Văn chương là lĩnh vực của cái đẹp mà nhà văn là người dẫn đường vào xứ sở của cái đẹp, giá trị hàng đầu của văn chương là giá trị thẩm mỹ. Điều đó có nghĩa là bất kì nhà văn nào cũng khao khát cái đẹp. Nguyễn Tuân cũng không ngoại lệ, ông được mệnh danh là “một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp”. Sáng tác cả trước và sau Cách Mạng tháng Tám – 1945, quan điểm thẩm mỹ của Nguyễn Tuân tuy thống nhất nhưng ở mỗi thời điểm lại có sự khác biệt. Đặc biệt là sau Cách Mạng tháng Tám, quan điểm về cái đẹp của ông có nhiều điểm mới mẻ, độc đáo, thể hiện sự trăn trở của nhà văn về cuộc đời và con người. Tất cả điều đó được thể hiện tập trung trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của ông.
Qua văn bản này, Nguyễn Tuân khẳng định cái đẹp xuất phát từ những điều bình dị và gần gũi nhất trong cuộc đời. Nguyễn Tuân khẳng đã phát hiện và ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc qua hình tượng sông Đà và người lao động bình dị, vô danh qua hình tượng người lái đò sông Đà. Nguyễn Tuân còn quan điểm cái đẹp phải gắn liền với sự độc lạ. Trước hết, Nguyễn Tuân chọn đối tượng sáng tác của mình là dòng sông Đà, khác hẳn với dòng chảy của những dòng sông khác:
“Chung thủy giang đông tẩu
Đà giang độc bắc lưu”.
Cái đẹp được đẩy lên đến mức tột cùng khi Nguyễn Tuân miêu tả sông Đà là sự kết hợp giữa hai vẻ đẹp đối nghịch vừa hung bạo, hiểm trở, vừa thơ mộng, trữ tình. Người lái đò trên mặt trận sông nước cũng là đỉnh cao của sự dũng cảm, trí dũng song toàn và rất mực tài hoa của người nghệ sĩ. Các trang văn của Nguyễn Tuân sử dụng hệ thống ngôn ngữ rất công phu, giàu tính tạo hình để tạo ra vẻ đẹp độc đáo, khác biệt của hình tượng sông Đà và người lái đò.
Quan điểm về cái đẹp của Nguyễn Tuân có sự kế thừa và vận động với quan điểm sáng tác trong những tác phẩm trước Cách Mạng của ông. Kế thừa ở chỗ: ông tôn thờ và trân trọng cái đẹp của con người, được khám phá ở phương diện tài hoa nghệ sĩ và đối tượng được nhìn ở góc thẩm mỹ. Nguyễn Tuân tôn thờ cái đẹp nhưng không phải là cái đẹp duy mỹ. Trước Cách Mạng tháng Tám, ông quan điểm cái đẹp phải gắn với thiện lương, sau Cách Mạng, ông quan điểm cái đẹp phải gắn với những cuộc tranh đấu, vật lộn với thiên nhiên để mưu sinh và cống hiến cho đất nước.
Bên cạnh sự kế thừa, quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Tuân còn có sự phát triển ở chỗ: Trước đây, ông khám phá cái đẹp ở những con người tài hoa uyên bác, nhưng sau Cách Mạng là những con người lao động. Nếu trước Cách Mạng, ông tìm cái đẹp ở thời “chí còn vang bóng” thì sau Cách Mạng, cái đẹp trong nhãn quan của Nguyễn Tuân gắn liền với cuộc sống hiện thực lao động. Trước Cách Mạng, cảm hứng về cái đẹp là phủ định thực tại xã hội, còn sau Cách Mạng, cái đẹp gắn với ngợi ca đất nước, tôn vinh con người lao động.