- Phân tích hai đoạn đầu “Trao Duyên”
- Tác giả: Giai Mộc
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 2.436 · Số từ: 4596
- Bình luận: 5 · Bình luận Facebook:
Trở về với nền văn học trung đại, ta có thể dành trọn vài cuốn sách để kể, để phân tích, để bình luận về các nhà văn, nhà thơ, cùng các tác phẩm văn học nổi tiếng với các giá trị nghệ thuật và hiện thực to lớn. Và có lẽ trong cuốn sách ấy, ta không thể không dành ra một chương để nhắc đến Nguyễn Du – Đại thi hào dân tộc, nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa tiêu biểu. Ông sinh năm 1766 và mất năm 1820. Sinh thời ông đã để lại cho nền văn học nước nhà những tác phẩm và những thành tựu vẻ vang, lưu danh muôn đời với 3 tập thơ chữ Hán gồm 243 bài và những tác phẩm bằng chữ Nôm có giá trị như “Văn chiêu hồn”, “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ”, “Thác lời trai phường nón”… Và rồi lại đặc biệt dành thêm một chương nữa để nói đến tác phẩm xuất sắc nhất của ông, một kiệt tác nghệ thuật đã đưa nền văn học Việt nam vươn ra ngoài ranh giới lãnh thổ để trở thành tác phẩm được biết đến và yêu thích ở nhiều nơi trên thế giới. Tác phẩm thể hiện tinh thần nhân văn cao cả, sự đồng cảm với những mảnh đời tài hoa bạc mệnh – “Truyện Kiều”. Với bút pháp tài hoa, tác giả đã khắc họa thành công không chỉ ngoại hình và tính cách nhân vật, mà còn khéo léo trong việc bộc lộ tâm tư, nói lên tình cảm, suy nghĩ của nhân vật một cách tự nhiên, đầy xúc cảm trước những bi kịch, sóng gió của cuộc đời đầy bất hạnh. Ta có thể thấy rõ được điều đó từ câu 723 đến câu 756 qua đoạn trích “Trao duyên” – Mở đầu cho một chuỗi ngày lưu lạc bất hạnh của cuộc đời Thúy Kiều.
————————————————————–
Đoạn 1.
Mở đầu đoạn thơ, Nguyễn Du đẩy người đọc như hòa vào cái hoàn cảnh oái ăm, bất đắc dĩ, cái không khí ngượng ngùng đầy khó xử khi Thúy Kiều nhờ cậy, thuyết phục Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng. Trước khi nói ra lời nhờ em, Kiều rất khéo léo dạo đầu để đặt Vân vào tình thế không thể chối từ. Có thể nói, ngay từ hai câu đầu, ta có thể thấy được Thúy Kiều hay chính là Nguyễn Du đã hết sức cẩn trọng, cân nhắc trong việc lựa chọn ngôn từ. Nguyễn Du đã không hổ danh là một bậc thầy sử dụng ngôn từ khi vận dụng sự khéo khéo của mình để chọn lọc, đưa ra câu nói một cách tinh tế và tỉ mỉ:
“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”
Chỉ qua hai câu thơ, tác giả như ẩn như hiện truyền tới người đọc bao nhiêu cảm giác từ lưỡng lự, đắn đo, từ đau thương mất mát cho đến chua xót, tuyệt vọng. Phải nói trước khi quyết định nhờ cậy em, Kiều phải dằn vặt bao nhiêu, phải đắn đo chừng nào, một bên là chữ hiếu một đời, một bên là chữ tình trăm năm, một bên là gia đình tròn vẹn, một bên là tình yêu son sắc. Chọn một trong hai, dù bỏ đi bên nào lòng nàng cũng đều như đứt từng đoạn ruột. Chính bởi lẽ đó mà lời Kiều nói ra lại mang biết bao