- “Kiều ở lầu Ngưng Bích” – Nguyễn Du.
- Tác giả: haiinn
- Thể loại:
- Nguồn: Tự sáng tác
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 9.564 · Số từ: 2956
- Bình luận: 7 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 10 Tiến Lực Lâm Ánh Yên Tống Mẫn Hạo Zuka Hara Mía Huyền Tiên Dương Shy Quả Mít Leen Lynh
Thời gian trôi đi, bốn mùa luân chuyển, tạo hóa cho con người được sinh ra và cũng lại để họ ra đi ở cõi vĩnh hằng. Nhưng những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật đích thực thì vẫn còn mãi với thời gian. Và đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” của tác giả Nguyễn Du là một trong số những tác phẩm nghệ thuật như thế.
Nguyễn Du viết:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.
Đó là những lời xót xa của Nguyễn Du khi viết về cuộc sống của những người phụ nữ trong xã hội mà ông đang sống. Dường như ông thấu hiểu sự đau khổ và bất lực của những người phụ nữ trong xã thời phong kiến, cái xã hội thối nát, đầy rẫy những sự bất công và trọng nam khinh nữ. Tất cả những người phụ nữ ở thời đại đó đều thùy mị, đảm đang nhưng chỉ vì những thế lực phong kiến, những cách nghĩ ngu muội mà cuộc đời họ đã chịu nhiều khổ cực. Mỗi người họ đều có một cuộc đời riêng, một nỗi đau khổ riêng, nhưng họ đều có đặc điểm chung là “bạc mệnh”. Ta có thể thấy điều đó qua nhân vật Thúy Kiều trong “Kiều ở lầu Ngưng Bích” của Nguyễn Du.
Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” nằm ở phần thứ hai “Gia biến và lưu lạc”. Sau khi bị Mã Giám Sinh lừa gạt, làm nhục, bị Tú bà mắng nhiếc, Kiều nhất quyết không chịu tiếp khách làng chơi, không chịu chấp nhận cuộc sống lầu xanh. Đau đớn, phẫn uất, tủi nhục nàng định tự vẫn. Tú bà sợ mất vốn bèn lựa lời khuyên giải, dụ dỗ Kiều. Mụ vờ chăm sóc thuốc thang, hứa hẹn khi nàng bình phục sẽ gả nàng cho người tử tế. Tú bà đưa Kiều ra sống riêng ở lầu Ngưng Bích, thực chất là giam lỏng nàng để thực hiện âm mưu mới đê tiện hơn, tàn bạo hơn:
“Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”
Kiều ở lầu Ngưng Bích thực chất là bị giam lỏng (khoá xuân). Cảnh “non xa”, “trăng gần” gợi hình ảnh lầu Ngưng Bích đơn độc, chơi vơi giữa mênh mông trời nước. Vầng trăng ở đây có thể coi là chi tiết nghệ thuật nói về thời gian. Vầng trăng ấy là vầng trăng buổi chiều tà, lúc con người hay hướng về gia đình, nhất là người xa xứ. Họ nhớ về những người thân, những bữa cơm sum họp. Chắc chắn trong tâm hồn họ có bao nhiêu chất chứa không thể giải bày. Kiều cũng vậy, nàng đang ở thân phận như một tù nhân giam lỏng. Chắc chắn Kiều cũng đang nhớ về cha mẹ, hai em và người yêu của mình. Không gian ấy càng mênh mông, hoang vắng hơn khi Kiều nhìn xung quanh tứ phía:
“Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”
