- Phân tích hình tượng sông Đà.
- Tác giả: Bình Tâm
- Thể loại:
- Nguồn: Tự viết
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.133 · Số từ: 2914
- Bình luận: 0 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 1 dương quỳnh
Nói đến “Người lái đò sông Đà”, đọc giả không thể nào quên hình tượng dòng sông Đà đã được Nguyễn Tuân xây dựng với niềm hứng khởi cao độ. Dòng sông chủ yếu được miêu tả khi đặt trong tương quan với cuộc chiến đấu của người lái đò. Hai hình tượng này soi chiếu vào nhau, bộc lộ đặc tính, khí chất, thông qua nhau mà hiện ra rất đáng nhớ trong cảm nhận của người đọc.
Trong nền văn học Việt Nam có không ít những trang văn viết về sông nước, về các con sông quê rất mến yêu như “Nhớ con sông quê hương” của Tố Hữu, “Bên kia sông nước” của Hoàng Cầm,… nhưng phải nói rằng, chỉ đến Nguyễn Tuân mới có một con sông hoàn toàn như một con người có cuộc sống riêng, đặc điểm riêng không thể nào trộn lẫn. Dưới mắt Nguyễn Tuân, sông Đà có hai tính cách nổi bật vừa đối chọi, vừa thống nhất với nhau đó là hung bạo và trữ tình.
Sự hung bạo của sông Đà có nhiều biểu hiện rất đáng nhớ.
Đầu tiên, Nguyễn Tuân muốn lưu ý tới “cảnh đá bờ sông dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ đúng ngọ mới có mặt trời” và “vách đá thành chẹt sông Đà như một cái yết hầu”. Sử dụng trí tưởng tượng liên tưởng, người đọc có thể hình dung độ cao sừng sững cùng với độ rộng của đá sông Đà. Nó khiến sông Đà hẹp lại, tăm tối. Để nhấn mạnh độ hẹp của lòng sông do “vách đá thành chẹt lại” Nguyễn Tuân còn sử dụng hình ảnh “đứng bên này nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách”, “con nai con hổ vọt từ bờ này sang bờ kia”. Đúng là một cảnh hù dọa dù nó hoàn toàn không gây nguy hiểm cho con người như ở đoạn khác.
Tuy nhiên, sự hù dọa ấy đã có kết quả. Nó khiến cho những ai “ngồi trong khoang đò đã qua quãng ấy đang mùa hè mà cũng thấy lạnh” bởi ánh mặt trời quanh năm hầu như không thể chiếu vào.
Để cụ thể hóa hơn về cảm nhận rợn ngợp của con người khi ở giữa lòng sông, Nguyễn Tuân đã sử dụng một hình ảnh so sánh rất “thành thị”, hình ảnh một người “như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”. So sánh ở đây thật bất ngờ giúp người đọc trải nghiệm cảm giác ớn lạnh một cách cụ thể nhất, dễ dàng nhất, để từ đó có khả năng tự giác tốt hơn về những điều mà nhà văn đã tả và kể.
Nói đến tính cách hung bạo của sông Đà, không thể không nói đến những quãng sông nơi mặt ghềnh Hát Loong. Độ dài của nó được miêu tả “hàng cây số” với tính chất hết sức dữ dội, hiểm trở bởi nơi đây “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè”. Bằng nhịp điệu câu văn ngắn, dồn dập, lặp cú pháp, tác giả đã giúp người đọc hình dung ra được sự cộng hưởng của các thế lực nước, đá, gió, chúng xô đuổi nhau, nối tiếp nhau, hỗ trợ cho nhau, làm mưa làm gió trên quãng mắt ghềnh này.
Cụm từ chỉ thời gian “suốt năm” cho thấy sự nguy hiểm mà quãng sông này mang lại là triền miên, liên tục, không một ngày nào ngưng nghỉ. Bằng biện pháp tu từ nhân hóa, so sánh, ông còn hình dung sông Đà trong diện mạo của một kẻ “lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò nào”. Hành động đòi nợ một cách vô lí càng cho thấy sự ngang ngược, hung hiểm của con sông. Hậu quả mà nó để lại là vô cùng đáng sợ, bởi nếu thuyền dễ khinh suất tay lái thì “dễ lật ngửa bụng ra”.
Quãng mặt ghềnh Hát Loong đã trở thành một mối nguy hiểm tiềm ẩn, thường trực trên sông nước đối với người lái đò sông Đà.
Tính cách hung bạo của sông Đà còn được tái hiện rất hấp dẫn, sinh động, thông qua những cái hút nước ở quãng đò Mường Lát phía dưới Sơn La. Nguyễn Tuân đã rất công phu đưa ra những so sánh liên tưởng tưởng tượng táo bạo, chính xác, tuyệt vời để những cái hút nước hiện lên ghê rợn được như trong thực tế. Những cái hút nước gây ấn tượng mạnh với thị giác của đọc giả thông qua hình ảnh “như cái giếng bê tông”, “trên mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn”. Giờ đây, những cái hút nước hiện lên hữu hình cụ thể, có độ dày, độ dài, độ sâu và nguy hiểm chết người như sự báo hiệu của những cánh quạ trong thực tế. Âm thanh của những cái hút nước này liên tục được miêu tả “thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”, “nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”. Điều đó cho thấy lưu tốc dòng chảy xuống những cái hút nước là rất mạnh, dữ và cuốn xoáy. Như sợ rằng người đọc vẫn còn chưa cảm thấy hãi hùng trước những cái hút nước này, nhà văn đã dùng cách nhìn của điện ảnh và thủ pháp “ngược ống kính” từ đáy cái hút nước ngược lên vách thành làm thôi miên tất cả chúng ta.