hàm nghĩa, bao đau xót, mất mát. Thử hỏi có bao giờ chị quỳ lạy em, thế nhưng giờ đây Kiều đang hạ mình quỳ “lạy” người em của mình. Một từ “lạy” như bộc lộ hết thảy những khó khăn, những sự bất đắc dĩ, sự éo le đành chấp nhận của Kiều trước gia biến, nàng như mong manh chẳng thể vùng dậy, chẳng thể chống lại cái số phận kia mà chỉ đành nhờ đến em, nói với em một chữ “cậy” kia thôi. Tình cảnh của hai chị em như bị trao đổi, tất cả những thân phận ràng buộc lễ giáo đều tan biến, chỉ còn lại một mối quan hệ, mối quan hệ giữa kẻ chịu ơn và kẻ ban ơn, một kẻ “thưa” và một kẻ “chịu”. Kiều hiểu rõ được việc mình đang làm và cũng như hiểu rõ được sự quan trọng của nó, đó chẳng là một lời nhờ vả bình thường, một lời nhờ này của nàng là nhờ cả một tương lai, nhờ cả một đoạn đời còn lại. Chấp nhận lời nhờ cậy này, con đường tình duyên của Vân sẽ định, định với một người nàng chỉ gặp vài lần, định với một người mà chị yêu thương, định với một người mà chẳng hề yêu nàng. Chính vì vậy, giờ phút này đây Kiều không phải mở lời nhờ Vân mà lại là “cậy”. Nàng cậy em, trông cậy bằng tất cả niềm tin và hi vọng, trong mong bằng cả tấm lòng, bằng tất cả sự tin tưởng của bản thân một cách tha thiết, khẩn cầu. Trước sự tin tưởng và trông mong ấy, nàng mong Vân đồng ý, mong Vân nhận lời nhưng lại hiểu cho nỗi khó xử và đắn đo của em, để rồi vì thấu hiểu mà lo sợ em từ chối mà lời nói lại mang theo sự ép buộc vô hình, bắt Vân phải “chịu” lấy lời này. Trước tình cảnh, trước lời nói của chị Vân không cách nào từ chối, chỉ còn có thể nhận lấy duyên này.
Từ hoàn cảnh, từ câu nói, từ sự tinh tế đầy ý vị trong cách dùng từ của Nguyễn Du, ta có thể thấy được tình yêu sâu sắc chân thành của Thúy Kiều dành cho Kim Trọng, một tình yêu sắc son, chung thủy đến khắc tận tâm can. Chính để báo đáp ân tình cho chàng Kim, để vẹn tròn lời hứa còn dang dỡ mà Kiều đã phải nhún mình, hạ mình đến thế, đã phải hy sinh, đau đớn và dằn vặt đến thế. Rồi lại từ trong cái cử chỉ tội nghiệp kia, cái bóng dáng mong manh nhỏ bé kia ta còn thấy tất cả sự cao khiết của một tấm lòng, cả sự thông minh, khéo léo và tế nhị nơi Kiều. Từng lời thơ như cứa vào lòng người đọc từng nỗi niềm chua xót đến cùng cực, từng vết như thấm đẫm từng nỗi niềm, chất chứa bao tình cảm mà càng yêu càng đau, càng yêu càng tan nát cõi lòng.
Lời nhờ cậy đã hết, những ép buộc đã xong, những nỗi niềm chấp chứa trong lòng như muốn tuôn ra, tất cả những kỉ niệm từ thuở ngày đầu gặp nhau đến lúc nâng chén thề nguyền như ùa về. Những ngọt ngào và đau khổ xen lẫn, sự tiếc nuối và khổ tâm khi lỡ không tròn ước hẹn, lỡ phải rời xa người mình yêu thương. Tất cả như vỡ òa, nấc nghẹn mà tìm đến Vân, tìm một niềm thương cảm và thấu hiểu nơi Vân như giải bày, như một lời cho tình lí vẹn toàn:
“Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kỳ
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”.
