- Những tờ giấy gói xôi
- Tác giả: Hạ Vy
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.670 · Số từ: 1835
- Bình luận: 5 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 4 Trà Sữa Trân Châu Linh Yunki Amira Yuu Tử Nguyệt Rika
– Có khi là tôi sắp xuất bản sách được rồi đấy.
Câu đó nó được nghe khá thường xuyên. Mỗi lần đến chơi là bác lại khoe với bố nó như thế. Và tất nhiên, bác lại đưa cho bố thêm một tập A4 mới, là những câu chuyện mới sáng tác của bác. Bố nó lật giở xấp giấy một cách chăm chú, rồi bảo:
– Chà, tập trước bác đưa em còn chưa coi hết cơ. Nhưng mà xem qua cái này là thấy hay rồi này.
Rồi bố pha trà, châm thuốc cho bác. Câu chuyện của hai người lại xoay quanh những tác phẩm kia.
Bác vẫn thường nói về ước mơ có tập truyện mang tên mình được xuất bản. Chứ chã lẽ cứ hì hục viết rồi để xó đấy, chỉ để thỏa mãn cái nghiệp cầm bút của bản thân thì có khác gì vẩy mực lên những tờ giấy gói xôi.
Cũng có lần nó vô tình cầm qua tập truyện của bác, đọc một lèo mấy truyện. Thực chất chẳng hiểu là có hay như bố vẫn nói không, chứ nó thấy giống những bài văn được học trong sách giáo khoa của mấy tác giả trong đó, khiến nó thấy sợ sợ vì nghĩ đến môn văn nhàm chán ở trường.
Hay đúng ra, một thằng nhóc như nó cũng đâu hiểu được những bối cảnh hay ý nghĩa sâu xa thuộc về người lớn trong các câu truyện của bác. Nó chỉ buồn cười khi nghe cách bác ví những tập truyện của mình, làm nó nhớ đến câu chuyện cười về một tú tài bị vợ lấy những áng văn chương của mình ra làm giấy gói xôi.
Bác không phải nhà văn mà là giáo viên dạy văn cấp hai. Cũng như bác, bố nó cũng là giáo viên dạy toán cấp ba. Thế là có quá nhiều yếu tố để bố nó trở thành độc giả trung thành của bác. Nó từng thắc mắc sao bố nó dạy toán mà lại có tâm hồn văn chương như thế. Ít nhất là việc thường xuyên hào hứng với những tác phẩm của bác. Cũng có lần nó bắt được mấy bài thơ bố nó viết để trên bàn làm việc. Nó đọc thử và thấy rằng thà đọc truyện của bác vẫn hơn, bố mình thì cứ nên tập chung vào việc dạy học là chuẩn.
Bố nó hay gọi bác là nhà văn. Bác lại phủ nhận cái danh đó, bảo rằng nhà văn là phải được mọi người biết đến, phải có cuốn sách được xuất bản, hay xa hơn là được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy thì mới gọi nhà nhà văn. Chứ vị trí của bác hiện giờ chỉ gọi là đam mê, là nung nấu thôi.
Cái nung nấu của bác có lẽ cũng lâu thật. Đến tận những năm tháng đại học của nó, khi mái tóc của bố nó và bác đã bắt đầu có những sợi bạc, thì những tập truyện của bác trên bàn làm việc của bố ngày một dày thêm và đã có hẳn một cái thùng lớn để đựng riêng mới chứa nổi, thì vẫn chưa có cuốn sách nào của bác được ra đời.
– Có khi sau này tôi không còn trên cõi đời, thì khi đó nhờ chú hay thằng cháu đây đem cái mớ giấy gói xôi kia mang cho người nào đó quen thân với các nhà xuất bản. Giống như mấy ông văn nghệ sĩ ấy, chết rồi mới được người ta biết đến.
Bố nó cười khà khà với câu đùa tếu đó, bảo:
– Bác cứ nói thế. Chứ hôm bữa trên báo văn nghệ có truyện của bác được đăng rồi kia. Thế là bắt đầu được biết đến rồi.
