Ban trưa ánh trời gay gắt. Một đoàn người mồ hôi nhễ nhại vẫn mệt nhọc bước đi. Họ đều mặc một bộ đồng phục bằng vải màu ghi trông rất dân dã, dắt theo vài con ngựa để chở đồ. Nhìn qua đã biết đây là đoàn áp tải hàng của một tiêu cục nào đó. Người đi đầu có vẻ là trưởng đoàn nói:
- Cố gắng đi thêm một chút nữa thôi. Vài dặm phía trước là có chỗ nghỉ chân rồi.
Nhưng mới tiến được vài bước họ đã phải dừng lại. Ai đó đang nằm ngủ giữa đường. Một gã nhanh nhảu nói:
- Kì ghê, ai say rượu lại ngủ giữa đường thế này. Để em ra hỏi xem sao.
Tay trưởng đoàn giơ tay ngăn lại. Để leo lên chức này, gã cũng đã có kinh nghiệm làm nghề mười năm. Sự từng trải mách bảo gã trên chuyến đường đi, những tình huống kì quặc như thế này thường đem lại sự nguy hiểm bất thường. Gã đi chầm chậm lên, vừa nói to vừa cầm chắc thanh đao bên hông:
- Xin lỗi! Anh gì ơi, anh có bị làm sao không?
Gã gọi đến ba bốn lần không thấy kẻ kia thưa. Gã ngập ngừng không biết có nên dấn thêm bước nữa hay không. Khoảng cách như thế này có vẻ vẫn an toàn. Gã đứng lại, quay ra phía sau một chút, nghĩ xem nên gọi ai ra hỗ trợ.
“Phạch” một tiếng, tên nằm ngang đường bỗng nhún mình nhảy lên. Gã trưởng đoàn rút đao. Gã đã luyện phản xạ trong những trường hợp khẩn cấp như thế này hàng ngàn lần rồi nhưng vẫn phải kinh ngạc khi xa đến thế mà tên kia chỉ cần vươn mình một cái đã áp sát được gã. Phía tay phải tên đó là một thanh đoản kiếm màu bạc. Gã nhìn đủ rõ để gạt được nhát đâm rất nhanh từ đối thủ. Tiếng hò hét của anh em đồng đội vang lên. Thanh đoản kiếm khác từ tay trái của đối thủ đã ghim vào ngực gã. Đối mặt với kẻ sử dụng song kiếm điêu luyện thế này, cả đoàn người bảo tiêu mà gã dẫn dắt sẽ chỉ có con đường chết để đi.
Đó là ý nghĩ cuối cùng của gã.
*****************************************************
Một trong những thứ thống khoái mà Phùng A say mê là trong những buổi trưa lộng gió, thuê một căn lầu thật cao để ngủ. Hôm nay hắn thảnh thơi tận hưởng điều đó kệ cái đống công văn đang xếp đầy ở bàn làm việc. Hàm quan của hắn cũng khá cao – chánh tứ phẩm nhị đẳng thị vệ, nhưng công việc của hắn thực ra cũng chả vẻ vang gì. Nhiệm vụ của hắn là làm cầu nối giao tiếp giữa phía quan phủ và giang hồ. Nghĩa là bên quan lại sẽ coi hắn là đồ võ biền thiếu lễ nghi, còn bên giang hồ sẽ coi hắn là đồ chó săn cho triều đình. Bên ngoài thì có thể còn có người niềm nở đấy, chứ bên trong thì chắc ai cũng coi hắn là đồ chả ra gì.
Thực ra hắn đâu thích cái nghề này. Đã thiếu tự do mà tiền bạc chả dư dả gì. Có tí chức vụ thì cũng oai đấy, nhưng hắn đâu muốn làm mấy chuyện bắt nạt dân thường. Mọi chuyện có lẽ cũng là do duyên phận. Hắn thuở nhỏ theo học ở phái võ nổi tiếng nhất kinh thành: Kim Long phái. Hắn tuy không phải quá xuất sắc nhưng cũng lĩnh hội được hết những kiến thức mà sư phụ truyền dạy. Trong hai năm cuối cùng tu luyện ở phái, thậm chí hắn còn sáng tác ra vài chiêu thức độc đáo của riêng mình. Với vũ khí sở trường là cây gậy dài hơn nửa thân người giắt ở sau lưng, hắn tự tin mình có thể tung hoành và gây dựng chút tiếng tăm trên giang hồ. Thậm chí đã có lúc sư phụ chấm hắn làm người thay thế cho vị trí của ông trong môn phái.
Nhưng bước ngoặt đến vào một ngày cách đây khoảng gần hai năm, chánh nhị phẩm đô chỉ huy sứ vệ Cẩm Y đến tận Kim Long phái tuyển thị vệ. Phó Chưởng môn sau khi xem hồ sơ nhập học, phát hiện cha hắn trước làm Ngũ phẩm Tam đẳng thị vệ mới bảo sư phụ hắn cho hắn đi ứng tuyển. Hắn về nhất cuộc thi tổ chức lần đó. Đô chỉ huy sứ khen ngợi hắn hết lời, cất nhắc cho hắn lên luôn chức vụ cũ của cha mình. Ban đầu hắn dạy võ cho binh lính bảo vệ cung cấm. Về sau cấp trên phát hiện hắn không chỉ giỏi mỗi võ, trong công việc hắn cũng tỏ ra nhanh nhẹn sáng trí nên được điều chuyển sang vị trí nhạy cảm như bây giờ. Bố mẹ biết tin hắn được thăng chức thì mừng lắm. “Con hơn cha thì nhà có phước mà.”
Tiếng bước chân thình thịch ở cầu thang đánh thức hắn khỏi dòng suy nghĩ. Hắn biết phiền não lại tìm đến mình rồi.
Một thanh nhiên trai trẻ dáng người thanh mảnh cúi đầu chào:
- Bẩm đại nhân, Trương thị lang đang có việc tìm ngài.
Phùng A ngồi dậy. Trước mặt hắn là Bùi Phúc Vũ, một trong những tay phụ tá khá được việc của hắn. Hắn đáp:
- Hừm. Nhà ngươi có dò la được chuyện gì không?
Bùi Phúc Vũ tỏ vẻ để ý xung quanh rồi nhỏ giọng:
- Dạ, tiểu nhân có nghe phong thanh dạo này Phúc Thuận tiêu cục có chuyện xảy ra thì phải.
Lại mệt rồi – Phùng A thầm nghĩ – Thế này chả biết mấy tuần nữa mình mới lại được có giấc ngủ trưa.
*****************************************************
Khi Phùng A bước vào phòng làm việc ở bộ Hình của mình thì Trương thị lang đã ngồi chờ tại đó. Vì công việc khá đặc thù nên Phùng A tuy mang hàm quan võ nhưng cấp trên trực tiếp là quan văn. Trương thị lạng người lùn và hơi béo, có bộ râu chải chuốt rất kỹ như cố gỡ gạc cho khuôn mặt lưỡi cày của ông.
Phùng A cúi đầu thi lễ:
- Bẩm đại nhân, tỳ chức đã về.
Trương thị lang đằng hắng:
- Muốn gặp Phùng thị vệ dạo này khó ghê. Sáng ta có cử người qua hỏi mà không thấy ai nên trưa nay phải đích thân đến coi sao.
Phùng A vừa di chuyển về gần chỗ ghế ngồi, vừa đáp:
- Dạ, dạo này tì chức phải qua lại trao đổi với nhiều đồng đạo trên giang hồ, tạo thêm nhiều nguồn tin cho công việc.
Trương thị lang mỉm cười. Phùng A cũng cười phụ họa theo. Trước nay hắn cũng làm được vài việc quan trọng nên Trương thị lang cũng thường xuê xoa, không bắt chẹt và soi mói hắn cho lắm. Hơn nữa triều đình muốn kiếm một tay giang hồ khá khẩm chịu ngồi vào cái ghế của hắn cũng không đơn giản, nên chủ trương nhìn chung là đối xử nhu hòa với hắn.
- Phùng thị vệ biết chuyện về Phúc Thuận tiêu cục ở phủ Yên Nghĩa chứ?
Phùng A đáp:
- Tỳ chức có nghe giang hồ đồn đại rằng mấy chuyến hàng gần đây của Phúc Thuận tiêu cục bị tấn công liên tục. Đoàn bảo tiêu đi bảo hộ đều bị giết chết hết, không một ai còn sống.
