Chương 6 Khoản vay đầu tiên và chiếc phong bì cảm ơn.
Có một thực tế là cho dù bạn có chú ý quan sát, cho dù bạn có ghi chép nhiều thế nào, cho dù bạn có tận mục sở thị một công việc đến hàng trăm lần. Việc thực tế cho vay vẫn cho bạn những trải nghiệm chân thực hơn cả. Tôi đã thử việc được hơn hai tháng, sư phụ hỏi tôi là đã tự tin làm thử một món vay chưa. Vì tôi vào làm đúng thời điểm đầu năm. Nên thời điểm sau khi hết tết âm lịch năm đó cũng là thời điểm mà tôi cần phải bắt đầu cho vay những món vay đầu tiên của mình. Thường thì đầu năm không có nhiều món vay mới. Cũng rất dễ hiểu vì người việt mình có câu “tháng giêng là tháng ăn chơi.” Tôi nghe các tiền bối kể lại là việc cho vay thường bận rộn vào cuối năm. Lý do là trước tết ai cũng cần tiền trả nợ. Ra tết thì lại ngược lại. Người ta an nhàn đi chơi. Tầm này mà lên vay thì phải cẩn thận, nên tìm hiểu kỹ.
Khách hàng đầu tiên của tôi là một bác tầm hơn năm mươi tuổi. Nhìn bác gần gũi như một người nông dân. Không giống một người kinh doanh buôn bán. Bác không phải là người vay tiền lần đầu. Bác đã từng vay, và trả hết nợ. Lần này lên xin vay tôi hai mươi triệu. Mục đích là nhập hàng kinh doanh. Bác kinh doanh mặt hàng chiếu tre, chiếu trúc, gối massage, quạt các loại, có cả điều hoà nữa. Nói là tạp hoá cũng đúng, mà điện tử điện lạnh cũng không sai. Nhưng một trăm phần trăm nguồn gốc hàng thì đều là nhập khẩu Trung Quốc. Ở địa phương tôi làm việc, trường hợp thế này không hiếm, chúng tôi gọi họ là các tiểu thương. Họ kinh doanh chủ yếu là các mặt hàng nhập tiểu ngạch đường biên, không hoá đơn chứng từ. Kinh doanh nhỏ lẻ chỉ nộp thuế khoán. Nói thẳng ra là trốn thuế, là tiêu thụ hàng buôn lậu. Nhưng cuộc sống mà, ở nơi biên giới, giao thương biên mậu là một phần tất yếu của cuộc sống. Các ngân hàng cũng phải quen với việc phục vụ khách hàng đặc thù của mình.
Bác đưa tôi về thăm nhà của bác, cũng là mảnh đất mà bác thế chấp ngân hàng. Dù hơi xa trung tâm một chút. Nhưng mà đất rộng, có tính thế nào thì cũng đủ để vay hai mươi triệu đồng.
Sau khi thẩm định thì tôi quyết định cho vay. Lý do là bác ấy đã từng vay, lịch sử vay nợ tốt, sòng phẳng, tài sản cho vay đủ đảm bảo, bác lại có cửa hàng, có nguồn thu rõ ràng. Tuy nhiên có một thứ mà tôi không thẩm định được, lại chính là mục đích vay thật sự của bác. Sau này, trong một lần xuống chơi. Bác nói thật với tôi. Thời điểm đó, bác không vay tiền về để nhập hàng như nói với tôi. Mục đích chính bác vay là mua xe máy cho con trai đi làm. Không phải bác không có tiền mua xe cho con bác đâu nhé. Lý do bác vay ngân hàng là muốn con bác nhìn thấy bác phải đi vay mua xe, từ đó có trách nhiệm đi làm trả nợ vay cho Bác. Như thế tốt hơn là cho anh ta một cục tiền để đi mua xe mà không có trách nhiệm gì. Đúng là nỗi lòng của cha mẹ thì con cái khó mà hiểu được.
Thực ra nếu bác có nói thật thì tôi vẫn cho vay theo hình thức vay tiêu dùng. Nhưng do tư duy của bác ngại vay tiền về mua sắm nên bác không nói thật. Khách hàng luôn vậy, trước khi vay được tiền họ luôn kiêng kị nhiều thứ, lo lắng sẽ không đủ điều kiện để vay, hoặc nhiều lý do khác khiến họ không nói thật về mục đích vay của mình. Gây khó khăn cho việc thẩm định. Nhưng sau khi vay, nếu có điều kiện gặp lại cán bộ ngân hàng. Họ sẽ không ngại ngùng nói thật. Đôi khi còn kể lể rất nhiều khó khăn để mong được thông cảm, hỗ trợ khi cần thiết. Những đặc điểm tâm lý như vậy, sau một thời gian dài cho vay tôi tự kiểm nghiệm thấy.
Kỷ niệm với món vay đầu tiên không chỉ có vậy. Trước khi đi làm, tôi có nghe một người họ hàng nói với tôi. Làm cán bộ tín dụng sẽ có nhiều tiền lắm. Lúc đó tôi không hiểu ý của người ấy. Nhưng ngay sau khi cho vay món vay đầu tiên tôi đã hiểu được phần nào. Sau khi giải ngân khoản vay xong xuôi. Chú khách hàng gọi tôi ra ngoài một góc riêng. Dúi vào tay tôi một chiếc phong bì. Lúc ấy tôi thấy lạ lùng lắm. Tất nhiên là chưa ai bảo gì với tôi về vấn đề tế nhị ấy. Ban đầu, tôi nhất quyết không nhận, tôi nói mình làm hồ sơ cho vay là vì công việc, không cần chú trả ơn, nhưng chú nói đừng ngại, đây là quà cảm ơn của chú. Khuôn mặt của chú rất vui vẻ, cho rất thoải mái không có vẻ gì là gượng ép. Cuối cùng tôi cũng nhận chiếc phong bì. Mở phong bì ra tôi thấy năm trăm nghìn đồng. Chắc các bạn đọc đến đây thì thấy tôi đáng ghét lắm. Cho vay một món hai mươi triệu, nhận ngay một phong bì năm trăm ngàn đồng. Như vậy có phải là hành động ăn hối lộ không?
