- Quy Tắc Tiếng Việt
- Tác giả: Tổng hợp
- Thể loại:
- Nguồn: Tổng hợp
- Lượt xem: 7.926 · Số từ: 5548
- Bình luận: 3 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 36 La Tròn Vong Tee Cút Sụt Nhỏ Duy Mều Cô Bốn Thiên Phong Tiểu Long Tịnh Vân Phong Thanh Tử Hà Vô Hình Huyết Ngọc Nguyệt Dạ Là Liễu Lan Linh Đấm Chết Đạo Văn Tịch Dương Ngọc Nhan Hằng Chun Hắc Bạch Tĩnh Trần Khánh Đoan Uyên Đào Linh Linh Gấm Nguyễn Thanh Diep Vân An Nguyên San Nguyễn Iyggbyuryg Đằng Tử Đóa Hương Tuan Triet Silvanus Kiếm Xu Mưu Sinh Tống Ngọc Hiệp Vicky Lê báu ếch Châu Vô Danh Hồ Phan Gia Linh
Phần 1:
Những Quy Cách Viết Hoa Trong Tiếng Việt
Chữ hoa và viết hoa được tạo ra nhằm để đối lập với chữ thường. Xưa kia ta dùng chữ Hán và chữ Nôm đều không có lối viết hoa, từ khi dùng chữ quốc ngữ mới có lối viết hoa. Hệ thống chữ viết có liên quan tới âm thanh lời nói, còn chữ viết hoa không nhằm theo hướng đó. Viết hoa là một sáng tạo quan trọng mở ra khả năng hơn nữa của ngôn ngữ. Thế đối lập viết hoa – viết thường đã tạo ra được sự quy ước về mặt cú pháp, ngữ nghĩa, tu từ và cả về lô-gich câu qua cách viết. Có một loại quy cách viết hoa.
I. VIẾT HOA THEO CÚ PHÁP
Lối viết hoa cú pháp đơn giản, dễ thống nhất, vừa thể hiện cú pháp, vừa tỏ rõ tư duy của người viết. Có mấy điểm chú ý:
a. Sau dấu chấm kết thúc một câu (dù là câu đơn hay câu phức), bắt đầu một câu mới phải viết hoa. Ví dụ: Gió thổi từ biển tới. Làn gió mang theo mùi cá tanh nồng và hơi nước mặn.
– Tôi không thể kể hết được… Mà anh hỏi để làm gì cơ chứ?
b. Sau dấu chấm câu xuống dòng, âm tiết đầu dòng viết thụt vào một chút và phải viết hoa. Ví dụ:
Kể từ đó đã 5 năm trôi qua.
Bỗng một hôm người ta thấy nó xuất hiện ở đầu làng.
c. Sau dấu hai chấm (:) của lời nói trực tiếp hội thoại phải xuống dòng gạch đầu dòng, âm tiết đầu phải viết hoa. Ví dụ:
Tôi hỏi chị:
– Ngày mai chị bay lúc mấy giờ?
– Ba giờ sáng. – Chị buồn bã đáp.
d. Nhắc lại lời nói hay trích dẫn nguyên câu nói, câu viết của người khác, dùng dấu hai chấm (:) rồi mở ngoặc kép, có thể viết không xuống dòng hoặc xuống dòng, nhưng sau dấu hai chấm (:) phải viết hoa chữ cái âm tiết đầu. Ví dụ:
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy: “Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm – trồng người”.
e. Sau dấu chấm hỏi (?), chữ cái âm tiết tiếp liền với dấu hỏi phải viết hoa. Ví dụ:
Liệu đó có là sự thật? Một sự thật phũ phàng? Thế nhưng lại đúng như vậy đấy!
g. Sau dấu cảm (!) (còn gọi là dấu chấm than) đặt ở cuối câu cảm xúc hay câu cầu khiến, chữ cái âm tiết đầu ngay sau dấu này phải viết hoa. Ví dụ:
– Hượm đã nào! Anh ấy ra ngay bây giờ.
