- Soi đêm
- Tác giả: Vong
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 2.963 · Số từ: 3370
- Bình luận: 13 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 7 Vong Tường Vi Lão Yêu Vạn Năm Tuấn Nghĩa Nguyễn Thị Mỹ Ngọc Nadeshiko Linh Yunki
Soi đêm
Cuối hè, trời nóng nực, thi thoảng có những cơn mưa bất chợt xối tan đi một chút nóng bức của thời tiết. Những cánh đồng xanh mơn mởn được tưới gội trở nên tươi mát hơn và dần sẫm màu rồi chìm trong ánh hoàng hôn. Không còn tiếng ve, chỉ còn côn trùng rả rích, tiếng dế, tiếng nhái bè, tiếng ếch ộp oạp, tiếng châu chấu,… chúng xôm hẳn lên như thể tiếng thở kéo dài đầy mãn nguyện khi được tắm mát. Đêm cũng là lúc những sinh vật này mon men ra hưởng thụ chút nước trút của trời.
An rút cái đèn soi cũ dây đứt dây nối ra khỏi cục sạc, đội đèn lên đầu, đi đôi ủng, xách con dao chặt chuối cùn cụt để vào cái xô sơn bé nhất và đi ra ngõ. Bà Ý, mẹ An nói vọng từ trong nhà ra:
– Soi nhớ về sớm rồi đi bán cùng anh nhá, đừng đi lâu quá!
– Con biết rồi! – Nó chỉ đáp.
Ngay trước ngõ là một vũng nước to, đây là nơi An bắt đầu cho cuộc soi đêm của mình. Không như những người anh, An khá chậm chạp và tỉ mẩn trong cuộc lia đèn tìm kiếm con mồi. Mỗi một bước chân của An cực kỳ chậm rãi, đảo đèn qua lại để chắc là mình không bỏ sót con dam (1) hay con ốc nào, ngay cả con dam bé tí bằng đốt tay đang cắt cỏ hay sôi cơm trên những đám cỏ bờ, ở xa đến mấy nó cũng phải lội xuống vớt chúng vào xô cho kỳ được. Lúc bỏ vào xô nhựa thì phát ra tiếng bò lạo xạo qua lại đầy kinh hoảng của lũ dam còn nghe rõ hơn hẳn tiếng ếch nhái râm ran.
Bắt dam cần có rất nhiều kĩ xảo, và phải cẩn thận. Cần phải nhẹ nhàng, và một phát phải chụp được ngay vào tay, nếu lần đầu mà để vuột mất thì đám dam nhút nhát sẽ lặn mất tăm, lắm lúc phải đưa tay quờ quạng đáy bùn để cố mà bắt lại cho kì được lũ khôn lỏi náu mình dưới ấy làm vũng nước đục quánh cả lên. Hoặc những con ở xa thì An phải bỏ xô lên bờ và lội ra để chụp, không thì với không tới và đám trong xô cũng sẽ đổ ra mất. Còn cái độ khó nhất phải nói là lúc mấy con to to ở cùng nhau, hai con còn đỡ, nó còn có thể bắt bằng cả hai tay, nhưng nếu là ba là bốn, nó sẽ phải dùng tốc độ tay nhanh nhất như sét bổ mà chụp lia lịa không để thoát con nào, đôi lúc nó để vuột mất cũng để bản thân phải tiếc thùi tiếc thụi. Lắm lục An bị dam kẹp vào tay đến đau điếng, còn bị sứt luôn miếng da. Bàn tay nó đầy vết kẹp cũ vết kẹp mới nhiễm bùn như những vết bút đen chấm lên. Lúc bị kẹp nó cứ vẫy vẫy tay cho dam rơi xuống, có con cứng đầu cứ đu mãi ở tay làm An đau đến kêu ré lên, phải bẻ gẫy càng của chúng mới thôi.
