- Review truyện The Blood Sword (Thanh gươm máu)
- Tác giả: phượng băng
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [T] Không dành cho trẻ dưới 13 tuổi
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.014 · Số từ: 1979
- Bình luận: 3 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 5 ó Phương Blue Monk Saint Eguard Eun Ha
Truyện lấy bối cảnh phong kiến châu Âu, thời kì những cuộc chiến tranh diễn ra liên tục.
Chín mươi ba phần trăm màu của truyện là xám tro, màu của chiến trường, thủ đoạn. Năm phần trăm là vàng và đỏ, vàng thể hiện những đoạn yên bình, ước mơ hạnh phúc và đỏ là của tham vọng và quyền lực. Hai phần trăm còn lại là dành cho những màu khác.
Văn phong: (Do liên quan đến những mục khác nên phần văn phong sẽ chỉ dừng ở dạng khái quát, trình bày câu chữ chứ không đi sâu vào từng nhân vật, tình huống.)
Lời văn của tác giả theo một hướng riêng, không bị pha trộn hay ảnh hưởng bởi những thứ “khác thời đại” hay văn chương của người khác; khi đọc không phải lướt xuống vì những câu từ lan man, dài dòng. Cảnh được miêu tả tốt, không quá sâu khiến cốt truyện bị loãng, vừa đủ để tạo không gian cho người độc tưởng tượng, cho nhân vật không gian suy ngẫm.
Tuy nhiên, tác giả mắc lỗi trình bày đoạn hội thoại. Những chương đầu, những câu thoại của nhiều người bị gộp vào cùng một đoạn văn khiến mình bị rối, phải đọc lại nhiều mới có thể hiểu được lời do ai nói. Nhưng càng về sau (chương 8 trở đi), lỗi này càng được cải thiện tốt hơn. Nhưng đáng tiếc, tác giả lại mắc phải một lỗi khác, đó là việc viết một đoạn thoại của A nhưng vế sau (lời dẫn) lại về B, còn lời dẫn của A lại ở dòng trên.
Ví dụ: (chương 24)
[…] Trong chốc lát Logbrok phì cười khoái chí, rồi nhún vai quen thuộc của mình quay sang Diana
“Tôi chỉ muốn Akathain luyện tập thêm thể lực thôi.” Diana từ đầu luôn tỏ vẻ lạnh lùng quan sát cả hai không một động thái
(Lời của Diana).
Theo mình, ở đây tác giả nên ghép lời thoại và lời dẫn như sau:
[…] Trong chốc lát Logbrok phì cười khoái chí, rồi nhún vai quen thuộc của mình quay sang Diana: “Tôi chỉ muốn Akathain luyện tập thêm thể lực thôi.”
Diana từ đầu luôn tỏ vẻ lạnh lùng quan sát cả hai không một động thái: (Lời của Diana).
Ngoài ra, đôi chỗ dẫn chuyện bị vấp. Như trong chương 1, đoạn bắt đầu tả Fabi và Birus, khi đọc, mình đã phải ngưng lại một chút. Đang ngắm nhìn sự oai vệ của Thorn và đoàn quân khi vừa về từ chiến trường thì đột nhiên bạn xoay qua miêu tả ngoại hình, tính cách và hoàn cảnh hai người làm mình thấy tụt cảm xúc quá! Cách xưng hô “tôi”, “ta”, “ngươi”, “nhóc”,… cũng chưa thống nhất, phù hợp cho cùng người và cùng đoạn hội thoại.
Song cách tác giả dùng từ, còn bị lặp cụm “cho mình” như “mang cho mình”, “mặc cho mình” và đôi lúc, từ nối được dùng không phù hợp, lỗi logic nhỏ rải rác khắp truyện nhưng ở mức chấp nhận được. Truyện cũng có nhiều lỗi chính tả, đôi khi bị thiếu từ nhưng hầu như ở mức có thể tự suy đoán. Cách ngắt nghỉ câu văn nhiều chỗ cũng chưa ổn, có câu dài đọc mất hơi, câu dùng sai dấu (;), (,).
Mạch truyện và Nội dung: (Mục này sẽ nhận xét về nội dung tổng quát, mạch truyện, không đi sâu vào từng tình huống, tránh lộ nội dung truyện nhé.)