Tơ duyên đang đẹp, tình đang nồng đậm, những ước thề vừa khắc lên son sắc, những kỉ niệm vừa cháy bừng ấp áp, đẹp đẽ như còn hiện lên trước mắt. Điệp từ “khi” lặp lại như chỉ mới hôm qua chàng nàng còn trao tay đôi quạt mà hẹn ước trăm năm, mới đây men rượu còn nồng đậm khắc lên một câu thề đôi lứa. Thế mà, gia biến ập đến, sóng gió từ đâu khiến dây đứt, gánh đỗ, tình từ đó mà tan vỡ, duyên từ đó chẳng vẹn tròn. Đứng trước gia biến, một bên chữ tình, một bên chữ hiếu, nàng đau đớn khi chẳng thể vẹn tròn cả hai, nàng chỉ đành ngậm ngùi chôn đi một chữ tình để hiếu trọn với gia đạo, với cha nàng bởi chính lẽ:
“Đệ lời thề hải minh sơn
Làm con trước phải đền ơn sinh thành”
Một quyết định, một lời nói đã dẫn cuộc đời nàng bước sang một trang mới, thay đổi hết tất cả mọi thứ. Cuộc đời của Kiều đã hoàn toàn như đi vào quỷ đạo tưởng bất chợt nhưng lại định sẵn kể từ khi cha cùng em chịu oan bị bắt giam ngay chính lúc Kim Trọng về quê chịu tang chú. Giờ đây, “gánh tương tư” kia, câu chuyện tình yêu kia từ đó mà dang dỡ, đổ vỡ. Mối tình Kim Kiều như hoa vừa chớm nở lại nhanh chóng úa tàn, chẳng thể đơm hoa kết quả:
“Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặt em”
Kiều mượn điển tích “keo loan” để nói lên ý định muốn nhờ Thúy Vân kết duyên với Kim Trọng. Nàng nhún mình, tự nhận bản thân là mối tơ thừa bởi chính sự day dứt có lỗi của bản thân đối với Kim Trọng, đối với tình lang, bởi chính nàng đã phụ chàng, phụ lại lời hứa năm xưa, phụ đi đoạn tình duyên của hai người. Nàng lại càng có lỗi với Thúy Vân, với người em gái mà mình thương yêu tin tưởng, bởi chính nàng, chính nàng đã đẩy Thúy Vân vào thế bị động, ép em phải nhận lấy mối nhân duyên dang dở của nàng, ép em từ bỏ con đường tình duyên phía trước.
Những lời lẽ của Kiều mỗi một lời là một lần buộc Vân vào mối tình ép buộc, nàng lần lượt từ đưa ra nguyên nhân, than thở về cuộc tình, đưa ra những lý do chính đáng và sự khó khăn của bản thân như khơi gợi sự đồng cảm từ Vân. Để rồi một lần nữa, nàng mở lời đưa ra chữ lí, đưa ra chữ tình, nàng an ủi Vân nhưng cũng lại như châm thêm một lời, một dấu ấn trong tâm tư và suy nghĩ của Vân, thuyết phục Vân một cách triệt để và hợp lý:
“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non.”
Từng lời như càng trĩu nặng và trải dài, càng sâu lắng vào đau xót. Kiều đưa ra lời thuyết phục em mình, sợ tâm em khẽ động, sợ em sẽ hối hận, nàng lấy cái giọt máu đào mà nàng đang mang, lấy cái tiếng chị em ruột rà thân thuộc, lấy cái tình nghĩa máu mủ cùng nhau chôn rau cắt rốn mà lay động, mà như càng đưa Vân vào sự chấp nhận. Phận là chị cả, Kiều có trách nhiệm gánh vác sự tình của gia đình, có chăng một câu hỏi “bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?” thì nàng đã chọn câu trả lời đi đúng với đạo lí Nho học và bổn phận làm con. Cái nàng giữ là chữ hiếu, cái nàng không thể nắm là chữ tình, rồi chữ tình đó chỉ còn có em có thể “thay lời nước non” mà đem nó đi đến hai chữ vẹn tròn bởi chính em vẫn còn có cái gọi là “ngày xuân”. Vân vẫn còn cái tuổi trẻ, còn một đoạn thời gian trăm năm, còn tuổi xuân đầy màu sắc, còn với Kiều, khi nàng chọn cách giữ tròn đạo hiếu thì đồng nghĩa với việc tuổi xuân tươi đẹp của nàng đã chấm hết. Một lời nói, một sự so sánh đến nhói lòng, nàng đứng trước sự thật đau thương vô vọng, khuyên em mà lòng như càng bước chân đến đáy vực sâu vô tận.