Từ trên lầu cao nhìn ra, bốn bề đều “bát ngát xa trông”, không một bóng người, chỉ có những cồn cát vàng nối tiếp nhau trong nắng chiều hồng rực của buổi hoàng hôn. Đây là một không gian đẹp có sắc màu, có hình ảnh nhưng chơi vơi và hoang vắng. Hình ảnh “non xa”, “trăng gần”, “cát vàng”, “bụi hồng” có thể là cảnh thực mà cũng có thể là hình ảnh mang tính ước lệ để gợi sự mênh mông, rợn ngợp của không gian, qua đó diễn tả tâm trạng cô đơn của Kiều. Kiều “bẽ bàng”:
“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”
Kiều xấu hổ, tủi thẹn nghĩ đến việc buộc phải làm vợ Mã Giám Sinh, bị Tú Bà la mắng khi vừa bước chân đến lầu xanh và bị ép phải tiếp khách làng chơi. Trong lòng Kiều hiện tại có biết bao nhiêu nỗi niềm, biết bao sự ấm ức không thể chia sẻ cùng ai. Xung quanh chỉ có bốn bức tường ở lầu Ngưng Bích, sớm làm bạn với mây, tối trò chuyện với đèn. Nàng cô đơn đến mức tuyệt vọng. Cụm từ “mây sớm đèn khuya” gợi thời gian tuần hoàn, khép kín hết ngày này qua ngày khác. Tất cả như giam hãm con người, như khắc sâu thêm nỗi cô đơn khiến Kiều càng bẽ bàng, chán ngán, buồn tủi. Xung quanh chỉ có cảnh vật mà chẳng có người chia sẻ nỗi niềm, bởi vậy tác giả mới viết “nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”. Dù cảnh có đẹp đến mấy, tâm trạng Kiều cũng không thể vui được. “Nửa tình, nửa cảnh”, buồn rồi nhớ, đợi chờ, hi vọng rồi thất vọng “như chia tấm lòng “, nối nhau đến rồi đi trong lòng nàng như thế. Nàng cô đơn gần như tuyệt đối. Như vậy, với bút pháp chấm phá đặc sắc, Nguyễn Du đã khắc họa khung cảnh làm nền cho Kiều thổ lộ tâm tình. Thiên nhiên càng rộng lớn, con người càng nhỏ bé, đơn côi. Những câu thơ tái hiện một khung cảnh đẹp, êm đềm, có non xa, trăng gần nhưng vẫn đượm nét buồn bởi lòng người cô đơn, bẽ bàng và còn bởi “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Trong hoàn cảnh này, Kiều là người tội nghiệp nhất nhưng nàng lại luôn nghĩ cho người khác trước khi nghĩ đến mình. Kiều nhớ Kim Trọng trước nhớ cha mẹ sau. Theo nhiều nhà hủ nho thì như vậy là không đúng với truyền thống dân tộc, nhưng thật ra lại là rất hợp lý. Kiều bán mình cứu cha và em là đã đền đáp được một phần công lao cha mẹ, nên nàng cắn rứt khôn nguôi. Người mà nàng nhớ đến trước hết là chàng Kim Trọng:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trong mai chờ”
Nàng đang hình dung ra Kim Trọng trong nỗi “rày trông mai chờ'” nàng. Trước khi bán mình chuộc cha, nàng đã xác định với mình để không bao giờ còn đợi chờ, hi vọng. Huống chi bây giờ thân nàng đã rơi vào tay bọn Tú bà và họ Mã. Nhưng còn chàng Kim, chàng đâu đã biết việc nàng gặp tai biến. Ở Liêu Dương xa xôi, chàng vẫn ngày đêm trông chờ để sớm gặp lại nàng. Kiều “tưởng” như thấy lại kỷ niệm thiêng liêng đêm thề nguyện, đính ước. Cái đêm ấy hình như mới ngày hôm qua. Nàng nhớ người yêu với tâm trạng đau đớn:
“Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”