Mở đầu chương 1 là đoạn cuối của trận chiến với quân phản loạn. Đoạn này được tác giả miêu tả rất kĩ, khung cảnh lẫn hình ảnh nhân vật đều dễ để tưởng tượng. Đây cũng là đoạn quyết định tông màu chủ đạo của cả truyện: xám tro. Việc mở đầu bằng một trận chiến đã làm mình liên tưởng ngay đến một cốt truyện mạnh mẽ, đầy biến cố. Và đúng như mình dự đoán, truyện đi rất nhanh, biến cố xuất hiện ở ngay chương 2. Đi nhanh như vậy nhưng truyện không hề có dáng dấp của sự gấp gáp, mọi thứ diễn ra rất tự nhiên, khi đọc cảm nhận được tâm trạng nặng nề của Thorn khi có biến mà không thấy gượng gạo, một phần cũng vì hình ảnh Thorn được hiện rõ ở trận chiến trên và cách ngài ấy đối xử với vợ con, hầu cận.
Nội dung có thể coi là có sự đột phá nhẹ khi truyện không theo bất kì ai hay nói cách khác, truyện không có nhân vật chính cũng như nhân vật phản diện, chỉ kể lại khách quan mọi thứ dưới con mắt của tác giả. Đến với truyện là đến với những mặt tối của giới quý tộc, nơi mà con người ta sẵn sàng đấu đá nhau vì tham vọng và quyền lực của bản thân. Xen vào đó là tình cảm gia đình, khát vọng về một ước mơ hạnh phúc, yên bình và ngọn lửa của tuổi trẻ.
Ngoài trận chiến ở trên, những trận sau không được tác giả chăm chút kĩ lưỡng như thế, tình tiết diễn ra quá vội, miêu tả tâm lý nhân vật cũng ít, không thể cảm nhận được rõ như trận đầu. Chính vì thế nên những trận đó, tuy có quy mô lớn hơn trận đầu nhưng không thể để lại ấn tượng sâu sắc cho mình được như thế.
Tâm lý và hình ảnh nhân vật:
Cuối cùng cũng đến phần chính, hai đoạn trên mình đã phải cắt xén nhiều chỉ để cho phần này được kĩ nhất.
Vì truyện không có nhân vật chính mà tuyến nhân vật lại rất đa dạng nên mình sẽ chọn ra một vài người có ấn tượng nhất định với mình nhé.
Trước hết, tổng quát là tác giả còn yếu ở phần tâm lý, tính cách nhân vật còn vài điểm bất hợp lý.
Đầu tiên là Thorn – người được nhắc tới đầu tiên của bộ truyện. Nhân vật này qua một vài dòng đầu chương 1 được tác giả tả rất tỉ mỉ, hình ảnh oai vệ, mạnh mẽ hiện lên rất rõ, như ngay trước mắt và không có điểm bất hợp lý về tính cách trong cách xây dựng của tác giả. Mỗi tội, đoạn đầu thì được chứ đoạn sau tác giả lại miêu tả tâm lý nhân vật yếu quá! Khi Thorn bị mũi tên tẩm độc bắn trúng (chương 12), ngoài thể trạng đau đớn và tiếng hét của ngài mình nghĩ tác giả nên thêm vào sự cáu giận, sự rối loạn hoặc các quyết định mạnh mẽ,… để lý giải cho hành động sau đó của Thorn. Hay khi Thorn nói về ước mơ hạnh phúc của mình (chương 6), thiếu đâu đó nụ cười của ngài, sự khát khao trong tông giọng trầm đó. Chuyện này có mình nghĩ là do tác giả đã viết liền đoạn thoại một mạch mà không thêm lời dẫn vào.
Tiếp theo là Sigurd – gấu chiến vùng Vladimus, nghe cái tên cũng biết vị này khỏe như nào, hiếu chiến cỡ nào. Về nhân vật này, tác giả cũng nói một cách rõ ràng, có logic về tính cách nhưng vì không miêu tả sâu nội tâm nên đã dẫn đến một thiếu sót. Là lúc mình có thể thấy một khe hở để đồng cảm với người nóng tính như Sigurd thì tác giả lại không có bất kì ý gì thể hiện điều đó, đáng ra ngài ấy phải được miêu tả sự đau khổ (chương 20), không cần thể hiện ra mặt, chỉ cần trong tâm can thì lại như không có gì cả.
Kế đến là Yaki, Fabi, Birus; vị tướng và hai cậu bé này qua vài dòng (chương 1) là người đọc có thể hiểu được, hình dung được. Không có gì bất hợp lý ở cả ba người này. Nhưng nếu xét theo cảm nhận riêng của mình thì Yaki là một người lạnh lùng, nhẹ vừa phải (chương 1) thì về sau lại là người nóng tính và có chút thô lỗ nữa (chương 11, 16), rồi đoạn dẫn tâm lý và lời nói của Yaki có cảm giác bị gượng (chương 11, 16), phần này mình nghĩ là do văn viết nên không tính sai về tâm lý. Còn Fabi khi đứng trước mộ cha (chương 13), cậu có phần lạnh lùng quá chăng? Về Birus, mình muốn biết thêm về khát vọng được tham gia tiểu đội của Yaki (chương 11).
