Nếu để mình sửa truyện này thì cuộc chiến đã kết thúc trong vài đoạn, ngoài đời trừ có hang đá để trốn thì may ra, chứ chả ai nhìn thấy được con sói mà còn sống lâu như thế. Vì vậy cách sửa này chỉ tương đối mà thôi.
“…Đây là kiến trúc đặc trưng của cư dân nơi đây. Cây cối tạo cho họ một mái nhà. Đổi lại, người dân không tùy tiện chặt phá bất cứ thân cây lâu năm nào. Chính mối liên kết này đã giúp cho con người và thiên nhiên tồn tại hòa hợp cùng nhau suốt hàng ngàn năm qua.
Ngôi nhà hắn ở lúc nãy cũng là một thân cây. Cái giường hắn nằm lúc trước cũng là một đoạn cây gồ lên tạo thành. Phát hiện này làm hắn há miệng kêu lạ không ngớt. Quả thực là đi một ngày đàng học một sàng khôn. Hắn chưa từng nghĩ tới chuyện có thể biến đổi cây cối như thế này.” Trích 6.
Ở đoạn trích 6 là một trong những lỗi rất khó thấy, mình gọi là miêu tả không theo trình tự. Nếu là một kiến trúc đặc trưng, thì khi lúc vừa mới tỉnh nvc phải để ý tới, đó là lúc thích hợp để miêu tả, vậy mà khi nhìn những căn nhà khác nvc mới nhắc tới căn nhà mình vừa ở. Lỗi ở đây là trình tự trong suốt nhiều đoạn nên mình không thể đưa ra cách sửa hợp lý ở đây được.
Lỗi cuối cùng mà mình nhắc ra là lỗi dùng từ, nó diễn ra xuyên suốt trong truyện.
“Hông hắn bắt đầu thấy đau, hai chân cũng hơi nhức nhối.” “Nhức nhối” ở đây dùng không hợp ngữ cảnh. Có thể sửa là “tê buốt” thì tốt hơn.
“Chân hắn thoăn thoắt liên tục di chuyển không chút dừng lại.” Lỗi như trên, ở đây chỉ cần bỏ từ “thoan thoắt” đi là được.
“Chân trái hắn bị một lực từ đằng sau đánh mạnh làm chân hắn lệch mạnh sang trái. “ Lỗi lập từ, miêu tả xung đột, đánh đằng sau lại lệch sang trái.
“Nơi lối ra vào, một cô gái mang trên người bộ váy màu xanh rờn, tay cầm một chiếc giỏ đang nhìn hắn cười thích thú” Sử dụng từ ngữ không hợp, “xanh rờn” không dùng để chỉ đồ vật.
“Cách hắn giường chỉ vài bước là ba đứa trẻ, hai trai một gái, đang say mê trò chuyện nên thoạt đầu không phát hiện ra hắn đã tỉnh.” Lỗi đảo ngữ.
…
Cuối cùng, mình sẽ nói về một số điểm ở nội dung mà tác giả cần lưu ý vào những chương sau.
Trong suốt tám chương truyện, chỉ có tình huống cuối cùng, miêu tả đến sự bất thường của một loại trái cây là hấp dẫn sự chú ý của mình. Có thể nói đây là chi tiết đắt giá nhất trong truyện này, gợi được sự tò mò và bất thường về thế giới mới. Ở những chương tiếp theo, tác giả nên khai thác tốt yếu tố này thành một điểm nhấn, và không nên kết thúc sớm mà tiếp tục lưu dư âm qua các tình huống phía sau.
Về hành động, chắc chắn là tác giả phải để ý đến miêu tả làm sao cho hợp lý, đặc biệt về những chi tiết không chắc chắn, không nên kéo dài, lướt qua thì tốt nhất. Tác giả có thể thử đổi mới cách sử lý, tạo tình huống hồi hộp trước, rồi đến lúc hành động thì diễn ra ngắn gọn, tức thì, như vậy sẽ bất ngờ và cuốn hút hơn là cố kéo dài diễn biến ra.
Về góc nhìn người kể, nếu tập trung quá nhiều vào nvc thì không tối ưu được lựa chọn ngôi kể thứ ba. Tác giả nên thêm vào góc nhìn từ những người mà nvc để ý, chỉ cần gợi mở đủ nhiều thì khi chuyển vai kể sẽ không làm người đọc bất ngờ và khiến văn phong bị sượng. Cũng bằng cách này tác giả có thể khai thác thêm bối cảnh, quá khứ của nhân vật khác để câu chuyện trở nên phong phú và sinh động hơn.
Mong những góp ý này sẽ giúp tác phẩm tốt hơn.
Thuấn DC – Hội Bình Văn.
Tiểu Long (8 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 23131
Mình không phải nhà phê bình chuyên nghiệp, khi nghe bạn nói vậy cũng hơi vui. Dân nghiệp dư muốn viết tốt rất khó, vì thế mình phải tự tìm hiểu tư liệu rất nhiều, cũng hiểu được những điều mà người khác cần nên có thể tạo được sự đồng điệu.
Về bình cho truyện của bạn, hiện mình không rảnh nên sẽ dời lại một thời gian. Sau ngày 22 tháng này sẽ có hồi âm chính xác cho bạn.
Văn Thiên Mệnh (8 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 261
Lại đọc thêm một bài bình luận rất hay của bạn Thuấn DC.
Mình có nghi vấn, không biết liệu bạn có phải là nhà phê bình chuyên nghiệp không? Hay chỉ là đọc qua rất nhiều tác phẩm, nhiều thể loại rồi nên mới có cái nhìn tổng quan lại chú ý đến từng chi tiết nhỏ như sửa lỗi câu chữ, hành văn như vậy.
Mình rất mong sẽ được bạn bỏ chút thời gian đọc qua tác phẩm của mình và cho nhận xét, đóng góp.
Tác phẩm mình vừa sáng tác có độ dài tương đối (82 chap) nên hẳn bạn sẽ mất khá nhiều thời gian để đọc do đó mình sẽ gửi xu tặng nếu bạn có thể trợ giúp mình.
Một lần nữa rất khâm phục vào sự phê bình, đánh giá rất xác đáng, quý giá của bạn.
Thân!