Trương thị lang gật gù:
- Đúng. Ta hôm nay qua đây cũng vì chuyện này.
Phùng A vừa rót trà vừa hỏi:
- Tỳ chức có nghe rằng Phúc Thuận tiêu cục có quan hệ tốt với triều đình. Chả lẽ tri phủ nơi đó không có phản ứng gì?
Trương thị lang đáp, giọng đều đều:
- Có chứ. Tri phủ Yên Nghĩa từng cử quan binh đi theo các đoàn bảo tiêu của Phúc Thuận tiêu cục suốt một tuần.
Trương thị lang nhấp chén trà rồi mới nói tiếp:
- Suốt thời gian đó thì bọn cướp lại không tấn công. Phùng thị vệ biết rồi đấy, việc điều động quan binh khá tốn kém nên đâu có duy trì được mãi. Khi quan binh không đi theo nữa, bọn cướp lại xuất hiện.
Phùng A trầm ngâm:
- Vậy đám cướp này không tầm thường rồi. Có khi có nội gian phía bên trong. Phúc Thuận tiêu cục có quan hệ rộng trong giới giang hồ, chắc cũng phải mời được nhiều cao thủ ra giúp sức.
Trương thị lạng lại nhấp thêm chén trà. Phong cách của ông lúc nào cũng từ tốn:
- Chuyện giang hồ thì ta đâu có biết nhiều. Chỉ biết hình như trong số những người đến giúp có một người rất đặc biệt tên là Nguyễn Thành Chương của Thường Xuân giáo thì phải?
Phùng A ồ lên:
- Không phải chứ. Lỗ An trưởng tiêu cục lại mời được cả Thành Chương chân nhân của Thường Xuân giáo ư?
Trương thị lang khẽ nhướn mày:
- Y là ai mà Phùng thị vệ lại khâm phục đến thế?
Phùng A đáp:
- Đại nhân không theo dõi tin tức giang hồ nên không biết. Chuyện là mười năm trước, đáng lẽ ngôi giáo chủ của Thường Xuân giáo được truyền lại cho Thành Chương chân nhân nhưng ông ta từ chối, bỏ giáo mà đi. Nghe người ta đồn là ông ta lên núi tu tiên, trên giang hồ lâu lắm rồi không xuất hiện. Có nhiều người chức cao phẩm quý, tiền bạc nhiêu vô kể mời ông ta đến giảng đạo mà đâu có được. Sao đợt này lại đột nhiên xuất hiện ở Phúc Thuận tiêu cục?
Trương thị lang lặng im nghe một lúc rồi mới lên tiếng:
- À. Chuyện thay đổi giáo chủ ở Thường Xuân giáo ta có nghe qua. Ta cứ tưởng là chuyện đồn thổi thôi chứ.
Phùng A đáp:
- Có một người như Thành Chương chân nhân chịu ra mặt thì chuyến này Phúc Thuận tiêu cục sẽ tai qua nạn khỏi thôi. Chúng ta chắc không cần bận tâm đến chuyện này.
Trương thị lang cười, nhe hàm răng xỉn:
- À, đấy là phía giang hồ. Còn về mặt luật pháp, có người chết sao quan phủ lại không quản? Hơn nữa đợt này người chết cũng khá nhiều. Tri phủ Yên Nghĩa có công văn gửi lên Bộ Hình chúng ta nhờ giúp đỡ.
Phùng A nói, giọng có phần nhẹ hơn trước:
- Vậy để tỳ chức phái Bùi Phúc Vũ với vài tên lính đến nghe ngóng thông tin. Chuyện của giang hồ thì như thường lệ, chúng ta nên chường mặt cho có, chứ can thiệp sâu qua e thành không hay.
Trương thị lang đáp rất dứt khoát:
- Tiếc cho Phùng thị vệ quá. Không hiểu sao công văn đợt này lại viết thẳng ra rằng Tri phủ Yên Nghĩa mong Bộ Hình phái Phùng A nhị đẳng thị vệ đến tra án. Ta có mang công văn tới đây. Phùng thị vệ có cần xem không?
Phùng thị vệ cười khổ. Từ lúc nghe Trương thị lang đích thân đến là hắn biết lần này khó mà an nhàn.
*****************************************************
Phủ Yên Nghĩa vốn được coi là nơi sầm uất nhất vùng Tây Bắc, nhưng so với miền Đông Bắc, nhất là khu vực cận kinh thành, thì người xe vẫn lấy làm thưa thớt. Phùng A ngồi trên xe ngựa đi từ lệnh phủ Yên Nghĩa đến Phúc Thuận tiêu cục ở bên ngoài thành, ngắm cảnh thanh bình mà tâm trạng khá băn khoăn. Cuộc gặp với tri phủ không đem lại kết quả khả quan cho lắm. Gã tri phủ này mơ hồ, tựa như cái gì cũng không biết, hoặc là gã ngu thật hoặc là đang giở trò để trốn trách nhiệm. Giờ thì Phùng A hiểu tại sao Phúc Thuận tiêu cục lại phải nhờ cậy lên tận bộ Hình. Trông mong vào những tên quan lại như gã tri phủ thì đợi sao chổi rơi vào đầu kẻ thù còn hơn.
Chiếc xe ngựa dừng trước chiếc cổng săt cao lớn uy nghi. Phùng A được người giúp việc đưa qua mấy gian nhà rộng lớn. Đây không phải lần đầu tiên Phùng A đặt chân đến những nơi hoành tráng nguy nga như thế này. Cung điện hoàng gia, trụ sở của Hoành Xa tiêu cục ở gần kinh thành rồi kể cả mấy gian nhà của Kim Long phái cũng to đẹp hơn, nhưng kiến trúc tỉ mỉ đặc biệt ở nơi đây cũng khiến hắn trầm trồ. Hắn thầm nghĩ, mình có cố gắng cả đời, có lẽ chả tậu được một phần nhỏ cơ ngơi của Phúc Thuận tiêu cục.
Phùng A được dẫn vào một sảnh lớn. Trên đó là một bàn tiệc đầy hoa quả, thảo mộc cùng nhiều bình trà khác nhau. Xung quanh bàn là một người trẻ và ba người lớn tuổi đang đàm đạo. Người còn lại trong phòng thì đang chậm rãi đang bước ra. Ông ta tuổi quá ngũ tuần, dáng vẻ cao lớn, thân hình vạm vỡ, ăn mặc trải chuốt cùng râu tóc điểm bạc. Phùng A cúi đầu thi lễ:
- Kính chào Lỗ An tiền bối.
Lỗ An vừa cười vừa đáp lễ:
- Tại hạ đang mong mãi Phùng A đại nhân. Nào, mời đại nhân vào đây để tại hạ giới thiệu với các vị khách quý.
Hai người cùng nhau bước vào. Đồ đạc ở đây tuy không chạm vàng hay khắc đá quý như đám trưởng giả ở kinh thành nhưng nhìn qua cũng đủ thấy chất liệu không tầm thường, đều là gỗ quý hoặc sứ cao cấp. Lỗ An lúc này cất tiếng:
- Xin giới thiệu với mọi người. Vị khách quý này là đồ đệ chân truyền của Tiêu Văn lão gia ở Kim Long phái, hiện đang giữ chức Chánh Tứ Phẩm nhị đặng thị vệ tại kinh thành. Cũng là người tại hạ phải cầu mãi mới đến.
Phùng A khẽ nhìn gương mặt các bốn vị khách. Khi nghe thấy hắn là đồ đệ của Tiêu Văn lão gia thì đã khẽ cười, sau nghe đến chức quan hắn đang giữ, có ba người mặt ngay lập tức đanh lại.
Hắn vẫn cùi chào rất lễ phép:
- Hôm nay tiểu bối được gặp gỡ các vị tiền bối chân nhân. Thật hân hạnh biết bao.
Lỗ An mới bước tới để giới thiệu từng vị. Người đầu tiên nét mày thanh tú, khuôn mặt tươi cười, cũng là người duy nhất không nhăn mặt khi biết Phùng A là quan phủ. Điều làm Phùng A ngạc nhiên là người này trông rất trẻ, mới mười tam đôi mươi, sao lại ngồi ngang hang với các vị đạo hạnh lâu năm?