Nay trời vừa mưa nên An bắt được khá khá trong cái vũng đấu này. Nó còn bắt được tận mấy con dam quềnh (2) xanh xanh đỏ đỏ. Lại lia đèn hết vũng nước một lần nữa để xác định mình không bỏ sót con nào nó mới đành chịu chuyển bước qua con mương bên cạnh. Con mương này khá rộng, mà nước thường xuyên bẩn, còn có rất nhiều đỉa, dam cũng ít, nhưng hôm nay nước về khá to cộng thêm cả nước mưa nữa nên An quyết định sẽ đi thật chậm thật kỹ chứ sẽ không lướt qua đấy như mọi ngày. Đi được một quãng An nhặt được vài con, nó đã phải nhảy qua nhảy lại giữa hai bờ mương để chụp trọn mấy con dam quềnh lẫn dam khai sinh. Nhiều lúc nó phải chọn đi chọn lại cái chỗ hai bờ hẹp nhất dễ nhảy nhất để đôi chân ngắn cũn có thể nhảy qua mà không làm rớt mất con nào khỏi xô, vì nước mương quá sâu, còn lút quá bắp đùi nên nó chả dám lội. Lắm lúc nó chỉ ước mình không sợ lũ đỉa, sẽ không nhảy quéo lên mỗi khi thấy sinh vật hút máu ấy để lội nước phăng phăng như anh nó thôi.
Một cân dam trung bình từ hai mươi đến sáu mươi ngàn, lúc đắt đỏ nhất là lên tận sáu mươi, nhưng bình bình vẫn chỉ là ba mươi rồi ba lăm. Có những hôm đem đi cân bán chỉ được hai chục một cân thì y như rằng mấy thanh niên tiếc rẻ mà chậc lưỡi, lại có những nhà mang đi bán thấy bèo quá đành mang về nhốt chờ hôm sau tăng giá khiến chúng chết đi không ít. Có hôm giá tăng cao, thì người đi soi đêm lại tăng hẳn, cả đêm ánh đèn lấp lóe rộn khắp đồng trước đồng sau, còn mặt mày phấn khởi mà đi móc cả ban ngày. Ốc bươu đen giá cũng sàn sàn là thế, nhưng có khi còn thấp hơn. Còn rắn, rắn đẻn, cái bản sao thu nhỏ của họ nhà trăn lại đắt hơn cả. Một con rắn một ngàn, to hơn tý thôi là ngàn rưỡi rồi. Rắn đẻn, rắn đục, rắn nước An gặp rất nhiều nhưng không dám bắt. Nó sợ rắn lắm! Chỉ chực thấy anh là nó hú lên để anh nó bắt thôi. An nó chỉ bắt được mấy con dam con ốc ở bờ mương vũng đấu mà thôi.
Và đi hết con mương này là đến nhà cái Hi. Tiếng ủng sột soạt trên đường, tiếng dam bò nhốn nháo, lạo xạo trong xô sơn, ánh đèn tia quay quay vì bước chân của An khiến cho đám chó nhà Hi sủa ầm ĩ lên. An lớn tiếng gọi:
– … Hi ơi Hi! Đi soi!
Nó gọi đi gọi lại mấy lần mới át được tiếng chó sủa. Từ trong nhà đi ra, Hi ra ngõ há miệng oang oang đuổi chó rồi nói:
– Mẹ tau nói trời mới mưa nhiều rắn, nỏ đi!
– Đi đi, dam bữa ni đắt lắm! Năm lăm một cân lận…
– Mi đi đi, tau có dam móc ban ngày, cũng được tầm mấy lạng, khi đi bán nhớ kêu tau.
– Đi đi, mấy lạng ít lắm, bữa ni dam ra nhiều, rắn thì đi ủng…
Rồi An cũng rủ được Hi đi cùng. Hi lanh và mau mắn hơn An, vừa ra thôi mà con bé đã soi được kha khá. Đi một chốc, nó vớt lên một con ốc và gọi An:
– Mi ơi, đây phải ốc bêu (3) không?
– Nỏ phải, đây ốc bêu vàng. Bêu đen nhìn đẹp hơn, còn có vệt trắng ở giữa yếm nữa, ở hồ hay có hơn. – An nhìn một lúc rồi đinh ninh.
– Mi siêu thật! – Hi thán phục.
An ngó vào xô của Hi soi xét, nó thấy một con dam mềm nhũn dặt dẹo, đưa tay kéo nó ra thì bị Hi giành lại:
– Mi lại bắt dam sữa nữa à? Đừng bắt, cho hấn sống đi! Xuống rồi họ cũng nhặt ra thôi, mất công!
– Không! Tau bắt về náng ăn, ngon lắm mi ạ! – Hi cong cớn lên.