Bác nhấp ngụm trà. tặc lưỡi:
– Ăn thua gì. Là họ thấy tôi gửi nhiều, chắc thương tình nên mới chiếu cố cho đăng bài. Một bài là lại chìm nghỉm. Có mấy đứa trẻ nó còn được đăng liên tục, nghĩ mà không bằng bọn nó.
Đấy là câu chuyện nghe có vẻ đỉnh cao nhất đến giờ trong sự nghiệp viết lách của bác. Đỉnh cao đo bằng dăm trăm nhuận bút và được người ta bắt đầu biết đến. Mà đến tận bây giờ rồi, khi mấy năm nữa là bác sẽ về hưu với nghề dạy học, hình như cũng chẳng gọi là niềm vui gì.
Mà ai cũng bảo trông bác già hơn tuổi. Như nó thấy cũng phải như mấy ông sáu chín, bảy mươi gì đó. Nên có khi ai không biết lại chào là ông chứ chẳng phải là bác.
***
Nó từng thắc mắc với bố là tại sao bác và vợ bác lại có thể đến được với nhau, bởi hiển hiện sờ sờ là nó có cảm giác hình như họ không hợp nhau cho lắm.
Qua những câu chuyện chắp ghép được nghe lại. Nó được nghe về mối tình của anh nhà giáo với cô gái nghèo làng bên cách gần một giáp. Cô gái ấy phải nghỉ học phụ gia đình từ rất sớm nên rất tần tảo chịu thương chịu khó. Cô và mẹ có sạp hàng ngoài chợ, và thường gặp anh nhà giáo kia thường hay ghé qua mua đồ. Rồi dần dần, cả hai phải lòng nhau chẳng biết qua bao áng thơ si tình hay bởi cái tài viết văn của anh nhà giáo, cả hai đồng ý về cùng một nhà.
Hồi đó còn thiếu thốn, phông bạt đơn giản chẳng hình thức, nhưng nghe đâu cũng là đám cưới thanh mai trúc mã nhất vùng.
Thì đấy là chuyện cũ người lớn kể lại. Chứ giờ nó thấy cũng sao sao đó với gia đình bác. Qua những tâm sự của bố nó và bác, hay qua những lần bố nó chia sẻ, và cả những gì nó tự cảm nhận, thì hình như bác gái chẳng thích thú gì cái nghiệp viết lách văn vẻ kia của bác. Cái cách gọi “những tờ giấy gói xôi”, chẳng biết có phải từ bác gái mà ra không, nhưng đại ý của bác gái là thế. Lương giáo viên dù thâm niên như bác vẫn cứ là ba cọc ba đồng, môn của bác ở vùng nông thôn thế này học sinh cũng đâu có hào hứng hay có điều kiện để học thêm. Ngay như bố nó cũng ngày ngày từ trường lại phóng xe ra tận trung tâm ngoài tỉnh để dạy thêm, thì ít ra cũng có thêm đồng ra đồng vào. Bác lại không như thế. Bác bảo cái thời gian trồng người trên trường của bác đã quá dày đặc rồi, lại bao thứ nhà giáo phải mang về nhà để làm. Bác chẳng có thời gian dạy thêm và cũng không muốn.
Bác gái vốn là dân buôn bán, đến bây giờ cũng có hẳn cái cơ ngơi là quầy buôn to ngoài chợ, thành ra cái vai trụ cột gia đình lại dành cho bác. Ai kiếm tiền nhiều hơn, đổ mồ hồ sôi nước mắt hơn thì là trụ cột. Mà tính dân buôn thì thô lỗ toang toác, đâu có phong thái điềm đàm và nhã nhặn như bác. Chuyện lương nhà giáo ba cọc ba đồng, hay chuyện không đi dạy thêm như ông em đã không nói, nhưng bác gái lại thường xuyên xỉa xói cái việc viết lách văn chương tầm xàm của bác. Đúng cái kiểu hay bảo là không mài ra mà ăn được. Rồi cũng có lần hai vợ chồng cãi nhau chuyện chi tiêu gì đó, không nhỏ nhẹ đóng của bảo nhau mà ầm ĩ cả lên cho hàng xóm xung quanh được nghe. Bác gái quăng hết cái mớ bản thảo truyện của bác ra sân. Người ta chẳng thấy ông chồng làm căng lại, mà chỉ lầm lũi ra nhặt đống giấy rồi đem đi đâu đó.
