- Phân tích bài thơ “Xuất dương lưu biệt” của Phan Bội Châu
- Tác giả: Lê Thiệu Hanh
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.983 · Số từ: 1489
- Bình luận: 0 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 0
Trong trường ca “Theo chân Bác”, Tố Hữu đã từng viết:
“Phan Bội Châu câu thơ dậy sóng
Bạn cùng ai đất khách dãi dầu”.
Đó là những lời thơ ca ngợi con người và thơ văn của một nhà cách mạng kiệt xuất nhất hai mươi lăm năm đầu thế kỷ XX. Không chỉ hoạt động sôi nổi trong sự nghiệp cách mạng, Phan Bội Châu còn được biết đến với một cây bút đầy ý tưởng mới mẻ. Với phong cách trữ tình – chính trị, ông đã để lại cho nền văn học Việt Nam rất nhiều tác phẩm có giá trị. “Xuất dương lưu biệt” là một trong số đó:
“Làm trai phải lạ ở trên đời,
Há để càn khôn tự chuyển dời.
Trong khoảng trăm năm cần có tớ,
Sau này muôn thuở há không ai?
Non sông đã chết, sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài.
Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”.
Giữa thế kỷ XIX, phong trào Cần Vương thất bại, Pháp độc chiếm hoàn toàn Đông Dương, đất nước vô cùng đen tối. Đầu thế kỷ XX, một chân trời mới bắt đầu ló dạng. Đó là khi Phan Bội Châu bí mật lên đường sang Nhật Bản tổ chức và chỉ đạo phong trào Đông du (1905 – 1907). Đó là lúc ông viết “Xuất dương lưu biệt”.
Văn chương với Phan Bội Châu là vũ khí tuyên truyền yêu nước và cách mạng. Và nhờ một tư duy không ngừng đổi mới mà có lẽ trong thi ca của ông cũng thấy thoáng cái ý vị mới mẻ đó:
“Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời”.
Cũng giống như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Công Trứ hay Cao Bá quát thì Phan Bội Châu cũng viết về chí làm trai – một đề tài không mới trong văn thơ trung đại. Nhưng cái mới của Phan Bội Châu lại được thể hiện rất rõ. Ông cho rằng “làm trai phải lạ ở trên đời”. Quan niệm của nhà thơ có phần giống với quan niệm của ông cha, nhưng cũng có phần mới mẻ. “Lạ” đối với Phan Bội Châu có nghĩa là phi thường, hiển hách, dám mưu đồ việc lớn, xoay chuyển lịch sử, đối mặt với “càn khôn”. Hai câu thơ đề đồng thời nêu ra một khát vọng hoài bão của tác giả: làm trai phải làm những việc phi thường, hiển hách, xoay chuyển đất trời, không để mặc số phận, không chịu để con tạo xoay vần. Như Thúy Kiều ngày trước:
“Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Để xem con tạo xoay vần đến đâu”.
Nguyễn Du ngày ấy để Thúy Kiều trốn khỏi lầu xanh cùng Sở Khanh, để mặc con tạo xoay vần. Nhưng với Phan Bội Châu, ông không cho phép điều đó. Nhà thơ thể hiện rõ khát vọng của mình đối với đấng nam nhi, và đồng thời từ đó tỏ rõ tư thế hiên ngang, ngang tàng, khỏe khoắn. Nguyễn Công Trứ cũng thể hiện cái ngang tàng đó:
“Làm trai đứng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi
Sinh thời thế phải xoay nên thời thế”.
Nguyễn Công Trứ và Phan Bội Châu đều có những khát vọng về chí làm trai rõ ràng, lẽ nghiễm nhiên, với một con người khí phách như vậy, thì việc lưu danh thiên cổ của Phan Bội Châu càng không có gì đáng ngạc nhiên:
“Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai?”