Lỗ An nói:
- Chắc đại nhân phải biết đến danh tiếng người này. Đấy chính là Trường Xuân giáo Thành Chương chân nhân.
Phùng A không giấu nổi sự bất ngờ:
- Thành Chương chân nhân bây giờ tuổi cũng phải trên tứ tuần rồi chứ? Sao lại là một chàng thanh niên trẻ măng thế này?
Lỗ An đáp:
- Phép dưỡng thân tu tiên của chân nhân, người thường thấy bất ngờ cũng là chuyện dễ hiểu.
Phùng A vái đầu, vẫn không hết kinh ngạc:
- Tiểu bối thật thất kính! Xin chân nhân xá tội.
Thành Chương chân nhân vẫn cười, cất tiếng lanh lảnh như trẻ con:
- Không sao, không sao!
Lỗ An bước ra chỗ vị khách thứ hai. Vị này tuổi trên ngũ tuần, râu tóc đều cắt ngắn, có vài chỗ điểm bạc, mặc áo có viền tím, đeo trên lưng một thanh kiếm dài. Lỗ An giới thiệu:
- Đây chính là Thanh Linh cư sĩ của Tử Phụng giáo.
Phùng A lại cúi đầu thi lễ. Thanh Linh cư sĩ chỉ đáp nhạt:
- Hân hạnh được gặp đại nhân.
Khác với các giáo chọn con đường tu tiên xa rời thế nhân, Tử Phụng giáo chọn đi theo đường tu gắn liền với đời sống trần tục. Võ công độc truyền của Tử Phụng giáo chuyên dụng một cây kiếm dài được đồng đạo trong giới võ lâm tán tụng vô cùng. Thanh Linh cư sĩ lại là người có địa vị số một số hai trong giáo, có rất nhiều người kính nể. Thế nên thái độ kiêu căng của ông ta cũng không có gì bất ngờ.
Phùng A đi theo Lỗ An ra chỗ hai vị khách còn lại. Hai người này dáng vóc phi phàm, râu tóc bạc phơ, chỉ nhìn rất khó đoán đã bao nhiêu tuổi. Lỗ An nói:
- Còn đây là nhị vị huynh đệ Bá Minh và Bá Khước của Lục Quang thần giáo.
Phùng A biết được danh tính hai người này, tuy không bất ngờ như khi nghe về Thành Chương chân nhân, cũng phải thoáng chút giật mình. Lục Quang thần giáo có địa bàn hoạt động chủ yếu ở vùng đảo xa xôi, nổi tiếng với quyền cước độc đáo, nghe nói hàng chục năm nay đâu có ai bước chân vào đất liền? Lỗ An trưởng tiêu cục mời được những người như thế này, thật đáng gờm xiết bao.
Phùng A thi lễ:
- Nghe đại danh các vị chân nhân đã lâu, nay được gặp, tiểu bối thật quá đỗi vui mừng.
Hai vị huynh đệ đáp:
- Gặp được đại nhân cũng là niềm vui của chúng tôi vậy.
Giới thiệu với nhau xong, Phùng A ngồi vào bàn. Ban đầu Lỗ An hỏi thăm sơ qua tình hình gia đình và công việc của Phùng A thì bốn vị khách kia ngồi im, không nói câu gì. Đến lượt năm người kia bàn về các phương thức tu tập thì Phùng A lại lặng thinh, không biết góp mặt vào câu chuyện như thế nào. Thực ra chủ yếu có hai vị huynh đệ họ Bá với Thanh Linh cư sĩ tranh luận với nhau, Thành Chương chân nhân cũng không nói mấy, chỉ thường xuyên cười, khi nghe được câu nào ai đó nói hợp ý thì mới gật gù góp lời tán tụng.
Buổi tiệc đến gần khuya thì mới dừng. Khách nào cũng có người hầu đưa về phòng nghỉ. Phùng A về đến phòng của mình, ngắm nghía được một chút thì đã có tiếng gõ cửa. Hắn đáp:
- Có phải là Hành quản gia đấy không?
Người ngoài cửa sững sờ:
- Sao đại nhân biết?
Phùng A chủ động tiến ra mở cửa:
- Hành quản gia dẫn tại hạ đến chỗ Lỗ An trưởng tiêu cục chứ?
Hành quản gia lại nói giống hệt trước:
- Sao đại nhân biết?
Phùng A cười:
- Thôi, chúng ta đi nhanh đi kẻo muộn.
*****************************************************
Hành quản gia dẫn Phùng A lướt nhanh qua mấy gian nhà tối om. Không gian im ắng như tờ, xung quanh không có chút tiếng động nào. Sau một lối rẽ phải là căn phòng có ánh nến sáng mờ mờ. Hành quản gia nhẹ nhàng gọi cửa:
- Thưa ngài, tiểu nhân đã dẫn Phùng thị vệ đến.
Lỗ An đáp lời:
- Mời đại nhân vào đây.
Hành quản gia khẽ đẩy cửa:
- Mời Phùng thị vệ.
Thi lễ xong thì Hành quản gia ngay lập tức lui đi. Phùng A mở lời trước:
- Rút cục tại hạ cũng hiểu vì sao tại hạ phải đến phủ Yên Nghĩa.
Lỗ An cười:
- Đại nhân nói thế có ý gì? Chả phải đại nhân đến để điều tra án sao?
Phùng A đáp:
- Lúc nhìn thấy các vị đạo nhân, tại hạ đã nghĩ có những cao thủ nhất đẳng thế này, sao Lỗ trưởng tiêu cục còn nhờ đến quan phủ làm gì cho ảnh hưởng thanh danh trong giới giang hồ. Đến lúc trò chuyện mới biết, đạo nhân chỉ lo chuyện trên trời, e chuyện dưới đất khó mà để tâm.
Lỗ An gật gù:
- Đại nhân đã hiểu được lòng ta như vậy. Ta cũng chả cần vòng vo làm gì.
Nói rồi, ông ta khẽ mở cái nắp hộp đã để sẵn trên bàn từ trước. Những thỏi vàng lấp lánh. Phùng A nhẩm tính không biết một năm lương bổng của mình có được một nửa số này không:
- Thưa Lỗ trưởng tiêu cục, tại hạ dù sao cũng là quan chức. Như thế này là tội hối lộ đấy.
Lỗ An xua tay:
- Ấy, đại nhân đừng hiểu nhầm. Chuyện ta sắp nhờ tới, không có chút gì phạm pháp. Còn số tiền này là ta kính biếu sư phụ đại nhân. Ta ngưỡng mộ Yên Văn lão nhân của Kim Long phái từ rất lâu rồi.
Phùng A cười mỉm. Đúng là đại nhân vật có khác, rất có phong cách.
- Vậy không biết, trưởng tiêu cục có việc gì cần kíp?
Lỗ An lúc này mới trầm ngâm:
- Ngài có nghe đến vụ giết cả nhà phú hào Nguyễn Đình Trương ở phủ Hàn Khang không?
Phùng A đáp:
- Tại hạ có biết. Đó là một trong những trọng án được báo lên cho bộ Hình. Chỉ trong vài ngày là quan tri phủ đã bắt được năm tên cướp đó và xử tử rồi.
Lỗ An nói:
- Ta thực chất đang muốn nhờ đại nhân xem lại án đó.
Phùng A nghe thế liền hỏi:
- Chắc hẳn ngài đã tìm hiểu được điều gì rồi?
Lỗ An lắc đầu:
- Vụ án này kỳ lạ lắm. Có rất nhiều điểm nghi vấn mà quan phủ lại kết án vội vàng. Ta cũng đã tốn nhiều ngân lượng và công sức nhưng vẫn không lấy được một chút thông tin hữu ích. Ta nghĩ có lẽ một viên quan cấp trên đến thị sát, biết đâu lại tìm ra điều gì khác?
Phùng A gật đầu biểu lộ đồng ý:
- Được. Tại hạ tưởng gì chứ thẩm tra án thì đúng là công việc nhà vua giao phó cho tại hạ rồi. Ngay sáng mai tại hạ sẽ đến phủ Hàn Khang tìm hiểu xem sao.
Lỗ An ngạc nhiên:
- Đại nhân không hỏi vụ án đó có liên quan gì đến tai ương mà Phúc Thuận tiêu cục đang gặp phải hay sao?
