Tôi thích nhiều thứ, một trong những điều tôi thích nhất đó chính là… bản thân mình. Và đối với bản thân, tôi thích những khái niệm do chính mình tạo ra, tự định nghĩa và tự gán những giá trị của mình cho nó. Có hai khái niệm mà tôi yêu thích nhất là hình tượng về con đường và những mùa giông gió. Hai thứ ấy gọn gẽ lại cho tôi với những khái niệm mơ hồ như thời gian, tình cảm, sự trưởng thành… Giúp cho những điều chẳng mấy khi tôi để ý ấy rõ rệt hơn, khắc họa cũng đỡ mông lung hơn.
Tôi thích những con đường vì tôi đi qua chúng, và con đường cũng là biểu tượng cho thời gian. Có đi, có đến, có dừng chân, có vấp ngã, có phân vân, có lạc lõng và cũng có những lúc chỉ muốn quay trở về. Tôi thích những mùa giông gió bởi nó có những tiếng ầm ào. Với tôi, mùa giông gió không phải là những lúc bão tố mà chỉ là một khái niệm được khắc sâu trong một quãng thời gian nào đó. Dù nó có dịu êm, có chát đắng hay có những cuộn sóng gầm gào đi chăng nữa. Nó đọng lại trong tâm tưởng, rồi tìm đến với tôi trong những lúc trở mình để mà bỗng nhiên không sao ngủ được. Bởi lúc ấy giông gió hôm nào đã cuốn tôi, quăng quật đến một góc nào đấy của ký ức mất rồi. Lặng thinh.
Thế đấy, con đường và giông gió là thứ mà tôi tự làm nên để tặng cho riêng mình. Tôi cũng nghĩ rằng ai cũng như tôi thôi! Cũng có những món quà mà không bao giờ đem tặng, chỉ ấp ủ, chỉ nâng niu, chỉ hồi tưởng và một lúc nào đó lại mang ra ngắm nghía một mình.
Con đường đâu tiên tôi đi là con đường từ thời thơ dại. Có quãng thời gian tôi phải ngủ ở bệnh viện cùng với mẹ trong những đêm trực. Nhà cũng gần và con đường ấy cũng nhẹ nhàng thôi nếu như nó không phải đi ngang qua một cái… nhà xác. Giông gió đến với tôi trong thời gian ấy là những đêm có tiếng suối chảy ào ào, tiếng cuốc, tiếng chim lợn, tiếng gió và những chùm mắt mèo cứ rờn rợn trợn trừng vào trí tưởng tượng của tôi. Con đường ngoằn ngoèo cứ hắt lên một thứ ánh sáng nhờ nhợ trong mắt trẻ thơ và nỗi sợ hãi cứ đầy lên khi nghe thấy chính bước chân của mình đang chơi trò cút bắt.
Con đường ấy, đôi khi cứ chập chờn trong giấc mơ của tôi những ngày sau đó. Và cho đến tận bây giờ vẫn vậy, tôi vẫn sợ hãi khi nhớ đến hình ảnh cái bóng cây cứ quặn lên quặn xuống trong gió đêm, tiếng rít gào ấy, hình ảnh ma mị và con đường đất gồ ghề ấy đã đuổi tôi chạy, vừa chạy vừa khóc cho chính nỗi sợ hãi do mình tạo ra. Má hỏi sao lại khóc, tôi, chẳng nhớ là mình mấy tuổi nữa nhưng đã học được cách nói dối “con bị ngã”. Chẳng ai xô, tôi tự ngã.
