Thử sức đi phỏng vấn với các công việc sale và marketting không thành công. Tôi đi phỏng vấn một công ty lớn chuyên về chứng khoán. Thời điểm đó chứng khoán cũng đang là một nghề thời thượng. Những năm 2009 thì thị trường chứng khoán cũng đang phát triển tốt. Ít ra là lúc đó tôi nghĩ vậy. Tôi đến địa điểm thi như mọi lần. Vì đã phỏng vấn khá nhiều nơi nên tôi cũng đã quen với không khí phỏng vấn. Các đối thủ của tôi đều ăn mặc khá đạo mạo. Nam thì comple, cà vạt, nữ thì váy công sở. Thoạt nhìn tôi tưởng họ là lãnh đạo hết. Có người trẻ như tôi, có người nhìn già dặn và dạn dày kinh nghiệm.Tôi cũng không hiểu sao những người như họ vẫn còn đi xin việc vì lúc đó tôi chưa có khái niệm nhảy việc ở trong đầu. Tôi cũng chuẩn bị đôi chút kiến thức theo những gì tôi đọc được về kinh nghiệm phỏng vấn ở trên internet. Tìm hiểu thông tin công ty mình ứng tuyển, ăn mặc thế nào, giới thiệu ra làm sao? Rất nhiều thứ linh tinh cóp nhặt được. Chỉ có kiến thức là rỗng tuếch. Ở đây người ta thi làm hai vòng, vòng đầu tiên là kiểm tra năng lực tin học văn phòng. Tôi dễ dàng vượt qua phần nhập văn bản với world. Nhưng phần hai excel mới khó. Họ cho tôi một bảng rất nhiều lệnh mua và lệnh bán. Yêu cầu tôi tạo một báo cáo đa chiều về số lượng các lệnh mua bán, phân loại theo độ lớn các giao dịch. Nhiều yêu cầu khác mà đến giờ thì tôi cũng không nhớ hết được. Kết quả là với trình độ excel gà mờ của mình tôi loay hoay mãi với lệnh lọc filter và không thể hoàn thành bài kiểm tra. Giám thị của tôi (tôi tạm gọi chị như thế) nhìn vào máy tôi lắc đầu nói, em đã học những gì vậy. Cái em cần học không phải là những thứ như vậy đâu. Rồi sử dụng lệnh subtotal để hoàn thành bài kiểm tra cho tôi chiêm ngưỡng một cách thành thục “Học ecxel nên học những cái như vậy em ạ.”
Thấm! Là cảm giác của tôi sau buổi kiểm tra ấy. Chị giám thị tốt bụng đã cho tôi một bài học về tin học văn phòng mà tôi nhớ mãi. Chị không nói tôi dốt, nhưng đã chỉ cho tôi thấy tôi dốt nát và ấu trĩ đến mức nào. Cái bài học đó in sâu vào tâm trí đến mức mà sau đó tôi biết sử dụng luôn hàm subtotal cho công việc làm báo cáo của mình sau này.
Vòng thi thứ hai là phỏng vấn. Tôi vào vòng thi thứ hai không phải là vì tôi qua vòng thi thứ nhất. Mà chỉ đơn giản là phần thi này có 2 phần thôi. Sau một hồi hỏi tôi về kinh nghiệm, lối sống, và nhận ra tôi chỉ là một trang giấy trắng. Có lẽ những người trong hội đồng đã chán ngấy tôi đến tận cổ, một bác hỏi tôi một câu hỏi vui tính đến bất ngờ:
– Cháu có xem thời sự không? Cháu thường xem thời sự vào những khung giờ nào? Bản tin thời sự thường có mấy phần, hãy liệt kê những phần của bản tin thời sự.
Nhận được câu hỏi vui, tôi cũng vui vẻ trả lời bác. Cháu hay xem thời sự. Thường xem vào sáng, trưa, chiều tối. Bản tin thời sự thường có bốn phần. Gồm tin trong nước, tin quốc tế, tin thể thao, tin thời tiết.
