Nguyễn Trãi, một vị anh hùng của dân tộc Việt Nam, một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc và tài ba. Suốt cuộc đời oai hùng cho đến khi lui về ở ẩn, ông không chỉ để lại những chiến tích vang danh thiên cổ mà còn để lại những câu từ sâu sắc, để lại cho thế hệ sau một sự nghiệp văn học vĩ đại, đồ sộ bao gồm cả thành tựu về văn học chữ Hán và chữ Nôm. Chính vì trải qua một cuộc đời đầy bão táp, thăng trầm, nên thơ ông thể hiện rõ một vốn sống đã ở độ chín, một suy nghĩ sâu sắc về cuộc đời đầy phức tạp và một tình cảm nhân hậu đối với tự nhiên, quê hương và con người. Bên cạnh đó không ít tác phẩm của ông mang theo một lí tưởng nhân nghĩa rõ ràng, sâu sắc, sự yêu thương mãnh liệt đối với quê hương đất nước và mỗi đồng bào đất Việt mà trong đó có lẽ không thể không nhắc đến “Bình Ngô Đại Cáo” – Bản tuyên ngôn đanh thép, áng “thiên cổ hùng văn” muôn đời bất hủ, hùng hồn về nền độc lập và vị thế của dân tộc ta được viết vào cuối năm 1427, mùa xuân năm 1428 khi nghĩa quân Lam Sơn đánh tan 15 vạn quân giặc, giành về chiến thắng huy hoàng, mở ra một trang mới cho lịch sử dân tộc. Cái tư tưởng, nhân nghĩa của bài thơ ấy ta có thể thấy rõ qua đoạn đầu cốt lõi nhất của bài cáo
Ngay khi bước vào những câu đầu, tác giả đã trực tiếp nêu lên luận đề chính của cả bài thơ, trực tiếp bộc lộ cái nhân nghĩa, cái tư tưởng chủ đạo bao bọc tạo nên một khí thế hùng dũng, trung can:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
Chính từ câu đầu tiên, cái gọi là nhân nghĩa đối với Nguyễn Trãi được nêu lên một cách rõ ràng. Đối với ông, “nhân nghĩa” xuất phát từ “yên dân”, là giúp cho dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây như chính khẳng định cho đạo lý “lấy dân làm gốc” trong phép trị nước. Cho thấy một tư tưởng thấm nhuần của Nguyễn Trãi khi nhận thức được giá trị và sức mạnh của nhân dân, biết được dân chính là tài sản, là sức mạnh và là cả sinh khí của một quốc gia. Để rồi muốn cho dân được sống ấm no trước tiên lại phải cho dân cái bình yên, lại để lấy được cái bình yên thì với Nguyễn Trãi trước phải “trừ bạo”. “Yên dân” và “trừ bạo” là hai yếu tố đi đôi và bổ trợ cho nhau tạo nên một đạo lí bất diệt. Nguyễn Trãi mượn điển cố “điếu dân phạt tội” trong kinh thư để nói lên đạo lý muốn quan tâm tới sự yên ổn và ấm no của nhân dân cũng chính là đồng nghĩa với việc phải luôn sẵn sàng đứng lên chiến đấu, chống lại các kẻ thù xâm lược, những kẻ tham tàn, bạo ngược, mang tâm cơ giày xéo lên cuộc sống hạnh phúc của nhân dân ta.
Chỉ từ hai câu cô đọng, ngắn gọn, có thể nói Nguyễn Trãi đã thành công trong việc truyền tải đến người đọc tư tưởng, đạo lý nhân nghĩa của bản thân mình một cách thâm sâu lại thực tế, khẳng định cái cốt lõi và giá trị một cách bao hàm, đầy đủ, cho thấy một sự mới mẻ trong lối suy nghĩ của Nguyễn Trãi khi nói “nhân nghĩa”. Để rồi lại có thể cho người đọc thấy được cái tư tưởng ấy không còn là một phạm trù đạo đức hạn hẹp mà là một lý tưởng xã hội cao cả lúc bấy giờ. Và chính Nguyễn Trãi lại nâng cái tư tưởng ấy trở thành một lý tưởng thiêng liêng, một chân lý sáng rọi trong phép trị nước bình thiên hạ khi lần đầu tiên trong lịch sử văn học, người dân đã được xuất hiện một cách trang trọng trong một văn kiện mang tính quốc gia thời phong kiến. Đó như một sự tiến bộ trong tư tưởng, sự tiến bộ vượt cả thời đại, tạo cơ sở vững chắc, khẳng định cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn – Cuộc khởi nghĩa đầy nhân nghĩa, vì dân, vì nước.