– Nỗi bâng khuâng không thể nói ra,
Nỗi khắc khoải sâu xa,
Chính là nỗi nhớ em! Chính là em đấy!
II. VIẾT HOA DANH TỪ RIÊNG TIẾNG VIỆT
Danh từ riêng bao gồm tên riêng người và tên riêng đất (tên địa lí). Viết hoa danh từ riêng là để phân biệt với danh từ chung, muốn chỉ ra con người đó, địa danh đó chỉ có một mà thôi, là cái không giống với cái khác.
Lịch sử chữ quốc ngữ tới nay có nhiều cách viết hoa khác nhau về danh từ riêng chỉ tên người, tên đất. Trong TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT THÔNG DỤNG này chúng tôi trình bày nguyên tắc viết hoa danh từ riêng tên người, tên đất hiện được dùng rộng rãi nhất, mang tính khóa học, tiện dùng, đơn giản.
A. Viết hoa tên người tiếng Việt (Việt Nam)
A.a. Tên người Việt, không phân biệt họ, tên, chữ đệm coi như được riêng hoá – là các danh từ riêng – đều viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết.
A.b. Giữa các âm tiết chỉ họ, chữ đệm, tên không dùng dấu gạch nối.
Ví dụ: Hồ Chí Minh; Nguyễn Trãi; Đinh Trần Liên Hằng, Nguyễn Phúc Mạc Tân; Trần Quốc Tuấn; v.v…
A.c. Tên người Việt Nam thuộc các dân tộc thiểu số anh em ở Việt Nam, nếu có chữ viết theo hệ chữ La-tinh như chữ quốc ngữ hoặc chữ viết khác hệ nhưng đã La-tinh hóa, thì viết hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ như quy tắc đã nêu về tên người Việt ở mục (a) và (b). Ví dụ:
Y Ngông Niê Kđăm, Lục Văn Pảo; Hà Cắm Dì, Mã A Lềnh; Y Điêng, v.v…
A.d. Tên người Việt Nam (thuộc các dân tộc thiểu số anh em ở Việt Nam) nếu chữ viết còn chưa La-tinh hoá như chữ quốc ngữ, hoặc chỉ có tiếng nói mà chưa có chữ viết, thì phiên âm ra chữ quốc ngữ và viết hoa theo nguyên tắc về tên người Việt ở mục (a) và (b). Ví dụ:
Triệu Mùi Say (Dao); Hồ Choóc (Vân Kiều); Pờ Sảo Mìn (Pa Dí); v.v…
A.e. Tên người Việt Nam (thuộc các dân tộc thiểu số anh em ở Việt Nam), nếu chữ viết đã La-tinh hoá nhưng viết liền âm tiết với nhau, hoặc chưa La-tinh hoá, hoặc chưa có chữ viết, nhưng âm tiết đọc liền nhau, thì sẽ viết tên riêng đó như chữ viết La-tinh hoá của dân tộc đó, hoặc phiên âm liền những chỗ có các âm viết liền. Ví dụ:
Bơmah Del (Gia Lai: Rơmăh Dĕl); Rơchom Yơn; Mông Kí Slay (Nùng), v.v..