– Còn gì nữa không hả cháu.
– Tôi nghĩ mãi mà không ra còn phần nào nữa.
Có một điều đáng ghi nhận là tôi tối dạ thật sự. Câu hỏi đi phỏng vấn, một ngành liên quan đến tài chính. Hẳn là người hỏi hi vọng tôi có để ý đôi chút đến cái bản tin tài chính. Thực ra thì nó chỉ là một phần của bản tin trong nước. Nhưng tôi không đủ tỉnh táo để nhận ra cái hàm ý sâu xa đó. Cuối cùng thì hội đồng cũng buông tha cho tôi. Cảm ơn và hẹn gọi điện lại sau.
Thường thì nếu khi phỏng vấn, bạn được hội đồng quan tâm dành cho nhiều câu hỏi. Thì có nghĩa là họ thấy bạn đủ thú vị và khơi gợi sự tò mò của họ và bạn đã được họ để ý. Còn nếu chỉ hỏi vài ba câu rồi chào tạm biệt thì bạn không nhất thiết phải chờ đợi nữa vì chắc chắn là bạn đã out rồi. Đấy cũng là một kinh nghiệm.
Cuộc hành trình tự xin việc của tôi cũng sớm kết thúc. Sau khi tốt nghiệp và lay lắt sống qua ngày với đồng lương làm thêm ít ỏi. Tôi nhận điện thoại của bố với câu nói mà tôi sẽ nhớ mãi đến tận khi mình nhắm mắt xuôi tay: mày tiêu tiền của tao để ở trên đấy hú hí với nó à?
Nó ở đây đích thị là cô người yêu của tôi rồi. Còn tôi đích thị là thằng ăn bám, tiêu tiền của bố mẹ vào những việc vô bổ. Lúc đó tôi uất ức lắm, nhưng bố tôi nói đúng. Ông đã quá vất vả lo cho tôi ăn học để có được tấm bằng đại học. Vậy mà tôi bây giờ lại đang muốn tiếp tục ỷ lại vào sức lao động của ông để thoả mãn mong muốn riêng của cá nhân mình.
Sau những phút giây thổn thức, tôi quyết định từ bỏ việc học tiếp cao học. Tôi đã chán ngấy những tháng ngày ngồi trên giảng đường nghe giảng viên nước ngoài nói như vịt nghe sấm, chán ngấy việc phải chờ tiền trợ cấp của bố mẹ hàng tháng. Chán phải làm thằng ăn bám. Tôi cực kỳ dị ứng với hai từ “ăn bám”.
Tôi trở về quê nhà và lần đầu đi thi vào ngân hàng. Ngân hàng mà tôi thi chính là ngân hàng quốc doanh mà tôi đã thực tập. Dù có bạn thân của bố tôi lúc đó đã là giám đốc của ngân hàng này thì tôi vẫn thi trượt. Tôi bị loại từ vòng thi viết. Kỳ thi diễn ra rất nghiêm túc, và phải thi với các đối thủ học chính quy tại các trường kinh tế hàng đầu nên tôi rõ ràng là không hề có cơ hội.
Sau đó, tôi tiếp tục thi lại lần thứ hai, cũng vẫn ngân hàng quốc doanh đó nhưng ở một chi nhánh xa xôi hơn. Do bố tôi bị điều động công tác ra khu vực biên giới. Nên ông nghĩ tôi có thể sẽ làm việc ở ngoài đó cùng ông. Kế hoạch là thi được vào ngân hàng rồi, làm việc ngoài đó một vài năm. Sẽ nhờ các mối quan hệ xin cho tôi về gần nhà.
Có điều tôi không ngờ được là vài năm đó với tôi là gần một thập kỷ.
Tôi là Đại Hồng Thuỷ.
Chương sau tôi sẽ tiết lộ quá trình tôi thi vào ngân hàng như thế nào. Bài học đầu tiền của tôi về sự sòng phẳng ra sao. Các bạn like tặng xu để tôi có động lực viết tiếp nhé.
Thanh Thảo (5 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 64
Tặng