Tính bác vốn thế, bảo là không chấp vặt vãnh, nhịn đi cho êm chuyên cũng được; mà bảo nhu nhược cam chịu thì bác cũng nhận.
Rồi từ hôm ấy, có truyện mới nào là bác lại mang sang cho bố nó đọc. Vừa là chia sẻ, vừa là gửi cất giữ.
Thực ra từ ngoài nhìn vào, gia đình bác cũng là êm ấm, bình thường như bao nhà. Còn cái chuyện kia, cũng như người ta thường nói: Nhà nào chả có hũ mắm. Đã gần hết cuộc đời, người đàn ông ấy cũng chưa bao giờ lăn tăn hay có ý than trách bất cứ điều gì.
Đến giờ bác nó cũng đã về hưu rồi, cái mốc thảnh thơi an nhàn hơn chút trong đời người. Hằng ngày bác ra chợ phụ bán cùng vợ, chiều chiều lại gặp mấy ông bạn già dưỡng sinh, thi thoảng lại qua nhà nó cùng những tập A4 đưa cho bố nó xem. Bố nó còn công tác hơn chục năm nữa mới về hưu. Dạo gần đây nó lại bắt được dăm bài thơ của bố trên bàn làm việc, đọc đã xuôi hơn rồi.
Mà bản thân nó cũng đang theo truyền thống gia đình, cũng lựa chọn làm giáo viên. Nó cũng dạy văn ở trường tỉnh như bác nó. Nhưng nó chỉ theo nghiệp dạy chứ không thêm nghiệp viết lách kia. Thì cũng bởi theo nghiệp đó thật ra không dễ, mà cái đầu tiên là đam mê thì nó lại không có được.
Cho đến lúc này, nó đã dần thấm được hơn những nội dung truyền tải trong những câu chuyện của bác. Thì không thể viết cũng có thể là người đọc mà. Nó đã thấy được những cái hay trong những câu chuyện ấy như cái cách bố nó vẫn thấy.
Nó xin bố cái thùng đựng tập truyện của bác. Những bản thảo đó vẫn luôn phẳng phiu, ngay ngắn dù cũng đã bạc màu theo thời gian. Nó đã dành thời gian để đọc lại nhiều lần, và phân loại hẳn hoi thành các chủ đề.
Có lẽ bác nó cũng chẳng còn nhớ đâu. Hoặc cũng chẳng nghĩ là nó còn nhớ.
Điện thoại đổ chuông từ cuộc gọi của một người quen. Đầu dây bên kia là một giọng đầy hào hứng:
– Này! Hôm trước cậu bảo bác cậu có cả một thùng giấy gói xôi hả? Tôi đọc qua một tờ rồi, cả giám đốc của tôi cũng đọc. Ông ấy thấy khá hứng thú đấy. Hôm nào qua đây bàn thêm đi.
Ấy là một ngày cuối tuần không mưa không nắng. Cũng chẳng nghe được có tiếng chim hót hay không, mà hình như từ trong lòng nó như đang vang lên một bản nhạc đầy hứng khởi.
***
Hết
Khanh Vân (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 4891
Viết chỉ để thỏa lòng đam mê, chỉ cần có một vài độc giả đón nhận và biết đến đã là hạnh phúc rồi.
Amira Yuu (4 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 1774
Cảm ơn tác giả đã viết!
Amira Yuu (4 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 1774
Hay quá :)) vẽ ra một bức tranh nhuốm bụi xưa cũ
Linh Yunki (4 năm trước.)
Level: 10
Số Xu: 5657
Lại gặp nhau trên này rồi. ="))
Trà Sữa Trân Châu (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 1469
Truyện bạn viết hay quá.