Có lẽ “tấm son” ấy là tấm lòng Kiều son sắt, thuỷ chung, không nguôi nhớ thương Kim Trọng. Cũng có thể là Kiều đang tủi nhục khi tấm lòng son sắt đã bị dập vùi, hoen ố, không biết bao giờ mới gột rửa cho được. Và như vậy, nàng biết rằng nàng sẽ không bao giờ quên được mối tình đối với chàng Kim, dù cuộc đời có lưu lạc nơi “chân trời góc bể”, dù nàng có muốn ”gột rửa”, muốn quên lãng nó đi… Trong nỗi nhớ chàng Kim có cả nỗi đau đớn vò xé tâm can. Cũng trong nỗi lòng thương nhớ luôn hướng về người khác ấy, nàng hình dung cha mẹ già “tựa cửa hôm mai” ngóng tin nàng:
“Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ”
Nàng thấy “xót” nghĩ đến hình bóng tộ nghiệp của cha mẹ khi sang sớm, lúc chiều tà tựa cửa ngóng tin con mà con thì “bóng chim tăm cá”. Đây không chỉ là nỗi nhớ mà còn là nỗi đau, là tình thương với đấng sinh thành. Không biết ai sẽ là người thay nàng chăm sóc cha mẹ khi trái nắng trở trời. Nàng tưởng tượng nơi quê nhà tất cả đã đổi thay:
“Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
Duy nhất trong đoạn thơ, chỗ này có dùng điển tích. Điển tích “sân Lai gốc tử” chỉ sự thay đổi của không gian, thời gian và cảnh vật. Cụm từ “cách mấy nắng mưa” vừa cho thấy sự xa cách bao mùa mưa nắng, vừa gợi được sự tàn phá của thời gian, của thiên nhiên lên con người và cảnh vật. Tất cả đã đổi thay và Kiều không còn được ở bên cha mẹ để phụng dưỡng song thân. Đó là tấm lòng của một đứa con hiếu thảo, một nét nhân cách đáng trân trọng. Trong cảnh ngộ ở lầu Ngưng Bích, Kiều là người đáng thương nhất nhưng nàng vẫn quên mình để nghĩ về người yêu và cha mẹ. Qua đó, chúng ta có thể thấy nàng là người vị tha, thủy chung, hiếu nghĩa, rất đáng trân trọng.
Nghĩ về cha mẹ, nghĩ về Kim Trọng, cuối cùng lại trở về với thiên nhiên mênh mông trước mặt, tự đối thoại với lòng mình. Nguyễn Du đã vận dụng rất thành công thủ pháp tả cảnh ngụ tình, mượn thiên nhiên để miêu tả nỗi niềm nhân vật, đặc biệt là bức tranh tứ bình. Bốn bức tranh, bốn nỗi buồn đều được tác giả khắc hoạ qua điệp ngữ liên hoàn “buồn trông”. “Buồn trông” có cái thảng thốt lo âu, có cái xa lạ ngút tầm nhìn, có cả dự cảm hãi hùng của người con gái ngây thơ lần đầu lại bước giữa cuộc đời ngang ngược. Đây dường như là một điệp khúc của tâm hồn: buồn thì trông, trông rồi lại buồn. Tám câu thơ làm thành một bộ tứ bình cảnh sắc và tâm trạng đầy ấn tượng. Cứ mỗi lần từ “buồn trông” được lặp lại, thì một bức tranh thiên nhiên được vẽ ra, khơi gợi ở Kiều những nỗi buồn khác nhau. Nỗi buồn mở ra trước hết nơi cửa bể xa xăm:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồn xa xa?”
Một không gian mênh mông của cửa bể chiều hôm gợi nỗi buồn mênh mông bao trùm không gian đất trời. Hình ảnh con thuyền và cánh buồm thấp thoáng, bỗng trở nên bé nhỏ, đơn côi trong hoàng hôn vàng rực. Hình ảnh ấy bất giác khơi gợi nỗi cô đơn, lạc lõng bơ vơ, gợi hành trình lưu lạc của chính thân phận nàng Kiều. Hình ảnh con thuyền trong thơ xưa thường diễn tả ước mơ trở về quê nhà của người tha hương. Phải chăng đó cũng là ước mơ trở về sum họp gia đình của Kiều – một ước mơ rất khó thực hiện?