Phùng A thủng thẳng đáp:
- Không cần đâu. Tại hạ sợ biết nhiều quá thì quà của sư phụ tại hạ lại ít đi.
*****************************************************
Phùng A bò lên giường đánh một giấc thật say. Một trong những điều hắn coi là bí quyết thành công trong công việc, đó là lúc nào cũng phải ngủ ngon. Chuyện gì xảy ra thì ngày mai hãy tính. Sáng mở mắt dậy, hắn ngay lập tức sửa soạn đồ đạc để có thể lên đường. Nhìn động tác khẩn trương của Hành quản gia tối hôm qua cùng thái độ có phần cầu khẩn của Lỗ An trưởng tiêu cục, hắn biết việc này đến hồi gấp rút lắm rồi.
Dù vậy, lúc đi qua khuôn viên, Phùng A cũng phải dừng một lúc để ngắm cảnh sắc nơi đây. Dọc hành lang là những khóm hoa địa phương đang nở tươi sắc, chốn kinh thành đâu phải lúc nào cũng thấy được những thứ như thế này. Tâm trạng hắn khá vui, hắn thậm chí còn chào cả cô quét sân:
- Chào cô nương. Một ngày vui vẻ nhé.
“Dạ?” Một giọng ồm ồm cất lên. Hắn khẽ ngoái nhìn lại. Hóa ra là một bà lão tóc bạc phơ. Hắn lại phải cúi đầu xin lỗi, lòng thầm nghĩ hôm qua gặp phải Thành Chương chân nhân nên giờ lú lẫn, nhầm cả bà lão với cô nương chăng?
*****************************************************
Phủ Hàn Khang ở gần kinh thành hơn phủ Yên Nghĩa nên Phùng A lại phải vòng ngược trở lại. Đi từ sáng, nghỉ trưa một chút ở giữa đường rồi lại thảnh thơi đi tiếp, đến chiều muộn là Phùng A đã tới nơi. Hắn không muốn đến quan phủ ngay mà vào tạm một nhà trọ để ngủ qua đêm.
Sáng hôm sau, Phùng A tìm đường đến dinh cư của phú hào Nguyễn Đình Trương. Căn nhà to lớn giờ đã bỏ hoang, trông thật u ám. Với vụ huyết án như vậy thì giờ chắc chả có ai dám dọn về ở. Nhiều khả năng chính quyền hoăc tay nhà buôn liều mạng nào đó sẽ mua lại thôi. Hắn đi dạo một vòng, thấy một quán nước đang vắng khách thì bước vào. Bà chủ quán trung niên vồn vã:
- Mời quý khách! Nắng nôi thế này nên dừng chân uống chén nước rồi đi đâu thì đi.
Phùng A liền gọi một ấm trà. Hắn quan sát thầy bà chủ quán có vẻ là người nhiều lời. Tốt nhất, ban đầu cứ lặng im, bà ta sẽ tự khắc gợi chuyện.
Y rằng chỉ được một lúc, bà ta đã mở màn:
- Trông bộ dạng của quý khách có vẻ là dân võ nghệ giang hồ. Tới phủ Hàn Khang không phải để gây sự với ai đấy chứ?
Phùng A cười đáp:
- Đâu dám. Thực ra tại hạ đi bảo vệ cho một nhà buôn từ kinh thành tới đây. Ông ý giờ vào kỹ viện mà không chịu bao tiền cho toàn bộ đám đi kèm nên tại hạ đành phải đi quanh ngắm cảnh.
Bà chủ quan tiếp chuyện;
- Gớm, ông chủ nào chả ky bo giống nhau. Thế ông chủ nhà cậu có phải thương nhân nổi tiếng không?
Thế là Phùng A bắt đầu bịa chuyện. Câu chuyện này Phùng A bịa đến hàng chục lần rồi nên thạo lắm. Nào thì ông chủ tên là gì, buôn mặt hàng nào, vợ cả trông ra sao, vợ hai đi léng phéng với tay thư ký, bồ nhì bên ngoài của ông chủ xinh đẹp lắm, … Kể đến đoạn nào là bà chủ quan lại cười nắc nẻ:
- Cậu có duyên thật đấy!
Phùng A giờ mới dò hỏi:
- Thế quanh đây, có chuyện gì ly kỳ không chị?
Bà chủ quan giơ tay chỉ về phía dãy nhà đối diện;
- Chắc cậu cũng phải biết rồi chứ. Có vụ bọn cướp đột nhập giết cả nhà phú hào Nguyễn Đình Trương. Khu nhà kia chính là hiện trường vụ án đấy.
Phùng A đáp:
- À, vụ đó vang động đến tận kinh thành cơ mà. Chắc gia đình phú hào này cũng độc ác, gây thù chuốc oán với nhiều người.
Bà chủ quán xoa tay:
- Đúng là lời đồn đại thiếu căn cứ. Gia đình họ tuy giàu nhưng hiền lành, đối xử với hàng xóm tốt lắm, làm gì có thù oán với ai. Mà thương lắm cơ, lúc chuyện xảy ra người xung quanh không ai biết, đến lúc có người gọi cửa, mở ra thì mới thấy sân đầy máu là máu!
Rồi bà chủ quán kể một thôi một hồi. Nào thì quan phủ đến tra án ra sao, năm tên cướp bị bắt trông thế nào. Đám tang có nhiều người từ khắp nơi đến viếng lắm, ai nấy đều khóc than…. Phùng A cảm thấy đủ thông tin rồi thì bắt đầu chuyển hướng. Hai người tán gẫu với nhau về gia đình, về tri phủ, về vài thứ linh tinh khác. Lúc Phùng A đứng dậy chào thì hơn tiếng đồng hồ đã trôi qua. Hắn vội vã lên ngựa tới thôn Hàn Giang, nằm cách phủ này không xa, nơi quan phủ bắt được năm tên cướp được cho là thủ phạm gây ra vụ án động trời này.
*****************************************************
Khu vực Tây Bắc ở thành thị còn trông có chút sầm uất, chứ đi lệch ra mấy vùng nông thôn cách đường chính một chút, là thấy nghèo xác xơ ngay. Giờ này lại vắng người, Phùng A đi dọc thôn mà chả tìm thấy ai để hỏi chuyện. Cuối cùng hắn cũng tìm thấy được một quán nước ở trước sân đình. Ông chủ quán đang ngáp dài. Hắn gọi ly trà rồi mở lời:
- Thôn xóm yên bình quá bác nhỉ?
Ông chủ đáp:
- Vâng, may là khách quan không đến vào khoảng thời gian trước.
Hẳn giả bộ ngơ ngác:
- Ủa, thôn này từng có thời náo nhiệt lắm à?
Ông chủ thở dài:
- Tầm hơn năm trước, tự dung có năm gã du thủ du thực từ đâu kéo về ở trong căn nhà hoang góc thôn. Chúng chả có nghề ngỗng gì, suốt ngày phá làng phá xóm. May là trong thôn này chả có ai giàu cũng chả có con gái nhà ai xinh. Bọn chúng cứ sang mấy thôn lân cận gây sự thôi.
Phùng A hỏi tiếp:
- Thế bọn chúng bị quan phủ bắt rồi ạ?
Ông chủ nhăn mặt:
- Gớm, ngay từ khi bọn chúng xuất hiện, mấy người trong thôn đã báo lên quan huyện rồi, nhưng phía chính quyền cứ trả lời: bọn chúng chưa gây tội ác gì, không bắt được. Bọn chúng tôi cứ thì thầm với nhau, đến lúc chúng nó gây tội có mà chết người à. Thế mà chết người thật đấy. Sáng hôm có án mạng trên phủ, có người nhìn thấy chúng nó vác vàng bạc từ đâu về mới mách quan. Thế là bao nhiêu binh lính xuất hiện gô cổ chúng nó đi bỏ tù. Hơn tháng trước chúng nó bị chém đầu rồi. Chúng tôi thì được yên nhưng tội nghiệp người chết lắm cậu ạ.
Phùng A cũng diễn điệu gật gù, nói vài câu chia sẻ. Sau đó hắn chuyển sang vài ba câu chuyện lòng vòng khác như thời tiết dạo này nóng lên hay truyền thuyết về một cao thủ giang hồ nào đó được đồn đại đến tận những nơi thế này. Rồi chào hỏi với vài người dân đi đâu về ghé vào quán. Nói chuyện đủ thứ chán chê hắn mới đứng dậy.
