Chương 9 Chợ Tiền
Quay cuồng kể chuyện công việc mấy chương rồi, giờ tôi nghĩ cần sống chậm lại một chút. Làm việc nhiều cũng tốt, kiếm được nhiều tiền cũng tốt. Nhưng sau đó đọng lại được gì cho cuộc sống của bản thân mới là điều quan trọng. Thành phố biên giới nơi tôi sống rất nhỏ bé, ở đó cách vùng đất của người Trung Quốc chỉ một con sông nhỏ. Ấn tượng ban đầu của tôi với thành phố là việc quy hoạch đường xá khá tốt, những con đường nội thị rất rộng rãi và sạch sẽ. Nếu ai đó lần đầu tiên đến, chưa phân biệt được không gian, đâu là Trung Quốc, đâu là Việt Nam thì sẽ choáng ngợp với kiến trúc đô thị rộng lớn trải dài. Thành phố vùng biên nổi bật với kết cấu chợ. Ở đây có rất nhiều chợ. Chợ trung tâm với đủ các mặt hàng quần áo, điện tử, tạp hoá, phía dưới tầng hầm là nơi tập kết hàng sỉ số lượng lớn. Thời điểm biên giới hai bên thuận lợi, hàng hoá nhiều, quang cảnh vô cùng sầm uất. Cảnh lái buôn đóng hàng, cảnh xe cộ đón hàng, người việt nam, người Trung Quốc xen lẫn nhau, tiếng trả giá, tiếng hò hét, tiếng chửi bới, tiếng cười đùa. Tạp âm rất chợ đan xen ồn ã. Thành phố không chỉ có một chợ, ngoài chợ trung tâm còn nhiều chợ khác nữa. Chợ điện tử riêng, chợ tạp hoá riêng, các chợ truyền thống thập cẩm đủ món, trung tâm thương mại tư nhân mở ra các mặt hàng thì đều xuất xứ từ trung quốc, mẫu mã na ná nhau, chất lượng hàng không có gì khác biệt. Khác biệt duy nhất có lẽ chỉ là mức giá. Ngoài các chợ này ra, thành phố vùng biên có một loại chợ rất đặc thù mà nơi khác không có. Đó là chợ “tiền”.
Chợ “tiền” có liên quan rất lớn đến hệ thống ngân hàng. Ở nơi biên ải thì đồng tiền ngoại tệ sử dụng chính là nhân dân tệ. Tỉ giá giao dịch sử dụng là tỉ giá chợ Tiền chứ không phải tỉ giá chung của ngân hàng. Chợ này mặt hàng kinh doanh chính là tiền. Những người kinh doanh ở trong chợ đều không bán mặt hàng nào khác ngoài tiền. Trước mặt họ luôn có một cái hòm tôn, loại mà ngân hàng cũng thường sử dụng để đựng tiền. Một máy đếm tiền và một máy tính cầm tay loại nhỏ. Không két sắt, không bảo vệ, tiền được giao dịch tự do. Lý do có chợ tiền này vì nó đáp ứng được tính linh hoạt trong giao dịch xuyên biên giới. Nếu như giao dịch qua ngân hàng, phải đầy đủ thủ tục, hoá đơn chứng từ, thì qua chợ tiền rất đơn giản. Người gửi chuyển nhân dân tệ cho đầu mối phía Trung quốc. Đầu mối ấy bù trừ tiền với những người ngồi trong chợ tiền ở Việt Nam. Tiền được quy đổi ra việt nam đồng và trừ phí chuyển tiền trước khi đến tay người nhận. Nhanh chóng, kịp thời, không cần hoá đơn chứng từ. Ngoài ra, những người cần tiền gấp để thanh toán có thể vay nóng ở chợ tiền, tiền vay này tính theo lãi ngoài, để kịp chuyển sang bên kia biên giới lấy hàng, hàng về thanh toán tiền cả gốc lẫn lời cho chủ nợ. Lợi thế của chợ tiền là nhanh, gọn, kịp thời. Điều mà các ngân hàng chịu quy chế quản lý của ngân hàng nhà nước không thể làm được. Vậy nhiều người thắc mắc, những chủ buôn ở chợ tiền lấy tiền từ đâu? Câu trả lời là từ chính các ngân hàng. Điều đó có nghĩa những chủ kinh doanh ở chợ tiền chính là khách hàng của ngân hàng.