An không ngờ là Hi còn có thể ăn như vậy. Cái loại dam sữa mới lột xác mềm mềm nó chán không muốn bắt, mà Hi lại có thể nghĩ đến việc nướng lên. Chỉ cần nghĩ đến hình ảnh lửa xì xèo trên đôi càng làm sữa trắng trào ra là nó đã thấy thích rồi…
Sau đó An và Hi vẫn đi cùng nhau, vừa chụp dam vừa nói với nhau đủ chuyện trên trời dưới đất. Hai đứa phân chia với nhau đứa ruộng này đứa ruộng kia, đứa bờ ruộng này đứa bờ ruộng kia, nếu là mương thì mỗi đứa một bên. Nhiều lúc An lăm le trong tay con dao cùn với mấy con cá tràu, cá chạch rồi lươn hòng chặt nhưng không cú nào thành công, khiến nó cứ tiếc mẩm hoài.
Đi hết một đội đồng An mới gặp được anh mình đang đi chung với bạn. Nó ngó vào cái xô sơn cỡ bự của hai anh, vừa vui mừng vừa hỏi:
– Hai anh đi mô về đây? Nhiều nhiều, mấy con rắn? Eo, dam kẹp lươn chảy máu rồi…
– Đội Tùng với Thùng Nấm, siêu không? Nhà tau đi tiếp, mi đi tí rồi về đi. – Anh thứ ba, Chuột hỏi với giọng tự hào rồi ra lệnh cho nó.
Nhưng An chả nghe, nó đi sát anh mình nhặt mấy con be bé mà anh nó chừa ra vì cho rằng đấy là những con “chưa được khai sinh”. Còn Hi thì đi bờ mương khác khi nghe An bảo mình đi với anh trai tí rồi quay lại đi cùng nó. Đi được một lát, Hi đã nghe tiếng kêu của anh em An:
– An, tắt đèn chạy mau…! Hổ mang!
– Tắt đèn á…
Và tiếp đó là một hồi chạy xồng xộc xen lẫn tiếng thở hồng hộc rồi của ba anh em nhà An, Hi sợ, cũng chạy, hẳn một mạch lên đường lớn. Sau khi Áo và Chuột đã xác nhận là không có rắn hổ mang đuổi theo mới yên tâm bật đèn vừa cảm thán vừa hù dọa An cùng Hi. Và rồi thì cả đám cười phá lên. Thì ra những người trước đi soi cũng từng bị rắn hổ mang, cạp nong, cạp nia đuổi chạy thục mạng, cứ bật đèn là nó cứ đuổi theo không dứt, nên mới phải tắt đèn mà chạy thục mạng như thế.
Anh nó cứ đuổi hai đứa nó về và đi tiếp, nhưng nó vẫn muốn đi nữa, phải chụp cho đủ một cân mới thỏa lòng. Hi hơi sợ, nên nó về luôn, chờ An về và kêu nó đi bán.
An xách cái xô bé tí đầy gần nửa rồi đi tiếp. Được một lúc thì đến nhà bà, cũng khá khuya nên nó quyết định vào rửa tay rửa chân và xách bộ theo đường trục trở về. Nghe thấy tiếng An, anh cả từ trong nhà đi ra xách lấy cái xô ước chừng và bảo:
– Cũng được tầm bảy tám lạng… Đi ra đây theo anh, anh nhặt cho vài con đủ cân.
– Thôi, để bữa khác, em về đi bán kẻo muộn… – An từ chối có chút lưỡng lự.
– Ra anh nhặt tí thôi! – Nói rồi anh xách xô đi luôn ra hồ.
An chỉ đành theo sau. Hồ này có góc khuất sau mấy rặng tre và dãy bạch đàn, phi lao. Nó hơi sợ vì mấy chuyện kể về nơi này. Nó không muốn anh vào, nhưng anh nó đã lội xuống mất rồi. An chỉ đành dặn:
– Anh đi cẩn thận gây mẻ (4), cận thận rắn đó!
Nó chờ một lúc thôi mà đã thấy sốt ruột, cứ gọi với hỏi xong chưa và giục anh nó mãi. Chắc tại nó giục chắc cũng vì phần đã nhặt được kha khá, thêm cái đèn cũ đã yếu mờ nên anh bì bõm lội ra và trao xô cho nó. Nặng hơn, còn có thêm mấy con ốc bươu nữa. Tiếng dam cứ bò lạo xạo lạo xạo hết cả lên. An nhìn kỹ thì còn thấy nhiều hơn mấy con dam quềnh màu đen. Nó reo lên và giục anh nó về tắm rửa, còn nó thì hí ha hí hửng chạy thật nhanh về nhà để kịp giờ đi bán.