Mất cả buổi, hắn đã thấy một nghi vấn lớn. Phú hào Nguyễn Đình Trương thuê không ít gia đinh bảo vệ nhà mình, tuy khả năng cao họ cũng không phải là cao thủ nhưng để giết được từng đấy người mà hàng xóm xung quanh không hay biết, đám thủ phạm chắc chắn không phải hạng tầm thường. Năm tên côn đồ thôn suốt ngày chỉ biết lêu lổng lấy đâu ra võ nghệ như vậy? Vụ án này có nguy cơ cao là để lọt thủ phạm, quan lại chỉ xử lý cho có thôi.
“Giờ là lúc đến gặp tri phủ” – Hắn vừa phi ngựa vừa nghĩ.
*****************************************************
Tri phủ giật nảy mình khi nghe tin có người từ bộ Hình đến hỏi chuyện. Y hỏi ngay viên thư lại bên cạnh là dạo này y có làm gì sai chức trách không? Viên thư lại phải trấn an y rằng tình hình phủ trong vòng một tháng nay đâu có chuyện gì, rồi động viên vài câu y mới bình tĩnh lại được. Rồi y lại cảm thấy xấu hổ với bản thân mình, làm quan đến bao nhiêu năm rồi, giờ gặp chuyện bất ngờ vẫn run lẩy bẩy như cái ngày mới nhậm chức.
Phùng A đảo mắt một vòng. Nha môn của phủ Hàn Khang tuy không lộng lẫy cho lắm nhưng với vùng đất nghèo thì thế này vẫn khang trang và lịch sự lắm rồi. Được cái là lính canh ở đây có đồng phục riêng trông rất ra dáng. Chứng tỏ quanh vùng này cũng phải có một thợ may tốt, tài năng không thua gì những người cùng nghề ở kinh thành.
Một viên lính canh chạy đến:
- Tâu đại nhân. Tri phủ đại nhân đã ra rồi ạ.
Phùng A ngẩng đầu qua nhìn. Hình ảnh tri phủ Hàn Khang không khác gì nhiều quan lại cao cấp khác. Bụng phệ, đáng di bệ vệ nặng nề với hàng râu nhún phúng phính. Hai người thi lễ với nhau. Tri phủ cất tiếng hỏi:
- Hôm nay phủ Hàn Khang được chào đón Phùng thị vệ, thật là quá hân hạnh. Sao đại nhân không gửi công văn đến trước để tỳ chức có thể làm một cái lễ mọn cho đúng với nghi lễ triều đình.
Phùng A trả lời:
- À, thực ra ta nhận lệnh của Trương thị lang đi tuần tra các phủ, tìm hiểu lại một số vụ án gần đây để kiểm tra năng lực xét xử của các cơ quan công quyền địa phương. Việc này không thể báo trước được. Mong tri phủ đại nhân thông cảm.
Tri phủ cười một điệu rất nịnh bợ:
- Ấy, Đại nhân đặt công việc nước nhà lên hàng đầu, tỳ chức sao dám nhận xét điều gì. Chỉ là tỳ chức đang tìm cách để tỏ lòng ngưỡng mộ của mình thôi.
Cứ thế, theo thông lệ của chốn quan trường, hai người đá qua đá lại vài câu. Câu trước thì Phùng A khen Tri phủ, câu sau thì tri phủ tán tụng Phùng A. Rồi thì Phùng A ca ngợi hoàng thương chí tôn anh minh, Tri phủ lại xuýt xoa Tể tướng đương nhiệm tài trí hơn người. Phùng A gật gù bảo rằng đi một vòng quanh phủ Hàn Khang thấy dân chúng ai cũng an cư lạc nghiệp, Tri phủ đáp lễ, nói rằng hiếm hoi lắm mới có cơ hội đến kinh thành, mà lần nào đến cũng được mở rộng tầm mắt trước sự thái bình phồn hoa đặt dưới chân thiên tử. Cũng phải mất hơn một tiếng, Phùng A mới đi được vào việc cần làm. Tri phủ liền gọi một bổ đầu tên An ra để dẫn Phùng A đến nơi cất giữ hồ sơ của các vụ án gần đây.
Phùng A vừa đi vừa theo dõi cử chỉ của An bổ đầu. Hành động của y rất nhanh nhẹn, võ công chắc chắn không tệ. Khi Phùng A giả vờ tra vài hồ sơ linh tinh cho có rồi gọi y đem hồ sơ vụ phú hào Nguyễn Đình Trương đến, mặt mũi y cũng không có gì biến sắc. Vụ án này mà sai thì y là người chịu trách nhiệm đầu tiên vì chính y trực tiếp chỉ đạo điều tra. Sao y vẫn bình tĩnh đến thế?
Phùng A giở hồ sơ vụ huyết án ra xem, cảm thấy mọi lí lẽ và bằng chứng đều rất chặt chẽ. Những vết máu in hình dấu tay và dấu chân trên hiện trường đều trùng khớp với năm tên côn đồ. Số vàng bạc mà năm tên này đem giấu cũng trùng khớp với số ngân lượng đã mất của nhà phú hào. Điều này cho thấy năm tên lưu manh đã xâm nhập hiện trường thật. Nhưng khả năng cao là thấy nhà đầy người chết thì tranh thủ vào cuỗm ít tiền, sự ngu si của chúng đúng thật khó lường. Từ đấy cũng suy ra mấy tên hung thủ thực sự giết người vì động cơ khác, bởi đám đó có lấy chút gì từ tài sản của gia đình phú hào đâu?
Phùng A ngồi ngẫm nghĩ. Giờ mà tìm cách lật lại vụ án thì cũng mệt, vì cần phải báo cáo lên chỗ này chỗ kia. Tên tri phủ rồi bọn sai nha giúp việc chắc chắn sẽ tìm cách phá rối quyết liệt. Mấy tên côn đồ cũng bị chặt đầu rồi, minh oan cho chúng cũng đâu phải mục đích của hắn lần này? Thế nên bây giờ phải tìm cách nào khéo một chút, trên danh nghĩa vẫn là thừa nhận kết quả vụ án, mà vẫn tiến hành tìm hiểu tiếp được.
“À!” – đầu của Phùng A chợt vọt lên một ý tưởng.
Phùng A hỏi An bổ đầu:
- Theo báo cáo thì tiền bạc còn lại trong nhà được chia cho hai đứa cháu ở xa của phú hào Nguyễn Đình Trương đúng không?
An bổ đầu đáp:
- Vâng ạ. Con số cụ thể đều được ghi rõ trong hồ sơ. Địa chỉ của hai người cháu hiện tại cũng được ghi ở đó. Hình như có một người đang trú ở kinh thành thì phải. Đại nhân có thể hỏi chuyện họ để xác minh.
Phùng A cười:
- À, ta không có ý nghi ngờ các ngươi ăn bớt tiền của người chết. Chỉ là ta đọc về gia đình phú hào Nguyễn Đình Trương, thấy có ghi cậu con trai thứ ba chết lúc ba mươi tuổi, không có con cũng không có vợ. Liệu có gì bất thường ở đây không, liệu chúng ta có bỏ qua một người thừa kế hợp pháp nào không?
An bổ đầu nói:
- Dạ, theo pháp luật thì vấn đề thừa kế chỉ cần xử lý theo hồ sơ hiện tại là được. Nếu giả dụ sau này có ai tự nhận mình là con cháu của nhà phú hào mà chưa được chia tiền thì phải tự động đem đơn đi kiện mới đúng chứ ạ?
Phùng A gật đầu:
- Đúng, theo luật là vậy. Nhưng chúng ta là cha là mẹ của dân chúng, chúng ta phải có trách nhiệm hơn mới đúng. Đã không thấy thì thôi chứ có nghi hoặc thì phải tìm hiểu đến cùng. Trong phủ này, ai là người thân thiết nhất với gia đình của phú hào Nguyễn Đình Trương? Ta muốn đến hỏi chuyện xem sao.
An bổ đầu nghĩ một lúc rồi trả lời:
- Vâng, vậy để tỳ chức đưa đại nhân đi gặp Nguyễn Toàn, đại phu riêng của gia đình phú hào.