Trong các lãnh chúa thì đáng chú ý nhất là Finard – một con người nham hiểm, xảo quyệt. Nhưng tác giả cũng chỉ mới nói qua và thể hiện qua một suy tính nhất định và mình nghĩ như thế là chưa đủ tương xứng với lời dẫn, lời nói của nhân vật. Nhưng điều đó cũng chỉ bởi vì những chương trước Finard chưa đủ đất diễn để phô tài, tần suất xuất hiện của Finard chỉ mới tăng lên mấy chương cuối, độ nham hiểm cũng theo đó mà sáng tỏ. Nên mình nghĩ đây là một nhân vật rất có tiềm năng, rất đáng chờ đợi.
Kế tiếp là Miralf, tuy chưa có mấy đất diễn nhưng tính cách của ông ta được thể hiện rất rõ qua số lần xuất hiện: xảo quyệt, tàn ác. Vì thế nên đoạn tâm sự lý do thả cho Sigurd chạy (chương 22) chỉ nên là độc thoại chứ không phải là lời tâm sự với cấp dưới, nhất là khi người đó là Lorus – hầu cận bất đắc dĩ (chương 25).
Hai người cuối cùng mình muốn nhắc đến là Diana và Akathain (vợ và con của Thorn). Diana thực sự là người phụ nữ mạnh mẽ, nhưng nàng cũng rất dịu hiền. Có lẽ vì thế mà hình ảnh của nàng có nhiều điểm bất hợp lý. Tác giả có phần miêu tả hơi quá cái mạnh mẽ của Diana khiến nàng trở nên nóng tính và dường như là một người độc tài (chương 15, 16), đôi khi nàng còn nói những câu mà mình cho rằng không phù hợp với cả tính cách mạnh mẽ, hiền dịu mà giống một người tự cao, cảm tính (chương 16, 24). Về Akathain, cậu còn nhỏ nhưng lại hiểu chuyện, điều đó khiến cậu càng thêm đau đớn khi nhìn thấy cha mình trong bộ dạng bị tên độc bắn trúng (chương 15). Vấn đề ở đây là cậu chọn giấu đi sự đau đớn bằng cách lạnh lùng. Điều này không thể hiện qua thái độ của cậu với người khác mà ở ánh mắt cậu. Tác giả đã chú tâm miêu tả sự lạnh lùng đó mà quên đi mất phải vẽ thêm vào một chút đau thương. Dù lạnh lùng như nào thì cũng đâu thể không xót, ít nhất là đối với cậu bé mười tuổi, mình nghĩ nên có vài từ như “nhói”, “xót”,… được thêm vào để diễn tả quá trình thay đổi tâm trạng.
Kết: Tuy viết chưa được tốt nhưng cốt truyện lại khá hứa hẹn, vẫn còn nhiều điều đang chờ được khai thác, đáng mong đợi. Nếu xét riêng cốt truyện thì không thể chê được. Nhưng mà tác giả nên chú ý hơn vào những phần khác nhé! Truyện muốn hấp dẫn người đọc không thể chỉ dựa vào cốt đâu.
Trên đây là bài nhận xét của mình về truyện. Bài mang hướng chủ quan là chính nên có gì không thuận mắt mọi người đừng chỉ trích quá đáng nhé. Thoải mái vào góp ý, bắt lỗi bài nhưng với thái độ vui vẻ, hòa hợp nhé.
Chúc bạn Thịnh Edward ngày càng thành công với tác phẩm của mình!
Link truyện: The Blood Sword (Thanh gươm máu)
Ngỗng Ngông (3 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 17916
Chúc mừng bạn nhận được phần thưởng mở rộng vì có câu trả lời chi tiết (câu 4 trang 2) trong trò chơi "Chơi vui có thưởng".
Cám ơn bạn đã tham gia. Chúc bạn luôn vui vẻ và may mắn, cùng trải qua những thời gian vui vẻ tại Vnkings!
Seroin (3 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 3837
Cám ơn bạn đã khen! Đọc truyện rồi thấy bài review có gì không được quay lại bảo mình nha!
Blue (3 năm trước.)
Level: 11
Số Xu: 7626
Tác giả review chi tiết thật, chắc tui nên đọc thử xem sao.