Như để càng khẳng định hơn cho lý do và mục đích chính đáng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã từ nêu lên tương tưởng nhân nghĩa mà đi đến tư tưởng chính nghĩa, nói lên, khẳng định nền độc lập và chủ quyền của dân tộc như một cán cân xác đáng, vô cùng thuyết phục:
“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy Mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có”.
Có thể thấy, nền văn hiến của dân tộc ta đã được dựng xây và tồn tại từ lâu đời, xuyên suốt theo hàng nghìn năm lịch sử. Nguyễn Trãi đã sử dụng hàng loạt các từ ngữ mang yếu tô hiển nhiên, vốn có mà như càng khẳng định cho sự tồn tại đó. Hàng loạt các từ “từ trước”, “vốn”, “đã lâu”, “đã chia”, “cũng khác”, “bao đời” như càng làm tăng thêm, càng tô đậm và thuyết phục, triệt để, mạnh mẽ mà hùng dũng chứng minh cho nền độc lập vững chãi của ta. Không chỉ là nền văn hiến, không chỉ là những phong tục, tập quán riêng biệt của các miền Nam Bắc mà núi sông ta, mà giang sơn đất nước, mà cả từng tấc đất, từng cương vực núi sông của ta đã sớm định đoạt, phân chia một cách rõ ràng. Cho thấy rằng dân tộc ta cũng như bao dân tộc khác, nếu nói mỗi quốc gia đều có bề dày lịch sử với các triều đại thay nhau trị vì thì ta đây cũng có. Nếu nói Trung Quốc kia bao đời “Hán, Đường, Tống, Nguyên” từng triều mà nối tiếp nhau phát triển thì ta đây chẳng kém cạnh mà cùng các triều “Triệu, Đinh, Lí, Trần” nối liền viết lên dòng lịch sử oai hùng. Ta không chỉ tồn tại độc lập mà còn ngang hàng sóng vai, phát triển hùng mạnh để mà “xưng đế một phương”, làm chủ một cõi. Một lối nói tự tin khi tự mình khẳng định vua ta là “đế” chứ không phải là vương hầu của một nước nhỏ, đó như lời bát bỏ cho lối suy nghĩ bành trướng của Trung Quốc khi tâm niệm một đất không thể có hai vua, một rừng không thể có hai hổ. Giờ phút này, chính từng chữ như đanh thép chứng tỏ rằng chính nước ta là một bờ cõi riêng biệt, bởi thế vua ta có quyền xưng đế, là thiên tử duy nhất, tồn tại cao nhất, ngang hàng với bao nước khác. Từ một câu nói mạnh mẽ như không chỉ khẳng định chủ quyền mà còn thể hiện lòng tự tôn dân tộc, niềm tự hào sâu sắc của tác giả đối với dân tộc, đối với quê hương thiêng liêng bao đời.
Với sự khẳng định chân lý một cách quả quyết và kiên định, Nguyễn Trãi đã đưa ra một quan niệm đầy đủ nhất lúc bấy giờ về các yếu tố tạo thành một quốc gia độc lập. Nếu nói 400 năm trước, Lý Thường Kiệt đã thông qua “Nam Quốc Sơn Hà” để xác định chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền trên ý thức của quốc gia cùng độc lập dân tộc thì tại “Bình Ngô Đại Cáo”, Nguyễn Trãi đã bổ sung thêm cả nền văn hiến, truyền thống lịch sử, phong tục tập quán và cả những nhân tài hào kiệt một cách đầy đủ. Thể hiện một sự sáng tạo, một bước nhảy vượt bậc trong lối suy nghĩ, tư tưởng, trí tuệ và cách nhìn của Nguyễn Trãi. Đồng thời không quên nhấn mạnh, răn đe đối với những ai, những kẻ, những nước lăm le, mang mộng bá trướng muốn thôn tính Đại Việt:
“Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có”.