B. Tên hiệu, biệt hiệu, tên bút danh, tên tự, tên tước hiệu…
B.a. Ngoài tên riêng có người còn có tên tự, tên bút danh, tên hiệu, tước hiệu… gắn liền với tên người đó, tất cả đều được viết hoa như tên riêng người. Ví dụ:
Bố Cái Đại Vương, Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Trần Quốc Tuấn được phong tước Hưng Đạo Đại Vương nên cũng gọi là Trần Hưng Đạo; Nguyễn Du tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên; Hàn Mặc Tử bút danh của Nguyễn Trọng Trí, Tú Mỡ bút danh của Hồ Trọng Hiếu; v. v…
B.b. Một số người Việt ngoài tên riêng còn có kèm theo từ (vốn là danh từ chung) chỉ học vị, chức vụ, ngôi thứ… Trong trường hợp từ vốn là danh từ chung đi kèm với tên riêng rất gắn bó, trở thành tên gọi của chính người đó, thì từ vốn là danh từ chung đi kèm này cũng viết hoa như viết tên riêng để biểu hiện sự riêng hoá. Ví dụ:
Bác Hồ, Bác Tôn; Trạng Trình; Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến; Nghè Tân; Cử Trị; Đồ Chiểu; Đề Thám; Tú Xương, Đội Cấn; Cống Chỉnh; Cả Trọng, Tám Luông, v.v…
C. Viết hoa tên địa lí tiếng Việt (Việt Nam)
C.a. Tên địa lí Việt Nam, xem như danh từ riêng – tên riêng, viết hoa tất cả các chữ cái đầu âm tiết như tên người. Ví dụ:
Hà Nội; Huế, Đà Nẵng, Bắc Ninh; Biên Hoà; Cầu Dền; An Cựu ĐônG, Tả Thanh Oai, Bờ Hồ (Hà Nội); Cửa Tùng, Bãi Cháy; Trà Kiệu Tây; Hà Tây; Nam Hà; Vũng Tàu, v.v…
C.b. Các từ chỉ phương hướng dùng để chỉ chính địa danh của một vùng, một miền…, thì cũng viết hoa như viết hoa tên riêng, nghĩa là viết hoa các chữ cái đầu các âm tiết của từ chỉ phương hướng đó. Ví dụ:
Đông Dương, Bắc Đông Dương, Đông ÂU; (vùng) Trung Mỹ, (miền) Cận Đông, Bắc Ailen; Bắc Bán Cầu; Bắc Cực, Nam Bán Cầu; Nam Cực; Trung Phi; Đông Nam Á; Nam Bộ; Trung Bộ; đường tàu Bắc – Nam; quan hệ Đông – Tây; lối sống phương Tây; lễ giáo phương Đông, v.v…
Chú ý: Các từ chỉ hướng chứ không chỉ địa danh cụ thể, thì những từ đó không viết hoa. Ví dụ:
gió mùa đông bắc; Mặt Trời mọc đằng đông lặn đằng tây, Hà Nội bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía tây giáp tỉnh Hà Tây; cơn bão ở 1110 kinh đông và 210 vĩ bắc, v.v…
C.c. Địa danh vùng dân tộc thiểu số Việt Nam được gọi tên theo cách nói và viết (nếu có) tiếng dân tộc đó, thì chuyển sang lối viết La-tinh hoá của chữ quốc ngữ và viết như nguyên tắc viết hoa tên địa lí tiếng Việt đã nêu trên. Ví dụ:
(huyện) Krông Chro, Kon Plông, Đắc Giây, E H’Leo, Mơ Đrác, Cư M’ga, A Dưn Pa, Phăng Xi Păng, v.v…
C.d. Tên các châu của trái đất, các biển lớn của trái đất, tên các thiên thể… xem như tên riêng (chỉ có một), viết hoa như quy tắc viết hoa tên địa lí tiếng Việt đã nêu trên, từ châu không viết hoa, trừ ở đầu câu. Ví dụ:
Châu Á, châu Âu, châu Mĩ, châu Phi, châu Đại Dương, Thái Bình Dương. Đại Tây Dương, mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất, Sao Mộc, Sao Thiên Vương, sao Hoả, v.v…
III. VIẾT HOA TÊN GỌI KHÔNG PHẢI DANH TỪ RIÊNG
Tên gọi ở đây để chỉ chung các loại tên: tổ chức, cơ quan, đoàn thể, nhà máy, công ti, trung tâm… được dùng để gọi như một đơn vị định danh, như một tên riêng, nhưng chúng không phải là danh từ riêng. Có tên gọi không phải là một từ mà là một chuỗi từ, trong đó có cả danh từ chung và danh từ riêng, hoặc chỉ toàn danh từ chung. Ví dụ: Sở Khoa học công nghệ và môi trường, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, v.v…
Tuy tên gọi các cơ quan, tổ chức… kiểu này là tên riêng nhưng không thể xem chúng là danh từ riêng để viết hoa tất cả vì trong các thành tố kết hợp làm nên tên gọi của chúng không có những tiêu chí đầy đủ của một danh từ riêng. Căn cứ vào các yếu tố của tên gọi có thể rút ra một cách viết hoa phù hợp với cách viết hoa chung của chuẩn chính tả tiếng Việt. Ví dụ:
Trường đại học Tây Nguyên
Trường đại học Tổng hợp Huế
Có thể rút ra nhận xét sau:
a. Thường bắt đầu một tên gọi, coi như một tên riêng, phải viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu cả bộ phận đó theo quy tắc chung của chuẩn chính tả tiếng Việt; gọi bộ phận này là (a).