Theo quy định của ngân hàng, nghiêm cấm mọi hành động nhận quà và tiền của khách hàng. Cứ chiểu theo luật định, hành động nhận tiền của tôi là đáng lên án và khiển trách. Tuy nhiên, người ở trong nghề hiểu với nhau rằng. Nếu tôi nhận tiền trước khi cho vay, nhũng nhiễu khách hàng để vòi tiền, hoặc đàm phán ăn phần trăm theo khoản vay mới là hành động đáng lên án. Còn nếu được khách hàng chủ động cám ơn, một cách vui vẻ và tuỳ tâm, sau khi đã hoàn thành món vay, tôi hoàn toàn có thể nhận. Tại sao tôi lại có thể nhận số tiền đó. Sau này tôi tự đúc kết ra những lý do. Đầu tiên, việc cho vay là việc rất nhiều rủi ro, khi tôi đã cho khách hàng vay, là tôi đặt cược niềm tin của mình vào khách hàng đó. Nếu tôi không cho người này vay, tôi có thể cho người khác vay, vậy bản thân việc tôi tin tưởng khách hàng, cho họ vay, chấp nhận cùng họ gánh chịu những rủi ro khi cấp tín dụng, tôi xứng đáng được nhận sự cảm ơn từ họ. Lý do thứ hai, khi món vay tôi cho vay gặp phải rủi ro, nghĩa là người vay không còn đủ khả năng chi trả, thì tôi là người phải đi đốc thúc khách hàng trả nợ, lúc ấy mọi chi phí di chuyển, ăn uống phát sinh trong một thời gian dài, tôi đều phải bỏ tiền túi ra. Gặp phải tình huống đó số tiền cảm ơn sẽ hỗ trợ cho tôi được phần nào chi phí. Tôi nhận tiền vì tôi thấy tôi xứng đáng được nhận. Nếu tôi không thấy mình xứng đáng tôi sẽ không nhận tiền cảm ơn. Nói như vậy không phải để lấp liếm cho hành động của bản thân. Nói như vậy để thấy công việc tín dụng không giống như công việc bán hàng thương mại. Bán hàng thương mại, bán xong là hết trách nhiệm. Bảo hành bảo dưỡng có bộ phận khác lo. Còn là cán bộ cho vay, bạn phải chịu trách nhiệm với quyết định cấp tín dụng của mình. Tôi xác định đó là chi phí trách nhiệm. Có một điều cần lưu ý đối với cán bộ mới giống như tôi khi đó là đừng vì lòng tham mà đánh mất mình. Giữa việc khách hàng hài lòng và tự cảm ơn, với việc nhũng nhiễu gây khó dễ cho khách hàng để được chung chi trước khi giải ngân là hai việc hoàn toàn khác nhau. Khác nhau ở chỗ nếu trong trường hợp khách hài lòng, vui vẻ tự nguyện cho quà cảm ơn thì họ sẽ không bao giờ đi tố cáo bạn nhận khoản này khoản kia với lãnh đạo ngân hàng. Còn nếu bạn chủ động vòi vĩnh, họ có thể ghi âm, quay video, hoặc tìm cách báo cho lãnh đạo ngân hàng về hành động của bạn. Bạn có sẵn sàng đánh đổi cả sự nghiệp của mình để lấy tiền của khách hay không? Nếu đã là cán bộ ngân hàng, tốt nhất bạn nên suy nghĩ cho kỹ trước khi hành động.
Ngay cả khi khách hàng chủ động đưa tiền cho tôi trước khi giải ngân khoản vay. Nguyên tắc của tôi cũng là nhất quyết không nhận. Lý do là nếu nhận tiền trước của khách hàng, thì không khác gì chấp nhận giao dịch với họ về việc nhận tiền để đảm bảo việc cho vay. Khi bạn nhận tiền của khách rồi, bạn không thể thẩm định một cách khách quan nữa, mặt trái khác là bạn sẽ phải chịu thêm áp lực từ phía khách hàng. Với họ, bạn đã nhận tiền thì phải làm cho họ nhanh chóng, hoàn thiện. Như vậy không khác gì mua dây buộc mình. Nếu chẳng may có sự cố xẩy ra, họ chắc chắn sẽ tố cáo bạn hành vi nhận tiền. Quan trọng hơn cả, tính chất cảm ơn đã không còn, thay vào đó, tiền họ đưa trước chính là tiền hối lộ.
Tôi là Đại Hồng Thuỷ, tôi sẽ cố gắng không giấu diếm bất cứ mảng tối nào trong hoạt động ngân hàng trong nhật ký của mình. Phần tiếp theo tôi sẽ kể về những áp lực cần phải vượt qua khi là một banker các bạn chú ý đón đọc nhé. Like và tặng xu để tôi có tinh thần viết tiếp chương sau nhé. Thân ái!