Chạy qua nhà Hi, nó hét toáng lên:
– Hi, đi bán. Hi!
Chờ đến lúc có tiếng ới lại nó bèn chạy thẳng về nhà. An vẫn cố soi lại qua quýt ở cái vũng trước ngõ. Mẹ thấy nó về liền bảo:
– Anh đi bán trước rồi, chờ không được mi. Mi ra ngoài hồ nhặt xem, mưa nhiều ốc bêu nổi lên lắm. Rồi mẹ đi mượn xe cho mà đi bán.
– Tí con Hi ra đi bán, hấn (5) chở con rồi, không cần mượn xe mô ạ!
Hi vẫn chưa đến, nên An chạy ra hồ và nhặt được thêm mấy con ốc thật. Rồi nó về đổ hết cả dam lẫn ốc ra chậu. Nó nhặt dam cho vào túi lưới và để đám con ốc vào túi ni lông cột riêng ra. Xong xuôi thì cũng vừa kịp lúc Hi đến. Mẹ nó hỏi:
– Mi được hơn cân không Chút Hi?
– Không đến ả (6) ạ! Tầm tám lạng là cùng. An nó soi được nhiều hơn con. – Hi nhanh nhẹn đáp và giục An lên xe.
Hai đứa chở nhau trên chiếc xe đạp cọc cạch, đi hơn một cây số mới đến chỗ bán. Vẫn đông lắm! Bà Thường Thục còn đang ngồi lựa dam vào túi lưới để cân. Nhiều con dam mồi (7) nhát cáy bị bà vứt ra khỏi chậu đang cố hết sức bò ra đất đào hầm trốn, rồi những con dam lỡ còn cố gắng tranh giành sự sống, con bé thì bò khắp sân, con lớn thì không thoát khỏi số phận, vẫn bị hốt vào lưới. Số dam đang lựa là của ông Hồng ở gần nhà An, ông ta bắt rất nhiều dam mồi, rồi ốc bươu vàng, còn bắt cả rắn đục nữa… Người ta nhặt ra vứt gần hết những thứ gì ông soi được. Và còn lại chỉ có mấy lạng dam, bà Thường Thục nhìn qua gương mặt già nua cùng bàn tay sần sùi nhăn nheo còn đậm mùi bùn của ông ta rồi thở dài gom mấy con ốc bươu vàng vào chung một chỗ và nói:
– Tui mua chỗ này cho ông năm ngàn, mấy con rắn nữa là mười ngàn. Tổng là bốn mươi nhá.
Trên gương mặt ông Hồng còn rõ thắc mắc:
– Tận mấy lạng ốc mà có năm ngàn thôi à?
– Thương ông mới mua cho ông thôi, chứ ai đời lại đi mua ốc bêu vàng bao giờ, lần sau có bắt thì bắt ốc bêu đen nhá. – Cô con gái của bà Thường Thục nhanh mép.
Rồi ông ta im lặng, nhận lấy bốn mươi ngàn và ra về. Còn An vẫn châu đầu vào tai Hi trong tiếng cười bàn tán ồn ào của mấy người xung quanh, nó thỏ thẻ:
– Ê mi, rắn đục họ cũng không mua mà há?
Cứ chờ mấy người lựa lựa cân cân một lúc mới đến An và Hi. An được tận một cân mốt, còn thêm mấy lạng ốc bươu. Hi chín lạng già, cũng được tính cho là một cân. An bán được tám chục cả cua lẫn ốc còn Hi thì vừa hay năm chục ngàn. Hai đứa trở về và hẹn hôm sau sẽ đi tiếp sau thắng lợi của đêm nay.
An về đến nhà liền thấy mẹ và anh vẫn đang đứng trước cửa trò chuyện. Nó hỏi:
– Hai anh bán ở mô mà em không thấy? Được mấy cân? Mấy tiền? Nhiều không?