Một con đường nữa cũng để lại ấn tượng với tôi trong những ngày còn ở vùng đất đỏ ấy là con đường đi sâu vào trong rừng. Tôi đã thèm khát một chuyến đi xa cho nên một lần tôi tự tìm đường vào rừng. Men theo những lốt xe bò vàng chở gỗ, tôi đi từ trưa cho đến chiều, khát tôi vục đầu xuống những vết xe ấy uống nước đọng rồi lại đi tiếp cho đến khi trời sâm sẩm tối. Tôi nghe thấy tiếng chim về tổ, xao xác, ồn ã và tiếng ầm ầm của một thác nước nào đó. Có lẽ đó là lần đầu tiên, một thằng bé chưa đến 10 tuổi như tôi tự tìm lấy con đường đi cho mình dù nó có vô vọng. Tôi cũng có những suy tưởng đầu tiên khi đi con đường ấy, tiếng tao tác của đàn chim năm xưa đôi lúc lại gọi tôi trở về với quá khứ. Ừ, ta khao khát thì ta cứ đi thôi.
Con đường mà giông gió dịu êm nhất mà tôi đi có lẽ là con đường từ nhà đến trường. Miền bắc có 4 mùa, mùa có bão và mùa không có bão, mùa rất nóng và mùa rất lạnh. Tôi lúc ấy là cậu bé chậm vận động, cho nên đi học một là được chở đi hai là tôi… đi bộ. Mãi đến tận năm lớp 7 lớp 8 tôi mới tập xe đạp và tự đạp xe đi học. Chuyện tập đạp xe trên chiếc xe và sự hướng dẫn của ông nội lại là một câu chuyện giông gió khác, êm đềm cũng chẳng kém. Tôi có mấy cậu bạn, sáng cứ rủ nhau đi học, trưa lại mỗi đứa một nẻo. Có cậu bạn hồi ấy đặc biệt thân, cái rét tím da của mấy mùa đông là nhân chứng cho chúng tôi. Sáng sáng hai đứa cùng đi học, xiên một cái que qua hai cái cặp để khênh bằng một tay, tay còn lại cho vào túi áo cho ấm. Bạn có một đôi găng tay, tôi không có và chúng tôi chia nhau mỗi đứa một chiếc. Bây giờ, chẳng mấy khi tôi dùng găng tay khi mùa đông đến nhưng mỗi khi xỏ vào chiếc găng tay nào ấm áp tôi lại mường tượng đến những gió rét năm xưa, êm đềm đến lạ lẫm. Bạn bỏ học, tôi tiếp tục đi học, bạn có giông gió của mình, con đường của mình và tôi cũng vậy.
Con đường đến trường ấy là quãng thời gian êm đềm và dịu ngọt nhất, mỗi khi nhớ lại là tôi cứ chìm mãi trong ấy. Về một con đường nhỏ, một bên là sông và một bên là cỏ. Tôi có thói quen đọc từ rất sớm, ngoài các loại sách văn học, sách kể chuyện mượn được của các anh chị lớp trên bị tôi đọc trước ra thì truyện tranh, chuyện cổ tích, chuyện hài… là thứ mà tôi gặm nhấm hàng ngày. Con đường đi học buổi sáng thì ngắn còn trưa và tối thì dài bởi vì lúc ấy tôi vừa đi vừa đọc, đi chậm để đọc cho nhiều. Chắc cũng vì thế mà lớp 7 đã phải làm bạn với ông bạn kính và cho đến bây giờ đã thân thiết lắm rồi. Gió mưa không làm cho trơn trượt, nắng gắt cũng không làm con đường ấy cháy bỏng, nó cứ như dòng sông dịu dàng ở bên, đến mùa nước chỉ dâng lên chảy vào ruộng mà thôi. Tôi và tâm hồn tôi được nuôi dưỡng bởi thứ phù sa ngọt ngào mà mê ly ấy. Mỗi lần nhớ lại, giấc mơ của tôi ngập tràn những mùi của rơm khô, mùi của nhựa cỏ, mùi của cánh hoa xuyến chi, mùi của những bước chân râm ran mỗi sáng… để rồi khi thức dậy vào sáng hôm sau tôi cứ mê mang mãi, mùi hương nào thoảng lại từ đêm qua?
…
(writing….) Ngố Tiên