Càng trải lòng cùng Vân, Kiều càng đắm chìm, trôi giữa dòng cảm xúc miên man chẳng thể chống lại mà đến với viễn cảnh tương lai, thấy được cái kết ngọc nát, hương tàn, cái thảm cảnh “thịt nát xương tan” của chính bản thân nàng, thấy được rằng cái chết đang đợi nàng ngay cuối con đường kia. Cái chết của nàng có thể nói là chết về thể xác, lại có thể nói chính là cái chết về tâm hồn vì có lẽ với nàng từ nay cái gọi là nguồn sống sẽ không còn tồn tại nữa rồi. Với Kiều, tình yêu với Kim Trọng chính là hơi thở, là sinh mạng, là nguồn sống, là ánh sáng cho cuộc đời này của nàng. Mất đi tình yêu, trao đi đoạn duyên, rời xa người thân, sống nơi đất khách quê người… Duyên trao người mất như chính trao đi trái tim và sinh mạng của nàng. Lần này trao đi, cuộc sống từ đó nhuốm màu u tối, tương lai từ đó chẳng còn đường đi, hết thảy chỉ còn một mảnh tĩnh mịch, cô quạnh đến xé lòng, dù có sống cũng chính là không bằng chết đi.
“Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”
Kiều đã dành một đời tại nhân thế để đánh đổi biết bao nhiêu thứ mà bảo vệ những người nàng thương yêu, bây giờ đến lúc thân nát hồn tan nơi chín suối kia nàng vẫn một lòng hướng về nơi nhân thế, hướng về những con người mà nàng yêu thương. Nàng mong Vân được một một hạnh phúc vẹn toàn, mong Kim Trọng hiểu được lòng nàng, mong hai người có thể nối tiếp duyên nàng bỏ lỡ, chỉ như thế nàng đã có thể siêu thoát, “ngậm cười” mà mãn nguyện. Một nụ cười này dù là nụ cười mãn nguyện nhưng cũng làm dấy lên một nỗi xót xa vô tận trong lòng người đọc, nỗi thương cảm cho một số phận hồng nhan, nỗi đồng cảm cho một người con gái bạc mệnh và những nỗi chua xót cho sự thật quá đỗi bèo bọt, phũ phàng kia.
Với thể thơ lục bát đã giúp cho Nguyễn Du dể dàng khắc họa tâm trạng dằn vặt cùng với sự đớn đau, chua xót của Kiều khi đứng trước lựa chọn phải hi sinh chữ tình để vẹn tròn chữ hiếu. Qua ngòi bút, nàng Kiều của Nguyễn Du được tô vẽ lên hiện lên một cách sắc sảo mặn mà ngay cả trong bi kịch đau đớn nhất của cuộc đời mình. Một cô gái quá mong manh nhưng mạnh mẽ. Đồng thời qua đó ta còn thấy được những phẩm chất đáng quý của Kiều – một con người hiếu thảo, một con người mang một tình yêu chung thủy lại là một con người đầy tế nhị, khéo léo và giàu lòng vị tha, đức hy sinh cao cả, thấu hiểu đến người khác. Đoạn thơ thể hiện nghệ thuật miêu tả tâm lí chân thật, sắc sảo và tinh tế một cách tài tình của Nguyễn Du, đồng thời làm rõ sự sáng tạo và đầy ý vị trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ điêu luyện, ước lệ và gợi cảm, kết hợp tài tình với các điển tích, điển cổ, những câu nói, những tục ngữ dân gian đan xen tỉ mỉ của Nguyễn Du làm cho ý thơ sâu lắng, thâm trầm, nhẹ nhấn mạnh, tạo sự ấn tượng khó phai trong lòng người đọc.
————————————————————–
Đoạn 2.