*****************************************************
Đại phu Nguyễn Toàn có một căn nhà nhỏ và sạch sẽ ở khu chợ sầm uất nhất trong phủ. Khi Phùng A đến thì ông ta đang bắt mạch cho một vị khách. Hai bên chào hỏi nhau một lúc thì ông ta dẫn Phùng A vào phòng phía trong để nói chuyện. An bổ đầu chờ ở ngoài, Phùng A đoán gã đang tìm cách báo cáo tình hình cho tri phủ. Nhiều khả năng đám quan lại ở phủ sẽ đoán Phùng A đang tìm cách gây khó dễ để vòi tiền. Tối nay kiểu gì chả được ăn tiệc to – hắn vừa nghĩ vừa cười thầm trong bụng.
Phùng A liền hỏi đại phu sơ qua về tình hình trong nhà phú hào rồi hỏi về vợ chồng anh con cả với anh con thứ. Hắn cũng giả vờ xin giấy bút, hỏi câu nào ghi chép tỉ mỉ câu đấy. Lòng vòng chán chê, hắn mới hỏi về người con trai thứ ba:
- Thế anh con trai thứ ba bị ốm hay sao mà chết trẻ vậy ạ?
Nguyễn Toàn nói, giọng đượm buồn:
- Khang công tử là người được lão gia yêu nhất. Đợt đấy có chuyến hàng quan trọng lắm nên Khang công tử đích thân đi. Lão gia thuê Bình Doanh tiêu cục bảo tiêu riêng cho chuyến hàng đợt đó. Vậy mà trên đường về, cả đoàn bị cướp, không ai còn sống mà quan phủ cũng không điều tra ra được. Năm nào đến ngày mất của Khang công tử, lão gia cũng rơi nước mắt.
Phùng A vừa ghi chép vừa hỏi:
- Bình Doanh tiêu cục? Cháu nghe cái tên này quen lắm, có phải là tiêu cục từng lừng danh một thời không?
Nguyễn Toàn gật đầu:
- Đúng đấy. Bình Doanh tiêu cục từng là tiêu cục lớn nhất cả dải Tây Bắc này, cho đến tai họa của Khang công tử. Sau đó Bình Doanh tiêu cục còn gặp phải vài ba rắc rối cũng nghiêm trọng không kém, tên tuổi cứ thế đi xuống, Phúc Thuận tiêu cục nhờ đó mà nổi lên được như ngày nay.
Phùng A cảm thấy mọi chuyện đang dần sáng tỏ. Nhưng còn một điểm mấu chốt vẫn đang lẩn khuất ở đâu đó. Phùng A hỏi tiếp:
- Khang công tử này cũng tội nghiệp bác nhỉ? Chết trẻ lại chả có vợ con gì?
Nguyễn Toàn trầm ngâm:
- Âu cũng là số phận. Ông trời đã không cho thì biết làm sao?
Đúng lúc đó, cô con dâu ngồi loáy hoáy pha chế thuốc phía sau thêm vào:
- Không phải đâu bố. Tại nhà người ta không muốn nhận cháu đấy thôi.
Nguyễn Toàn giật nảy người lên, quát:
- Ngươi thì biết cái gì? Có biết đây là đại nhân đến từ bộ Hình không mà nói lăng nhăng?
Cô con dâu sợ hãi lạy:
- Xin đại nhận tha cho. Dân nữ lỡ mồm. Nhưng rõ ràng dân nữ thấy có lần Khang công tử vừa nói chuyện với một cô hầu gái vừa xoa đầu con trai cô ý.
Nguyễn Toàn nạt con dâu rồi quay sang Phùng A:
- Đại nhân đừng nghe đàn bà con gái nói linh tinh. Chúng nó toàn đem chuyện xó bếp ra bàn tàn liệu có mấy phần là thực đâu, lại ảnh hưởng đến thanh danh người đã khuất.
Phùng A cố gắng thuyết phục vị đại phu:
- Người đã mất rồi thì thanh danh có nhiều hay ít đâu quan trọng bằng người sống hả bác? Nếu thực sự Khang công tử có con ở đâu thì phải tra ra, chả lẽ người con đó không đáng được hưởng một chút ít gia tài của tổ tiên sao? Chứ để cậu ấy phải sống trong nghèo khổ thì e rằng trên thiên đàng, lão gia với Khang công tử cũng không thể yên tâm.
Nguyễn Toàn nghe Phùng A nói thì cảm thấy có phần xấu hổ, lặng im đi một lúc. Phùng A nhân cơ hội hỏi tiếp cô con dâu:
- Câu chuyện cô nghe được ra sao, cứ kể cho ta đi, ta đảm bảo không ai trách phạt gì cô.
Cô con dâu liền kể tiếp:
- Hồi xưa dân nữ có vào nhà phú hào phụ việc bếp núc thì nghe người làm trong nhà đồn rằng con trai của cô hầu gái đó chính là con của Khang công tử. Nhưng lão gia thì kiên quyết không đồng ý để cha con nhận nhau. Sau khi Khang công tử mất thì lão gia buồn bã chả muốn xét chuyện gì nữa. Vợ chồng anh con trai cả mới đuổi cô ấy đi. Dân nữ cũng có đôi ba lần nói chuyện với cô hầu gái thấy cô ấy vừa ưa nhìn lại dễ thương nữa, chỉ tiếc là…
Nói thế rồi cô con dâu thở dài một tiếng. Phùng A lại hỏi:
- Vậy cô có biết sau khi bị đuổi thì cô hầu gái đó đi đâu không?
Cô con dâu đáp:
- Dân nữ không biết ạ. Mấy hôm sau không thấy cô ấy đâu, dân nữ mới hỏi han thì có người nói cô ấy bị đuổi đi. Chả ai trong nhà dám bàn tán đến chuyện đấy thêm nữa.
Nguyễn Toàn lúc này lại cất tiếng:
- Chắc là cô ấy về nhà cha mẹ cô ấy ở thôn Dương Xá cách đây vài huyện thôi. Tiểu dân có lần được Khang công tử nhờ khám thai cho cô ấy nên cũng hỏi được đôi ba chuyện. Nếu đúng là Khang công tử đã để lại cốt nhục trên đời, thì mong đại nhân thu xếp cho, lão gia này đội ơn lắm!
Nói rồi vừa lạy vừa rơm rớm nước mắt. Phùng A phải đỡ rồi bảo:
- Đừng, bác đừng thế. Đó là trách nhiệm của người làm quan chúng cháu, đâu phải ơn huệ gì.
Hai người lại đàm đạo thêm một lúc nữa, Phùng A cũng đã ghi kín được vài mặt giấy. Quan trọng là thông tin hắn cần nhất đã có được rồi. Giờ là lúc vui chơi. Hắn cất tiếng gọi An bổ đầu. Đúng như những gì hắn đoán, trên đường về An bổ đầu thì thầm với hắn là tri phủ đang mở tiệc ở nhà riêng. Thái độ của An bổ đầu càng lúc càng làm hắn lo ngại. Suốt buổi hôm nay, An bổ đầu không tỏ rất bất ngờ trước bất kì hành động nào của hắn. Liệu tay bổ đầu này tôi luyện được đến mức tâm bất biến hay thực ra gã đang che dấu điều gì?
Bữa tiệc diễn ra rất vui vẻ. Tri phủ cũng là một tên biết thưởng thức. Rượu và thức ăn đều ngon. Mấy cô phục vụ trông kháu gái ra phết. Phùng A nốc hết chén này đến chén khác. Hắn bắt đầu cảm thấy mồm thì đang lảm nhảm còn mắt thì đang mờ dần đi. Một lúc sau An bổ đầu dìu hắn đến một căn hộ nào đấy. An bổ đầu đỡ hắn ngồi dựa vào cạnh giường rồi bỏ đi.
“Đây là lúc thích hợp rồi” – Phùng A nghĩ thầm. Hắn nhanh tay lấy trong túi ra một viên thuốc rồi bỏ vào họng. Đây là loại thuốc đặc biệt được thái y trong cung điều chế có tác dụng chống say tức thời, dù ai có uống nhiều rượu đến mấy, ngậm viên thuốc này cũng sẽ giữ được tỉnh táo trong tối đa vài giờ. Lúc hắn vừa mở mắt được một chút đã thấy một cô gái xinh đẹp đang uốn éo trước mặt. Cô ta đẩy hắn nằm xuống giường, vừa cười e lệ vừa dùng tay xoa khắp người hắn. Cây gậy của hắn ở phía sau có vẻ vướng víu liền bị cô ta vứt ngay ra góc phòng.