Hai câu như càng chốt lại một nền truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, khẳng định sức mạnh tồn tại qua hàng nghìn năm văn hiến. Mỗi một đời, mỗi một năm ta luôn có những anh hùng yêu nước, những kẻ sĩ thương dân, những nhân tài bất khuất, những người anh hùng đã lập nên những chiến công vĩ đại, đã đánh tan tác bao kẻ lăm le, đã dẹp yên cả một vùng bờ cõi để bảo vệ nền độc lập trường tồn và thiêng liêng của dân tộc. Vì thế, ngay từng trang lịch sử hào hùng, dân tộc ta đã ghi chép lại từng trận đánh, từng chiến tích như những chứng cớ rõ ràng, minh bạch, những vết son chói lọi cũng như chính là những vết nhơ ô nhục muôn đời của những kẻ xấu xa cuồng vọng:
“Vậy nên
Lưu Cung tham công tham công nên thất bại
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét
Chứng cứ còn ghi”.
Nguyễn Trải đồng thời kết hợp những chiến công oanh liệt của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, giữ gìn nền độc lập, cương vực lãnh thổ. Mỗi một trận đều được liệt kê rõ ràng và xác thực, từng lời lẽ chắc chắn, cụ thể, có chứng cớ rành rành không thể chối cãi như vững vàng đánh một đòn vào nhận thức của người đọc, từ đó thể hiện sức mạnh dân tộc, ý chí hào hùng, thể hiện niềm tự hào, tự tôn cao đẹp của tác giả nói riêng và của mỗi đồng bào nói chung.
Nguyễn Trãi chỉ thông qua từng câu chữ không lời mà nâng ý thức dân tộc vươn tới một tầm cao mới. Đoạn cáo đã một lần nữa khẳng định chủ quyền, tự chủ và nền độc lập của dân tộc. Khẳng định với bên ngoài rằng ta đây cũng có nhân tài, có những tướng tài binh giỏi, có những quân sư thao lược, có những con người mang ý chí bất diệt thiêng liêng chẳng hề thua kém một ai, một quốc gia nào tồn tại. Đưa ra lời cảnh cáo, đe dọa và nhấn mạnh lên sự thất bại, nhục nhã và thảm hại cho những ai, những kẻ, những nước tham quyền, ngông cuồng muốn thôn tính, xâm lược nước ta. Đó như một lời lẽ cho tư tưởng “chính thắng tà”, là quy luật hiển nhiên của tạo hóa, là quy luật dựng lên bởi chính ý chí, chính niềm tin, niềm tự hào vào tinh thần sẵn sàng đấu tranh bảo vệ dân tộc, bảo vệ quê hương của nhân dân Đại Việt bấy giờ và cũng chính là nhân dân Việt Nam ta bây giờ. Từ đó như đưa việc đánh, chống giặc ngoại xâm trở thành truyền thống lịch sử quý giá, hào hùng của dân tộc.
“Đại Cáo Bình Ngô” mang trên mình một luồng khí oanh liệt, nguồn cảm hứng đầy trữ tình mà lại chẳng kém đi tính chất hào hùng hiếm có. Từng một câu như một dấu nhấn sâu sắc vào tâm hồn mỗi người đọc nhất là kiều bào dân tộc Việt. Xuyên suốt cả bài cáo, chỉ riêng phần đầu tiên của tác phẩm, với lối văn chính luận được khai thác triệt để, kết hợp với nghệ thuật biền ngẫu và cách dùng từ mạnh mẽ, chọn lọc tinh tế, Nguyễn Trãi đã thành công nêu được hai nội dung chính của cả bài cáo, nêu lên rõ ràng và dứt khoát cái nhân nghĩa và nền độc lập của dân tộc Đại Việt. Chính lẽ đó, đoạn trích được đánh giá có một giá trị sâu sắc đối với nước ta, khẳng định tuyệt đối nhân dân ta có tinh thần nhân nghĩa và nền độc lập riêng không cách nào xóa bỏ.
Thông qua đoạn trích, chủ quyền lãnh thổ, độc lập dân tộc cũng như từng trang lịch sử đấu tranh hào hùng của cha ông ta ngày trước những càng rành mạch, rõ ràng và sáng chói hơn. Qua đó bồi dưỡng lòng yêu nước, dấy lên niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nỗi niềm quyết tâm xây dựng, bảo vệ và củng cố nền độc lập, chủ quyền nước nhà trong lòng con dân.
TranAnh Truong (4 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 4457
Ủng hộ tác giả!
Giai Mộc (4 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 4866
Thời gian chính xác là 18/9/1427 đến cuối tháng 10/1247 nha. Đây là trận đánh Chi Lăng - Xương Giang, chiến thắng này làm cho Vương Thông đầu hàng khi chưa được sự cho phép của nhà Minh. Chính là sau trận thắng này thì Lê Lợi mới kêu Nguyễn Trãi viết bài cáo này.