Nếu như ở hai câu đề, tác giả mở ra một khoảng không gian, để con người sánh ngang với vũ trụ. Thì ở hai câu thực, nhà thơ mở ra một khoảng thời gian “trăm năm”. Có thể hiểu “trăm năm” là khoảng thời gian của một đời con người, nhưng cũng có thể xem đó là thế kỷ mà tác giả có mặt để chứng kiến những biến chuyển của thời cuộc. Không cần ngông cuồng, nhưng người đọc có thể đường hoàng nhận thấy cái tôi cá nhân của Phan Bội Châu đã được bộc lộ. Đất nước khi ấy “cần có tớ”, cần có những người sẵn sàng lên đường để cứu nước. Phan Bội Châu ý thức rõ vai trò lịch sử và trách nhiệm của mình đối với đất nước. Minh chứng cho điều đó, giữa thủ đô Pa – ri nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc từng cất cao lời ca ngợi vị cách mạng tiền bối: “Phan Bội Châu là vị anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu người trong vòng nô lệ tôn sùng”. Nhưng với Phan Bội Châu, ông cho rằng chỉ riêng ông thôi chưa đủ, “sau này muôn thuở há không ai?”. Đặt trong tình cảnh đất nước bị thất bại liên tiếp, một tâm lý chán nản đang đè nặng lên tâm thức của những người Việt Nam yêu nước. Trong tập thơ “Gửi hương cho gió”, Xuân Diệu viết:
“Tôi là con nai bị chiều đánh lưới
Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối”
Hay tác giả của “Tràng giang”, Huy Cận cũng có câu:
“Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Vậy cũng đủ thấy, tầng lớp trí thức của Việt Nam lúc bấy giờ đang trong tâm lý buông xuôi, vô định. Vậy nên, câu thơ của Phan Bội Châu ý muốn nhắc đến tầng lớp trí thức đương thời đứng lên bảo vệ đất nước.
Ý thức được hoàn cảnh đất nước, nhà thơ cho rằng:
“Non sông đã chết, sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!”
Đất nước bị mất chủ quyền, tức là “non sông đã chết”, mà sống trong hoàn cảnh đó là “sống nhục”. Lẽ nhục – vinh được nhắc đến trong câu thơ gợi ta nhớ đến quan niệm sống chết trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu: “Sống làm chi ở lính mã tà, uống rượu lạt, gặm bánh mì, sống càng thêm hổ… thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh”. Nhưng ở Phan Bội Châu, quan niệm của ông có phần khác xa của những nhà thơ, nhà văn trước đó. Trong khi Nguyễn Đình Chiểu cho rằng: “Sống, thác đều đánh giặc. Nhưng sống thờ vua, thác cũng thờ vua”. Thì với Phan Bội Châu, ông không còn vương vấn nghĩa vua tôi: “Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!”. Với nhà thơ, sách vở nho giáo thánh hiền là những tư tưởng thuộc về phong kiến Việt Nam và không còn phù hợp với buổi nước mất nhà tan. Mà việc đáng quan tâm ở đây chính là hành động dứt khoát, cụ thể của những đấng nam nhi ra tay cứu nước. Hai câu thơ như muốn hướng đến thế hệ thanh niên quyết tâm hành động. Hơn hai mươi năm sau trong “Bài xa chúc Tết thanh niên”, Phan Bội Châu cũng nhắc lại:
“Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn
Đúc gan sắt để dời non lấp bể
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”
Có thể thấy quan niệm mới mẻ, táo bạo của Phan Bội Châu đã có sức rung vang mạnh mẽ đến thanh niên, đấng nam nhi để lưu danh thiên cổ.
Tác giả thể hiện khát vọng lên đường trong hai câu kết:
“Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”.
Nếu so sánh với phần nguyên tác:
“Nguyện trục trường phong Đông hải khứ
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”
Thì rõ ràng hai câu thơ ở phần nguyên tác thể hiện rõ khí phách, khát vọng mạnh mẽ. Trong khi đó bản dịch của Tôn Quang Phiệt chỉ dừng lại một cách êm ả.
Các hình ảnh mang tầm vóc vũ trụ được phơi diễn trước mắt người đọc như “trường phong” được cắt nghĩa là ngọn gió dài, “Đông hải khứ” là biển Đông, và “thiên trùng mạch lãng” tức là ngàn ngọn sóng bạc. Tất cả hòa quyện với nhau, cùng với con người, bày tỏ khát vọng lên đường cứu nước. Và với nhà thơ, trách nhiệm của một đấng nam nhi không chỉ là việc lưu danh thiên cổ mà còn là ý thức trách nhiệm mưu đồ việc lớn, xoay chuyển lịch sử, ra tay cứu nước. Đó cũng là hình ảnh của con người kiệt xuất – Phan Bội Châu.
Bài thơ “Xuất dương lưu biệt” thành công không chỉ nhờ tư tưởng mới mẻ của nhà thơ, mà một phần cũng là sự mới mẻ trong nghệ thuật. Bằng việc sử dụng ngôn ngữ khoáng đạt, sử dụng nhiều hình ảnh mang tầm vóc vũ trụ thiên nhiên và đặc biệt là sáng tạo thể thơ nói chí tỏ lòng, đã giúp Phan Bội Châu thể hiện được khát vọng của mình với đấng nam nhi.