- Phân Tích Đoạn Trích Trao Duyên Trong Truyện Kiều Của Nguyễn Du
- Tác giả: Khánh Đan
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 11.710 · Số từ: 1617
- Bình luận: 2 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 5 Khánh Đan Zuka Hara Thanh Thi TranAnh Truong Đào Mai Thảo Linh
Phân Tích Đoạn Trích Trao Duyên Trong Truyện Kiều Của Nguyễn Du
Nếu ở bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí”, Nguyễn Du đồng cảm với nàng Tiểu Thanh như những kẻ cùng hội cùng thuyền, thì đến Truyện Kiều, ở đoạn trích Trao duyên, ông lại chính là cái hồn của nhân vật. Thúy Kiều trao duyên, còn Nguyễn Du, ông viết “Trao duyên” với bao nỗi đoạn trường xót xa.
Trong cuộc sống, người ta có thể trao cho nhau nhiều thứ nhưng thường là những gì thuộc sở hữu về mặt vật chất, có thể định lượng được. Còn “trao duyên”… thì quả thực rất hiếm. Một chữ “duyên” khi trao đi lại nặng nhọc, khó khăn biết mấy. Vỗn đã “thông minh vốn sẵn tính trời”, Kiều rất khéo léo trong việc mở lời với Vân:
“… Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”
Kiều là chị mà lại phải: “cậy”, “lạy”, “thưa” với em gái mình. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ hiểu, “trao duyên” chẳng phải công việc dễ dàng. Không phải Kiều muốn trao là trao ngay được, và không phải Kiều nói trao là Vân có thể gật đầu nhận ngay. “Cậy” đồng nghĩa với nhờ, nhưng nó lại hàm chứa cả niềm tin, độ tin tưởng cao về điều muốn gửi gắm. Cả “chịu” cũng vậy. “Chịu” đồng nghĩa với nhận nhưng đó lại là việc nhận về mình những thiệt thòi. Ngay cả “lạy – thưa” cũng chẳng còn đặt trong quan hệ chị – em thường tình mà đã trở thành hành động biểu thị quan hệ của kẻ chịu ơn với ân nhân. Trong cái cử chỉ tội nghiệp ấy, ta thấy cả sự thanh cao của một tấm lòng, một cốt cách.
Sau phút mở đầu khó khăn, Kiều mới giãi bày hoàn cảnh éo le của mình:
“Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.”
Nàng kể lại diễn biến Kim – Kiều tương ngộ. Những sự việc ấy, Vân đều đã biết, đã chứng kiến. Những lời lẽ ngắn gọn kia chỉ có tác dụng như chiếc cầu nối, dẫn vào mục đích thuyết phục để “trao duyên”, để câu chuyện Kiều “thưa” với em trở nên có đầu có cuối. Và một phần nào đó tìm sự cảm thông, chia sẻ từ Vân:
“Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”
Ngôn ngữ rành mạch, đó là ngôn ngữ trong lời nói hàng ngày nhưng lại mang những hình ảnh ẩn dụ mang màu thành ngữ quen thuộc: “tình máu mủ”, “lời nước non”, “thịt nát xương mòn”, “ngậm cười chín suối”. Lời thuyết phục của nàng đong đầy nỗi niềm của một kẻ mang ơn. Sức nặng đó có dễ dàng tìm được sự chia sẻ? Màn “trao duyên”, dĩ nhiên là màng đối thoại. Nhưng ở đây, ta chỉ thấy lời của Thúy Kiều. Sự im lặng của Vân có thể hiểu là sự chấp nhận. Cũng có nghĩa là, bằng sự tế nhị, khéo léo trong lời lẽ, bằng tình cảm chân thành, khẩn thiết, nàng đã tìm được sự sẻ chia từ em gái.
Thúy Vân chấp nhận nối duyên cùng Kim Trọng, cũng là lúc Kiều trao lại kỉ vật cho em. Bị kịch tình yêu cũng bắt đầu dậy sóng:
“Chiếc vành với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người bạc mệnh ắt lòng chẳng quên.
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.”
“Chiếc vành”, “bức tờ mây”, “phím đàn”, “mảnh hương nguyền” đều là những kỉ vật thiêng liêng minh chứng cho tình yêu của Kim – Kiều. Phải trao lại cho người khác, dù đó là em gái mình, nhưng cũng đồng nghĩa với việc, Kiều đang phải chia li, vĩnh biệt với mối tình đầu. Lòng nàng chất chứa bao đớn đau giằng xé. Lí trí, hành động đều đã trao nhưng tình cảm thì vẫn còn muốn níu. Nghịch cảnh tình chị – duyên em sao lại oái oăm, trớ trêu đến thế? “Duyên này thì giữ vật này của chung”, tạo giọng điệu day dứt, nghẹn ngào, khiến cho những kỉ vật đã lìa tay người cũng vật vã không yên. “Của chung” như hiển hiện một sự thật đau đớn, kỉ vật thì đã trao mà cái hồn của kỉ vật – cũng chính là tình yêu, lại chẳng thể nào trao được. Trong sự dùng giằng ấy là cả một thế giới nội tâm với diễn biến tâm lí phức tạp. Việc miêu tả một cách tinh tế những mâu thuẫn nội tâm đã lại một lần nữa chứng tỏ tài năng của đại thi hào Nguyễn Du.