Đoạn thơ bắt đầu với hình ảnh Thúy Kiều trao lại từng kỉ vật của nàng và Kim Trọng khi trao lại cho Thúy Vân, những vật chất chứa bao nhiêu kỉ niệm ngọt ngào, bao nhiêu âu yếm nồng đậm:
“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung”
Nhìn vật, nhìn cảnh, những ý nghĩ trực trào trong lòng như dâng từng ngọn sóng, kéo những kỉ niệm như ùa về trong tiềm thức. Chiếc vành kia, chiếc vòng xuyến mà chàng Kim đã trao cho Kiều cùng với cành thoa trong buổi gặp gỡ ở mé vườn phía tây với một bức tờ mây. Đây có lẽ là bức tin thề mà chàng nàng đã cùng nhau viết lên, những hẹn ước kết tóc, se duyên buổi nào. Tất cả chúng chính là những minh chứng cho cuộc tình của nàng, là những vật đánh dấu cho sự bắt đầu tươi đẹp, mê luyến, cho những tháng ngày ái ân kề cạnh, cho những lần gặp ngắn ngủi ngọt ngào, giờ đây chúng lại chính là dấu mốc đánh dấu sự kết thúc của cuộc tình ấy, từng thứ như trở thành lễ vật mà nàng chuẩn bị cho em, cho một mối tình, là sính lễ kết một đoạn nhân duyên.
Trước sự thật đầy đau đớn, con tim Kiều như từng cơn thắt lại, nàng như dần không dám đối mặt với thực tại. Sự tiếc nuối, lưu luyến và xót xa đã gợn lên một cơn sóng càng dữ dội trong nàng. Nhưng rồi con tim lại chẳng muốn vứt bỏ đi đoạn tình cảm này, vứt bỏ đi mối tình đầu đẹp đẽ, thuần khiết. Điệp từ “này” tạo giọng điệu trầm bổng, khiến lời thoại của Kiều những tiếng nấc nghẹn ngào, cay đắng. Từ đó lại khắc họa lên hình ảnh một người con gái nhỏ bé, đáng thương, tội nghiệp đang vật lộn giữa những cảm xúc, vừa muốn bỏ, vừa muốn giữ tình cảm đã không còn là của riêng mình.
Vật đã trao, duyên đã gửi nhưng tay Kiều lại chẳng thể buông khi sự tiếc nuối, lưu luyến và xót xa đã gợn lên một cơn sóng càng dữ dội trong nàng. Những mâu thuẫn nảy sinh giữa con tim và lí trí đầy khốc liệt. Nàng dằn co trong vô vọng, nàng vùng vẫy giữa lời thề son sắc, vừa muốn làm tròn lời hứa, muốn trao kỉ vật cho em để bản thân không còn ảo tưởng và thương nhớ. Lí trí nàng đã quyết trao lại hết những kỉ vật, trao lại đoạn tình cảm ấy, quyết định chấm dứt tất cả những ái ân, những dây dưa giữa nàng và Kim Trọng, dù rằng chính nàng đã quyết hi sinh chữ tình vì chữ hiếu:
“Thà rằng liều một thân con
Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây”
Thế nhưng lòng lại không cam, còn muốn nắm giữ, muốn khẳng định quyền sở hữu những món kỉ vật ấy. Xưa nó là của nàng và Kim Trọng, thì nay, nó sẽ là của cả nàng, Kim Trọng và Thúy Vân, duyên dù đã trao nhưng vật vẫn là “của chung” chẳng rời. Lí trí nàng đã mong muốn em mình cùng người mình thương “nên vợ nên chồng”, có một cuộc sống gia đình hạnh phúc về sau. Thế nhưng:
“Dẫu lìa ngó ý còn vươn tơ lòng”
Đến cuối cùng vẫn là số phận bạc bẽo, nàng chỉ có thể ngậm ngùi chôn dấu đi con tim mà chọn nghe theo lí trí. Dù vật đã trao đi nhưng gánh nặng lại tựa hồ chưa thể trút bỏ, cứ luẩn quẩn một chút xót thương cho bản thân:
“Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”
Những tình cảm vẫn cứ dằn xé tâm can nàng chẳng thể vứt bỏ khi cũng lại mong muốn cả Kim Trọng và Thúy Vân đều mãi không quên. Mong em vì tình máu mủ chị em mà còn nhớ đến người chị bạc mệnh, mong chàng là còn giữ lại tình cảm mà khắc sâu bóng hình người con gái chàng yêu. Tâm như tan thành từng mảnh, đau đến nghẹt thở, Kiều tự nhận bản thân là kẻ “mệnh bạc”, là kẻ hồng nhan bất hạnh để rồi mong một mai dù kẻ bạc mệnh này chẳng còn, dù thân ngọc nát, dù hồn đã tan nhưng “của chung” còn đó, còn phím đàn khi xưa nàng đàn chàng nghe, còn mảnh hương lúc trước chàng đã “đài sen nối sáp, gò đào thêm hương” mà giữa một đêm viết lên một câu ước định. Người dù mất, vật lại chẳng phôi phai như lời nhắc nhở người nhớ đến, viễn vĩnh một đời, hiển hiện trong tiềm thức.