b. Bộ phận danh từ chung chỉ nhiệm vụ,chức năng… của chúng, phân biệt với nhiệm vụ, chức năng…. của những tên gọi khác nên cũng viết hoa chữ cái âm tiết đầu của chúng. Tuy nhiên, chúng là danh từ chung nên chỉ viết hoa như danh từ chung: trừ chữ cái âm tiết đầu của chúng được viết hoa, còn lại viết chữ thường; gọi bộ phận này là (b).
c. Bộ phận danh hiệu hoặc lấy làm danh hiệu vốn là danh từ riêng (Trần Hưng Đạo, Hô-xê Mác-ti, Thành Lễ,…), nhưng có khi chỉ là danh từ chung làm danh hiệu (Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông, xã Hạnh Phúc); các danh từ chung này đã được riêng hoá (coi như chỉ có một mà thôi) xem như một danh từ riêng, như vậy chúng cũng được viết hoa tất cả các chữ đầu âm tiết như danh từ riêng; gọi bộ phận này là (c).
d. Bộ phận chỉ địa điểm (Việt Nam, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Ba Đình,…) là địa đanh phải viết hoa tất cả các chữ đầu âm tiết như viết tên địa đanh đã quy định; gọi bộ phận này là (d).
Với cách viết như vậy, dù tên gọi dài, ngắn ta vẫn có thể xử lí theo quy tắc chung của chuẩn chính tả tiếng Việt. Ví dụ:
Công ti liên doanh Tư vấn và dịch vụ khoa hoc kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.
a b d
Trường đại học Nông nghiệp Hô-xê Mác-ti Hà Nội
a b c d
Bộ Giáo dục và đào tạo
a b
Trường đại học Tây Nguyên v.v…
a d
IV. VIẾT HOA TU TỪ
Viết hoa tu từ luôn thể hiện sắc thái biểu cảm, là một cách viết hoa danh từ chung, nhưng nhằm thể hiện ý muốn riêng hoá (chỉ có một) cái chung nào đó một cách có ý thức. Lối viết hoa này ít nhiều mang tính cá nhân người viết. Tuy nhiên cách viết hoa tu từ ngoài việc thể hiện ý nghĩa riêng hoá mà người viết muốn thể hiện, còn cần có sự chấp nhận chung của cộng đồng xã hội dùng ngôn ngữ đó. Cách viết hoa tu từ phổ biến hiện nay là:
a. Tỏ sự tôn kính, suy tôn, trân trọng… một số danh từ chung được viết hoa. Ví dụ:
Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ
(Tố Hữu – Việt Bắc)
Bác Hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Tôn, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Cách mạng tháng Tám, Xô viết Nghệ Tĩnh, Mặt trận bình dân, Đại thắng mùa xuân 1975, Đại phá quân Thanh, Cách mạng Mùa Thu, v.v…
b. Tên gọi các danh hiệu vẻ vang, các huân chương, huy chương. Ví dụ:
Huân chương Độc lập; huân chương Sao vàng; huân chương Quân công; huân chương (huy chương) Chiến công; huân, huy chương Chiến thắng; huân, huy chương Kháng chiến; huân, huy chương Hữu nghị; huân, huy chương Chiến sĩ vẻ vang, Nghệ sĩ nhân dân; Nhà giáo nhân dân; Nhà giáo ưu tú; Anh hùng lực lượng vũ trang; Tổ quốc ghi công; Bảng vàng danh dự; Quốc khánh 2 tháng 9…
c. Tên các năm âm lịch, các ngày tiết âm lịch, ngày tết. Riêng các năm âm lịch viết hoa tất cả các chữ cái đầu các âm tiết như danh từ riêng. Ví dụ:
năm Ất Hợi, Giáp Tuất, Nhâm Thân,… tết Nguyên đán, Trung thu, Đoan ngọ,…; tiết Đông chí, Đại hàn, Lập xuân,…
d. Tên các sách báo, nếu là tên gọi (gồm danh từ chung và danh từ riêng, hoặc chỉ là danh từ chung), thì viết hoa như đã nói ở mục III: viết hoa các tên gọi không phải danh từ riêng. Ví dụ:
báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân, Văn nghệ, tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, sách Việt sử thông giám cương mục, sách Đố tục giảng thanh và giai thoại chữ nghĩa, sách Bộ luật hình sự, v.v…
e. Tên các tôn giáo, giáo phái, đạo… bằng tiếng Việt được viết hoa như viết danh từ riêng. Ví dụ:
Đạo Phật, Lão, Tin Lành, Cao Đài, Hoà Hảo, Bà La Môn; phái Thiền Tông, Mật Tông, Đại Thừa, Tiểu Thừa…, Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa giáo, Nho giáo, Hồi giáo,…
g. Trường hợp các danh từ chung là một con vật, đồ vật, sự vật được dùng làm tên gọi, nghĩa là được riêng hoá hoặc một cách nhân cách hoá, thì sẽ viết hoa như danh từ riêng. Ví dụ:
Dế Mèn phiêu lưu ký; bà Chổi Tre; chị Bướm Vàng bên cụ Bướm Hoa, v.v…
V. VIẾT HOA TÊN RIÊNG NƯỚC NGOÀI TRÊN VĂN BẢN TIẾNG VIỆT
Tên riêng nước ngoài bao gồm tên người, tên đất (địa danh), tên gọi tổ chức, cơ quan, đoàn thể… được viết trên văn bản tiếng Việt dưới các hình thức: Việt hoá và được viết như tiếng Việt; theo âm Hán – Việt; dịch nghĩa sang tiếng Việt và viết như tiếng Việt (không nhiều lắm); phiên âm từ nguyên ngữ sang tiếng Việt bằng các con chữ quốc ngữ; phiên tên riêng từ một ngôn ngữ nước này qua ngôn ngữ một nước khác để vào cách viết trên văn bản tiếng Việt (Ví dụ: từ tiếng Nhật, tiếng A Rập, tiếng Thái Lan… qua tiếng Anh); viết nguyên dạng tên riêng từ nguyên ngữ nước đó vào văn bản tiếng Việt; chuyển chữ (cũng gọi là chuyển tự) từ ngôn ngữ không theo hệ thống chữ La-tinh sang hệ thống chữ La-tinh như từ chữ Xlavơ… sang chữ La-tinh để viết trên văn bản tiếng Việt.