Trao kỉ vật tình yêu cũng chính là thời khắc khép – mở hai thế giới tâm trạng đối lập ngổn ngang, bộn bề ở Kiều: giữa hiện tại và mai sau, giữa sự sống và cái chết, mất và còn, giữa sum vầy và li biệt, hạnh phúc và khổ đau:
“Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt khuất lời,
Rưới xin giọt nước cho người thác oan.”
Mất tình yêu, nàng tưởng như mất đi cả sự sống. Kiều như thấy mình hiển hiện ở thế giới bên kia. Nhưng dù ở thế giới khác thì oan hồn đó vẫn trĩu nặng một mối tình dở dang. Theo lẽ thường, khi chết đi, con người sẽ được giải thoát. Nhưng Kiều lại khác, dẫu có chết đi thì nỗi đau nơi nàng vẫn còn nguyên vẹn. Nguyễn Du đã khắc sâu nỗi đau nhân vật thật tài tình. Qua đó, người đọc có thể cảm nhận thật chân thực tận cùng tâm trạng nhân vật trong hoàn cảnh bi đát này.
Tận cùng của hành trình nỗi đau khi tình yêu tan vỡ, Kiều lại trở lại đối diện với hiện thực. Nhưng màn đối thoại tới đây đã chấm dứt. Nàng như đã không còn nhớ đến sự tồn tại của Vân, như đã quên đi sự hàm ơn với ân nhân nên chỉ còn lời độc thoại xót xa:
“Bây giờ trâm gãy gương tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Phân sao phận bạc như vôi!
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”
Hiện thực với “trâm gãy gương tan”, “tơ duyên ngắn ngủi”, “phân bạc như vôi” như xoáy thêm vào nỗi đau của đời người phù du. Như một nhân chứng vắng mặt trong cuộc “trao duyên”, Kim Trọng hiện diện trong câu thơ như cách để Kiều tự thấy mình hối lỗi, để nàng “trăm nghìn gửi lạy tình quân” và để kêu lên tiếng kêu bi thiết: “Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang! Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.” Tiếng nấc nghẹn ngào đan xen trong nhịp thơ 3/3 của câu: “Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!” và trong tiếng than của nhịp kéo dài bởi điệp từ đứng đầu câu: “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.”. Ta tưởng như lời trao duyên kia đã hóa lười trăng trối. Thật là tận cùng của nỗi đau!
Trong màn “trao duyên”, nhân vật thấm đẫm nỗi đau tình yêu tan vỡ, quằn quại trong nỗi đau thực tại, đau cả trong tưởng tượng. Nỗi đau bủa vây quanh nàng. Thân phận người con gái đã nhỏ bé lại càng trở nên mong manh giữ sự trù dập của nỗi đau. Với Kiều, vĩnh biệt tình yêu là vĩnh biệt sự sống, là cái chết hiện hữu. Miêu tả nỗi đau của Kiều khi tình yêu tan vỡ, đó cũng là cách Nguyễn Du khẳng định tinh thần đẹp đẽ của nhân vật. Kiều càng đau thì giá trị tình yêu lại càng được khẳng định. Con người “hiếu nghĩa đủ đường” ấy, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào thì vẫn ánh lên vẻ đẹp phẩm hạnh của đức hi sinh cao cả và tấm lòng bao dung vô bờ bến. Giá trị nhân văn sâu sắc cũng được Nguyễn Du đặt ra thật tài tình: con người phải có quyền tự do, quyền được hạnh phúc, xã hội cần phải tôn trọng, bảo vệ quyền được sống của con người. Đó là giá trị thiêng liêng mà tạo hóa đã ban tặng cho nhân loại.
“Trao duyên” là một bi kịch trên hành trình số phận của nhân vật Thúy Kiều – tình yêu tan vỡ, khoảnh khắc vĩnh biệt mối tình đầu đắm say và đẹp đẽ. Nhưng từ tận cùng nỗi đau, ta có thể thấy vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều cũng như tài năng bậc thầy của đại thi hào Nguyễn Du trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật.
Khánh Đan (4 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 5508
Cảm ơn bạn nhiều nha! :3
TranAnh Truong (4 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 4457
Ủng hộ tác giả!