Nếu như hai câu đầu gợi ra một không gian rộng, xa, thì hai câu tiếp theo điểm nhìn của nàng Kiều thu gần lại, như kiếm tìm điều gì đó để sẻ chia, đồng cảm với mình:
“Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?”
Ngọn nước đổ từ trên cao xuống, tung bọt trắng xóa. Trên dòng nước dập dềnh ấy có “hoa”. Nó được miêu tả bằng từ “man mác” giàu sức biểu cảm. Đó là nỗi buồn vời vợi thật khó trả lời, cứ bâng khuâng trải dài theo con nước. Kiều nhìn thấy nơi hình ảnh “hoa trôi” cái số kiếp trôi nổi lênh đênh vô định của nàng. Nàng tự hỏi: cuộc đời mình sẽ đi về đâu? Sẽ như cánh hoa kia bị dòng đời vùi dập phũ phàng?
Dõi tầm mắt lại gần hơn nữa, một hình ảnh quen thuộc trong “Truyện Kiều” xuất hiện: đồng cỏ xanh, thế nhưng ở đây lại là:
“Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”
Khác với cỏ non xanh mơn mởn trong tiết thanh minh, ở đây là cỏ rầu rầu ảm đạm trong ánh chiều. Nếu như bức tranh trong tiết thanh minh được điểm sắc trắng đầy sức sống thì ở nội cỏ chỉ có một màu “xanh xanh” đơn điệu, ảm đạm. Nó đơn điệu như chính những ngày Kiều ở lầu Ngưng Bích, khiến cho Kiều có tâm trạng mệt mỏi chán chường, tuyệt vọng với một tương lai mờ mịt, hãi hùng.
Bức tranh thứ tư mở ra với một cảnh vừa thực, vừa ảo:
“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiêng sóng kêu quanh ghế ngồi.”
Có thể thấy, điểm nhìn của Kiều thu hẹp lại dần, từ xa xa cửa bể, đến dòng nước, đến đồng cỏ, và giờ đây, Kiều như soi vào chính tâm trạng của mình. Khung cảnh giờ đây thật dữ dội, có cả hình ảnh và âm thanh. Những cơn gió lớn dữ dội đập mạnh vào “mặt duềnh” khiến tiếng sóng kêu ầm ầm. Cái âm thanh “ầm ầm tiếng sóng” ấy chính là âm thanh dữ dội của cuộc đời phong ba bão táp đã, đang ập đổ xuống đời nàng và còn tiếp tục đè nặng lên kiếp người nhỏ bé ấy trong xã hội phong kiến cổ hủ, bất công. Ở phần đầu đoạn trích, cảnh vật xung quanh lầu hiền hòa, nên thơ bao nhiêu thì giờ đây, nó lại trở nên dữ dội vô cùng. Nghệ thuật đảo ngữ càng nhấn mạnh âm thanh của tiếng sóng đang gầm gào bên cạnh Thúy Kiều. Tiếng sóng không phải ở xa mà ở sát ngay bên nàng. Sóng gió như ẩn dụ cho bão tố cuộc đời với biết bao hiểm họa, bất trắc đang rình rập Kiều, chờ đợi để đổ ập xuống đời nàng. Nàng hoảng sợ, hãi hùng khi nghĩ về mình.
Bốn cảnh trong bức tranh tứ bình được miêu tả từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động để diễn đạt nỗi buồn từ man mác, mông lung đến lo âu, kinh sợ, dồn đến bão táp nội tâm cực điểm của cảm xúc trong lòng Kiều. Tất cả là hình ảnh về sự vô định, mong manh, sự dạt trôi bế tắc, sự chao đảo, nghiêng đổ dữ dội. Lúc này Kiều trở nên tuyệt vọng, yếu đuối nhất. Và bao trùm lên tất cả những hình ảnh diễn tả nỗi buồn ấy, ta có thể đọc thấy một nỗi trông chờ tuyệt vọng, khắc khoải. Như vậy, bằng những vần thơ có sức lay động, khơi gợi sự đồng cảm của con người và nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc, tác giả đã diễn tả chân thật nỗi khát khao cuộc sống, nỗi khát khao tình người của Thúy Kiều.