Tất cả những tên riêng nước ngoài viết theo các cách phát âm, chuyển chữ, nguyên ngữ đều có khó khăn riêng trong cách viết. Tuy vậy, cách viết hoa các tên riêng nước ngoài đó thì đơn giản hơn nhiều: Viết hoa theo cách viết tiếng Việt đã quy định trong quy tắc chính tả về tên riêng và viết hoa theo quy định viết hoa tên riêng của ngôn ngữ đó (nếu ngôn ngữ đó có cách viết hoa).
a. Các tên riêng nước ngoài đọc theo âm Hán – Việt sẽ viết hoa như viết tên riêng (tên người, tên đất) của tiếng Việt. Ví dụ:
Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Tống Khánh Linh, Kim Nhật Thành, Thành Cát Tư Hãn, Tưởng Kinh Quốc, Lý Diệu Hoa, Lý Quang Diệu, Đỗ Phủ, Lý Bạch…; Bắc Kinh, Triều Tiên, Mông Cổ,Pháp, Thụy Sĩ, Đài Bắc, Thượng Hải, Hồng Công, (núi) Phú Sĩ, Hán Thành, Bình Nhưỡng, Chiềng Mai….
b. Các tên riêng nước ngoài (tên người, tên đất) phiên âm trực tiếp từ nguyên ngữ hoặc qua cách viết của một ngôn ngữ trung gian, hoặc chuyển chữ từ hệ thống ngôn ngữ nào đó sang hệ thống chữ La-tinh, thì sẽ viết hoa như viết hoa tên riêng của nguyên ngữ hoặc theo cách viết hoa của ngôn ngữ trung gian.
Việc viết hoa tên riêng (mục b này) không khó, nhưng khó về cách viết từ của tên riêng Hiện có 3 cách viết:
b.1. Viết tách rời từng âm tiết trong một từ, giữa các âm tiết có dấu nối phân âm tiết cho dễ đọc, đồng thời cũng biểu thị tên riêng đó là từ phải đọc liền, viết liền (ở nguyên ngữ). Cách viết này dùng nhiều trên các báo chí, sách phổ cập, cũng tiện dùng cho những người không biết ngoại ngữ. Đây là cách viết tên riêng nước ngoài phổ biến nhất, mặc dù có những nhược điểm như: âm đọc đôi khi chưa chính xác vì thêm (hoặc bớt) chữ cái, thêm (hoặc bớt) âm ở nguyên ngữ để có thể ghi bằng chữ cái tiếng Việt hợp với khuôn vần, âm của tiếng Việt; không tiết kiệm về khoảng không gian trên mặt giấy. Cách viết của tiếng Việt có trường hợp xa hẳn với nguyên ngữ (cho dù cùng hệ chữ La-tinh) vì phụ thuộc vào ghi âm và con chữ cái tiếng Việt. Ví dụ:
Tên người: Đôn Ki-hô-tê (Don Qujiote), Lô-mô-nô-sốp (Lomonosov), Klin-tơn Giâu-dip Đây-vi-sơn (Clinton Joseph Davisson), Phrăng-xoa Bu-sê (Francois Bouchet), A-ra-phát, Cay-xỏn Phôm-vi-hản, v.v…
Tên đất : Ma-xcơ-va (Mockba), Rô-ma (Roma), I-ta-li-a (Italia), Ma-đrít (Madrid), Oa-sinh-tơn (Washington), Ni-ca-ra-goa (Nicaragua), A-ten (Athens), Viên (Vienna), v.v…
Tên gọi: Hãng thông tấn Roi-tơ (Reuter), v.v…
b.2. Phiên âm nhưng viết liền các âm tiết trong một từ giống như ở nguyên ngữ. Lối viết này dùng trong các sách nghiên cứu, các tạp chí, báo chuyên ngành và nói chung cho những người có ngoại ngữ. Ví dụ:
Tên người: Đôn Kihôtê, Lômônôsôp, Araphát, Klintơn, Giâudip Dâyvisơn, Phrăngxoa Busê, Cay xỏn Phômvihản,…
Tên đất: Maxcơva, Ôxtrâylia, Mianma, Nicaragoa, Pari, Brasin, Oasintơn, Pêtecbua…
Tên cơ quan: Roitơ…