– Nhà tau bán ở ông Sáu, đi ra sau cầu kênh, ngái (8) hơn Thường Thục. Cân sáu mươi. Tau với thằng Ri được ba cân hai, tau một cân tám hấn một cân bốn. Thêm mười hai ngàn tiền rắn đẻn, ba mươi ngàn tiền ốc. Mi đếm coi mấy tiền? – Anh Áo trả lời với cái giọng khỉnh khỉnh đầy vui vẻ.
– Thì… hai trăm ba…? Ừ, hai trăm ba tư… Em lại được thêm tám chục nữa. – An vui mừng lẩm bẩm. Rồi lại réo lên.
Chưa bao giờ anh em nhà nó soi được nhiều như này và tiền bán dam bán ốc của nhà An lại được nhiều đến thế. Đây là ngày được mùa nhất trong mùa soi của nhà nó. An mừng khấp khởi, lấy giọng hỏi mẹ với ánh mắt mong chờ:
– Mẹ ơi, cho con đi mua chè đỗ đen gói một ngàn để đông nhá? Một người một gói nhá? Mẹ một gói bố một gói, anh Nầm một, anh Áo một, anh Chuột một, con một, thằng Cọt một…
Và mẹ gật đầu đồng ý. An sung sướng chạy đi mua ngay và về phân phát cho mỗi người. Rồi đạp chiếc xe cọc cạch mang về bà cho anh cả. Xong xuôi mọi thứ nó mới chịu về nhà để tắm, xổ ủng, chùi dao, tráng xô, sạc đèn cho buổi tối ngày mai và rồi tắt đèn đi ngủ.
Liệu giấc mơ của An có là những con dam quềnh, con ốc bươu… hay là một thứ hạnh phúc giản đơn nơi chân quê mộc mạc, nơi mà đêm hè nào cũng có ánh sáng của những người soi đêm lóe dọi ở tận cánh đồng.
Đèn đã tắt, mọi người đều đã đi ngủ nhưng ngoài kia vẫn vang lên dàn đồng ca của côn trùng mùa hạ. Những động vật về đêm vẫn râm ran trong màn sương cưởi se lạnh. Đâu đó trên đồng vẫn còn ánh đèn lia chớp nhoáng. Và trong nhà lại vang lên tiếng tặc lưỡi đầy tiếc nuối của thạch sùng. Đêm vẫn chưa hết…
___ HẾT ___
Chú thích:
(1) Dam: cua đồng
(2) Dam quềnh: cua đồng có đôi càng lớn
(3) Ốc bêu: ốc bươu
(4) Gây mẻ: gai và mẻ chai
(5) Hấn: hắn (dùng được cho cả nam lẫn nữ)
(6) Ả: chỉ người phụ nữ đã lấy chồng và đã có con
(7) Dam mồi: cua đất (hay đào hầm trong vườn, sống trên cạn)
(8) Ngái: xa
Vong (4 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 15936
Cảm ơn mọi người đã ủng hộ mình rất nhiều!
Vong (4 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 15936
Cảm ơn Cà Phê nhé!
Mình sẽ xem xét và từ từ sửa lại cho thích hợp!
Cảm ơn bạn đã ủng hộ rất nhiều!
Linh Yunki (4 năm trước.)
Level: 10
Số Xu: 5657
Tặng Vong chút xu. Cố lên nha!
Nadeshiko (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 15046
Nói thật m xem k hiểu tiếng miền trong. Nhưng mà đọc bài này lại thấy đơn thuần và dễ thương quá, làm m nhớ ngày xưa các anh trai m cũng thích đi soi đêm bắt cua hoặc ếch. Bây h mỗi người một nơi rồi.
Nadeshiko (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 15046
Ủng hộ tác giả nhé
Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 6128
Ủng hộ tác giả!!!
Trường Thi (4 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 29867
Bài bạn đọc nghe dậy mùi bùn, hương quê đặc sệt... Hay lắm!
Tuấn Nghĩa (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 4770
Đọc truyện của tác giả như thấy tuổi thơ ùa về ấy?
Ủng hộ xíu
Lão Yêu Vạn Năm (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1655
Ca thích bộ trước hơn. Nội dung có chiều sâu và lắng đọng hơn.
Vong (4 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 15936
Ui, em cảm ơn chị nhiều lắm!
Ai cũng có một tuổi thơ thật dữ dội! Rất vui vì bài viết của em có thể làm chị dâng trào xúc cảm!