Rồi cô ta cúi người xuống hôn vào cổ hắn. Một tay vuốt má hắn, một tay rút trâm cài tóc. Mái tóc buông xõa làm cô ta lại càng dễ thương hơn. Đột nhiên cô ta nằm im, không có cử động gì hết, trong phòng chỉ còn nghe thấy tiếng thở khe khẽ của Phùng A. Hắn đã điểm huyệt nữ sát thủ ngay khi cây trâm trên tay trái của cô ta nằm sát đỉnh đầu mình.
Phùng A ngẩng đầu ra. Phía ngoài cửa có bóng người. Hắn nhòm tìm cây gậy của mình ở góc phòng. Giờ nếu đơn thuần lao ra lấy gậy có vẻ tương đối mạo hiểm. Đành phải dĩ độc trị độc vậy, hắn tháo cây trâm ở tay nữ sát thủ rồi dí nó vào cổ cô ta, hét lớn:
- Này, tên ngoài cửa nghe đây, nếu nhà ngươi động đậy, ta sẽ đâm chết đồng đảng của người!
Một ánh kiếm lóe lên, gã đó định giết cả hai. Phùng A phản xạ rất nhanh đẩy nữ sát thủ về phía trước còn mình nhào ra góc phòng để lấy gậy. Ngờ đâu đối thủ đã có dự định từ trước, lưỡi kiếm của hắn ngay lập tức lái về hướng Phùng A nhảy ra. Nhưng hóa ra động tác đó của Phùng A cũng chỉ là một chiêu lòe. Khi lưỡi kiếm chỉ còn cách Phùng A một chút, hắn bất ngờ thụp người xuống, đánh một quyền thật mạnh vào chân đối thủ.
“Rắc” – tiếng xương gãy nghe rõ mồn một. Đối thủ chưa kịp hét lên thì Phùng A bồi tiếp một quyền vào ngực kẻ địch. Nếu nghĩ một tay lăn lộn giang hồ như Phùng A chỉ biết dùng mỗi gậy thì thật quá ngây thơ. Phùng A liền lại gần xem mặt kẻ định ám hại mình, đó chính là An bổ đầu.
Phùng A xách cổ cả hai đem đến chỗ tri phủ. Tri phủ lúc này cũng đã uống say ngủ như chết, chứng tỏ y không hề can dự vào chuyện này. Phùng A liền bảo binh linh đem nhốt hai đứa vào ngục. Còn mình thì vào dinh thự của tri phủ ngủ một giấc thật say đến sáng.
Sáng sớm vừa mở mắt, Phùng A đã thấy bóng người quỳ ở trước cửa. Hóa ra lúc tri phủ tỉnh rượu nghe đem sai nha báo cáo thì sợ hãi quá, ra trước phòng của Phùng A tạ lỗi. Phùng A trấn an tri phủ rằng đây chỉ là chuyện nhỏ mà thôi, y không hề có dính dáng gì thì không cần vô cớ lo ngại. Yên tâm trong báo cáo gửi lên cấp trên, Phùng A sẽ cho vài dòng ca ngợi y làm việc có trách nhiệm, chẳng qua bị kẻ dưới lừa gạt mà thôi.
Trò chuyện với tri phủ xong, Phùng A ngay lập tức lên ngựa. Chỉ còn một điểm đến cuối cùng trước khi tất cả mọi chuyện được sáng tỏ. Đó là thôn Dương Xá, quê nhà của cô hầu gái năm xưa.
*****************************************************
Thôn Dương Xá cũng như bao nhiêu làng quê khác xung quanh, nghèo nàn và buồn tẻ. Tuy đại phu Nguyễn Toàn và cô con dâu không nhớ rõ tên cô hầu gái nhưng thời điểm đó chuyện con gái chưa kết hôn lại dẫn con về nhà bố mẹ đẻ là việc rất tai tiếng nên công cuộc hỏi thăm của Phùng A cũng không gặp trắc trở gì. Ngôi nhà lụp xụp của bố mẹ cô hầu gái giờ đã thuộc về một người bác trong họ. Cô và cả bố mẹ cô đều đã mất cả rồi.
Người bác khi nhắc lại chuyện xưa, giọng vẫn đượm buồn:
- Ngày nó về, người nhà có gặng hỏi đứa bé là con ai, nó cũng không trả lời. Nó cũng về đây được vài tháng rồi bị ốm nặng. Ngày nó chết, đứa bé cũng bỏ đi. Bố mẹ nó thì sống thêm được vài năm, cũng muốn tìm lại đứa cháu ngoại nhưng nghèo quá, cũng chả thuê được ai tìm cho. Báo cho chính quyền thì người ta cũng chỉ ghi nhận rồi để đấy chứ biết đi đâu mà tìm. Tội nghiệp lắm cháu ạ.
Phùng A hỏi:
- Bác có biết cậu bé đó tên là gì không?
Ông bác trả lời:
- Ta nhớ mẹ nó gọi nó là Tường Minh – Nguyễn Tường Minh.
Phùng A liền xin người bác dẫn ra chỗ mộ của gia đình để thắp nén nhang. Ông bác tỏ vẻ dè dặt:
- Tôi thì không tin đâu, nhưng tôi phải nói với cậu rằng người ta đang bảo ở chỗ đấy có ma.
Phùng A ngạc nhiên:
- Chắc ai lại đặt điều xằng bậy à bác?
Ông bác đáp:
- Chuyện là tầm ba tháng trước, ông Nam trong thôn ra canh chòi ban đêm nhìn thấy một bóng người tóc trắng xóa rên rỉ trước mộ gia đình tôi. Ông ấy vốn là người thật thà nên bảo thì ai cũng tin. Tôi thì cho rằng ông ấy nhìn nhầm thôi.
Nghe chuyện, Phùng A chợt nghĩ đến một môn phái truyền thuyết trong giang hồ có tên là Bạch Hạc Môn. Người ta kháo với nhau rằng, bất kỳ ai có oan thù sâu nặng bước chân đến đó đều được dạy võ để trả hận, với điều kiện phải đánh đổi một phần sinh khí tuổi trẻ của mình. Sau khi rời phái, người thì tóc bạc trắng, người thì mặt mày nhăn nheo già nua, nhưng ai cũng đều có kiếm thuật nhanh đến mức xuất quỷ nhập thần. Nghĩ đến đó, Phùng A chợt nhớ ra, hắn cũng thấy một kẻ như thế ở Phúc Thuận tiêu cục rồi.
*****************************************************
Phúc Thuận tiêu cục hôm nay tổ chức đại lễ thật linh đình. Sau một tháng không dám nhận một đơn hàng nào, đợt này tiêu cục quyết định sẽ áp tải ba chuyến hàng quan trọng cùng một lúc. Chuyến hàng đâu tiên sẽ có Thường Xuân giáo Thành Chương chân nhân đi cùng. Chuyến thứ hai do chính Lỗ An trưởng tiêu cục với Tử Phụng giáo Thanh Linh cư sĩ dẫn dắt. Nhóm thứ ba sẽ có Lục Quang giáo nhị vị Bá huynh đệ bảo trợ. Ngoài ra tất cả những cao thủ có võ công cao nhất của Phúc Thuận tiêu cục đều được cho đi giúp sức. Đây được coi như lời tuyên chiến của Phúc Thuận tiêu cục với những kẻ thù nấp trong bóng tối.
Buổi đêm hôm đó, trong khuôn viên của Phúc Thuận tiêu cục bỗng xuất hiện bốn bóng người tóc bạc trắng. Họ đi đến đâu là lính canh ngã gục đến đấy. Không một động tác thừa, không một tiếng rên la. Họ lẳng lặng đi vào gian nhà chính. Khi họ bước vào, mọi thứ tối im. Họ đang thì thầm bàn bạc gì đó thì đột nhiên, toàn bộ căn phòng bừng sáng.
Đứng đôi diện với họ là Lỗ An trưởng tiêu cục, Hành quản gia, Thường Xuân giáo Thành Chương chân nhân, Tử Phụng giáo Thanh Linh cư sĩ và Lục Quang giáo nhị vị Bá huynh đệ. Phùng A đương nhiên cũng góp mặt. Kế này chính do hắn bày ra. Hắn nói với mọi người:
- Quan binh và toàn bộ cao thủ Phúc Thuận tiêu cục đã bao vây nơi đây rồi. Để tiểu bối bắn tín hiệu.