Ngòi bút của Nguyễn Du hết sức tinh tế khi tả cảnh cũng như khi ngụ tình. Mỗi cảnh thiên nhiên trong đoạn đã diễn tả một sắc thái tình cảm khác nhau của Kiều. Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” tạo thành bức tranh tâm trạng, phản ánh một cách chân thực, sinh động hoàn cảnh cô đơn và tội nghiệp của Thúy Kiều cùng tân trạng buồn bã, lo âu, sợ hãi của nàng. Đằng sau sự thành công của bút pháp tả cảnh ngụ tình ấy là một trái tim yêu thương vô hạn với con người, là sự đồng cảm, sẻ chia xót thương cho một kiếp hồng nhan bạc mệnh và ngầm tố cáo xã hội bất công đã chà đạp lên quyền sống và nhân phẩm con người.
Vong (5 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 15936
Nói vậy thôi chứ là học sinh vẫn nên nghe theo cô dạy!
Mới có điểm chớ!
Lâm Ánh Yên (5 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 2501
Cảm ơn những chia sẻ của bạn nhé!
Vong (5 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 15936
Chào bạn!
Hồi xưa học bài này ấy, bây giờ đọc lại bài của bạn mới rút ra được vài điều.
Thứ nhất là những cảm xúc của Kiều trong đoạn trích mình đều dưới sự dẫn dắt của giáo viên, qua đó mà diễn tả, phân tích. Nhìn chung luận điểm cũng không khác mấy, ai cũng như nhau, chỉ có là viết đủ hay thiếu luận điểm thôi. Ngày xưa còn cố gắng mở rộng liên hệ với tác phẩm khác hoặc đoạn trích khác nữa cơ.
Thứ hai là mình chợt nghĩ ra, nếu như theo tâm lí nhân vật, hẳn Kiều và cũng không ai có thể lớn lao đến nỗi mà quên đi bản ngã được mà nghĩ đến cái khác, huống chi Kiều cũng là một con người trần thế. Như Nam Cao từng viết: "Một người đau chân có bao giờ quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến cái khác đâu?". Vậy đấy, Kiều hiếu thảo, chung thủy sắt son, trọng tình trọng nghĩa là đúng, nhưng thực sự, không phải là ở trong nỗi đau của mình mà có thể quên đi nỗi đau, quên đi bản thân để nghĩ cho người khác. Mà là vì quá đau, quá khổ, quá cô đơn mà nàng phải "đánh lạc hướng tâm lí" bằng cách nghĩ về người mình yêu, nghĩ đến cha mẹ. Nhưng rồi càng nghĩ nàng lại càng buồn, càng thương cho phận mình, nhìn ra cảnh vật, thiên nhiên đều thê lương và ảm đạm, cuối cùng nàng phải đối diện vào nỗi đau của mình, xoáy vào nỗi đau của mình. Càng nghĩ càng đau, càng nhớ càng khổ.
Chung quy chỉ là suy nghĩ của mình vậy thôi!
Bạn viết tốt lắm, cố lên nhé!
Lâm Ánh Yên (5 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 2501
Cảm ơn ad
Lâm Ánh Yên (5 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 2501
Cảm ơn bạn, mình sẽ rút kinh nghiệm.
Akabane1701 (5 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 545
Cám ơn bạn vì bài viết rất hay, tuy nhiên mình hi vọng bạn có thể bỏ ra chút thời gian xem lại và hoàn chỉnh các lỗi về từ vựng do đánh máy quá nhanh gây thiếu dấu - để bài viết có thể hoàn chỉnh hơn nữa. Cám ơn bạn rất nhiều!
Tiến Lực (5 năm trước.)
Level: 19
Số Xu: 18507
Chào em, cảm ơn em đã ủng hộ chủ đề Box Học Văn cần bạn nhé!.