Một lần nữa, thị giác của đọc giả được thỏa mãn khi nhìn thấy “một cột nước cao đến vài sải,… thành nước xây toàn bằng nước sông xanh ve, một áng thủy tinh khối trúc dày”. Phải thật là một người giàu trí tưởng tượng, có óc quan sát tinh tế, tỉ mỉ, từng có trải nghiệm thiết thực, Nguyễn Tuân mới có thể viết những trang hoa, tờ hoa hấp dẫn đến thế.
Không còn chỉ là sự đe dọa “không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy”, bởi đã nhiều lần chứng kiến “những bè gỗ rừng bị cái giếng lôi tụt xuống. Thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến 10 phút sau mới thấy tan tác ở khuỷnh sông dưới”. Hệ quả mà những cái hút nước này gây ra là thiệt hại về người và của. Lối hành văn của Nguyễn Tuân khiến người đọc cảm thấy hồi hộp, lo lắng giống y như bản thân mình đang tham gia một cuộc trải nghiệm đích thực ngay trong hút nước sông Đà.
Khám phá đích thực nhất của Nguyễn Tuân về đặc tính hung bạo của sông Đà nằm ở đoạn miêu tả thác nước. Thác nước bày ra một thế trận hết sức oai hùng, sẵn sàng bóp nát người lái đò liều lĩnh. Hãy nghe tiếng gào man dại của nó được Nguyễn Tuân ghi lại “như là oán trách gì, rối lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, gằn giọn mà chế nhạo… rống lên như một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng tre nứa đổ lửa… rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bừng bừng”. Bằng nghệ thuật nhân hóa, so sánh tài ba cũng như hình ảnh rất đắt, Nguyễn Tuân đã cho thấy một cảnh thác nước hùng vĩ, nguy hiểm vô cùng. Lần đầu tiên trong văn thơ, có người lại dùng lửa để miêu tả nước, hai nguyên tố có sức hủy diệt rất lợi hại luôn tương khắc nhau, giờ lại tương hỗ cho nhau, làm nổi bật sự nguy hiểm của thác nước sông Đà. Nguyễn Tuân quả là một người nghệ sĩ bậc thầy trong việc sử dụng từ ngữ.
Hãy tận mắt chứng kiến một trận đồ của sóng và đá phối hợp với nhau do Nguyễn Tuân vẽ nên bằng ngòi bút góc cạnh và giàu tính tạo hình để chúng ta hiểu như thế nào là thạch trận sông Đà. “Đá ở đây ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm, méo mó…”. Ba trùng vi thạch trận của sông Đà thật sự rất nguy hiểm, không chỉ với lực lượng chiến đấu hùng hậu mà còn có “tổng tư lệnh” sông Đà giao việc cho mỗi con sóng, hòn đá.
Ở trùng vi thứ nhất, sông Đà bày ra “năm cửa trận, có bốn cửa tử và một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông”. Hàng tiền vệ, có hòn cạnh một cửa đá trông như là sơ hở, thực chất chúng đóng vai trò dụ chiếc thuyền vào tuyến giữa. Vừa vào trận địa, người lái đò đã bị sóng nước sông Đà tấn công dồn dập “mặt nước hò la vang dậy… ùa vào bẻ gãy cán chèo… sóng nước như quân liều mạng… đá trái, thúc gối… túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra. Đánh đến miếng đòn hiểm nhất, bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò.”
Ở trùng vi thứ hai, sông Đà “tăng thêm cửa tử,… cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn… dòng thác như hùm beo đang hồng hộc tế mạnh”, tại trận chiến giáp lá cà này, chúng quyết sinh, quyết tử với người lái đò.
Cuối cùng, đến trùng vây thứ 3 “ít cửa sống hơn, bên phải, bên trái đều là luồng chết cả”. Luồng sống nằm ở ngay giữa bọn đá hậu vệ. Tại đây, những boong ke chìm và pháo đài đá nổi có nhiệm vụ đánh tan tác cái thuyền. Trận đấu này khiến ta liên tưởng đến hình ảnh người lái đò như một cung thủ trong cuộc chiến sống mái với kẻ thù, với một loài thủy quái hung tàn, bạo ngược biết bày thạch trận, thủy trận với “diện mạo và tâm địa của một thứ kẻ thù số một”.
Bên cạnh nét hung bạo, Nguyễn Tuân còn miêu tả sông Đà với phương diện trữ tình thơ mộng. Tuy cùng với nét hung bạo là trái ngược nhau nhưng tất cả đều có thật, đều được nhà văn khám phá ra và tái hiện một cách chính xác, chân thực.