“Khoan !” – Một tiếng nói chắc nịch vang lên. Người cất tiếng là Thanh Linh cư sĩ. Ông ta bước lên trước cùng với hai vị Bá huynh đệ:
- Chúng tôi đều được trưởng tiêu cục tiếp đón rất chân tình, nếu chúng tôi chỉ ngồi chơi thì thật có lỗi. Hãy để chúng tôi ra tay bắt mấy tên gian ác này cho.
Đối diện với Thanh Linh cư sĩ là một thanh niên cầm song kiếm, có khuôn mặt rất quen. Phùng A đã từng xem tranh của gia đình phú hào Nguyễn Đình Trương rồi, người này đích thực là con cháu của họ. Trong ba sát thủ còn lại, có một cô gái, chính là người quét dọn hóa trang thành bà già mà hắn gặp hôm trước. Rút cục, ba người đó là ai? Để đạt đến địa vị như ngày nay, Lỗ An trưởng tiêu cục đã ra lệnh giết bao nhiêu người?
Thanh Linh cư sĩ lao về phía trước, lười kiếm dài chĩa lên với tốc độ thật kinh ngạc. Hai vị Bá huynh đệ cũng cùng đánh quyền. Hai luồng khí xuất hiện, một luồng âm nhu, một luồng cương dương cuộn vào nhau, lao về phía trước bao vây tứ phía kẻ địch. “Xoẹt, xoẹt, xoẹt, …” Những tiếng rút kiếm lạnh lẽo vang lên. Phùng A không ngoái lại phía sau cũng biết sự kinh ngạc của ba người còn lại. Thanh Linh cư sĩ, nhị vị Bá huynh đệ – những cái tên vang danh giang hồ đang nằm chụm gần nhau, trong một vũng máu với những vệt dài loang lổ. Bốn cái bóng tóc trắng lại tiếp tục lao lên phía trước.
Phùng A rút gậy ra đỡ. Hắn chỉ kịp thấy đường kiếm phía tay phải của Nguyễn Tường Minh. Thanh đoản kiếm phía tay trái đã cắm vào ngực hắn. “Rắc” – một tiếng gãy khô khốc đã vang lên, không phải xương của hắn mà là kiếm của đối thủ. Trước lúc đến đây, để đề phòng những lời hoang đường về Bạch Hạc Môn là có thật, hắn đã mặc sẵn Hỗn Nguyên giáp – bảo vật duy nhất của sư phụ tặng hắn ngày hắn rời phái đi làm quan. Nhân lúc đối thủ đang kinh ngạc, hắn đánh một đường gậy thật nhanh về phía yết hầu kẻ địch – đây là chiêu thức hắn tập biết bao nhiều lần, đảm bảo cứ xuất là trúng. Nhưng tốc độ của đối thủ lại nhanh hơn hắn tưởng, không chỉ né được, Nguyễn Tường Mình còn vung trả một đường kiếm vào cổ hắn. Hắn buộc phải vươn cánh tay có giáp chắn ra che. “Cạch” một tiếng. Lần này tuy kiếm của Nguyễn Tường Minh không gãy nhưng đà gã đã bị mất. Phùng A ngay lập tực phóng gậy vào ngực đối thủ. “Binh” – đường gậy lần này đến trúng đích. Nguyễn Tương Mình lăn ra xa, nằm thở hổn hển.
Không chỉ có tiểng thở của Nguyễn Tường Minh. Phùng A cũng nghe thấy tiếng thở của ba kẻ còn lại. Hắn bắt đầu hiểu được nguyên lý võ học của Bạch Hạc Môn. Để đạt được tốc độ siêu phàm, mỗi lần xuất chiêu, người của Bach Hạc Môn phải dùng rất nhiều lực. Lao từ ngoài cổng vào đây, lại phải liên tiếp xuất kích chống lại các cao thủ nhất lưu, bọn chúng đã thấm mệt rồi.
Giờ Phùng A mới có thể quay lại xem tình hình phía sau. Hành quản gia đã nằm gục dưới sàn. Lỗ An đang cầm chặt thanh đao đứng cạnh, ông ta không sao cả. Phía trước là Thường Xuân giáo Thành Chương chân nhân đứng đối diện với ba người Bạch Hạc môn. Ngay khi ba người đó chĩa kiếm về phía mình, ông ta quay ra nhìn hắn mỉm cười.
Lần đầu tiên trong đời Phùng A được chiêm ngưỡng một chiêu thức đẹp đến thế. Đường kiếm roẹt lên với ánh sáng màu lam, kéo theo đó là vệt máu trải dài. Đầu của ba người Bạch Hạc môn rời khỏi cổ, lăn lông lốc. Phùng A chưa kịp mừng rỡ thì hắn nhận ra, đường kiếm của Thành Chương chân nhân vẫn chưa dừng lại. Đích đến của nó chính là hắn. Hắn vung gậy ra, nhưng muộn mất rồi. Bụng hắn nhói đau, Hỗn Nguyên Giáp phần dưới đã vỡ vụn.
Thành Chương chân nhân cất giọng lanh lảnh:
- Mặc sẵn Hỗn Nguyên Giáp từ trước, nhà ngươi cũng thật thủ đoạn.
Phùng A cố cảm nhận vết thương của mình. Chỉ có phần mềm bị tổn hại, vậy là ông ta không có ý định lấy mạng mình.
Thành Chương chân nhân bước về phía Nguyễn Tường Minh. Y lúc này đang run lẩy bẩy, như một con thú bị thương đang cố gắng giãy gụa trước người thợ săn lão luyện. Lỗ An trưởng tiêu cục gào lên, dường như ông ta bị kích động quá rồi:
- Đa tạ chân nhân!
Thành Chương chân nhân không đáp, ném về phía Nguyễn Tường Minh một lọ thuốc. Nguyễn Tường Minh ngơ ngác. Thành Chương chân nhân nói:
- Nhà ngươi có muốn trả thù không? Nếu có thì uống đi.
Nguyễn Tường Minh không còn cách nào khác, đành nốc cạn lọ thuốc đó. Y lồm cồm bó dậy, tay cầm thanh kiếm nhẹ bỗng như chưa từng bị đau vậy. Lỗ An trưởng tiêu cục giọng lạc đi:
- Thành Chương chân nhân! Sao ông lại …
Ông ta chưa dứt câu thì Thành Chương chân nhân đã phi người đi mất. Trong nháy mắt, đã không ai còn thấy bóng chân nhân đâu. Phùng A ngay lập tức cho tay vào áo lấy pháo hiệu bật lên. Quan binh và các cao thủ của Phúc Thuận tiêu cục ở bên ngoài ồ lên rồi tất cả lao vào. Trong lúc đó, Nguyễn Tường Minh đã lao thẳng kiếm về phía Lỗ An. Lỗ An cũng vung đao ra. Lỗ An vốn nổi danh trên giang hồ với khoái đao của mình. Người ta bảo rằng cùng một lúc, Lỗ An có thể phóng ra ba đường đao. Một đường bảo vệ bản thân, một đường lấy mạng cường địch. Và đường còn lại dùng để tô máu của những kẻ mà thanh đao đã lấy mạng.
Đêm nay, đích đến của ba đường đao đều là sàn nhà. Phía trên, thanh kiếm của Nguyễn Tường Minh đã xuyên qua cổ địch thủ. Từng dòng máu tươi trôi xuống dưới. Nguyễn Tường Minh buông kiếm, cất tiếng cười man dại giữa hàng trăm mũi kiếm đang chĩa vào mình.
NoComment (8 năm trước.)
Level: 2
Số Xu: 53
À, mình để nằm giữa đường cho nó ngầu thôi.Về mặt logic, bạn góp ý rất đúng :D
Phạm Văn Trường (8 năm trước.)
Level: 13
Số Xu: 55420
Nằm giữa đường mà người ta vẫn không tiến đến gần thì nằm làm gì? Trong khi đội trưởng bảo tiêu đã hết sức giới bị vẫn bị kẻ kia thân thủ phi phàm một đao giết chết dễ dàng. Nếu việc nằm giữa đường chẳng có tác dụng gì thì sao ko đặt tảng đá hay cây gỗ giữa đường có phải là hay hơn không?