b.3. Viết đúng như nguyên ngữ là cách viết hoàn toàn theo đúng chữ viết của tên riêng nước ngoài đó (nếu là cùng hệ chữ La-tinh), hoặc theo nguyên cách của lối viết chữ vuông (Hán, Nhật, Triều Tiên…). Chữ A Rập, v.v…
Lối viết này chỉ dùng trong sách và báo chí chuyên sâu, ngành ngoại giao, du lịch, thương mại…, ít phổ cập và khó khăn trong in ấn. Ví dụ:
Sébastien (phiên âm theo cách 2: Xêbatchiêng) Steinbeck (phiên âm 2: Xtaibec), Housman (phiên âm 2: Haoxơman), Ottawa (phiên âm 2: Ôtơoa), Zimbabwe (phiên âm 2: Dimbabuê), v.v…
Cả ba cách viết hoa tên riêng nước ngoài đã nói ở trên đều có mặt trên các văn bản chính thống tiếng Việt. Tuy nhiên, cách viết hoa tên riêng theo cách 1: phiên âm, viết tách rời từng âm tiết trong một từ, giữa các âm tiết của từ có dấu nối là cách viết phổ biến nhất hiện nay (theo thống kê của chúng tôi tới tháng 6-1994 trên các sách, báo, tạp chí và văn bản khác, chiếm tỉ lệ hơn một nửa cách viết tên riêng nước ngoài). Cách viết tên riêng nước ngoài theo cách 2 phiên âm nhưng viết liền các âm tiết trong một từ cũng là cách phổ biến, chiếm tỉ lệ khá cao. Cách viết tên riêng nước ngoài qua ngôn ngữ trung gian là tiếng Anh (và một phần là qua tiếng Pháp) không phải là cách viết đúng như nguyên ngữ tiếng nước ngoài của nước đó, nhưng cách viết này cũng đang được dùng nhiều và chiếm tỉ lệ khá cao trong các văn bản khác nhau: 37% cách viết tên riêng nước ngoài trên báo và tạp chí, còn trên các tạp chí chuyên ngành, quảng cáo, ngoại giao, du lịch, cách viết này chiếm gần 80%.
Sau lần tái bản từ điển này, chúng tôi lại tiến hành thống kê (chưa đầy đủ) hiện tượng viết tên riêng tiếng nước ngoài trên các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí, quảng cáo, thương mại, du lịch, ngoại giao…, thì nhận thấy hiện tượng viết tên riêng bằng tiếng Anh (trong đó cách viết tên riêng tiếng Anh từ chính các nước không có ngôn ngữ quốc gia là tiếng Anh rất nhiều, kể cả ở Việt Nam nhiều loại hàng hoá của Việt Nam, tên các tổ chức, trung tâm, dự án, nhà máy công ti ở Việt Nam của nhà nước, của liên đoàn, của công ti trách nhiệm hữu hạn…) đã chiếm trên 70% trên văn bản tiếng Việt. Vấn đề này tất yếu sẽ liên quan tới nguyên tắc viết tên riêng tiếng nước ngoài – nhất là cách phiên âm – trên văn bản tiếng Việt theo quy định của chuẩn chính tả tiếng Việt. Đồng thời việc này dẫn đến vấn đề phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài đặt ra sẽ có vẻ hợp lí và tiện lợi như chỉ nên lựa chọn một cách phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài qua một ngôn ngữ trung gian duy nhất phổ cập thế giới là tiếng Anh đối với tất cả các tên riêng tiếng nước ngoài (xuất hiện sau này) trên văn bản tiếng Việt.
Nguồn: Bachkhoatrithuc
Vô Danh (9 tháng trước.)
Level: 5
Số Xu: 383
arigathanks vì kiến thức hữu ích >w<
báu ếch Châu (9 tháng trước.)
Level: 1
Số Xu:
Mình cứ bị sai hoài .
Là Liễu (3 năm trước.)
Level: 10
Số Xu: 4639
em sẽ cố gắng đọc hết chỗ quy tắc này!