Tất nhiên, hoạt động kinh doanh của chợ tiền chứa đựng rất nhiều rủi ro. Nhưng lợi nhuận nó mang lại là vô cùng lớn. Xung quanh chợ tiền không khó để bắt gặp những siêu xe hàng đầu. Lambrogini, poscher, rangrover, các nhãn hiệu xe sang hầu như đều có mặt.
Tôi nhanh chóng hiểu được cốt lõi trong hoạt động tín dụng tại địa bàn của mình. Khách hàng của tôi phần lớn đều kinh doanh các mặt hàng xuất qua biên giới, việc theo dõi dòng tiền là hết sức khó khăn. Vì tiền chuyển đi, chuyển về đều qua chợ tiền, rất hãn hữu đi qua ngân hàng. Để thẩm định khách hàng, việc kết nối với nguồn thông tin tại chợ tiền là vô cùng quan trọng. Ở đó, ai làm ăn kinh doanh tốt, ai mất khả năng thanh toán đứng bên bờ vực phá sản, những thông tin thị trường quan trọng họ đều nắm được. Chợ tiền mới chính là ngân hàng lớn nhất của thành phố biên giới.
Đáng ra thời điểm đó, ở một địa bàn sôi động như vậy, tôi nên tìm hiểu một lĩnh vực nào đó để kiếm thêm thu nhập. Hoặc tìm mua một bất động sản nào đó để an cư lạc nghiệp. Hoặc học thêm ngoại ngữ để phát triển bản thân. Nhưng tôi đã không làm như vậy. Tôi năm đó hai mươi tư tuổi. Có việc làm ổn định, thu nhập cũng không đến nỗi nào. Vì vậy tôi cũng chỉ nghĩ đến việc làm tốt công việc của bản thân, và hài lòng với những gì mà mình có được. Đây là khía cạnh mà tôi khá tiếc nuối. Nếu như sớm có hoài bão hơn. Tôi có thể trau dồi bản thân nhiều hơn.
Người yêu của tôi vẫn ở trên Hà Nội. Vì học ngành học đặc thù, khoa xã hội học của học viện báo chí tuyên truyền nên cô ấy không thể cùng tôi về vùng đất biên giới này được. Tôi thì ở quá xa, cho dù cứ một tháng tôi cố gắng lên thăm một đến hai lần. Nhưng nỗi yêu xa khiến mọi thứ trở lên khắc khoải. Tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra khoảng cách giữa hai đứa cứ xa dần. Giới hạn của một tình yêu hiển hiện trước khoảng cách địa lý, sự khác biệt giữa công việc và lựa chọn của tương lai. Thực ra thì hoàn cảnh chỉ là tác động bên ngoài, cái chính yếu là sự quyết tâm đến được với nhau đã không còn như trước. Thực tế không thể giống như một bộ phim, thời gian xa nhau không thể qua nhanh như một cái chớp mắt giống như trong MV âm nhạc. Thời gian tính bằng ngày, khoảng cách tính bằng kilomet, tình cảm thì cứ mỗi ngày một nhạt đi, những người mới xuất hiện đẩy mọi thứ cứ trôi đi cho đến khi giới hạn bị vượt qua, cuối cùng chúng tôi cũng quyết định chia tay để đi lối đi riêng của mỗi người.
