- Phân tích tác phẩm “chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu
- Tác giả: Viên Viên
- Thể loại:
- Nguồn: Tự sáng tác
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 2.278 · Số từ: 2372
- Bình luận: 0 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 2 Viên Candy Trầnn Quỳnh
Có những câu chuyện đi vào lòng người một cách sâu sắc. Có những câu chuyện lấy đi nước mắt của người đọc. Lại có những câu chuyện khiến lòng người hừng hực khí thế. Và tác phẩm “chiếc thuyền ngoài xa” của tác giả Nguyễn Minh Châu cũng không ngoại lệ. Tác phẩm để lại trong lòng người đọc nỗi ám ảnh về người đàn bà hàng chài.
Trước tiên ta cùng tìm hiểu đôi nét về tác giả Nguyễn Minh Châu. Trước năm 1975 ông là ngòi bút sử thi có thiên hướng lãng mạn. Từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX sáng tác của ông chuyển hẳn sang cám hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lý nhân sinh. Ông được nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét “là một trong những người mở đường cho tinh anh và tài năng” tác phẩm “chiếc thuyền ngoài xa” là tác phẩm tiêu biểu cho thời kỳ đổi mới hướng nội khai thác sâu sắc trước số phận cá nhân trong đời thường. Tác phẩm được viết sau năm 1975 lúc đầu in trong tập Bến quê sau đó được in trong tập truyện ngắn cùng tên (1985).
Mở đầu tác phẩm nói về người nghệ sỹ Phùng được giao nhiệm vụ chụp tấm ảnh để làm lịch tháng bảy. Đó chính là cơ duyên đưa anh đến với làng chài ấy đưa anh đến với những chiêm nghiệm mà có lẽ cả đời anh cũng không thể quên. Sau nhiều ngày ở làng chài nghệ sỹ Phùng vẫn chưa chụp được một bộ ảnh ưng ý. Cho đến buổi sáng bình minh hôm đó anh đứng dưới chiếc xe tăng đã hỏng nhìn về phía biển. Một chiếc thuyền rẽ sóng đến ngay khoảnh khắc đó người nghệ sỹ đã reo hò rồi bối rối. Bức tranh thiên nhiên bằng mực tàu hiện ra trước mắt anh. Khung cảnh bờ biển mờ hơi sương trắng pha chút màu hồng hồng của ánh nắng chiếu vào. Chiếc thuyền như trong câu chuyện cổ tích bước ra “toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”. Người nghệ sỹ trở nên bối rối, đắm say trước bức tranh thiên nhiên ấy. Anh lấy máy ảnh ra nháy liên tục hy vọng sẽ lưu giữ được khoảnh khắc đẹp đẽ ấy khoảnh khắc trắng ngần trong tâm hồn.
Nghệ sỹ Phùng vui vẻ vì cuối cùng anh cũng đã có được bộ ảnh ưng ý. Nhưng sau niềm vui mừng ấy anh lại nhận được điều ngạc nhiên lớn hơn. Từ chiếc thuyền ấy một người phụ nữ xấu xí và một người đàn ông tướng tá thô kệch có đôi vai rộng như vai gấu bước xuống. Gã cúi gằm mặt cái lưng khum khum đôi mắt hằn đỏ như một con mãnh thú đang tức giận. Hai người cứ bước đi cho đến khi dừng lại gã đàn ông bỏ thắt lưng ra quất từng quất đầy đau đớn lên người phụ nữ. Người phụ nữ im lặng không oán than không kêu đau tất cả chỉ có im lặng và cam chịu.
Nghệ sỹ Phùng bị biến cố này làm cho bất ngờ anh đứng bất động tại chỗ. Đến khi anh lấy lại tinh thần xông ra thì nhìn thấy thằng Phát. Cái thằng bé hiền lành ngây thơ ấy đang chạy về phía hai người. Anh bàng hoàng nhận ra thằng bé Phát không còn là cậu bé hiền lành mà anh biết trong đôi mắt nó là sự thù hận giống y như khuôn mặt của gã đàn ông ấy. Thằng bé lao ra giằng lấy chiếc thắt lưng từ tay gã bảo vệ người đàn bà khỏi đòn roi. Gã đàn ông không cam chịu nhưng lại không giành được chiếc thắt lưng gã trở nên bực tức tát hai cái lên mặt thằng bé. Gương mặt thằng bé ửng đỏ hiện lên dấu bàn tay của gã. Từ đầu đến cuối tất cả chỉ diễn ra trong câm lặng và bạo lực. Người phụ nữ lúc này như mới cảm nhận được nỗi đau mụ khóc nước mắt rơi không ngừng. Mụ ôm thằng Phát vào lòng sự thương tiếc đau khổ ẩn hiện trong đáy mắt. Rồi mụ buông thằng Phát ra bước theo gã đàn ông lên chiếc thuyền.