“Con sông tuân dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời. Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng Hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”, thật là một vẻ đẹp kiều diễm làm say lòng người, khơi dậy ở mỗi chúng ta một niềm hứng khởi dào dạt. Câu văn khá dài đòi hỏi người đọc phải đọc một mạch, phải chăng Nguyễn Tuân muốn nói với người đọc rằng: dù ông có nói đến cạn lời cũng không nói hết nỗi niềm cảm xúc mà con sông Đà gợi lên.
Cái trữ tình của sông Đà còn biểu hiện ở màu nước của nó – một màu nước đầy tính biểu cảm, phản chiếu rất rõ tâm trạng của một sinh thể có cuộc sống riêng. Bằng con mắt hội họa rành rõi, nhà văn nhìn thấy “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ của một người bất mãn, bực bội một điều gì đó mỗi độ thu về”. Nhà văn chọn lấy hai màu đẹp nhất để miêu tả sắc nước sông Đà, màu sắc đặc trưng không thể bị trộn lẫn với bất cứ dòng sông nào. Đồng thời, tác giả cũng khẳng định “chưa hề bao giờ thấy sông Đà là đen”, bởi đó là cách gọi lếu láo của bọn thực dân Pháp.
Nói tóm lại, từ trên tàu bay nhìn xuống, sông Đà không khác gì một mỹ nhân Tây Bắc gợi cảm, thay màu áo thật bất ngờ, tình tứ và đầy quyến rũ.
Trong con mắt của một người đi từ rừng ra, con sông Đà như một “cố nhân”, “sự gợi cảm của nắng tháng Ba Đường thi”. Người “cố nhân” đó đã khiến người đi rừng gặp lại cảm thấy “vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”.
Sông Đà có lẽ trữ tình nhất ở đoạn trung, hạ lưu, quãng sông này cảnh sắc tĩnh lặng mà đầy thơ mộng. Cảnh ven sông lặng tờ, hình như từ thời Lý, Trần, Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế. Có những cảnh hoang vu, hoang sơ đến kì lạ “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Cảnh sắc tĩnh lặng khiến người trên thuyền có thể nghe tiếng “Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bung trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến”. Tác giả đã khéo léo dùng cái động để tả cái tĩnh, mỗi câu viết ra như một âm hưởng của câu thơ.
Quãng sông Đà ở đoạn trung, hạ lưu còn nổi bất với vẻ đẹp xanh mướt, trắng sáng, xanh tươi mơn mởn. Đó là “những nương ngô như lên mấy lá ngô non đầu mùa… cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp… búp cỏ gianh đẫm sương đêm”.
Trong lúc đang thưởng thức thức cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng tuyệt đẹp, nhà văn bỗng cảm thấy “thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp – lê của một chuyến xe lửa”. Bởi nhà văn mong muốn đất đai ở đây sẽ có người khai phá, đường xá sẽ được mở ra, những ngôi làng, thị trấn sẽ được mọc lên để tô điểm, làm giàu thêm cho cảnh đẹp hoang sơ mà trữ tình nơi đây.
Trở về với thực tại, lênh đênh trên dòng nước xanh ngọc đẹp đẽ, phẳng lặng, nhà thơ có sự đồng điệu trong cảm xúc như Tản Đà ngày trước:
“Dải sông Đà mặt nước lênh đênh
Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình”
Nói tóm lại, thông qua hình tượng sông Đà, Nguyễn Tuân đã nói lên một cảnh Tây Bắc thật hùng vĩ mà không kém phần trữ tình. Sông Đà quả là quà tặng vô giá của thiên nhiên.
Nguyễn Tuân là một người yêu đến đắm say những vẻ đẹp của non sông đất nước. Khi ông hân hoan cất tiếng ca ngợi sông Đà chính là khi Nguyễn Tuân muốn bộc lộ tấm chân tình trung hậu của một người con đất Việt đối với quê hương. Hình tượng sông Đà là một bằng chứng đẹp đẽ của một người tài năng và một tấm lòng tha thiết. Từ một góc nhìn khác, chúng ta còn thấy khi Nguyễn Tuân đem hết vốn liếng, ngôn ngữ giàu có của mình để miêu tả con sông Đà thì đó cũng là lúc ông có ý thức tạo ra một bối cảnh thích hợp cho sự xuất hiện của hình tượng “người lái đò sông Đà”. Vì vậy, rõ ràng khi viết về sông Đà, Nguyễn Tuân không chỉ thuần thúy viết về một vể đẹp thiên nhiên mà còn là một cơ hội để ông phát biểu những điều tâm huyết về cuộc đời.
Tác phẩm “Người lái đò sông Đà” được Nguyễn Tuân miêu tả bằng nhiều biện pháp nghệ thuật đặc sắc, độc đáo: so sánh, nhân hóa, liên tưởng tưởng tượng, sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn các hình thức ngành nghề khác nhau (quân sự, điện ảnh, thể thao,…). Sông Đà xứng đáng trở thành kẻ thù số một của người lái đò và cũng là mỹ nữ đẹp nhất của núi rừng Tây Bắc.