Từ ngày tôi bước chân ra thành phố vùng biên giới. Tôi không phải sống bằng tiền trợ cấp của bố mẹ nữa. Tôi không có tính tiêu hoang. Nên tiền chỉ để trong tài khoản, gửi tiết kiệm. Nhờ có tiền khách hàng cảm ơn mỗi khi xong một khoản vay, tôi có thể sống thoải mái mà không cần tiêu đến lương. Ngay sau khi tôi đi làm, bố tôi dường như trút đi một gánh nặng ngàn cân. Ông quyết định nghỉ việc tại công ty đã gắn bó hơn hai mươi năm để mở công ty riêng. Nhờ vậy mà điều kiện kinh tế của gia đình tôi cũng tốt dần lên. Tuy nhiên, chính vì thế mà tôi luôn ở trong tâm thế không xác định được tương lai của mình. Bố tôi cho tôi thời gian là ba năm, nếu tôi có thể phát triển được ở ngân hàng, thì sẽ gắn bó với công việc hiện tại, nếu không được tôi sẽ phải trở về làm công việc của gia đình.
Chỉ sau một năm rời ghế nhà trường đi làm, tôi đã trưởng thành lên rất nhiều. Tôi đã quen sống tự lập, nay lại tự chủ về tài chính. Tuy nhiên, tôi vẫn tự cảm thấy mình thiếu bản năng sống. Thiếu sự thính nhạy trong việc làm kinh tế. Tôi luôn sống trong vòng an toàn của bản thân, khi khó khăn lại được bố mẹ bao bọc. Tôi mất dần đi bản năng sinh tồn cần có. Tôi tự nhủ khi có cơ hội tôi sẽ thử sức trong việc kinh doanh. Đó là lý do mà sau này khi có cơ hội tôi đã tiêu hết số tiền mình tích cóp vào các dự án đầu tư mạo hiểm của mình. Có những đạo lý mà chỉ có sống, có trải nghiệm bản thân mới rút ra được. Có những kinh nghiệm mà chẳng ai sẵn lòng dạy dỗ mình. Có những nuối tiếc mà sau này phải dùng hai từ “giá như” để mô tả. Nhưng sau tất cả, thì dám sống, dám đương đầu, dám thách thức, dám vượt qua mới khiến cho con người vững vàng trước sóng gió. Khi tôi ngồi viết những dòng nhật ký này. Tôi và công ty của gia đình đang đứng trước những ngày sóng gió nhất của mình. Đối mặt với nợ nần và áp lực xã hội, áp lực kinh tế là những áp lực khủng khiếp nhất cần phải trải qua. Có thể sau này các bạn sẽ nghe thấy tên tôi với cương vị là một người thành đạt, cũng có thể tôi sẽ trở thành một kẻ trắng tay và làm lại từ đầu. Nhưng tôi phải biến lo lắng thành sức mạnh, biến sợ hãi thành động cơ. Tôi ngồi viết lại nhật ký banker, vừa để tìm cảm hứng sống, vừa để thư giãn sau những áp lực kinh doanh khủng khiếp mà mình đang gánh chịu.
Có một điều chắc chắn là dù thất bại hay thành công, những thử thách sẽ chỉ làm tôi trưởng thành hơn chứ không thể đánh gục được ý chí vươn lên của tôi.
Tôi là Đại Hồng Thuỷ, tôi đã từ một cậu bé nhút nhát, trở thành một người dám đối diện với khó khăn, từ một thanh niên trượt đại học đến khi cầm được tấm bằng thạc sỹ trong tay, từ một anh sinh viên rỗng tuếch trở thành trưởng phòng tín dụng của một ngân hàng lớn, thậm chí còn được quy hoạch ngắn hạn trở thành phó giám đốc ngân hàng. Cuối cùng tôi đã quyết định từ bỏ tất cả để trở về làm công việc kinh doanh của gia đình. Hãy theo dõi câu chuyện của tôi để tìm thêm cảm hứng sống cho cuộc đời của các bạn nhé. Tôi không phải là một người nổi tiếng hay thành đạt để có thể viết tự truyện cho mọi người học hỏi. Tôi chỉ là một người bình thường viết những câu chuyện rất đời thường. Vì thế câu chuyện của tôi sẽ không tô vẽ những thành công và làm nhạt màu những thất bại. Tôi mong câu chuyện của mình giúp ích được cho những người đã từng giống như tôi.