Cùng một buổi sáng nghệ sỹ Phùng giống như đi từ mùa xuân đến mùa đông. Ban đầu là mùa xuân đẹp đẽ ấm áp lúc sau là cái lạnh buốt thấu tâm can của mùa đông. Bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ đến vậy nhưng ẩn sâu trong nó lại là bức tranh trái ngược. Một bức tranh phi thẩm mỹ, phi nhân tính được phác họa bởi hình ảnh người đàn bà xấu xí, người đàn ông thô kệch. Người đàn ông đánh người phụ nữ là vợ mình, đánh thằng bé là con trai của mình. Nghịch lý và ngang trái cái vẻ đẹp trời cho ấy lại chẳng thể nào nói lên bức tranh xấu xí đằng sau. Liệu đây có phải là sự gửi gắm của tác giả đến với chúng ta cuộc đời hãy còn nhiều nghịch lý mắt thấy chưa có thể là tất cả tai nghe chưa chắc là toàn bộ. Và biết đâu đấy đằng sau nó là cả một câu chuyện.
Tác giả còn gửi gắm thông điệp không thể đánh giá con người bằng vẻ bề ngoài mà phải đi sâu vào phát hiện bản chất bên trong. Thông điệp đó được gửi gắm bằng cách mà tác giả nói về người đàn bà hàng chài. Người đàn bà hàng chài hiện lên qua vài câu miêu tả không tên tuổi, không nghề nghiệp, không nhan sắc tất cả về người đàn bà ấy là số không là sự nhạt nhòa. Bà sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng vì bị đậu mùa từ nhỏ khuôn mặt xấu xí không ai lấy. Bà lại phải lòng gã thanh niên nghèo cục tính hiền lành chính là gã vũ phu bây giờ rồi theo chân gã. Tài sản của bà là trên dưới mười đứa con những ngày đói biển động bọn họ ăn xương rồng luộc chấm muối qua ngày. Một cuộc đời cơ cực lam lũ hiện lên trong mắt người đọc. Vất vả khổ cực đến thế là cùng. Nhưng không tận cùng của nổi đau chưa phải ở đây tận cùng của nỗi đau đối với người đàn bà ấy là việc phải bỏ chồng mình cái gã vũ phu.
Nghệ sỹ Phùng và chánh án Đẩu nghĩ điều đó thật điên rồ một người cứ suốt ngày hành hung “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” làm sao mà sống nổi. Nhưng người đàn bà hàng chài lại hiểu rõ bà không thể bỏ gã. Trên dưới mười đứa con cần gã một mình bà không thể gồng gánh nuôi chúng. Một mình bà và đàn con nhỏ không thể vượt qua được sóng to gió lớn của biển khơi nơi nguy hiểm rình rập. Và chính cái lúc gian nan hiểm nguy ấy trên chiếc thuyền cần một người đàn ông trèo lái đưa con thuyền vượt qua bão tố. Hơn ai khác chồng của bà mới có thể làm việc đó cho dù gã có độc ác gã có vũ phu thì gã vẫn là người gồng gánh cả già đình.
Sự cam chịu của bà không chỉ thể hiện ở việc bà im lặng chịu đòn roi mà còn ở chi tiết bà “đưa một cánh tay lên có lẽ định gãi hay sửa lại mái tóc nhưng rồi lại buông thõng xuống, đưa cặp mắt nhìn xuống chân”. Bà muốn chỉnh trang lại mái tóc đã rối bù hoặc có lẽ là muốn gãi đầu nhưng rồi bà lại buông tay. Bà buông tay vì lẽ gì đây? Bà đang suy nghĩ về điều gì? Có lẽ và cũng có thể bà đang nghĩ vén tóc lên rồi nó sẽ lại rối thà cứ để như vậy. Hay là bà nghĩ vén lọn tóc lên bà cũng chẳng thôi xâu xí, thôi nhếch nhác, thôi đói khổ. Bà buông tay, bà buông xuôi tất cả, buông xuôi chính mình, buông xuôi cho số phận. Bà cam chịu, cam chịu cuộc sống lam lũ, cam chịu đòn roi, cam chịu người đàn ông vũ phu.
