Là con út trong nhà, được ba cưng chiều hết mực và cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ ba của mình, tôi bắt đầu mê sách vì thấy một “cố nông tri điền” như ba vẫn dành thời gian để đọc sách.
– Đọc sách có gì hay hở ba?
– Ồ, còn phải tùy con đọc được điều gì từ sách! Mọi thứ trên đời đều được viết hết vào sách!
– Mọi thứ? Về cuộc đời này hở ba?
– Ừ, mọi thứ! Nhưng con phải đọc ra nó mới được!
Cuộc đời, một khái niệm quá cám dỗ với cậu nít ở tuổi mười một đang muốn khám phá. Tôi nài nỉ và được ba cho phép động tay vào tủ sách thần thánh của ông ( Hai chữ “thần thánh” là tôi thêm vào sau này khi biết được giá trị của nó ).
Ông cho tôi chọn giữa Từ Bỏ Thế Giới Vàng ( Jack London ), Người Đàn Bà Trong Cồn Cát ( Abe Kobo ), Hoàng Tử Bé ( Sant Exupery ). Hai quyển đầu thì cậu nít còn ngán mặt chữ như tôi không thể nuốt nổi, thành ra Hoàng Tử Bé thành lựa chọn an toàn tuyệt đối.
– Đây là truyện cổ tích hở ba?
– Đó là câu chuyện cổ tích đó con! – Ba tôi cười ý nhị – Xem con đọc được những gì từ nó!
Tôi đọc Hoàng Tử Bé từ lúc đó.
Lúc đầu thích thú vì rõ ràng là câu chuyện cổ tích pha chút ngụ ngôn, say mê cái tinh cầu B612 của riêng Hoàng Tử Bé, say mê cả sự kiêu kỳ của cành hồng. Sau đó lớn hơn, thấm nhiều tấn trò đời trong trò chơi người lớn, đâm ra nghiện tác phẩm Hoàng Tử Bé. Mỗi lần đọc là một lần khám phá ra điều mới mẻ, bài học mới mẻ, niềm an lành mới mẻ cho trần ai đang khánh kiệt này.
Câu chuyện viễn tưởng về Hoàng Tử Bé sống đơn độc trên tinh cầu B612 cùng một cành hồng kiêu kỳ. Cậu rời bỏ tinh cầu, lên đường khám phá những miền đất mới, gặp bao nhân vật kỳ lạ, những “người lớn kỳ lạ”. Hoàng Tử Bé đến địa cầu, gặp nhân vật kể chuyện Tôi, bắt đầu hành trình ngắn ngủi nhưng thấm đẫm những điều tinh túy về nhân sinh quan trong cuộc đời.
Xuyên suốt Hoàng Tử Bé là những câu chuyện ngụ ngôn nho nhỏ, với sự nhìn nhận “ngây thơ” của nhân vật chính. Một nhà vua điều khiển các ngôi sao. Một gã khoác lác chỉ ưa những lời xu nịnh. Một người suốt ngày chỉ lo thắp đèn. Một tay bợm nhậu xấu hổ vì nhậu quá nhiều.
Nhưng hơn hết, Hoàng Tử Bé gặp được nhân vật Tôi, một cái Tôi đầy hình tượng và lạc lõng giữa trần đời. Cái tôi đó với bức tranh vẽ con trăn đang nuốt con voi trong bụng, mà nếu không minh họa rõ ràng con voi thì ai cũng nghĩ bức tranh đang vẽ chiếc mũ. Cái tôi tội nghiệp đem bức họa để thử thách tất cả “những người lớn” gặp qua trong đời, cuối cùng nhận ra đầy rẫy “phàm phu tục tử”. Và cái tôi đành phải ngừng việc nói chuyện về nghệ thuật để bàn về rượu, cờ bạc….nhưng thứ phàm phu như họ.
Một đằng ngây thơ dùng đôi mắt trẻ con để nhìn đời; một đằng lạc lõng bao năm giữa nhưng người không hợp ý. Hai con người đó ở bên nhau, bù đắp cho nhau, cảm hóa cho nhau để tìm lẽ ca tụng sống cho cuộc đời này.
Dưới ngòi bút dịch tài hoa của Bùi Giáng lột tả được hết sự tài hoa, thơ mộng, phiêu lãng của Exupery. Hoàng Tử Bé nổi lên giữa đám “người lớn kỳ lạ”. Chất đời thực hiện hữu trong điều tưởng chừng vô thực. Một cuốn sách đơn giản nhưng bao gồm hầu hết mọi thứ về cuộc sống mọi thời đại.
Bùi Giáng dịch Hoàng Tử Bé, dịch cả Trong Cõi Người Ta, đều cùng tác giả Exupery. Tôi cho rằng đây là hai tác phẩm tiêu biểu của Exupery, cho rằng một ngày nào đó bạn đọc sẽ lãng quên Trong Cõi Người Ta nhưng Hoàng Tử Bé thì không.
Tôi thích cuộc đời nhìn qua đôi mắt trẻ thơ, trong đôi mắt ấy mọi điều phức tạp đều đơn giản. Và chỉ có trẻ con mới thấy được những gì cốt tử, người lớn thì không cho dù họ từng là trẻ con.
Và khi ta lớn, ít nhất một lần trong đời đều muốn bé lại, trở về tinh cầu B612 trong tuổi thơ của mình để say đắm cành hồng kiêu kỳ, hòng nhàn nhã một chút với cuộc đời quá nhiều “người lớn kỳ lạ” này.