Từ lời nói, mong muốn của nàng ta có thể nhìn ra sự ích kỉ trong đó, và không chỉ thế, nó còn có cả sự yếu đuối của Thúy Kiều. Để rồi tự sự ích kỉ và yếu đuối ấy, ta lại thấy được nỗi niềm dằn xé tâm can, sự đau đớn, tiếc nuối đến tột cùng của Kiều ngay chính thời khắc trao duyên ấy. Cho ta thấy tình cảm sâu nặng của Thúy Kiều đối với Kim Trọng, nàng thừa biết đã chẳng còn có thể cứu vãn, chẳng còn có thể đổi thay được nữa. Duyên đến đây đã đứt, tình đến đây chẳng cạn đành chôn, hiếu tình chẳng thể vẹn toàn, lời thề nàng nay đã chẳng thể trọn. Nàng dù không cố ý nhưng chính nàng là người bội ước, chính nàng là người đã chọn từ bỏ, nàng cố níu kéo, níu lấy dù biết đó cũng chỉ còn là hình thức, níu lấy những ái ân trong tuyệt vọng, trong sự đau khổ, dằn vặt, trong sự trống trải, hỗn loạn và rối bời bởi nàng cũng chỉ đành “phụ chàng từ đây”.
Sau khi đưa tận tay kỉ vật đôi lứa cho Vân, nỗi đau, sự bất lực trước số phận nghiệt ngã của Kiều không dừng lại mà còn được tô đậm thêm. Kiều chạy trốn khỏi thực tại buồn đau, phũ phàng. Nàng hướng tới tương lai thế nhưng lại ngỡ ngàng gục ngã khi đó là một màn đêm tịch mịch, một tương lai đen tối, thảm thương trong dự cảm:
“Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này,
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”
Một chữ “mai sau” đối với Thúy Vân là đã định hạnh phúc trăm năm, là gia đình êm ấm, còn với Kiều, đó là một đoạn đường mờ mịt, vô định. Nàng mường tượng ra cảnh tương lai của bản thân đầy mờ ảo, phủ đầy một màn âm u, cô tịch. Từng lời Kiều nói khi chỉ về tương lai lại mang đâu đó sự não nề, thê lương. Sự bế tắc, khổ và đau thương tột độ trong lòng nàng chất chứa trong từng câu nói. Những hình ảnh não lòng mang chút âm khí hiện ra hàng loạt những từ mang âm hưởng cô tịch, chết chóc như một vết cứa rỉ máu vào lòng người đọc. Giữa biến cố bất ngờ, giữa một xã hội bất công, nơi con người chỉ vì đồng tiền mà sẵn sàng hãm hại nhau, sẵn sàng vu oan cho người khác, sẵn sàng phá đi một mái ấm gia đình, Kiều không dám nghĩ đến việc mưu cầu cho hạnh phúc cho bản thân, không trông mong cho cuộc sống sau này mà lại chỉ mong được chứng kiến hạnh phúc của em gái cùng người mình yêu. Người con gái tuổi mới mười tám đã nghĩ đến cái chết bi kịch, lại chỉ một lòng mong mỏi được thanh thản. Đau xót thay cho một số phận tài sắc vẹn toàn nhưng sớm rơi vào thảm cảnh, bi kịch, phải đành bán thân chuộc cha nhưng vẫn không quên nghĩ đến nghĩa tình, nghĩ đến lời hẹn thề:
“Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai”
Dù sống hay chết, Kiều vẫn luôn hướng đến người mình yêu thương, luôn có đền đáp, trả cho chàng một chữ “nghì” trọn vẹn, một chữ ân nghĩa thấm đẫm. Dẫu khi còn trên nhân gian đánh duyên tan, tình đứt, cách biệt đôi đường thì dù nàng đã xuống dưới âm phủ, cách biệt âm dương, khoảng cách vô tận thì cũng chẳng xóa nhòa đi tình yêu nàng dành cho Kim Trọng. Nàng sẽ mãi mãi hướng về chàng, kể cả “nát thân bồ liễu” cũng không phai đi một tấm chân tình bất diệt, son sắc.
“Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin chén nước cho người thác oan”
Nàng đối với tương lai không mưu cầu sự sống lại chỉ khao khát mãnh liệt sự thương xót, đồng cảm ở Thúy Vân và Kim Trọng, muốn nhận được giọt nước mắt giả oan từ em gái và nỗi nhớ nhung thấu hiểu từ Kim lang chàng. Từ lời nói tha thiết, khẩn cầu đầy uất ức, đầy sự kìm nén chịu đựng trước cái chết oan khuất, bế tắc của bản thân.
Đoạn thơ như một lần nữa thể hiện tài năng miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật của Nguyễn Du cũng như nghệ thuật sử dụng ngôn từ tinh tế, điêu luyện của tác giả. Qua đoạn thơ, ta thấy được cái “sức cảm thông lạ lùng” của đại thi hào dân tộc đối với những khổ đau và khát vọng tình yêu của con người. Đoạn trích là một cảnh đời bi kịch, một số phận nghiệt ngã đến xé lòng của Kiều. Với sự trải nghiệm và cái nhìn sâu sắc, từng lời thơ của Nguyễn Du như trải dài từng tầng nỗi đau vô hình. Từng chữ không chỉ khắc họa lên trong lòng người đọc một Thúy Kiều chân thực, giàu đức hi sinh, luôn nghĩ cho người khác mà còn để lại những cung bậc cảm xúc từ nghẹn ngào, chua xót đến thương cảm cho một mảnh đời, một số phận bị vùi dập.
Kết Tổng
Qua cảnh “trao duyên”, Kiều một lần nữa như sống dậy trước mắt người đọc, cho ta thấy một nàng Kiều không chỉ sắc nước khuynh thành mà còn thấu tình đạt lí, mang trong mình một ý thức về tình yêu cao đẹp và cuộc sống. Mượn lời Kiều bày tỏ lòng Kiều, đoạn trích là những dòng thơ nhắn nhủ, thể hiện tâm tư tình cảm của Kiều, những đau xót và tình yêu sâu đậm của nàng. Lời thơ tha thiết, động tình, Thúy kiều hiện lên trong đoạn trích không chỉ là một tấm gương đạo lý đơn thuần mà còn là một con người trần thế sống động. Nàng có yêu, có khổ, có buồn, có đau. Nguyễn Du đã rất thành công trong việc miêu tả tâm lý nhân vật, cho người đọc thấy rõ được nỗi niềm day dứt và dằn xé của Kiều, từ đó gợi lên một sự thương cảm, đồng cảm sâu sắc đến số phận hẩm hiu của Kiều nói riêng và người phụ nữ phong kiến bấy giờ nói chung. Đồng thời Nguyễn Du cũng gửi gắm sự tôn trọng, nâng niu những con người đẹp, biết trọng chữ hiếu, vẹn chữ tình, đồng thời lên án xã hội bất công, bạc bẽo đã đẩy con người vào cửa ải chia lìa, chia cắt hạnh phúc lứa đôi của những người xứng đáng được hưởng hạnh phúc.
Thời Thu (4 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 801
Mình nghĩ là bạn nên liên hệ đến Đạm Tiên khi Kiều nghĩ tới cái chết. Ủng hộ bạn chút ít
Trần Hồng Đan (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 5387
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng, bạn viết thành vươn rồi nhé! ?
Đông Hưng (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 4975
lỗi chính tả trước nhé: dang dỡ=>dang dở; trong mong=>trông mong
Ngoài ra còn có lặp từ các thứ, và có 1 câu không được ổn lắm.
"Mối tình Kim Kiều như hoa... chẳng thể đơm hoa kết quả." Ngay từ đầu đã so sánh với hoa nở nhưng mau tàn thì đã là đơm hoa rồi, bạn chỉ nên ghi là "chẳng thể kết quả" thôi là được.