Dù bị đánh nhưng bà vẫn rất thương chồng mình cảm thông cho nỗi vất vả của chồng tự nhận về mình tất cả tội lỗi “giá như tôi đẻ ít hơn thì đã bớt khổ” trong lòng bà người chồng của mình bản chất là một người hiền lành ít nói nhưng vì cuộc đời xô đẩy vì khổ quá lại chẳng có chỗ giải tỏa nên gã mới chọn bà là nơi trút giận. Khi đánh người đàn bà hàng chài gã đã nói “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!”. Đó là sự tóm gọn của đau khổ trong gã. Gã một người đàn ông sức rộng vai dài chẳng thể cho vợ con một đời ấm no. Gã hận thù chính mình hận thù tất cả. Cuộc đời gã sao lại khổ thế này? Một đàn con nheo nhóc, một người vợ tần tảo là gánh nặng của gã. Gã không thể khóc cũng không thể kể lể gã chỉ có thể đánh “bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh”. Người đàn bà hàng chài hiểu rõ điều đó bà thương chồng mình tha thứ cho chồng mình mọi lỗi lầm. Bên trong cái vẻ ngoài xấu xí rụt rè ấy là người phụ nữ giàu tình thương, giàu lòng vị tha hiểu lẽ đời sâu sắc.
Trong chuỗi đau khổ liên miên không dứt ấy bà cũng có niềm vui là nhưng phút giây vui vẻ hạnh phúc bên con. Đó chính là ánh sánh khiến bà vượt qua tất cả. Niềm vui, niềm động lực của bà là cả nhà quây quần bên mâm cơm sung túc sau ngày bội thu. Là nụ cười tươi rạng rỡ của con khi được ăn bữa cơm no đủ với bà đó là hạnh phúc. Bà yêu con mình mong muốn những điều tốt đẹp đến với con. Bà gửi thằng Phát về nhà ngoại mong muốn cuộc đời nó sẽ được học hành đầy đủ rồi sau này sẽ không đi vào bước chân của cha mẹ nó. Bà xin chồng mình lên bờ rồi mới đánh mình vì sợ sẽ ảnh hưởng đến con. Khi xuống thuyền bà “ngước mắt nhìn ra ngoài mặt phá nước chỗ chiếc thuyền đậu một thoáng”. Bà nhìn để yên tâm rằng con cái mình không nhìn thấy cảnh cha nó đánh mẹ nó. Với những tâm hồn non nớt sẽ để hằn trong đấy những vết thương tâm hồn không thể nào phai nhòa không thể nào chữa lành. Qua đó nói lên người đàn bà hàng chài là một người mẹ giàu đức hy sinh yêu thương con bằng cả trái tim.
Tác giả còn để cho chúng ta thấy được cái nhìn của các nhân vật trong tác phẩm. Đó là cái nhìn của chánh án Đẩu của nghệ sỹ Phùng về người đàn bà hàng chài về người chồng của bà. Chánh án Đẩu là người tốt nhưng lại chưa hiểu đời sâu sắc. Ông khuyên người đàn bà hàng chài bỏ gã vũ phu ấy đi. Nhưng lại chẳng nghĩ thấu đáo đến việc bỏ gã bà và các con sẽ sống ra sao? Sau khi nghe người đàn bà hàng chài kể ông đã vỡ lẽ ra nhiều điều. Cuộc sống luôn nhiều ngã rẽ dù đúng dù sai dù sướng dù khổ mỗi người đều bị buộc chặt trong một sợi dây liên kết vô hình nào đó. Người trong cuộc mới là người hiểu rõ nhất muốn hiểu lòng dân giúp đỡ dân thì phải đặt mình vào vị trí của dân. Còn người nghệ sỹ Phùng lại hiểu ra một điều. Nghệ thuật phải thật sự nói lên hiện thực của đời sống thì mới là nghệ thuật thật sự. Nghệ thuật vị nhân sinh chứ không phải nghệ thuật vị nghệ thuật. Nghệ thuật chân chính không thể tách rời cuộc sống. Nghệ thuật chân chính phải là cuộc đời và vì cuộc đời.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã thành công trong việc tạo tình huống chuyện độc đáo có ý nghĩa khám phá phát hiện về đời sống. Ngôn ngữ trong tác phẩm sinh động phù hợp với tính cách nhân vật lời văn giản dị mà sâu sắc đa nghĩa. Góp phần khắc họa cũng như nói lên chiêm nghiệm sâu lắng của tác giả về nghệ thuật và cuộc đời. Đồng thời là hồi chuông báo động về tình trạng bạo hành gia đình và hậu quả khôn lường của nó. Khi mà có lần Phát đã cầm cả con dao găm đi gặp bố mình. Có lẽ mỗi chúng ta cần một khoảng lặng để suy ngẫm về cuộc đời về nhân sinh hãy đưa ra lựa chọn đúng đắn, đừng vội vàng, đừng khiến mình trở thành người đàn bà hàng chài hay là gã vũ phu.